Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin PTTPGQT / Lễ Húy nhật năm thứ Tư của Đức cố Đệ tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang tại Tu viện Nguyên Thiều, tỉnh Bình Định, và ở Hải ngoại tại chùa PhápLuân, thành phố Houston, Hoa Kỳ

Lễ Húy nhật năm thứ Tư của Đức cố Đệ tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang tại Tu viện Nguyên Thiều, tỉnh Bình Định, và ở Hải ngoại tại chùa PhápLuân, thành phố Houston, Hoa Kỳ

Download PDF

PARIS, ngày 25.7.2012 (PTTPGQT) – Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế vừa nhận được Bản Tin Lễ Húy nhật Đức cố Đệ tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang tổ chức tại Tu viện Nguyên Thiều tỉnh Bình Định do Viện Hóa Đạo viết ngày 23.7.2012 gửi sang Paris.

Đồng thời ở Hải ngọại tại chùa Pháp Luân, thành phố Houston, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ, hôm chủ nhật 15.7.2012, Văn Phòng II Viện Hóa Đạo và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ tổ chức long trọng lễ Húy nhật bốn năm ngày Đức Tăng Thống Thích Huyền Quang viên tịch.

Xin được thứ tự trình bày hai cuộc lễ trong và ngoài nước ấy như sau :

Bản tin Lễ Húy nhật
Đức cố Tăng Thống Thích Huyền Quang tại Quốc nội

Sau Lễ Đại Tường của Đức Cố Đệ Tứ Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) Thích Huyền Quang năm 2010, do thỉnh nguyện của Môn Đồ và Hiếu Quyến nên Hội Đồng Lưỡng Viện GHPGVNTN đã chấp thuận để Môn Phái đứng ra tổ chức Lễ Húy Nhật Đức Cố Đệ Tứ Tăng Thống hằng năm.

Linh đài Đức cố Đệ tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang, Hình PTTPGQT
Linh đài Đức cố Đệ tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang, Hình PTTPGQT

Phái đoàn Hội đồng Lưỡng Viện GHPGVNTN tiến vào sân Tu viện Nguyên Thiều. Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Thích Viên Định hình bên phải, Hòa thượng Thích Như Đạt, thành viên Hội đồng giáo phẩm Trung ương Viện Tăng Thống, hình bên trái, Hình PTTPGQT
Phái đoàn Hội đồng Lưỡng Viện GHPGVNTN tiến vào sân Tu viện Nguyên Thiều. Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Thích Viên Định hình bên phải, Hòa thượng Thích Như Đạt, thành viên Hội đồng giáo phẩm Trung ương Viện Tăng Thống, hình bên trái, Hình PTTPGQT

Tuy nhiện đến ngày húy nhật, Đại Diện Hội Đồng Lưỡng Viện (Viện Tăng Thống và Viện Hóa Đạo) cùng Chư Tăng và Phật Tử trên Toàn Quốc đều vân tập về Tu viện Nguyên Thiều để đảnh lễ Giác Linh, truy niệm Công Hạnh và thăm viếng Bảo Tháp của Ngài.

Năm nay, âm lịch Nhâm Thìn, 2012, Phái Đoàn của các Tỉnh Thành thống thuộc GHPGVNTN đã lần lượt tề tựu tại Tổ Đình Thập Tháp từ đêm mồng 2 tháng 6 âm lịch để kịp sáng mồng 3 tháng 6 cùng nhau lên đường đến Tu viện Nguyên Thiều cử hành Đại Lễ cúng dường.

Phái Đoàn Hội Đồng Lưỡng Viện xuất phát tại Tổ Đình Thập Tháp lúc 8g sáng , đến Tu Viện Nguyên Thiều lúc 8g30 được Hòa Thượng Thích Quảng Bửu, Trụ Trì Tu Viện Nguyên Thiều cùng Chư Tăng cung đón niềm nở. Tuy nhiên, từ sân trên đến sân dưới và khu vực Bảo Tháp, công an thường phục rất đông đảo, theo dõi quay phim và chụp hình.

Công an mặc thường phục theo dõi và quây phim, Hình PTTPGQT
Công an mặc thường phục theo dõi và quây phim, Hình PTTPGQT

Sau khi vân tập trước Linh Đài, người xướng ngôn Đại lễ đã trang trọng giới thiệu Phái Đoàn Đại Diện Hội Đồng Lưỡng Viện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất dâng lễ Tưởng Niệm.

Lễ Tưởng Niệm gồm có 3 phần : Dâng Lời tác bạch, Tưởng niệm và Truy tán, và Đảnh lễ Bảo tháp.

1/. LỜI TÁC BẠCH DÂNG LÊN ĐỨC CỐ ĐỆ TỨ TĂNG THỐNG :

Đại diện Phái đoàn Hội đồng Lưỡng Viện, Hòa Thượng Thích Như Đạt dâng lời Tác bạch như sau :

“Thành kính Đảnh Lễ Giác Linh Đức Cố Đệ Tứ Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất,

“Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

“Ngưỡng Nguyện Giác Linh Đức Cố Đệ Tứ Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất,

“Hôm nay, nhân Lễ Húy Nhật Lần Thứ Tư của Ngài, chúng con thay mặt Hội Đồng Lưỡng Viện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cùng Chư Tăng và Đồng Bào Phật Tử các tỉnh, thành trên toàn quốc vân tập về đây để tưởng niệm ngày Ngài Cao Đăng Phật Quốc.

“Thấm nhuần giáo lý của Đức Từ Phụ, chúng con vẫn biết rằng sinh ký tử quy, nhưng Ngài ra đi giữa lúc nước nhà đang nghiêng ngửa, dân tộc đang khốn khổ điêu linh, và đạo pháp đang bị bách hại vô cùng khốc liệt.

Hòa thượng Thích Như Đạt tác bạch trước Linh đài, Hình PTTPGQT
Hòa thượng Thích Như Đạt tác bạch trước Linh đài, Hình PTTPGQT

“Ngài ra đi giữa lúc công hạnh chưa viên mãn, chí nguyện chưa hoàn thành, để lại cho chúng con bao mối cảm hoài thương tiếc khôn nguôi, nhưng chúng con cũng vô cùng tự hào vì Ngài đã vạch đường cho Giáo Hội, cho Đồng Bào Việt Nam trong cũng như ngoài nước, một Con Đường Giải thoát, mà chúng con đang vững chãi bước theo dưới sự lãnh đạo của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ, kế thừa công cuộc Dựng nước và Giữ nước của Chư Lịch Đại Tổ Sư, nhằm xiển dương Chánh Pháp của Như Lai, bảo vệ toàn vẹn Lãnh Thổ Lãnh Hải của Dân Tộc đang bị Trung Cọng xâm lăng, cũng như đấu tranh cho an vui và hạnh phúc của 85 triệu con dân nước Việt đang bị Cọng Sản chà đạp.

“Ngưỡng Bạch Giác Linh Ngài

“Giờ đây :

“Bên kia bờ tịch diệt, tâm nào đây mà tưởng nhớ cho cùng,
“Và bên nầy bến trầm luân, lời nào đây mà thở than cho tận.

“Chúng con chỉ biết đảnh lễ trước Giác Linh Ngài và nguyện khâm tuân Giáo Chỉ của Ngài để hoàn thành sứ mệnh Đạo Pháp Xương Minh, Tổ Quốc Quang Phục, mà Ngài đã suốt một đời hy hiến trong khổ nhục và áp bức.

“NAM MÔ THƯỜNG TINH TẤN BỒ TÁT MA HA TÁT.

Mọi người hiện diện lặng người cảm xúc sau lời tác bạch của Hòa Thượng Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo.

II/. PHẦN TƯỞNG NIỆM VÀ TRUY TÁN CÔNG ĐỨC CỦA ĐỨC CỐ ĐỆ TỨ TĂNG THỐNG :

Hòa Thượng Viện Trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN, Thích Viên Định đã dâng lời Tưởng niệm và Truy tán công đức Một Đời Vì Đạo Vì Dân của Ngài, đồng thời dâng lên Ngài sự có mặt các thành phần phái đoàn trên toàn quốc, đã vượt bao khó khăn để về đây đảnh lễ Ngài, hầu đền đáp công đức cao dày của người lãnh đạo tiên phong yêu sách nhà cầm quyền Cộng sản phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, để hôm nay tất cả chúng con được sống còn trong chánh nghĩa Đạo Pháp và Dân Tộc và vững bước theo chân Ngài trong công cuộc giải trừ Pháp Nạn và Quốc Nạn.

Hòa thượng Thích Viên Định dâng lời Tưởng niệm và truy tán công đức của Đức cố Đệ tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang, Hình PTTPGQT
Hòa thượng Thích Viên Định dâng lời Tưởng niệm và truy tán công đức của Đức cố Đệ tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang, Hình PTTPGQT

Đại Diện Hội Đồng Lưỡng Viện gồm có :

– Hòa Thượng Thích Viên Định, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo.
– Hòa Thượng Thích Như Đạt, Thành Viên Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương Viện Tăng Thống, Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo
– Hòa Thượng Thích Thanh Quang, Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo
– Hòa Thượng Thích Không Tánh, Tổng Vụ Trưởng Tổng vụ Từ Thiện Xã Hội
– Hòa Thượng Thích Như Tấn, Tổng Vụ Trưởng Tổng vụ Hoằng Pháp
– Huynh Trưởng Lê Công Cầu, Vụ Trưởng Gia Đình Phật tử Vụ – Gia Đình Phật tử Việt Nam

Đại Diện các Tỉnh, Thành gồm có :

– Hòa Thượng Thích Thiện Tâm cùng Chư Tăng và Phật Tử Tỉnh Bình Thuận,
– Hòa Thượng Thích Như Tấn cùng Chư Tăng và Phật Tử Tỉnh Lâm Đồng,
– Hòa Thượng Thích Chánh Niệm cùng Chư Tăng và Phật Tử Tỉnh Đồng Nai,
– Hòa Thượng Thích Thích Tâm Trí cùng Chư Tăng và Phật Tử Tỉnh Khánh Hòa Nha Trang
– Hòa Thượng Thích Tâm Liên cùng Chư Tăng và Phật Tử Tỉnh Bình Định.
– Hòa Thượng Thích Thanh Quang cùng Chư Tăng và Phật Tử Tỉnh Quàng Nam Đà Nẵng,
– Hòa Thượng Thích Như Đạt cùng Chư Tăng và Phật Tử Tỉnh Thừa Thiên.
– Thượng Toạ Thích Minh Nguyệt cùng Chư Tăng và Phật Tử Tỉnh Tiền Giang.

III/.PHẦN ĐẢNH LỄ BẢO THÁP :

Chư Tăng Pháo đoàn Hội đồng Lưỡng Viện GHPGVNTN đảnh lễ trước Bảo tháp Đức cố Tăng Thống Thích Huyền Quang, Hình PTTPGQT
Chư Tăng Pháo đoàn Hội đồng Lưỡng Viện GHPGVNTN đảnh lễ trước Bảo tháp Đức cố Tăng Thống Thích Huyền Quang, Hình PTTPGQT

Chư Tăng nhiễu hành quanh Bảo tháp, Hình PTTPGQT
Chư Tăng nhiễu hành quanh Bảo tháp, Hình PTTPGQT

Sau phần nghi lễ Cúng dường và Tưởng niệm, toàn thể Chư Tăng và Phật Tử tháp tùng Hòa Thượng Viện Trưởng Viện Hóa Đạo đến đảnh lễ tại Bảo Tháp của Ngài. Toàn thể cúi đầu Đảnh Lễ và nhiễu hành bảo tháp. Tâm tư phái đoàn thanh tịnh trong nguyện cầu, và ngậm ngùi khi nhìn các hình ảnh chạm nổi chân dung Ngài trên Bảo Tháp qua bàn tay tài hoa của người điêu khắc giống như thời Ngài còn trụ thế, đồng thời xót xa khi nhìn bút tích Ngài trên tấm văn bia Tự Sự Nguyên Thiều tưởng như bóng hình Ngài còn phảng phất đâu đây, dẫn dắt chúng ta, dẫn dắt toàn dân tộc thoát khỏi cơn nguy biến của lịch sử đang treo trên đường tơ kẻ tóc.

Nam Mô Việt Nam Phật giáo Thống nhất thượng Huyền hạ Quang Tôn giả.

PL 2556, Giác Minh, ngày 04 tháng 6 năm Nhâm Thìn
tức ngày 23 tháng 7 dương lịch 2012
Lễ Húy nhật Đức cố Tăng Thống Thích Huyền Quang
ở Hải ngoại tại chùa PhápLuân,
thành phố Houston, Hoa Kỳ

Chủ nhật 15.7.2012, Văn phòng II Viện Hóa Đạo cùng với GHPGVNTN Hải ngoại tại Hoa Kỳ đã long trọng tổ chức Lễ Húy nhật Đức cố Đệ tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang tại chùa Pháp Luân, thành phố Houston, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ.

