Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin PTTPGQT / Lời Chúc Tết Kỷ Sửu 2009 của chư tôn Giáo phẩm lãnh đạo Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và các Nhân vật quốc tế tại Âu châu và Hoa Kỳ

Lời Chúc Tết Kỷ Sửu 2009 của chư tôn Giáo phẩm lãnh đạo Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và các Nhân vật quốc tế tại Âu châu và Hoa Kỳ

Download PDF

PARIS, ngày 10.2.2009 (PTTPGQT) – Nhân dịp Tết Kỷ Sửu, 2009, qua 2 chương trình Chúc Xuân đặc biệt của Đài Phật giáo Việt Nam phát thanh về trong nước hôm 30.1.2009 và 6.2.2009, thính giả đã được nghe tiếng nói của chư tôn Gíao phẩm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, cũng như các nhân vật quốc tế. Chương trình Chúc Xuân còn tiếp tục ngày thứ sáu 13.1.2009 sắp tới. Nhưng hôm nay, chúng tôi xin chép lại các lời Chúc Xuân trong 2 chương trình nói trên để cống hiến bạn đọc.

Chúc Xuân không chỉ là lời cầu chúc hiếu hỉ đầu năm mà còn là nhận định đại quan tình hình năm cũ và hành hoạt trong năm tới. Sự hiếm quý nghe được qua các lời chúc của các nhân vật quốc tế còn là ý chí hậu thuẫn Việt Nam và Phật giáo trong cuộc vận động cho nhân quyền, dân chủ và tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Thông cáo báo chí hôm nay chúng tôi xin chép lại lời chúc mà cũng là tư liệu trân báu hiếm quý còn lại của Đức cố đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang chúc Tết Mậu Tý năm ngoái. Sau đó là các lời chúc năm nay của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống kiêm Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), Đức Phó Tăng thống Thích Hộ Giác, Thượng tọa Thích Viên Định, Phó Viện trưởng kiêm Tổng Thư ký Viện Hóa Đạo, Hòa thượng Thích Chánh Lạc, Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo kiêm Tổng Ủy viên Nội vụ và Hoằng pháp Văn phòng II Viện Hóa Đạo, Thượng tọa Thích Viên Lý, Phó Tổng thư ký Viện Hóa Đạo kiêm Tổng thư ký Văn phòng II Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN Hải ngoại tại Hoa Kỳ.

Phía các nhân vật quốc tế gồm có Huân tước Avebury, Thượng Nghị sĩ Quốc hội Vương quốc Anh, Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ Ed Royce, Ông Chủ tịch Sáng hội Rafto, Arne Lynngård, Bà Thérèse Jebsen, Chủ tịch Điều hành Sáng hội Rafto từ Vương quốc Na Uy, hai Dân biểu Quốc hội Châu Âu, Marco Pannella, Marco Cappato, và Thượng nghị sĩ Quốc hội Ý, Marco Perduca.

Quý độc giả có thể nghe phần âm thanh tạihai chương trình ngày 30.1 và 6.2 trên Trang nhà Quê Mẹ : http://www.queme.net/vie/radio.php

Nghe lại Lời chúc Tết năm ngoái, Mậu Tý – 2009, của Đức cố Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang :

Nhân Tết Mậu Tý, tôi ngỏ lời chân thành chúc Xuân An lạc đến Cộng đồng người Việt tại Huê Kỳ, Canada, Âu Châu, Úc Châu, và khắp nơi trên thế giới. Cầu chúc đồng bào một Năm Mới mạnh khỏe, an vui, hạnh phúc và không quên Cố hương.

Tôi xin gửi lời cám ơn chân thành và đặc biệt đến Cộng đồng Người Việt tại Úc châu, Cộng đồng Người Việt tại California và khắp Huê Kỳ đã công khai lên tiếng hậu thuẫn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong công cuộc vận động giải trừ Quốc nạn và Pháp nạn.

Hướng tới chư Tôn đức Tăng Ni và đồng bào Phật tử trên khắp năm châu, tôi cầu chúc chư liệt vị pháp thể khinh an, vạn sự cát tường, muôn lòng hòa hợp. Cầu chúc Năm Mới quý vị được nhiều may mắn, an lành và lòng tin được kiên cố và làm những công hạnh gì Phật đã dạy để cho đời của mình có ý nghĩa và Đạo pháp của mình cũng được hưng thạnh.

Tôi gửi lời khen ngợi chư liệt vị đã tận tình hoằng dương chánh pháp nơi các xứ sở xa xôi, đồng thời vẫn nhất tâm hậu thuẫn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại quê nhà. Đặc biệt chư quý liệt vị đã chí thành khâm tuân và thi hành Giáo chỉ số 9 do tôi ban hành và các Thông tư, Thông bạch của Viện Hóa Đạo nhằm chấn chỉnh và phát huy Giáo hội trước tình thế mới, cũng như làm rạng danh hai nghìn năm Phật giáo Việt Nam, chư liệt vị Tổ sư, các Thánh tử đạo và những người đã hy sinh để bảo vệ dân tộc, bảo vệ lãnh thổ và bảo vệ chánh pháp.

Nam Mô Đương lai Hạ sanh Di Lặc Tôn Phật

Tu viện Nguyên Thiều,
Bình Định ngày 20 tháng Chạp âm lịch, năm 2008
Tỳ kheo THÍCH HUYỀN QUANG
Lời Chúc Xuân Kỷ Sửu – 2009 của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống kiêm Viện trưởng Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni cùng toàn thể Phật tử và Đồng bào các giới trong, ngoài nước,

Hội đồng Lưỡng Viện, GHPGVNTN, đã có thư Chúc Xuân Kỷ Sửu gửi đến quý vị ngày 3.1.2009. Hôm nay qua làn sóng điện, tôi chân thành gửi đến toàn thể Quý vị, đến các Quốc hội, đặc biệt Quốc hội Hoa Kỳ, Quốc hội Âu châu, các vị Nghị sĩ, Dân biểu, các tổ chức Bảo vệ Nhân quyền, Dân chủ, Tự do, các nhân sĩ trí thức quốc tế, lời cầu chúc Năm Mới tốt đẹp nhất, An khang và Thịnh vượng.

Nhân dịp này tôi cũng xin bày tỏ lòng biết ơn đến tất cả quý vị trong năm qua đã hết lòng ủng hộ cuộc vận động cho tự do, dân chủ, tự do tôn giáo, nhân quyền và vẹn toàn lãnh thổ. Cầu mong sớm được thực hiện. Một lần nữa xin cầu chúc toàn thể qúy vị một Mùa Xuân Như ý.

Lời Chúc Xuân Kỷ Sửu – 2009 của Đức Phó Tăng thống Thích Hộ Giác

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Nhân dịp Xuân về, xin kính nguyện An lành vô thượng gia hộ cho chư tôn Giáo phẩm, chư vị Lãnh đạo tinh thần các tôn giáo, các Cơ quan truyền thông cùng toàn thể Cộng đồng Người Việt khắp năm châu trọn năm Kỷ Sửu An lạc, Thăng tiến, Vạn sự Cát tường.

Năm cũ đi qua ghi đậm nhiều nét biến động, tình hình thế giới với kinh tế suy thoái, quê hương Việt Nam vẫn không tái hiện được gì trên phương diện dân chủ, nhân quyền. GHPGVNTN tiếp tục là đối tượng của chủ trương đàn áp, tiêu diệt. Suy thịnh thăng trầm là lẽ tất nhiên của vạn hữu. Trong lời dạy Đức Thế tôn thì không có pháp hữu vi nào đều yên một chỗ. Thời gian cho chúng ta nhiều cái mới đáng hoan hỉ. Nhưng cũng lấy đi nhiều thứ mà chúng ta mong giữ gìn nguyên vẹn. Vấn đề không phải là ở sự đổi thay, mà ở khả năng lãnh hội định lý vô thường. Cho dù cuộc sống thế nào chúng ta vẫn có thể an lạc. Kinh Cát tường Mangalasutra ghi lại vận ngôn : “Khi xúc chạm việc đời không động, không sầu, tự tại và vô nhiễm là hạnh phúc cao thượng”.

Cái vui của ngày đầu Xuân một phần ở thiên nhiên, một phần chính do con người mà có. Từ ngàn xưa, sự minh triết của con người cho thấy đời sống nội tâm vốn ưu việt hơn ngoại cảnh khi nói đến hạnh phúc. Thậm chí đối với vận mạng con người thì đức Phật dạy ngày nào thân nghiệp tốt đẹp, khẩu nghiệp tốt đẹp, ý nghiệp tốt đẹp thì đó là ngày Cát tường, là thời khắc hưng vượng, là vận mệnh hanh thông. Đón mừng Tân Niên, chúng ta không thể không nhớ nghĩ về khổ nạn của quê hương dân tộc. Xin tất cả những nỗ lực vì dân, vì nước được trong sáng, thiết thực để dân tộc Việt Nam sớm có được tự do, dân chủ, nhân quyền thực sự. Nguyện cầu cho GHPGVNTN được phục hoạt và sớm vượt qua Pháp nạn hiện nay. Xuân ước vọng mưu cầu hạnh phúc cho muôn loài được hiện thực. Mong tất cả chúng ta đón mừng Năm Mới với niềm tin yêu, hoan hỉ vào tương lai tươi đẹp như những đóa hoa xuân.

Lời Chúc Xuân Kỷ Sửu – 2009 của Thượng tọa Thích Viên Định,
Phó Viện trưởng kiêm Tổng thư ký Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN

Kính chào cô Ỷ Lan và kính chào quý vị thính giả, nhân dịp Xuân về khởi đầu cho một Năm Mới tôi xin gởi lời cầu chúc đến chư tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, quý Thầy, qúy Sư cô, quý Phật tử và toàn thể Đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước lời Chúc Mừng Năm Mới được thân tâm thường lạc, vạn sự cát tường, quang phục quê hương, trang nghiêm Giáo hội, vận động cho Việt Nam được tự do, dân chủ, nhân quyền, không còn nạn độc tài độc đảng nữa.

Tôi mong rằng mọi người già, trẻ, lớn, bé, đã là người dân Việt Nam thì dù sống ở nơi nào, ở đất nước nào, không một ai quên rằng quê hương Việt Nam vẫn còn bị nạn độc tài độc đảng cai trị, dân tộc sống trong kìm hãm, tối tăm, không có chủ quyền. 85 triệu dân không có tiếng nói, đồng bào không có tự do, đất nước đang bị xâm lấn, chúng ta phải gắng sức giành lại cho được quyền tự quyết dân tộc để cùng nhau bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải cho quê hương Việt Nam. Dải đất hình chữ S từ Ải Nam quan đến Mũi Cà Mau muôn đời được thắm tươi bền vững.

Ỷ Lan : Kính xin Thượng tọa một lời đánh giá đại quan Phật sự trong năm vừa qua và kỳ vọng của Thượng tọa trong năm sắp tới ?

TT. Thích Viên Định : Trong thời gian qua thì Giáo hội có những biến động, có cái được mà cũng có cái mất. Giáo hội vẫn tiếp tục bị đánh phá bằng nhiều cách, như là dùng chiêu bài Hòa hợp Hòa giải theo Nghị quyết 36 kêu gọi hợp tác làm từ thiện, làm văn hóa, làm giáo dục, hoặc là tổ chức Vesak 2008 để dụ dỗ một số chư Tăng trong Giáo hội hợp tác với Nhà cầm quyền Cộng sản như trong thời gian mà quý vị cũng đã biết.

Trong lần đánh phá năm 1981 thì GHPGVNTN đã bị thiệt hại rất nặng nề, Phật sự Giáo hội gần như bị hoàn toàn đình trệ, phải mất đến 22 năm sau, tức là đến 2003 thì Giáo hội mới tái lập lại được đầy đủ Hội đồng Lưỡng Viện và tiếp đến các Ban Đại diện Gíao hội ở các tỉnh thành, quận huyện.

Trong đánh phá lần này, thì nhất là ở hải ngoại Giáo hội cũng bị thiệt hại. Nhưng nếu đem so sánh với lần trước năm 1981, thì thời ấy Giáo hội chỉ còn có hai Hòa thượng so sánh với Tăng Ni theo Giáo hội Nhà nước rất đông, thì lần này mức thiệt hại Giáo hội chúng ta là không đáng kể. Nhưng chân lý thì không thể dùng số lượng nhiều ít mà đánh giá và đoán định được. Tuy Giáo hội liên tục bị đánh phá, nhưng các Phật sự vẫn được tiếp tục. Đó là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Nhị vị Đại lão Hòa thượng là Đức Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang và Hòa thượng Thích Quảng Độ đã kịp thời ra Giáo chỉ số 9. Và một điều cũng rất quan trọng nữa là ở hải ngoại có sự lèo lái kiên cường, sáng suốt của Đức Phó Tăng thống, Đại lão Hòa thượng Thích Hộ Giác và chư Tôn đức ở Văn phòng II Viện Hóa Đạo.

Trong cuộc đánh phá lần này, Giáo hội không còn bị bưng bít, tối tăm như lần 1981. Vì Giáo hội đã có Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế tại Paris đã ứng phó kịp thời đưa ra ánh sáng những mưu mô, toan tính của các thế lực Vô minh, nên Tăng tín đồ và đồng bào Việt Nam nhận rõ đâu là chánh, đâu là tà để có những nhận định đúng đắn, tiếp tục ủng hộ lập trường của GHPGVNTN, vận động cho tự do tín ngưỡng, cho công lý, dân chủ, nhân quyền và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải cho quê hương Việt Nam.

Nhân đây tôi cũng nhớ lại là vào đầu năm Mậu Tý, 2008, vừa qua Hội đồng Lưỡng Viện đã về đảnh lễ hầu thăm Đức Tăng thống tại Tu viện Nguyên Thiều, Bình Định. Không ngờ đó lại là lần cuối cùng. Phái đoàn gồm có Hòa thượng Không Tánh, Hòa thượng Tâm Mãn, tôi và một số các Thượng tọa khác. Đức Tăng thống đã dạy rằng trong cuộc vận động phục hoạt Giáo hội lần này, Giáo sư Võ Văn Ái và cô Hồng Chi là hai người có công nhiều nhất, Hồng Chi là Pháp danh của Nữ sĩ Ỷ Lan. Nhờ biết các tin tức, nhận định được chánh tà, mà các cá nhân và các Hội đoàn ủng hộ Giáo hội mỗi ngày một nhiều hơn. Đó cũng là một điều may trong cái rủi, là cảnh Tái ông thất mã.

Và cũng vì để đối phó việc đánh phá lần này mà Giáo hội đã ra Giáo chỉ số 9 thiết lập được Văn phòng II vững chắc không còn sợ cảnh phá hoại trống đánh xuôi kèn thổi ngược như trước nữa. Tình hình trong nước tuy Giáo hội gặp nhiều khó khăn hơn do sự đàn áp, sách nhiễu của chế độ. Nhưng tất cả các Ban Đại diện từ miền Trung cho đến miền Nam vẫn kiên trì hoạt động trong việc hoằng pháp lợi sanh và cứu trợ xã hội. Điều đáng nói là trong năm qua, sự ra đi của Đức Đệ tứ Tăng thống đã đến,làm bao tiếc thương cho môn đồ pháp quyến cũng như cho toàn thể Giáo hội. Tuy nhiên, sự viên tịch của Đức Tăng thống Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang lại làm thành Sự Sống cho Giáo hội. Bởi vì bất chấp mọi ngăn cản, mọi cấm đoán của nhà cầm quyền Cộng sản, hơn mười nghìn Tăng Ni và Phật tử từ khắp các tỉnh thành đã quy tụ về Tu viện Nguyên Thiều để đưa tiễn Ngài về nơi an nghỉ. Việc này đã nói lên tấm lòng và khí thế của Phật giáo đồ Việt Nam trước mọi nghịch cảnh.

Trong năm tới, Giáo hội kỳ vọng là chư tôn đức Tăng Ni, và đồng bào Phật tử các giới trong và ngoài nước hợp quần như ánh sáng với không gian để làm rạng rỡ Đạo pháp, rạng danh giống nòi nước Việt trong công cuộc phục hưng nhân quyền, dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ trước hai Quốc nạn ngoại xâm và nội xâm. Chúng ta biết rằng cuộc chiến giữa thiện và ác, giữa chánh và tà, giữa dân chủ và độc tài, giữa nhân quyền và áp bức vẫn chưa chấm dứt. Các thế lực vô minh vẫn tìm cách đánh phá để cố bám giữ thành trì của chúng. Nhưng chúng ta không bao giờ chùn buớc trong cuộc vận động để làm thay đổi vận mạng quê hương, vẫn phải tiếp tục cho đến ngày thành công làm sao cho 85 triệu dân Việt Nam không còn bị áp bức nữa. Chấm dứt các khổ đau, được hưởng mọi sự tự do, dân chủ, nhân quyền, phát triển để theo kịp các nước văn minh trong khu vực và trên thế giới.

Một lần nữa, Mừng Năm Mới tôi xin cầu chúc tất cả chúng ta chân cứng đá mềm. Kính chào chư Tôn đức, quý Đồng bào và liệt quý vị.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Lời Chúc Xuân Kỷ Sửu – 2009 của Hòa thượng Thích Chánh Lạc,
Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo kiêm Tổng Ủy viên Nội vụ và Hoằng pháp Văn phòng II Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN Hải ngoại tại Hoa Kỳ

Ỷ Lan : Kính bạch Hòa thượng Thích Chánh Lạc, nhân dịp Tết Kỷ Sửu, kính xin Hòa thượng hoan hỉ ban cho đôi lời Chúc Xuân gửi đến chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử và đồng bào Phật tử trong và ngoài nước.

HT. Thích Chánh Lạc : Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kính chào chị Ỷ Lan, kính gửi Hòa thượng Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống kiêm Viện trưởng Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN, chư tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni cùng đồng bào Phật tử trong và ngoài nước. Trước thềm Năm Mới Kỷ Sửu, 2009, tôi xin kính chúc quý Ngài, quý Vị một Mùa Xuân An lạc, Như ý, thiểu bệnh thiểu não, hầu bền gan cùng tuế nguyệt để cùng nhau tạo dựng và chờ đón ánh bình minh của tự do, dân chủ và nhân quyền xuất hiện với 85 triệu đồng bào ruột thịt chúng ta. Các tông giáo bạn nói chung, nhất là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất nói riêng, đã và đang chịu đựng một nỗi khổ đau triền miên khoáng hậu không tiền kể từ ngày Ma vương xuất đầu lộ diện.

Ỷ Lan : Bạch Hòa thượng là Tổng Ủy viên Nội vụ và Hoằng pháp Văn phòng II Viện Hóa Đạo kiêm Phó chủ tịch Nội vụ GHPGVNTN Hải ngoại tại Hoa Kỳ, kính xin Hòa thượng hoan hỉ cho biết đại quan thành quả hoạt động hoằng pháp trong năm vừa qua tại Hoa Kỳ ?

