Thời gian gần đây dư luận trong và ngoài nước đã nổ ra sự tranh cãi về chuyến trở về của Thiền sư Nhất Hạnh : người ủng hộ thì ca ngợi chuyến trở về của phái đoàn phật giáo Làng Mai như một biểu hiện của chính sách tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng của nhà nước đương quyền Việt Nam ; qua chuyến trở về Thiền sư Nhất Hạnh sẽ là chiếc cầu nối để hàn gắn sự rạn nứt nặng nề trong nội bộ giáo hội Phật giáo Việt Nam. Người chống đối thì qui kết chuyến trở về là sự bắt tay với ma vương, chỉ vì lợi ích cục bộ truyền bá hệ phái Tiếp Hiện của sư ông Nhất Hạnh tại Việt Nam, gây khó khăn cho cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo mà Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và các chức sắc tôn giáo khác đang theo đuổi suốt 30 năm qua.
Có việc đó là do đang có cuộc đấu tranh quyết liệt cho tự do, dân chủ đối với nhà cầm quyền Việt nam của một số nhà trí thức như : Nguyễn Ðan Quế, Phạm Quế Dương, Hoàng Minh Chính,Hoàng Tiến, các lãnh đạo, chức sắc tôn giáo như : Hòa Thượng Huyền Quang, Hoà Thượng Quảng Ðộ, Linh mục Nguyễn Văn Lý, Linh mục Phan Văn Lợi.
Vấn đề đặt ra là cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền tại Việt nam có chính nghĩa và đấu tranh vào thời điểm hiện nay có thích hợp hay không ?
Trả lời cho câu hỏi trên với tư cách một phật tử và một công dân sống trong lòng chế độ tôi cho rằng cuộc đấu tranh này là rất chính nghĩa, rất hợp lòng dân vì chính thể hiện nay tại Việt Nam đã và đang phạm nhiều sai lầm đối với lịch sử – dân tộc, không còn xứng đáng lãnh đạo cai trị đất nước. Những sai lầm đó là gì ?
1. Bán nước và nô lệ ngoại bang :
Lo sợ khi phong trào dân chủ đang lớn mạnh trên toàn cầu (mà mới nhất là cuộc cách mạng uất kim hương tại Kyrgyzstan) nên các nước có chính thể độc tài như : Trung Quốc, Việt nam, Cuba, Bắc Hàn đang liên kết, dựa lưng nhau để bảo toàn chế độ. Chính sách hiện nay của Nhà cầm quyền Việt Nam là bản sao của Trung Quốc, từ chế độ tập quyền đảng trị, đến cơ chế kinh tế sáo rỗng và mị dân “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Ðây là một phát kiến độc đáo của học thuyết Ðặng Tiểu Bình. Thật ra, tư tưởng Cộng sản với chủ trương công hữu hóa toàn bộ tư liệu sản xuất và tài sản của toàn xã hội làm gì có chỗ cho kinh tế thị trường vốn là một thuộc tính chủ đạo của kinh tế tư bản tư nhân, việc gán ghép giữa kinh tế thị trường và xã hội chủ nghĩa kiểu này cũng giống như gắn sừng cho voi, chỉ là cách đối phó để khỏi sụp đổ một học thuyết, sụp đổ một chế độ.
Chủ nghĩa Cộng Sản suy cho cùng cũng là một khuynh hướng tư tưởng trong các hệ tư tưởng đang tồn tại trong trào lưu tiến bộ xã hội, và việc nhà nước Việt Nam đem tư tưởng cộng sản trong việc điều hành đất nước cũng không đáng trách miễn là có cái tâm đối với đất nước – dân tộc ; có tài để lãnh đạo, lèo lái đưa đất nước đến chổ tự cường, đưa nhân dân đến tự do, no ấm.
Ðiều đáng trách nhất là do lo sợ sự suy vong của chế độ, Nhà cầm quyền Việt Nam đã ôm chân cam chịu làm tay sai Trung Quốc, chấp nhận các yêu sách của Trung quốc để được bảo hộ, mà đỉnh điểm là việc cắt Hoàng Sa và nhiều đoạn biên giới phía Bắc cho Bắc Kinh. Hà nội luôn rêu rao “ngụy quyền Sài gòn” trước đây là tay sai của đế quốc Mỹ là chế độ bán nước, chống lại nhân dân. Nhưng chúng ta hãy nhớ lại : chính quyền ấy chưa bao giờ dâng đất cho ngoại bang, các chiến sĩ hải quân của chế độ Sài gòn đã đổ xương máu để bảo vệ hải đảo Hoàng sa vào năm 1974, trong khi cái gọi là “chính quyền nhân dân” lại cắt đất cho Trung Cộng. Hoàng sa và dãy đất Ải Nam quan trước đây không còn là cũa Việt Nam. Ðây là tội lỗi không thể nào dung thứ của Nhà cầm quyền Việt Nam đối với lịch sử đất nước và dân tộc Việt nam.
Vừa qua cuối năm 2004, khi máu của những ngư dân Việt nam đổ ngoài biển Ðông do cảnh sát biển Trung quốc bắn vào thuyền họ, thì Hà Nội lại mở tiệc ăn mừng cho quan hệ Trung Việt nồng ấm. Hà Nội chỉ lừa phỉnh quốc tế và nhân dân trong nước do bưng bít thông tin, chứ không thể đánh lừa lịch sử.
Nhân dân Việt Nam không bao giờ mơ hồ về quan hệ hữu nghị, đồng chí mà Hà Nội và Bắc Kinh rêu rao. Dã tâm bành trướng và bá quyền của Trung Quốc luôn âm ỉ trong nhiều ngàn năm qua dù rằng hiện nay được mang trong một vỏ bọc khác.
2. Ðàn áp và hủy diệt tôn giáo, hủy diệt cội rễ tâm linh của dân tộc :
Một việc rất cần làm rõ là trong khi Nhà cầm quyền Việt Nam ra sức đàn áp và hủy diệt các tôn giáo chính thống như : Phật giáo, Cao đài, Hòa Hảo, Thiên chúa,Tin Lành, thì họ lại được một số cá nhân, chính phủ nước ngoài ca ngợi là có tự do tôn giáo, thậm chí một số người dân trong nước không có đạo cho rằng Việt Nam rất có tự do tôn giáo. Vậy sự thực thì như thế nào ?
Thật ra chính quyền Việt nam hiện nay rất xảo quyệt và họ có thừa khả năng để bóp nghẹt các tôn giáo mà vẫn được tiếng là có tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng. Bản chất của Cộng sản là bất dung tôn giáo, nên luôn dùng mọi thủ đoạn để cô lập, tiêu diệt tôn giáo. Chủ nghĩa Cộng sản, với tư tưởng vô thần, chỉ tin vào sự hiện hữu của vật chất, coi vật chất, của cải là tiền đề đấu tranh, là mục tiêu cao nhất của xã hội, là cứu cánh cuối cùng của đời sống con người nên khi ảo mộng vật chất sụp đổ thì học thuyết Mác Lê cũng sẽ xuống mồ cùng thây ma chế độ.
Nhưng thâm hiểm ở chỗ, dù không tin tâm linh, bất dung tôn giáo nhưng Hà nội biết lợi dụng tôn giáo để làm chính trị, cấy người vào các tổ chức tôn giáo để thực hiện mục tiêu chính trị của mình.
Trước năm 1975, họ cấy người vào các giáo hội, hệ phái tôn giáo tại miền Nam Việt nam để kích động đấu tranh, phản kháng dùng tôn giáo như một trong nhiều mặt trận làm lung lay và sụp đổ chế độ Sài gòn. Nay khi nắm được quyền hành cai trị, họ hiểu rất rõ nguy cơ tôn giáo, “tiên hạ thủ vi cường”, Nhà cầm quyền Việt Nam gom các tôn giáo vào cái gọi là “Mặt trận tổ quốc” các cấp (thực chất chỉ là một tổ chức chính trị, công cụ của Ðảng) để dễ cài người, cấy đặc tình tôn giáo nhằm phát hiện, trấn áp từ trong trứng nước các mầm mống chống đối. Con ngáo ộp “Phá hoại mối đại đoàn kết dân tộc” sẽ chụp xuống những vị chức sắc tôn giáo nào đòi hỏi tự do tôn giáo. Các hội đoàn tôn giáo hiện nay tại Việt Nam chỉ được hoạt động khi đã được chính quyền thao túng, hoạt động dưới sự giám sát của các “Ban tôn giáo” các cấp, thực chất là loại công an chìm được dựng nên để quản lý, trấn áp tự do tư tưởng, tự do tôn giáo.
Cho nên chuyến trở về vừa rồi của Sư ông Nhất Hạnh được đạo diễn như một trò hề chính trị do nhà nước Việt Nam dựng lên nhằm tranh thủ sự ủng hộ cũa quốc tế trong việc xin gia nhập WTO và xoa dịu dư luận thế giới do áp lực từ Hoa Kỳ và Châu Âu, Sư ông với một tâm ý tốt đẹp khi trở về đã bị lợi dụng cho mục đích không trong sáng của nhà cầm quyền. Nếu Sư ông Nhất Hạnh nêu ý nguyện về cư trú lâu dài, lập tự viện, thu đệ tử tại Việt Nam thì sẽ thấy được thực chất của sự tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Mâu thuẫn giữa Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và Giáo hội Phật Giáo Việt Nam do nhà nước dựng lên không phải là tranh chấp quyền lực nội bộ như một số người lầm tưởng. Ðây thực chất là cuộc đấu tranh về lý tưởng phụng sự Phật pháp, về đường lối hoạt động của giáo hội. Ðây chính là cuộc đấu tranh giữa những cao tăng muốn giữ gìn chánh pháp Phật giáo, giữ gìn lý tưởng và truyền thống tốt đẹp của Phật giáo Việt nam suốt hàng ngàn năm qua, và một bên là các tăng sĩ mà bản thân hoặc cam chịu sự điều khiển của chính quyền, để cho “kẻ có tóc nắm kẻ trọc đầu”, hoặc bản thân là đặc tình tôn giáo của chế độ. Cũng có nhiều tăng sĩ đứng trong giáo hội nhà nước, tuy bất mãn nhưng không tỏ thái độ chính trị vì cho rằng chỉ cần giữ tròn giới luật, giữ phận người tu đứng ngoài sự tranh chấp thị phi, số nầy hiện chiếm đa số trong thành phần tăng sĩ của giáo hội nhà nước.
Ðừng thấy tại Việt Nam nhiều chùa đẹp Phật lớn được xây lên, tín đồ đông đảo trong các ngày lễ, tết mà xem đó là có tự do tôn giáo, giáo hội nhà nước hiện nay chỉ đào tạo ra một lớp tăng sĩ yếu kém giáo lý, mù mờ kinh – luật – luận, học Phật nhưng lại được trang bị kiến thức duy vật Mác-Lê, khi hành đạo không thực hiện nghiêm các giới luật của hàng tăng sĩ do không được đào tạo, giám sát bởi các cao tăng đắc đạo, là tu sĩ nhưng chỉ chăm lo tiền tài địa vị trong giáo hội, mượn đạo tạo đời gây ảnh hưởng xấu, làm mất niềm tin vào phật pháp của chúng Phật tử, khiến Phật tử chán ngán không muốn đến chùa chiền, không còn nghiền ngẫm giáo lý cao siêu của nhà Phật để hành theo Phật. Ðây cũng là một thủ đoạn của chính quyền, tách dần giữa “tăng” và “chúng”, cô lập giáo hội (cho dù đó là giáo hội do nhà nước dựng nên) vì giáo hội mà không có “chúng” giáo hội ắt sẽ diệt vong.
Trong khi đó các chức sắc của giáo hội nhà nước ngày càng xa rời chánh pháp, chỉ chú tâm xây dựng lớp tín đồ chỉ biết tụng kinh cúng bái, chuộng âm thinh sắc tướng, viếng chùa miễu chỉ vọng tưởng, mong cầu danh lợi mà không hướng đạo chúng Phật tử tìm hiểu chân lý rốt ráo của Ðạo Phật. Ðức phật dạy : “Giống như biển cả chỉ thuần một hương vị : vị mặn của muối. Ðạo của ta cũng thắm nhuần một hương vị : hương vị của đạo giải thoát”. Do được lãnh đạo của lớp tăng sĩ đánh mất Bi-Trí Dũng, xa rời chánh pháp, nên Phật Giáo Việt nam ngày càng xa dần cội nguồn của đạo giải thoát, nếu không có sự phục hoạt của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất để chấn hưng Phật pháp, thì e rằng Phật giáo sẽ sớm suy vong sau hàng ngàn năm hoằng pháp tại Việt nam.
Ðó là nói riêng Phật giáo, còn các tôn giáo khác còn bi đát hơn : Giáo hội Thiên chúa giáo dù có sự ủng hộ của toà thánh Vatican nhưng vẫn bị hạn chế, gây khó khăn trong việc đào tạo giáo sinh, bổ nhiệm giáo phẩm ; các hệ phái Tin lành bị cấm truyền đạo, tại Tây nguyên giáo dân bị bắt bớ đánh đập buộc bỏ đạo, các chức sắc của Cao Ðài, Hoà Hảo trước đây bị khai trừ quản chế để dựng nên các ban đại diện thân chính quyền. Nhà cầm quyền Việt Nam đã và đang từng bước cô lập và hủy diệt tôn giáo.
Việc giam cầm, lưu đày rồi sau đó là quản thúc Ðại lão hòa thượng Thích Huyền Quang, Hoà thượng Thích Quảng Ðộ, giam cầm Linh mục Phạm Minh Trí, Linh mục Nguyễn Viết Huân,, Mục sư Mai Xuân Khanh, chức sắc Bửu sơn kỳ hương Ngô Văn Ninh, 2 chức sắc Phật giáo hòa hảo Lê Văn Chương, Lê Văn Tỉnh đã nói lên tính chất hủy diệt tôn giáo của chế độ Cộng sản.
Nền móng tâm linh của dân tộc Việt mà 80% có đạo đã bị lung lay, mặt khác nền pháp trị yếu kém, tham nhũng tràn lan do đó kéo theo đạo đức xã hội suy đồi, nhân phẩm con người bị hạ thấp.
3. Ðộc tài đảng trị, dung túng bè phái cục bộ, bóp ngẹt tự do – dân chủ.
Ngay sau khi “giải phóng” miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975, Chính quyền Hà nội đã lộ rõ dã tâm khi cho giải tán các Ðảng Dân chủ, Xã hội được lập ra trước đây tại miền Bắc hầu lôi kéo các tầng lớp trí thức nhân sĩ xã hội tham gia cuộc chiến tranh giải phóng đất nước. Tại miền Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời cũng bị giải thể sau khi làm tròn sứ mạng là công cụ chính trị của Hà nội lôi kéo nhân dân miền Nam đấu tranh lật đổ chế độ Sài gòn. Bằng hiến pháp 1981 khẳng định vị thế lãnh đạo duy nhất của Ðảng Cộng sản, cuối cùng nhà cầm quyền Việt Nam đã lộ rõ bản chất lật lọng, tráo trở khi độc chiếm công lao, mở ra một vở diễn bi-hài trên chính trường Việt nam trong suốt 30 năm qua.
Tuy phạm nhiều sai lầm nghiêm trọng trong quản lý kinh tế, điều hành đất nước khiến đời sống nhân dân cực kỳ khốn đốn nhưng Ðảng và chính quyền không cho phép ai phản kháng, hay có thái độ bất mãn với chế độ dù nhân vật đó là thành phần ưu tú, là tầng lớp lãnh đạo của đảng, việc ông Trần Xuân Bách, là ủy viên trung uơng đảng, do lên tiếng ủng hộ đa nguyên, dân chủ vào những năm 80 đã bị trù dập, quản chế khiến thân bại danh liệt, đủ thấy sự độc đoán cực đoan của Cộng sản đến mức độ nào. Con ngáo ộp “Phản quốc, chống nhân dân” sẽ dành cho những ai dám cất tiếng nói tố cáo chế độ, dù rằng tiếng nói của họ thật đơn độc không có sự phản hồi vì các cơ quan báo chí trong xã hội chỉ toàn là cơ quan tuyên truyền cho chế độ, các phương tiện thông tin : như thư tín, điện thoại, phát thanh, truyền hình điều chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Ðảng. Ở Việt nam hiện nay hoàn toàn không có tự do ngôn luận vì không có báo chí đối lập, báo chí tư nhân, các tổng biên tập nếu để cho phóng viên của mình viết bài không có lợi cho việc tuyên truyền của đảng sẽ bị cách chức, kỷ luật.
Các nhà trí thức phản kháng như : Nguyễn Ðan Quế, Phạm Quế Dương, Phạm Hồng Sơn đã và đang bị giam cầm, quản chế là những bằng chứng sống cho sự vị phạm tự do, dân chủ, vi phạm nhân quyền.
Do chế độ độc tài đảng trị, nên dù có đủ lập pháp (Quốc hội), hành pháp (Chính phủ), tư pháp ( Viện kiểm sát, toà án) nhưng tất cả đều phải phục tùng mệnh lệnh của Ðảng, của bộ chính trị, ủy ban trung ương vì các vị đại biểu quốc hội, công chức hầu hết là đảng viên, mà một nguyên tắc chủ yếu của đảng là : “phục tùng mệnh lệnh, chấp hành mọi nghị quyết của tập thể”, tập thể đây thực chất bị thao túng bởi một nhóm kẻ cơ hội, đê tiện, thủ đoạn, ngay với cả các đồng chí từng vào sinh ra tử với mình. Tranh chấp quyền lực hiện nay trong nội bộ Ðảng và chính phủ là rất quyết liệt, mặc dù có sự phân chia quyền lực ngầm bằng luật bất thành văn : Tổng bí thư : người miền Bắc ; Chủ tịch nước : người miền Trung ; Thủ tướng chính phủ : người miền Nam, nhưng nạn bè phái tranh ăn, đấu đá tranh dành quyền lực đã sói mòn lý tưởng cộng sản (dù là lý tưởng viễn vông). Cuộc đấu đá hiện nay giữa phe Võ Nguyên Giáp và Lê Ðức Anh sẽ hứa hẹn nhiều màn diễn bi-hài trên chính trường Việt nam.
“Thượng bất chính, hạ tác loạn”. Hiện nay lớp lãnh đạo chóp bu như : Lê Ðức Anh, Ðỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Trần Ðức Lương và một số tướng lĩnh quân đội đang thao túng chính trường, tham nhũng của công rất lớn, bè phái cục bộ, khiến các đảng viên dưới quyền như được bật đèn xanh, mạnh ai nấy bòn rút ngân sách quốc gia, nhưng hầu hết không bị kỷ luật mà còn được bao che, làm ngơ do đều có gốc gác cây đa, cây đề, kỹ cương phép nước vì thế bị nhiễu loạn. Có một chuyện buồn cười : vào đầu năm 2000, một ông chủ tịch tỉnh tham nhũng, lộng quyền ở miền Trung bị báo chí phanh phui, thủ tướng chính phủ chỉ có thể phê bình nhưng không thể cách chức vì ông ta là ủy viên trung ương, chỉ chịu kỷ luật của trung ương đảng, mặc dù ông thủ tướng là ủy viên Bộ chính trị cao hơn Trung ương đảng, nhưng do trong trung ương đảng có nhiều phe cánh kèn cựa nhau rất dữ mà ai cũng có tì vết tham nhũng, chẳng lẻ lại tung hê lên để làm mất uy tín đảng, chế độ.
Việc mất dân chủ trong nội bộ Ðảng, chính quyền cực kỳ nghiêm trọng, bầu bán chỉ là hình thức mị dân, vì các quan chức đã được cơ cấu trước. Trong các kỳ bầu cử từ tổ chức,giám sát, kiểm phiếu, công bố kết quả đều là người của Ðảng, nên đây chỉ là trò hề dân chủ. Các đại biểu quốc hội (cấp nhà nước), đại biểu hội đồng nhân dân (cấp tỉnh, thành phố) dự họp chỉ để nghe phát biểu và giơ tay biểu quyết ( nhất trí tán thành), có ai quá bức xúc với thực trạng xã hội mà có ý kiến, đề nghị sửa đổi thì cũng như nói vào khoảng không, vì chẳng ai giải quyết hoặc có giải quyết cũng không đến nơi đến chốn, làm cho các ông, bà nghị mắc cỡ không giám tiếp xúc cử tri vì lỡ hứa hẹn đủ thứ. Còn cán bộ, đảng viên nào qúa bất bình mà lên tiếng trước dư luận, thì bị qui chụp là ; “Phản Ðảng, chống nhân dân” và bị đe dọa truy tố, bị cô lập, bị bôi nhọ danh dự như trường hợp tướng Trần Ðộ, hoặc tướng Nguyễn Nam Khánh hiện nay.
4. Chính sách kinh tế sai lầm,để tham nhũng tràn lan, gây bất công trong xã hội.
Ngay sau “giải phóng” 1975, đồng thời thực hiện việc cai trị đất nước theo kiểu công xã tại miền Bắc trước đây, sử dụng chế độ tem, phiếu để quản lý đời sống nhân dân, Nhà cầm quyền Việt Nam đã triệt tiêu tầng lớp tiểu tư sản, tư sản tại miền Nam bằng chiêu bài “đánh tư sản mại bản”, ngay cả lớp tư sản dân tộc có công trong việc cung cấp tài chính, nuôi dưỡng cán bộ cho Cộng sản trong chiến tranh cũng bị xóa sổ. Nền kinh tế thị trường ở miền Nam sụp đổ hoàn toàn, gây bần cùng hóa xã hội, nhân dân đói kém đẩy hàng triệu người Việt phải vượt biên tìm đất mới mà gần nửa đã làm mồi cho cá mập ở biển Ðông.
Chính sách giá-lương-tiền của nhà thơ Tố Hữu, phó thủ tướng chính phủ trong những năm 80 đã khiến đất nước kiệt quệ cùng cực, nên nhân dân có câu :
“Làm thơ thì cứ làm thơ
Ðừng làm kinh tế mơ mơ màng màng”
Mặc khác chính quyền bắt đầu phân chia tài sản, đất đai nhà cửa chiếm được cho hàng chục ngàn đảng viên cốt cán để tưởng thưởng công lao, phân công họ vào những chức trách quan trọng, béo bở trong các ngành kinh tế trọng yếu của đất nước dù hầu hết trong số đó rất ngu ngơ về quản lý kinh tế ; hậu quả là tài nguyên vật lực đổ vào các công ty, xí nghiệp quốc doanh như gió vào nhà trống, kinh tế ngày càng trì trệ. Do được giao vốn, giao đất đai, tài sản không có kiểm soát, nạn tham nhũng hoành hành dữ dội trong toàn bộ nền kinh tế trong suốt 30 năm qua khiến hiện nay Việt Nam được tổ chức minh bạch của Liên hiệp quốc liệt vào số các nước tham nhũng nhất thế giới.
Ðến năm 1985, nhờ chính sách “đổi mới” thực chất là sửa sai ( luận điệu của chính quyền là có sai thì sửa mà chỉ toàn sửa trên dân, lấy dân làm vật thí nghiệm của chính sách kinh tế) của ông Nguyễn Văn Linh, tổng bí thư Ðảng, đất nước Việt nam như vừa thoát cơn bạo bệnh thập tử nhất sinh, dù vậy viễn cảnh tự do no ấm còn xa vời vợi.
Trong suốt nhiều thập niên qua các lĩnh vực trọng yếu như : Ðiện, Bưu Ðiện, Hàng Không, Hàng hải, Xăng dầu, do nhà nước chi phối nên rất quan liêu, phục vụ khách hàng như ban ơn, giá cả được đẩy lên mây xanh, dân chỉ biết kêu trời nhưng muốn xài thì phải móc hầu bao ( vì nhà nước độc quyền mà ), vì độc quyền nên nạn tham nhũng, cửa quyền trong các ngành này cũng rất nhức nhối, trong năm 2004 báo chí phanh phui các vụ tham nhũng trong dầu khí mà hậu quả một số lớn cán bộ nhà nước phải ra toà, đây là vùng cấm của “con ông cháu cha” mặc sức tung hoành, vài năm gần đây do áp lực hội nhập quốc tế phải mở cửa nên các công ty quốc doanh trong các ngành trọng yếu nầy đang đứng trên bờ vực phá sản nếu không chịu đổi mới cung cách làm kinh tế của họ.
Trong lĩnh vực Quan – Thuế, nạn tham nhũng mới thật khủng khiếp, doanh nghiệp dù có làm ăn đàng hoàng cách mấy thì hàng quý ngoài khoản thuế nộp cho nhà nước qua chứng từ còn phải “lại quả” phong bì lót tay cho các quan chức thuế để được yên thân, nguyên tắc là tận thu : thuế năm sau phải cao hơn năm trước, khiến các doanh nghiệp khốn đốn, sức dân cạn kiệt. Doanh nghiệp tư nhân nào làm ăn phất lên thì sẽ khổ sở với ngành thuế vì bị thanh tra, kiểm tra thường xuyên, trong mắt các công chức thuế : tất cả các con buôn (doanh nghiệp) đều có thể là gian thương.
Còn lĩnh vực hải quan thì nạn tham nhũng còn trầm trọng hơn, lĩnh vực nầy chỉ tuyển dụng con em của quan chức máu mặt của chính quyền, đa phần là dân miền Bắc, các công chức hải quan ăn hối lộ công khai khi làm thủ tục xuất ố nhập hàng, qua mỗi cửa đều phải chung chi lót tay, nếu không thì bị làm khó dễ, làm chậm việc nhập, xuất hàng, khiến cho doanh nghiệp có nguy cơ lỗ lã, còn chung chi thì đẩy giá thành sản phẩm tăng cao, người tiêu dùng lảnh đủ. Cách đây vài năm ông thủ tướng Singapore khi gặp ông Phan Văn Khải, thủ tướng Việt nam đã thắc mắc tại sao chi phí đem 01 container hàng bằng đường bộ từ Sài gòn đến Vũng Tàu lại mắc hơn chi phí vận tải biển từ Vũng tàu đến Singapore làm ông thủ tướng Việt nam không biết đường trả lời, ngượng chín mặt. Báo chí có lên tiếng tố cáo nạn nhũng nhiễu trong lĩnh vực hải quan rồi thì đâu lại vào đấy “mèo lại hoàn mèo”.
Ngành kiểm lâm thì thay vì giữ rừng lại móc ngoặc với lâm tặc để phá rừng lấy gỗ, giao đất trồng rừng thì đốt rừng bán đất cho bọn đầu cơ, khiến môi sinh bị tàn phá, đất đai thuộc dải đất miền Trung vốn nghèo nàn ngày càng hoang hóa vì thiếu nước. Cho nên vào thập niên 80-90, trong nhân dân có câu hát đùa :
“Hải quan, thuế vụ, kiểm lâm,
Trong ba thằng đó nên đâm thằng nào ?”
Ông hỏi thì tôi nói vào
Trong ba thằng đó thằng nào cũng đâm !”
Trong lĩnh vực xây dựng, kiến thiết hạ tầng thì nạn hối lộ tham ô cũng thuộc loại cao thủ, tỷ lệ chi hoa hồng từ 20-30% cho chủ dự án, hợp đồng sau khi qua nhiều trung gian : B -> B > C -> C, khiến cho các nhà thầu muốn có lời phải rút bớt sắt thép, bê tông, vật tư khiến nhiều công trình khi chưa nghiệm thu đã hư hỏng, xuống cấp. Người dân hiện nay đã hoàn toàn mất niềm tin vào các công trình xây dựng do các công ty Việt nam đảm trách.
Trên quốc lộ, nạn đòi mải lộ của cảnh sát giao thông chính là cơn ác mộng của giới tài xế, không khác nạn thảo khấu cách đây hàng thế kỷ. Từ Sài gòn đi Hà nội có khoảng hàng chục trạm kiểm soát, qua trạm đều phải chung chi, chưa kể “bồ câu” (cảnh sát giao thông cơ động) thường tuần tra trên xa lộ để chặn xe đòi mải lộ. Tài xế phải tranh khách, phóng nhanh vượt ẩu để né công an, mặt khác hạ tầng yếu kém khiến tai nạn giao thông tại Việt nam thuộc loại cao nhất thế giới. Nhà nước thu thuế của dân để làm đường sá, cầu cống, nhưng vì tham nhũng quá mức nên không còn đủ kinh phí để xây dựng, phải bán cho tư nhân xây dựng rồi lập trạm thu phí theo hình thức BOT, chắc không có nước nào trên thế giới như Việt nam khi đi ra đường là đụng trạm thu phí giao thông.
Trong lĩnh vực tư pháp thì việc chạy án cũng kinh hoàng không kém, tội tử hình xuống chung thân, chung thân xuống tù có thời hạn, ở tù nếu có tiền chung chi cho giám thị, quản giáo thì vài năm được thả. Có nhiều đường dây chạy án trong ngành toà án, kiểm sát ( công tố) của chế độ hiện nay, mọi loại tội phạm đều có thể nặng thành nhẹ, có thành không miễn chịu tốn nhiều tiền, ngoại trừ tội làm chính trị, gián điệp. Mới đây tháng 2/2005, báo chí cho biết 1 chánh án và các thẩm phán toà án tỉnh Bắc giang đã bị tố cáo chạy khỏi tội tử hình cho một tội phạm ma túy.
Do “vừa đá bóng vừa thổi còi” nên tầng lớp cán bộ lãng đạo chính quyền, lãnh đạo các cơ quan kinh tế nhà nước mà hầu hết là Ðảng viên, giàu lên nhanh chóng, họ tậu tài sản, mua đất đai trở thành lớp “tư sản đỏ”, hầu hết đều có tài khoản ngoại tệ kếch sù ở nước ngoài. Lớp “tư sản đỏ” này đã trở thành tầng lớp thượng lưu của xã hội, mang danh là thành phần ưu tú của giai cấp công-nông, nhưng đang sử dụng của cải, mồ hôi do giai cấp công nông, nhân dân lao động tạo ra làm giàu cho bản thân. Xã hội Việt nam hiện nay đã phân hóa giàu nghèo một cách trầm trọng, mà kẻ giàu lên nhanh chóng nhất lại không phải bằng tài năng hay sức lao động chân chính nên nhân dân bất mản, mất niềm tin vào chế độ, chỉ chờ có dịp để bùng phát.
Nhưng tham nhũng trong lĩnh vực đất đai mới đáng kinh hoàng nhất. Ðất đai là nguồn tài sản quí giá nhất của một quốc gia, hiến pháp Việt nam qui định : “Ðất đai là sở hữu toàn dân, do nhà nước trực tiếp quản lý, giao nhân dân sử dụng lâu dài”. Tuy tranh quyền sở hữu đất đai về mình nhưng nhà nước buộc phải cho người dân 5 quyền : sử dụng, thừa kế, cho-tặng, thế chấp, sang nhuợng (vì thực tế là sở hữu cá nhân mà !), khiến việc quản lý đất đai, công sản quốc gia rất bát nháo, một số lớn cán bộ chính quyền các địa phương đã lợi dụng tranh tối tranh sáng của sự bất hợp lý trong hiến pháp để trục lợi : xà xẻo đất công để bán cho bọn đầu cơ, phân chia đất đai cho họ hàng con cháu, bè cánh ; các cơ quan, xí nghiệp nhà nước thì bán đất đai, nhà xưởng được nhà nước giao quản lý cho tư nhân, khiến thị trường đất đai, bất động sản rơi vào tay bọn trục lợi, đầu cơ đẩy giá đất đai lên tận mây xanh, giá đất hiện nay tại Việt nam thuộc loại mắc nhất thế giới, người dân lương thiện không nhà dù lao động cật lực cả đời cũng không mong mua được mảnh đất cắm dùi. Ở một huyện miền hải đảo xa xôi là Phú quốc thuộc tỉnh Kiên giang, ông Ðỗ Tố chỉ vài năm làm chủ tịch huyện mà có đất đai vài chục mẫu (ha) trị giá gần chục triệu đô la và vài tài khoản tại ngân hàng Thụy sĩ chừng vài triệu đô la, chưa kể các của chìm khác do vợ, con quản lý, thì thấy sự tham nhũng tại Việt nam đáng sợ đến mức độ nào !
5. Xây dựng nền văn hoá – giáo dục sai lầm, gây sụp đổ nền móng tri thức đạo đức dân tộc, làm rối loạn kỷ cương xã hội.
Việc giáo dục, quản lý tư tưởng người dân theo đúng lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản, theo mục đích chính trị cuả Ðảng là công việc cực kỳ trọng yếu, mang tính sống còn đối với chế độ, công việc nầy được giao cho ban tư tưởng-văn hoá các cấp mà cao nhất là Ban Tư tưởng-Văn hoá trung ương, hiện nay do ông Nguyễn Khoa Ðiềm làm trưởng ban. Không biết ông trưởng ban làm việc kiểu nào mà văn hóa-đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp một cách nghiêm trọng, nạn cướp bóc trộm cắp, đĩ điếm, xì ke ma túy, lan tràn từ thành thị tới thôn quê đã trở thành vấn nạn của đất nước. Khi mới “giải phóng” miền Nam (1975) thì đổ thừa do “tàn dư mỹ ngụy” nhưng nay khi lớp thanh thiếu niên sinh ra,lớn lên trong lòng chế độ đã sớm sa ngã, trụy lạc, chơi ma túy, xài thuốc lắc, phần lớn là con em cán bộ đương chức, đương quyền thì không biết phải đổ vào ai ?
Sống trong xã hội chỉ biết tôn vinh đồng tiền mà vắng bóng sự dìu dắt hướng thiện của các tôn giáo nên đạo đức xã hội đã xuống cấp trầm trọng. Nạn buôn lậu, trốn thuế, buôn bán hàng gian, hàng giả hết thuốc chữa. Kẻ khéo luồn lách, đút lót thì ngày càng giàu có vì có sự bao che của lớp công chức cán bộ biến chất, người làm ăn lương thiện thì bị thiên la địa võng rào cản của chính quyền, thuế vụ, công an chưa kể một lớp cường hào mới đang dựa vào thế lực của cha, anh để trục lợi kinh tế : Tháng 3/2005 doanh nghiệp Thuận an ở tỉnh Bình dương đã tố cáo trên báo chí : công an thành phố Biên hòa đã làm áp lực, hăm dọa bắt nhường lại hợp đồng san lấp mặt bằng Khu công nghiệp Long bình cho Bà Thủy, là con gái ông Hùynh văn Hoàng, giám đốc Công an tỉnh Ðồng Nai, khi doanh nghiệp không đáp ứng thì bị chặn giam xe, thu bằng lái của tài xế, khiến việc kinh doanh của doanh nghiệp bị điêu đứng.
Ðiều tồi tệ nhất đối với một xã hội : chính là những điều thô bỉ, khốn nạn trở thành bình thường. Xã hội Việt Nam hiện nay cái gì người ta cũng giám làm, miễn là có tiền.
Ngay cả 2 ngành cao quí nhất là nghề y, nghề giáo cũng đã bị tha hoá quá mức.
Nghề y thì bác sĩ hiện nay đã quên mất lời thề Hypocrat, làm nghề y nhưng không mấy ai có tư tưởng cứu nhân độ thế, chỉ muốn kiếm tiền mở phòng mạch, khám bệnh kê toa nhưng kiêm luôn bán thuốc với giá cắt cổ ; bệnh nhân vào bệnh viện thì phải lót tay hộ lý, điều dưỡng, bác sĩ để được quan tâm điều trị, quản lý bệnh viện thì móc ngoặc với các công ty dược tiêu thụ thuốc của họ để ăn hoa hồng, khiến giá thuốc tăng cao ngất, bệnh nhân lảnh đủ.
Con người là chủ thể của xã hội, là sản phẩm của nền giáo dục. Giáo dục phải có sự liên kết giữa : tôn giáo, gia đình, nhà trường, xã hội. Trong khi tôn giáo bị cô lập, triệt tiêu, nền giáo dục Việt nam sau nhiều lần “cải cách” do các giáo sư tiến sĩ bàn giấy của Bộ giáo dục đào tạo khởi xướng thì hiện nay được xếp loại kém nhất khu vực Châu Á, dù rằng học sinh thuộc loại được nhồi nhét nhất thế giới. Học sinh từ bậc tiểu học (cấp 1) ngoài giờ học ở trường, về nhà còn phải học phụ đạo đủ thứ : Toán, Văn, Chính tả, Ngoại ngữ mà vẫn không theo kịp chương trình. Họ đào tạo gì trong nhà trường ? Thượng vàng hạ cám cái gì cũng biết, nhưng chỉ là cưởi ngựa xem hoa, trong khi kiến thức thập cẩm ngày càng nhiều, thì việc trang bị nhân cách, đạo đức cho học sinh hầu như quên lãng. Một cử nhân tốt nghiệp đại học ra trường hoàn toàn không có kỹ năng của một nhà trí thức để đảm nhận vị được giao dù đó chỉ là vị trí của một nhân viên tập sự.
Nhưng nguy hại nhất là họ nhồi nhét tư tưởng vô thần vô thánh cho các lớp kế thừa, hãy đọc một bài ca dao được dạy ở bậc tiểu học :
“Ngày xưa hạn hán cầu trời
Ngày nay hạn hán có người trị ngay,
Trị đêm rồi lại trị ngày
Cho tên giặc hạn biết tay của người
Vừa làm vừa thách cả trời
Có muốn tắm mát thì mời xuống đây”
Thật không còn gì để nói !!!
Làm thui chột cả một thế hệ là tội lỗi rất lớn đối với đất nước, đối với dân tộc của Nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay.
Việc Hiến pháp Việt nam rêu rao miễn phí toàn bộ cho trẻ em dưới 6 tuổi trong lĩnh vực y tế, giáo dục chỉ là kiểu tuyên truyền mị dân, lừa phỉnh dư luận. Hiện nay nếu không tiền thì người dân đừng mong đưa con em tới trường, điều trị tại các bệnh viện.
Thanh thiếu niên Việt nam hiện nay hoàn toàn mất định hướng tương lai, vì thiếu sự quan tâm của gia đình, trong khi các phương tiện truyền thông của xã hội như : sách báo, truyền hình, phim ảnh chỉ khuyến khích hưởng thụ vật chất, du nhập lối sống phương tây không có chọn lọc, khiến thanh niên sống không có hoài bảo tốt đẹp, sống vị kỉ, thiếu tình yêu thương, bác ái vốn là truyền thống của dân tộc.
Ðoàn Thanh niên cộng sản được dựng nên chỉ cốt tìm lớp kế thừa đắc lực cho Ðảng, tập hợp thanh niên chỉ để nhồi nhét lý tưởng cộng sản lỗi thời khiến họ quên đi, không để ý đến thực trạng bất công, nghèo đói của nhân dân.
Việc mua bán bằng cấp, nạn học gỉa bằng thiệt, nạn thuê người học hộ, thi hộ khiến nền giáo dục gần như sụp đổ, theo thống kê Việt Nam có khoảng hàng trăm ngàn tiến sĩ, phó tiến sĩ, cao học ( có loại trí thức ngủ một đêm thành tiến sĩ do là phó tiến sĩ của thời học ở Nga, Ðông âu trước đây) nhưng phần lớn lại không giỏi ngoại ngữ, hầu hết công tác tại các viện, cơ quan nghiên cứu nhà nước, hàng năm ngốn của nhà nước tiền tỉ nhưng lại không có một nghiên cứu nào ra hồn, thậm chí cái máy hút bùn cho đồng ruộng cũng do một anh Hai lúa ở miền tây chế tạo. Vì là xã hội khép kín, nên chính quyền rất sợ người dân sáng tạo, tìm tòi vì họ nhìn đâu cũng thấy kẻ thù chế độ. Một công dân ở Tây ninh chế được máy bay trực thăng, xin cấp bằng sáng chế, xin bay thử, nhưng dưới chỉ trên, trên chỉ dưới, rốt cuộc chiếc máy bay cất vào kho chờ bán phế liệu, vì đây là lĩnh vực hàng không, do bộ quốc phòng quản lý.
Nhà nước khi tuyển dụng công chức đòi hỏi phải có bằng cấp, nhưng lại bỏ lỏng việc đào tạo, cấp bằng, các trường đại học thì mở đủ loại đào tạo để kiếm tiền, nhưng chất lượng đào tạo qúa tệ, khiến một số công chức chế độ trở thành bọn lừa đảo khi kiếm bằng cấp bằng nhiều thủ đoạn, lừa dối cấp trên, mua quan bán chức khiến kỷ cương xã hội, phẩm giá con người suy đồi. Một xã hội như vậy làm sao có thể đưa dân tộc tiến lên sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới.
6. Vậy kẻ sĩ hiện nay cần phải làm gì ?
Nếu công bằng mà nhận xét thì với 30 năm nắm chính quyền của Nhà cầm quyền Việt Nam không phải là dài và họ cũng làm được một số việc, một số quan chức chính quyền cũng thật sự có tâm huyết với tiền đồ đất nước, cảm thấy hổ thẹn khi đất nước do mình lãnh đạo lèo lái, sau bao nhiêu năm vẫn còn nghèo nàn, tài nguyên đất nước ngày càng đội nón ra đi, nhưng nhân dân vẫn ngụp lặn trong đói khổ. Nhưng tội lỗi, sai lầm thì họ tạo ra quá nhiều mà nguyên nhân phát khởi cũng là do chế độ độc tài đảng trị, bè phái cục bộ bóp ngẹt dân chủ, tự do.
Cho nên vai trò của đảng Cộng sản, của chính quyền Việt nam hiện nay đối với lịch sử, đối với dân tộc đã đến lúc chấm dứt. Dù họ có cố níu kéo, bám víu thì rồi cũng phải lui vào hậu trường nhường chỗ cho một chính thể đa nguyên, tự do, dân chủ hơn, hợp lòng dân hơn,có đủ tài để lãnh đạo đất nước, đưa đất nước đến chỗ tự cường, nhân dân đến chổ ấm no, hạnh phúc,
Dân là nước, chính thể là thuyền. Nước có thể nâng thuyền, cũng có thể lật thuyền. Lòng dân là ý trời, “thuận thiên khả tồn, nghịch thiên khả vong” chân lý xưa nay vẫn vậy,
Là kẻ sĩ trong tình hình đất nước hiện nay, nếu không thấy chính là kẻ ngu, thấy mà không nói, không bày tỏ thái độ chính là kẻ hèn, với tư các một phật tử, một công dân nước Việt, qua lá thư này tôi mong sao đông đảo đồng bào trong và ngoài nước hãy góp sức cho tự do dân chủ, nhân quyền tại Việt nam. Hãy tập hợp lại, bằng lời nói hoặc hành động tác động đến cộng đồng thế giới, đến các chính phủ tự do ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của các chức sắc tôn giáo, các nhà dân chủ hiện nay tại Việt nam, đừng để họ đấu tranh đơn độc, vì thật là bất nhân bất nghĩa khi họ phải chịu tù đày quản chế chỉ vì kêu gọi dân chủ đa nguyên, tự do cho nhân dân và đất nước Việt nam.
Không phân biệt Nam, Trung, Bắc, đồng bào trong hay ngoài nước phải kiên trì đấu tranh, vận động để từng bước đạt được các yêu cầu sau từ Nhà cầm quyền Việt Nam :
1. Ðòi hỏi phải thả tất cả các tù nhân tôn giáo, các tù nhân chính trị đang bị giam cầm, quản chế.
2. Ðòi hỏi phải có tự do ngôn luận, tư do báo chí, phải có báo chí dân lập, tư nhân.
3. Ðòi hỏi phải có tự do tôn giáo, phải phục hoạt Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, phục hoạt các hệ phái, giáo hội các tôn giáo đã bị chính quyền giải tán. Tách tôn giáo ra khỏi chính trị, đưa các hội đoàn tôn giáo ra khỏi Mặt trận tổ quốc.
4. Ðòi hỏi loại bỏ điều 4 : Ðảng cộng sản Việt nam là đảng duy nhất lãnh đạo đất nước ra khỏi hiến pháp.
5. Ðòi hỏi quyền thành lập các đảng phái chính trị, tiêu biểu cho các trào lưu tư tưởng hiện nay tại Việt nam tiến tới tổng tuyển cử dân chủ có quốc tế giám sát.
“Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” nhưng thành sự cũng tại nhân, vì ý dân là ý trời, nếu nhân dân Việt nam biết đoàn kết phấn đấu cho một xã hội công bằng và dân chủ, xã hội đó sẽ sớm xuất hiện trên quê hương Việt nam.
Xin nguyện cầu cho đất nước và nhân dân Việt nam mau hưởng một mùa xuân tự do, dân chủ, tràn đầy tình yêu thương giữa người và người.
Phật tử Tuệ Quang