(Đài Á châu Tự do phát về Việt Nam, chương trình 6 giờ 30 sáng ngày 10.4.2006)
Ỷ Lan : Kính chào Hòa thượng Thích Quảng Độ. Xin Hòa thượng hoan hỉ cho biết sức khỏe và đời sống hiện nay của Hòa thượng ?
Hòa thượng Thích Quảng Độ (HT. TQĐ) : Chào cô Ỷ Lan và thưa quý thính giả Đài Á châu Tự do. Đời sống hiện tại của tôi thì cũng bình thường. Nhưng thực tế thì không khác gì một người tù giam lỏng suốt mấy năm nay. Căn phòng tôi thì suốt ngày trong phòng. Ngày ngày ăn một bữa. Ngoài cửa phòng theo chế độ nhà tù như khi trong tù vậy, ngoài cửa luôn có cái ghế đẩu để đó, đến giờ ăn, 11 giờ trưa, dưới bếp họ đưa thức ăn lên để đó, rồi ra mở cửa lấy vào ăn. Ăn xong thì đưa mâm ra để ngoài đó. Dưới nhà lên lấy đi rửa. Cũng như nhà tù vậy.
Suốt ngày trong phòng. Còn mỗi tháng hai lần đi bệnh viện tái khám. Đi đâu có các anh em bạn công an, vì công an là bạn dân, đi cũng thân mật lắm cũng đưa đến tận nơi, đưa về đến chốn. Suốt ngày họ cũng ngồi ngoài cửa chùa bên kia đường. Ngồi canh chừng đấy xem có đi đâu không hay là có ai đến thăm hỏi gì không.
Ỷ Lan : Xin Hòa thượng cho biết cảm tưởng khi hay tin trên 600 nhà dân chủ thuộc 125 quốc gia họp Ðại hội Phong trào Dân chủ Thế giới tại Istanbul vinh danh Hòa thượng và Giáo sư Hoàng Minh Chính, là 2 Nhà dân chủ dũng cảm của Việt Nam ?
HT. TQĐ : Cảm tưởng đầu tiên của tôi thì tất nhiên là rất vui, mà tôi chắc rằng Giáo sư Hoàng Minh Chính cũng thế. Chúng tôi tin rằng không riêng gì Giáo sư Hoàng Minh Chính và tôi vui đâu, mà có thể nói rằng, tất cả các nhà dân chủ chân thành muốn cho toàn thể dân tộc Việt Nam có một nền dân chủ đa nguyên. Do đó, mà nhờ đó, có thể phát triển đất nước để đưa dân tộc đi lên. Tất cả mọi người có thiện tâm như thế nghe tin này đều mừng. Mừng, là lý do tất cả những nhà dân chủ trên thế giới cũng ủng hộ cuộc vận động cho dân chủ ở Việt Nam. Như vậy những nhà dân chủ ở Việt Nam nói chung không có cô đơn, không bị lãng quên, mà trái lại được các nhà dân chủ, các nhân sĩ, bạn bè thân hữu khắp thế giới tích cực hỗ trợ, tích cực ủng hộ cuộc vận động dân chủ hóa Việt Nam.
Như vậy, tiến trình dân chủ hóa Việt Nam bây giờ hoàn toàn thuộc nơi người Việt Nam. Còn nỗ lực để đẩy mạnh, thực hiện phong trào dân chủ được không ? Vấn đề này tôi cũng thấy mừng. Gần đây không những các nhà dân chủ lớn tuổi hay các vị cựu đảng viên Cộng sản, mà còn một số thanh niên, sinh viên, công nhân cũng đã bắt đầu tham gia, lên tiếng cho dân chủ Việt Nam sớm được thực hiện. Đó là một dấu hiệu đáng mừng. Nhưng mà chỉ còn có một vấn đề, là nhiều người chưa dám lên tiếng một cách công khai trực tiếp, vẫn còn e sợ, vẫn còn sợ hãi. Cái đó là cái thế yếu của phong trào dân chủ. Là bởi vì bộ máy công an nó rải khắp nơi. Người nào can đảm lắm mới dám lên tiếng. Luôn luôn họ hăm dọa.
Mình cũng thông cảm, là bởi vì các sư hay các nhà dân chủ lớn tuổi thì trách nhiệm đối với gia đình không quan trọng lắm. Nhưng những người trẻ tuổi hay với người còn nặng gánh gia đình mà làm cái gì công an để ý, họ theo dõi, thì họ hù dọa bằng cách cô lập, tìm đủ mọi biện pháp để mà ngăn chặn cái việc làm của mình. Có con cái đi học thì họ cũng không cho đi học nữa, không cho đến trường nữa. Họ tìm đủ mọi cách như thế. Cho nên nhiều người vẫn còn sợ. Cái sợ ấy nó như thiên tính thứ hai rồi, nó kéo dài đến 50 năm nay rồi. Cứ đụng nói đến công an là họ sợ, họ lắc đầu. Cho nên, chính tiến trình dân chủ hóa Việt Nam nó chậm cũng một phần lớn do nguyên nhân đó. Nhưng mà với thời gian, một ngày kia họ sẽ thấy rõ. Nhất là hy vọng giới thanh niên, sinh viên. Khi nào giới thanh niên, sinh viên lên tiếng, thì cái đó là cái rất hy vọng.
Nhưng đến một lúc nào đó, như tôi đã nói, Nhà nước không thể bịt miệng người ta trong mọi thời gian. Đến lúc nào đó, người ta cũng như là tức nước vỡ bờ. Cùng một loạt, 80 triệu dân mà cùng một loạt lên tiếng đòi dân chủ, Nhà nước đó không thể lẩn tránh được nữa, cũng phải đối mặt với tình thế đó. Đến lúc như thế, đấy là tình hình Việt Nam có thể thay đổi và dân chủ có thể thực hiện được.
Ỷ Lan : Ðảng Cộng sản Việt Nam sẽ khai hội lần thứ 10 vào trung tuần tháng 4 này. Hòa thượng có hy vọng vào kỳ đại hội này sẽ mở ra cơ hội mới cho nền dân chủ đa nguyên đa đảng tại Việt Nam hay không ? Dù có hay không, Hòa thượng và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất có phương lược gì thích ứng chăng ?
HT TQĐ : Trước đây vai ba tháng, không phải một mình Giáo hội, nhưng có thể nói đa số các nhà dân chủ cũng như toàn dân, những người quan tâm đến vấn đề dân chủ Việt Nam trước Đại hội X diễn ra, có cái dấu hiệu cho phép người ta hy vọng.
Nhưng sau đại hội Ban Chấp hành Trung ương 14 vừa rồi, thì coi như tia hy vọng đó nó tắt ngấm rồi. Tức là họ lại trở lại như cũ, tuy họ có mở ra cái chiến dịch lấy ý kiến của toàn dân để bổ sung hay xây dựng cho báo cáo chính trị. Từ đó ai cũng tin, tin Đảng thật tâm, Đảng muốn thay đổi Đảng, cho nên mới yêu cầu dân góp ý kiến. Nhưng mà tôi theo dõi, ý kiến góp cũng nhiều, kể cả các nhà cách mạng lão thành, rồi các cựu đảng viên cao cấp cũng có, trung cấp cũng đủ loại, rồi sau tới cả thanh niên, sinh viên nữa. Có rất nhiều. Đưa hết tâm lực ra viết những bài rất xây dựng, rất có tình có nghĩa. Nhưng cuối cùng khi Bộ Chính trị chính thức lên tiếng về sự góp ý đó, thì họ không đá động gì đến những bản đó, những xây dựng đất nước, xây dựng cho nền chính trị Việt Nam cho nó lành mạnh để đưa đất nước tiến lên, để mở mày mở mặt với năm châu thế giới. Họ gạt hết những cái đó, rồi họ vin vào những cái bài “nói thẳng nói thật”, họ cho là những cái đó bị đế quốc, rồi kẻ thù, kẻ xấu xúi giục, rồi diễn biến hòa bình, đủ mọi thứ, bôi nhọ, nói xấu Đảng, phá Đảng. Bây giờ họ chẳng chấp nhận cái ý kiến nào.
Trước mắt thì tôi không hy vọng cái vấn đề đa nguyên đa đảng.
Nhưng vấn đề này Giáo hội (Phật giáo Việt Nam Thống nhất) đã kêu gọi từ lâu rồi. Từ ngay đầu năm 2001, Giáo hội đã kêu gọi cho Phong trào Dân chủ Việt Nam, thì bây giờ dù có đa đảng đa nguyên hay không có, thì phương lược Giáo hội vẫn cứ tiếp tục. Căn cứ vào Lời Kêu gọi từ năm 2001 cộng với chương trình Chính trị Tám điểm, thì Giáo hội vẫn tiếp tục phương lược đó, vẫn kêu gọi cho đến chừng nào thực hiện được Chương trình đó.
Bất cứ tổ chức nào, đảng phái nào, sau này nếu có đa nguyên đa đảng, thực hiện Chương trình ấy, Giáo hội hết sức tán thành, hết sức tán trợ và ủng hộ tinh thần. Đó là cái phương lược vẫn còn đang theo đuổi, chứ chưa có gì thay đổi.
Nhưng về vấn đề này, thì tôi riêng nói về hai triệu đảng viên (CS) trong đó mình không thể vơ đũa cả nắm được. Cũng có thể nói rằng đại đa số đảng viên họ có tâm huyết với đất nước, với tương lai dân tộc. Nhưng bây giờ có một nhóm đảng viên trong Bộ Chính trị gồm có mười ba, mười bốn người, và cái Ban Chấp hành Trung ương gồm trên một trăm người, thì riêng nhóm này không hy vọng gì họ thay đổi đâu. Nhóm này có thể chia làm hai hạng : hạng thứ nhất là họ không còn một chút lương tri gì. Đối với cái hạng đã mất hoàn toàn lương tri, tán tận lương tâm này, thì ngoài miếng ăn ra họ không biết đến cái gì nữa, không biết đến cái gì nữa. Còn loại thứ hai còn một chút lương tri. Theo Phật, chúng sinh còn một chút lương tri thì đến một lúc nào đó họ tỉnh ngộ, thì tự nhiên họ bừng ra ánh sáng, họ thấy đường, con đường ngay lẽ thẳng họ đi. Thế nhưng bây giờ họ chưa thấy được. Với cái loại còn chút chút lương tri này, họ nói họ kiên trì cái chủ nghĩa Mác-Lênin. Miệng họ nói thế, nhưng thâm tâm họ cũng biết rằng cái chủ nghĩa đó không còn giá trị gì nữa. Cả thế giới người ta ruồng bỏ rồi. Cho nên nhiều người đề nghị, góp ý bỏ hẳn đi đấy, ngay cả mấy ông cựu đảng viên cách mạng lão thành, bỏ hẳn cái chủ nghĩa Lênin thì đất nước mới tiến lên được. Chứ bây giờ Việt Nam đã thấy cái gương như thế, mà lại cứ tiếp tục bám cái chủ nghĩa Mác-Lênin thì lại đưa đất nước xuống hố nữa à ? ! Những người Cộng sản còn chút lương tri họ thấy điều đó. Thế nhưng mà kẹt cái là, nếu họ bỏ cái chủ nghĩa Mác-Lênin đi, thì họ không còn có lý do giữ lại Đảng Cộng sản nữa. Mà nếu Đảng Cộng sản không còn nữa, họ sẽ mất độc quyền, họ phải bỏ cái điều 4 trên Hiến pháp. Mà điều 4 Hiến pháp, là Đảng Cộng sản tự đặt ra cho mình mấy chục năm nay, tự đặt cái quyền lãnh đạo cả đất nước, cả dân tộc, cả xã hội, mà đấy là để lợi dụng cái chủ nghĩa Mác-Lênin để giữ cái điều 4 đó. Tức là họ cố bám lấy cái quyền. Vì nếu mất Đảng là mất quyền. Tất cả bao nhiêu tài sản, vàng bạc, châu báu, của chìm của nổi, họ đã vun quén, cướp giật được của toàn dân suốt sáu mươi năm nay mất hết. Không những mất của, mà còn nguy hiểm đến bản thân.
Cho nên họ sợ. Cho nên bằng giá nào… bây giờ họ cố bám lấy bằng mọi giá để giữ lấy chủ nghĩa Mác-Lênin. Dù có phải bán đất cho Trung quốc, bán biển cho Trung quốc. Mà họ bán rồi. Hoàn toàn sự tồn tại của Đảng Cộng sản Việt Nam nằm trong tay Đảng Cộng sản Trung quốc. Bằng chứng vừa rồi Đại hội 14 đây này, ông Giả Khánh Lâm, nhân vật thứ tư của Đảng Cộng sản Trung quốc đến thẳng Việt Nam đưa mệnh lệnh cho mấy ông Cộng sản Việt Nam Bộ Chính trị Trung ương đấy.
Thì bây giờ đây, đối với những hạng mất hoàn toàn, mất hết lương tri và cái hạng còn một chút lương tri này, thì họ chỉ còn thấy cái quyền lợi của họ, cái sự tồn vong của Đảng. Không phải của hai triệu đảng viên đâu, mà chỉ của hơn trăm đảng viên đó thôi. Họ liên kết với nhau để cố bám mà giữ lấy quyền lợi, giữ cái thân phận đó. Họ không buông ra đâu.
Cho nên, đa nguyên đa đảng chưa thể có được.
Nhưng mà nói thế không có nghĩa là nó không đến. Toàn thể dân tộc Việt Nam, 80 triệu dân đây, không thể chấp nhận cái đó mãi được. Đến một lúc nào đó, các đảng viên, các nhà cách mạng lão thành họ bỏ đảng rồi, là những vị khi vào đảng, họ tin rằng Đảng Cộng sản cũng giải phóng đất nước, mang lại độc lập cho đất nước. Thế nhưng mà sau này họ thấy Cộng sản không làm được như thế nữa, tức là Cộng sản lợi dụng lòng yêu nước của họ để mà đưa về truyền bá cái chủ nghĩa Mác-Lênin ở đây thôi. Vì họ thấy được cái sự thật như thế, cho nên họ mới tách ra họ không còn tán thành cái đường lối của Đảng Cộng sản. Đó là những người cựu đảng viên Cộng sản bây giờ đấy. Tất cả những đảng viên chân thành đều bị mắc lừa hết, cho nên họ sáng mắt ra rồi.
Bây giờ đây, không phải chỉ có một số đó, còn có tám mươi triệu dân nữa, rồi một ngày kia cũng thấy rằng, cả tám mươi triệu dân không cho phép họ. Tôi tin rằng, không ngậm miệng cho phép họ tiếp tục đày đọa cả một dân tộc này kéo dài nữa đâu, mà có lẽ tôi tin rằng nếu cái Đại hội X thành công, thì cũng chỉ là cái Đại hội chót của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bởi vì tình hình bây giờ khác rồi. Tôi kinh nghiệm sống ở đây từ 75 đến giờ, mới 30 năm thôi. Nhưng mà (năm) 1975 thì rất ghê gớm. Họ bấy giờ coi ông Trời ra gì, ông Trời đứng ra một bên kia mà (cười) ! Thế nhưng bây giờ thì khác ra rồi. Cho nên nếu mười năm nữa, hai mươi năm nữa, tình hình còn khác nữa.
Tôi tin chắc rằng, cái Đại hội X này là đại hội cuối cùng của Đảng Cộng sản Việt Nam đấy. Chắc không còn Đại hội XI nữa đâu.
Ỷ Lan : Xin cám ơn Hòa thượng Thích Quảng Độ.
Ỷ Lan, Phóng viên Đài Á châu Tự do tại Paris
(Ỷ Lan tường trình từ Âu Châu)