HT. Thích Chánh Lạc : Kính thưa chị Ỷ Lan, với các chức vụ vừa kể trên, không những trong năm 2008, mà hàng năm chúng tôi phải đi khắp chùa, Hội Học Phật để tổ chức các khóa tu học quy mô, dài hạn, hoặc các lớp Phật Pháp ngắn hạn cho Phật tử. Đặc biệt từ ngày mùng 8.9.2007 và 25.9.2007, có Giáo chỉ số 9 của Đức Cố Tăng thống Đệ tứ Hòa thượng Thích Huyền Quang và Thông bạch Hướng dẫn thực thi Giáo chỉ số 9 của Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Đạo Thích Quảng Độ, nhiệm vụ chúng tôi lại còn nặng nề phức tạp hơn. Nghĩa là bên cạnh buổi giảng dạy Phật Pháp, chúng tôi tìm cách tuyên dương, giải thích về Giáo chỉ và Thông bạch, đồng thời đính chính những xuyên tạc, ngộ nhận, ác ý về hai văn kiện lịch sử này. Nhất là từ ngày 24.8.2008, khi Viện Hóa Đạo cho công bố Thông bạch về vấn đề tiếm danh GHPGVNTN của một số tổ chức Phật giáo bội nghĩa, vong ân, thì Tổng vụ Hoằng pháp lại còn phải tăng tốc cấp lũy thừa. Do đó, ngoài việc trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn dư luận của Phật tử và đồng bào nói chung, chúng tôi còn cho đăng báo, copy hàng ngàn hàng vạn các Thông cáo, bài vở hay, đúng, để phổ biến. Mặc dù đã trải qua rất nhiều âm mưu ti tiện của các thế lực bất chính, nhưng Tổng vụ Hoằng pháp vẫn hoàn toàn tin tưởng vào tấm lòng sắc son, nhất quán của mình đối với quốc gia, giáo hội. Chúng tôi nghĩ rằng không một thế lực đen tối nào, gian tà nào có thể xâm hại nổi.

Năm mới, vận hội mới, ước mong tất cả chúng ta nên hành hoạt trong tinh thần đồng cam cộng khổ và với một lập trường “chí tử thệ vô tha” (1), được vậy mới mong nhà đương quyền trả lại pháp lý, tài sản, v.v… cho GHPGVNTN chúng ta và quyền làm người chính đáng cho toàn dân. Cổ nhân nói : “Ninh vi kê khẩu vô vi ngưu hậu, vi ngưu hậu sỉ nhục thậm đa” (2). Kính mong quý ngài và quý vị không quên điều này. Thành kính đảnh lễ chư tôn đức và kính chào tất cả quý vị.

Nam Mô Đương Lai Hạ sanh Di Lặc Tôn Phật.

Lời Chúc Xuân Kỷ Sửu – 2009 của Thượng tọa Thích Viên Lý,
Phó Tổng Thư ký Viện Hóa Đạo kiêm Tổng Thư ký Văn phòng II Viện Hóa Đạo

Ỷ Lan : Bạch Thượng tọa là Tổng Thư ký Văn Phòng II Viện Hóa Đạo kiêm Tổng thư ký GHPGVNTN Hải ngoại tại Hoa Kỳ, Thượng tọa đã mang lại niềm vui lớn và niềm phấn khởi vô biên cho toàn thể chư Tăng Ni Phật tử khi tạo mải và khai sơn cuối năm vừa qua ngôi chùa Điều Ngự ngay tại trung tâm sinh hoạt của Người Việt tị nạn ở Quận Cam, bang California, Hoa Kỳ. Chùa cũng là trụ sở của Văn phòng II Viện Hóa Đạo. Kính xin Thượng tọa hoan hỉ cho thính giả Đài Phật giáo Việt Nam được biết thành quả hoạt động tại đây trong mấy tháng vừa qua ?

TT. Thích Viên Lý : Thưa chị Ỷ Lan, nhờ sự gia bị của mười phương chư Phật và nhờ tỉnh thương yêu bao la của chư tôn đức giáo phẩm trong và ngoài nước, đặc biệt nhờ sự hậu thuẫn tích cực của đồng bào Phật tử xa gần, cho nên chùa Điều Ngự đã có những thành tựu đáng kể trong một thời gian rất ngắn chưa đầy 2 tháng rưởi kể từ ngày thành lập đến nay. Trong thời gian ngắn như vậy chúng tôi đã thực hiện được một số những Phật sự có thể nói rằng hết sức khích lệ. Chẳng hạn như mỗi tuần có 4 thời thuyết pháp vào tối thứ ba, tối thứ năm, sáng thứ bảy và chiều chủ nhật. Chúng tôi cũng đã tổ chức 2 khóa tu với số người tham dự rất đông đảo nếu đem so với một số tự viện khác thì rõ ràng số người đến chùa Điều Ngự đông gấp năm gấp sáu lần hơn. Đặc biệt chúng tôi cũng đã hình thành những ban như Ban Truyền thông, Ban Vận động tài chánh, v.v.. và đã liên hệ được với một số cơ quan Truyền thông ở tại Quận Cam và dành được sự hậu thuẫn rất lớn từ mọi giới, nhất là những người đang yêu chuộng tự do, dân chủ và nhân quyền. Đặc biệt đã tạo được một sự liên hệ tốt đẹp đối với những người đang dành cho GHPGVNTN của chúng ta một cảm tình lớn từ trước đến nay.

Vào tháng 2 sắp đến thì sẽ có một cuộc Hội luận. Trong cuộc hội luận này dự trù sẽ tổ chức một buổi Lễ Cầu nguyện cho những nạn nhân Tết Mậu Thân 1968, đồng thời cũng sẽ tổ chức một buổi tiệc để gây qũy nhằm tổ chức Đại lễ Phật Đản 2553. Cuộc hội luận sắp đến chúng tôi đã kính mời Giáo sư Võ Văn Ái là Giám đốc Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế và chị từ Paris đến để thuyết trình (3). Chúng tôi nghĩ rằng là ngày hôm đó sẽ có đông đảo bà con đồng hương đến tham dự cuộc Hội luận tổ chức tại chùa Điều Ngự. Trong tháng 5 này thì nhằm thực hiện Nghị quyết của Đại hội Thường niên năm vừa rồi, chùa Điều Ngự cũng sẽ đứng ra thừa lệnh Giáo hội tổ chức Đại lễ Phật Đản 2553 chung cho Gíao hội.

LỜI CHÚC XUÂN CỦA CÁC NHÂN VẬT QUỐC TẾ
Lời Chúc Xuân Kỷ Sửu – 2009 của Huân tước AVEBURY,
Thượng nghị sĩ và Phó chủ tịch Ban Nhân quyền Quốc hội Vương quốc Anh

Ỷ Lan : Kính chào Huân tước Avebury, ngài là Thượng nghị sĩ và Phó chủ tịch Ban Nhân quyền Quốc hội Vương quốc Anh, bao nhiêu năm qua ngài không ngừng hậu thuẫn mạnh mẽ cho nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam. Ngài có ước vọng gì cho dân tộc Việt Nam nhân dịp Tết Kỷ Sửu này ?

Huân tước Avebury : Trước hết tôi xin gửi lời chúc Xuân Hạnh phúc đến nhân dân Việt Nam, năm Kỷ sửu này sẽ hanh thông hơn các năm trước. Tôi hy vọng tiến trình dân chủ và nhân quyền ngày càng thăng tiến, vì đây là tiêu đích của mọi người, tiêu đích được sống an lạc với bất cứ ai, được phát biểu những điều mình tha thiết, được hành xử những chi mình ưa chuộng phù hợp với luật pháp, và được tôn thờ tôn giáo mình chọn theo.

Đối với đất nước Việt Nam, tôi kỳ vọng mọi ngăn cấm mà nhà cầm quyền áp đặt lên tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do tư tưởng và tự do hội họp sẽ được hủy bỏ trong Năm Mới, và Việt Nam sẽ hội nhập với Cộng đồng thế giới để cùng chung sống trong Hòa bình và Dân chủ.

Ỷ Lan : Những năm vừa qua người ta chứng kiến sự bùng dậy của những phong trào Phật giáo cho dân chủ tại Á châu. Tôi nghĩ tới Miến Điện, chư Tăng Ni đã xuống đường, cũng như ở Tây Tạng, chư Tăng và Phật tử dũng mãnh đòi hỏi nhân quyền và tự do nhân cuộc rước đuốc Thế vận hội Bắc Kinh, vân vân… Ngài có nghĩ rằng Phật giáo đang đóng vai trò tác tạo dân chủ cho Á châu không, thưa ngài ?

Huân tước Avebury : Vâng, tôi tin như thế, đặc biệt nơi phần đất của thế giới mà truyền thống Phật giáo đã ăn sâu, kiên cố. Bà nhận xét đúng, Phật giáo đang mở đường cho sự phát triển hòa bình tại Miến Điện. Dù rằng phong trào chưa đạt được thành công, nhưng nó báo hiệu cho chúng ta biết về tinh thần cao độ của quần chúng, sự hậu thuẫn mạnh mẽ của họ đối với chư Tăng Phật giáo. Những phong trào tương tự cũng đang hiện hữu tại Việt Nam, nên tôi hy vọng chư Tăng và Cư sĩ Phật giáo Việt Nam lãnh đạo quần chúng giành lấy tự do và nhân quyền. Như bà vừa nói, chúng ta đang chứng kiến một ví dụ quan trọng như thế ở Tây Tạng. Phương thức Phật giáo không kêu gọi cuộc cách mạng bạo động, mà kêu gọi cho sự phát triển hòa bình do quần chúng nhân dân phát động.

Ỷ Lan : Thưa Huân tước Avebury, cá nhân ngài là một Phật tử. Xin ngài hoan hỉ cho thính giả biết trong hoàn cảnh nào ngài trở thành Phật tử, và Phật giáo có ảnh hưởng gì trong hoạt động chính trị của ngài ở vai trò đại biểu quốc hội và trong công tác vận động cho nhân quyền ?

Huân tước Avebury : Tôi quy y theo Phật sau chuyến viếng thăm Tích Lan năm 1971. Thời đó tôi đại diện cho Ân xá Quốc tế đến quan sát sự kiện có 15.000 tù nhân bị giam giữ mà không được xét xử. Chính quyền của bà Sirimavo Bandaranaike rất hà khắc, nên có cuộc nổi dậy đặc biệt là giới trẻ chống lại bà. Tôi đến thăm vùng phía Nam hải đạo và cùng đi với một Dân biểu. Ông tham gia chính quyền, nhưng do chống đối chính sách đàn áp nên đã rời bỏ chính phủ. Là Phật tử, ông giải thích đạo Phật cho tôi nghe, giới thiệu các kinh sách Phật giáo Nguyên thủy là truyền thống của Tích Lan. Và tôi trở thành Phật tử theo con đường tri thức. Hiện nay tôi giữ mối liên hệ chặt chẽ với Tăng đoàn Tích Lan, với các chùa viện, để giúp đỡ đời sống tâm linh cho các tù nhân Phật giáo tại Anh quốc. Mỗi ngày tôi nỗ lực sống như một người Phật tử dấn thân và thuần thành trong đời sống chính trị của tôi.

Ỷ Lan : 2008 là năm khốn khó cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cũng như cho các phong trào dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam. Nhà cầm quyền Hà Nội tiếp tục cuộc đàn áp, nhưng sử dụng những phương pháp tinh vi như xâm nhập nằm vùng, chia đối phương để trị, vân vân… nhằm phá hoại các phong trào từ bên trong nội bộ.

GHPGVNTN là đối tượng chính của chính sách này, các thành viên của giáo hội bị cô lập, sách nhiễu, khủng bố. Là nhà ngoại giáo có quá trình hoạt động dài lâu cho nhân quyền, ngài có lời cố vấn gì trong công cuộc vận động cho tự do, dân chủ tại Việt Nam hiện nay, thưa Huân tước ?

Huân tước Avebury : Trước hết, tôi xin gửi lời chia buồn đến nhân dân Việt Nam về sự viên tịch của đức cố Tăng thống Thích Huyền Quang, vị cao tăng đã bỏ gần nửa đời người trong vòng tù tội, lưu đày và quản chế. Đây cũng là minh chứng cho sự việc nhà cầm quyền Việt Nam cư xử ra sao đối với tự do tôn giáo. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng nhân dân Việt Nam chẳng nên mất hy vọng. Bởi vì người ta cứ tưởng như thời gian kéo dài mãi, kể từ khi các cuộc đàn áp khởi sự. Nhưng nơi trần thế chẳng có chi tồn tại vĩnh viễn. Tất cả đều vô thường, chuyển biến, như lời Phật dạy. Đàn áp không thể vĩnh viễn tồn tại. Mọi chế độ đàn áp khắc khe rồi cũng đến lúc bị sụp đổ. Vì vậy nhân dân cần thực hành sự kham nhẫn, đồng thời tinh tấn giữ vững niềm tin và các nguyên lý. Điều tôi muốn khuyến thỉnh là : thực hiện con đường bất bạo động, dũng mãnh biểu đạt chính kiến mình, trung kiên với niềm tin Phật, và đừng rơi vào tròng manh động do nhà cầm quyền khiêu khích.

Lời Chúc Xuân Kỷ Sửu – 2009 của Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ, ED ROYCE

Ỷ Lan : Thưa Dân biểu Ed Royce, tại Quốc hội Hoa Kỳ ông là một trong những người nổi tiếng hậu thuẫn cho dân chủ Việt Nam. Ông được biết, được chiêm ngưỡng, và nếu tôi dám nói, là được hàng triệu người Việt, trong, ngoài nước mến yêu. Vào ngày Tết Kỷ Sửu năm nay ông có thông điệp gì gửi đến đồng bào Việt Nam trong nước không, thưa ông ?

Dân biểu Ed Royce : Vâng, trước hết xin cho tôi nói lời “Chúc Mừng Năm Mới” (Ông Ed Royce nói lời chúc bằng tiếng Việt). Mong cầu quý vị một năm Hạnh phúc. Tôi hy vọng năm nay sẽ là năm cải cách cho tự do, vì chúng ta biết rằng các chùa viện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị tịch thu, hàng giáo phẩm bị đàn áp, ai không chịu sáp nhập Giáo hội Phật giáo Nhà nước đều bị gây hại. Tôi đã từng đến Việt Nam gặp gỡ các tù nhân chính trị và những ai bị bắt giữ, nên tôi có cơ may gặp Hòa thượng Thích Quảng Độ. Tôi biết Hòa thượng rất ưu tư cho tự do, tự do tôn giáo và những nhân quyền cơ bản cho dân tộc Việt Nam. Nên tôi muốn khuếch đại điều này để nói rằng năm tới đây là điều tôi kỳ vọng nhất cho tự do trong thế giới và đặc biệt tại Việt Nam.

Ỷ Lan : Thưa Dân biểu, ông được biết như người phát ngôn đòi hỏi cho tự do ngôn luận, đặc biệt ông hậu thuẫn công trình của Đài Á châu Tự do, cũng như cho tự do tôn giáo. Gần đây, ông đệ nạp Quốc hội Hoa Kỳ Nghị quyết kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ đặt lại Việt Nam vào danh sách CPC, là danh sách các quốc gia đàn áp tôn giáo cần đặc biệt quan tâm. Xin ông giải thích cho thính giả được biết nguyên do nào thúc đẩy ông làm việc này và ông kỳ vọng việc này ra sao ?

Dân biểu Ed Royce : Điều tôi nhận xét qua bằng chứng đang tiếp diễn là sự kiện nhà cầm quyền Cộng sản không cho người công dân hưởng các quyền cơ bản. Nhưng đồng thời nhà cầm quyền còn tạo ra một môi trường sợ hãi như một thực tại cố định. Đặc biệt đối với những ai thực hành tín ngưỡng họ, hoặc đeo đuổi những niềm tin khác với ý thức hệ Cộng sản Việt Nam. Tất cả những người này đều bị sách nhiễu, bắt giữ, cầm tù. Vì vậy tôi yêu sách đặt Việt Nam trở lại trong dánh sách CPC, là do những cuộc đàn áp mới đây, do việc gây khó khăn hay ngăn cấm tự do đi lại của chư Tăng Phật giáo, hay những vụ kết án nặng nề.

Đã đến lúc Hoa Kỳ phải nói lên tình trạng nhân quyền nghiêm trọng tại Việt Nam. Đương nhiên Hoa Kỳ phải chú tâm thăng tiến quyền con người trong thế giới. Cho nên việc tôi đề xuất áp dụng luật pháp tại Quốc hội đã được các bạn đồng viện ủng hộ. Việc này sẽ tạo áp lực lớn lên chính quyền Việt Nam. Chúng tôi phải là người biện hộ mạnh mẽ cho nhân quyền, đặc biệt khi những tự do cơ bản bị lạm dụng tại Việt Nam. Một công việc vừa làm sáng tỏ thực trạng Việt Nam vừa gây áp lực lên chính quyền.

Ỷ Lan : Xin được hỏi ông thêm một câu : Vì sao Việt Nam tránh được sự tố cáo của cộng đồng thế giới ? Lời tố giác của ông tại Quốc hội Hoa Kỳ rất được chú ý, nhưng chẳng biết vì sao các vi phạm nhân quyền tại Việt Nam lại không bị kết án đúng mức như tại các quốc gia khác. Ông nghĩ sao về sự trạng này ?

Dân biểu Ed Royce : À, tôi nghĩ một phần là do nhà cầm quyền kiểm soát báo chí gắt gao, khiến báo chí không thể phóng sự những cuộc đàn áp tàn nhẫn trong suốt 20 năm ròng nên chẳng ai biết tới. Nhưng một trong trong những việc mà cộng đồng thế giới đã làm, và chúng ta thực hiện ngày càng mạnh thông qua Đài Á châu Tự do, BBC cùng những đài khác phát thanh về Việt Nam. Đây là điều mà Hòa thượng Thích Quảng Độ nhắc nhở tôi. Hòa thượng nói phải làm sao đưa thông tin vào Việt Nam để dân chúng biết rõ những vi phạm nhân quyền, là điều quan yếu nhất để tạo sự thay đổi và mang lại nhân quyền cho đất nước.

Cho nên chúng ta cần thiết nói lên sự thật về những chi đang xẩy ra ở Việt Nam, và tất cả những đài phát thanh tiêu biểu đang giúp chúng ta làm việc này. Chúng ta còn phải làm sao cho thế giới nghe được các tiếng nói của những người bất đồng chính kiến trong nước, những người đang đòi hỏi tự do, tự do tôn giáo hay chỉ là tự do nói lên chính kiến mình. Chúng ta cần khuếch đại tiếng nói của họ, nên tôi tán thưởng cuộc phỏng vấn hôm nay của Đài Phật giáo Việt Nam vì Đài đang làm sáng tỏ cho thế giới được biết các cuộc đàn áp những nhà bất đồng chính kiến mới đây, đàn áp hàng giáo phẩm tôn giáo, và đặc biệt là những sinh viên bị xử án nặng nề chỉ vì mưu cầu tự do cho nhân dân họ.

Nhân đây, tôi muốn nói lên một điều khác. Đó là việc tôi đề cử Hòa thượng Thích Quảng Độ làm ứng viên Giải Nobel Hòa bình năm 2009. Hòa thượng rất xứng đáng với những nỗ lực của ngài. Tôi hy vọng rằng Giải Nobel Hòa bình sẽ làm cho thế giới chú ý đến Việt Nam, là điều tuyệt đối cần thiết cho thiên niên kỷ mới này, để đưa tới những cải cách mang lại các quyền cơ bản cho người dân.

Ỷ Lan : Xin cám ơn Dân biểu Ed Royce đã dành cho Đài Phật giáo Việt Nam cuộc phỏng vấn hôm nay.

Lời Chúc Xuân Kỷ Sửu – 2009 của ông ARNE LYNNGÅRD,
Chủ tịch Sáng hội Rafto, Vương quốc Na Uy

Nhân danh Sáng hội Rafto ở Vương quốc Na Uy, Thérèse và tôi xin gửi thông điệp đoàn kết đến nhân dân Việt Nam đang đấu tranh cho nhân quyền cơ bản.

Là cư dân của một xã hội tự do, chúng tôi cảm thấy trách nhiệm phải nói lên cho những ai đang bị bịt miệng và bị đàn áp. Chính quyền phi pháp và vũ phu ở Hà Nội đang tiếp diễn chính sách đàn áp nhân dân họ, vi phạm nghiêm trọng các nghĩa vụ quốc tế.

