PARIS, ngày 6.5.2008 (PTTPGQT) – Từ Tu viện Nguyên Thiều, tỉnh Bình Định, Đức Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), vừa cho gửi đến Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế tại Paris để phổ biến Thông Điệp Phật Đản 2552 – 2008.
Đức Tăng thống hiệp cùng với hàng trăm triệu tín đồ trên thế giới hân hoan chào đón Đức Thích Ca ra đời. Ngài kêu gọi chư Tôn đức Tăng Ni và đồng bào Phật tử Việt Nam trong hay ngoài nước “rước Phật vào tâm trí” để “cùng phát tâm truyền đạt giáo lý cứu khổ trừ nguy của đức Thế tôn ra khắp mọi nơi và trên quê hương ; chí thành trải rộng con đường vạn lý của Bồ tát hạnh để trang nghiêm thế giới và hòa hợp chúng sinh”. Bởi vì : “Ba ngàn năm Phật giáo thế giới, hai ngàn năm lịch sử Phật giáo Việt Nam, là lịch sử chưa bao giờ chấm dứt trong công cuộc giải thoát giác ngộ cho quần sanh, cứu khổ trừ nguy cho nhân dân và đất nước, thức tỉnh Phật tính trong lòng người và dìu dắt chúng sinh lên ngôi Phật. Phật giáo là sự đối diện chứ không quay lưng với xã hội, Phật giáo dấn thân vào nơi tham tàn, loạn tưởng của xã hội để tịnh độ hoá nhân gian”.
Nhắc nhở tầm quan trọng của Ngày Đức Phật ra đời cứu khổ quần sinh, mà tám năm qua gần hai trăm quốc gia trên thế giới thông qua tổ chức LHQ đã công nhận như Ngày Tâm linh, Ngày của nền Văn minh Trí tuệ, Đức Tăng thống đưa ra một số trích đoạn của LHQ tôn vinh Đức Phật thông qua ba Thông điệp Phật Đản LHQ vào các năm 2003, 2005, 2007.
Nhắc nhở sự ra đời cứu khổ và trừ diệt vô minh cho nhân loại, hẳn nhiên không thể không ngó ngàng tới đời sống của 85 triệu người dân Việt. Nên Đức Tăng thống Thích Huyền Quang đưa ra nhận định : “Kinh tế Việt Nam có chiều phát triển. Nhưng chênh lệch giàu nghèo ngày càng đào sâu thăm thẳm. Không chênh lệch giữa quốc dân, mà chênh lệch giữa giới quan lại và quần chúng, gây ra cảnh “nước giàu dân nghèo” mâu thuẫn với các khẩu hiệu Nhà nước đề cao”.
Mặt khác, “Về đường tinh thần, mọi tự do cơ bản bị chà đạp, nên tôn giáo không phát triển, tệ nạn xã hội hoành hành và gia tăng. Việc giải thoát giác ngộ không thể xây dựng trên sự nghèo đói và thiếu tự do. Nay lại thêm chuyện lãnh thổ bị xâm lấn khiến lòng người ưu tư khắc khoải. Hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa đang trong cơn hấp hối, mà các nhà lãnh đạo đất nước làm ngơ. Không như thưở trước, dưới các triều Đinh, Lê, rồi Lý, Trần, Lê, từ vua quan, bậc Cao tăng và Phật tử cho đến toàn dân đều một lòng giữ nước. Vì giữ nước mới có đất nuôi dân. Vì giữ dân nên thăng hoa tinh thần và đạo lý làm nên văn hiến nước nhà”.
Đức Tăng thống Thích Huyền Quang kêu gọi : “Người Phật tử bồi đắp tâm linh bao nhiêu cho tiến trình giải thoát giác ngộ, thì càng bảo vệ lãnh thổ bấy nhiêu cho chủ quyền của nòi giống tự do thoát ly nô lệ”. Vì “Chánh pháp không thể nở hoa nơi giang sơn nô lệ, chúng sinh không thể an lạc nơi áp bức, đói nghèo. Bản hoài xuất thế của chư Phật là xuất hiện nơi trần thế để cứu độ muôn loài”.
Cho nên “Đồng bào Phật tử trên khắp năm châu càng rạng rỡ bao nhiêu thì càng chiếu rọi trở về nơi quê hương cho nước Việt sớm huy hoàng. (…) Xin chư liệt vị hãy hóa thân vào nền văn minh của trí tuệ Bát Nhã, làm bản tâm cho bậc nhân đức cứu nguy đất nước và loài người”.
Đồng thời với Thông Điệp Phật Đản của Đức Tăng thống, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ gửi bức Thông bạch Phật Đản đến Chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni thuộc Hội đồng Lưỡng Viện, Hội Đồng Điều Hành Văn phòng II Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN Hải ngoại tại Hoa Kỳ và các Châu lục, Ban Đại diện GHPGVNTN các miền, các tỉnh thành, Ban Hướng dẫn Gia Đình Phật tử các miền, các tỉnh thành và Phật tử các giới trong và ngoài nước.
Thông bạch Phật Đản của Viện Hoá Đạo là chỉ thị về “các Phật sự thực hiện trong mùa Phật Đản tuỳ theo hoàn cảnh và mức độ đàn áp của từng địa phương” trong nước.
Hòa thượng Thích Quảng Độ lưu ý rằng : “Đức Phật Thích Ca xuất hiện ở thế gian không phải vì mục đích ngự trị thế gian mà chính là để cứu giúp thế gian, đưa mọi loài chúng sanh ra khỏi ngôi nhà thế gian đang bừng cháy”.
Nhân Đại lễ Phật Đản, Hoà thượng căn dặn Giáo hội các cấp : “Tham gia các buổi lễ cầu nguyện cho GHPGVNTN sớm được phục hoạt ; các lãnh đạo tối cao của Gíao hội, chư tôn Hoà thượng, Thượng toạ trong Hội Đồng Lưỡng Viện, các Tăng sĩ, cư sĩ Phật tử đang bị nhà nước quản chế hoặc bức hại sớm được trả lại quyền tự do đi lại và quyền tự do hành Đạo. Tổ chức thăm viếng chư Tôn đức Tăng ni và các Cư sĩ… vì tham gia sinh hoạt với GHPGVNTN mà gặp phải hoạn nạn, hoặc đang lâm bệnh. Tổng Vụ Từ Thiện Xã hội tổ chức các cuộc thăm hỏi và tặng quà Phật đản tại các cơ sở từ thiện xã hội trong thành phố tuỳ theo khả năng”.
Đối với Đại lễ Phật Đản LHQ 2008 do Nhà cầm quyền Hà Nội đăng cai tổ chức, thì lập trường của GHPGVNTN là : “Không tham dự, cũng không cử đại biểu tham dự ; và tuyên cáo với nhà cầm quyền Việt Nam, Đảng cộng sản Việt Nam rằng, cái gì của Phật giáo hãy trả lại cho Phật giáo”.
Bởi vì : “Nhà nước cộng sản Việt Nam, bản chất của cộng sản là vô thần. Vô thần trong triết học, vô thần trong hành động. (…) Trên thực tế hơn 60 năm qua trên cả hai miền Nam Bắc Việt Nam, Cộng sản có thương gì các tôn giáo đâu ? Có thương gì Phật giáo đâu ?!”. (…) Hơn 30 năm qua, sau ngày cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam, vi phạm hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Cộng sản Việt Nam đã gây ra không biết bao nhiêu điêu linh thống khổ cho dân tộc. Cùng chung vận nạn với toàn dân, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cũng đã liên tục bị đàn áp, bức hiếp, hãm hại. Vậy mà nay nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam lại bày trò đăng cai tổ chức lễ Phật đản Vesak 2008, chúng tôi không tin sự kiện này phát xuất từ cõi lòng chân thật của cộng sản đối với Đức Phật, đối với Phật giáo, mà xuất phát từ động cơ chính trị, lợi dụng Phật đản để sơn phết bộ mặt yếu kém về tự do dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo của Cộng sản Việt Nam trước đông đảo quan khách quốc tế đến tham dự Phật đản Vesak 2008 tại Hà nội”.
Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin đăng tải toàn văn dưới đây Thông Điệp Phật Đản 2008 của Đức Tăng thống Thích Huyền Quang và Thông Bạch Phật Đản 2008 của Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hoá Đạo, GHPGVNTN :
VIỆN TĂNG THỐNG
Tu viện Nguyên Thiều – Tỉnh Bình Định
Phật lịch 2552 |
Số : 02/VTT/TĐ/TT
|
CỦA ĐỨC ĐỆ TỨ TĂNG THỐNG
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Kính bạch chư Tôn đức Tăng Ni,
cùng Đồng bào Phật tử thân mến,
Hôm nay hàng trăm triệu Phật giáo đồ trên thế giới đang hương hoa trầm đèn tỏ lòng hân hoan chào đón Đức Thích Ca ra đời. Cũng vậy, người Phật tử Việt Nam trong hay ngoài nước, đoàn tụ trước lễ đài vui mừng chào đón Khánh đản và rước Phật vào tâm trí. Hân hoan chào đón cùng phát tâm truyền đạt giáo lý cứu khổ trừ nguy của đức Thế tôn ra khắp mọi nơi và trên quê hương ; chí thành trải rộng con đường vạn lý của Bồ tát hạnh để trang nghiêm thế giới và hòa hợp chúng sinh.
Thưa quí Liệt vị,
Tám năm qua, Phật Đản không còn riêng cho Phật giáo đồ mà trở thành Ngày Tâm linh, Ngày Văn hóa cho toàn thể nhân loại, theo sự công nhận của gần hai trăm quốc gia thành viên LHQ. Sự tôn vinh Đức Phật nở rộ qua những thông điệp hằng năm của LHQ nói lên điều cao cả của Phật giáo :
“Thông điệp của Đức Phật là thông điệp về Hòa bình và Từ bi. Nhưng cũng là thông điệp của sự Tỉnh thức, tức quán chiếu bản thân và hành động của mình đồng thời quán chiếu thế giới. Đây là thông điệp cho những ai quan tâm đến hướng đi và vận mệnh của loài người (Thông điệp LHQ 2003). “Dù với nguồn gốc, chủng tộc, văn hóa hay tín ngưỡng nào, chúng ta nên nhớ là chúng ta có một quê hương chung, đó là hành tinh trơ trọi, nhỏ bé, là nơi chúng ta gắn bó và chung sống. Nên chúng ta hãy cùng nhau góp sức đem lại lợi ích chung trong cuộc sống hòa điệu và hòa bình giữa mọi sắc dân trên địa cầu” (Thông điệp LHQ 2005). “Hơn 2500 năm qua, bậc Đạo sư Đại giác Thích Ca Mâu Ni vẫn tiếp tục làm kim chỉ nam, mang lại ý nghĩa cho đời sống hàng triệu con người trên trái đất. Hàng năm tổ chức Đại lễ Phật Đản là cơ hội để những người con Phật xác quyết niềm tin vào giáo pháp của Ngài, đồng thời phát huy tinh thần Từ bi, Trí tuệ và Hòa bình mà Đức Phật đã truyền trao” (Thông điệp LHQ 2007).
Ba ngàn năm Phật giáo thế giới, hai ngàn năm lịch sử Phật giáo Việt Nam, là lịch sử chưa bao giờ chấm dứt trong công cuộc giải thoát giác ngộ cho quần sanh, cứu khổ trừ nguy cho nhân dân và đất nước, thức tỉnh Phật tính trong lòng người và dìu dắt chúng sinh lên ngôi Phật. Phật giáo là sự đối diện chứ không quay lưng với xã hội, Phật giáo dấn thân vào nơi tham tàn, loạn tưởng của xã hội để tịnh độ hoá nhân gian.
Nhìn lại khối người 85 triệu mà chư Tôn đức Tăng Ni đang hoằng pháp lợi sinh, thì thấy kinh tế Việt Nam có chiều phát triển. Nhưng chênh lệch giàu nghèo ngày càng đào sâu thăm thẳm. Không chênh lệch giữa quốc dân, mà chênh lệch giữa giới quan lại và quần chúng, gây ra cảnh “nước giàu dân nghèo” mâu thuẫn với các khẩu hiệu Nhà nước đề cao.
Về đường tinh thần, mọi tự do cơ bản bị chà đạp, nên tôn giáo không phát triển, tệ nạn xã hội hoành hành và gia tăng. Việc giải thoát giác ngộ không thể xây dựng trên sự nghèo đói và thiếu tự do. Nay lại thêm chuyện lãnh thổ bị xâm lấn khiến lòng người ưu tư khắc khoải. Hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa đang trong cơn hấp hối, mà các nhà lãnh đạo đất nước làm ngơ. Không như thưở trước, dưới các triều Đinh, Lê, rồi Lý, Trần, Lê, từ vua quan, bậc Cao tăng và Phật tử cho đến toàn dân đều một lòng giữ nước. Vì giữ nước mới có đất nuôi dân. Vì giữ dân nên thăng hoa tinh thần và đạo lý làm nên văn hiến nước nhà.
Người Phật tử bồi đắp tâm linh bao nhiêu cho tiến trình giải thoát giác ngộ, thì càng bảo vệ lãnh thổ bấy nhiêu cho chủ quyền của nòi giống tự do thoát ly nô lệ.
Là Trưởng tử của Như Lai, là con của Phật, chúng ta không làm gì khác hơn trong đời này, ngoài việc cứu độ chúng sinh và truyền thừa chánh pháp. Chánh pháp không thể nở hoa nơi giang sơn nô lệ, chúng sinh không thể an lạc nơi áp bức, đói nghèo. Bản hoài xuất thế của chư Phật là xuất hiện nơi trần thế để cứu độ muôn loài.
Cuối năm ngoái, Hội đồng Lưỡng Viện đã ra Tuyên Cáo kêu gọi hợp quần cứu nguy, và Giáo hội sẵn sàng tham gia hậu thuẫn mọi công trình bảo vệ non sông và nòi giống, lẽ phải và tự do. Ấy là biểu hiện ý nghĩa xuất thế đại sự vừa nói trên.
Công việc ngàn năm một thưở đã thành sự thật, là số lượng người Việt đang có mặt đông đảo và sinh sống trên khắp địa cầu. Kính xin chư Tôn đức Tăng Ni và đồng bào Phật tử hãy gieo rắc hạt giống Chánh pháp của nền Phật giáo dân tộc, đóng góp cho hòa bình thế giới nhằm ngăn chận các hành xử bất bao dung của những ý thức hệ bạo động và khủng bố. Xu thế toàn cầu của sự đối thoại và cộng tác ngày nay đang cần giáo lý từ bi và trí tuệ của đạo Phật để thăng tiến. Đồng bào Phật tử trên khắp năm châu càng rạng rỡ bao nhiêu thì càng chiếu rọi trở về nơi quê hương cho nước Việt sớm huy hoàng.
Nhân mùa Phật Đản năm nay, xin chư liệt vị hãy hóa thân vào nền văn minh của trí tuệ Bát Nhã, làm bản tâm cho bậc nhân đức cứu nguy đất nước và loài người. Chẳng ai thoát khỏi sinh, lão, bệnh, tử đang ngày đêm làm rối loạn thể chất thế nhân. Nhưng với người thực hành Bồ tát đạo, thì sinh, lão, bệnh, tử lại là phương tiện tỉnh giác tiến hành cho sự lợi ích và giác ngộ muôn loài. Bằng cách đó mà chúng ta cúng dường ngày Phật Đản sanh.
Đệ tứ Tăng Thống
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
(Ấn ký)
Tỳ kheo Thích Huền Quang
VIỆN HÓA ÐẠO
Thanh Minh Thiền Viện, 90 Trần Huy Liệu, P. 15, quận Phú Nhuận TP Sài Gòn
Phật lịch 2551 |
Số : 09/VHÐ/VT/VT
|
Kính gửi :
Ÿ Chư tôn Hoà thượng, Thượng toạ, Hội đồng Giáo phẩm Trung ương, Viện Tăng thống, Ban Chỉ đạo Viện Hoá Đạo.
Ÿ Chư tôn Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức Tăng Ni Hội Đồng Điều Hành Văn phòng II Viện Hoá Đạo, GHPGVNTN Hải ngoại tại Hoa Kỳ và các Châu lục.
Ÿ Ban Đại diện GHPGVNTN các miền, các tỉnh thành.
Ÿ Các Huynh Trưởng Ban Hướng dẫn Gia Đình Phật tử Việt Nam các miền, các tỉnh thành.
Ÿ Phật tử các giới trong, ngoài nước.
Kính bạch chư tôn Hòa Thượng chư Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng, Ni.
Cùng Phật tử các giới,
Hôm nay là ngày trăng tròn tháng Vesakha Ấn độ, nhằm ngày rằm tháng tư Âm lịch, hằng trăm triệu người con Phật khắp năm châu bốn biển lại hân hoan đón mừng lễ kỷ niệm Đản Sanh lần thứ 2552 của đấng Cha lành muôn loại. Hoà mình trong niềm vui chung đó, hàng triệu người Việt Nam con Phật, từ thành thị đến nông thôn, núi cao rừng rậm, cũng đang nô nức dọn lòng đón nhận ngày vui muôn thuở, ngày đức Phật đản sanh.
Kính thưa chư liệt vị,
Đức Phật Thích Ca xuất hiện ở thế gian không phải vì mục đích ngự trị thế gian mà chính là để cứu giúp thế gian, đưa mọi loài chúng sanh ra khỏi ngôi nhà thế gian đang bừng cháy. Ngài dạy, ta vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện ở đời. Đại sự đó, chính là khai mở trí tuệ giác ngộ giải thoát cho hết thảy sinh loại ra khỏi vùng tham ái chấp thủ.
Thật vậy, từ thuở bình minh của lịch sử, Đức Phật đã mở ra một cuộc chuyển hóa con người toàn diện, cuộc chuyển hóa có ý nghĩa nhất trong lịch sử nhân loại. Vì những phương tiện để thực hiện cuộc chuyển hóa ấy không làm bằng xương máu, bom đạn, mánh khoé mưu mô lừa đảo của trần thế, nó vượt ra ngoài thời gian và không gian để trở thành một cuộc chuyển hóa vô tiền khoáng hậu.
Cuộc chuyển hóa của đức Phật như vậy, không mang ý nghĩa thường tình mà vượt lên trên ý nghĩa đó, vì trước tiên nó là một hành vi chuyển hóa tâm linh ở mỗi cá nhân con người, để từ đó con người tự mình vươn lên giác ngộ giải thoát.
Từ ý nghĩa đó, mùa Phật Đản năm nay, chúng tôi thay mặt Ban Chỉ đạo Viện Hoá Đạo gửi đến chư liệt vị các Phật sự được thực hiện trong mùa Phật Đản PL 2552 (tùy theo hoàn cảnh và mức độ đàn áp của từng địa phương) như sau :
Thứ 1 : Để lễ kỷ niệm Đản Sanh của đức Thế Tôn thêm nhiều ý nghĩa, đặc biệt năm nay, Tăng ni Phật tử chúng ta, hãy mở lòng đón nhận trọn vẹn ân đức của Phật tổ, của chư đại Bồ tát, liệt vị tổ sư tiền bối, chư vị hộ pháp thiện thần, anh linh các Thánh tử đạo… tâm thành đốt nén hương lòng kính dâng lên đức Từ phụ, qua đó bằng tâm hồn thanh thản trong sáng và ý thức trách nhiệm, chúng ta khắc sâu và dặn lòng về những lời giáo huấn di chúc của Ngài, để làm hành trang phụng đạo giúp đời.
Thứ 2 : Các miền, các tỉnh thành. Ban Đại Diện GHPGVNTN nỗ lực thiết trí lễ đài hành lễ, hoặc trình bày một vài hoạt cảnh xưyên qua các giai đoạn lịch sử đức Phật, Đản sanh, Xuất gia, Thành đạo, Thuyết pháp, Niết bàn ; để tưởng niệm công hạnh hành hoá của đức Phật, để mọi giới Phật tử có dịp lễ bái, chiêm ngưỡng.
Thứ 3 : Trong tuần lễ Phật Đản PL 2552, bằng tất cả ý thức, toàn thể Tăng ni Phật tử chúng ta trong và ngoài nước, hãy nỗ lực thực hiện Giới – Định – Tuệ có hiệu quả, để trang nghiêm tự thân ; chấp hành giới luật để duy trì mạng mạch của Phật Pháp.
Tham gia các buổi lễ cầu nguyện cho GHPGVNTN sớm được phục hoạt ; các lãnh đạo tối cao của Gíao hội, chư tôn Hoà thượng, Thượng toạ trong Hội Đồng Lưỡng Viện, các Tăng sĩ, Cư sĩ Phật tử đang bị nhà nước quản chế hoặc bức hại sớm được trả lại quyền tự do đi lại và quyền tự do hành Đạo. Tổ chức thăm viếng chư Tôn đức Tăng ni và các Cư sĩ… vì tham gia sinh hoạt với GHPGVNTN mà gặp phải hoạn nạn, hoặc đang lâm bệnh. Tổng Vụ Từ Thiện Xã hội tổ chức các cuộc thăm hỏi và tặng quà Phật đản tại các cơ sở từ thiện xã hội trong thành phố tùy theo khả năng.
Sau hết, đối với ngày lễ Phật Đản Vesak năm 2008 của Liên Hiệp Quốc mà Nhà cầm quyền Cộng sản Hà Nội đăng cai tổ chức tại Hà Nội, chúng tôi nhận định rằng,
Ÿ Đối với tổ chức Liên Hiệp Quốc, cách đây nhiều năm, đã công nhận Phật Đản là ngày nghỉ lễ của tổ chức lớn nhất thế giới nầy. Chúng ta thấy đây là niềm vui, thật sự là niềm vui chung của mọi người. Chúng ta vui, không phải vui vì tổ chức Phật giáo trở nên lớn hơn ; mà chúng ta vui vì LHQ đại diện cho tất cả các quốc gia trên thế giới, đều thấy rằng, đời sống đức Thích Ca là một tấm gương sáng ; những giáo lý của Ngài là kho tài sản tâm linh vô cùng quý báu, là những chuẩn mực về một xã hội an lành hạnh phúc cho nhân loại, cần được ghi nhận và học tập.
Ÿ Đối với nhà nước Cộng sản Việt Nam, bản chất của cộng sản là vô thần. Vô thần trong triết học, vô thần trong hành động. Tôn giáo là thuốc phiện, Tôn giáo là lưu manh, “ phải đào tận gốc, tróc tận ngọn”. Trên thực tế hơn 60 năm qua trên cả hai miền Nam Bắc Việt Nam, Cộng sản Việt Nam có thương gì các tôn giáo đâu ? Có thương gì Phật giáo đâu ?! Lợi dụng được thì làm bàn đạp tiến thân và tồn tại ; không lợi dụng được thì “đào”, “ tróc”. Đó là bản chất cố hữu của Cộng sản Việt Nam, xin đừng quên.
Hơn 30 năm qua, sau ngày cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam, vi phạm Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Cộng sản Việt Nam đã gây ra không biết bao nhiêu điêu linh thống khổ cho dân tộc. Cùng chung vận nạn với toàn dân, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cũng đã liên tục bị đàn áp, bức hiếp, hãm hại. Vậy mà nay Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam lại bày trò đăng cai tổ chức lễ Phật đản Vesak 2008, chúng tôi không tin sự kiện này phát xuất từ cõi lòng chân thật của Cộng sản đối với Đức Phật, đối với Phật giáo, mà xuất phát từ động cơ chính trị, lợi dụng Phật đản để sơn phết bộ mặt yếu kém về tự do, dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo của cộng sản Việt Nam trước đông đảo quan khách quốc tế đến tham dự Phật đản Vesak 2008 tại Hà nội.
Chúng ta chỉ cần đọc qua các tiết thứ về cách tổ chức, về nhân sự, về nội dung, thời gian, địa điểm, người đọc diễn văn khai mạc, bế mạc… cũng đủ thấy mưu toan của chính quyền Hà Nội muốn gì qua tổ chức lễ Phật Đản Vesak này.
Từ suy nghĩ này, GHPGVNTN, trong hoàn cảnh đang bị Cộng sản Việt Nam truy quét, bức tử, nên không tham dự, cũng không cử đại biểu tham dự ; và tuyên cáo với nhà cầm quyền VN , đảng Cộng sản Việt Nam rằng, cái gì của Phật giáo hãy trả lại cho Phật giáo. Không cần biểu diễn (các ý kiến trên đây cũng để trả lời cho nhiều giới Phật tử, đã đặt với GHPGVNTN).
Kính thưa quý liệt vị,
Để tuần lễ kỷ niệm Phật Đản PL 2552 được thành tựu viên mãn, kính mong chư tôn Hoà thượing, Thượng toạ, Đại đức Tăng Ni và Phật tử các giới trong và ngoài nước thực hiện đầy đủ nội dung thông bạch này.
Trân trọng kính chúc chư tôn đức và toàn thể Phật tử một mùa Phật Đản PL 2552 an vui dưới ánh hào quang chư Phật.
Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát
Viện trưởng Viện Hoá Đạo
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
(Ấn ký)
Sa môn Thích Quảng Độ
Ÿ Như trên
Ÿ HĐ Giáo Phẩm VTT. “để đệ trình”.
Ÿ BCĐ Viện Hoá Đạo.
Ÿ HĐ ĐH VP II VHĐ GHPGVNTN HN tại Hoa Kỳ và các châu lục.
Ÿ BĐD, các miền, tỉnh thành “để bằng hành”.
Ÿ Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế “để phổ biến”.
Ÿ Hồ sơ lưu.