Từ sáng sớm, đông đảo Phật tử ở thành phố Houston cùng các thành phố phụ cận như Dallas, Port Arthur… đã đông đảo tề tựu chật ních ngôi hùng điện chùa Pháp Luân. Chư Tăng thuộc Văn phòng II VHĐ và GHPGVNTN Hải ngoại tại Hoa Kỳ và Canada đã vân tập về tham dự, gồm có Đức Phó Tăng Thống Thích Hộ Giác, Đại lão Hòa thượng Thích Chánh Lạc, Hòa thượng Thích Viên Lý, Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Hòa thượng Thích Trí Lãng, Hòa thượng Thích Huyền Việt, Thượng tọa Thích Giác Đẳng, Thượng tọa Thích Thông Đạt, Thượng tọa Thích Nguyên Thảo, Thượng tọa Thích Trí Tịnh, Thượng tọa Thích Trí Quảng, Thượng tọa Thích Thường Niệm, Sư Bà Thích Nữ Nguyên Thanh, Ni sư Thích Nữ Tịnh Thường, Pháp sư Giác Đức, Đạo hữu Võ Văn Ái, Đạo hữu Ỷ Lan, và Đại đức Kasava cùng chư Tăng Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan.

Chùa Pháp Luân tại thành phố Houston, Hoa Kỳ
Chùa Pháp Luân tại thành phố Houston, Hoa Kỳ

Phật tử tề tựu trong hùng điện chùa Pháp Luân, Hình PTTPGQT
Phật tử tề tựu trong hùng điện chùa Pháp Luân, Hình PTTPGQT

Dù bệnh tình trầm trọng từ nhiều tháng qua, Đức Phó Tăng Thống Thích Hộ Giác cũng đã cố gắng đến tham dự lễ Húy nhật Đức cố Tăng Thống Thích Huyền Quang. Sau lời giới thiệu chư Tôn đức Tăng Ni, Cư sĩ, cùng quan khách của Hòa thượng Thích Huyền Việt, thay mặt Thượng tọa Thích Giác Đẳng, Trưởng ban Tổ chức Lễ Húy nhật, Đức Phó Tăng Thống Thích Hộ Giác đã được các Thượng tọa dìu đỡ lên Chánh điện tuyên đọc Đạo Từ :

“Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
“Kính bạch chư tôn giáo phẩm
“Kính thưa chư liệt vị quan khách cùng toàn thể quí đồng hương, đồng bào Phật Tử.

“Hôm nay là húy nhật Đức đệ tứ Tăng thống. Người đã rời xa chúng ta bốn năm rồi, nhưng chắc chắn Phật giáo đồ Việt Nam hôm nay không thể không nhớ nghĩ đến Ngài khi trầm tư về hiện trạng của đất nước, của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Đức Phó Tăng Thống Thích Hộ Giác ban Đạo Từ, Hình PTTPGQT
Đức Phó Tăng Thống Thích Hộ Giác ban Đạo Từ, Hình PTTPGQT

“Không có Đức đệ tứ Tăng thống, thì khó có thể nghĩ tới sự tồn tại của giáo hội trong giai đoạn hiện nay. Không có Ngài, thì Hòa thượng Thích Quảng Độ sẽ đơn độc trong cơn giông tố phủ lên Giáo hội tại quê nhà. Không có Ngài, thì thân phận của Phật giáo Việt Nam vốn bị nghiệt ngã càng thêm nghiệt ngã.

“Ngài thắp lên ánh sáng trong giai đoạn tăm tối nhất của quê hương đạo pháp. Ngài đã khiến người Phật tử Việt Nam hôm nay ấm lòng khi nghĩ đến trong hoàn cảnh cực kỳ tủi nhục vẫn còn có những bậc cao đức quên sự an nguy của bản thân cất cao tiếng nói vì lương thức, vì sự thật. Bằng chính cuộc đời của mình, Ngài minh chứng cho thế giới biết rằng, chế độ bạo quyền biểu dương sự bạo ác không thể nào khuất phục được Bi, Trí, Dũng của người con Phật.

“Không những trao truyền lại tinh thần Vô úy, mà Ngài còn để lại cho chúng ta những suy tư bừng sáng của trí tuệ. Một thứ Kim Cang Trí khắc chế mọi lừa đảo, thủ đoạn, bạo ác của chủ nghĩa Vô thần. Chắc chắn rằng đại nguyện, hành hoạt và sự lãnh đạo của Đức đệ tứ Tăng Thống vẫn tiếp tục khắc ghi sâu đậm trong lòng người Phật tử Việt Nam, làm nền cho sự tồn tại của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất để dẫn dắt Phật giáo đồ trong hành trình xây dựng một đất nước Việt Nam thật sự dân chủ, tự do.

“Xin dâng lên Giác linh Ngài một nén tâm hương tưởng niệm và cầu nguyện oai thần của Tam Bảo, của hồn thiêng sông núi, của chư lịch đại tiền bối gia hộ từng bước đi trong cuộc hành trình của chúng ta hôm nay.

“Xin cảm ơn quí Ngài và toàn thể chư liệt vị”.

Hòa thượng Thích Chánh Lạc nói đôi lời Cảm niệm, Hình PTTPGQT
Hòa thượng Thích Chánh Lạc nói đôi lời Cảm niệm, Hình PTTPGQT

Tiếp đến là lời cảm niệm của Đại lão Hòa thượng Thích Chánh Lạc, Chủ tịch Văn phòng II Viện Hóa Đạo :

“Hôm nay là ngày kỷ niệm lần thứ tư của Đức Đệ tứ Tăng Thống GHPGVNTN xa chúng ta. Ngài là một người sống trọn vẹn cho tình thương yêu của quốc gia và giáo hội qua ba đức tính Bi, Trí, Dũng. Đúng như câu nói của cổ nhân rằng, Ngài là nhân vật sống trong sanh tử nhưng mà bất tử. Sống trong vô thường hoại diệt nhưng Ngài đã sống trong bất diệt. Bởi vì cái hình bóng của Ngài dù xa chúng ta nhưng còn mãi trong tim, trong óc của những người thực sự Phật tử, thực sự là người quốc gia.

“Kính lạy Ngài. Xin Ngài gia hộ tất cả chúng con có đủ ba đức tính như Ngài để mong một ngày nào đó đem lại an vui hạnh phúc cho tất cả toàn dân Việt Nam.

“Nam Mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật”.

Chư Tăng tiến hành nghi lễ Húy nhật, Hình PTTPGQT
Chư Tăng tiến hành nghi lễ Húy nhật, Hình PTTPGQT

Nghi lễ qua hai truyền thống Bắc tông và Nam tông, Hình PTTPGQT
Nghi lễ qua hai truyền thống Bắc tông và Nam tông, Hình PTTPGQT

Tiếp đấy, nghi lễ Húy nhật tiến hành trang trọng qua hai truyền thống Bắc tông và Nam tông. Mở đầu bằng Văn Tưởng niệm công đức như trời biển của Đức cố Tăng Thống Thích Huyền Quang, Người đã giữ gìn và phát huy GHPGVNTN trong những tháng ngày đen tối của dân tộc. Sau đây là một số trích đoạn Văn Tưởng niệm do Hòa thượng Thích Viên Lý, Chủ tịch GHPGVNTN Hải ngoại tại Hoa Kỳ, chấp bút và tuyên đọc :

Hòa thượng Thích Viên Lý, Hình PTTPGQT  
Hòa thượng Thích Viên Lý, Hình PTTPGQT
 

“Nam Mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật”.

“Cúi lạy Giác linh Đức Đệ tứ Tăng Thống thượng Huyền hạ Quang,

“Ngưỡng bạch Giác linh Ngài, thấm thoát mới đây mà đã bốn năm kể từ ngày Ngài an nhiên thị tịch. Bốn năm có biết bao biến thiên lịch sử, bốn năm với sự vắng bóng của Ngài là cả một mất mát lớn lao. Chúng con không thể ngăn được dòng nước mắt.

“Ngưỡng bạch Giác linh Ngài, sau khi Ngài xả bỏ huyễn thân để trở về với Pháp thân thường trú. Nhờ sự lãnh đạo đầy trí giác của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ, Người kế thừa xứng đáng phẩm vị của Ngài. Bên cạnh có sự trợ giá của Hòa thượng Thích Viên Định, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, và các thành viên của Giáo hội, không ngừng đối diện với vô vàn cuồng phong bảo tố, GHPGVNTN của chúng ta vẫn vững vàng tinh tấn. Ngài thường dạy người lãnh đạo là người có khả năng tập hợp quần chúng và dung hóa mọi khác biệt để thành tựu đại sự. Bằng một cái nhìn đấy bức thiết về thực tại và những diện lượng sang nhương (nghe không rõ trong băng ghi) Ngài đã đề xuất những hướng đi mà ngày nay đang trở thành cương lĩnh hành động của Giáo hội. Ngài đã không chỉ dấn thân tích cực trong sứ mệnh cứu nguy đất nước, mà còn đặc biệt quan tâm đến những lĩnh vực rất quan yếu của đời sống, những ưu tư và ưu tiên cho vấn đề giáo dục, đào tạo nhân tài, kẻ thừa lương cục diện.

“Ngưỡng bạch Giác linh Ngài, trên mặt Nhân quyền, Ngài là trụ cột tiêu biểu của lập trường ôn hòa, bất bạo động, từ thuở đất nước bị thực dân đô hộ đến nạn Việt Minh cướp chính quyền, từ thuở phi bình đẳng tôn giáo đến nạn Cộng sản độc tài, Ngài đã nỗ lực không ngừng đấu tranh cho bình đẳng và công lý. Chính những sự hành hoạt đầy uy tín như thế, Ngài đã mở ra một viễn ảnh đầy tươi sáng cho tương lai Việt Nam.

“Ngưỡng bạch Ngài, chúng con xin cúi đầu đảnh lễ thâm tạ công đức hoằng hóa sâu dày của Ngài và nguyện tiếp tục con đường mà Ngài đã đi, cũng như dụng công hoàn tất những di ngôn mà Ngài để lại”.

Sau nghi lễ Húy nhật, Thượng tọa Thích Giác Đẳng, Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Truyền Thông Văn phòng II Viện Hóa Đạo kiêm Tổng Thư ký GHPGVNTN Hải ngoại tại Hoa Kỳ, trình bày sơ lược hành trạng của Đức cố Đệ tứ Tăng Thống :

“Kính bạch chư Tôn đức, quý vị quan khách và đồng bào Phật tử,

  Thượng Tọa Thích Giác Đẳng nói về hành trạng Đức cố Tăng Thống Thích Huyền Quang, Hình PTTPGQT
 
Thượng Tọa Thích Giác Đẳng nói về hành trạng Đức cố Tăng Thống Thích Huyền Quang, Hình PTTPGQT

“Do thời lượng có hạn, nên xin được nói một phần về hành trạng Đức cố Đệ tứ Tăng Thống, từ khi Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang trở thành Tổng thư ký Viện Hóa Đạo của Giáo hội cho đến khi Ngài viên tịch.

“Đầu năm 1964, khi bản Hiến chương GHPGVNTN ra đời, thì thưa quý vị, Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang được cung thỉnh làm vị Tổng thư ký đầu tiên của Giáo hội. Với vai trò này kéo dài cho đến năm 1974. Mười năm đó, Ngài đã thiết lập một guồng máy hành chính của Giáo hội, và chúng ta có thể nói rằng, chưa bao giờ trong lịch sử Phật giáo tại Việt Nam có một cơ cấu tổ chức như là GHPGVNTN trên mọi phương diện.

“Trong Đại hội VI năm 1974, khi Ngài được cung thỉnh làm Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo, thì Ngài có lẽ lúc đó không tiên liệu được là chỉ một năm sau, biến cố 30.4.1975 đã đặt Ngài vào cương vị cực kỳ khó khăn.

“Khi Cộng sản cưỡng chiến Miền Nam, thì nỗ lực họ muốn làm, là xóa sổ và tiêu diệt tất cả những tổ chức Phật giáo, gom lại đặt dưới sự thống thuộc của một tổ chức có tên gọi Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thành viên của Mặt Trận Tổ quốc và đặt dưới sự khống chế của Ban Tôn giáo Nhà nước. Họ đã mở ra cuộc vận động dài và kết quả là sự ra đời của tổ chức Phật giáo mà ngày nay chúng ta gọi là tổ chức Phật giáo Quốc doanh vào năm 1981.

“Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang lúc bấy giờ trong cương vị Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo cùng với Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ và một số chư tôn túc lãnh đạo Giáo hội, mà đặc biệt là Nhị vị Hòa thượng đã khẳng khái, bất khuất, từ chối không tham gia tổ chức do Nhà nước dàn dựng để tiếp tục sự tồn tại của GHPGVNTN.

“Những ai có sống dưới chế độ Cộng sản sau năm 1975, chúng ta chỉ nhắm mắt hồi tưởng những tháng ngày Miền Nam rơi vào tay Cộng sản, từ sau 30.4.1975, thì chúng ta mới hiểu rằng thời đó, mọi người run rẫy trước một chế độ mà họ sẵn sàng bắt bớ, giam cầm, thủ tiêu, tử hình bất cứ ai chống đối lệnh của Nhà cầm quyền. Thế nhưng, Ngài đã làm như vậy. Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ đã làm như vậy, để tiếp tục sự tồn tại độc lập của Phật giáo trước sự áp bức của Nhà cầm quyền.

“Cái giá mà Ngài phải trả, đó là những tháng ngày sau đó, từ nhà tù này sang nhà tù khác cho đến nơi an trí của Ngài.

“Thưa quý vị, mười năm sau đó, năm 1992 đã ghi đậm lại một số sự kiện quan trọng liên quan đến Đức Đệ tứ Tăng Thống, bấy giờ Ngài cũng đã bị quản chế. Ngài là vị đã cương quyết cho bằng được mọi cách để ra tham dự Tang lễ của Đức Đệ Tam Tăng Thống, Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu, và Ngài cũng là vị trước linh cửu, trước kim quan của Đức Đệ Tam Tăng Thống, đã phát thệ là tiếp tục duy trì sự tồn tại của GHPGVNTN.

“Cũng tháng 6 năm đó, Ngài đã viết một “Bản Yêu sách Chín Điểm” gửi đến nhà cầm quyền Hà Nội, lời và ý của Bản Yêu sách Chín Điểm vẫn vang vọng cho đến ngày hôm nay. Một việc rất khó tưởng tượng vào thời kỳ đó.

“Riêng đối với tất cả chúng ta, đặc biệt là những thành viên của GHPGVNTN Hải ngoại tại Hoa Kỳ, của Văn Phòng II Viện Hòa Đạo, thì đều nhớ rằng cũng cuối năm 1992, Ngài đã ban hành Giáo chỉ với tư cách là Xử lý Hội đồng Lưỡng Viện để thành lập Văn Phòng II Viện Hóa Đạo để thừa nhận GHPGVNTN Hải ngoại tại Hoa Kỳ.

“Thưa quý vị, năm 2003 lại đánh dấu một sự kiện hết sức quan trọng, một Đại hội Bất thường đã tổ chức tại Tu viện Nguyên Thiều, Bình Định, Việt Nam, và nối tiếp theo là Đại hội bất thường ở tại Melbourne, Úc Đại Lợi.

“Thưa quý vị, Đại hội Bất thường đó, chư tôn giáo phẩm Hội đồng Lưỡng Viện, Phật tử trong và ngoài nước đã suy tôn Ngài lên ngôi vị Đệ Tứ Tăng Thống GHPGVNTN.

“Có lẽ chưa có một vị Tăng Thống nào của Giáo hội mà từ bước khởi đầu là một thành viên sáng lập tổ chức Giáo hội với những vai trò thiết lập cơ sở hành chánh cho đến vai trò lãnh đạo tối cao là Đức Đệ tứ Tăng Thống.

“Chúng ta không cần nói nhiều, thì tất cả những điều đó cho chúng ta thấy rằng, Ngài đã hành trình, một cuộc hành trình cực kỳ khó khăn trong một hoàn cảnh từ giai đoạn này sang giai đoạn khác, ghi lại không biết bao nhiêu nghiệt ngã, không biết bao nhiêu là khó khăn của Giáo hội.

“Nhưng có lẽ một điều mà người Phật tử hôm nay không thể không biết, đó là sự gắn bó mật thiết bất khả phân của Đức Đệ Tứ Tăng Thống và Đức Tăng Thống đương nhiệm là Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ. Sự song hành của Nhị vị đã để lại cho chúng ta những trang sử rất khó quên, và có nhiều bài học rất quan trọng.

“Ngày hôm nay trong lễ Húy nhật này, chúng tôi muốn mời và giới thiệu Giáo sư Võ Văn Ái, Phát ngôn nhân của GHPGVNTN, có một vài lời trình bày về sự song hành của Đại lão Hòa thượng Đệ Tứ Tăng Thống và Đại lão Hòa thượng Đệ Ngũ Tăng Thống. Xin trân trọng kính mời Giáo sư Giám đốc Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế”.

Giáo sư Võ Văn Ái nói về sự song hành Cứu Đạo của hai Ngài Tăng Thống Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ, Hình PTTPGQT
Giáo sư Võ Văn Ái nói về sự song hành Cứu Đạo của hai Ngài Tăng Thống Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ, Hình PTTPGQT

Giáo sư Võ Văn Ái, Phát ngôn nhân Viện Hóa Đạo kiêm Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Ngoại vụ Văn phòng II Viện Hóa Đạo, bước lên diễn đàn, ứng khẩu bài nói sau đây (các tiêu đề phân đoạn do Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế thêm vào cho dễ đọc) :

“Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

“Kính bạch chư tôn Giáo phầm Văn Phòng II Viện Hóa Đạo và GHPGVNTN Hải ngoại tại Hoa Kỳ

“Kính thưa quý vị quan khách,
“Kính thưa đồng bào Phật tử,

“Chúng tôi xin nói sơ lược về lập trường cũng như đường lối song hành của Nhị vị Tăng Thống GHPGVNTN chúng ta dưới thời đại độc tài toàn trị Cộng sản. Đó là Đức Cố Đệ tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang và Đức đương kim Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ.

ĐỐI DIỆN BẠO QUYỀN VỚI HAI BÀN TAY TRẮNG

“Kính thưa quý Liệt vi,

“Thánh Gandhi đã nói rằng “Một con người có ý thức có thể lật độ một Bạo quyền”. Chúng ta cũng có thể nói như vậy, nhưng chúng ta không lật đổ được bạo quyền. Trong khi đó, Thánh Gandhi với hai bàn tay không, với tinh thần bất bạo động của Đông phương Ấn Độ, đã lật đổ được thực dân Anh, giành lại độc lập cho nhân dân Ấn dộ năm 1947. Với hai bàn tay không, chứ không phải với súng đạn như Việt Minh, như Việt Cộng. Câu nói của Thánh Gandhi cũng đã thực hiện tại Việt Nam mà chúng ta thấy rõ qua 37 năm trời dưới sự đàn áp khốc liệt của Cộng sản đối với hàng trăm nghìn quân cán chính của Việt Nam Cộng hòa, của tất cả các vị lãnh đạo các đảng phái. Nhưng đối với hai vị cao tăng Phật giáo, Ngài Thích Huyền Quang và Ngài Thích Quảng Độ với hai bàn tay trắng, Cộng sản đã không thành công tiêu diệt GHPGVNTN. Đấy là một nghĩa cử thực hiện ở Ấn Độ, mà cũng đã thực hiện tại Việt Nam.

“Nếu chúng ta muốn biết yếu tính của Phật giáo của một quốc gia, hãy nhìn vào chư Tăng của đất nước đó. Muốn biết yếu tính của chư Tăng của một quốc gia, hãy nhìn vào vị cao tăng lãnh đạo. Chúng ta có nhiều đời Tăng Thống. Khởi sự với Đức Đệ nhất Tăng Thống Thích Tịnh Khiết. Thời chiến tranh đó, Phật giáo đã lên tiếng với tinh thần Từ bi kêu gọi cho Hòa bình, một nền Hòa bình thực sự dân tộc, chứ không là nền hòa bình Cộng sản. Trong cuộc chiến tranh khốc liệt ấy, tiếng nói của Phật giáo, của Đức Tăng Thống Thích Tịnh Khiết, đã cất lên trên thế giới đòi hỏi Hòa bình cho Việt Nam.

“Rất tiếc rằng cuộc hòa bình Việt Nam ký kết tại Paris, nhưng Cộng sản đã xé bỏ Hiệp định đó, cưỡng chiếm Miền Nam năm 1975 đem lại một chế độ độc tài toàn trị không những ở miền Bắc mà trên toàn cõi Việt Nam.

“Cho đến khi Đức Đệ tam Tăng Thống Thích Đôn Hậu, bị Cộng sản bắt đưa ra Bắc năm Mậu Thân Huế lúc Ngài lâm bệnh nặng. Người ta muốn lợi dụng danh nghĩa Phật giáo thông qua Ngài để tuyên truyền cho chế độ Cộng sản., Nhưng khi trở về Miền Nam năm 1975, công việc đầu tiên là Ngài tố cáo chế độ Cộng sản đàn áp Phật giáo tại Miền Nam.

“Ngài đã giữ chức vụ Xử lý Viện Tăng Thống của GHPGVNTN. Điều này chứng tỏ Ngài đã khước từ tất cả những tước vị mà Cộng sản bắt Ngài phải chấp nhận ở Mặt trận Tổ quốc, Quốc hội Cộng sản. Ngài từ khước hết. Ngay cả các chức vụ trong Giáo hội Phật giáo Quốc doanh. Người ta tự ý để tên Ngài vào, nhưng Ngài đã viết thư phản đối. Chứng tỏ rằng bậc cao tăng, Đức Đệ Tam Tăng Thống Thích Đôn Hậu, khước từ chế độ độc tài toàn trị Cộng sản.

“Chính vì vậy, trước khi viên tịch, Ngài đã trao nhiệm vụ hướng dẫn GHPGVNTN, phục hồi cho được quyền sinh hoạt pháp lý của GHPGVNTN. Ngài đã viết hai bức thư nhờ một vị Tăng đưa ra Thái Bình, nơi Hòa thượng Thích Quảng Độ bị tù đày, và một bức đưa vào Quảng Ngãi, nơi Hòa thượng Thích Huyền Quang bị lưu đày để kêu gọi hai ngài hãy tiếp tục nhiệm vụ hướng dẫn GHPGVNTN và tranh đấu thế nào để bảo tồn sự thống nhất trong cũng như ngoài nước. Như lúc nãy Thượng tọa Giác Đẳng đã nói đến sự hình thành Văn Phòng II Viện Hóa Đạo.

HAI VĂN KIỆN CỨU NƯỚC CỨU ĐẠO

“Chúng tôi đọc được rất nhiều các văn kiện của Đức cố Đệ tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang, mà quý vị có dịp cũng nên mua cuốn “Một Đời Vì Đạo Vì Dân” để hiểu được tinh thần của Phật giáo Việt Nam. Nhiều khi chúng ta tưởng rằng Phật giáo Việt Nam khu biệt ở hai thời đại Lý, Trần, trong thời xa xưa mười thế kỷ trước. Chúng ta quên đi rằng, Phật giáo Việt Nam hiện tồn thông qua hai Đức Tăng Thống của chúng ta là Đức cố Đệ tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang và Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ. Chính tinh thần Phật giáo đó cho chúng ta nhìn rõ với hai bàn tay không, với ý thí và tinh thần Vô úy, chúng ta đối chọi với ba triệu bộ đội và một triệu công an, đối chọi cả bộ máy toàn trị của Công sản. Đấy là tinh thần quan thiết của Phật giáo.

“Trong tất cả những văn kiện của Đức cố Tăng Thống, chúng tôi thấy có hai văn kiện đệ nhất quan trọng. Hai văn kiện này cho thấy Phật giáo đồng hành cùng dân tộc, khi vui cũng như khi buồn, khi bị xâm lược cũng như khi được tự do :

“Tuyên Cáo Đức cố Tăng Thống viết tại nơi lưu đày Quảng Ngãi ngày 20.11.1993, có tên là TUYÊN CÁO GIẢI TRỪ QUỐC NẠN VÀ PHÁP NẠN. Đọc qua danh xưng chúng ta đã thấy tâm hồn của Ngài để hết vào lòng dân tộc, Ngài thấy phải giải trừ Quốc nạn thì Pháp nạn mới có thể giải trừ, chứ không thể nghĩ riêng cho đồng bào Phật tử, nghĩ riêng cho Phật giáo mà không nghĩ tới tiền đồ dân tộc Việt Nam. Tuyên cáo đó là tuyên cáo giải trừ Quốc nạn và Pháp nạn.

“Trên phương diện Quốc nạn, Ngài yêu cầu phải giải tán Quốc hội Cộng sản hiện nay để bầu lại Quốc hội mới đại biểu cho tất cả các thành phần dân tộc, các gia đình tôn giáo, chứ không riêng gì đảng Cộng sản mới có quyền vào Quốc hội. Muốn cho cuộc bầu cử Quốc hội đó được tự do, phải cho mọi người quyền ứng cử, chứ không phải riêng đảng viên Cộng sản, Ngài yêu cầu LHQ giám định cuộc bầu cử này.

“Ngài là người đầu tiên trong Tuyên cáo đó yêu cầu Cộng sản phải bỏ Điều 4 trên Hiến Pháp. Nếu không bỏ điều 4, tất bó buộc tư tưởng Việt Nam có năm nghìn năm Văn hiến thu bé vào tư tưởng các ông Mao Trạch Đông, Lê-nin, Hồ Chí Minh. Trong khi đó, tư tưởng Việt Nam chẳng dính dáng gì tới các ông Tây phương kia. Điều 4 còn cho phép Đảng Cộng sản toàn quyền lãnh đạo đất nước Việt Nam chúng ta, không ai có quyền tham gia, các đảng phái quốc gia, các gia đình tôn giáo chẳng có quyền tham gia kiến quốc, phát triển đất nước. Nên Ngài thấy phải bỏ điều 4 trên Hiến pháp.

“Chính lời kêu gọi của Ngài đã được đáp ứng thông qua công luận quốc tế cũng như các đảng phái, các phong trào, các đoàn thể quốc gia của chúng ta. Từ đó, trong ra ngoài nước cho đến nay, đã tiếp tục kêu gọi theo việc phải bỏ điều 4 trên Hiến pháp. Chúng ta thấy tấm lòng của Ngài đối với quê hương, đối với dân tộc, đối với con người, luôn luôn đi trước thời đại, dẫn dắt thời đại trong vấn đề giải hóa Cộng sản. Thường thì người ta chỉ chửi Cộng sản, đòi giải thể đảng Cộng sản. Nhưng giải thể bằng cách nào ? Chính Đức cố Tăng Thống nói rằng, bằng cách bỏ Điều 4 trên Hiến pháp để mọi gia đình tôn giáo, các đảng phái quốc gia có thể tham gia hình thành Quốc hội dân tộc để điều hành đất nước. Ngài còn đòi hỏi nhân quyền cho con người.

“Văn kiện thứ hai cũng hết sức quan trọng. Trong lúc Cộng sản tổ chức Hai mươi lăm năm gọi là chiến thắng của chúng tại miền Nam vào năm 2000. Ngày 21.4.2000 Ngài đã viết một Thông điệp gọi là “NGÀY SÁM HỐI VÀ CHÚC SINH TOÀN QUỐC” qua đó Ngài kêu gọi đảng Cộng sản lấy ngày 30.4 làm Ngày Sám hối. Sám hối Cộng sản đã giết người thông qua hai cuộc chiến tranh Pháp Việt và cuộc chiến tranh vừa qua, thông qua việc giết người tại cuộc Cải Cách Ruộng Đất và Mậu Thân Huế. Ngài đòi hỏi cho các binh sĩ Miến Nam cũng như Miền Bắc không phân biệt chính kiến đã chết trên chiến trường, bây giờ phải nhớ đến họ, tìm xác họ chôn cất tử tế, chứ không phải lợi dụng người ta chết cho mình rồi nay làm ngơ không biết họ vùi dập nơi nào, không bồi thương cho các gia đình Thương phế binh, miền Nam cũng như miền Bắc. Chúng ta thấy tinh thần bao dung của Ngài không đặt theo ý thức hệ, không phân chia Nam hay Bắc, mà đặt dưới danh nghĩa Chúng sinh, tức Con Người đứng trước Đức Phật. Phải bảo vệ Con Người đó, và Ngài yêu cầu phải trả lại Linh Quyền cho người chết. Khái niệm này rất mới. Lâu nay chúng ta chỉ đòi hỏi Nhân Quyền cho những người đang sống. Nhưng chúng ta quên những người đã chết thảm. Hàng mười triệu người chết thảm trong hai cuộc chiến, trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất, và trong Mậu Thân. Ai lo cho mười người triệu người chết đó ? Phải trả lại Linh Quyền cho người chết đó. Và ngay người sống, cũng phải trả lại Nhân Quyền cho họ.

“Tức đòi hỏi Linh quyền cho người chết và Nhân quyền cho người sống.

“Đó là lời kêu gọi của Ngài nhân 25 năm gọi là chiến thắng của Cộng sản. Như thế, đảng Cộng sản phải sám hối với dân tộc : lấy Ngày 30.4 mà Sám hối, đồng thời Chúc sinh toàn quốc. Chúc sinh toàn quốc là trả lại Sự Sống cho người dân, trả lại Sự Sống cho tất cả các tôn giáo, trả lại Sự Sống cho đất nước Việt Nam chúng ta. Trả lại Sự Sống, người chết cũng như người sống.

“Chúng ta thấy rằng hai văn kiện đó hết sức quan trọng.

SỰ SONG HÀNH CỨU ĐẠO CỦA HAI NGÀI TĂNG THỐNG
THÍCH HUYỀN QUANG VÀ THÍCH QUẢNG ĐỘ

“Thưa quý vị. Hai văn kiện có tính chất bảo vệ con người dù khi chết hay khi còn sống. Nhưng đâu phải Ngài cất lên tiếng nói năm 2000, rồi chẳng ai tiếp tục. Không phải như vậy.

“Đức đương kim Đệ Ngũ Tăng Thống tiếp tục con đường đòi hỏi Linh quyền cho người chết và Nhân quyền cho ngưới sống. Bằng sự kiện năm tháng 2 năm 2001, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ đưa ra LỜI KÊU GỌI CHO DÂN CHỦ VIỆT NAM. Lời kêu gọi này không mang tính chất mơ hồ. Lâu nay chúng ta không thiếu người kêu gọi cho nhân quyền và dân chủ. Nhưng khi kêu gọi như vậy, chúng ta không đưa ra một giải pháp thay thế để mang lại nhân quyền hay dân chủ. Trong khi ấy, qua Lời Kêu gọi cho Dân chủ, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ đưa ra một Chương trình Chính trị 8 điểm để thực hiện công cuộc yêu thương, tình nghĩa giữa người đồng bào Việt Nam để đem lại dân chủ. Vì nếu không có dân chủ, thì không thể phát triển đất nước, không thể đem lại no ấm và hạnh phúc cho con người.

“Sang năm 2005, thì Ngài Thích Quảng Độ lại viết THƯ NGỎ gửi tất cả các vị nhân sĩ, trí thức. văn nghệ sĩ và đồng bào các giới trong cũng như ngoài nước, kêu gọi hình thanh một Liên Minh Dân tộc không phân biệt chính kiến, tôn giáo để đem lại nhân quyền và dân chủ cho Việt Nam. Nếu không có nhân quyền, dân chủ, thì đất nước chúng ta không thể phát triển. Kinh tế mà không có nhân quyền thì chẳng sao phát triển. Chúng ta thấy rằng Cộng sản bắt đầu “đổi mới” kinh tế từ năm 1986. Nhưng cho đến nay, quần chúng nông dân, 80% quần chúng, vẫn đói nghèo. Dân Oan bị những tên cán bộ Cộng sản cướp đất, cướp của. Hàng triệu Dân oan đi biểu tình đòi lại đất đai do Cộng sản xâm chiếm. Chứng tỏ rằng phát triển kinh tế mà không có cải cách nhân quyền và dân chủ không thể giải quyết bất cứ vấn đề gì.

“Từ kêu gọi dân chủ cho đến đánh thức lương tri người Việt trước thảm nạn Trung quốc xâm lăng biển, đảo và lãnh thổ, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ đã đi theo dòng Phật giáo dân tộc bảo vệ chủ quyền Việt Nam để xiển dương chánh pháp như Đức cố Tăng Thống Thích Huyền Quang cưu mang trước kia.

“Chúng ta có thể đọc qua tất cả những Thông điệp Xuân, Thông điệp Phật Đản, Thông điệp Vu Lan, tất sẽ nhận ra hai Ngài Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ như hình với bóng. Chẳng khác nhau tí gì trong tấm lòng yêu thương chúng sinh, yêu thương đất nước. Gần đây, trong cuộc phỏng vấn trên Đài Á châu Tự do, Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ nói rằng : “Người Cộng sản nếu bị Tàu xâm chiếm, thì họ chẳng mất gì cả. Vì tổ quốc họ là Cộng sản, tổ quốc họ là ông Mao Trạch Đông, ông Lê-nin. Nếu Việt Nam mất, họ chạy sang Bắc Kinh sinh sống. Nhưng mà người Việt Nam, người Phật giáo Việt Nam, nếu mất tổ quốc Việt Nam thì mất luôn đạo của mình. Vì vậy, vừa bảo vệ Chánh pháp, phải bảo vệ dân tộc”. Đây là tinh thần vừa dân tộc vừa Phật giáo, vừa từ bi, vừa trí tuệ, mà hai Ngài Đệ tứ và Đệ ngũ Tăng Thống đã và đang hành động.

“Thông qua hành động, thông qua các văn kiện tôi vừa trình bày cùng quý vị, cho thấy tinh thần Phật giáo Việt Nam rất đặc thù so với các nền Phật giáo khác ở các quốc gia khác. Mỗi quốc gia có một nền Phật giáo sinh động. Nhưng tại Việt Nam là nền Phật giáo dấn thân. Chúng tôi đọc thấy một câu trong bộ kinh tiếng Việt xuất hiện tại Giao châu vào thế kỷ thứ III Tây lịch, đó là Lục Độ Tập Kinh. Câu ấy viết rằng : “Bồ tát thấy dân kêu ca, liền gạt lệ xông vào nơi chính trường hà khắc để cứu dân khỏi nạn lầm than”. Một câu viết vào thế kỷ thứ III Tây lịch tại Giao châu cho thấy rằng Phật giáo không có tham vọng chính trị, mà chỉ có tham vọng phục vụ dân, phục vụ chúng sinh.

NHỮNG KẺ BÔI NHỌ VÀ VU KHỐNG
CÁC VUA PHẬT TỬ THỜI LÝ, THỜI TRẦN

“Ngày nay, sự mạ lỵ, vu khống, bôi nhọ Phật giáo đang lan tràn. Lúc nãy trong Văn Tưởng niệm, Hòa thượng Thích Viên Lý, Chủ tịch Hội đồng Điều hành GHPGVNTN Hải ngoại tại Hoa Kỳ, có nhắc đến sự bôi xấu, vu khống, mạ ly của một số người đối với Nhị vị Tăng Thống của chúng ta. Lý do là, hoặc họ thiếu hiểu biết về Phật giáo, hoặc những kẻ ấy có ý đồ phi dân tộc, phi tổ quốc nên mới chỉ trích Phật giáo, chỉ trích hai Ngài và hàng giáo phẩm Giáo hội. Bởi vì Phật giáo đồng hành cùng dân tộc. Nên các thế lực phi dân tộc, phi tổ quốc rất sợ hãi các lực lượng dân tộc như Phật giáo.

“Nếu ai đó kết án Đức cố Đệ tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang, kết án Đức Đệ ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ, thì cũng như họ kết án các vua Lý, vua Trần. Bởi tất cả các vua Lý, vua Trần, có nhiều vị vừa là vua nhưng đồng thời cũng là nhà Sư, Thiền sư, đã đứng lên chống ngoại xâm bảo vệ chủ quyền dân tộc, đứng lên làm chính trị để đem lại no ấm và hạnh phúc cho dân.

“Kẻ nào kết án, vu khống, mạ lỵ GHPGVNTN, mạ lỵ Đức cố Đệ tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang, mạ lỵ Đức Đệ ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ, thì những kẻ đó là những kẻ phản quốc. Vì họ đang bôi xấu, bôi nhọ, vu khống tất cả những vì vua Phật giáo thời Lý, thời Trần, những tiền nhân đã dựng nên quốc gia và văn hiến Việt Nam.

“Xin quý vị hãy cảnh giác điều đó. Và xin cám ơn quý vị đã lắng nghe”.

Hòa thượng Thích Thiện Tâm nói về Di sản của Đức cố Tăng Thống Thích Huyền Quang, Hình PTTPGQT
Hòa thượng Thích Thiện Tâm nói về Di sản của Đức cố Tăng Thống Thích Huyền Quang, Hình PTTPGQT

Đến từ Canada, Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Chủ tịch GHPGVNTN Hải ngoại tại Canada nói lên công hạnh sâu dày của Đức cố Đệ tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang. Hòa thượng trình bày khúc chiết từ thời thơ ấu xuất gia cho đến khi giữ vai trò lãnh đạo Giáo hội, đương đầu với thời thế khó khăn dưới thời Việt Minh cho đến thời Cộng sản ngày nay. Hòa thượng kết luận công hạnh Đức Đệ tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang như sau :

“Hôm nay, thực sự là ngày Tưởng niệm công hạnh của Ngài. Có lẽ chúng ta có một chút bùi ngủi để nghĩ đến những giai đoạn thăng trầm, mà hình như cả cuộc đời của Ngài từ khi còn trẻ cho đến khi Ngài nhắm mắt theo Phật, thì đã cho chúng ta một hình ảnh vô cùng bi tráng của một người con Phật tròn trách nhiệm, bổn phận đối với đạo pháp, đồng thời tròn trách nhiệm với một công dân nước Việt.

“Ngài là một học tăng cũng như một sinh viên Tăng xuất sắc. Khi Ngài tốt nghiệp ra các trường Phật học viện và những Viện Cao đẳng, Ngài luôn đạt được điểm cao nhất, tức thủ khoa.

“Nhưng thưa quý vị. Dù là một bậc tăng xuất sắc, và dù khi Ngài bước vào con đường phục vụ cho đạo pháp, nhưng vì thấy hòan cảnh đất nước nhiễu nhương, trước cảnh nước mất nhà tan. Nếu không cứu nước trước thì đạo pháp cũng điêu linh, thống khổ. Cho nên Ngài đã dấn thân vào con đường cứu nước.

“Khi biết lập trường của Ngài là lập trường không theo Cộng sản. Lập trường của Ngài thuần túy đạo pháp và dân tộc. Cho nên sau 1975, Cộng sản đã từ từ tìm cách trấn áp và gây khó khăn cho Ngài. Năm 1992, sau khi Đức Đệ tam Tăng Thống viên tịch, thì một may mắn cho Giáo hội, đó là Ngài được truyền trao quyền Xử lý Hội đồng Lưỡng Viện cho Đức Đệ tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang, thì Ngài bắt đầu vận động trên trường quốc tế cũng như trong đồng bào Phật tử trong cũng như ngoài nước. Đó là công trình chấn chỉnh lại tổ chức Giáo hội, đồng thời phát động phong trào vận động cho tự do, dân chủ Việt Nam”.

Check Also

Bài 1: Cơ sở Quê Mẹ và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế trả lời chung về âm mưu phá hoại cuộc đấu tranh cho Nhân quyền và Tự do Tôn giáo của hai Dư Luận viên Thục Vũ — Ý Dân

  PARIS, ngày 9 tháng Giêng năm 2019 (PTTPGQT & VCHR) — Thời gian qua, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *