Home / Tài liệu / Viện Hóa đạo : Vesak 2549 : Ðạo Từ Phật Ðản 2549

Viện Hóa đạo : Vesak 2549 : Ðạo Từ Phật Ðản 2549

Download PDF
Vien Hoa DaoGIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN HÓA ÐẠO

Thanh Minh Thiền viện, 90 Trần Huy Liệu, Phường 15, Quận Phú Nhuận, T.P. Hồ Chí Minh


Phật lịch 2549
Số 03/VHÐ/VT

ÐẠO TỪ PHẬT ÐẢN 2549
của Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Ðạo

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch Chư Tôn đức Giáo phẩm, Hòa thượng, Thượng tọa, Ðại đức Tăng Ni,
Thưa toàn thể quý vị Cư sĩ thiện tri thức, Nam Nữ Phật tử trong và ngoài nước,

Nhiệm mầu thay Ngày Phật Ðản, ngày Chánh pháp ra đời, cõi kham nhẫn được giải thoát, muôn loài được giác ngộ. Thông điệp hùng tráng nhất mà đức Phật đem lại cho nhân sinh là cùng mọi người thành Phật. Từ vô thủy, chư Phật Thế tôn đều xuất từ nhân gian. Cho nên kinh nói : nhân thân nan đắc, được làm thân người là rất khó. Vì trong năm cõi, cõi người là nơi thích hợp nhất cho việc bẩm thụ Phật pháp, giác ngộ chân lý, viên thành chính giác.

Ðón mừng Phật Ðản là tưởng nhớ công ơn cao dày của đức Phật để chuẩn bị thành Phật. Thành Phật là chứng ngộ chân lý, thực hiện tự do cho mình và cho mọi người. Bởi thế Phật pháp lấy loài người làm gốc trong việc cứu độ các loài hữu tình. Chỉ chuyên tâm phóng sinh chim cá, mà chẳng đoái hoài đến đồng loại đang rên siết vì đói nghèo, áp bức, là không đúng với tinh thần của Phật pháp.

Với tinh thần giải phóng tự kỷ và tịnh hóa nhân gian mà đạo Phật du nhập Việt Nam, đưa dân tộc bước lên đường văn hiến như một khẳng định của trí tuệ, từ bi và tự chủ. Thời cuộc có thịnh suy, nhưng đạo Phật chưa thăng trầm trong đại nguyện cứu khổ, mà cứu khổ là đưa người đến bến bờ tự do, giải thoát. Người Phật tử thực hành đạo Phật cũng là đóng góp xây dựng quê hương. Ðây là hai mặt của một thể thống nhất giữa Dân tộc và Phật giáo, mà lịch sử đã minh chứng 2000 năm qua.

Bởi thế không thể tách lìa vận mệnh dân tộc với vận mệnh chánh pháp. Nhà Nho Mâu Bác sang Giao châu lánh nạn cuối thế kỷ thứ II sau Tây lịch, rồi quy y theo Phật, nhận định rằng : “Bản chất của đạo Phật là ở nhà có thể đem mà thờ cha mẹ, giúp nước có thể đem mà giáo hóa dân, sống một mình có thể đem mà trị thân”. Lục độ tập kinh phát hành ở nước ta vào thế kỷ thứ III sau Tây lịch cũng có câu : Bồ tát thấy dân kêu ca, do vậy gạt lệ xông vào nơi chính trị hà khắc để cứu dân khỏi nạn lầm than.

Cho nên lòng từ bi của Bồ tát đã phát động, thì ý chí không dời đổi, dũng tâm cứu độ, ngay cả thân mệnh cũng không tiếc. Theo tinh thần ấy mà đầu năm nay khi gửi Lời Chúc Xuân đến quí vị Nhân sĩ, Trí thức, Văn Nghệ sĩ, và Ðồng bào trong và ngoài nước, tôi xác nhận rằng : Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và trong cương vị Tăng sĩ, chúng tôi không làm chính trị, không tham gia chính trị. Nhưng chúng tôi phải có thái độ chính trị. Thái độ này thể hiện giáo lý nền tảng của đạo Phật, là cứu chúng sinh ra khỏi mọi nạn ách, khổ đau để tạo điều kiện giác ngộ. Tuy không làm chính trị, nhưng Giáo hội ủng hộ mọi nỗ lực chính trị nhằm bảo vệ đất nước, bảo vệ truyền thống văn minh nòi giống, âu lo cho mỗi con người được sống đời no ấm, tự do, được hưởng trọn các quyền con người cơ bản. Và cùng với sự hậu thuẫn tinh thần của Giáo hội, hàng nam nữ Cư sĩ Phật tử tại gia có thể trực tiếp đóng góp vào công cuộc chung với tinh thần lợi tha bình đẳng.

Nhìn lại quá khứ lịch sử nước ta, đạo Phật chỉ phát triển ở các triều đại không có nạn ngoại xâm, không có sự chuyên quyền, áp bức. Vì vậy, các thiền sư Phật giáo từ thời lập quốc cho đến các triều Ðinh, Lê, Lý, Trần, Lê gặp lúc biến, cũng tham gia chống đỡ triều đình hay chống ngoại xâm. Việc yên và xong giặc, các ngài lại trở về nơi thiền viện lo việc an tâm và giáo hóa.

Thưa quí Liệt vị,

Ngày nay cũng thế, nương vào Chánh pháp nhưng phải y vào thế gian làm trợ duyên mới hoàn thiện đạo đức. Xã hội nước ta hiện tại sa sút thảm bại từ tinh thần đến vật chất, quyền con người không có, tự do là số không, nên chưa thể làm trợ duyên cho công cuộc hoằng pháp lợi sinh. Các quốc gia văn minh trên thế giới đã thực nghiệm những giải pháp sáng suốt và an lạc cho dân tộc họ. Còn nước ta thì nhà cầm quyền vẫn thi hành chính sách đàn áp để khư khư nắm giữ đặc quyền đặc lợi cho thiểu số cầm quyền, chẳng đếm xỉa đến 80 triệu lương dân.

Trước thảm nạn ấy, người thì cúi đầu cam chịu, người thì giả coi như không có vấn đề. Là Tăng sĩ xuất gia, hay người con Phật tại gia, chúng ta không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước quốc nạn và pháp nạn, nghĩa là phải nhận thức khổ nạn của dân tộc và nhân loại để giải quyết khổ nạn ấy, đưa nhân sinh đến bến bờ tự do, giác ngộ. Ðạo xuất thế là bỏ thế giới trầm luân đi vào thế giới giác ngộ. Hơn bao giờ hết, người Cư sĩ Phật tử không những phải lấy thái độ, mà còn phải hoạt động để thi hành nền chính trị đức hóa, nối kết sinh mệnh mình với sinh mệnh dân tộc mà cũng là sinh mệnh của Chánh pháp.

Phật Ðản năm nay là lần thứ ba mươi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất kiên trì vận động cho tự do tôn giáo, dân chủ và nhân quyền. Không có tự do tôn giáo, dân chủ và nhân quyền, thì pháp nạn của Giáo hội không thể giải quyết, đạo Phật không thể hoằng dương, quốc nạn không thể giải trừ. Lịch sử nước ta từ sáu mươi năm qua chưa là sự giải phóng con người, vì mải mê tranh chấp, hận thù, nên kết quả đã tạo ra vô vàn đau thương cho dân tộc.

Tôi xin kêu gọi chư Liệt vị tôn túc cùng toàn thể Phật giáo đồ trong và ngoài nước hãy khai thông sự bế tắc và bất lực đang đè nặng trên thân phận người dân trong nước. Bằng cách đó mà hiến dâng lên đức Thế tôn lòng tri ân của chúng ta trong Ngày Phật Ðản.

Thanh Minh Thiền viện – Saigon, Mùa Phật Ðản 2549
Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, GHPGVNTN

Sa môn THÍCH QUẢNG ÐỘ

Check Also

Bản Hiến chương GHPGVNTN tu chỉnh lần cuối ngày 4 tháng 12 năm 2015

  HIẾN CHƯƠNG GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT Bản tu chỉnh thông …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *