Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin UBBVQLNVN / Ông Võ Văn Ái viết thư yêu cầu Tổng thống Bush nêu vấn đề GHPGVNTN với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và khẩn cấp can thiệp cho Đức Tăng thống Thích Huyền Quang vào Saigon chữa bệnh

Ông Võ Văn Ái viết thư yêu cầu Tổng thống Bush nêu vấn đề GHPGVNTN với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và khẩn cấp can thiệp cho Đức Tăng thống Thích Huyền Quang vào Saigon chữa bệnh

Download PDF

PARIS, ngày 24.6.2008 (QUÊ MẸ) – Nhân chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ ngày 23 đến 26.6 và sẽ được Tổng thống Bush tiếp kiến tại Toà Bạch Ốc, ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Cơ sở Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam đã viết thư gửi Tổng thống Hoa Kỳ yêu cầu can thiệp cho “sự tiến bộ đáng kể và cụ thể trên phương diện nhân quyền”.

Đặc biệt, ông Ái kêu gọi cho việc phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), một xã hội dân sự lớn rộng đang là “tiếng nói của nhân dân không tiếng nói”. Mặt khác ông cũng kêu gọi cho Đức Tăng thống Thích Huyền Quang được phép vào Saigon chữa trị. Đức Tăng thống lâm trọng bệnh và đưa vào Bệnh viện Đa khoa Quy Nhơn từ hôm 28.5 vì bệnh tim và phổi. Nhưng tình hình chữa trị không mấy thuyên giảm mặc dù được chuyển vào phòng cấp cứu và hiện cần khẩn những y sĩ chuyên môn trong một bệnh viện hiện đại chỉ có thể tìm thấy ở Saigon. Ông Ái cảnh báo về tình trạng “nguy cấp cho sinh mệnh Đức Tăng thống” nếu không được cấp tốc chuyển viện.

Ông Ái cũng nêu qua bức thư về hoàn cảnh pháp lý bấp bênh của Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hoá Đạo, như sau : “Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ, người được đề cử ứng viên Giải Nobel Hoà bình 2008, đang trong tình trạng công dân bất hợp pháp. Được nhà cầm quyền ân xá năm 1998, nhưng vẫn bị công an theo dõi và quản chế, và cho đến nay chưa được cấp hộ khẩu thường trú tại Thanh Minh Thiền viện. Công dân nào không có hộ khẩu, tất không được cấp giấy chứng minh nhân dân, tất có thể bị bắt bất cứ lúc nào. Dù ở tại Thanh Minh Thiền viện nhưng Hoà thượng không được sinh hoạt tôn giáo như thuyết pháp cho quần chúng Phật tử chẳng hạn. Công an kiểm soát thường trực máy vi âm tại chánh điện để ngăn cản việc này”.

Nhận thấy Tổng thống Bush luôn ưu tư vấn đề tôn trọng nhân quyền trong nghị trình tiếp đón, ông Võ Văn Ái lấy làm tiếc mà nhận xét rằng “Thủ tướng Dũng và giới lãnh đạo Cộng sản Việt Nam chẳng mấy quan tâm đến nhân quyền”. Năm ngoái, trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã từng xác định với Tổng thống Bush rằng “Việt Nam không cần thiết cải tiến hồ sơ nhân quyền”, vì quan điểm nhân quyền của Việt Nam “khác” với Hoa Kỳ. Tiếp đó trong năm 2007, Chủ tịch Triết đã “diễn xuất quan điểm ấy qua hành động thẳng tay đàn áp những người bất đồng chính kiến, tuyên án những nhà hoạt động dân chủ, công đoàn, bảo vệ nhân quyền và lãnh đạo tôn giáo chỉ vì các vị này ôn hoà lên tiếng đòi hỏi cải tổ chính trị”.

“Công cuộc hợp tác kinh doanh song phương, an ninh khu vực và hội nhập kinh tế không thể căn cứ vào một cuộc đối thoại ông nói gà bà nói vịt”, ông Võ Văn Ái nhận xét. “Mọi thành viên LHQ phải có nghĩa vụ tôn trọng các quyền nêu rõ trong Hiến chương LHQ, Việt Nam không là một biệt lệ. Nhân quyền là chìa khoá cho mọi phát triển và thịnh vượng kinh tế, không thể thiếu cho nền an ninh thế giới. Làm sao Việt Nam có thể hoàn tất vai trò thành viên Hội đồng Bảo an LHQ khi chính Việt Nam đang mang lại sự bất an trên quê hương mình qua việc đàn áp các quyền cơ bản của người công dân ?”

Tự do tôn giáo mãi mãi là “sự quan tâm cơ bản và khẩn thiết” tại Việt Nam, ông Ái nhấn mạnh. “Ngày mà Uỷ hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do tôn giáo trên Thế giới đến điều tra Việt Nam tháng 10 năm 2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói với Uỷ hội rằng Việt Nam không hề đàn áp tôn giáo. Thế nhưng Uỷ hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do tôn giáo trên Thế giới đã chứng kiến những vi phạm tự do tôn giáo trầm trọng và quy mô, khiến Uỷ hội phải đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ đặt Việt Nam trở lại trong danh sách đen các quốc gia đàn áp tôn giáo (Country of Particular Concern)”.

Cuộc đàn áp GHPGVNTN gia tăng đáng kể trong thời gian Hà Nội chuẩn bị tổ chức Đại lễ Phật Đản LHQ tháng 5 năm 2008, ông Ái cho biết “nhiều chùa viện bị cưỡng chiếm cho Giáo hội Nhà nước làm lễ đài, nhiều Tăng sĩ bị trục xuát khỏi chùa, bị bắt đi làm việc và sách nhiễu. Như trường hợp Thượng toạ Thích Trí Khải, trú trì chùa Giác Hải ở huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, bị trục xuất ra khỏi chùa, bị bắt đi làm việc, thẩm vấn tới tấp. Thượng toạ bị mất tích từ ngày 7.5 cho đến nay. Tôi nghi rằng Thượng toạ bị công an bắt đi biệt tích”.

Kết luận bức thư, ôngVõ Văn Ái yêu cầu Tổng thống Bush can thiệp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thực hiện bốn điều sau đây :

“1. Phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ;

“2. Giải toả mọi hạn chế đối với Đức Tăng thống Thích Huyền Quang và Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ, bằng cách trao trả mọi quyền công dân cho nhị vị, kể cả quyền hộ khẩu thường trú, tự do đi lại, tự do tiếp xúc và sinh hoạt tôn giáo ;

“3. Cho phép Đức Tăng thống Thích Huyền Quang rời Bệnh viện Đa khoa Quy Nhơn vào Saigon chữa trị bệnh tim và phổi đang đến thời trầm trọng cần có sự chăm sóc khẩn cấp của các y sĩ chuyên khoa tại một bệnh viện hiện đại. Nhập viện tại Quy Nhơn từ ngày 28.5, Đức Tăng thống lâm trọng bệnh và trong tình trạng nguy cấp cho sinh mệnh ngài ;

“4. Làm rõ việc Thượng toạ Thích Trí Khải bị mất tích kể từ ngày Thượng toạ làm việc với Công an huyện Đơn Dương tỉnh Lâm Đồng, và trao trả sở hữu chủ chùa Giác Hải cho Thượng toạ”.

“Những yêu cầu đơn giản nhưng cơ bản trên đây đối với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ là dịp chứng tỏ Tổng thống luôn quan ngại thực tiễn và sâu xa cho nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam, đồng thời cho Thủ tướng Việt Nam biết rằng Hoa Kỳ không chỉ y cứ bằng lời nói mà còn nhìn kỹ vào hành động song hành. Bằng cách đó Tổng thống tỏ tình liên đới với người bị đàn áp là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cũng như với hàng triệu người tha thiết với dân chủ tại Việt Nam”.

Check Also

VCHR và FIDH đệ trình báo cáo chung đến LHQ cho Kỳ Kiểm Điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) của Việt Nam

PARIS, ngày 11 tháng 10 năm 2023 (VCHR) : Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *