Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin PTTPGQT / Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin trả lời chung về chuyến đi Việt Nam của Sư Ông Thích Nhất Hạnh

Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin trả lời chung về chuyến đi Việt Nam của Sư Ông Thích Nhất Hạnh

Download PDF

Mấy ngày vừa qua, nhiều Báo, Ðài quốc tế và thân hữu khắp nơi gọi về Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế hỏi ý kiến và yêu cầu bình luận về chuyến viếng thăm Việt Nam trong vòng 3 tháng của Sư Ông Thích Nhất Hạnh và Tăng thân Làng Mai. Chúng tôi xin được trả lời chung về thái độ của chúng tôi như sau :

Ngày 11.1.2005, Sư Ông Thích Nhất Hạnh cùng với Tăng thân Làng Mai rời Pháp về Việt Nam trong một chuyến thăm viếng và truyền pháp kéo dài 3 tháng. Chuyến viếng thăm rầm rộ với hàng trăm người trong phái đoàn đang cố tình làm cho thế giới tưởng rằng Nhà cầm quyền Hà Nội thay đổi chính sách tôn giáo. Nhưng trong thực tế, thì cuộc đàn áp khốc liệt nhất đang được thi hành đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, người Thượng Tây nguyên, cũng như các tín hữu Tin Lành Mennonite.

Ông Võ Văn Ái đã tuyên bố với báo chí tại Paris rằng : “Ðây là món quà hậu hĩ nhân dịp Tết mà Sư Ông Thích Nhất Hạnh trao tặng cho Nhà cầm quyền Việt Nam, nhưng Sư Ông chẳng giúp đỡ tí gì cho nhân dân Việt Nam trên phương diện cơm áo, nhân quyền, tự do và dân chủ”.

Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế cực lực phản đối sự đánh giá vu khống của Sư cô Chân Không đối với các Giáo hội không được thừa nhận và đang bị khủng bố tại Việt Nam. Sư cô Chân Không, nhũ danh Cao Ngọc Phượng, là người phụ tá đặc biệt của Sư Ông Thích Nhất Hạnh từ năm 1960 và là người điều khiển và quản lý toàn bộ cơ sở Làng Mai. Trước khi phái đoàn lên máy bay về Việt Nam hôm 11.1.2005, phóng viên hãng thông tấn AFP đã làm cuộc phỏng vấn Sư Ông và Sư cô tại phi trường Charles De Gaulle ở Paris. Bản tin AFP phát hành chiều ngày 11.1.2005 có đoạn viết rằng : “Nhà sư (tức Sư Ông Thích Nhất Hạnh) không là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, là Giáo hội đang bị chính quyền cấm không cho hoạt động từ năm 1981, vì Giáo hội này từ khước sự kiểm soát và điều khiển của Ðảng Cộng sản. Hơn một năm trước đây, Công an Việt Nam đã mở cuộc đàn áp sâu rộng Giáo hội này, hàng giáo phẩm bị bắt quản chế và hàng trăm ngôi chùa bị phong tỏa. Khi được hỏi vì sao một số phong trào tôn giáo bị cấm đoán tại Việt Nam, Sư cô Chân Không trả lời : “Vì một số các Giáo hội này tàng trữ những lá cờ của chế độ cũ (sic). Còn chúng tôi, thì chúng tôi chẳng có một tham vọng chính trị nào cả”.

Tại Hà Nội, theo báo Nhân Dân phát hành ngày 13.1.2005, Sư Ông Nhất Hạnh tuyên bố rằng : “Ông đã từng đấu tranh với những thái độ căng thẳng của chính quyền một số nước phương Tây về “vấn đề tôn giáo ở Việt Nam”. Ông kể, ông đã từng nói với một số quan chức Hoa Kỳ rằng : “Người Việt Nam muốn được giải phóng khỏi cái mà người Mỹ gọi là sự giải phóng cho người Việt Nam”.

Ý kiến của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế về hai quan điểm nói trên xin được trình bày như sau :

Ngày 30.4.1975, chiến tranh chấm dứt, Nhà nước CHXHCNVN thực hiện cuộc “thống nhất” và thống trị hai miền Nam Bắc. Nếu ngày nay, người Việt Nam nào “muốn được giải phóng khỏi” cảnh sống phản nhân quyền và phi dân chủ hiện tại, thì ước nguyện tha thiết của họ là được “giải phóng khỏi cái mà Nhà nước Cộng sản Việt Nam gọi là sự giải phóng cho người Việt Nam”, chứ sao lại dính dáng đến người Mỹ ở vào thế kỷ XXI này ?

“Vấn đề tôn giáo ở Việt Nam” mà Sư Ông bênh vực, là một thực tế đau thương và khốc liệt, không thể bình luận khinh suất theo điệu luân lý sơ đẳng của sự lắng nghe và cảm thông “chín bỏ làm mười”, khi mà hàng giáo phẩm vị thảm sát, lưu đày, quản chế và hàng nghìn Phật tử bị giam cầm, giết chóc. Thảm nạn đàn áp tôn giáo và chà đạp nhân quyền đã khiến cho Liên Hiệp Quốc hai lần gửi Ðặc sứ cao cấp đến Việt Nam điều tra. Một lần do ông Louis Joinet, Chủ tịch Tổ Hành động chống bắt bớ trái phép của LHQ, đến điều tra về chế độ nhà tù và trại cải tạo. Một lần khác là Giáo sư Abdelfattah Amor đến điều tra về đàn áp tôn giáo. Sau cuộc điều tra, hai bản phúc trình về thực tế đàn áp bất công tù nhân chính trị và tôn giáo đã được đọc trước diễn đàn thường niên của Ủy ban Nhân quyền LHQ tại Genève.

Hơn một năm trước đây, hạ tuần tháng 11.2003, Quốc hội Hoa Kỳ và Quốc hội Âu châu ra hai bản Nghị quyết đồng thời tố cáo CHXHCNVN đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Tháng 9.2004, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ liệt kê Việt Nam vào danh sách “các quốc gia cần đặc biệt quan tâm”, vì đàn áp tôn giáo quy mô, và gia hạn đến 15.3.2005, nếu Việt Nam không thay đổi chính sách tôn giáo thì sẽ áp dụng các biện pháp chế tài theo Ðạo luật tự do tôn giáo trên thế giới thông qua tại Quốc hội năm 1998.

Thượng tuần tháng 10.2004, tại Hội nghị Thượng đỉnh Âu Á ASEM tổ chức ở Hà Nội, 109 vị Dân biểu Quốc hội Châu Âu viết thư ngỏ yêu cầu Liên hiệp Châu Âu đưa vấn đề đàn áp tôn giáo và nhân quyền ra thảo bàn với Hà Nội, rồi yêu sách trả tự do cho Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ và tất cả các tù nhân chính trị.

Tất cả những phản ứng quốc tế nói trên là sự phản ảnh từ thực tại Việt Nam và được hậu thuẫn trong tinh thần huynh đệ, tương sinh tương trợ, của thế giới văn minh, nói theo danh từ Phật học của Sư Ông là thi hành sự “tương tức”. Mặc nhiên không là “những thái độ căng thẳng của chính quyền một số nước phương Tây” như Sư Ông mập mờ giải thích một cách thiếu “tương tức”.

Nếu Sư Ông chịu “lắng nghe để hiểu”, bỏ thì giờ đọc kỹ Pháp lệnh tôn giáo vừa thông qua tại Quốc hội Việt Nam hôm 18.6.2004 và áp dụng kể từ ngày 15.11.2004, thì Sư Ông ắt biết ngay cái vũ khí “Hiểu và Thương” của Sư Ông còn có giá trị ở các nước văn minh, dân chủ, nhưng chẳng thay đổi được một sợi lông mày nào trên bộ mặt áp bức và độc đoán của Pháp lệnh. Pháp lệnh được Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, gọi là “chiếc thòng lọng mới thắt vào cổ các tôn giáo”. Vì Pháp lệnh ấy chỉ cho phép các giáo hội được Nhà nước và Ðảng công nhận, hay dựng nên, mới có quyền sinh hoạt ; giáo lý các tôn giáo phải quy phục theo “tinh thần yêu nước” của Ðảng ; các nơi thờ tự, nghi lễ do Ðảng và Nhà nước chỉ định ; và rằng “không được lợi dụng tôn giáo để vi phạm luật pháp” là chiếc gươm treo lơ lững chém xuống bất cứ tôn giáo nào phản đối hay góp ý về các chính sách của Ðảng và Nhà nước, kể cả góp ý trên lĩnh vực thuần túy tôn giáo.

Còn câu trả lời của Thân tín viên Sư Ông, Sư cô Chân Không Cao Ngọc Phượng trên đây, là sự vu cáo trắng trợn và lăng nhục các Giáo hội không được nhà cầm quyền Cộng sản thừa nhận và bị nhà cầm quyền này đàn áp khốc liệt suốt ba mươi năm qua tại Việt Nam. Các Giáo hội này là những xã hội công dân thực thụ đang còn nghiễm nhiên tồn tại dưới chế độ độc tài toàn trị, sau khi Ðảng và Nhà nước dập tắt và tiêu diệt tất cả các đảng phái đối lập.

Ðặc biệt trong số các giáo hội thực sự bị đàn áp khốc liệt ấy, là trường hợp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Chưa hề có một tài liệu nào được công bố, kể cả những tài liệu vu khống xưa nay của công an cộng sản, cho biết rằng Giáo hội “tàng trữ lá cờ của chế độ cũ”. Cuộc vận động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất từ năm 1975 đến nay thuần túy đòi hỏi cho tự do tôn giáo và nhân quyền, là những điều chưa hề có trên đất nước. Sự kiện thiếu nhân quyền và dân chủ suốt ba mươi năm qua, đã được chính những đảng viên cao cấp 50, 60 tuổi đảng, như cựu Tướng Trần Ðộ, các ông Nguyễn Văn Trấn, Hoàng Minh Chính, Phạm Quế Dương, Lê Hồng Hà, Lê Giản, Nguyễn Thanh Giang, Trần Khuê, Phan Ðình Diệu, v.v… xác nhận và không ngừng kêu gọi cải cách. Chứ chẳng riêng gì các nhân sĩ, trí thức hay các nhà lãnh đạo tôn giáo ở miền Nam cũ.

Chuyến viếng thăm và truyền đạo tại Việt Nam của Sư Ông Thích Nhất Hạnh, Sư cô Chân Không Cao Ngọc Phượng và Tăng thân Làng Mai xẩy ra vào thời điểm Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, cùng Hòa thượng Thích Thiện Hạnh, và các Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ, Thích Viên Ðịnh, Thích Thanh Huyền, Thích Nguyên Lý, Thích Hải Tạng, Thích Liễu Minh, Thích Thiện Minh, Ðại đức Thích Ðồng Thọ, v.v… bị tù đày hay quản chế khắc khe.

Hôm 22.11.2004, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Thượng tọa Thích Viên Ðịnh và phái đoàn Giáo hội trên đường ra Bình Ðịnh thăm Ðức Tăng thống trong cơn thập tử nhất sinh tại bệnh viện Quy Nhơn đã bị ngăn chận, bắt bớ và dẫn độ về Saigon. Cấm không cho đi thăm người già lâm bệnh là điều chưa hề xẩy ra trong truyền thống văn hóa Việt Nam. Nhất là khi người già ấy ở vào vị thế Tăng thống, Thầy tổ, Pháp huynh của người đi thăm.

Bốn ngày trước đây, hôm 10.1.2005, một ngày trước khi Sư Ông Thích Nhất Hạnh lên đường về Việt Nam, Thượng tọa Thích Không Tánh, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Từ thiện Xã hội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đi cứu trợ nạn lũ lụt các tỉnh miền Trung đã bị công an Bình Ðịnh chận bắt tại Ngã ba Phú Tài gần cầu Bà Di, khám xét hành lý và “làm việc” tại đồn công an phường trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Hiển nhiên cuộc bắt bớ làm việc này không có trát lệnh hay lý do, cách ăn nói của công an phường và đại diện Mặt trận Tổ quốc rất vô lễ. Mục đích cuộc thẩm vấn cốt tra hỏi lý do Thượng tọa Không Tánh ghé Tu viện Nguyên Thiều gặp Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang và ngài đã gửi những tài liệu gì ra.

Các cuộc sách nhiễu, đàn áp, lăng nhục như thế xẩy ra thường xuyên từ 30 năm qua đối với chư Tăng, Phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đã không mảy may chấn động “tấm lòng từ” của Sư Ông Thích Nhất Hạnh và Sư Cô Chân Không Cao Ngọc Phượng. Những sự kiện thường xuyên ấy không là những hành động riêng lẻ và sai lạc xẩy ra ở cấp địa phương, mà thể hiện đồng bộ từ một chính sách đàn áp tôn giáo quy mô và có toan tính của Ðảng và Nhà cầm quyền trung ương.

Dù rằng trên phương diện tình cảm, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế có thể hiểu và thông cảm chuyến viếng thăm Việt Nam của Sư Ông Thích Nhất Hạnh. Ðây cũng là giấc mơ của ba triệu người Việt tị nạn chính trị ở nước ngoài. Ai lại không gắn bó với mảnh đất chôn nhau cắt rún của mình ? Ai lại không mơ ước viếng thăm mồ mả tổ tiên, mừng tuổi cha mẹ, thăm viếng bà con, xóm giềng trong những ngày đầu năm ?

Thế nhưng, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế rất lấy làm tiếc cho chuyến đi của Sư Ông Thích Nhất Hạnh, và không thể không nói lên sự bất mãn, nếu không là chống đối, sự việc Sư Ông Thích Nhất Hạnh cùng Sư Cô Chân Không Cao Ngọc Phượng đang phụ tay với Ðảng và Nhà cầm quyền Hà Nội tuyên truyền cho chế độ, nhằm che giấu những sự thực đàn áp các tôn giáo tại Việt Nam nói chung và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất nói riêng.

Chẳng có chút tự do thăm viếng hay truyền đạo gì trong chuyến đi của Sư Ông Thích Nhất Hạnh và Tăng thân Làng Mai này. Vì rằng, tất cả các bài thuyết pháp, pháp thoại và nghị trình đi đứng, thăm viếng của Sư Ông đều được gửi trình Bộ Văn hóa và Thông tin cũng như Ban Tôn giáo Chính phủ từ trước để được chấp thuận. Các cuộc tiếp xúc gặp gỡ chỉ xảy ra với Nhà nước, nghĩa là giữa Sư Ông với Ban Tôn giáo Chính phủ hay việc Sư Ông đi đảnh lễ các vị Chức sắc trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tức Giáo hội Nhà nước do Ðảng dựng lên năm 1981. Tuyệt nhiên trong bản chương trình sinh hoạt ba tháng được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam, không có một khoản nào cho cuộc thăm viếng hàng Giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Thế thì làm sao người Phật tử có thể tin vào lời thuyết giáo của Sư Ông khi Sư Ông phát biểu tại hải ngoại rằng : “Chư Tăng trong Giáo hội Nhà nước hay trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đều là người ANH EM của tôi”. Chủ trương và lý thuyết “tương tức” của Sư Ông mất đâu rồi trong hành động thực tiễn của Sư Ông Thích Nhất Hạnh ?

Cuộc đón tiếp Sư Ông, Sư Cô và Tăng thân Làng Mai đã được Nhà nước chuẩn bị bằng cách cho một số báo chí Ðảng từ giữa tháng 12.2004, rồi mới đây, ngày 11.1.2005, qua tiếng nói của Ðài Phát thanh Huế, lên tiếng chửi rủa, vu cáo, bôi nhọ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế và Văn phòng II Viện Hóa Ðạo.

Xem như thế thì chuyến đi của Sư Ông Thích Nhất Hạnh chỉ nhắm vào hai mục tiêu : Ðồng lõa với Ðảng và Nhà cầm quyền Hà Nội che giấu cuộc đàn áp khốc liệt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất để Việt Nam có thể thoát ly, vào ngày 15.3.2005 tới đây, các biện pháp chế tài do Ðạo luật tự do tôn giáo của Quốc hội Hoa Kỳ thông qua năm 1998 cho phép thi hành đối với các nước bị đặt vào danh sách “các quốc gia cần đặt biệt quan tâm” (CPC). Thứ hai, là phát triển tại Việt Nam Dòng Tiếp Hiện của Sư Ông. Ðây là dòng phái mới trong lịch sử Phật giáo Việt Nam hiện đại cho phép chư Tăng, Ni có quyền lập gia đình.



Unicode


VNI


VPS


VIQR

Check Also

Bài 1: Cơ sở Quê Mẹ và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế trả lời chung về âm mưu phá hoại cuộc đấu tranh cho Nhân quyền và Tự do Tôn giáo của hai Dư Luận viên Thục Vũ — Ý Dân

  PARIS, ngày 9 tháng Giêng năm 2019 (PTTPGQT & VCHR) — Thời gian qua, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *