Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin PTTPGQT / Liên Hiệp Quốc mừng Phật Ðản tại Nữu Ước với thông điệp của ông Tổng Thư ký Kofi Annan đề cao tính Tương duyên của đạo Phật. Trong khi ấy, Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang kêu gọi Phật tử Việt Nam vận dụng “Ý thức Phục vụ và đức tính Vô Úy đưa dân tộc và đạo pháp thoát khỏi thảm cảnh hiện tại” qua bức Thông điệp Phật Ðản 2548 viết từ Tu viện Nguyên Thiều ở Bình Ðịnh

Liên Hiệp Quốc mừng Phật Ðản tại Nữu Ước với thông điệp của ông Tổng Thư ký Kofi Annan đề cao tính Tương duyên của đạo Phật. Trong khi ấy, Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang kêu gọi Phật tử Việt Nam vận dụng “Ý thức Phục vụ và đức tính Vô Úy đưa dân tộc và đạo pháp thoát khỏi thảm cảnh hiện tại” qua bức Thông điệp Phật Ðản 2548 viết từ Tu viện Nguyên Thiều ở Bình Ðịnh

Download PDF

Theo Quyết nghị mang số 115 thông qua tại khóa họp Ðại hội đồng lần thứ 54 ở Nữu Ước ngày 15.12.1999, LHQ lấy ngày Phật Ðản làm “Ngày Quốc tế Biết ơn Phật ra đời”. Như thường lệ, năm nay buổi lễ được cử hành tại trụ sở LHQ ở Nữu Ước vào trước đêm Rằm tháng Tư âm lịch (hôm 1.6.2004). Ông Kofi Annan, Tổng Thư ký LHQ, đã tuyên đọc một Thông điệp, qua đó ông liên hệ tình hình tranh chấp hiểm nguy trong thế giới với lời dạy của Ðức Phật nhằm chữa trị các hiểm nguy này. Xin được trích dịch những đoạn quan trọng sau đây :

UN Secretary-General Kofi Annan“…Mỗi năm vào ngày này, chúng ta đánh dấu ngày Ðản sinh, Thành đạo rồi Niết bàn của Ðức Phật Cồ Ðàm Tất Ðạt Ða cách nay trên 2500 năm, và chúng ta tôn vinh Ðạo Phật trong sự vãn cứu Hòa bình trong thế giới.

“Năm nay, vào giây phút tưởng niệm, tôi muốn được nói lên những mối quan tâm của tôi đối với các sự kiện xẩy ra gần đây làm cho sự căng thẳng trở nên trầm trọng giữa những tín đồ của các tôn giáo lớn trong thế giới – như cuộc tập kích khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, cuộc chiến tranh Irak, và cuộc tranh chấp dai dẳng, thảm khốc giữa những người Do thái và những người Palestines.

“Chúng ta cần tránh xa những lập luận máy móc, cách nói khái quát cùng những thành kiến, và tránh việc kết án toàn thể một dân tộc, toàn thể một vùng miền hay toàn thể một tôn giáo vì những hành động xấu của một thiểu số người. Như Ðạo Phật đã dạy, chúng ta phải đối xử với từng cá nhân bằng sự công chính và khách quan, lánh bỏ các điều ác, sự khiêu khích, các hành động gây ra lỗi lầm. Lòng khoan dung là cốt yếu, nhưng chưa đủ. Chúng ta cần tiến xa hơn nữa, đặt mình vào một nỗ lực tinh tấn trong cuộc tìm hiểu tha nhân, và phát hiện các điều chân thiện trong những niềm tin và truyền thống của tha nhân.

“Trong Ngày Phật Ðản hôm nay, chúng ta hãy cùng phát nguyện hiến thân vào công cuộc gây dựng lại niềm tin giữa các dân tộc mang những tín ngưỡng dị biệt và những văn hóa dị biệt. Hãy cùng nhau nhận thức, như Ðạo Phật đã phát lộ, về tính tương duyên (tương quan sinh tồn) giữa loài người. Và cùng nhau tiến bước trên Con Ðường ấy như những đối tác. Trong tinh thần này mà tôi xin cầu chúc một Phật Ðản hoan lạc”.

Thể theo lời yêu cầu của một số Bạn đọc và các cơ quan báo chí, chúng tôi xin đăng lại dưới đây toàn văn Thông điệp Phật Ðản 2548 của Ðức Ðệ tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang từ Tu viện Nguyên Thiều, Bình Ðịnh, gửi ra. Thông điệp này đã được đăng tải nguyên văn trong Thông cáo Báo chí của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế phát hành ngày 4.5.2004 nhân tường thuật Ðại lễ Phật Ðản do Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ – Văn phòng II Viện Hóa Ðạo, tổ chức tại thành phố San Diego, Nam California, Hoa Kỳ, hôm chủ nhật 2.5.2004. Lý do là các chùa viện thuộc Giáo hội tại Hoa Kỳ tổ chức Mùa Phật Ðản suốt tháng 5 dương lịch, nên Giáo hội tổ chức sớm để sau đó có thể tham dự Ðại lễ qua các tiểu bang khác. Nguyên văn Thông điệp Phật Ðản 2548 như sau :

Thông điệp Phật Ðản 2549

Thông điệp Phật Ðản 2548 nói lên cương vị tôn giáo trong công cuộc phục vụ dân tộc, tổ quốc, và nhân loại theo sứ mệnh tôn giáo. Do đó, Thông điệp đưa ra 4 nhận thức chiến lược cho Phật giáo đồ Việt Nam :

Thứ nhất, Ðại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang nhắc lại lời dạy 40 năm trước đây của Ðức Ðệ Nhất Tăng Thống Thích Tịnh Khiết : “Phật tử không muốn dân tộc và đạo pháp bị tiêu diệt. Mỗi người chúng ta phải căn cứ vào thiện chí mà đào sâu sáng kiến và tăng thêm nỗ lực làm hết cách để đưa dân tộc và đạo pháp sớm thoát khỏi thảm cảnh hiện tại : đó là ý thức phục vụ không thể không nói đến trong lúc này. (…)Phật giáo đồ chúng ta biết rằng sức mạnh bạo động nếu được đối phó bằng sức mạnh bạo động thì đó không phải là “đức tính Vô úy” của Phật giáo. Ðức tính Vô úy dạy chúng ta biết thản nhiên và bình tỉnh xây dựng Phật pháp để phục vụ dân tộc và nhân loại”.

Nhắc lại một nhận định, có nghĩa là “thảm cảnh” ở 40 năm trước so với 40 năm sau vẫn y nguyên : Ðạo Phật là một tôn giáo lớn và lâu đời của dân tộc, nhưng lại bị sự khuynh loát chính trị lạm dụng, lợi dụng, để khinh thường hạ xuống hàng một hiệp hội theo Dụ số 10 ban hành dưới thời nô lệ thực dân. 40 năm sau, đạo Phật vẫn tiếp tục nằm trong quy chế hiệp hội dưới ô dù của Mặt trận Tổ quốc, một tổ chức thuần túy đảng phái và chính trị. Thảm cảnh này, người Phật tử không thể làm ngơ. Nhất là vào lúc hàng trăm triệu Phật tử trên khắp năm châu tự do và trang nghiêm cử hành Ðại lễ Phật Ðản, thì tại Việt Nam 11 vị giáo phẩm cao cấp lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, trong số này có Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang và Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, vẫn tiếp tục bị tù đày, quản chế, sách nhiễu, và không được phép công khai cử hành đại lễ với quần chúng Phật tử.

Thứ hai, Thông điệp định nghĩa đạo Giác ngộ (Phật giáo) không gì khác hơn là “tái sinh đời sống tâm linh” trong mỗi con người. Tức tìm lại chân diện mục của mình, tìm lại Phật tính trong mỗi cá nhân. Mà Phật tính là khả năng giác ngộ. Có giác ngộ mới có thể cứu khổ cho con người và đất nước. Thuật ngữ Phật giáo gọi là cứu khổ cho mọi loài chúng sinh (từ loài hữu tình đến loài vô tình).

Thứ ba, là Phật tử phải thực hành Ðại Bi, Ðại Trí, Ðại Nguyện, Ðại Hành.

Ðại Bi là lòng thương lớn có khả năng cứu khổ, và công năng tôn trọng quyền sống của người khác. Ðại Trí là nhận thức và hành động sáng suốt. Có Bi có Trí, mà không lập Ðại Nguyện thể hiện sự cứu khổ và hành động sáng suốt, thì Bi và Trí không có chỗ tác dụng. Có Bi, có Trí, có Nguyện, mà không thực hành trong đời sống thường nhật, thì giáo lý giác ngộ và cứu khổ còn ngủ yên trong lý thuyết, chưa hoàn tất công cuộc giải thoát nhân sinh theo tinh thần của Ðại thừa giáo Việt Nam. Cho nên phải nhất tâm thực hành Ðại Bi, Ðại Trí, Ðại Nguyện, Ðại Hành.

Thứ tư, là đối trị thảm cảnh vong thân và vong quốc của con người. Muốn đối trị thì phải ý thức tới hiện trạng vong thân và vong quốc ấy. Vong thân vì con người đang bị bắt phải sống giữa “thời đại phân hóa nhân cách và khủng hoảng”, thời đại “bạo động và khủng bố”, “văn hóa nền tảng của Phật giáo và dân tộc bị nền giáo dục duy lý và kim tiền uy hiếp”. Vong quốc vì con người đang bị lăng nhục và xua đuổi ngay trên chính quê hương họ. Hậu quả thấy rõ của tình trạng vong quốc, là bản thân người Phật tử đã mất quyền thực hành đạo Phật trong đời sống tâm linh, mất quyền áp dụng đạo Phật vào đời sống xã hội và mọi hoạt động dân tộc. Ðối trị thảm cảnh vong thân và vong quốc, Ðức Tăng Thống Thích Huyền Quang kêu gọi sự KHOAN HÒA và ÐỒNG NHẤT của Tứ chúng (bốn chúng Tăng, Ni, Nam Cư sĩ Phật tử và nữ Cư sĩ Phật tử). Khoan hòa để đối trị sự vong thân thể hiện qua hiện trạng ly gián, phân hóa, chia rẽ. Ðồng nhất là cuộc tập họp chiến lược để hành động cứu khốn trừ nguy.


Unicode
VNI
VPS
VIQR

Check Also

Bài 1: Cơ sở Quê Mẹ và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế trả lời chung về âm mưu phá hoại cuộc đấu tranh cho Nhân quyền và Tự do Tôn giáo của hai Dư Luận viên Thục Vũ — Ý Dân

  PARIS, ngày 9 tháng Giêng năm 2019 (PTTPGQT & VCHR) — Thời gian qua, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *