Viện Tăng thống và Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất từ trong nước đã gửi đến Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế ở Paris bức Thông điệp Phật Ðản 2549 của Ðức Ðệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang và Ðạo từ Phật Ðản của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, để phổ biến.
Như mọi năm, đại lễ Phật Ðản cử hành vào ngày Rằm tháng Tư âm lịch, năm nay nhằm vào ngày 21.5.2005. Từ xưa, tất cả các chùa viện trên toàn quốc Việt Nam đều cử hành đúng vào ngày này. Nhưng ở hải ngoại, do sinh kế địa phương ở các châu, nên việc tổ chức đại lễ vào một ngày trong tuần là điều khó thực hiện. Cho nên, đa số các nơi tổ chức vào một ngày cuối tuần trước hay sau thời điểm Phật Ðản, có khi chênh lệch đến 2 hay 3 tuần lễ. Vì vậy Phật Ðản kéo dài từ trung tuần tháng 5 đến tháng 6 dương lịch.
Do đó, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin loan tải nguyên văn hai văn kiện này trước thời hạn để ban tổ chức Ðại lễ khắp nơi kịp có Thông điệp và Ðạo từ.
VIỆN TĂNG THỐNG
Phật lịch 2549
Số 06/VTT/TT
CỦA ÐỨC ÐỆ TỨ TĂNG THỐNG
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Kính bạch chư tôn Trưởng lão
Chư Hòa thượng, Thượng tọa, Ðại đức Tăng ni
Cùng tất cả Phật tử trong và ngoài nước.
Ðông tàn, Xuân qua, bốn mùa tuần hoàn theo định luật của vũ trụ. Hôm nay ngày trăng tròn tháng Vesãkha Ấn Ðộ, ngày Ðại lễ Phật Ðản – Phật lịch 2549 – lại đến với những người con Phật chúng ta. Từ nơi tịnh thất đang bị quản chế nghiêm ngặt, tôi thân mến gởi đến chư tôn Trưởng lão, chư Hòa thượng, Thượng tọa, Ðại đức Tăng Ni cùng tất cả đồng bào Phật tử các giới trong và ngoài nước, lời thăm hỏi ân cần, lời chúc tốt đẹp nhất trong niềm hân hoan đón mừng Khánh đản của đức Từ phụ Bổn sư Thích Ca Mâu Ni.
Kính thưa chư liệt vị,
Mừng ngày Khánh đản của đức Từ phụ, chúng ta không thể quên bản hoài của Ngài, vốn thị hiện giữa thế gian này với mục tiêu cứu cánh là “Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”. Nghĩa là đức Thế Tôn ra đời nhằm chỉ bày cho chúng sanh thấy rõ chân lý của sự sống, giá trị của tồn tại, thể nhập tri kiến của chư Phật. Tri kiến đó chính là tuệ giác, là khả năng nhận chân được thật tánh của vạn pháp. Duy chỉ nhìn thẳng vào sự thật, tri kiến sự thật, mới có thể giải thoát cá nhân mỗi chúng sanh, và cả khối đại đồng sinh loại, khỏi mọi đau khổ triền miên. Chừng nào thế gian còn bị bao trùm trong bóng tối của sự dối trá, con người còn sợ hãi, tránh né sự thật, còn chấp nhận thân phận nô lệ của mình, chừng đó thế giới vẫn còn chìm ngập trong hận thù điên đảo. Ðức Phật dạy, “Những kẻ kia không biết nơi đây đang bị hủy diệt, nên phí công tranh chấp hơn thua.” Ngày nay, con người càng có cảm giác về nguy cơ diệt vong, càng cố bám chặt tham vọng mù quáng, quyền lực điên đảo; bám chặt lấy chiếc phao vọng tưởng ngông cuồng vốn dẫn đến tham tàn bạo ngược, để trong hiện tại và tương lai, gieo thảm họa cho mọi người, và cho cả chính bản thân mình.
Ðức Phật xuất hiện như đóa hoa Vô ưu bừng nở giữa cõi đời uế trược và ưu phiền. Ngài không là Thượng đế, không là Thần linh. Ngài tự xác nhận, chỉ là một con người. Nhưng là con người đã thấy rõ sự thực của thế gian, thấy rõ thế giới sinh, thế giới diệt. Ngài là con người chiến thắng, đã chiến thắng đạo quân hung hãn của Ma vương vốn khống chế thế gian bằng sự chết, sự sợ hãi, buộc phải cúi đầu khuất phục trước sự chi phối của tham lam, thù hận và si mê.