Chúng tôi biết rõ dũng lược, kiên cường và niềm hy vọng trong tim và trong hồn người dân Việt Nam. Trong những vị anh hùng lớn nhất của nhân loại có Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, là người được Giải Nhân quyền Quốc tế Rafto năm 2006. Ngài là gương sáng đại biểu cho những giá trị cao sang của nhân loại.

Dũng lược, đức hạnh tiêu biểu, và sự tinh tấn kiên trì của ngài là nguồn hứng cảm cho toàn thể các sắc dân trên địa cầu.

Lời Chúc Xuân Kỷ Sửu – 2009 của bà THÉRESE JEBSEN,
Chủ tịch Điều hành Sáng hội Rafto, Vương quốc Na Uy

Tôi xin gửi lời Chúc Tết đến tất cả các bạn Việt Nam.

Vào tháng Ba năm 2007, tôi có niềm hân hạnh vô biên được trực tiếp gặp Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ tại ngôi Thiền viện của Hòa thượng ở Saigon.

Buồn thay, cuộc gặp gỡ chỉ xẩy ra trong giây phút ngắn ngủi, vì công an xuất hiện bắt chúng tôi về đồn. Nhưng lòng tôi còn giữ mãi mối xúc động cực kỳ về cuộc trải nghiệm tuyệt diệu, khi được đứng sát gần một trong những tâm hồn cao cả nhất của nhân loại.

Sáng hội Rafto tại Na Uy mang trong mình sự chiêm ngưỡng đời đời với những nhân vật hy hiến đời họ cho tự do, an lạc, qua cuộc đấu tranh cho nhân quyền và nhân phẩm. Uy lực cuốn hút nhân tâm của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, nhân cách, và năng lực suốt cuộc đời dài đã đặt Hòa thượng vào vị trí của một trong những người biện hộ xuất chúng nhất cho nhân quyền qua mọi thời đại. Sáng hội Rafto của chúng tôi tại Na Uy tiếp tục hậu thuẫn yêu sách cho dân chủ, tự do và nhân quyền của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ và nhân dân Việt Nam.

Lời Chúc Xuân Kỷ Sửu – 2009 của Dân biểu Quốc hội Châu Âu, MARCO PANNELLA

Ỷ Lan : Xin chào Dân biểu Quốc hội Châu Âu, Marco Pannella, từ lâu ông là người Bạn chí thiết của dân tộc Việt Nam, ông không ngừng hậu thuẫn cho các phong trào hòa bình và dân chủ Việt Nam. Xin ông một lời chúc nhân dịp Tết Kỷ Sửu ?

Dân biểu Marco Pannella : Điều chúng tôi muốn chúc cho toàn thể Nam, Phụ, Lão, Ấu, dù họ là người Việt Nam hay không, là lời chúc cho Tự do, An lạc, Sức khỏe, và vượt thắng cái chế độ không đem lại chút hạnh phúc nào cho con người. Có chăng thì chỉ dành riêng cho một tuyệt đại thiểu số những kẻ cầm quyền.

Tôi xin cầu chúc Năm Mới tốt lành cho tất cả mọi người, đặc biệt cho Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, nếu ngài nghe được tôi trên làn sóng Đài Phật giáo Việt Nam hôm nay. Xin cho tôi được biểu đạt tất cả lòng thương kính, niềm chiêm ngưỡng và kính trọng của toàn thể những Người Cấp tiến trong thế giới đối với Hòa thượng. Và nói lên kỳ vọng, rằng sắp tới đây không những tôi được Hòa thượng tiếp kiến, mà cuộc tiếp kiến sẽ xẩy ra trong khung cảnh tự do của người Phật tử Việt Nam, khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý. Đồng thời lời chúc thân ái xin được gửi tới đồng bào Thượng Degar, tới sắc tộc Khmer Krom cùng chư Tăng Khmer Krom đang bị cầm tù mà chúng tôi vận động trả tự do cho họ, và hai mươi nghìn tín hữu Công giáo biểu tình cho tự do tôn giáo tại Hà Nội từ tháng 9 năm ngoái, nhưng đã bị đàn áp man rợ và phi pháp.

Đó là những lời Chúc đầu Năm Mới của tôi. Lời chúc gửi tới một dân tộc, mà tôi tin rằng, đang khao khát tự do, khoan hòa, cùng tín ngưỡng cao cả, chứ không là quyền bính và kim tiền. Tôi tin rằng năm nay là năm Sửu ở Trung quốc và Việt Nam, phải vậy không ? Thế thì chúng ta hãy cùng nhau hòa đồng tiếng nói, gọi kêu cho : Tự do cho Việt Nam ? Tự do cho Trung quốc ! Tự do cho Tây Tạng ! bởi vì muốn có dân chủ, thì trước tiên dân tộc Việt Nam, Trung quốc, Tây Tạng phải được tự do. Đó là lời cầu chúc Năm Mới của tôi.

Ỷ Lan : Suốt đời ông đã tận tình tranh đấu cho một thế giới tốt lành quanh ông. Ông có một lời khuyên nào gửi tới nhân dân Việt Nam hiện đang chiến đấu trong hoàn cảnh ngặt nghèo hôm nay ?

Dân biểu Marco Pannella : Phải nói rằng, đôi lúc chúng ta lâm cảnh tuyệt vọng trong cuộc đời tranh đấu của chúng ta. Những lúc ấy chúng ta phải tự nói với chính chúng ta, và tôi tin rằng Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ cũng tự nói như vậy. Đó là, khi cảm thấy không còn một niềm hy vọng nào nữa, thì lời đáp cần thốt lên, là “CHÚNG TA HÃY TỰ MÌNH BIẾN MÌNH THÀNH NIỀM HY VỌNG”. Và như thế, chúng ta không bỏ cuộc.

Cho nên, tôi xin lập lại bằng tiếng Ý lời cầu chúc nhân dân Việt Nam và Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ : “Auguri, Auguri, Buon Anno !”

Ỷ Lan : Xin cám ơn Dân biểu Marco Pannella.

Lời Chúc Xuân Kỷ Sửu – 2009 của Dân biểu Quốc hội Châu Âu, MARCO CAPPATO

Ỷ Lan : Thưa ông Marco Cappato, vừa qua ông đã lên tiếng cho nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam khi tiếp Phái đoàn Hà Nội tại trụ sở Quốc hội Châu Âu ở Strasbourg. Nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu, ông có lời chúc gì gửi đến nhân dân Việt Nam không ?

Dân biểu Marco Cappato : Xin cầu chúc nhân dân Việt Nam trong và ngoài nuớc một Năm mới Tốt đẹp và An lành. Không gì hơn là một Năm Cải thiện – hiển nhiên chúng ta không thể nào có hết mọi sự, nhưng ít nhất phải có sự cải thiện theo đường hướng Hòa bình, nghĩa là đem lại dân chủ và pháp quyền. Bởi vì hòa bình chân thật phải được thể hiện qua công bằng, dân chủ, tôn trọng tự do tôn giáo và nhân quyền.

Nhân danh Đảng Cấp tiến Bất bạo động Liên quốc và Liên đảng, chúng tôi mong mỏi được cộng tác làm việc chung với các bạn, là những người đang đấu tranh cho mục tiêu tự do tôn giáo và dân chủ. Chúng tôi kỳ vọng sẽ đạt được những tiến bộ quốc tế cụ thể nhằm hậu thuẫn cho Đại lão Hòa thượng Tăng thống Thích Quảng Độ được trả tự do và phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, cũng như tự do, dân chủ cho nhân dân Việt Nam. Như thế là chúng ta đang có nhiều công tác phải chung vai đấu cật hoạt động. Cho nên xin cầu chúc một Năm Mới tốt lành cho công cuộc hợp tác giữa chúng ta !

Ỷ Lan : Xin cám ơn Dân biểu Marco Cappato

Lời Chúc Xuân Kỷ Sửu – 2009 của Thượng Nghị sĩ Quốc hội Ý, MARCO PERDUCA

Ỷ Lan : Thưa ông Marco Perduca, là Thượng Nghị sĩ Quốc hội Ý, đồng thời là người bạn qúy của Phong trào Dân chủ Việt Nam, xin ông một lời Chúc Xuân nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu ?

Thượng Nghị sĩ Marco Perduca : Trước hết tôi nghĩ rằng cần cung cấp tin tức cho thế giới biết những gì đang xẩy ra tại Việt Nam hiện nay. Tôi nói thế giới trong nghĩa những quốc gia thành viên tại Liên hiệp Châu Âu và tại Bắc Mỹ. Nói như thế là vì hiện nay chúng ta không có những nguồn thông tin chính xác, mà chỉ có một nguồn tuyên truyền đến từ Hà Nội. Nhà cầm quyền Hà Nội, hoặc các nhà báo quốc tế, chỉ biết rêu rao về phát triển kinh tế như một sự thăng tiến hiện đại, nhưng lại im lặng hoàn toàn trên lĩnh vực vi phạm nhân quyền.

Trong những tuần lễ tới sẽ có hai biến cố quan trọng tại Châu Âu. Một là Hội đồng Nhân quyền LHQ xem xét và đánh giá tình trạng nhân quyền tại Việt Nam. Hai là Hiệp ước Hợp tác song phương Liên Âu – Việt Nam sẽ được tái ký kết.

Tôi tin rằng nếu chúng ta thành công cung cấp những tin tức về hiện trạng tự do tôn giáo, hiện trạng Các quyền dân sự và chính trị đang bị đàn áp tại Việt Nam, trong khi đó phát triển kinh tế chỉ mang lợi lộc cho một nhóm thiểu số thay vì cho toàn dân, thì chúng ta sẽ có ảnh hưởng tác động vào hai biến cố nói trên. Đây là điều mà các nhà dân chủ quốc nội có thể làm. Làm được sẽ là Giải pháp cho Năm Mới và cho tất cả chúng ta.

Ỷ Lan : Ông có nghĩ rằng các chính phủ tại Châu Âu có chính sách gây áp lực nhà cầm quyền Việt Nam để thăng tiến nhân quyền hay không ?

TNS Marco Perduca : Tôi không tin lắm vào các chính phủ. Nhưng trái lại, các Quốc hội tại Châu Âu thì giữ vững ý chí này, đây là sự khác nhau về động lực. Giữa tháng 10 năm ngoái, 2008, Quốc hội Châu Âu đã thông qua một Quyết nghị mạnh mẽ và minh bạch tố cáo đàn áp tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam.

Hiện nay chúng tôi đang nỗ lực đề xuất vấn đề này tại Quốc hội các nước, vì mỗi tháng đều có những ký kết song phương giữa các Quốc hội tại Châu Âu và Việt Nam, mà thường khi vấn đề nhân quyền không được lưu ý. Cần mở rộng thông tin để thực hiện việc này. Ví dụ như chuyến đi Việt Nam vừa qua của tôi và Dân biểu Quốc hội Châu Âu, Marco Pannella, bị nhà cầm quyền Hà Nội ngăn cấm. Cần thông báo việc này cho mọi người được biết, để từ sự kiện này mà gây áp lực mạnh về những chi đang xẩy ra tại Việt Nam.

Ỷ Lan : Ông có lạc quan cho tình hình Việt Nam trong những năm tới ?

TNS Marco Perduca : Hiển nhiên tôi lạc quan. Không phải vì tôi nhìn thấy tình hình phát triển theo đường lối tích cực, mà vì từ lâu tôi đã theo dõi những biến cố tại Việt Nam. Tôi lạc quan vì thấy rõ mỗi khi chúng ta gây sự chú ý vấn đề nhân quyền cho mọi người, thông qua các phương tiện dân chủ tại các quốc gia dân chủ, chúng ta đều được các chính phủ quan tâm và tạo ngay áp lực lên chính quyền Việt Nam. Đây là niềm hy vọng độc nhất để tạo sự đổi thay và cải tiến tại Việt Nam.

Tôi chẳng tin rằng sự thay đổi đến từ bên trong chính quyền Việt Nam. Nhưng tôi tin quyết vào áp lực quốc tế, và kỳ vọng áp lực quốc tế sẽ làm móng dậy và hình thành các xã hội dân sự tại Việt Nam, rồi tiếng nói của các xã hội dân sự này sẽ được thế giới lắng nghe.

Ỷ Lan : Xin cám ơn Thượng nghị sĩ Marco Perduca.


(1) Thà chết chứ không chịu theo người khác (kẻ địch), cũng còn nói “chí tử my tha”, PTTPGQT chú
(2) Nghĩa đen là thà làm miệng gà chứ không làm đít trâu, làm đít trâu thì quá sỉ nhục, PTTPGQT chú
(3) Đề tài thuyết trình tại Chùa Điều Ngự, 14472 Chestnut St., Westminster, CA. 92683, Đt (714) 890 – 9513 (ngay góc đường Hazard và Chestnut) lúc 1 giờ chiều Chủ Nhật, ngày 15 tháng 02 năm 2009“Hiện tình Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và Vai trò người Cư sĩ Phật giáo trước thời cuộc”.

Check Also

Bài 1: Cơ sở Quê Mẹ và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế trả lời chung về âm mưu phá hoại cuộc đấu tranh cho Nhân quyền và Tự do Tôn giáo của hai Dư Luận viên Thục Vũ — Ý Dân

  PARIS, ngày 9 tháng Giêng năm 2019 (PTTPGQT & VCHR) — Thời gian qua, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *