PARIS, ngày 27.6.2008 (PTTPGQT) – Hoà thượng Thích Thiện Hữu, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Tăng sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ vừa viết Thư Mời gửi chư Tôn đức Giáo phẩm, Thượng toạ, Đại đức Tăng Ni và chư Thiện tín Cư sĩ lãnh đạo các cấp Giáo hội về việc An Cư Kiết Hạ mùa hè năm nay. Hoà thượng cho biết :
“Hàng năm, mùa hạ, đoàn thể Tăng già vân tập về những trú xứ thuận hợp tác pháp kiết giới an cư. Đây là truyền thống tu học cao quý của hàng Tăng già được duy trì trên hai ngàn rưởi năm lịch sử Phật giáo
“An cư kiết hạ là nhân duyên thù thắng để chư Tăng tu tập, thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức, bản thể thanh tịnh và hoà hợp của Tăng già nhờ đây mà phát huy, nội lực Giáo hội cũng nhờ đó mà trang nghiêm và tăng trưởng đạo nghiệp.
“Nhằm gìn giữ kỷ cương tổ đạo và nghiêm trì Luật định, mỗi năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ đều tổ chức khoá An cư kiết hạ tại những trú xứ nhất định. Năm nay, theo quyết định của Hội đồng Điều hành, Giáo hội sẽ tổ chức khoá An cư kiết hạ từ ngày 22 đến ngày 31 tháng 7 năm 2008 tại :
“Chùa Diệu Pháp, 311 E. Mission Road – San Gabriel, CA. 91776
Tel : (626) 614 0566 – Fax : (626) 286 8437 – E-mail : vphddh@gmail.com
“Để khoá An cư kiết hạ của Giáo hội được thành tựu viên mãn và tạo thuận duyên cho Phật tử tín đồ nương tựa tu học, thay mặt Tổng vụ Tăng sự, chúng tôi kiền thành cung thỉnh chư Tôn Thiền đức cố gắng sắp xếp Phật sự tại trụ xứ, hoan hỷ tham dự đông đủ.
“Nguyện cầu Phật lực thuỳ từ gia hộ chư Tôn đức Giáo phẩm và quý Thiện tín Phật tử thân tâm thường an lạc.
“Trân trọng.
Tồng vụ trưởng Tổng vụ Tăng sự
(ký tên)
Tỳ kheo Thích Thiện Hữu”
Ban Đại diện Miền Thiện Luật, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, sẽ tổ chức Khoá Tu Học Mùa Hè 2008 tại Chùa Pháp Luân, 13913 South Post Oak Rd Houston, Texas 77045 trong ba ngày thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật từ 11 đến 13 tháng 7 năm 2008. Khoá học đặc biệt dành cho giới Cư sĩ Phật tử.
Nội dung chương trình gồm ba phần chính : Phật Pháp tổng quan và ứng dụng ; tỷ giảo Phật Pháp giữa các truyền thống hệ Pàli, Hán Tạng và Tây Tạng ; tìm hiểu về hệ thống tổ chức của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Ngoài ra còn có một số chủ đề sinh hoạt văn hoá Phật giáo và áp dụng kỹ thuật Tin học vào Phật học.
Ngoài các khoá giảng và tu học còn có những buổi trà đàm hội thảo về những đề tài thực dụng cho học viên tham dự. Giáo trình gồm có :
KINH ĐIỂN ĐẠO PHẬT GIÁO HỆ NAM PHẠN PÀLÌ, giới thiệu tổng quan kinh điển Pàlì, hệ thống giáo lý được xem là cổ xưa nhất trong Phật giáo. Đại cương Tam Tạng Pàlì, các tập sớ tục tạng và lịch sử kết tập Tam Tạng. Giảng sư : Hoà Thượng Thích Hộ Giác.
KINH ĐIỂN ĐẠO PHẬT HỆ HÁN NGỮ, Tổng quan hệ thống kinh điển được xem là có lượng lớn nhất của Phật giáo. Giáo hệ nầy cũng có ảnh hưởng lớn nhất đối với Đạo Phật Việt Nam. Ghi nhận những đóng góp lịch sử của những dịch giả tiền phong như Ngài An Thế Cao, Ngài Cưu Ma La Thập, Ngài Huyền Trang… Giảng sư : Hoà Thượng Thích Chánh Lạc.
ẢNH HƯỞNG CỦA ĐẠO PHẬT TRONG XÃ HỘI TÂY PHƯƠNG, Đạo Phật là tôn giáo phát triển nhanh nhất tại các quốc gia Tây Phương. Đa số các kinh điển đạo Phật đã dịch sang Anh ngữ. Thế hệ trẻ Việt Nam ở xứ người sẽ học Phật như sự đón nhận Phật Pháp của người Tây Phương. Một lược kê những con số đáng ghi nhận và nhận định về tương lai. Giảng sư : Pháp Sư Niên Trưởng Thích Giác Đức
CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là giáo hội dân lập truyền thừa truyền thống 2000 năm Đạo Phật Việt Nam. Cũng là tổ chức giáo hội đầu tiên trên thế giới kết hợp hai truyền thống Nam Tông và Bắc Tông. Sự tồn tại của Giáo Hội hiện nay gồm Viện Tăng Thống, Viện Hoá Đạo. Vai trò của Văn Phòng II Viện Hoá Đạo cũng là một sự kiện lịch sử. Lớp giảng cũng bao gồm những ghi nhận các văn kiện hành chánh quan trọng của giáo hội. Giảng sư : Thượng Toạ Thích Viên Lý.
MẠN ĐÀ LA VÀ THIỀN ĐỊNH MẬT TÔNG, Thiền định là một sắc thái nổi bật của Phật Giáo Tây Tạng. Đồ hình Mạn đà la là một nghệ thuật tôn giáo nổi tiếng thế giới. Lớp giảng chú trọng giá trị thiền tập của việc thực hiện đồ hình Mạn Đà La theo truyền thống Phật giáo Mật tông. Một đồ hình Mạn đà la bằng cát màu được thực hiện và triển lãm ngay tại hội trường chùa Pháp Luân. Giảng sư : Kim Cang Đại Sư Tashi
THIỀN TỨ NIỆM XỨ, Thiền quán hay Vipassana là một phương pháp thực hành cốt tuỷ để phát triển chánh niệm. Kinh Đại Niệm Xứ là bài kinh căn bản cho thiền quán. Lớp giảng dựa theo phương pháp ứng dụng của Ngài Mahasi, Ngài Tangpulu và Ngài Ajahn Cha. Giảng sư : Thượng Toạ Thích Giác Đẳng
NGÔI CHÙA VÀ CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠI, Ngôi chùa ở Hải ngoại không chỉ là cơ sở tín ngưỡng mà còn là trung tâm văn hóa, giáo dục, xã hội của cộng đồng người Việt. Rút những kinh nghiệm của hơn ba thập niên ở quê người, những người Phật tử Việt Nam có thể khai dụng cơ sở tâm linh để đóng góp thiết thực cho sự xây dựng cộng đồng người Việt vững mạnh. Giảng sư : Hoà Thượng Thích Huyền Việt
VAI TRÒ HỘ QUỐC VÀ HỘ PHÁP CỦA NGƯỜI CƯ SĨ, Đất nước Việt Nam đang cùng lúc trải qua hai tai ương quốc nạn và pháp nạn. Đạo Phật là một tôn giáo lớn tại Việt Nam. Người cư sĩ Phật tử Việt Nam có tiềm năng và trách nhiệm đóng góp quan trọng cho sự nghiệp kiến quốc an dân. Lớp giảng tập chú vào những đề nghị thiết thực mà người tại gia cư sĩ có thể đóng góp cho đạo pháp và dân tộc. Giảng sư : Giáo Sư Võ Văn Ái
NGHI THỨC TỤNG NIỆM NHẬT HÀNH CHO NGƯỜI CƯ SĨ, Tụng niệm là một phần quan trọng trong sự tu học hằng ngày của người cư sĩ. Nghi thức trang nghiêm, thiền vị rất lợi lạc cho đời sống nội tâm. Lớp giảng hướng dẫn nội dung các khoá lễ, cách sử dụng pháp khí pháp cụ theo nghi thức Phật Giáo cổ truyền ở Cố Đô Huế. Giảng sư : Đại Đức Thích Thiện Tâm.
ÁP DỤNG KỸ THUẬT TIN HỌC VÀO VIỆC HỌC PHẬT, Kỹ thuật Tin học là một tiện ích của thế giới hôm nay. Liên mạng internet chứa đựng cả một kho tàng Phật học. Những máy móc điện tử nếu biết áp dụng cũng giúp cho người tu học không nhỏ. Lớp học bao gồm cả hai phần lý thuyết và thực hành. Giảng sư : Đại Đức Thích Trí Quảng, Đại Đức Thích Trí Tịnh (hướng dẫn kỹ thuật : Cư sĩ Nguyễn Khắc Anh Tâm).
Điều phối các cuộc hội thảo : Nữ sĩ Ỷ Lan
Muốn ghi danh xin liên lạc Chùa Pháp Luân (713) 433-4364, Mai Đào (713) 297-1725, E-mail : phapluan@yahoo.com, tuhanh@hotmail.com. Những Phật tử ở xa có thể ở tại chùa hay khách sạn.