Ðức Phật xuất hiện giữa thế gian là một báo hiệu, mỗi chúng sinh đều có thể thành Phật, nếu tự mình biết vươn lên thành sức mạnh chiến thắng tất cả sợ hãi bằng tuệ giác. Tuệ giác ấy chính là Phật tri kiến.
Phật tri kiến còn được gọi là Như thật tri kiến. Ðiều ấy chỉ chúng ta thấy rằng, bất cứ lúc nào và ở đâu, người có tri kiến như thật tất có khả năng nhận diện được sự thật, hành xử theo sự thật và an trú tịnh lạc trong sự thật.
Lịch sử hơn 2000 năm trên đất Việt đã chứng minh đạo Phật luôn đồng hành cùng dân tộc, đã góp phần làm rạng rỡ những trang sử oai hùng, cống hiến những giá trị to lớn vào gia tài văn hóa – tinh thần của dân tộc. Ðó chính là nhờ sự soi sáng của tuệ giác như thật. Và cũng chính bằng tuệ giác này, đạo Phật Việt Nam đã un đúc nên những con người Việt Nam hiền hòa nhân hậu nhưng bất khuất. Dân tộc Việt Nam tiếp nhận đạo Phật vì đã tìm thấy ở đó những giá trị thiết thực trong cuộc sống hàng ngày và những phẩm chất cao thượng cho đời sống tâm linh. Ðó là những di sản tinh thần được tiếp nối qua nhiều thế hệ.
Kính thưa chư liệt vị,
Kế thừa và phát huy tinh thần ấy của lịch đại tổ sư, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất luôn luôn khẳng định đồng hành và gắn bó với vận mệnh của dân tộc, dù phải chịu bao thăng trầm và hiểm nguy của thời cuộc.
Trong hoàn cảnh hiện tại, tôi đặc biệt quan tâm đến đất nước, nơi dù sự ấm no có gia tăng đôi phần theo đà phát triển của thời đại, nhưng hạnh phúc và an lạc của người dân không vì thế mà tăng theo; trái lại, tư tưởng hận thù, nghi kỵ, chia rẽ ngày càng phát sinh, đe dọa nền tảng đạo đức của xã hội, làm rạn nứt tinh thần đoàn kết vốn có từ ngàn xưa. Những ai có lương tri và trách nhiệm không thể không đau lòng trước thực trạng này, không thể không thao thức tìm cách chia sẻ và giải quyết.
Trong tinh thần đó, hôm nay, ngày Ðại lễ Phật Ðản, tôi xin khẩn thiết khuyến thỉnh:
1. Như lời Trúc Lâm Ðại Sa môn khuyên bảo vua Trần Thái Tông: “Trong núi không có Phật, Phật ở tại tâm… Phàm là đấng quân vương, hãy lấy ước muốn của thiên hạ làm ước muốn của mình, lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình… xin Bệ hạ chớ quên điều ấy.” Bằng lời khuyên khẩn thiết của vị Sư già sống lẻ loi giữa núi rừng u tịch, một triều đại mới được xác lập, tiếp tục viết thêm những trang sử vẻ vang cho dân tộc. Xin chư vị Lãnh đạo nước nhà hôm nay, hãy can đảm nhìn thẳng vào sự thật của hiện tình đất nước, nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình trước nhân dân và lịch sử; hãy đặt quyền lợi dân tộc và sự phát triển quốc gia lên trên hết; chư vị hãy lắng nghe ý kiến, tôn trọng và chia sẻ tâm tư nguyện vọng của hơn tám mươi triệu dân, để có thể chung sức xây dựng đất nước, sớm đưa toàn dân thoát khỏi cảnh nghèo nàn, lạc hậu, chặn đứng sự băng hoại về tinh thần và đạo đức trong xã hội mà công luận và các bậc thức giả đã nhiều lần cảnh báo.
2. Chư vị Tôn đức, Tăng Ni cùng toàn thể Phật tử hãy tinh cần tu học, nỗ lực quán chiếu để phát khởi tuệ giác như thật nơi mỗi chúng ta để thấy rõ nẻo chánh đường tà, không để danh lợi phù phiếm, quyền lực thế gian chi phối đánh mất lý tưởng thượng cầu hạ hóa của người con Phật.
Kính bạch chư Tôn đức, kính thưa quý liệt vị,
Trong những năm gần đây, Liên Hiệp Quốc đã công nhận ngày Phật đản là ngày lễ chung của cộng đồng nhân loại vì những cống hiến to lớn của đạo Phật cho hòa bình và sự thăng hoa những giá trị tinh thần của nhân loại. Là người dân sống trong một quốc độ mà đạo Phật đã có ảnh hưởng sâu xa nhất trong lịch sử, chúng ta tâm nguyện hãy cùng nhau làm sao để tinh thần ngày Phật đản năm nay thật sự mang đến hòa bình, phát triển và hạnh phúc an lạc cho dân tộc Việt Nam và thế giới.
Tôi xin gởi đến chư Tôn đức cùng toàn thể quý vị niềm tin tưởng vô biên vào tâm nguyện này.
Nam mô Trung Thiên Giáo chủ, Ðiều ngự Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật, tác đại chứng minh.
Ðệ Tứ Tăng Thống GHPGVNTN.
(ấn ký)
Tỳ- kheo THÍCH HUYỀN QUANG
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN HÓA ÐẠO
Thanh Minh Thiền viện, 90 Trần Huy Liệu, Phường 15, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh
Phật lịch 2549
Số 03/VHÐ/VT
của Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Ðạo
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch Chư Tôn đức Giáo phẩm, Hòa thượng, Thượng tọa, Ðại đức Tăng Ni,
Thưa toàn thể quý vị Cư sĩ thiện tri thức, Nam Nữ Phật tử trong và ngoài nước,
Nhiệm mầu thay Ngày Phật Ðản, ngày Chánh pháp ra đời, cõi kham nhẫn được giải thoát, muôn loài được giác ngộ. Thông điệp hùng tráng nhất mà đức Phật đem lại cho nhân sinh là cùng mọi người thành Phật. Từ vô thủy, chư Phật Thế tôn đều xuất từ nhân gian. Cho nên kinh nói : nhân thân nan đắc, được làm thân người là rất khó. Vì trong năm cõi, cõi người là nơi thích hợp nhất cho việc bẩm thụ Phật pháp, giác ngộ chân lý, viên thành chính giác.
Ðón mừng Phật Ðản là tưởng nhớ công ơn cao dày của đức Phật để chuẩn bị thành Phật. Thành Phật là chứng ngộ chân lý, thực hiện tự do cho mình và cho mọi người. Bởi thế Phật pháp lấy loài người làm gốc trong việc cứu độ các loài hữu tình. Chỉ chuyên tâm phóng sinh chim cá, mà chẳng đoái hoài đến đồng loại đang rên siết vì đói nghèo, áp bức, là không đúng với tinh thần của Phật pháp.
Với tinh thần giải phóng tự kỷ và tịnh hóa nhân gian mà đạo Phật du nhập Việt Nam, đưa dân tộc bước lên đường văn hiến như một khẳng định của trí tuệ, từ bi và tự chủ. Thời cuộc có thịnh suy, nhưng đạo Phật chưa thăng trầm trong đại nguyện cứu khổ, mà cứu khổ là đưa người đến bến bờ tự do, giải thoát. Người Phật tử thực hành đạo Phật cũng là đóng góp xây dựng quê hương. Ðây là hai mặt của một thể thống nhất giữa Dân tộc và Phật giáo, mà lịch sử đã minh chứng 2000 năm qua.
Bởi thế không thể tách lìa vận mệnh dân tộc với vận mệnh chánh pháp. Nhà Nho Mâu Bác sang Giao châu lánh nạn cuối thế kỷ thứ II sau Tây lịch, rồi quy y theo Phật, nhận định rằng : “Bản chất của đạo Phật là ở nhà có thể đem mà thờ cha mẹ, giúp nước có thể đem mà giáo hóa dân, sống một mình có thể đem mà trị thân”. Lục độ tập kinh phát hành ở nước ta vào thế kỷ thứ III sau Tây lịch cũng có câu : Bồ tát thấy dân kêu ca, do vậy gạt lệ xông vào nơi chính trị hà khắc để cứu dân khỏi nạn lầm than.
Cho nên lòng từ bi của Bồ tát đã phát động, thì ý chí không dời đổi, dũng tâm cứu độ, ngay cả thân mệnh cũng không tiếc. Theo tinh thần ấy mà đầu năm nay khi gửi Lời Chúc Xuân đến quí vị Nhân sĩ, Trí thức, Văn Nghệ sĩ, và Ðồng bào trong và ngoài nước, tôi xác nhận rằng : Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và trong cương vị Tăng sĩ, chúng tôi không làm chính trị, không tham gia chính trị. Nhưng chúng tôi phải có thái độ chính trị. Thái độ này thể hiện giáo lý nền tảng của đạo Phật, là cứu chúng sinh ra khỏi mọi nạn ách, khổ đau để tạo điều kiện giác ngộ. Tuy không làm chính trị, nhưng Giáo hội ủng hộ mọi nỗ lực chính trị nhằm bảo vệ đất nước, bảo vệ truyền thống văn minh nòi giống, âu lo cho mỗi con người được sống đời no ấm, tự do, được hưởng trọn các quyền con người cơ bản. Và cùng với sự hậu thuẫn tinh thần của Giáo hội, hàng nam nữ Cư sĩ Phật tử tại gia có thể trực tiếp đóng góp vào công cuộc chung với tinh thần lợi tha bình đẳng.
Nhìn lại quá khứ lịch sử nước ta, đạo Phật chỉ phát triển ở các triều đại không có nạn ngoại xâm, không có sự chuyên quyền, áp bức. Vì vậy, các thiền sư Phật giáo từ thời lập quốc cho đến các triều Ðinh, Lê, Lý, Trần, Lê gặp lúc biến, cũng tham gia chống đỡ triều đình hay chống ngoại xâm. Việc yên và xong giặc, các ngài lại trở về nơi thiền viện lo việc an tâm và giáo hóa.
Thưa quí Liệt vị,
Ngày nay cũng thế, nương vào Chánh pháp nhưng phải y vào thế gian làm trợ duyên mới hoàn thiện đạo đức. Xã hội nước ta hiện tại sa sút thảm bại từ tinh thần đến vật chất, quyền con người không có, tự do là số không, nên chưa thể làm trợ duyên cho công cuộc hoằng pháp lợi sinh. Các quốc gia văn minh trên thế giới đã thực nghiệm những giải pháp sáng suốt và an lạc cho dân tộc họ. Còn nước ta thì nhà cầm quyền vẫn thi hành chính sách đàn áp để khư khư nắm giữ đặc quyền đặc lợi cho thiểu số cầm quyền, chẳng đếm xỉa đến 80 triệu lương dân.
Trước thảm nạn ấy, người thì cúi đầu cam chịu, người thì giả coi như không có vấn đề. Là Tăng sĩ xuất gia, hay người con Phật tại gia, chúng ta không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước quốc nạn và pháp nạn, nghĩa là phải nhận thức khổ nạn của dân tộc và nhân loại để giải quyết khổ nạn ấy, đưa nhân sinh đến bến bờ tự do, giác ngộ. Ðạo xuất thế là bỏ thế giới trầm luân đi vào thế giới giác ngộ. Hơn bao giờ hết, người Cư sĩ Phật tử không những phải lấy thái độ, mà còn phải hoạt động để thi hành nền chính trị đức hóa, nối kết sinh mệnh mình với sinh mệnh dân tộc mà cũng là sinh mệnh của Chánh pháp.
Phật Ðản năm nay là lần thứ ba mươi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất kiên trì vận động cho tự do tôn giáo, dân chủ và nhân quyền. Không có tự do tôn giáo, dân chủ và nhân quyền, thì pháp nạn của Giáo hội không thể giải quyết, đạo Phật không thể hoằng dương, quốc nạn không thể giải trừ. Lịch sử nước ta từ sáu mươi năm qua chưa là sự giải phóng con người, vì mải mê tranh chấp, hận thù, nên kết quả đã tạo ra vô vàn đau thương cho dân tộc.
Tôi xin kêu gọi chư Liệt vị tôn túc cùng toàn thể Phật giáo đồ trong và ngoài nước hãy khai thông sự bế tắc và bất lực đang đè nặng trên thân phận người dân trong nước. Bằng cách đó mà hiến dâng lên đức Thế tôn lòng tri ân của chúng ta trong Ngày Phật Ðản.