Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin UBBVQLNVN / Trên 600 đại biểu thuộc 125 quốc gia họp Đại hội Phong trào Dân chủ Thế giới tại thủ đô Istanbul vinh danh hai nhà dân chủ dũng cảm Việt Nam : Hòa thượng Thích Quảng Độ và Giáo sư Hoàng Minh Chính

Trên 600 đại biểu thuộc 125 quốc gia họp Đại hội Phong trào Dân chủ Thế giới tại thủ đô Istanbul vinh danh hai nhà dân chủ dũng cảm Việt Nam : Hòa thượng Thích Quảng Độ và Giáo sư Hoàng Minh Chính

Download PDF

 World Movement for Democracy, Fourth Assembly, Istanbul, Turkey, 2-5 April 2006
ISTANBUL NGÀY 6.4.2006 – Đại hội lần thứ 4 Phong trào Dân chủ Thế giới họp tại thủ đô Istambul, Thổ Nhĩ Kỳ, từ mồng 2 đến ngày 5 tháng 4 năm nay. Trên 600 đại biểu từ 125 quốc gia khắp năm châu về tham dự. Phong trào Dân chủ Thế giới ra đời năm 1999 họp đại hội lần đầu tiên tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ. Những lần sau họp tại Sao Paolo ở Brazil, Nam Mỹ, và Durban ở Nam Phi châu.

Địa điểm đại hội lần thứ 4 ở Istambul mang ý nghĩa hỗ trợ tiến trình dân chủ đang khởi động tại Thổ Nhĩ Kỳ sau 30 năm sống dưới ách độc tài.

Khai mạc tối ngày 2.4.2006, bằng những lời chào mừng của Ban tổ chức, các nhân sĩ quốc tế và các chính trị gia trong thế giới, như bà cựu Thủ tướng Canada Kim Campbell, Tổng thư ký Câu lạc bộ Madrid. Câu lạc bộ mà thành viên là các cựu Tổng thống và cựu Thủ tướng làm công tác hậu thuẫn và cố vấn cho các quốc gia còn chậm tiến rút kinh nghiệm trong vấn đề quản lý quốc gia theo đường hướng dân chủ tiến bộ. Riêng bài diễn văn khai mạc của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ rất được tán thưởng. Ông trải qua bao nhiêu năm tù tội vì đấu tranh cho dân chủ, mới có được ngày hôm nay.

Trích đoạn sau đây phát biểu bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy tinh thần dân chủ mà Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan theo đuổi. Ông nói :

“Tôi rất hân hạnh được góp mặt với đại hội tôn quý này. Nhớ tới đầu thế kỷ trước, hãng thông tấn Reuter còn phải dùng bồ câu, rồi máy điện báo để gửi tin tức. Ngày nay, kỹ thuật truyền thông hiện đại, internet, đã biến thế giới thành một ngôi làng nhỏ. Tiếc thay, nhân loại vẫn chưa đáp ứng kịp thời với nền văn hóa kỹ thuật này, khiến thông tin bị bưng bít, chế độ làm chia cách con người. Vì vậy, Đại hội Phong trào Dân chủ Thế giới hôm nay tối ư quan trọng. Đại hội là nơi hội tụ những bộ óc trí thức của thế giới, những nhà đấu tranh nổi danh cho dân chủ chưa một lần mệt mỏi. Trong ba ngày tới, quý vị sẽ thảo luận những vấn đề quan trọng nhằm đóng góp vào công cuộc dân chủ hóa toàn cầu.

“Toàn cầu hóa có nghĩa là chấm dứt thời đại của những xã hội đóng kín, những ghettos văn hóa, để thiết lập các xã hội cởi mở. Nhờ vậy, truyền hình, phát thanh, báo chí sẽ cho con người thấy rõ cuộc sống thực của con người trên trái đất, thay vì che giấu hay dối gạt như xưa nay. Cảnh bắt người vào tù vì sự cáo buộc vô cớ cũng sẽ phải chấm dứt.

“Trong thế giới còn tranh chấp và độc tài ngày nay, người ta chỉ nghe nói tới Toàn cầu hóa Khủng bố, mà chẳng nghe nói tới Toàn cầu hóa Hòa bình. Tôi kỳ vọng Đại hội Phong trào Dân chủ Thế giới sẽ khai mở kỷ nguyên cho công cuộc Toàn cầu hóa Dân chủ và Hòa bình”.

Đại biểu Việt Nam được mời tham dự Đại hội ở Istambul là ông Võ Văn Ái, Chủ tịch tổ chức Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam.

Những vấn đề nóng bỏng đưa ra thảo luận và nghiên cứu tại đại hội gồm có : vai trò người phụ nữ, vai trò giới trẻ, vai trò Hồi giáo, vai trò các tổ chức Phi chính phủ trong tiến trình dân chủ, vai trò và trách vụ của truyền thông, xây dựng đảng phái trong các xã hội dân chủ, hợp tác đa đảng, giáo dục dân chủ tại học đường, vận động cho một Tổ hợp Dân chủ tại LHQ, kết hợp các dân biểu toàn thế giới cho dân chủ, xây dựng mối liên hệ giữa các đảng chính trị và xã hội công dân, chuyển hóa các xã hội đóng kín hay thất bại chính trị sang thể chế dân chủ, dân chủ ở thời kỳ chuyển hóa kinh tế, sự phân quiyền và quản lý địa phương để thiết lập dân chủ, v.v… Thật vô cùng phong phú trên mọi lĩnh vực đời sống và xã hội loài người, không sao kể hết. Đại hội còn nghiên cứu đường hướng hoạt động dân chủ tại Á châu, Nam Mỹ, Trung đông, Bắc phi, Trung Âu và Đông Âu, v.v…

Các thành viên trong phái đoàn Quê Mẹ được mời làm thuyết trình viên, tường trình viên hay chủ tọa một số tổ thảo luận. Ông Võ Văn Ái tham luận hai đề tài “Làm sao đưa các xã hội đóng kín và các xã hội thất bại quản lý chính trị vào nghị trình chính trị thế giới trên phạm vi chiến lược ?” và “Làm sao đối đầu các chế độ phản dân chủ lợi dụng các giá trị truyền thống và các giá trị văn hóa để duy trì chuyên chính ?”

Suốt 3 ngày ròng, thông qua 3 khoáng đại và 43 tổ thảo luận, trên 600 đại biểu Phong trào Dân chủ Thế giới chia nhau thảo luận từng vấn đề chuyên biệt nhằm vạch ra đường hướng chiến thuật, chiến lược cho tiến trình dân chủ hóa toàn cầu.

Toàn cảnh đêm dạ yến vinh danh hai Nhà dân chủ dũng cảm Việt Nam (Photo Que Me)
Sau ba ngày làm việc khẩn trương nhưng năng động, đại hội kết thúc bằng cuộc dạ yến tối hôm 5.4.2006, mà cũng là lễ Vinh danh long trọng các cá nhân và phong trào dân chủ dũng cảm trong thế giới (Democracy Courage Tribute). Mở đầu là cuộc vinh danh hai nhà dân chủ dũng cảm Việt Nam, Hòa thượng Thích Quảng Độ và Giáo sư Hoàng Minh Chính. Sau đấy đến lượt vinh danh ba phong trào đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ tại Uzbekistan, Nepal và Crimea tại Ukraine.

Thay mặt Đại hội, ông Han Dongfang, lãnh tụ đấu tranh cho Công đoàn Tự do tại Trung quốc, thành viên Ban Thường vụ Phong trào Dân chủ Thế giới, đứng ra giới thiệu Hòa thượng Thích Quảng Độ và Giáo sư Hoàng Minh Chính trước khi trao bằng vinh danh. Ông nói :

Anh Han Dongfeng trao bằng vinh danh 2 Nhà dân chủ Việt Nam dũng cảm
“Tối hôm nay, chúng ta vinh danh hai người, hai bộ mặt gây cảm hứng kỳ diệu, hai con người đấu tranh qua bao thập kỷ cho dân chủ và cải cách chính trị tại Việt Nam. Qua hai vị, chúng ta vinh danh tất cả những nhà đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam.

“Hai vị là đại biểu cho hai vị thế khác nhau trong phong trào dân chủ Việt Nam : một vị ngoài thế gian, một vị là Tăng sĩ Phật giáo ; một vị ở miền Bắc, một vị ở miền Nam ; một vị là cựu cán bộ cao cấp của chế độ, một vị là giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đang bị cấm hoạt động.

“Ông Hoàng Minh Chính, cựu cán bộ cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam, từng chịu đựng 12 năm tù đày và quản chế kể từ năm 1967 vì đã biểu tỏ ngưỡng vọng kiên trì của ông, mà cũng là ngưỡng vọng của đồng bào ông, nghĩa là đất nước phải cải cách dân chủ. Ông không bao giờ được xét xử công minh hay được thủ tục pháp lý bảo vệ, trái lại còn bị chửi bới, hành hung, gia đình ông bị sách nhiễu, nhà cửa bị xâm phạm, hiện ông luôn bị công an theo dõi.

“Hòa thượng Thích Quảng Độ, vị lãnh đạo số hai của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một giáo hội bị ngăn cấm hoạt động. Hơn 30 năm qua, Hòa thượng dũng cảm lên tiếng cho tự do tôn giáo và nhân quyền. Vì vậy, Hòa thượng từng bị thẩm cung, đánh đập, bị giam cầm tù tội, bị lưu đày ngay trên chính quê hương như một người tù vì lương thức trên 25 năm dài, bị tố cáo là xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá nhà nước, bị ngăn cản không cho thăm viếng các bậc cao tăng lâm cùng cảnh ngộ. Hiện nay Hòa thượng vẫn bị quản chế khắc khe. Hòa thượng Thích Quảng Độ cho chúng ta biết rằng : “Bao lâu chưa có tự do và dân chủ đích thực, thì người dân vẫn còn bị xem như súc vật tại Việt Nam”.

“Không riêng gì hai nhà ly khai bị đối xử như thế. Tất cả các nhà đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam đều bị bắt bớ tùy tiện, bị bôi nhọ như kẻ phản quốc, chống đối nhà nước. Các quyền bảo đảm trên Hiến pháp hay trong các bộ luật không được áp dụng cho họ. Dù vậy, phong trào đấu tranh tại Việt Nam đã thành công tạo nhiều áp lực chính trị to lớn lên nhà cầm quyền Việt Nam, bằng cách tố cáo trước cộng đồng thế giới những hành động đàn áp, kể cả trước Liên Hiệp Quốc, các Quốc hội, các Chính phủ tại các quốc gia dân chủ, qua báo chí, truyền thông và các tổ chức nhân quyền quốc tế. Gần đây, việc sử dụng không gian Internet hay các kỹ thuật thông dụng là những phương tiện gây ý thức dân chủ cho phong đấu tranh tại Việt Nam.

“Dù Hòa thượng Thích Quảng Độ và ông Hoàng Minh Chính không thể đến dự buổi lễ vinh danh hôm nay, nhưng chúng tôi vô cùng hân hạnh có sự hiện diện của hai vị từng bỏ cả cuộc đời họ để đánh thức công luận thế giới về hiện trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng tại Việt Nam. Ông Võ Văn Ái là nhà văn, triết gia, và giữ chức vụ cao cấp trong Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền. Từ năm 1975 tại Paris, ông thành lập “Hội Văn hóa và Liên lạc Người Việt Hải ngoại”, hội nổi tiếng qua danh xưng “Tổ chức Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam”, để kết hợp và điều hành các hoạt động người Việt hải ngoại, bảo tồn văn hóa, gây tình thông cảm giữa dân tộc Việt Nam với thế giới Tây phương, và vận động cho nhân quyền Việt Nam. Còn một người phụ tá rất đắc lực là chị Penelope Faulkner, được nhân dân Việt Nam tán thưởng qua những truyện ngắn chị viết dưới bút hiệu Ỷ Lan.

“Nhân danh Ban Thường vụ Phong trào Dân chủ Thế giới, tôi xin trao bằng vinh danh Hòa thượng Thích Quảng Độ và ông Hoàng Minh Chính, mà cũng là cho tất cả những nhà đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam”.

Sau đây là đáp từ cảm tạ của ông Võ Văn Ái dịch từ bản Anh ngữ :

Ông Võ Văn Ái đáp từ cảm tạ (Photo Que Me)
“Thay mặt Hòa thượng Thích Quảng Độ và Giáo sư Hoàng Minh Chính, tôi chân thành cảm tạ Phong trào Dân chủ Thế giới và tất cả các bạn Dân chủ có mặt đông đảo hôm nay để vinh danh hai người Việt Nam dũng cảm.

“Năm nay là năm quan trọng cho Việt Nam. Tháng 11 sắp tới, Tổng thống Hoa Kỳ, George W. Bush, sẽ đến Hà Nội tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC. Vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trao danh sách 26 tù nhân chính trị và tôn giáo để yêu cầu Hà Nội trả tự do cho họ trước khi Tổng thống Hoa Kỳ sang Việt Nam. Cuộc vinh danh hôm nay đang chiếu sáng vào thân phận của những kẻ tù đày, và đặt nặng vấn đề dân chủ trong nghị trình chính trị.

“Bằng sự vinh danh hai vị, các bạn không chỉ cứu sống sinh mệnh họ, mà đồng thời, các bạn đang ra tay đẩy mạnh tiến trình dân chủ, và đẩy lùi các thế lực áp bức tại Việt Nam.

“Từ hai nghìn năm lịch sử, Việt Nam là một quốc gia thống nhất, có cùng ngôn ngữ, có chung một nền văn hóa. Nhưng tranh chấp ý thức hệ đã chia cắt đất nước chúng tôi làm đôi, Bắc và Nam, chia rẽ nhân dân, bắt họ phải sống cách biệt dưới những thể chế chính trị khác nhau.

“Hai nhà ly khai mà các bạn vinh danh hôm nay, Hòa thượng Thích Quảng Độ và Giáo sư Hoàng Minh Chính phản ảnh sự phân đôi chính trị này. Hòa thượng Thích Quảng Độ sống ở miền Nam, tượng trưng cho cuộc đấu tranh của Phật giáo đồ, một xã hội dân sự lớn nhất, mà cũng là một phong trào dân chủ đầy năng lực. Giáo sư Hoàng Minh Chính sống ở miền Bắc, đang phát ngôn cho những thế hệ cựu đảng viên và giới ly khai Cộng sản, là người không ngừng kêu gọi cải cách dân chủ.

“Khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, đảng Cộng sản thống nhất hai miền Nam Bắc, nhưng không thống nhất được lòng dân. Hôm nay đây, bằng sự vinh danh hai nhà dân chủ Việt Nam như hai thành viên của cộng đồng dân chủ toàn cầu, các bạn đánh dấu sự kết liên trong phong trào dân chủ Việt Nam, và cũng bằng cách đó, các bạn đã thành công việc mà người Cộng sản thất bại, đó là thống nhất lòng người Việt Nam.

“Phải chi Hòa thượng Thích Quảng Độ và Giáo sư Hoàng Minh Chính có mặt hôm nay nhỉ ! Đó là điều tôi mơ ước xiết bao. Tôi mơ ước hai vị được nhìn tận mắt Đại hội huy hoàng của những nhà dân chủ trên thế giới tổ chức tại Istanbul. Đại hội sẽ làm cho hai vị nhận ra một điều, đó là hai vị không cô độc, và chẳng có gì ngăn cản được bước tiến của dân chủ trên mặt địa cầu.

“Thật là điều ngạc nhiên kỳ diệu đối với tôi khi nghe tin Phong trào Dân Chủ Thế giới lấy quyết định vinh danh hai nhà dân chủ dũng cảm Việt Nam sau nhiều tháng nghiên cứu hồ sơ quốc tế. Nước Việt Nam của chúng tôi quá nhỏ bé, lại ở quá xa, và không nằm trong tầm mắt của mọi người.

Chị Ỷ Lan góp lời cám ơn (Photo Bo Tedards)
“Trong đời này, có được một người bạn là qúy nhất, quý hơn cả trái đất nơi chúng ta cư ngụ. Nay các bạn vừa nhận ra hai nhà dân chủ Việt Nam như hai bằng hữu. Đối với người Việt chúng tôi, điều này còn mang ý nghĩa của sự công bằng, của tình đoàn kết trên trái đất”.

“Một lần nữa chân thành cảm tạ các bạn”.

Toàn thể hội trường trên 600 người đồng loạt đứng lên hoan nghênh, vỗ tay nồng nhiệt như muốn trao âm thanh tán thưởng về tới Saigon và Hà Nội. Rời bục vinh danh bước xuống, chúng tôi đã được nhiều người thân ái nắm chặt tay hay thân tình ôm hôn, ca ngợi, nhiều người cảm động khóc.

Chúng tôi nghĩ rằng hai chữ Việt Nam đang bắt đầu vang động lại trên thế giới sau một thời gian dài ngậm ngùi vắng bặt. Lần này hai chữ Việt Nam kết dính với Dân chủ, chứ không theo liền với Chiến tranh hay Cộng sản.



Unicode


VNI


VPS


VIQR

Check Also

VCHR và FIDH đệ trình báo cáo chung đến LHQ cho Kỳ Kiểm Điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) của Việt Nam

PARIS, ngày 11 tháng 10 năm 2023 (VCHR) : Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *