Home / FoRB / Phỏng vấn Nữ Dân biểu Loretta Sanchez về việc Quốc hội Hoa Kỳ yêu sách trả tự do cho Nhị vị Hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ – Cuộc gặp gỡ Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội cùng chuyến ghé thăm cố đô Huế của Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang

Phỏng vấn Nữ Dân biểu Loretta Sanchez về việc Quốc hội Hoa Kỳ yêu sách trả tự do cho Nhị vị Hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ – Cuộc gặp gỡ Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội cùng chuyến ghé thăm cố đô Huế của Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang

Download PDF

Paris, 9.4.2003 (PTTPGQT) – Lời giới thiệu : Gần hai tháng qua, dư luận thế giới chú mục vào Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Từ Hà Nội, các hãng thông tấn quốc tế như AFP, AP, Reuters, Kyodo, DPA… đánh đi những bản tin hấp dẫn, sôi động và nhiều thông báo. Sau đấy đến lượt các Đài quốc tế có chương trình Việt ngữ phát về Việt Nam, như Á châu Tự do, BBC, RFI, VOA… chuyển loan hay làm những cuộc phỏng vấn Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế.

Hôm nay chúng tôi xin ghi lại hai cuộc phỏng vấn quan trọng và hữu ích để hiểu thêm sự hậu thuẫn quốc tế cho nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam qua hai trường hợp cụ thể : Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống, và Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Qua cuộc phỏng vấn thứ nhất, Nữ Dân biểu Loretta Sanchez nói rõ lý do vì sao 37 Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ đại diện hai chính đảng Cộng hòa và Dân chủ đã viết thư cho lãnh đạo Hà Nội yêu sách trả tự do cho hai Nhà lãnh đạo Phật giáo, và vì sao bà hậu thuẫn cuộc đấu tranh cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam. Cuộc phỏng vấn này phát về Việt Nam trên Đài Á châu Tự do vào lúc 21 giờ, giờ Việt Nam, ngày thứ bảy 5.4.2003.

Qua cuộc phỏng vấn thứ hai, ông Võ Văn Ái, người phát ngôn của Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, cho biết nội dung cùng ý nghĩa việc Đại sứ Hoa Kỳ viếng thăm Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang tại chùa Kim Liên ở Hà Nội hôm 4.4.03, cũng như tầm quan trọng của 2000 Tăng Ni, Phật tử đón tiếp Hòa thượng Thích Huyền Quang tại Huế sáng ngày 7.4.03. Cuộc phỏng vấn này phát hai lần về Việt Nam trên Đài Á châu Tự do vào lúc 6 giờ 30 sáng và 21 giờ, giờ Việt Nam, ngày thứ ba 8.4.03. Cả hai cuộc phỏng vấn đều do Nhà văn, nhà báo Ỷ Lan thực hiện. Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin ghi chép lại hai tài liệu này để gửi đến các cơ quan truyền thông, báo chí, đồng bào trong và ngoài nước tham khảo.

 Phỏng vấn Nữ Dân biểu Loretta Sanchez về việc Quốc hội Hoa Kỳ yêu sách Hà Nội trả tự do cho Nhị vị Hòa thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ
Đài Á châu Tự do phát về Việt Nam vào lúc 21 giờ, giờ Việt Nam, ngày thứ bảy 5.4.2003.

Một sự kiện nóng bỏng vừa xẩy ra tại Hà Nội, là chiều ngày 2 tháng 4, Thủ tướng Phan Văn Khải tiếp kiến Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Sự kiện này đã được người phát ngôn của Viện Hóa Đạo, ông Võ Văn Ái, trả lời báo chí Tây phương và bình luận rằng : “Một Thủ tướng tiếp kiến một Tù nhân vì lương thức bị giam nhốt suốt 21 năm qua và hiện còn tiếp tục bị quản chế, là điều hiếm thấy. Có thể là bước đầu  cho cuộc thay đổi chính sách về nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam chăng ? Người ta chỉ có thể khẳng định sự đổi thay này trong vài tháng tới, khi hai Hòa thượng lãnh đạo Phật giáo, Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ được chính thức trả tự do, cũng như việc phục hồi quyền sinh hoạt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được xác định”

Như thế là tuy được Thủ tướng Phan Văn Khải trải thảm đỏ đón tiếp tại Hà Nội, nhưng sau đó Hòa thượng Thích Huyền Quang vẫn phải lủi thủi trở về nơi quản thúc của mình ở Quảng Ngãi để chịu sự quản lý của Công an như đã từng chịu suốt 21 năm qua.

Vì thế mà trung  tuần tháng 3 vừa qua, 31 Dân biểu Quốc hội Âu châu viết thư cho Chủ tịch Trần Đức Lương, Thủ tướng Phan Văn Khải, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, yêu sách trả tự do cho Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, và Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và đề xuất về Việt Nam thăm viếng hai Hòa thượng để “chứng kiến tận mắt sức khỏe và tình trạng của hai ngài”.

Hôm nay đến lượt Quốc hội Hoa Kỳ viết thư gửi đến các ông Trần Đức Lương, Phan Văn Khải, Nông Đức Mạnh và Nguyễn Văn An yêu sách trả tự do cho hai nhà lãnh đạo Phật giáo. 37 Dân biểu đại diện hai chính đảng Cộng hòa và Dân chủ cùng ký chung bức thư. Thư viết từ thủ đô Hoa Thịnh Đốn ngày 3 tháng 4 và cùng ngày đã gửi về các nhà lãnh đạo ở Hà Nội. Nguyên văn bức thư ấy như sau :

“Thưa quý Ngài,

“Chúng tôi trân trọng kiến nghị quý ngài tạo điều kiện để trả tự do tức khắc cho Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là Giáo hội đang bị cấm hoạt động, và người phụ tá của ngài là Hòa thượng Thích Quảng Độ.

“Những nhà lãnh đạo kiên dũng này trải qua 25 năm bị giam giữ không lý do, không xét xử, chỉ vì hai Hòa thượng đã ôn hòa công khai ủng hộ cho các quyền con người cơ bản và cho tự do tôn giáo  – là những quyền được bảo đảm trong bản Hiến pháp Việt Nam và ghi rõ trong Công ước quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị của LHQ, mà đất nước quý ngài vừa tham gia ký kết, vừa cam kết thực thi. Thế nhưng các nỗ lực xứng đáng của nhị vị Hòa thượng đưa tới hậu quả, là họ bị tù đày, biệt giam, được thả, rồi quản thúc, biệt xứ, cuối cùng bị bắt trở lại.

“Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, 86 tuổi, sức khỏe suy giảm vì điều kiện giam cầm khắc khe và thiếu chăm sóc thuốc men. Dù gần đây Đại lão Hòa thượng được cho đi chữa trị nhọt ung thư, mà theo chỗ chúng tôi biết, thì sau đó Hòa thượng phải trở về nơi giam cầm cũ.

“Hòa thượng Thích Quảng Độ, 75 tuổi, được đề cử ứng viên Giải Nobel Hòa bình năm 2003, bị giam giữ chặt chẽ tại Thanh Minh Thiền viện ở thành phố Hồ Chí Minh. Các “tội” viện dẫn bao gồm cả việc phát động “Lời Kêu Gọi Cho Dân chủ Việt Nam”  – một Chương trình 8 điểm nhằm chuyển hóa Việt Nam sang chế độ dân chủ, và tổ chức cứu trợ các nạn nhân bị lũ lụt. Hòa thượng đang phải đối diện với các biến chứng vì tuổi cao và sức khỏe suy yếu.

“Cộng đồng thế giới kiên trì vận động cho các nỗ lực của Đại lão Hòa thượng và Hòa thượng phụ tá của ngài được thăng tiến, cũng như không ngừng hậu thuẫn cho việc trả tự do cho hai ngài. Hai mươi năm vừa qua, nhiều nỗ lực vận động cho Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang và Hòa thượng Thích Quảng Độ làm ứng viên Giải Nobel Hòa bình, kể cả gần đây trên 60 Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ kêu gọi trao Giải Nobel Hòa bình cho Hòa thượng Thích Quảng Độ. Hơn nữa, nhiều khôi nguyên Giải Nobel Hòa bình, kể cả Đức Dalai Lama, cũng lên tiếng kêu gọi trả tự do cho nhị vị Hòa thượng gương mẫu này.

“Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang và Hòa thượng Thích Quảng Độ đã phải chịu đựng quá lâu, quá đủ, cho những nỗ lực kiên dũng của họ, mà mục tiêu của hai Hòa thượng nhắm cải tiến nhân quyền và tự do tôn giáo. Chúng tôi kiến nghị quý Ngài hãy lưu tâm đến những lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo trong thế giới, hầu tạo điều kiện trả tự do tức khắc cho Nhị vị Hòa thượng.  Làm như thế là minh chứng rằng Việt Nam thực sự cam kết việc thăng tiến nhân quyền và tự do tôn giáo.

“Trân trọng,

“Đồng ký tên 37 Dân biểu.

Nhìn vào danh sách, chúng tôi nhận thấy có tên Dân biểu Cộng hòa Frank Wolf, tác giả của “Đạo luật bảo vệ tự do tôn giáo trên toàn thế giới” được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua năm 1998 ; Nữ Dân biểu đảng Dân chủ Zoe Lofgren và Dân biểu đảng Cộng hòa Ed Royce, đồng tác giả dự luật “Tự do thông tin tại Việt Nam”, hỗ trợ cho sự kiện toàn và mở rộng Đài Á châu Tự do tại Việt Nam; Dân biểu Cộng hòa Christopher Smith, tác giả của dự luật “Nhân quyền cho Việt Nam”. Hai dự luật sau này vừa đệ nạp tại Quốc hội để xin chuẩn y. Ngoài ra còn có chữ ký của Nữ Dân biểu Cộng hòa Ileana Ros-Lehtinen, Chủ tịch Phân ban Nhân quyền và Tương trợ quốc tế của Quốc hội Hoa Kỳ.

Để tìm hiểu sự quan tâm của Quốc hội Hoa Kỳ cũng như lý do hậu thuẫn hai Hòa thượng lãnh đạo Phật giáo Việt Nam, chúng tôi phỏng vấn Nữ Dân biểu Loretta Sanchez là một trong những Dân biểu khởi xướng bức thư chung. Bà từng đến thăm Việt Nam nhiều lần, từng gặp Hòa thượng Thích Quảng Độ và bác sĩ Nguyễn Đan Quế tại Saigon cùng các ông Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Phạm Quế Dương, Nguyễn Thanh Giang tại Hà Nội.

Ỷ Lan : Xin kính chào bà Loretta Sanchez và cảm ơn bà nhận trả lời phỏng vấn. Tại Quốc hội Hoa Kỳ, bà là một trong những vị Dân biểu không ngừng lên tiếng hậu thuẫn cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam. Hôm nay, bà lại yêu sách Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trả tự do cho Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang và Hòa thượng Thích Quảng Độ. Kết quả là 37 Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ đại diện hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đồng ký tên ủng hộ. Xin bà cho biết lý do cuộc vận động này.

Loretta Sanchez : Như chị biết, tôi từng gặp thăm và hầu chuyện với Hòa thượng Thích Quảng Độ. Tôi từng đến thăm Việt Nam nhiều lần, và đang dự tính trở lại đất nước này trong năm nay. Hy vọng như thế. Tôi không ngừng kêu gọi giới lãnh đạo Việt Nam và nói cho họ hiểu rằng, không riêng Hoa Kỳ, mà hầu hết tất cả các quốc gia khác trong thế giới đều yêu cầu họ tôn trọng những nhân quyền cơ bản mà người dân nước họ phải được hưởng. Đây chính là các quyền tự do nghiệp đoàn, tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do hội họp. Chúng tôi không ngừng đấu tranh cho nhân dân Việt Nam được hưởng các quyền này.

Ỷ Lan : Đây không phải là lần đầu bà lên tiếng cho hai Hòa thượng lãnh đạo Phật giáo. Nhiều năm qua bà từng đề cử Hòa thượng Thích Quảng Độ làm ứng viên Giải Nobel Hòa bình. Năm 2001, hỗ trợ cuộc vận động của Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc ở Genève về “Lời Kêu gọi cho Dân chủ Việt Nam” của Hòa thượng Thích Quảng Độ, bà ký tên chung với 35 Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ hậu thuẫn Lời Kêu gọi cũng như yêu sách LHQ quan tâm tới Chương trình 8 điểm thực thi dân chủ mà Hòa thượng Quảng Độ mời gọi tất cả các khuynh hướng chính trị và tôn giáo tại Việt Nam tham gia. Nhưng trong một thể chế độc đảng và chuyên quyền như tại Việt Nam ngày nay, một kế hoạch như thế khó lòng thực hiện. Xin bà cho biết lý do nào khiến bà tin tưởng vào tầm quan trọng của hậu thuẫn quốc tế cho việc tiến hành dân chủ tại Việt Nam ?

Loretta Sanchez : Lần đầu tiên đến viếng thăm Việt Nam, tôi được các nhà đấu tranh bảo vệ nhân quyền cậy nhờ chúng tôi tiếp tục vận động trên trường quốc tế và làm áp lực với nhà cầm quyền Việt Nam, để gây phấn kích cho quần chúng tại Việt Nam trong công cuộc đấu tranh cho các quyền con người. Từ đó, tôi cảm nhận rõ ràng rằng, những chi chúng tôi hoạt động ở nước ngoài đều mang tầm quan trọng. Trước hết, cộng đồng thế giới có nhiều tác động ảnh hưởng đến Việt Nam. Lấy một ví dụ, là chúng ta từng chứng kiến phong trào kỳ thị chủng tộc apartheid bị đánh đổ tại Nam Phi vốn nhờ cuộc vận động quốc tế. Vì vậy mà chúng tôi cần duy trì sự cứu sống, chúng tôi cần thúc đẩy, đòi hỏi Chính phủ Hoa Kỳ, song hành với những hoạt động cá nhân của chúng tôi, để thúc đẩy sự tôn trọng nhân quyền tại Việt Nam. Cũng nên nhớ rằng, nhân dân tại Việt Nam đang nhìn xem chúng ta làm gì ở ngoài này, nghe ngóng xem chúng ta đang động tĩnh như thế nào ở ngoài này, các cuộc vận động không ngưng nghỉ của chúng ta gây cho họ niềm tin để họ tiến tới ở ngay thời điểm mà họ gặp bao nổi khó khăn để nói lên ngưỡng vọng của họ.

Ỷ Lan : Năm 2000 tháp tùng Tổng thống Clinton đến viếng thăm Việt Nam, chuyến viếng thăm đầu tiên của Tổng thống Hoa Kỳ kể từ khi chiến tranh chấm dứt, bà là người độc nhất trong phái đoàn đã hy sinh thì giờ đi gặp thăm các nhà ly khai tại Hà Nội và Saigon. Bà đã gặp Hòa thượng Thích Quảng Độ. Bà có thể cho thính giả Đài Á châu Tự do được biết cảm tưởng của bà đối với vị Cao tăng Phật giáo này ?

Loretta Sanchez : Hòa thượng rõ ràng là một người đặc biệt, một nhà lãnh đạo tôn giáo, một người mà khi nhìn thấy Ngài là lòng ta trở nên an lạc, thanh thản cùng với ngài. Hòa thượng rất khiêm cung. Thời tôi đến thăm, Hòa thượng đang bị quản thúc, bị chính quyền sách nhiễu. Họ không cho Hòa thượng ra khỏi chùa, không cho gặp gỡ Phật tử hay tiếp xúc bất cứ ai. Nhưng ngài bất chấp các lệnh cấm này. Thực tế là lúc ấy Hòa thượng đang chuẩn bị chuyến đi về đồng bằng sông Cửu long cứu trợ các nạn nhân lũ lụt. Hòa thượng nói : “Họ không thể khống chế tinh thần tôi. Tôi tiếp tục làm những gì tôi tin là đúng, những gì tôi cần thực hiện. Tôi chẳng sợ họ”. Hòa thượng thừa biết chính quyền có thể hãm hại sinh mệnh ngài. Nhưng Hòa thượng tin vào sứ mệnh mang lại các quyền căn bản cho dân tộc ngài, đặc biệt quyền tự do tôn giáo, là điều quan trọng.

Ỷ Lan : Lúc này là thời điểm chính yếu cho quan hệ Mỹ Việt. Thương ước song phương Mỹ Việt đã ký kết, nhưng nền mậu dịch thì tiến triển chậm chạp. Có nhiều ý kiến khác nhau về vai trò của Thương ước. Gần đây chúng tôi có dịp phỏng vấn các Dân biểu Quốc hội Âu châu, các vị này xác nhận rằng quan hệ hợp tác kinh tế song phương tùy thuộc vào sự thực thi nhân quyền tại Việt Nam. Bà có chia sẻ quan điểm này không ?

Loretta Sanchez : Ngày Tổng thống Clinton đến thăm Việt Nam, tôi nói với Tổng thống rằng, thật quan trọng để cho tôi tháp tùng chuyến đi. Tổng thống đã mời 2, 3 Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ hậu thuẫn Thương ước song phương, riêng tôi thì chống Thương ước này. Tôi nói với Tổng thống rằng, vào thời điểm Hoa Kỳ muốn mở cửa kinh tế với Việt Nam, thì Tổng thống cần cho chính quyền Việt Nam thấy sự hiện diện bên cạnh Tổng thống về tầm mức quan trọng của nhân quyền, không riêng cho dư luận trong quần chúng Hoa Kỳ mà còn cho công luận toàn thế giới. Đây chính là lý do mà Tổng thống Clinton mời tôi tháp tùng với Tổng thống đi Việt Nam. Thật quan trọng để tiếp tục đấu tranh cho nhân quyền, tiếp tục đấu tranh cho sự trong sáng. Một trong những lý do khiến cho cuộc mậu dịch song phương chưa đạt thành quả mong ước, là vì đông đảo những người có thể giúp chúng tôi phát triển mậu dịch vẫn để tâm lo lắng về hiện trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam, tôi muốn nói đến cộng đồng người Việt tị nạn ở Hoa Kỳ. Bao lâu vấn đề nhân quyền chưa giải tỏa, thì người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ vẫn còn dè dặt trong việc nối lại quan hệ bình thường giữa Hoa Kỳ và Việt Nam để qua đó phát triển nền mậu dịch song phương.

Ỷ Lan : Bà có lời gì nhắn gửi đến nhân dân Việt Nam đang khát vọng dân chủ không?

Loretta Sanchez : Tôi nghĩ rằng, chúng ta sẽ chứng kiến trong một ngày gần đây thôi, tôi dám nói là không quá 5 năm, nền mậu dịch sẽ mở cửa và Việt Nam thực sự hồi sinh. Nhà đương cuộc Việt Nam hiện tại sẽ phải chân nhận sự cần thiết phải thay thế giới cầm quyền, thay đổi lãnh đạo, hoặc giới lãnh đạo phải thay đổi quan điểm nhân quyền trong đầu óc họ. Chẳng ai có thể mãi mãi tù hãm thú vật trong chuồng, cấm chúng đi đứng, bay nhảy. Đối với loài người, sự thể còn trầm trọng hơn. Chẳng ai có thể giam nhốt chúng ta, cấm đoán chúng ta giữ vững niềm tin tôn giáo, cấm đoán sự trao đổi tin tức hay cấm đoán cùng nhau hội họp. Chúng ta không ngừng chứng kiến các sự trạng như thế bị xóa bỏ trong nhiều quốc gia. Chúng ta sẽ thấy nhân quyền được trả lại cho dân tộc Việt Nam, không lâu quá 5 năm đâu, tôi xác tín như thế.

Ỷ Lan : Theo tin tức gần đây thì Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang đang chữa bệnh ở Hà Nội, bà có gì nhắn gửi đến Đại lão Hòa thượng không ?

Loretta Sanchez : Tôi muốn thưa với Đại lão Hòa thượng rằng : Trời không phân biên giới. Trời thấy dân khổ nên chọn người lãnh đạo ra tay thay đổi thời cơ. Tôi tin rằng Đại lão Hòa thượng là một trong những nhà lãnh đạo có khả năng thay đổi thời cơ. Bằng hành động và tiếng nói, Hòa thượng đang mang lại nhân quyền cho dân tộc Việt Nam. Cho nên, tâm tư tôi cũng như lời cầu nguyện của tôi theo sát Hòa thượng trên bước đường tranh đấu của ngài.

Ỷ Lan : Xin cám ơn bà Dân biểu Loretta Sanchez.

Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang vừa về đến Huế
sau cuộc gặp gỡ ông Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội

Đài Á châu Tự do phát hai lần về Việt Nam vào lúc 6 giờ 30 sáng và 21 giờ, giờ Việt Nam, ngày thứ ba 8.4.03.

Chỉ trong 3 ngày vừa qua, xẩy ra thêm hai sự kiện nổi bật tại Việt Nam đối với Phật giáo. Chiều thứ sáu mồng 4.4, vào lúc 14 giờ, ông Raymond Burghardt, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đến chùa Kim Liên ở Hà Nội vấn an Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang.

Ông Đại sứ tỏ ý vui mừng sức khỏe Hòa thường đã bình phục sau cuộc giải phẫu, và phấn khởi với tin Thủ tướng Phan Văn Khải tiếp kiến Hòa thượng. Ông cũng cho biết là chính phủ Hoa kỳ, bản thân ông, luôn quan tâm đến trường hợp của Hòa thượng và Hòa thượng Thích Quảng Độ, nên đã không ngừng can thiệp với Nhà nước Việt Nam trả tự do cho hai ngài. Đại lão Hòa thượng cám ơn sự quan tâm của ông Đại sứ, Chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đặc biệt Hòa thượng rất xúc động việc ông Đại sứ thân hành đến chùa thăm Hòa thượng. Đáp lời thăm hỏi, Hòa thượng kể lại cuộc gặp gỡ tốt đẹp với Thủ tướng Việt Nam. Hòa thượng nói, Thủ tướng Phan Văn Khải người Nam, ăn nói vui vẻ, cởi mở. Thủ tướng không nêu ra thắc mắc gì, chỉ có Hòa thượng mới là người nêu ra những thắc mắc về việc giam giữ 21 năm không lý do, không xét xử, việc quản chế Hòa thượng Thích Quảng Độ hiện nay, cũng như việc đàn áp, bức bách Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Tóm lại, Hòa thượng kể những chuyện quá khứ thương đau của Phật giáo dưới chế độ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Tuy Thủ tướng chưa giải quyết cụ thể các nan đề nêu ra. Nhưng Thủ tướng có xin Hòa thượng thông cảm, và hứa các chuyện rắc rối sẽ tháo gỡ. Chính Thủ tướng đã xác nhận : “Chúng tôi cũng biết có sai lầm, xin Hòa thượng từ bi hoan hỷ”. Nói rồi, Hòa thượng nhận xét với ông Đại sứ Hoa Kỳ rằng : “Họ biết thế, và đã nói ra như thế, tôi sẵn sàng hỷ xả”.

Ý kiến của Hòa thượng là cần thiết cho ra đời một quy chế tôn giáo đối với Phật giáo thì mới có thể tháo gỡ những ức chế.

Để tìm hiểu thêm chi tiết, chúng tôi hỏi thăm ông Võ Văn Ái, người phát ngôn của Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, về ý nghĩa cuộc vấn an của ông Đại sứ Hoa Kỳ và chuyến viếng thăm Cố đô Huế của Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang.

Ỷ Lan : Thưa ông Võ Văn Ái, chúng tôi có được biết sơ bộ cuộc gặp gỡ tại Hà Nội giữa Đại sứ Hoa Kỳ và Hòa thượng Thích Huyền Quang. Ông có thể cho thính giả Đài Á châu Tự do biết thêm chi tiết về cuộc gặp gỡ này?

Võ Văn Ái : Xin kính chào quý thính giả tại Việt Nam và quý Đài. Vâng, Đại lão Hòa thượng có cho tôi biết nội dung cuộc gặp gỡ này qua đường dây điện thoại. Nhìn chung có ba điều đáng nói. Trước hết là cuộc vấn an giữa một nhà chính trị của Siêu cường độc nhất trong thế giới với một người chịu đau khổ quá lâu dưới ách độc tài. Điều này nói lên tinh thần dân chủ và huynh đệ. Tiếp đến là sự quan tâm của ông Đại sứ đối với một Giáo hội bị cấm hoạt động, là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Và sau cùng, tôi đoán là ông Đại sứ muốn biết thêm hiện tình Phật giáo Việt Nam. Nói đoán, vì tôi nghe qua một số câu hỏi chi tiết của ông Đại sứ Hoa Kỳ. Xin dẫn xuất vài câu hỏi đáp tiêu biểu :

  • Ông Đại sứ Hoa Kỳ hỏi  : Giáo hội của Hòa thượng nhân sự còn được bao nhiêu người?
  • Hòa thượng đáp : Còn nguyên như cũ.
  • Ông Đại sứ Hoa Kỳ hỏi  : Sao biết được còn nguyên ? Hòa thượng đáp : Người tới thăm tôi rất đông, người liên lạc với tôi mấy mươi năm qua cũng rất đông. Tất cả giữ nguyên tấm lòng trung kiên với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Bề ngoài ra sao không biết, nhưng từ đáy thâm tâm, họ tự xem là người của Giáo hội chúng tôi, nhưng hoàn cảnh chưa cho phép họ công khai bộc lộ.
  • Ông Đại sứ Hoa Kỳ hỏi  : Số lượng học Tăng thành đạt có đông không ? Hòa thượng đáp : Trong và ngoài nước Tăng Ni bậc đại học có 3000 người. Nhưng ở trong nước thì học xong đều thất nghiệp, không có nơi thực dụng, vì không có cơ sở hoạt động tại các tỉnh, huyện…
  • Ông Đại sứ Hoa Kỳ hỏi  : Hiện trạng chùa chiền ngày nay ra sao ? Hòa thượng đáp : Số lượng chùa vẫn như cũ, nhưng Tăng sĩ rất ít. Nhiều tỉnh không có trường đào tạo Tăng, Ni.
  • Ông Đại sứ Hoa Kỳ hỏi  : Chủ trương của Giáo hội hiện nay ra sao ? Hòa thượng đáp: Chủ trương của Giáo hội luôn luôn là chủ trương cứu khổ và giác ngộ của đạo Phật, thể hiện suốt 2000 năm qua trên đất nước Việt Nam. Ở bất cứ triều đại nào, Phật giáo luôn luôn cùng với nhân dân bảo vệ lãnh thổ, xây dựng một quốc gia văn hiến, thái hòa, an vui, no ấm, hạnh phúc. Quá khứ gần đây, Phật giáo bị đàn áp, hàng giáo phẩm bị tù tội. Nhưng cuộc gặp gỡ vừa qua với Thủ tướng Phan Văn Khải mang nhiều hứa hẹn đổi thay, vì thế mà chúng tôi mong được nhân dân Hoa Kỳ hậu thuẫn cho khát vọng chính đáng của Phật tử Việt Nam. Hòa thượng cũng công nhận với ông Đại sứ Hoa Kỳ là do ảnh hưởng của chính trị xen lấn nên trong một bộ phận nhỏ của Phật giáo không được hòa hợp. Chỉ khi nào có một quy chế tôn giáo thực sự cho Phật giáo thì lúc ấy mới thoát ly khỏi những áp lực chính trị làm phân hóa xã hội Việt Nam.

Kết thúc cuộc viếng thăm ưu ái, ông Đại sứ chụp chung tấm hình lưu niệm và khen tặng Hòa thượng Huyền Quang rằng : Tuy tuổi cao, nhưng ý chí Hòa thượng sắc bén, Hòa thượng còn sống lâu lắm.

Ỷ Lan : Xin ông cho biết ý kiến ngắn gọn về cuộc gặp gỡ này. Vì cũng hiếm thấy ông Đại sứ một Siêu cường đến thăm một nhà lãnh đạo tôn giáo còn bị tù đày ?

Võ Văn Ái : Ai cũng biết Hòa thượng chưa chính thức được trả tự do. Hôm qua hầu chuyện Hòa thượng tôi có nói lên thắc mắc này, thì Hòa thượng vừa cười vừa nói rằng : Ở ngoài này có người nói, ngồi đàm đạo với ông Thủ tướng mà còn tù gì nữa. Tuy nhiên Hòa thượng cũng dè dặt chờ coi ra sao. Thiển kiến tôi về cuộc gặp gỡ này, tôi nghĩ Hoa Kỳ là một quốc gia dân chủ, nhưng không chỉ lo riêng cho nước mình mà còn quan tâm hỗ trợ cho cuộc toàn cầu hóa dân chủ, đặc biệt tại các quốc gia độc tài. Chúng ta nên nhớ là sau thế chiến thứ hai, chủ trương của Hoa Kỳ nhắm giải phóng các thuộc địa. Nếu thời ấy, lãnh đạo nước ta biết kết thân để dựa vào chính sách hóa giải thực dân đế quốc này, thì sẽ tiết kiệm biết bao xương máu cho nhân dân qua các cuộc chiến tương tàn. Chính vì Hoa Kỳ thực tâm hậu thuẫn cho dân chủ và nhân quyền, mà cuộc gặp gỡ giữa ông Đại sứ Hoa Kỳ và Hòa thượng Thích Huyền Quang mới công khai xẩy ra giữa thủ đô Hà Nội.

Ỷ Lan : Bây giờ xin ông vui lòng cho biết cuộc viếng thăm của Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang tại Cố đô Huế hồi sáng ngày thứ hai, mồng 7 tháng 4 ?

Võ Văn Ái : Đây cũng là một chuyện hy hữu khác.Tốt hơn cả, là tôi xin được nhường lời cho Hòa thượng Thích Thiện Hạnh, Chủ tịch Tăng Đoàn Thừa thiên – Huế, và Thượng tọa Thích Hải Tạng. Sáng nay hai ngài điện thoại sang Paris cho tôi biết chi tiết cuộc cung nghênh Đại lão Hòa thượng của chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử Huế.

Xin nghe tiếng nói của Hòa thượng Thích Thiện Hạnh phát đi từ Huế :

“A Di Đà Phật
“Thưa anh Ái và tất cả các vị Thượng tọa, Đại đức cũng như tòan thể Phật tử ở bên đó. Sáng ni, chúng tôi toàn thể chư Tăng thuộc Tăng Đoàn Phật giáo Thừa Thiên – Huế tụ tập tại chùa Thiền Lâm để đi đón tiếp Hòa thượng Xử lý Viện Tăng Thống của chúng ta. Sáng ni vui lắm, sân ga toàn bộ một màu áo vàng với Gia Đình Phật tử dâng đầy hoa. Một điều rất sung sướng là gần ba mươi năm nay, Phật tử ở Huế sáng ni là sáng sung sướng nhất. Ngoài Phật tử cũng như là chư Tăng ở trong Tăng Đoàn Phật giáo Thừa Thiên – Huế cũng còn một số các vị Thượng tọa Đại đức có cảm tình với Hòa thượng cũng ra ga. Vì vậy cho nên chi ở nơi sân ga khi Hòa thượng ở trên tàu đi xuống Hòa thượng rất lấy làm sung sướng. Hòa thượng đi giữa hai hàng Tăng Ni, Phật tử đón tiếp, quỳ xuống và lạy Hòa thượng, dâng lên những cành hoa. Chúng tôi cảm thấy sung sướng nhất, Phật tử vô cùng phấn khởi. Đây là một niềm vui sau gần ba mươi năm, từ 1975 đến chừ Thầy trò gần gũi nhau một cách hết sức cảm động, và đến nỗi Hòa thượng cũng rất cảm động đi trước những hàng Phật tử như vậy. Sáng ni toàn bộ Phật tử, bên Tăng, bên Ni cũng có khoảng gần một ngàn người, rất đông đúc đón rước Hòa thượng đến nơi chùa Từ Đàm, là nơi phát xuất Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, phát xuất tất cả các phong trào đấu tranh cho Phật giáo từ trước đến nay… “.

Và sau đây là lời tường trình của Thượng tọa Thích Hải Tạng cũng phát đi từ Huế :

“Dạ thưa Anh,
“Chiếc tàu E1 đến ga Huế vào lúc 10 giờ 13. Một không khí tràn đầy xúc động. Tại đó ngoài chư Tăng Phật tử Thừa thiên còn có Quảng Trị, Đà Nẵng vân tập đông đủ. Sự ra đón tại sân ga còn có các vị Tôn đức, Hòa thượng, Thượng tọa ngay cả đang làm viêc trong Giáo hội mới, thể hiện cái đạo tình và lòng ngưỡng mộ chân thành, ra đón rất là vui vẻ. Mọi người ở nhà ga, du khách trong nước và nước ngoài đều hết sức ngạc nhiên và xúc động khi thấy hàng ngàn người quỳ rạp trước sân ga và một rừng hoa dâng lên vẫy chào cung đón Hòa thượng. Hai chiếc lọng vàng và một lư trầm đi trước, tháp tùng Hòa thượng là các Hòa thượng, Thượng tọa Thừa thiên – Huế. Và ngay giờ này, khi tôi đang nói chuyện với anh, chư Tăng đang đảnh lễ ngài tại phòng khách chùa Từ Đàm. Khi về đến cổng chùa Từ Đàm thì một không khí đông đúc nữa, là tại đây chư Tăng Ni không ra ga được vì sợ không khí nhà ga đông, ảnh hưởng đến trật tự công cộng. Cho nên người ta vân tập tại đây, hiện giờ này chư Tăng và Phật tử có mặt tại sân chùa Từ Đàm khoảng 1500 đến 2000 người. Đó là một con số mà mình không ngờ trước được. Khi Ôn Hòa thượng vào lễ Phật tại chánh điện, rồi sau đó rước xuống phòng khách của chùa Từ Đàm, thì các Hòa thượng, Thượng tọa, Sư Bà, quý Ni Sư lần lượt liên tục vào đảnh lễ Hòa thượng. Dù không khí hôm nay ở Huế rất nóng bức, nhưng Phật tử đã quỳ giữa sân chùa, giữa sân ga, đó là điều xúc động hết sức. Có thể nói rằng đây là một sự kiện rất có ý nghĩa…”.

Sau khi tả cuộc nghênh đón tại sân ga Huế, Thượng tọa Hải Tạng cho biết xe của Tăng Đoàn Thừa Thiên rước Hòa thượng Thích Huyền Quang chạy qua đường Phan Bội Châu, thẳng lên đường Điện Biên Phủ rồi rẽ qua đường Sư Liễu Quán tới trước cổng tam quan chùa Từ Đàm. Thượng tọa kể tiếp :

“Cũng nên nhớ lại rằng, Chùa Từ Đàm là một ngôi chùa lịch sử. Lịch sử ở chỗ, chính nơi đây đã từng đặt nền móng cho ngôi nhà thống nhất Phật giáo Việt Nam vào năm 1951. Lịch sử ở chỗ, chính nơi đây là một trung tâm sinh hoạt Phật giáo không những cho đất Cố đô mà suốt miền Trung. Lịch sử ở chỗ, ngôi chùa Từ Đàm là nơi lãnh đạo bao nhiêu phong trào đấu tranh bảo vệ Chánh pháp đã phát xuất từ xứ Huế. Và đối với riêng ngài còn có một kỷ niệm đặc biệt, là cách đây hơn nửa thế kỷ, Đức Đại lão Hòa thượng đã từng sống và làm việc tại đây trong cương vị Hội trưởng Hội Phật giáo Thừa thiên. Tất cả những kỷ niệm đó làm cho Hòa thượng đầy xúc động. Ngài đã tiến thẳng vào chánh điện chùa Từ Đàm niêm hương tác bạch trước đức Từ Phụ bằng tất cả một sự xúc động chân thành như là một đứa con của đức Từ Phụ từ lâu, hôm nay trở về ngôi nhà cũ. Nhiều Tăng Ni, Phật tử đã xúc động không cầm được nước mắt.

“Chúng tôi nghĩ rằng sự xúc động đó không phải là chỉ thể hiện tình cảm với riêng cá nhân Hòa thượng, mà chúng ta nên nhớ rằng sinh mệnh của Hòa thượng còn là sinh mệnh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Trong cương vị lãnh đạo tối cao của Giáo hội, Ngài là biểu tượng, là linh hồn của một Giáo hội. Cuộc đời ngài cũng chính như thân phận của Giáo hội ấy đã bị Nhà nước Việt Nam vùi dập một cách không thương tiếc trong hơn hai chục năm qua. Thế nhưng hôm nay con người ấy, tinh thần Giáo hội ấy, không ngờ bỗng dưng được sống lại giữa lòng Tăng Ni, Phật tử Cố đô qua sự kiện mọi người đã hân hoan, nồng nhiệt công khai chào đón Ngài…”.

Ỷ Lan : Còn nhớ năm 1992 khi Hòa thượng ra Huế dự tang lễ Cố Đại lão Đệ Tam Tăng Thống Thích Đôn Hậu, công an Huế đã gây đủ khó khăn, cấm đoán đối với Hòa thượng Huyền Quang. Xin ông cho biết lần này có phản ứng gì về phía nhà chức trách Huế không ?

Võ Văn Ái : Quý Thầy ở Huế cho tôi biết qua điện thoại, thì cơ quan công lực không gây một khó khăn, cản trở nào cả. Phật tử Huế nói với nhau đây là một điềm lành mà gần ba mươi năm họ không được hưởng. Điềm lành mà cũng là sự mầu nhiệm của Chánh pháp, hiện hữu trên mọi cuộc thịnh suy của nhân sinh và thế cuộc.

Ỷ Lan : Đại lão Hòa thượng còn lưu lại Huế lâu không, thưa ông ?

Võ Văn Ái : Cùng ngày hôm nay Hòa thượng có cuộc nói chuyện thân mật với chư Đại Tăng ở chùa Từ Đàm. Những ngày tới Hòa thượng sẽ đến đảnh lễ trước tháp Cố Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Đức Đệ Tam Tăng Thống, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, rồi thăm viếng các Tổ đình trước khi về lại Quảng Ngãi.

Ỷ Lan : Điều gìlàm ông chú ý trong cuộc viếng thăm này, thưa ông ?

Võ Văn Ái : Chư Tôn đức Tăng Ni bất phân tổ chức, dù ở trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chưa được Nhà nước công nhận hay trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam được Nhà nước công nhận, đều có mặt tiếp rước Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang. Trong giây lát, sự lục đục do áp lực chính trị gây ra đều biến mất, nhường chỗ cho tinh thần Lục Hòa của Phật giáo, quyện lấy nhau như ánh sáng và không khí. Rất cảm động khi thấy Ni Bà Thích Nữ Diệu Trí, lãnh đạo Ni bộ Huế, đã 95 tuổi, vẫn cầm đầu phái đoàn chư Ni đến đảnh lễ Đại lão Hòa thượng. Chư Tăng Ni và Phật tử xa xôi từ Quảng Nam – Đà Nẵng, từ Quảng Trị cũng kéo nhau về Huế đón rước. Đó là một ý nghĩa lớn lao của một vận hội mới.

Ỷ Lan : Xin cảm ơn ông Võ Văn Ái.

Check Also

VCHR và FIDH vạch trần những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam trước cuộc xem xét Báo cáo định kỳ của Việt Nam về Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về các quyền dân sự và chính trị

PARIS, ngày 5 tháng 1 năm 2024 (VCHR) – Trong Báo cáo chung gửi Ủy …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *