Home / FoRB / Phong trào Phật giáo trong nước chuyển sang bước ngoặt lịch sử mới : Tuyên Cáo Giải trừ Quốc nạn và Pháp nạn của Hòa thượng Thích Huyền Quang – 20.11.1993

Phong trào Phật giáo trong nước chuyển sang bước ngoặt lịch sử mới : Tuyên Cáo Giải trừ Quốc nạn và Pháp nạn của Hòa thượng Thích Huyền Quang – 20.11.1993

Download PDF

L.T.S. : Sự kiện quan trọng nhất trong năm 1993 tại Việt Nam, là bản “Tuyên Cáo” của Hòa thượng Thích Huyền Quang, Xử lý Hội đồng Lưỡng viện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), phát đi từ Quảng Ngãi ngày 20.11.93. Sau đấy, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế, cơ quan Thông tin và Phát ngôn của GHPGVNTN trụ sở đặt tại Paris, chuyển vận đi khắp thế giới. Và đã được các hãng thông tấn lớn như AFP, Reuter. AP… các báo chí quốc tế như Le Monde... loan tải trọng vọng. Nhiều bộ Ngoại giao thuộc các nước lớn trong thế giới đã điện thoại hỏi xin Phòng Thông tin bản toàn văn.

Quan trọng nhất vì ba lý do : Một là, văn kiện không mang riêng tính tố cáo chung chung hoặc yêu sách đại khái về nhân quyền, dân chủ ; Hai là, lập trường và thái độ chính trị rõ rệt có tính chiến lược dân tộc dài lâu ; Ba là, bản Tuyên Cáo đem lại một Giải pháp mới cho thời cuộc bế tắc và xung khắc tại Việt Nam.

Quan trọng hơn nữa, người phát ngôn đại biểu cho thành phần quần chúng đông đảo nhất trong các thành phần dân tộc : Phật giáo.

Trước đây, không phải là không có nhiều phát ngôn đến từ một số cá nhân trí thức hay đoàn nhóm đòi hỏi cho nhân quyền và dân chủ. Tuy nhiên, phần lớn mới là kiến nghị hay yêu sách toàn cục. Bản Tuyên Cáo của HT. Huyền Quang vượt xa cung cách kiến nghị. Nội dung Tuyên Cáo là một Giải pháp mới nhắm khai thông hiện tình bí lối của nhà cầm quyền cộng sản ở Hà Nội. Nếu được áp dụng, khối Phật tử Việt Nam rộng lớn là một đảm bảo cho Giải pháp hoàn tất. Thế và lực đôi bên cùng tương quan cho việc Hóa hợp hình thành.

Ðối với quần chúng Phật tử, bản Tuyên Cáo là cẩm nang hành động, là chìa khóa “Giải trừ Quốc nạn và Pháp nạn”. Quốc nạn chưa giải trừ, thì Pháp nạn không thể giải quyết.

Trước hiện tình nguy kịch của đất nước, Giải pháp mới này, coi như duy nhất, cho Ðảng và Nhà nước cộng sản cũng như cho nhân dân và các phong trào đối lập. Nói là duy nhất, bởi vì khả năng giải quyết của Giải pháp sẽ hạn chế tối đa bạo động, tranh chấp và hận thù, mà mọi phe phái tại Việt Nam bó tay từ gần năm mươi năm qua.

Bản “Tuyên cáo Giải trừ Quốc nạn và Pháp nạn” của Hòa thượng Huyền Quang đưa ra 12 điểm nhận thức tình hình về phía chính quyền cộng sản cũng như phía nhân dân thầm lặng hay nhân dân đối kháng. Sau 12 điểm nhận thức và phê phán khách quan, Hòa thượng đưa ra 9 biện pháp trị liệu dành cho nhà cầm quyền CHXHCNVN thực hiện. Chín biện pháp trị liệu này có thể tóm gọn vào hành động căn bản mà nhà nước cộng sản không thể không thực hiện : “Sám hối với người chết trong tinh thần nguyện hứa lo cho người sống được sống người”. Người chết mà Hòa thượng nói đây là hàng triệu binh sĩ hai miền Nam Bắc chết trận. Hiện nay, Nhà nước đang hết lòng gia công tìm người Mỹ mất tích phục vụ nhân dân và chính phủ Hoa Kỳ. Nhưng tại sao không gia công tìm kiếm thi hài binh sĩ chết thảm nơi rừng thẳm non xa cho nhân dân Việt Nam ? Phải tôn trọng “linh quyền” cho người chết Việt Nam. Người chết ấy còn là những hầm chôn tập thể do quân đội Cách mạng gây ra ở Huế, còn là những nông dân bị bức tử trong thời Cải cách Ruộng đất. Nay phải phục hồi nhân phẩm cho họ, lo cho quyền lợi gia đình, con cháu họ. Ngoài 70 triệu dân nói chung, người sống còn là hàng triệu thương binh thuộc hai miền Nam Bắc sau “cuộc chiến tranh thừa sai cho cuộc tranh chấp lưỡng cực quốc tế”. Ðã đền bồi xứng đáng cho họ, gia đình, con cái họ chưa ?

Rồi làm gì cho đông đảo 70 triệu nhân dân kia ? Hòa thượng viết : “Bỏ điều 4 trên bản Hiến pháp hiện hành” ; “Bầu lại Quốc hội với sự tự do tham gia ứng cử của toàn dân” không phân biệt chính kiến, đảng phái, tôn giáo “để Quốc hội là Quốc hội của dân chứ không là quốc hội của đảng”. Hoà thượng nhấn mạnh “Bỏ điều 4 không có nghĩa là loại trừ hay tiêu diệt đảng Công sản. Chỉ xóa bỏ tính chất độc tôn độc quyền làm những điều sai lầm gây nguy hại cho đất nước. Một cơ chế thực sự dân chủ trong tương lai phải là nơi tập họp của mọi thành phần dân chúng, mọi khuynh hướng chính trị hay tôn giáo. Ðua tranh phục vụ nhưng không tương tranh tiêu diệt. Hòa hiệp phát triển nhưng không sát phạt thủ tiêu. Trước khi thành đảng viên Cộng sản hay bất cứ đảng nào khác, người ấy là một người Việt Nam. Lấy quan điểm Việt Nam có chiều dài năm ngàn năm văn hiến làm cơ sở cho mọi cuộc gặp gỡ, đối thoại, cộng tác mà mục tiêu chính yếu là làm cho nước Việt Nam tồn vững, văn minh và cường thịnh trong cộng đồng nhân loại”. Hòa thượng xác định : “Một quốc gia tôn trọng nhân quyền và dân chủ lành mạnh là một quốc gia có đối lập. Ðối lập để xây dựng, để ngăn ngừa các khuynh hướng cực đoan độc tài, tạo sự tham gia bình đẳng và đồng đẳng của toàn dân”. Hòa thượng đòi hỏi nhà nước “phải khởi sự ngay tiến trình dân chủ hóa chế độ bằng cách để cho xã hội công dân hình thành, thông qua các quyền cơ bản như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo, tự do lập hội…”

Hòa thượng Huyền Quang cũng kêu gọi Ðảng và Nhà nước cộng sản không nên sợ hãi “Diễn biến Hoà bình” thái quá. Hoà thượng nói : “Dù kinh hãi và tìm cách ngăn chận đến đâu, thì Hòa bình, tức an lạc tinh thần và ấm no thể xác cho quần chúng, cũng từ từ diễn biến tới mảnh đất quê hương này. Thử nghĩ xem, có phải “Diễn biến Hòa bình” vẫn hơn là “Diễn biến Chiến tranh” không ?”. Do nhận định “Chạy trời không khỏi nắng, chủ nghĩa và chế độ XHCN đang trên đà hoại diệt tại Việt Nam vì những lý do nội tại trong nội bộ đảng, chứ không do ai hay thế lực nào khác” ; Hòa thượng khuyến cáo : “Nếu sáng suốt và hành động kịp thời, Ðảng và Nhà nước CHXHCNVN có thể tránh khỏi một cuộc trả thù ghê gớm của nhân dân. Bởi vì Ðảng và Nhà nước đã gây quá nhiều khổ đau tang tóc cho đông đảo quần chúng từ bốn mươi năm hơn. Muốn thế, Ðảng và Nhà nước CHXHCN phải gây nhân lành từ bây giờ. Nhân lành ấy là để cho Phật giáo và các tôn giáo lớn tự do sinh hoạt tôn giáo, hầu chận đứng sự phát triển thù hận và suy thoái đạo đức đang hoành hành tâm địa mọi tầng lớp xã hội Việt Nam ngày nay. Không có lực lượng hóa giải hận thù nào khác tại Việt Nam ngoài các tôn giáo”.

Nguyên Thái

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
Viện Hóa Ðạo

Số II-56/VPLV-VHР                                                PL. 2537 – Quảng Ngãi, ngày 20.11.1993

TUYÊN CÁO
của
QUYỀN VIỆN TRƯỞNG VIỆN HÓA ÐẠO GHPGVNTN

H.T. THÍCH HUYỀN QUANG

– Xét rằng, chủ nghĩa Cộng sản do chủ tịch Hồ Chí Minh mang về từ Liên Xô năm 1930. Về sau, khi đã thiết lập chính quyền Vô sản, Ðảng Cộng sản Việt Nam luôn đi theo đường lối giáo điều, cố tín, hướng cuộc đấu tranh tiêu diệt hai kẻ thù chính yếu của ý thức hệ Mác Lê : Tôn giáo và Ðế quốc Tư bản. Sau 70 năm thi hành chủ trương này, sự sụp đổ của Liên Xô, mẫu quốc của các nước XHCN, là bằng chứng thất bại hiển nhiên trong việc đem lại no cơm ấm áo, tự do và đạo đức cho nhân dân. Tiếc rằng Ðảng Cộng sản Việt Nam không tiếp thu được bài học thất bại ấy để thay đổi chính sách tại Việt Nam, khiến cho hiện trạng đen tối, đói nghèo, áp bức của các nước XHCN tiếp diễn tại Việt Nam ;

– Xét rằng, Ðảng và Nhà nước CHXHCNVN tuy gọi kêu mở cửa kinh tế, phát triển thị trường tự do. Nhưng lại để cho tham vọng độc quyền và đặc lợi của một cơ chế nhà nước bóp chết sự phát triển của thị trường tự do. Ngày nay, nạn tham nhũng được nuôi dưỡng bởi giới tham quan ô lại nhà nước. Có cho phép báo chí phê phán nạn tham nhũng đấy, nhưng lại cấm phê phán cơ chế chính trị đẻ ra nạn tham nhũng, đặc trưng của nhà nước XHCN. Chế độ XHCN tại Việt Nam là tổng thể những gì tệ hại nhất của xã hội cộng sản ở Liên Xô, Ðông Âu cũ và xã hội tư bản thô lỗ. Ðến như cơ quan có tính đại diện quần chúng là Quốc hội cũng chỉ là nơi diễn tập một chiều những chỉ thị và nghị quyết do Ðảng đề xuất. Dân bị bịt họng vì không có dân biểu độc lập ;

l Xét rằng, Ðảng Cộng sản Việt Nam xu phụ nước ngoài chịu xóa bỏ hận thù, làm thân với ngoại thù trước kia là đế quốc tư bản. Nhưng đối với Tôn giáo trên lãnh thổ Việt Nam, đảng vẫn tiếp tục đàn áp. Không ý thức rằng hậu quả của các cuộc đàn áp này làm tiêu hủy mọi mầm mống đạo đức, quan niệm chân thiện mỹ, và tình nghĩa Việt Nam. Những nền tảng tâm linh thăng hoa và hướng thiện cho con người trầm luân nơi xã hội suy đồi ngày nay ;

– Xét rằng, mục tiêu đàn áp tôn giáo nói chung, giải thể Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) nói riêng, khởi phát từ sau ngày 30.4.1975 không thành. Nên năm 1981, Ðảng và Nhà nước thay đổi chiến lựợc bằng cách tạo dựng một Giáo hội công cụ và tay sai để dùng người của Phật giáo đánh phá Phật giáo theo chính sách chia để trị ;

– Xét rằng, không một thế quyền nào tự nhận là dân tộc lại có thể làm chuyện phi dân tộc là khai tử GHPGVNTN. Trong khi ấy, bản Chúc Thư thiêng liêng của Cố Ðại lão Hòa thượng Thích Ðôn Hậu để lại, dặn dò ba nhiệm vụ Phật giáo đồ phải hoàn tất : a) Hòa thượng trao quyền lãnh đạo Hội đồng Lưỡng viện cho hàng giáo phẩm cao cấp của Giáo hội, b) chỉ thị việc tổ chức Ðại hội kỳ 8 của GHPGVNTN bị gián đoạn từ năm 1977 vì chính sách đàn áp Phật giáo của nhà nước, và c) điều hành Phật sự trong giai đoạn mới đối với quần chúng Phật tử, đặc biệt đối với bộ phận hải ngoại của Giáo hội ở khắp năm châu ;

– Xét rằng, toàn thể Phật giáo đồ trong và ngoài nước nói chung, GHPGVNTN nói riêng, đã nhất tề thực hiện sự thống hợp giáo đoàn và giáo thể theo bức Thông Ðiệp ngày 31.10.1991 của Cố Ðại lão Hòa thượng Thích Ðôn Hậu kêu gọi Tăng Ni, Phật tử thực hiện tinh thần Thống nhất, Ðoàn kết và Hòa hiệp trong giai đoạn mới của Phật giáo. Thực hiện Chúc Thư do Ngài để lại, Văn phòng Lưu vong Viện Hóa Ðạo GHPGVNTN đã viết “Ðơn xin cứu xét nhiều việc”, tức “Yêu sách Chín điểm”, ngày 25.6.1992 gửi đến sáu cơ quan nhà nước CHXHCNVN. Ðại cương bản yêu sách này đòi phục hồi quyền sinh hoạt của GHPGVNTN ; hoàn trả các cơ sở chùa viện, văn hóa, giáo dục, xã hội… bị nhà nước xung công và cưỡng chiếm sau năm 1975 ; trả tự do cho tất cả các Tăng Ni, Phật tử bị bắt giam trong các nhà tù, trại cải tạo hay quản thúc, vì “tội” đòi hỏi quyền tự do tôn giáo và nhân quyền ; và minh bạch hóa việc Công an TP Hồ Chí Minh tra khảo đến chết Hòa thượng Thích Thiện Minh năm 1978. Thế nhưng, ngoài việc Ðảng và Nhà nước nhiều lần cử những cán bộ cao cấp vào Quảng Ngãi tiếp xúc với Văn phòng Lưu vong Viện Hóa Ðạo để trao đổi những nguyên nhân tranh chấp, cho đến nay nhà nước CHXHCNVN chưa đáp ứng bất cứ điểm nào do Giáo hội đề ra qua văn thư nói trên ;

– Xét rằng, chẳng những không giải quyết những yêu sách của GHPGVNTN, nhà nước CHXHCNVN còn đi sâu vào việc khủng bố, bắt bớ Tăng, Ni, Phật tử, ngăn cấm tổ chức lễ Tiểu tường Cố Ðại lão Hòa thượng Thích Ðôn Hậu trung tuần tháng Tư 1993, và tung chiến dịch bôi nhọ Chúc Thư của Cố Ðại lão Hòa thượng trên khắp mặt báo chí, truyền thanh, truyền hình của nhà nước. Trầm trọng hơn, hai tài liệu “Mật” số 125/TƯDV của Ban Dân vận Ðảng Cộng sản Việt Nam do ông Trưởng ban Phan Minh Tánh ký ngày 17.8.92 và “Tuyệt Mật” của Bộ Nội vụ – Công an Quảng Trị do Ðại tá Trương Hữu Quốc ký ngày 18.8.92 chỉ thị thẳng tay đàn áp GHPGVNTN, tức Giáo hội Ấn Quang. Hai tài liệu này đã được Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam đệ trình Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Genève tháng 2 năm nay như một bằng chứng của chính sách đàn áp và tiêu diệt GHPGVNTN của nhà nước CHXHCNVN. Cho đến nay, Phái đoàn của nhà nước Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc chưa bao giờ lên tiếng phủ nhận hai tài liệu ấy ;

– Xét rằng GHPGVNTN trong thực tế Việt Nam, kế thừa nền Phật giáo dân tộc từ 20 thế kỷ qua, đại diện cho 80% quần chúng Việt Nam. Trên pháp lý, GHPGVNTN đã thống hợp sáu tập đoàn Tăng Ni và Cư sĩ đại diện khắp ba miền Bắc, Trung, Nam tại đại hội toàn quốc ở chùa Từ Ðàm Huế ngày 6.5.1951, thành lập “Tổng hội Phật giáo Việt Nam”, tiền thân của GHPGVNTN. Gọi là Tổng hội vì dưới thời Pháp thuộc, Dụ số 10 cấm nền Phật giáo dân tộc không được dùng danh xưng Giáo hội, trên pháp lý chỉ được hiện hữu như một hiệp hội. Tuy nhiên cuộc tranh đấu bảo vệ Chánh pháp và yêu sách tự do tôn giáo của Phật giáo đồ khởi phát từ tháng 5 năm 1963 đã thành công hủy bỏ Dụ số 10, phục hồi danh xưng và hoạt động cổ truyền của Giáo hội, tức GHPGVNTN, tại đại hội Phật giáo đầu năm 1964. Bởi vậy, từ Dụ số 10 cho đến các Nghị định về tôn giáo lập ra sau ngày 6.5.1951 đều vô giá trị đối với thực tại cũng như pháp lý của GHPGVNTN ;

– Xét rằng, cuộc đấu tranh bất bạo động, hợp lý, hợp pháp và có chính nghĩa của GHPGVNTN từ hơn một năm qua đã được sự hậu thuẫn của quần chúng Phật tử trong và ngoài nước cũng như dư luận và chính giới quốc tế. Ðiển hình là cuộc biểu dương bất bạo động của 40.000 Phật tử và nhân dân thành phố Huế ngày 24.5.93 và sự lên tiếng hậu thuẫn của các Chính phủ, Quốc hội Âu, Á, Mỹ, Phi, Úc, Quốc hội Âu châu, của Liên Hiệp Quốc, Liên Ðoàn Quốc tế Nhân Quyền, Tổng Liên đoàn Lao động Hoa Kỳ AFL-CIO, các Tổ chức Nhân quyền, Ân xá Quốc tế, các Tôn giáo bạn, cũng như các Ðoàn thể tôn giáo và chính trị trong Cộng đồng Người Việt Hải ngoại… Sự kiện không thể chối cãi, vì chính Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chứng kiến khi đi công du Úc châu và Âu châu. Tất cả các chính quyền gặp gỡ Thủ tướng đều yêu sách trả tự do cho các Tăng sĩ Phật giáo và phục hồi quyền sinh hoạt của GHPGVNTN ;

– Xét rằng, thay vì chấm dứt chính sách đàn áp Phật giáo để thực hiện lời kêu gọi “Xóa bỏ mặc cảm, xóa bỏ thù hận, nhìn về tương lai”“Mọi người Việt Nam, bất kể giai cấp và tầng lớp, dân tộc và tôn giáo, bất kể quá khứ trước kia ra sao, dù từng giữ chức vụ gì trong chế độ cũ, hãy đứng vào khối đại đoàn kết toàn dân” mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt và ông Tổng Bí thư Ðỗ Mười tuyên bố nhân dịp Tết nguyên đán năm nay, thì trái lại, nhà nước CHXHCNVN ngày càng đi sâu vào con đường chia rẽ dân tộc, can thiệp vào nội bộ Phật giáo, khủng bố, bắt bớ các Tăng Ni, Phật tử các cấp thuộc GHPGVNTN ;

– Xét rằng, dù Phật giáo là mũi dùi đàn áp kịch liệt và tang thương nhất, nhưng các tôn giáo bạn ở Việt Nam như Công giáo, Cao Ðài, Hòa Hảo, Tin Lành, Cơ Ðốc, v.v. cũng chung chịu cảnh đàn áp, kỳ thị. Ðiển hình gần nhất là vụ Nhà nước ngăn cản việc phong chức Giám quản Tông tòa TP. Hồ Chí Minh của vị Giám mục Huỳnh Văn Nghi ;

– Xét rằng, công cuộc tái thiết quốc gia Việt Nam, tái hồi đạo đức dân tộc trong một xã hội vong thân đạo lý và khủng hoảng văn hóa, đưa dân thoát khỏi tình trạng nghèo đói, nô lệ, đòi hỏi sự góp công tham gia của mọi tầng lớp dân chúng, mọi gia đình tôn giáo và chính trị. Nhưng chủ trương độc tài chính trị và độc tôn đảng trị là lực cản con đường tiến thủ của dân tộc một cách hiểm độc. Con đường mà tiền nhân đã đổ biết bao xương máu khai phá và gầy dựng ;

Từ những nhận thức trên đây về hiện trạng Phật giáo bị khủng bố, đàn áp nói riêng, và toàn thể nhân dân bị đánh bật ra khỏi vai trò tái thiết xứ sở nói chung, nay Tuyên cáo trước quốc dân đồng bào và dư luận thế giới :

1. Phật giáo Việt Nam là một thực thể dân tộc. Từ bình minh của lịch sử Việt đã có đóng góp lớn trong việc dựng Nước, khai dòng Văn hiến, có kế thừa sau trước, từ lịch đại Tổ sư đến các Bồ tát tử đạo, mà GHPGVNTN là sự truyền thừa chính thống và đại diện duy nhất của toàn thể quần chúng Phật tử Việt Nam. Trên bình diện quốc tế, GHPGVNTN là thành viên sáng lập phong trào Phật giáo Quốc tế tại Colombo thủ đô Tích Lan năm 1950, mang tên “Liên hữu Phật giáo Thế giới”. Không một tổ chức Phật giáo nào khác, do tư nhân hay thế quyền thiết lập cho những mục tiêu sai khác với Hiến chương của GHPGVNTN, có thể thay thế hoặc điều khiển GHPGVNTN trong việc hướng dẫn Phật sự cho Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước và đại diện Phật giáo Việt Nam trên trường quốc tế ;

2. Hành động gần đây của Ðảng Cộng sản và Nhà nước CHXHCNVN, qua tay Ban Tôn giáo Chính phủ và Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, đối với Văn phòng Lưu vong Viện Hóa Ðạo GHPGVNTN và Quyền Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, vừa phản Hiến pháp, phi pháp luật, vừa vi phạm Công ước về Quyền Công dân và Quyền Chính trị của Liên Hiệp Quốc mà nhà nước CHXHCNVN là thành viên và đã ký kết tôn trọng ;

3. Ðảng và Nhà nước CHXHCN phải khởi sự ngay tiến trình dân chủ hóa chế độ bằng cách để cho xã hội công dân hình thành, thông qua các quyền cơ bản như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo, tự do lập hội… Một trong những nét đặc điểm của nền văn minh Việt Nam là đức hạnh. Hai mươi thế kỷ qua, nhân dân Việt Nam là một tổ hợp của quần chúng có tín ngưỡng. Các lực lượng tôn giáo, trong có Phật giáo, hiện tập trung đông đảo nhất các tầng lớp nhân dân, với khả năng vô song để thực hiện việc hóa giải thù hận và tái thiết đất nước sau 50 năm chiến tranh thừa sai cho cuộc tranh chấp lưỡng cực quốc tế. Do đó, đàn áp tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng, là tiếp diễn cuộc chiến tranh lạnh lỗi thời, đồng lúc phá hoại tiềm lực dựng xây tổ quốc. Phải chấm dứt ngay chính sách đàn áp GHPGVNTN ;

4. Chủ trương “Xóa bỏ mặc cảm, xóa bỏ thù hận, hướng về tương lai” của Ðảng và Nhà nước không thể ngủ lì trên diễn văn mang tính chiến thuật hầu đánh lừa dư luận quốc tế về cái gọi là “đổi mới kinh tế” và “ổn định chính trị”. Một quốc gia tôn trọng nhân quyền và dân chủ lành mạnh là một quốc gia có đối lập. Ðối lập để xây dựng, để ngăn ngừa các khuynh hướng cực đoan độc tài, tạo sự tham gia bình đẳng và đồng đẳng của toàn dân. Áp dụng chính sách đàn áp và khủng bố tôn giáo cũng như các đoàn thể chính trị đối lập, Ðảng và Nhà nước CHXHCNVN chỉ ổn định được bộ máy cai trị theo chế độ toàn quyền, nhưng không khởi động được sinh lực phát triển của dân tộc. Phải thoát ly diễn văn, thực hiện “Xóa bỏ mặc cảm, xóa bỏ thù hận” trong hành động cụ thể và qua chính sách tôn trọng nhân quyền được pháp luật bảo vệ. Ðối với quần chúng Phật tử, hãy tức khắc trả tự do cho các hàng giáo phẩm, Tăng Ni, Phật tử thuộc GHPGVNTN bị tù đày, cải tạo, quản thúc từ 1975 trở đi. Nếu họ có tội, thì phải đưa ra xét xử công minh và công khai trước quần chúng và báo chí quốc tế, với sự biện hộ của Luật sư Việt Nam hay quốc tế do họ chọn lựa.

5. GHPGVNTN yêu cầu Nhà nước công khai xử lại vụ án Huế theo quy định của luật pháp và đúng với tiêu chuẩn quốc tế, ghi trong bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và các Công ước của Liên Hiệp Quốc. Cuộc xử các Ðại đức Trí Tựu, Hải Tạng, Hải Thịnh, Hải Chánh và những Phật tử thuộc GHPGVNTN ở Huế ngày 15.11.93 vừa qua, pháp luật không ngồi vai chánh án, công an thay vai biện hộ của Luật sư mà Giáo hội đề cử. Bốn ngày trước vụ xử, nhiều Bộ Ngoại giao Tây phương muốn cử quan sát viên về Huế theo dõi, nhưng nhân viên Bộ ngoại giao ở Hà Nội đã nói lừa rằng vụ xử được dời lại chưa biết đến lúc nào. Ngày xử báo chí không được tham dự, hãng thông tấn AFP bị cấm tới, ba Luật sư Pháp, do Liên Ðoàn Quốc tế Nhân quyền chỉ định theo lời Giáo hội yêu cầu, không được cấp chiếu khán lên đường về Huế biện hộ cho các Ðại đức. Sự phản đối rầm rộ trên dư luận quốc tế đối với vụ xử mờ ám này là những lời tố cáo hùng hồn và khách quan về một Nhà nước phi pháp quyền. Ðiển hình là các lời tố cáo đến từ Liên Ðoàn Quốc tế Nhân quyền tại Pháp, các Thượng Nghị sĩ Hoa kỳ Bill Bradley và Robert Kerrey, Thượng Nghị sĩ Avebury đại diện cho 130 Thượng Nghị sĩ và Dân biểu thuộc Lưỡng viện Quốc hội Vương quốc Anh, Tổng Liên đoàn Lao động Hoa Kỳ AFL-CIO, Ban Ðặc lãnh Nhân quyền Quốc hội Hoa Kỳ gồm 200 Dân biểu, Tổ chức Nhân quyền Hoa kỳ Asia Watch, Chủ tịch Ban Nhân quyền Quốc hội Âu châu, v.v… ;

6. Một Nhà nước Pháp quyền phải tôn trọng tam quyền phân lập, không để cho một đảng nào chỉ huy nhà nước. Nguyên nhân của các cuộc đàn áp liên miên những phong trào quần chúng mà chẳng có cơ quan pháp lý nào kiểm soát, xử lý, là tình trạng độc tài chính trị và độc tôn đảng phái. Do đó, yêu cầu nhà nước CHXHCNVN thực hiện nền dân chủ pháp trị bằng ba hành động cụ thể : Bỏ điều 4 trên bản Hiến pháp hiện hành như hành động cụ thể thứ nhất, để toàn dân được phép tham gia kiến quốc ; Bầu lại Quốc hội với sự tự do tham gia ứng cử và bầu cử của toàn dân, trong có mọi khuynh hướng chính trị và tôn giáo, như hành động cụ thể thứ hai, để quốc hội là quốc hội của dân chứ không là quốc hội của đảng ; Viết lại bản Hiến Pháp phù hợp với nguyện vọng về nhân quyền và dân chủ của toàn dân qua các đại biểu độc lập của họ, và cũng để thích nghi với xu thế tiến bộ của thế giới ngày nay, mà phương châm đang thực hiện khắp năm châu là cộng tác để cộng sinh. Cần quét sạch những tàn dư lệ thuộc quá khứ phong kiến, thực dân, quốc tế phân tranh, mở ra trang sử mới cho dân và nước. Cần nói rõ là bỏ điều 4 trên Hiến Pháp hiện hành không có nghĩa là loại trừ hay tiêu diệt đảng Cộng sản. Chỉ xóa bỏ tính chất độc tôn độc quyền làm những điều sai lầm gây nguy hại cho đất nước. Một cơ chế dân chủ thực sự trong tương lai phải là nơi tập họp của mọi thành phần dân chúng, mọi khuynh hướng chính trị hay tôn giáo. Ðua tranh phục vụ nhưng không tương tranh tiêu diệt. Hòa hiệp phát triển nhưng không sát phạt thủ tiêu. Trước khi thành đảng viên cộng sản hay bất cứ đảng nào khác, người ấy là một người Việt Nam. Lấy quan điểm Việt Nam có chiều dài văn hiến năm nghìn năm làm cơ sở cho mọi cuộc gặp gỡ, đối thoại, cộng tác mà mục tiêu chính yếu là làm cho nước Việt Nam tồn vững, văn minh và cường thịnh trong cộng đồng nhân loại ;

7. Sự sụp đổ của chủ nghĩa và chế độ XHCN tại các nước Liên Xô cũ và Ðông Âu đến từ nguyên nhân nội tại của luật đào thải, chứ không do ai bên ngoài gây ra trước. Chủ nghĩa và chế độ này cũng đang trên đà hoại diệt tại Việt Nam vì những lý do nội tại trong nội bộ đảng, chứ không do ai hay thế lực nào khác. Chạy trời không khỏi nắng, như nhà Phật quan niệm có sinh thì có diệt. Tuy nhiên, nếu sáng suốt và hành động kịp thời, Ðảng và Nhà nước CHXHCNVN có thể tránh khỏi một cuộc trả thù ghê gớm của nhân dân. Bởi vì Ðảng và Nhà nước đã gây quá nhiều khổ đau tang tóc cho đông đảo quần chúng từ bốn mươi năm hơn. Muốn thế, Ðảng và Nhà nước CHXHCN phải gây nhân lành từ bây giờ. Nhân lành ấy là để cho Phật giáo và các tôn giáo lớn tự do sinh hoạt tôn giáo, hầu chận đứng sự phát triển thù hận và suy thoái đạo đức đang hoành hành tâm địa mọi tầng lớp xã hội Việt Nam ngày nay. Không có lực lượng hóa giải hận thù nào khác tại Việt Nam ngoài các tôn giáo. Hiện nay, “Diễn biến Hòa bình” là điều Ðảng và Nhà nước vô cùng sợ hãi. Dù kinh hãi và tìm cách ngăn chận đến đâu, thì Hòa bình, tức an lạc tinh thần và ấm no thể xác cho quần chúng, cũng từ từ diễn biến tới mảnh đất quê hương này. Thử nghĩ xem, có phải “diễn biến hòa bình” vẫn hơn là “diễn biến chiến tranh” không ? Thế thì tại sao lại sợ, mà không vui vẻ chào đón và chấp nhận như một Sứ giả của sự cộng tác và hòa hiệp dân tộc để cộng sinh trên giải đất quá thương đau hơn ba trăm năm rồi, từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh đến hai thời mất nước và nội chiến ?

8. Ðối với quân nhân Hoa kỳ mất tích trong chiến tranh, trước kia họ là kẻ tử thù của Ðảng và Nhà nước CHXHCN. Nhưng nay họ được công nhận như bạn, nên Ðảng và Nhà nước gia công ngày đêm tìm kiếm, báo cáo thành khẩn với chính phủ Hoa Kỳ. Ðây là hành động đáng khen, đáng ca ngợi, vì thể hiện “xóa bỏ thù hận”, là đức tính từ bi của nền văn hiến Việt. Tuy nhiên, với người dưng nước lã thì thế, còn với con dân đất nước thì sao ? Hàng triệu binh sĩ hai miền Nam Bắc vùi thây trong chiến trận, nơi rừng thiêng, sông lạch, biển cả, biên giới, như thập loại chúng sinh, có được tìm kiếm không ? Gia đình họ có được báo tin, an ủy, bồi thường xứng đáng không ? Ngoài kẻ tử sĩ, còn hàng triệu thương binh hai miền, số phận họ và con em họ có được nhà nước chiếu cố không ? Ðây không còn là vấn đề trả nghĩa theo truyền thống dân tộc có từ thời Vua Hùng, mà còn là sự tôn trọng linh quyền của người chết, mà tục thờ cúng Ông Bà và nhớ ơn các đấng anh hùng vị quốc vong thân đã được nhân dân ghi xương khắc cốt. Ðối với thành phố Huế, các vị tướng lãnh và chính trị viên cầm quân Cách Mạng tấn công năm Mậu Thân đã viết bài, viết sách thú nhận những lỗi lầm tàn sát dân lành. Nay đến lược Ðảng và Nhà nước phải công khai sám hối với nhân dân thành phố Huế về những hầm chôn tập thể mà quân đội và lực lượng địa phương Cách Mạng là tác giả. Sám hối trước những gia đình nông dân bị bức tử trong thời Cải cách Ruộng Ðất và phục hồi nhân phẩm cho gia đình, con cháu họ. Hãy tổ chức một Ngày Sám Hối Toàn quốc để tạ lỗi và hướng vọng tới những vong linh vô tội bị chết oan, bị bức tử. Vừa sám hối với người chết, vừa nguyện hứa lo cho người sống được sống người ;

9. Trung ngôn nghịch nhĩ. Nếu lời Tuyên cáo hôm nay làm cho Ðảng và Nhà nước phẫn nộ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, trong có tôi, can cứu Thích Huyền Quang bị quản thúc không lý do tại Quảng Ngãi từ năm1982 và chưa bao giờ được xét xử, xin lãnh hết mọi trách nhiệm. Chúng tôi chỉ sử dụng quyền tự do ngôn luận mà Hiến pháp của nhà nước CHXHCNVN công nhận. Tuy nhiên, nếu Ðảng và Nhà nước CHXHCNVN muốn trừng phạt, thì xin hãy đưa chúng tôi ra một phiên tòa công khai có quần chúng và báo chí quốc tế tham dự, với sự biện hộ của Luật sư quốc tế, mà ngay giây phút này tôi xin nhờ Liên Ðoàn Quốc tế Nhân quyền tại Paris chỉ định và lo liệu biện hộ cho chúng tôi, nếu một mai tôi bị truy tố ra tòa ;

Cũng kể từ giây phút bản Tuyên Cáo này được công bố, nếu có gì bất trắc xẩy ra cho thân thể tôi, hay xẩy tới ngôi chùa Hội Phước ở Quảng Ngãi nơi tôi bị quản thúc từ năm 1982 và nơi GHPGVNTN đặt Văn phòng Lưu vong Viện Hóa Ðạo, thì trách nhiệm này hoàn toàn thuộc Ðảng Cộng sản và Nhà nước CHXHCNVN. Vì hiện nay Công an nhà nước canh gát, kiểm soát nghiêm mật quanh chùa, nội bất xuất ngoại bất nhập, không cho tôi liên lạc với bất cứ ai. Ai tình cờ đến thăm tôi đều bị công an theo dõi, bắt giữ, khám xét hành trang và tra hỏi. Ðây là hoàn cảnh tôi bị lâm vào kể từ biến cố Huế ngày 24.5.1993.

Nhân Tuyên Cáo này, tôi xin ngỏ lời tri ân các Chính phủ, Quốc hội các nước Âu, Á, Mỹ, Phi, Úc, Quốc hội Âu châu, Ban Ðặc lãnh Nhân quyền (Human Rights Caucus), Ban Nhân quyền Lưỡng viện Quốc hội Vương quốc Anh, các cơ quan Liên Hiệp Quốc, Liên Ðoàn Quốc tế Nhân quyền, Tổng Liên Ðoàn Lao động Hoa Kỳ AFL-CIO, các Tổ chức Nhân quyền và Ân Xá Quốc tế, các cơ quan truyền thông, hãng thông tấn, báo chí quốc tế đã ưu ái lên tiếng truyền thanh, hậu thuẫn cuộc tranh đấu cho tự do tôn giáo và nhân quyền mà GHPGVNTN phát khởi tại Việt Nam từ hơn một năm qua. Mặt khác, GHPGVNTN quốc nội và hải ngoại không bao giờ quên công đức của Cộng đồng Người Việt Hải ngoại qua các tổ chức tôn giáo, đảng phái, hiệp hội, báo chí khắp thế giới, đã tích cực và tự nguyện đóng góp mọi mặt hỗ trợ Phong trào Giải trừ Pháp nạn do GHPGVNTN và quần chúng Phật tử trong nước phát động.

Mong tất cả chư liệt vị tiếp tục cuộc hỗ trợ cho tới ngày dân tộc Việt Nam đạt được tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ đích thực.


Tỳ Kheo THÍCH HUYỀN QUANG
Quyền Viện Trưởng Viện Hóa Ðạo GHPGVNTN
(ký tên và đóng dấu)

Bản sao kính gửi :

  • Ông Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCNVN, Hà Nội, do Văn phòng II Viện Hóa Ðạo đặt tại Hoa Kỳ chuyển đạt với thư kèm. Vì tất cả mọi cơ quan, văn phòng của Giáo hội trong nước đã bị phong tỏa triệt để ; “Ðể kính trình việc”;
  •  Ông Tổng Thư ký LHQ, do Văn phòng II Viện Hóa Ðạo tại Hoa Kỳ chuyển đạt, “Ðể yêu cầu cứu xét và can thiệp hữu hiệu hơn” ;
  • Qúy vị lãnh đạo các Chính phủ, các Quốc hội, các Tôn giáo, các Tổ chức Nhân quyền, Ân Xá Quốc tế, các Tổ chức Nghiệp đoàn và các Cơ quan truyền thông, hãng thông tấn, báo chí quốc tế, do Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế của GHPGVNTN đặt tại Paris chuyển đạt ; “Ðể xin tiếp tục hỗ trợ”;
  • Chư Liệt vị Giáo phẩm cao cấp, trung cấp lãnh đạo Giáo hội quốc nội và hải ngoại
    “Ðể thay báo cáo và yêu cầu nghiên cứu, khai thác và tùy nghi làm việc” ;

Lưu chiếu tại Văn phòng Lưu vong Viện Hóa Ðạo

Check Also

VCHR và FIDH đệ trình báo cáo chung đến LHQ cho Kỳ Kiểm Điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) của Việt Nam

PARIS, ngày 11 tháng 10 năm 2023 (VCHR) : Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *