Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin UBBVQLNVN / Nhân chuyến công du của Tổng bí thư Nông Ðức Mạnh, ông Võ Văn Ái viết Thư Ngỏ gửi Tổng thống Pháp xin ông Chirac đứng về phía nhân dân Việt Nam bị áp bức thay vì tháp tùng kẻ áp bức nhân dân

Nhân chuyến công du của Tổng bí thư Nông Ðức Mạnh, ông Võ Văn Ái viết Thư Ngỏ gửi Tổng thống Pháp xin ông Chirac đứng về phía nhân dân Việt Nam bị áp bức thay vì tháp tùng kẻ áp bức nhân dân

Download PDF

PARIS – Nhân việc ông Nông Ðức Mạnh, Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam, được Tổng thống Chirac mời công du Pháp từ ngày 6 đến 9.6.2005, ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch Liên Ðoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) đã gửi đến Tổng thống Pháp bức Thư Ngỏ phản đối cuộc tiếp rước rình rang “kẻ chiếm hữu quyền lực độc tài thô bạo” và yêu sách Tổng thống Jacques Chirac gây áp lực cho nhân quyền, trả tự do cho các tù nhân chính trị hay tôn giáo, phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.

Sau đây là nguyên văn bức Thư Ngỏ bằng Pháp văn dịch sang tiếng Việt :

THƯ NGỎ GỬI TỔNG THỐNG PHÁP
nhân chuyến công du của ông Nông Ðức Mạnh, Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam

Kính thưa Tổng thống Cộng hòa Pháp,

Sắp tới đây, Tổng thống sẽ tiếp ông Nông Ðức Mạnh, Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam, công du Pháp từ ngày 6 đến 9.6.2005.

Thật khó coi khi nước Pháp, tổ quốc của Nhân quyền, mời và tiếp đón long trọng ở cấp cao nhất của Nhà nước (Tổng thống, Chủ tịch Quốc hội, Thượng viện và các Bộ trưởng) không phải người đại diện của Chính quyền Việt Nam mà là kẻ đại diện cho Ðảng Cộng sản thiểu số ở Việt Nam, kẻ chiếm hữu quyền lực độc tài thô bạo.

Ðúng thế, ông Nông Ðức Mạnh là lãnh tụ của một Ðảng có 2 triệu đoàn viên trên một dân số hơn 80 triệu người, một Ðảng không ngừng rêu rao “quyền bảo vệ thiểu số” cho họ. Thế nhưng, Ðảng Cộng sản Việt Nam chưa bao giờ được hợp pháp hóa thông qua bầu cử tự do. Thay vì tham khảo ý kiến nhân dân, Ðảng sử dụng mọi phương tiện dập tắt các chính kiến : Trại cải tạo dành cho các tù nhân chính trị hay tôn giáo, “quản chế hành chính” không thông qua tòa án dù mới nghi ngờ vi phạm “an ninh quốc gia” (Nghị định 31/CP ban hành năm 1997), cơ chế công an khu vực bao vây nhân dân, đàn áp các nhà ly khai sử dụng mạng Internet gán cho họ tội “gián điệp” (mà theo điều 80 của Bộ luật Hình sự có thể lãnh án tử hình), cấm “lợi dụng các tự do dân chủ” xâm phạm quyền lợi Nhà nước độc Ðảng (chiếu theo điều 258 của Bộ luật Hình sự), v.v…

Ðảng Cộng sản của ông Nông Ðưc Mạnh, mà cách đây 30 năm khi chiến tranh chấm dứt, loạn đảng này dùng bạo lực và bất chấp các điều ký kết để cướp quyền. Sau những cuộc trả thù tập thể, đi ngược những điều cam kết trong Hiệp định Paris 1973, mà nước Pháp ký tên bảo chứng, hàng triệu công dân, nhà báo, văn nghệ sĩ, nhà hoạt động công đoàn, v.v…, đã bị lùa vào trại Cải tạo, 65.000 người bị hành quyết trong các trại những năm sau khi Saigon thất thủ vào tháng tư 1975. Ngày nay, cũng chính Ðảng này vi phạm trầm trọng quyền con người đối với những xã hội dân sự còn sót lại, là các giáo hội “không được công nhận” như Giáo hội Phật gíao Việt Nam Thống nhất, (một giáo hội truyền thống, độc lập, đại diện cho 80% quần chúng), bị cấm hoạt động từ năm 1981 : Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang (87 tuổi) cùng người phụ tá ngài, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ (76 tuổi) bị giam giữ không xét xử hơn 25 năm qua nơi chùa viện của hai ngài.

Hiện trạng ngày nay, khiến những công thần của Ðảng, như Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, đã phải lên tiếng tố cáo tính chất độc tài và tội ác của Ðảng Cộng sản thông qua những cơ quan mật vụ quốc phòng gọi là “Tổng cục 2”, một thứ quốc gia nằm trong quốc gia, sử dụng mọi phương tiện (lộng hành gây mất ổn định, tra tấn, thảm sát chính trị) nhằm bảo vệ “tính chính thống” một Ðảng phi dân chủ.

Bị tổ chức “Phóng viên Không Biên giới” của Pháp tố cáo là “kẻ ăn cướp quyền tự do báo chí”, ông Nông Ðức Mạnh là người khi phải đối diện trước khối lượng nông dân biểu tình thầm lặng và bất bạo động trước tiền đình Quốc hội năm 2001 để phản đối sự cướp đất, lạm quyền, tham nhũng của cán bộ Ðảng, ông Mạnh đã cho rằng dân chủ như thế là “thái quá”. Ông tuyên bố : “Sự kiện nhân dân tụ họp với những biểu ngữ như thế là không bình thường. Các quốc gia khác trong thế giới chẳng bao giờ chấp nhận chuyện đó”. Kể từ tháng 3.2005, một nghị định được chính phủ thông qua cấm các cuộc biểu tình trước các công sở (Nghị định mang số 38/2005/NÐ-CP).

Dường như chưa thấy đủ qua việc tài trợ với một số thành viên trong cộng đồng thế giới (các quốc gia thành viên Liên Âu) cho “Chiến lược cải cách luật pháp tại Việt Nam” mười năm tới, nay nước Pháp còn tiếp đón rình rang ông Nông Ðức Mạnh, kẻ độc tài trong giới độc tài. Cùng với toàn thể cộng đồng người Việt Tị nạn ở nước ngoài, chúng tôi lấy làm tiếc và không thể không nhắc nhở rằng danh dự của nước Pháp trông chờ Tổng thống Cộng hòa Pháp đứng về phía nhân dân bị áp bức thay vì tháp tùng kẻ áp bức nhân dân.

Chúng tôi trân trọng xin Tổng thống mạnh dạn và công khai bênh vực cho sự tôn trọng nhân quyền và tiến trình dân chủ hóa Việt Nam khi gặp gỡ phái đoàn ông Mạnh. Xin Tổng thống hãy áp lực nhà cầm quyền Việt Nam đòi hỏi cho bốn yêu sách sau đây :

– Nhà cầm quyền Việt Nam hãy hủy bỏ toàn bộ các bộ luật bóp nghẹt tự do, như Nghị định quản chế hành chính 31/CP, Nghị định cấm biểu tình 38/2005/NÐ-CP, v.v… và thông qua những luật pháp phù hợp với Công ước quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị của LHQ ;

– Nhà cầm quyền Việt Nam hãy trả tự do cho tất cả những ai bị cầm tù hay quản chế vì họ sử dụng ôn hòa các quyền tự do cơ bản, trước hết, là Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ cùng hàng giáo phẩm Hội đồng Lưỡng viện, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, bị bắt hồi tháng 10.2003, các nhà ly khai sử dụng mạng Internet như các ông Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Vũ Bình, cũng như Mục sư Nguyễn Hồng Quang ;

– Nhà cầm quyền Việt Nam hãy chấm dứt vĩnh viễn các cuộc đàn áp đối với các xã hội dân sự chỉ muốn góp phần của họ cho xứ sở thịnh vượng, như trường hợp các tôn giáo không được công nhận. Ðó là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Giáo hội Cao Ðài, Giáo hội Hòa Hảo, Giáo hội Tin Lành, v.v… và trả lại quyền sinh hoạt pháp lý cho các giáo hội này ; và

– Nhà cầm quyền Việt Nam hãy trả lại quyền tự do phát hành báo chí tư nhân, độc lập với Ðảng cộng sản và quyền lập hội.

Xin Tổng thống nhận nơi đây lời chào kính trọng của tôi.

Võ Văn Ái
(ký tên)
Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam
Phó chủ tịch Liên Ðoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH)



Unicode


VNI


VPS


VIQR

Check Also

VCHR và FIDH đệ trình báo cáo chung đến LHQ cho Kỳ Kiểm Điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) của Việt Nam

PARIS, ngày 11 tháng 10 năm 2023 (VCHR) : Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *