NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH-CA MÂU-NI PHẬT
Kính lễ Thập phương Thường trụ Tam bảo
Kính lễ Mười phương Hiền Thánh, Hiện tiền Chân tịnh Tăng
Thưa Chư Ðại đức Tăng,
Nay cũng gần ngày tự tứ, tôi kính lời thỉnh an chư Ðại đức Tăng, các chúng tỳ-kheo và tỳ-kheo-ni.
Ba tháng an cư mùa Hạ của Chúng Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni sắp mãn, thời của y cũng gần kề; những gì đã thành tựu và chưa thành tựu đang được tích tụ để làm tư lương, tiếp tục theo dấu chân Thánh Hiền, hướng đến mục đích cứu cánh cho đời mình, và cũng góp phần làm tăng ích phước điền, tạo dựng hòn đảo an toàn cho ba cõi thế gian đầy biến động bất an, như ngôi nhà đang rực cháy này.
Thời của y mà Ðức Thích Tôn quy định tuy ngắn, nhưng cũng đủ để các chúng xuất gia tìm cầu phương tiện cần yếu cho sinh hoạt thường nhật; không quá dài khiến sự tích lũy không trở thành hoạt mạng xa hoa, hệ lụy vật chất và do đó xa rời Thánh đạo. Cũng không quá ngắn để khiến cho nhu yếu trở nên thiếu thốn. Ðó tuy là hình ảnh sinh động của Tăng già thời Thích Tôn tại thế, nhưng ý nghĩa sâu xa vẫn còn giá trị cho đến ngày hôm nay.
Trên 25 thế kỷ của truyền thừa mạng mạch Tăng già, những di huấn của Thế Tôn không vì biến thiên của xã hội, chủng tộc, nhân sinh mà thay đổi. Dù rằng, cạnh tranh sinh tồn vẫn còn như là lẽ sống của muôn loài, tích lũy và thụ hưởng vẫn còn là động lực của tiến hoá xã hội; nhưng, chúng đệ tử của Thế Tôn sống y chỉ trên bốn Thánh chủng, không vì sinh kế tà mạng để tự buộc ràng mình vào guồng máy cạnh tranh, cho đến khi tự mình trở thành kẻ nô dịch cho thế gian sai sử mà không hay. Như thế, không những đã làm hủy hoại huệ mạng của chính mình, mà còn làm tổn thương đến Tăng thể.
Ðã gần một phần tư thế kỷ, Tăng già Việt nam bị lâm vào cảnh đảo điên, bị hoen ố với nguy cơ đánh mất bản thân; dù Tăng thể chưa hề vì thế mà bị vỡ, xét theo bản chất tồn tại của Tăng trên nền tảng Tỳ-ni tạng. Yết-ma Tăng bị rạn vỡ, nhưng hòa hiệp Tăng vẫn nguyên vẹn. Như khối vàng bị xẻ làm hai, phần nửa nào vẫn còn giữ nguyên giá trị của vàng.
Nếu có các chúng tỳ-kheo hay tỳ-kheo-ni, trong trú xứ nào đó, mà vì thiếu hiểu biết các giá trị và các pháp thức của tỳ ni, từ căn bản học xứ cho đến các pháp thường hành của Tăng, khiến phát sinh những hành vi tà ngụy, dẫn tới phá giới, phá kiến, phá oai nghi mà chẳng hay biết; thọ giới không như pháp, bố tát không như pháp, an cư và tự tứ không như pháp; các chúng ấy là tỳ kheo, tỳ kheo ni mà sinh hoạt không như pháp như vậy thì không thể tác thành bản thể Tăng già, mà chỉ là những tập thể ô hợp, Ðức Thế Tôn gọi là á dương Tăng, là đàn dê câm nín, tụ tập vì quyền lợi thế gian, ngoan ngoãn hành xử theo sự chi phối của thế gian.
Các chúng ô hợp đảo điên ấy tuy có khiến cho người ngoài giáo pháp nhận lầm đó là Tăng già chính thống mà sinh tâm rẻ rúng, mặc tình sử dịch như nô bộc, nhưng không đủ năng lực làm dao động bản thân Chánh pháp; mà chỉ như thân cây mục rỗng chỉ đủ tầm vóc che một đốm nhỏ của ánh sáng mặt trời. Chúng tồn tại như là chứng tật hoại thư của xã hội; tạo nên ảo ảnh về sự tăng trưởng bên ngoài nhưng nội thân mục rã. Chúng đệ tử Phật không vì vậy mà thoái thất hạnh nguyện của mình.
Theo lẽ đó, mùa an cư năm nay tôi cảm thấy rất hoan hỷ trong niềm hoan hỷ chung của các chúng đệ tử Phật, với các trú xứ Tăng dù lớn hay nhỏ, dù nhiều hay ít, đã hành trì như pháp, như tỳ-ni; hiểu rõ các nguyên tắc chỉ trì tác phạm, thúc liễm sơ tâm. Ðó là tự mình xây dựng hòn đảo an toàn cho huệ mạng của mình, và cũng là chăm bón ruộng phước cho nhân gian, cho những người có thiện tâm, có mắt sáng để nhìn thấy chánh đạo, có tai tỏ để nghe được chánh pháp.
Với tâm hoan hỷ ấy tôi gởi lời chúc tuế đến các chúng xuất gia đã trải qua mùa an cư trong các trú xứ của Tăng già sinh hoạt như pháp, như tỳ-ni; hạ lạp theo thời gian thế pháp mà tăng, đồng thời huệ mạng cũng do bởi tăng thượng duyên này mà thêm lớn.
Nhân mùa hoan hỷ của Chư Ðại đức tăng, tôi cũng kính gởi lời thăm hỏi đến các Phật tử tại gia, tán thán tín tâm hộ đạo mà suốt trong mùa an cư, với hằng sản hằng tâm đã khiến cho tứ duyên của các chúng an cư không khuyết. Công đức đó đã góp phần tài bồi ruộng phước của nhân thiên, tăng trưởng thiện căn, thăng tiến quả vị Thánh Hiền. Cũng nhân công đức đó, đồng thời nương trên oai lực giới định trang nghiêm của Tăng, Phật tử tại gia bằng tín tâm bất hoại nơi Chánh pháp mà thực hành nghĩa vụ thiêng liêng của mình, tri ân và báo hiếu đối với các bậc tôn trưởng và cha mẹ, hiện tiền cũng như nhiều đời nhiều kiếp. Ðó là nền tảng của cương thường, đạo lý nhân thừa. Ý nghĩa hộ đạo của Phật tử tại gia như thế không phải chỉ là tâm nguyện tiêu cực. Phật tử hộ trì Chánh pháp trên tất cả là thực hành những lời giáo huấn của đức Thế Tôn để nâng cao phẩm chất của bản thân, sống cuộc đời có ý nghĩa cho mình và cho nhân quần xã hội, đồng thời nương trên phẩm chất của Thánh đạo được tu tập đó mà chống lại sự xấu ác của thế gian, những tham vọng, hận thù, nghi kỵ, không chỉ làm chướng ngại Thánh đạo, mà còn gây hiểm nạn cho chúng xuất gia dẫn đến các trường hợp phá kiến, phá oai nghi và phá chánh mạng. Phá kiến, là làm biến chất giáo nghĩa của Phật để trở thành công cụ đấu tranh quyền lực thế gian, biện minh cho sự lan tràn của bạo hành và áp chế. Ðồng thời biến chỗ tu hành thanh tịnh trang nghiêm thành đấu trường mua danh bán chức. Do vậy mà khiến một số chúng xuất gia quên mất sơ tâm, buông trôi theo tà mạng, thường nhật bận bịu với những phấn đấu thế gian để mưu cầu lợi dưỡng, địa vị xã hội; dễ dàng tuân hành mệnh lệnh của người đời, những hạng không hề biết Tín tâm và Quy Giới là gì, tôn vinh kẻ quyền thế ngang hàng các Thánh giả, thậm chí còn sánh ngang với Phật. Từ đó diễn ra tình trạng quần manh dẫn quần manh; đoàn người mù dẫn nhau lang thang trong hoang mạc sinh tử mà vẫn tưởng là đang đi theo dấu Thánh đạo. Như vậy không chỉ tự làm hỏng đời mình mà còn gây ảnh hưởng nguy hại đến tha nhân.
Những điều như thế không phải chỉ là hiện tượng ngẫu nhiên mang tính thời đại. Ðó là ác pháp hữu lậu từ ngàn xưa, là hiện thân của Thiên ma Ba-tuần, không khứng nhìn thấy chúng sinh thoát ra tầm tay chi phối quyền lực cúa nó; không bao giờ muốn thấy một chúng sinh tự tại giải thoát bên ngoài Vương quốc của nó. Cho nên, kể từ Phật Câu-lưu-tôn, Ma đã nỗ lực phá hoại Chánh pháp, trước tiên là bằng cách uy hiếp, hăm dọa chúng Thanh văn. Khi uy hiếp và bạo hành không hiệu quả, Ma tìm phương tiện dụ dỗ, tạo thuận duyên cho các tỳ kheo sống hưởng thụ vật dục thừa thãi, có nhiều uy quyền xã hội, để từ đó trở thành những kẻ nô dịch. Nhưng đức Phật Câu-lâu-tôn giáo giới các đệ tử, “Tỳ kheo đến với đời như ong đến với bông hoa, không làm tổn hại sắc và hương, mà chỉ lấy vị của hoa để làm nên mật ngọt cho đời.” Tu tập theo giáo giới của đức Thế Tôn, chúng tỳ kheo đã vượt qua mọi nỗ lực khống chế của Thiên ma Ba-tuần.
Khi giáo pháp của đức Thích Tôn truyền vào Trung hoa, qua các triều đại hưng suy, cũng có những vị vua nhận định rằng tập thể xuất gia là những kẻ kháng mệnh triều đình, vì không nhận bỗng lộc của vua chúa. Có nhận ơn vua lộc nước, thì mới bày tỏ tấm lòng thần tử trung trinh. Miếng mồi danh lợi được bao che bằng lý thuyết mơ hồ, lập lững giữa cái tốt Ðạo đẹp Ðời, chẳng khác nào giọt mật trên chót lưỡi của kẻ vong mạng, đang chơi vơi trên vực thẳm, cố bám chặt sợi giây leo mảnh khảnh; nhưng vì chút mật ngọt ấy mà quên đi nguy hiểm nghìn trùng bên dưới.
Một chút bỗng lộc, một chút quyền lực hống hách, một chút hư danh phù phiếm, mà bỗng chốc quên bẵng sơ tâm, để càng lúc càng rời xa Thánh đạo. Dàm danh khóa lợi, bỗng chốc là sợi xích cháy đỏ đang quấn chặt thân mình. Bản thân đang bị treo ngược trên hố diệt vong mà không cảm thấy vô thường nguy hiểm gần kề. Cho
nên, thật rất có ý nghĩa cho các chúng đệ tử của Phật, tại gia cũng như xuất gia, mỗi năm, sau thời gian kết hạ an cư là mùa lễ hội Vu-lan, mà ý nghĩa là Thắng hội Giải đảo huyền, cởi trói cho những ai đang bị treo ngược, cho những người đã chết cũng như những kẻ đang sống mà như đã chết.
Theo tập tục ngàn xưa, đó là ngày Phật tử tại gia nương theo oai thần của Tam bảo để đền ơn trả hiếu; cứu giúp thân nhân đang chịu khổ nạn trong các đường dữ, đang bị những sợi giây nghiệp quả nhiều đời treo ngược trên than hồng, trên rừng giáo nhọn. Phật tử tại gia tu tập Nhân thiên thừa, thực hành nghĩa vụ thiêng liêng của con người trong cộng đồng xã hội, dân tộc. Ðồng thời cũng nhận thức rõ bản thân đang bị quấn chặt bởi sợi giây nghiệp quả, do bởi chính các hành động của mình. Do tự trói mình bằng chính nghiệp mê hoặc của mình nên dễ dàng trở thành mồi ngon, bị Ác ma khuyến dụ. Vậy, các chúng đệ tử Phật cử hành Thắng hội Vu-lan, một phần chu toàn bổn phận hiếu nghĩa đối với Tổ tông, tri ân đối với nhân quần xã hội; phần khác, góp công đức hộ trì chúng xuất gia để không vì sinh kế và lợi dưỡng khiến bị người đời khuynh loát; từ đó mà tạo thành sức mạnh để tự giải thoát mình khỏi sự khống chế của Ác ma, ác pháp, và cũng là nguồn năng lực phát huy và hoằng truyền Chánh pháp, vì ích lợi cho bản thân, cho những người thân thuộc, và rộng ra nữa cho đến mọi loài chúng sinh; an lạc trong đời này và đời sau. Có như vậy mới thể hiện đúng ý nghĩa đạo hiếu chân chính của người Phật tử.
Trong ý nghĩa đó, từ nơi tịnh thất biệt lập, cách ly các chúng đệ tử xuất gia và tại gia, tôi kính gởi đến Chư Ðại đức Tăng, cùng tất cả Phật tử tại gia, lời chúc mừng khánh hỷ nhân mùa đại lễ Thắng hội Vu-lan Phật lịch 2548 này, đồng thời góp chút tâm niệm tưởng nhớ ân đức Tiền nhân, các bậc tôn trưởng, trải qua nhiều thế hệ, đã dày công tài bồi đạo nghĩa, để cho thế hệ ngày nay và cả đến mai sau thừa hưởng những giá trị tâm linh cao quý.
Nguyện cùng với bốn chúng đệ tử hồi hướng công đức tu trì thanh tịnh trong suốt mùa hạ an cư năm nay đến hòa bình và an lạc cho dân tộc và nhân loại, cùng hết thảy pháp giới chúng sinh.
Nam mô Thường Tinh Tấn Bồ tát
Tu viện Nguyên Thiều mùa An cư năm Giáp Thân
Ðệ Tứ Tăng Thống GHPGVNTN,
ấn ký
Tỳ kheo THÍCH HUYỀN QUANG