Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin UBBVQLNVN / Một đại biểu quốc tế tham dự Diễn đàn Nhân dân ASEM 5 lên tiếng từ Hà Nội về sự vắng mặt các đại biểu người Việt thuộc các tổ chức Phi chính phủ hay Xã hội dân sự – Phỏng vấn Chị Deborah Stothard

Một đại biểu quốc tế tham dự Diễn đàn Nhân dân ASEM 5 lên tiếng từ Hà Nội về sự vắng mặt các đại biểu người Việt thuộc các tổ chức Phi chính phủ hay Xã hội dân sự – Phỏng vấn Chị Deborah Stothard

Download PDF

Trước các cuộc thảo luận về tiến trình dân chủ hóa tại Diễn đàn Nhân dân 5, Nhà cầm quyền Hà Nội đẩy người tuyên truyền quốc tế cho chế độ, là bà Tôn Nữ Thị Ninh, Phó chủ tịch Ủy ban Ðối ngoại Quốc hội, đứng ra chống chế cho chủ trương độc đảng, bằng thứ ngôn ngữ mị dân thoa vuốt quốc tế khi bà tuyên bố hôm bế mạc Diễn Ðàn ngày 9.9 : “Dù Việt Nam chưa theo kịp thói thường, nhưng chúng tôi phải bảo vệ cho người thiểu số (xin chớ hiểu là đồng bào Thượng Tây nguyên, chúng tôi nhấn mạnh). Cho nên, tôi đòi quyền thử nghiệm dân chủ trong một nhà nước độc đảng, một nhiệm vụ khó khăn nhưng hấp dẫn”.

Hôm thứ tư, ngày 8.9, Hà Nội lại gửi Trưởng ban Tư tưởng và Văn hóa Nguyễn Khoa Ðiềm sang Paris với một đoàn Văn công để làm công tác tuyên truyền chính trị tại các nước Bỉ, Hòa Lan, Thụy sĩ, v.v… trong tháng 9 này, nhân tham dự Liên hoan Nhân đạo (Fête de l’Humanité) của đảng Cộng sản Pháp tổ chức thường niên tại La Courneuve, vùng phụ cận Bắc Paris, trong ba ngày 10, 11, 12 tháng 9. Nguyễn Khoa Ðiềm là ông trùm kềm kẹp tư tưởng, kềm kẹp báo chí và ngôn luận hiện nay. Lâu nay hai đảng Cộng sản Pháp Việt không mặn nồng khắn khít như trước. Chỉ mới gần đây hai bên quan hệ trở lại với cuộc viếng thăm Hà Nội của hai đảng viên Cộng sản Pháp, Henri Martin và Raymonde Dien. Hai người từng tích cực ủng hộ Việt Minh trong thời kháng Pháp, thời mà các nhi đồng trong vùng kháng chiến được dạy hát lên tên họ, như “Ray Mông Ðiên chắn xe cho ngừng máu rơi, ngăn chiến tranh cho đời huy hoàng. Ta nhớ ghi tên người tươi sáng !”, v.v…

Dù cố gắng trên mọi mặt như thế, nhưng vải sưa không che được mắt thánh. Công luận thế giới mấy ngày qua không ngừng tố cáo tính chất độc tài trong việc tổ chức Diễn đàn Nhân dân ASEM 5 tại Hà Nội. Bài xã luận của nhật báo The Nation phát hành tại Bangkok, là nước láng giềng trong cùng Hiệp hội Ðông Nam Á với Việt Nam, số phát hành hôm 8.9 phê phán rằng : “Quyết định của Việt Nam hôm thứ Hai cấm một nhóm 10 nhà báo Ðông Nam Á tham dự Diễn đàn đã làm xỉn đi hình ảnh đất nước họ. Thật khó hiểu vì sao Việt Nam cấm các nhà báo tham dự (…) và đối xử với giới truyền thông như thế khi mình là nước chủ nhà đứng tổ chức một hội nghị quốc tế quan trọng.

“Việt Nam cần học cách xử lý với thực tại của thế giới ngày nay. Trong những năm vừa qua, đảng Cộng sản Việt Nam đã hưởng được rất nhiều thiện cảm của giới báo chí quốc tế. Nhưng từ quan điểm của người làm báo, cả hai khía cạnh tiêu cực và tích cực trong cuộc sống hiện đại Việt Nam đều phải được nêu lên hầu giúp cho người đọc tự do đánh giá lấy. Việc Hà Nội cấm các nhà báo tham dự chỉ làm phản tác dụng với những điều Hà Nội mong muốn. (…) Báo chí quốc tế giúp phản ảnh thực tại một đất nứơc, mà cơ quan truyền thông bị chính quyền kiểm soát bất lực nói lên.

“Dù sao đi nữa, thì hiểu biết đầy đủ về báo chí quốc tế sẽ giúp cho Việt Nam tiếp cận với tương lai như một thành viên trọn vẹn trong cộng đồng thế giới. Ở thời đại toàn cầu hóa, chẳng quốc gia nào ngăn cấm được dòng chảy siết của những luồng thông tin lan tỏa vào công chúng”.

Ông Tom Crick, điều hợp viên cho chương trình Á châu thuộc tổ chức Hành động cho Một Thế giới (One World Action) phản đối việc Hà Nội cấm đại biểu Cam Bốt tham dự Diễn đàn Nhân dân ASEM 5. Ðó là trường hợp cựu Thượng nghị sĩ Phay Siphan, Chủ tịch Trung tâm Nhân quyền Cam Bốt, người đã bị khai trừ khỏi Quốc hội vì thường xuyên công kích tình trạng vi phạm nhân quyền tại đây. Ông dự tính tố cáo tình trạng nhân quyền tồi tệ tại Cam Bốt ở Diễn đàn Hà Nội. Theo ông Tom Crick, thì “Dường như chính quyền Cam Bốt đã thương lượng với chính quyền Việt Nam để các đại biểu Cam Bốt không được tham dự Diễn Ðàn”. Vì vậy mà 10 đại biểu Cam Bốt đã bị chận bắt tại phi trường Tân Sơn Nhất. Sau nhiều giờ thương thảo, Công an chỉ cho 4 người nhập cảnh. Nhưng vì tình liên đới, không ai chịu vào Việt Nam và cả 10 người quày trở về Cam Bốt.

Tại hội nghị, hai đại biểu Miến Ðiện bị cấm lưu hành các tài liệu về tình trạng của Bà Aung San Suu Kyi. Nhiều nhóm đại biểu đi lấy chữ ký hậu thuẫn bản Kiến nghị yêu sách Liên hiệp Âu châu ngăn cản giới quân phiệt Rangoon tham dự Hội nghị Thượng đỉnh tháng 10 cũng bị Ban Tổ chức ngăn cấm.

Sáng hội Friedrich Ebert của Ðức, là một trong những cơ quan tài trợ nhiều dự án tại Việt Nam, đã phản đối kịch liệt khi Hà Nội cấm báo chí quốc tế tham dự, trong số này có những nhà báo Sáng hội mời đến. Nhờ phản đối này, mà Hà Nội chấp nhận một số ký giả với điều kiện tham dự như đại biểu phó hội nhưng không được hành nghề.

Chúng tôi đã trình bày đầy đủ bộ mặt thật của cái gọi là Diễn đàn Nhân dân ASEM 5, cùng những sự lên tiếng phản đối khác nhau qua các bản Thông cáo báo chí ngày 6.9, 7.9, 8.9, 9.9, mà bạn đọc có thể vào xem trong Trang Nhà Quê Mẹ http://www.queme.net . Ðặt biệt hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu một tiếng nói nhân chứng cất lên từ Hà Nội. Ðó là chị Deborah Stothard, đại biểu tham dự Diễn đàn Nhân dân ASEM 5, qua cuộc phỏng vấn của chị Ỷ Lan. Cuộc phỏng vấn này đã được Ðài Á châu Tự do phát về Việt Nam trong chương trình 21 giờ, giờ Việt Nam, tối ngày 10.9.

Phỏng vấn chị Deborah Stothard, một đại biểu Phi chính phủ
tham dự Diễn đàn ASEM 5 ở Hà Nội

Ỷ Lan : Một trong những đề tài kết thúc Diễn Ðàn Nhân dân ASEM 5 hôm thứ Năm 9 tháng 6, là “Dân chủ hóa và Quyền nhân dân”. Ðề tài này được trình bày trước khoáng đại. Người trình bày là chị Deborah Stothard, Chủ tịch một tổ chức Phi chính phủ tranh đấu cho nhân quyền Miến Ðiện. Chúng tôi dùng dây nói viễn liên hỏi thăm chị về diễn tiến của hội nghị ở Hà Nội trong mấy ngày qua cùng cảm tưởng của chị trong chuyến đến Việt Nam lần đầu này. Mặc dù đang dự dạ tiệc bế mạc, chị vui vẻ nhận trả lời phỏng vấn của chúng tôi như sau đây.

Ỷ Lan : Chào chị Deborah Stothard, đại biểu cho Alternative Asean Network on Burma thuyết trình trước khoáng đại đề tài “Dân chủ hóa và Quyền Nhân dân”, xin chị nói lên vài lời ngắn gọn về bản thuyết trình của chị ?

Deborah Stothard : Vào đêm khai mạc hội nghị, một trong những vị Phó Thủ tướng Việt Nam đọc diễn văn đại ý nói rằng Việt Nam tha thiết xiết bao với dân chủ, và “đang từng bước một” tiến tới dân chủ. Tôi dùng ý đó đưa vào bài phát biểu của tôi khi tôi nhận định rằng con đường phát triển kinh tế mười năm qua của Việt Nam gây rất nhiều cảm hứng, và tôi tin chắc rằng, việc chuyển hóa chính trị của Việt Nam sang một chế độ dân chủ sẽ không gặp khó khăn gì.

Hình như nhận xét này gây cú sốc và làm phiền giới đại biểu Việt Nam.

Chấm dứt bài phát biểu, tôi yêu cầu toàn thể hội trường đứng lên và giữ một phút mặc niệm để tưởng nhớ đến những bạn bè vắng mặt, những ai không thể đến tham dự Diễn Ðàn vì bị giam cầm hay vì lý do nào khác, cũng như những ai đã hy sinh thân xác hay tự do của mình trong cuộc tranh đấu cho Tự do của người khác. Thế là cả hội trường đồng loạt đứng lên vinh danh cho những Người Ðấu tranh cho Nhân quyền ở Châu Á.

Ỷ Lan : Có ai phản đối không, hở chị ?

Deborah Stothard : Một số nhỏ đại biểu Việt Nam không chịu đứng lên, nhưng một số khác và toàn thể các đại biểu quốc tế đều hưởng ứng đứng lên tôn vinh cho những Người Ðấu tranh cho Nhân quyền vắng mặt.

Ỷ Lan : Chị nghĩ sao về Diễn đàn Nhân dân ASEM 5 và cảm tưởng chị sau mấy ngày tham dự hội nghị ở Hà Nội ?

Deborah Stothard : Tại Diễn đàn Nhân dân ASEM 5 này, nói chung một cách rõ ràng là ai nấy đều sống trong tâm trạng đầy lo âu, thiếu thông tin và tự do, so với các Diễn đàn trước đây mà tôi tham dự ở Luân Ðôn, Copenhague, Seoul, Bangkok. Nói một cách rõ ràng là ai nấy đều tự động kiểm duyệt lời ăn tiếng nói của mình vì tự thấy không nên xúc phạm nước chủ nhà tổ chức hội nghị, là Việt Nam.

Ỷ Lan : Có nhiều ý kiến không đồng tình việc tổ chức riêng biệt Diễn Ðàn Nhân dân ASEM 5 với Hội nghị Thượng đỉnh ASEM, chị nghĩ sao về ý kiến này ?

Deborah Stothard : Chẳng có gì rõ ràng trong việc giải thích vì sao Diễn đàn Nhân dân ASEM 5 tổ chức một tháng trước Hội nghị Thượng đỉnh ASEM dành cho cấp chính phủ. Chúng tôi không rõ lý do nào, hoặc vì Hà Nội không đủ khả năng tổ chức cùng lúc hai hội nghị, hay vì Hà Nội có sách lược kiểm soát các tác động xấu và nhắm ngăn ngừa ảnh hưởng qua lại giữa một Diễn đàn Nhân dân với Thượng đỉnh các nước Á Âu. Nói một cách rõ ràng, thì có khả năng là Hà Nội cố tâm ly gián chúng tôi với các chính phủ của chúng tôi.

Ỷ Lan : Có tin là báo chí truyền thông quốc tế bị cấm tham dự Diễn đàn. Tin này đúng hay không ?

Deborah Stothard : Ðúng là các cơ quan báo chí, truyền thông không được tham dự Diễn đàn, không được tham gia các khóa hội thảo. Vì vậy mà một số nhà báo đành ghi danh như đại biểu phó hội để có thể theo dõi cuộc thảo luận. Nhưng họ phải cam kết không được hành nghề báo chí. Sau này, do nhiều sự bất bình phẫn nộ, nhưng cũng nhờ áp lực quốc tế, nên ngày bế mạc hôm nay báo chí được vào tham dự.

Ỷ Lan : Ðược biết là hằng ngày có những cuộc họp báo trình bày diễn tiến hội nghị. Ðại biểu các tổ chức Phi chính phủ có được tham gia lên tiếng trong những cuộc họp báo này không ?

Deborah Stothard : Các cuộc họp báo ấy tổ chức trong một khách sạn khác, cách xa với khách sạn tổ chức hội nghị. Ða số các đại biểu chúng tôi chẳng hay biết gì. Vì Ban Tổ chức chủ tọa các cuộc họp báo ấy.

Ỷ Lan : Có bao nhiêu người tham dự Diễn đàn Nhân dân và phía Việt Nam có đông đại biểu tham dự không ?

Deborah Stothard : Có khoảng trên 500 người tham dự. Rất tiếc là số người Việt Nam quá ít để chúng tôi nhận ra. Tại các Diễn đàn Nhân dân trước đây ở Luân Ðôn, Copenhague, Seoul, Bangkok, những đại biểu địa phương rất đông đảo và tích cực.

Ở Hà Nội, Diễn đàn tổ chức tại khách sạn Tây Hồ, cạnh hồ nước lớn, xa cách trung tâm Hà Nội. Chỉ có một con đường độc đạo đưa vào khách sạn. Chúng tôi cảm thấy như bị cô lập. Nói một cách rõ ràng, là ai nấy buộc phải đeo kỹ thẻ đại biểu được công nhận. Ai không mang thẻ này là bị đuổi đi ngay, kể cả việc mon men tới các phòng ốc khách sạn. Trong tình trạng như thế, khách du lịch, những nhà hoạt động cho nhân quyền địa phương hay ai khác đại diện cho những tổ chức Phi chính phủ người Việt chẳng có cách gì đến gần hội nghị hay vào tham gia các khóa hội thảo.

Ỷ Lan : Xin chị cho biết việc tiếp xúc với các đại biểu Việt Nam tại hội nghị. Chị có tự do ăn nói với họ không ? Họ chuyện trò với chị như thế nào ?

Deborah Stothard : Nói một cách rõ ràng, thì điều khác thường mà tôi nhận xét, là đa số các đại biểu Việt Nam hình như họ bị bó buộc phải mở đầu diễn văn của họ bằng các câu ca tụng thành quả vĩ đại mà Ðảng Cộng sản đã thực hiện. Từ trước đến nay, tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh người ta ca tụng chính phủ của mình một cách hồ hởi như thế, ít cũng là theo kinh nghiệm bản thân của tôi.

Ỷ Lan : Chị muốn nói là theo kinh nghiệm hoạt động của chị với những tổ chức Phi chính phủ trong thế giới, phải thế không ?

Deborah Stothard : (Cười). Ðúng như thế ! Quả là một cú sốc văn hóa, bởi vì tôi quen với truyền thống hoạt động và phát biểu của các tổ chức Phi chính phủ. Thông lệ, các tổ chức Phi chính phủ như chúng tôi, bao giờ cũng giữ thái độ khiêu khích, thách thức những chính sách của chính quyền và đề xuất những chọn lựa mới. Trong khi ấy ở đây, hầu hết các đại biểu Việt Nam phó hội dường như bị bó buộc bảo vệ nguyên trạng đất nước (status quo).

Ỷ Lan : Tại các khóa hội thảo về vấn đề dân chủ hóa và quyền nhân dân, có ai nêu lên những trường hợp vi phạm nhân quyền tại Việt Nam không ?

Deborah Stothard : Tôi không rõ có ai nêu lên vấn đề nhân quyền tại Việt Nam chăng. Vì có quá nhiều cuộc hội thảo, tôi không thể tham dự khắp nơi. Nhưng tôi biết chắc một điều là tình trạng đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không được đưa ra thảo luận. Tôi cũng biết rằng nhiều đại biểu đề cập chuyện nhân quyền, và hẳn nhiên ai cũng hiểu rằng họ muốn nhắm tới hiện trạng nhân quyền tại Việt Nam.

Vì vậy, mà rất lý thú ngồi nghe các “quan chức” Việt Nam tuyên bố rằng Việt Nam cam kết tham gia tiến trình dân chủ hóa, và bằng cách nào Việt Nam đang “từng bước một” dân chủ hóa đất nước họ theo một hướng đi “duy nhất”. Lối xử lý mạnh mẽ cho dân chủ này được nhấn mạnh qua thành quả kinh tế đưa tới việc hoàn tất trên các lĩnh vực y tế, giáo dục và xã hội mà chính quyền Việt Nam đã thực hiện. Một trong các diễn giả này đoan quyết rằng, ngành báo chí truyền thông Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp, ngày càng tự do. Tiếc thay, những đại biểu phó hội như chúng tôi không hề được tiếp cận với giới báo chí truyền thông Việt Nam để có thể xác nhận lời tuyên bố ấy.

Ỷ Lan : Có phải vì vậy mà chị đã cho biết rằng đa số các đại biểu quốc tế tự thấy phải tự mình kiểm duyệt mình trong các phát biểu, thảo luận hay lời ăn tiếng nói ?

Deborah Stothard : Không những thế, mà còn bị kiểm duyệt trực tiếp nữa ! Tại đại hội khoáng đại, vấn đề Miến Ðiện được nêu lên, liền tức khắc một hay hai đại biểu Việt Nam, có dáng dấp quan chức cao cấp, bác bỏ việc đưa Miến Ðiện vào Quyết nghị chung của Diễn đàn vì sợ mếch lòng chính phủ Miến.

Ỷ Lan : Ðã từ lâu, chị là người đấu tranh cho Dân chủ. Chị có điều gì muốn nói với những nhà dân chủ Việt Nam vắng mặt tại hội nghị, vì lý do bị tù đày, quản chế hay vì lý do nào khác ?

Deborah Stothard : Tôi muốn nói rằng, rất nhiều, rất nhiều những đại biểu đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền đến Hà Nội với niềm hy vọng không bị tuyệt vọng là sẽ có cơ hội đối thoại và kết nối hành động chung với những xã hội dân sự đa dạng của Việt Nam. Ðã rõ rành rành là chuyện đó không hề được xẩy ra bằng những tiếp xúc đích thực hay một cung cách có ý nghĩa nào khác.

Chúng tôi hy vọng rằng những bằng hữu Việt Nam và các bạn đồng sự nghe được lời nói chúng tôi hôm nay, sẽ hiểu cho rằng, chúng tôi muốn gửi đến các bạn lời chào thân ái nhất, lời chào đoàn kết nhất của chúng tôi. Dù chúng ta không được may mắn gặp gỡ nhau, nhưng kinh nghiệm trải qua tại hội nghị làm cho đa số chúng tôi quyết tín rằng Việt Nam phải là trọng tâm cho những nỗ lực hành động của chúng tôi trong tương lai nhằm thăng tiến nhân quyền và dân chủ.

Ỷ Lan : Cám ơn chị Deborah Stothard và chúc chị lên đường về nước thượng lộ bình an.



Unicode

VNI

VPS

VIQR

(Ỷ Lan tường trình từ Âu Châu)

Bấm vào đây để nghe cuộc phỏng vấn này


Rightclick to download this audio

Ðài Á châu Tự do

Check Also

VCHR và FIDH vạch trần những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam trước cuộc xem xét Báo cáo định kỳ của Việt Nam về Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về các quyền dân sự và chính trị

PARIS, ngày 5 tháng 1 năm 2024 (VCHR) – Trong Báo cáo chung gửi Ủy …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *