Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin PTTPGQT / Ông Võ Văn Ái hoan nghênh bản Báo cáo trung thực và kịp thời về tình trạng đàn áp tôn giáo tại Việt Nam của Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới

Ông Võ Văn Ái hoan nghênh bản Báo cáo trung thực và kịp thời về tình trạng đàn áp tôn giáo tại Việt Nam của Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới

Download PDF

PARIS, ngày 5.5.2008 (PTTPGQT) – Ông Võ Văn Ái, Phát ngôn nhân Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), Giám đốc Phòng Thông tin Phật giáo Việt Nam, ngỏ lời hoan nghênh bản Báo cáo về tình hình đàn áp tôn giáo tại Việt Nam mà Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới (US Commission on International Religious Freedom) (1) công bố tại Hoa Thịnh Đốn hôm thứ sáu 2.5.2008. Ông nói rằng :

“Căn cứ trên cuộc điều tra tại Việt Nam tháng 10 năm 2007 cùng với những kiểm tra, nghiên cứu, bản Báo cáo gồm nhiều chi tiết chính xác của Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới là dụng cụ quý báu cho những ai quan tâm đến tự do tôn giáo tại Việt Nam. Bản Báo cáo còn là nguồn thông tin đầy đủ cũng như phấn kích cho giới tín đồ và các cộng đồng tôn giáo tại Việt Nam hiện đang can đảm chịu đựng những sách nhiễu, kiểm soát và bị bắt bớ, giam cầm vì đeo đuổi một cách ôn hòa lòng tin và tín ngưỡng của mình”.

Ông Ái cũng hoan nghênh lời đề nghị của Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới đặt CHXHCNVN vào lại trong danh sách 11 quốc gia đàn áp tôn giáo cần đặc biệt quan tâm (CPC, Country of Particular Concern) : Miến Điện, Bắc Triều Tiên, Eritrea, Iran, Pakistan, Trung quốc, Saudi Arabia, Sudan, Turkmenistan và Usbekistan. Trước đây, năm 2004 và năm 2005 Việt Nam đã bị đặt vào danh sách này, nhưng được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ rút tên ra năm 2006. Nay Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới tuyên bố là Việt Nam cần đặt lại trong danh sách CPC vì Việt Nam “vẫn tiếp tục đối xử tồi tệ, phân biệt đối xử và hạn chế tự do tôn giáo. Chính quyền vẫn tiếp tục cầm tù và bắt giữ hàng chục người lên tiếng bênh vực cho tự do tôn giáo tại Việt Nam. Phật tử thuộc dân tộc ít người và tín hữu Tin Lành thường xuyên bị sách nhiễu, đánh đập, bắt giam, cầm tù, phân biệt đối xử và tiếp tục bị bó buộc phải chối bỏ tín ngưỡng họ”.

Ông Ái cho biết rằng “Bản Báo cáo đến rất đúng lúc, xác nhận sự kiện Nhà cầm quyền Cộng sản và Giáo hội Phật giáo Nhà nước (do Mặt trận Tổ quốc kiểm soát) chuẩn bị Đại lễ Phật Đản LHQ 2008 song song với việc đàn áp Phật giáo là tôn giáo mà nhà cầm quyền muốn “tôn vinh””.

Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới trong thời gian đến điều tra Việt Nam (từ 23.10 đến 2.11.2007) đã gặp gỡ giới lãnh đạo Phật giáo, đặc biệt là Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ ở Saigon, Hòa thượng Thích Thiện Hạnh và giới Huynh trưởng Gia Đình Phật tử Việt Nam tại Huế. Ủy hội Hoa Kỳ nhận xét rằng “sự hạn chế và đối xử tồi tệ đối với GHPGVNTN vẫn tiếp diễn nghiêm trọng trong vấn đề tự do tôn giáo”, như hạn chế tự do đi lại, tự do ngôn luận và tự do hội họp, mà “nghiêm trọng nhất là sách nhiễu hàng giáo phẩm Tăng Ni và Huynh trưởng Gia Đình Phật tử thành viên của GHPGVNTN”. Ủy hội Hoa Kỳ cũng quan tâm đến việc “quản chế dài hạn Đức Tăng thống Thích Huyền Quang và Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ”. Bản Báo cáo cho biết “việc đàn áp GHPGVNTN không chỉ nhắm vào hàng giáo phẩm cao cấp mà còn trực tiếp phá cản chư Tăng thuộc các Ban Đại diện GHPGVNTN tại các tỉnh thành”. Bản báo cáo đưa ra một loạt sự kiện công an sách nhiễu, thẩm vấn, “tố khổ trước quần chúng”, trục xuất Tăng Ni ra khỏi chùa, hay vận động quần chúng Phật tử tố giác chư Tăng Ni hoặc tẩy chay không đến chùa, nếu họ không thi hành sẽ bị mất công ăn việc làm, con cái không được đi học. Bản báo cáo nhấn mạnh đến việc nhà cầm quyền tìm cách trục xuất Thượng tọa Thích Trí Khải ra khỏi chùa Giác Hải ở huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng”.

Trong các lời đề nghị, Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới thỉnh cầu Chính phủ Hoa Kỳ hãy có hành động để nhà cầm quyền Việt Nam “phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ngoài Giáo hội Phật giáo Nhà nước, kể cả quyền tự do sinh hoạt của các Ban Đại diện GHPGVNTN tại các tỉnh thành và Gia Đình Phật tử Việt Nam mà không bị hạn chế hay sách nhiễu”.

Ông Võ Văn Ái hoan nghênh Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới đã chỉ rõ sự “phân biệt không cần thiết” giữa các hoạt động “chính trị” và “tôn giáo”. Trước đây Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nại vào sự phân biệt này để lấy cớ tuyên bố rằng tất cả tất cả các “tù nhân đáng quan tâm” (2) của các tôn giáo đã được trả tự do – một trong những lý do khiến Hoa Kỳ rút tên Việt Nam ra khỏi danh sách CPC năm 2006. Nhà cầm quyền Hà Nội cũng sử dụng luận điệu này để bắt giam bất cứ ai vì tín ngưỡng hay chính kiến bất đồng với Đảng Cộng sản. Trong bản Báo cáo, Ủy hội Hoa Kỳ xác định rằng sự phân biệt này (giữa hoạt động chính trị và tôn giáo) “không nhất quán với các công ước nhân quyền quốc tế”. Rất nhiều tù nhân bị giam giữ tại Việt Nam là “do thiên hướng tôn giáo, vì luơng thức hay tín ngưỡng thúc đẩy nên lên tiếng kêu gọi sự cần thiết cải cách pháp lý và chính trị để bảo đảm cho tự do tôn giáo. Những hành động như thế nhất quán với các điều được bảo đảm trong Công ước quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị của LHQ”.

Ngày Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới gặp Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ tại Saigon tháng mười năm ngoái, 2007, các điều tra viên của Ủy hội Hoa kỳ hỏi Hòa thượng nghĩ sao về lời Hà Nội tố cáo Hòa thượng “làm chính trị”. Hòa thượng đáp rằng : “Việc chúng tôi ủng hộ cho tự do tôn giáo và nhân quyền liên quan trực tiếp với thiên hướng người Tăng sĩ và truyền thống 2000 năm Phật giáo Đại thừa tại Việt Nam”.

Cuối cùng, ông Võ Văn Ái cũng hoan nghênh Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới đã nhấn mạnh đến sự cần thiết cải tổ luật pháp Việt Nam, để bảo vệ tự do tôn giáo, đặc biệt chấm dứt việc sử dụng luận điểm mơ hồ và hổ lốn qua danh xưng “an ninh quốc gia” trong bộ Luật Hình sự để giam giữ những nhà hoạt động tôn giáo ; bãi bỏ hoặc điều chỉnh Pháp lệnh số 44 về xử lý vi phạm hành chính không thông qua tòa án, cũng như cải tổ Pháp lệnh Tôn giáo năm 2004 theo tiêu chuẩn các công ước quốc tế về tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tự do tôn giáo.


(1) Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới ra đời chiếu theo Đạo luật Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua năm 1998. Ủy hội có nhiệm vụ quan sát, điều tra tình hình đàn áp trong thế giới đệ trình Chính phủ Hoa Kỳ lấy thái độ. Quốc gia nào bị đưa vào danh sách CPC sẽ bị Hoa Kỳ dùng biện pháp chế tài trên lĩnh vực kinh tế và tài chính. Điều mà Hà Nội rất sợ.

(2) Tù nhân đáng quan tâm (prisoners of concern) là danh từ chỉ định các tù nhân tôn giáo trong Đạo Luật Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua năm 1998.

Check Also

Bài 1: Cơ sở Quê Mẹ và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế trả lời chung về âm mưu phá hoại cuộc đấu tranh cho Nhân quyền và Tự do Tôn giáo của hai Dư Luận viên Thục Vũ — Ý Dân

  PARIS, ngày 9 tháng Giêng năm 2019 (PTTPGQT & VCHR) — Thời gian qua, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *