Home / FoRB / Mời nghe giọng nói và phát biểu cuối cùng của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ tại cuộc Hội luận Tôn giáo ở Washington DC, Hoa Kỳ, ngày 11 tháng 7 năm 2018

Mời nghe giọng nói và phát biểu cuối cùng của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ tại cuộc Hội luận Tôn giáo ở Washington DC, Hoa Kỳ, ngày 11 tháng 7 năm 2018

Download PDF



PARIS, ngày 11 tháng 3 năm 2020 (PTTPGQT) — Xin mời quý độc giả bấm vào hình sau đây để nghe giọng nói và phát biểu cuối cùng của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ qua băng ghi âm do Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế thực hiện để trình bày tại lễ khai mạc cuộc Hội luận Tôn giáo tổ chức tại Washington DC, Hoa Kỳ, tháng 7 năm 2018. Ngài phát biểu bằng tiếng Anh, với phụ đề Việt ngữ của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế.

Cuộc Hội luận này mang chủ đề “Tự do Tôn giáo & Nhân quyền : Phật giáo đồ Việt Nam và Tây Tạng bị bách hại”, doUỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Cơ sở Vận động Quốc tế Cho Tây Tạng tổ chức. Đông đảo chính giới, nhân sĩ, các tổ chức Hoa Kỳ, cơ quan truyền thông báo chí, cũng như đại diện người Việt và Tây Tạng đến tham dự. Lời phát âm từ kim khẩu Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ đã gây xúc động cực kỳ cho toàn thể hội trường, đặc biệt mọi người nhìn thấy hình ảnh Ngài bị quản thúc tại Thanh Minh Thiền viện, sau cánh cửa sắt khoá đường cầu thang lên liêu phòng, nơi Ngài ăn, ở, nghỉ hơn 20 năm trường.

Hai tháng sau sự kiện góp tiếng cho Phật giáo đồ Việt Nam và Tây Tạng tại một Diễn Đàn Quốc tế, không đâu hơn là trụ sở của Uỷ hội Hoa kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo Trên Thế giới (US Commission on International Religious Freedom – USCIRF) tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, nơi tổ chức Hội luận, là biến cố Ngài bị trục xuất khỏi Thanh Minh Thiền viện, rồi chuyến đi ngắn ngủi về lại miền Bắc, mở ra bước ngoặt mới cho sự cách ly tuyệt đối với thế giới bên ngoài chưa từng xẩy ra những năm tháng trước đó.

Vì sao như vậy ?

Người thông hiểu thế sự, chẳng lấy gì làm khó hiểu. Cơ sở Quê Mẹ : Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam cùng với Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế đã thành công trong chiến dịch vận động trả tự do cho Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ. Năm 2019 Quốc hội Hoa Kỳ và USCIRF, hai cơ quan trọng thiết nhất của Hoa Kỳ trên lĩnh vực tự do tôn giáo, đã vinh danh Ngài là « Người tù vì lương thức ». Quốc hội Hoa Kỳ & USCIRF sẽ khai mở chiến dịch vận động quốc tế yêu sách trả tự do cho Ngài trong năm 2019-2020. Một sự kiện trọng thể như thế sẽ vạch trần bộ mặt giả nhân giả nghĩa đàn áp tôn giáo của Nhà cầm quyền Hà Nội.

Phản ứng che đậy của Nhà cầm quyền Hà Nội sẽ được thấy qua ba bước đối sách : Trục xuất khỏi Thanh Minh Thiền viện là phá vỡ nơi Ngài trú xứ ; âm mưu đưa Ngài về Thái Bình là ly cách Ngài với tứ chúng ; đồng lúc gây cảnh nội ma ngoại chướng manh nha trong một số người biến chất cầm đầu Viện Hoá Đạo là giọt nước cuối cùng làm nghiêng ngửa Giáo hội đưa tới cảnh trạng tang thương ngày nay. Đây cũng là lý do khiến Ngài khi trở về lại Saigon đã ra quyết định giải tán Viện Hoá Đạo.

Sau đây, chúng tôi cho in lại Thông cáo báo chí ngày 12 tháng 7 năm 2018 trường trình quang cảnh cuộc Hội luận nói trên :

Bìa Chương trình cuộc Hội luận Hoa Thịnh Đốn ngày 11 tháng 7 năm 2018
Bìa Chương trình cuộc Hội luận Hoa Thịnh Đốn ngày 11 tháng 7 năm 2018

WASHINGTON DC, ngày 12 tháng 7 năm 2918 (VCHR) – Hôm qua, thứ tư 11-7-2018, Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam cùng với cơ sở Vận động Quốc tế Cho Tây Tạng (của Đức Dalai Lama) đã tổ chức tại trụ sở Uỷ hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo Trên Thế giới (US Commission on International Religious Freedom – USCIRF) cuộc Hội luận Tôn giáo mang chủ đề “Tự do Tôn giáo & Nhân quyền : Phật giáo đồ Việt Nam và Tây Tạng bị bách hại”, với sự tham dự đông đảo của chính giới, nhân sĩ, các tổ chức Hoa Kỳ, cơ quan truyền thông báo chí, cũng như đại diện người Việt và Tây Tạng. Nhiều vị đã đáp máy bay từ các thành phố xa xôi ở Houston, Dallas, hay tiểu bang Florida về thủ đô tham dự.

Khách mời thuyết trình gồm có Tiến sĩ Tenzin Dorjee, Chủ tịch Uỷ hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo Trên Thế giới (USCIRF), Kristina Arriaga, Phó Chủ tịch USCIRF, hai vị Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ Alan Lowenthal và Zoe Lofgren, Thượng toạ Arjia Rinpoche, cựu Viện chủ Tu viện Kumbum kiêm Giám đốc Trung tâm Văn hoá Phật giáo Tây Tạng và Mông Cổ, Tiến sĩ Robert Herman, Cố vấn chính trị Freedom House, ông Todd Stein, Cố vấn chính trị cho Nữ Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ Chellie Pingree, Cư sĩ Võ Văn Ái, Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) kiêm Giám đốc Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế, bà Ỷ LanPenelope Faulkner, Phó Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam kiêm Giám đốc Đài Phát thanh Phật giáo Việt Nam, và ông Matteo Mecacci, Chủ tịch cơ sở Vận động Quốc tế Cho Tây Tạng.

Hội luận Phần 1, các diễn giả từ trái sang phải : Tiến sĩ Tenzin Dorjee, ông Võ Văn Ái, bà Ỷ Lan (điều hợp chương trình), ông Matteo Mecacci, Dân biểu Alan Lowenthal
Hội luận Phần 1, các diễn giả từ trái sang phải : Tiến sĩ Tenzin Dorjee, ông Võ Văn Ái, bà Ỷ Lan (điều hợp chương trình), ông Matteo Mecacci, Dân biểu Alan Lowenthal

Đặc biệt hội trường đã cực kỳ xúc động lắng nghe bản thu âm Thông điệp của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ rừ Saigon gửi tới cuộc Hội luận. Nhiều diễn giả đã nhắc lại và nói lên sự xúc động khi nghe âm vọng lời Ngài. Ngài nói :

“Thưa quý Liệt vị,

“Tôi hân hạnh gửi đến quý liệt vị lời chào mừng cuộc Hội luận đặc biệt hôm nay do Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam tổ chức cùng với cơ sở Vận động Quốc tế Cho Tây Tạng. Đây là lần đầu tiên Phật giáo đồ Việt Nam và Tây Tạng cùng nhau nghiên cứu viễn ảnh tự do tôn giáo và nhân quyền. Tôi nhiệt liệt cám ơn Đạo hữu Võ Văn Ái thực hiện sáng kiến quan trọng này.

 “Thực tế, Phật giáo đồ tại Việt Nam và Tây Tạng đã từng chia sẻ thắm thiết. Chúng tôi cùng tung bước trên nẻo đường bất bạo động và hoà bình. Chúng tôi có chung niềm tin tưởng rằng từ bi vượt thắng hận thù, và chúng tôi phấn đấu cho thế giới không còn khổ đau, vô minh và áp bức. Chúng tôi cũng không ngừng san sẻ sự trừng phạt, tra tấn và tù đày mà nhà cầm quyền hai nước ra tay quyết liệt để trừ diệt tiếng nói của chúng tôi.

“Tự do tôn giáo như đoá hoa. Hoa cần nước, mặt trời và đất đai màu mở để hạt mầm nẩy nở lên cây. Thiếu những thứ ấy cây sẽ chết. Không có tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do lập hội – nói tóm, không có dân chủ và nhân quyền, chẳng còn gì bảo đảm cho tự do tôn gíao. Vì lý do nầy mà Phật giáo đồ chúng tôi tiếp tục đòi hỏi tự do, dù phải trả với bất cứ giá nào.

Thông điệp của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ phát âm trên màn ảnh, hội trường xúc động lắng nghe
Thông điệp của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ phát âm trên màn ảnh, hội trường xúc động lắng nghe

“Tại Việt Nam và Tây Tạng hôm nay, sự đàn áp những giá trị tâm linh của chế độ Cộng sản làm gia tăng bạo động và tội ác. Đạo Phật có thể đóng góp giải quyết các vấn nạn ấy để thăng tiến xã hội biết quan tâm chăm sóc và khoan hoà, nếu Phật giáo đồ được tự do.

“Tôi mơ ước mình là chim để có thể bay tới Hoa Thịnh Đốn chung hoà với quý vị tại cuộc Hội luận Nhưng tôi đang bị quản chế tại một Thiền viện ở Saigon. Tôi bị cách ly nhưng tôi không cô độc. Bởi vì tình liên đới và sự hậu thuẫn của quý liệt vị là nguồn an ủi tôi.

“Chân thành cám ơn chư liệt vị và cầu chúc cuộc hội luận thành công viên mãn”.

(Cơ sở Quê Mẹ dịch từ lời phát biểu Anh ngữ)

Dân biểu Alan Lowenthal và bà Kristina Arriaga chụp hình chung cạnh chân dung Đức Tăng Thống
Dân biểu Alan Lowenthal và bà Kristina Arriaga chụp hình chung cạnh chân dung Đức Tăng Thống

Mỗi diễn giả là một sắc thái quan tâm đến thảm cảnh đang xẩy ra tại hai nước Việt Nam và Tay Tạng, cùng giải pháp cụ thể trước hoàn cảnh tăm tối của nhân quyền và tự do tôn giáo tại hai quốc gia Cộng sản. Đặc biệt hai diễn giả, Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ, Alan Lowenthal và bà Kristina Arriaga, Phó Chủ tịch Uỷ hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tư do Tôn giáo Trên Thế giới đã ưu ái, tôn vinh Đức Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), Ngài Thích Quảng Độ.

Trong Diễn từ khai mạc Hội luận, Cư sĩ Võ Văn Ái nhắc tới sức mạnh Hoà bình của Phật giáo. Ông nói :

“Tôi rất hân hạnh chào đón quý liệt vị đến tham dự cuộc Hội luận hôm nay. Trước hết, tôi vô cùng vinh hạnh cho cuộc Hội luận được tổ chức ngay tại trụ sở Uỷ hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo Trên Thế giới (USCIRF). USCIRF là tổ chức tiên phong bảo vệ tự do tôn giáo trên thế giới. Đặc biệt đối với nhân dân Việt Nam, ngay vào lúc tôn giáo bị bách hại mà cộng đồng thế giới chẳng ai hay biết, thì USCIRF đã can cường can thiệp. Vào năm 2001 (năm USCIRF mời tôi đến điều trần tại Thượng viện Hoa Kỳ về tình trạng GHPGVNTN), tôi là người đầu tiên kêu gọi Hoa Kỳ đặt Việt Nam vào danh sách CPC (danh sách các quốc gia đàn áp tôn giáo cần đặc biệt quan tâm). Năm sau, USCIRF yêu sách đưa Việt Nam vào danh sách CPC, và mỗi năm đều lập lại cho đến hôm nay. Công trình của USCIRF tối ư trọng yếu trong việc đưa ra ánh sáng những vi phạm nghiêm trọng đối với những Cộng đồng tôn giáo tại Việt Nam.

“Thứ đến, vì hôm nay chúng ta có được những diễn giả lừng danh, như Tiến sĩ Tenzin Dorjee, Chủ tịch USCIRF, bà Kristina Arriaga, Phó Chủ tịch USCIRF, và nhị vị Dân biểu Hạ viện, Alan Lowenthal và Zoe Lofgren, hai vị quán quân miệt mài bênh vực cho Việt Nam và Tay Tạng, và còn những diễn giả chuyên gia lừng danh khác nữa.

Diễn từ Khai mạc Hội luận của ông Võ Văn Ái
Diễn từ Khai mạc Hội luận của ông Võ Văn Ái

“Cho phép tôi ngỏ lời cám ơn người bạn thiết Matteo Mecacci, Giám đốc cơ sở Vận động Quốc tế Cho Tây Tạng, đã đem hết lòng cho việc hoàn thành tổ chức cuộc Hội luận.

“Đây là lần đầu tiên Phật giáo Việt Nam và Tây Tạng cùng nhau khảo sát những đóng góp ích lợi của Phật giáo, những chính sách mà chế độ Cộng sản sử dụng để tiêu diệt Phật giáo, và hiểm nguy Phật giáo đồ đang phải đối đấu nếu Phật giáo bị truy diệt. Hiểm nguy không riêng cho hai quốc gia chúng tôi, mà còn là hiểm nguy cho nền an ninh toàn vùng Á châu Thái Bình dương.

“Phật Đản năm nay, Thông điệp của ông Tổng Thư ký LHQ, Antonio Guterres, đã tuyên dương, tôi xin trích :

Thế-giới-quan Phật giáo dạy chúng ta hãy xem chúng ta như một bộ phận của thế giới, chứ không là chủ nhân ông của thế giới. Phật giáo nhấn mạnh tinh thần bất bạo động như sức mạnh của hoà bình. Chúng ta thấy rõ lời dạy của Đức Phật thích hợp như thế nào, qua các công trình hôm nay của LHQ, từ việc kêu gọi cho hoà bình, cảnh báo sự biến đổi khí hậu, cho đến nhân quyền. Hơn bao giờ hết, các cộng đồng Phật giáo cũng như tất cả chúng ta phải thâm nhập mỗi ngày lời dạy của đức Phật về khoan dung, thông cảm và nhân bản”. Hết trích.

“Đúng như vậy, từ 2500 năm trước, lời dạy của đức Phật bao trọn cả những quan điểm hiện đại, như bảo vệ sinh thái và quyền sống, không riêng con người mà cho cả thú vật và cây cỏ. Vào thế kỷ thứ III trước Tây lịch, nhà vua Phật tử Ashoka đã cho dựng trụ đá ghi khắc các chỉ dụ phải trồng cây và tôn trọng sự sống. Từ thế kỷ thứ III Tây lịch, bản kinh Việt “Lục độ Tập Kinh” đưa ra những nguyên tắc giải thoát cá nhân, cộng đồng, quốc gia bằng sự dấn thân bất bạo động cho bình đẳng xã hội và bảo vệ sinh thái.

“Hơn hết, Phật giáo là minh triết Hoà bình. Mọi Phật tử đều giữ Ngũ giới và Lục hoà, những nguyên tắc gây tạo sự hoà điệu trong đời sống tập thể, căn cứ vào sự tôn trọng lẫn nhau. Thực ra, các nguyên tắc này là nền tảng cho dân chủ – sự tôn trọng dị biệt và đa nguyên dưới mọi hình thức.

“Vào thời đại toàn cầu khủng bố và tranh chấp, minh triết hoà bình của đạo Phật có thể đóng vai trò thiết yếu. Tại Châu Á, nơi Phật giáo bắt rễ tại nhiều quốc gia, tiềm lực vô biên của đạo Phật có thể góp công gìn giữ sự ổn định trong vùng, và trở thành lực lượng chủ đạo cho dân chủ, công bằng xã hội và nhân quyền.

“Đây là lý do vì sao Phật giáo Việt Nam và Tây Tạng bị bách hại. Nhưng người Cộng sản đã sai lầm, khi lầm tưởng rằng có thể đàn áp Phật giáo bằng bạo lực. Giáo lý đạo Phật xây dựng trên hai trụ thạch Từ Bi và Trí Tuệ. Phật giáo đồ tuy hiền lành, nhưng biết kháng cự. Bởi vì chúng tôi biết nhìn thực tại như là thực tại, và chúng tôi chẳng bao giờ cúi quỳ trước bạo quyền. Tôi tin chắc, rồi một ngày chúng tôi sẽ toàn thắng !

“Chân thành cám ơn sự hiện diện của chư liệt vị, và xin lắng nghe những đóng góp phát biểu của quý liệt vị”.

Chúng tôi sẽ có bài tường thuật đầy đủ cuộc Hội luận trong Thông cáo báo chí tới. Xin mời quý độc gỉa đón xem.


This post is also available in: English

Check Also

VCHR và FIDH vạch trần những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam trước cuộc xem xét Báo cáo định kỳ của Việt Nam về Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về các quyền dân sự và chính trị

PARIS, ngày 5 tháng 1 năm 2024 (VCHR) – Trong Báo cáo chung gửi Ủy …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *