PARIS – Viện Hóa Ðạo trong nước vừa gửi đến Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế để phổ biến bản Quyết định mang số 04/VHÐ/QÐ/VT do Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), ký ngày 27.8.2005 chuẩn y thành phần nhân sự Ban Ðại diện GHPGVNTN tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2005-2007.
Ðây là Ban Ðại diện Giáo hội thứ tư ra đời trong khoảng thời gian gần hai tháng qua : Ban Ðại diện GHPGVNTN Quảng Nam – Ðà Nẵng ra đời hôm 8.7.2005 ; Ban Ðại diện GHPGVNTN Thừa thiên – Huế ra đời hôm 18.7.2005 ; Ban Ðại diện tỉnh Bình Ðịnh ra đời ngày 9.8 (xin xem chi tiết trong 3 bản Thông cáo báo chí phát hành ngày 14, 18.7, và 12.8.2005, hoặc trên Trang nhà : http://www.queme.net) ; và nay là Ban Ðại diện tỉnh Khánh Hòa. Ðồng bào Phật tử trong và ngoài nước đã vô cùng phấn khởi trước tin tức phục hồi sinh hoạt tôn giáo trong thực tế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại các tỉnh cơ sở kể từ Ðại hội Bất thường của Giáo hội tổ chức tại Tu viện Nguyên Thiều ngày 1.10.2003, mặc dù nhà cầm quyền cộng sản còn liên tục đàn áp, bắt bớ, quản chế hàng giáo phẩm cao cấp. Theo tin từ Viện Hóa Ðạo thì suốt trong ba ngày 15 đến 17.8.2005, toàn Ban Ðại diện tỉnh Bình Ðịnh đã bị công an mời đi làm việc, hăm dọa không được tiến hành Phật sự dưới danh nghĩa của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Ðặc biệt Hòa thượng Thích Tâm Liên, Chánh đại diện tỉnh Bình Ðịnh đã phải làm việc suốt hai ngày 16 và 17.8, khiến Hòa thượng ngất xỉu phải chở vào bệnh viện Bồng Sơn cấp cứu. Nhưng Hòa thượng Thích Tâm Liên cũng như toàn Ban Ðại diện 18 vị đều đồng thanh giữ vững lập trường trung kiên với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, bẻ gãy tất cả lập luận phi lý của công an Bình Ðịnh, và quyết tâm tiến hành Phật sự. Tại Khánh Hòa, mặc dù công an làm áp lực, hăm dọa đủ điều, nhưng chư Tăng vẫn không sờn lòng thối chì để hình thành Ban Ðại diện. Bốn bản Quyết định chuẩn y các Ban Ðại diện này đều gửi bản sao thông báo đến Ủy ban Nhân dân tại 4 tỉnh nói trên. Nguyên văn bản Quyết định công nhận Ban Ðại diện GHPGVNTN tỉnh Khánh hòa được viết như sau :
VIỆN HÓA ÐẠO
Thanh Minh Thiền viện, 90 Trần Huy Liệu, Phường 15, Quận Phú Nhuận, T.P. Hồ Chí Minh
Phật lịch 2549 |
Số : 04.VHÐ/QÐ/VT
|
– Chiếu Hiến Chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) được tu chỉnh tại Ðại hội Khoáng đại kỳ V ngày 12.12.1973.
– Chiếu Giáo chỉ số 04 ngày 17.7.2003 Ðại hội Bất thường tại Tu viện Nguyên Thiều tỉnh Bình Ðịnh về việc cung thỉnh, bổ sung và kiện toàn nhân sự Hội đồng Lưỡng viện GHPGVNTN.
– Chiếu Biên bản cuộc họp ngày 26.07.2005, tại chùa An Dưỡng, Tp. Nhatrang, bầu và thỉnh cử thành phần Ban Ðại diện lâm thời GHPGVNTN tỉnh Khánh Hòa.
– Chiếu Văn thư số 01/BÐD/VP ngày 26.07.2005 của Thượng tọa Thích Tâm Trí đệ trình danh sách Ban Ðại diện lâm thời GHPGVNTN tỉnh Khánh Hòa.
– Chiếu nhu cầu Phật sự trong việc phục hồi sinh hoạt GHPGVNTN tại tỉnh Khánh Hòa.
Ðiều 1 : Nay chuẩn y thành phần nhân sự Ban Ðại diện Lâm thời GHPGVNTN tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2005-2007 như sau :
Chánh Ðại diện : Thượng tọa Thích Tâm Trí
Phó đại diện : Thượng tọa Thích Chí Viên
Phó Ðại diện : Thượng tọa Thích Ðồng Tu
Chánh thư ký : Thượng tọa Thích Thiện Dương
Thủ quỹ : Sư Cô Thích Nữ Thông Mẫn
Ðặc ủy Tăng sự : Thượng tọa Thích Ðồng Tu (kiêm)
Ðặc ủy Hoằng pháp : Thượng tọa Thích Tâm Trí (kiêm)
Ðặc ủy Cư sĩ : Thượng tọa Thích Chí Viên (kiêm)
Ðặc ủy Tài chánh : Sư Cô Thích Nữ Thông Mẫn (kiêm)
Ðiều 2 : Ðể Phật sự Giáo hội được viên mãn, trong thời gian nhiệm kỳ, Ban Ðại diện lâm thời có bổn phận cung thỉnh bổ sung Ban Cố vấn cùng các Ðặc ủy – đúng theo Hiến chương đã qui định.
Ðiều 3 : Các Quyết định trước đây trái với Quyết định này đều hủy bỏ.
Ðiều 4 : Quý Hòa thượng và Thượng tọa Phó Viện trưởng, Tổng thư ký, Tổng vụ trưởng và Vụ trưởng các Tổng vụ chiếu nhiệm thi hành quyết định này.
Viện trưởng Viện Hóa Ðạo
(ấn ký)
Sa môn Thích Quảng Ðộ
Nơi nhận :
– Chư Tôn giáo phẩm Hội đồng Lưỡng viện
– VP.2 VHÐ và Quý GHPGVNTN Hải ngoại
– Ban Ðại diện các Miền, Tỉnh, Thành phố, Quận trong nước
“để kính tường và liên lạc hỗ trợ Phật sự”
– BÐD GHPGVNTN tỉnh Khánh Hòa “để chiếu hành”
– Quý UBND tỉnh Khánh Hòa “để trình việc”
– Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế tại Paris “để phổ biến”
– VP. VHÐ. Lưu
Ðài Á châu Tự do trong chương trình phát về Việt Nam ngày 23.8.2005, phóng viên Ỷ Lan đã phỏng vấn Hòa thượng Thích Quảng Ðộ về ý nghĩa lễ Vu Lan, Mùa Báo hiếu, trong bối cảnh xã hội Việt Nam ngày nay. Sau đây chúng tôi xin chép lại nguyên văn cuộc phỏng vấn ấy để cống hiến bạn đọc một cái nhìn thức thời từ nơi quê hương Việt :
Ðài Á châu Tự do : Nhân dịp Mùa Vu Lan Phật lịch 2549 năm nay, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đã dành cho Phái viên Ỷ Lan của Ban Việt ngữ một cuộc phỏng vấn về ý nghĩa ngày Vu Lan Báo hiếu. Mời quý vị theo dõi :
Ỷ Lan : Kính chào Hòa thượng Thích Quảng Ðộ. Vừa qua Hòa thượng gửi một Thông bạch Vu Lan đến chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử trong và ngoài nước. Kính xin Hòa thượng hoan hỉ cho thính giả được biết nội dung của Thông bạch này.
HT. Thích Quảng Ðộ : Cũng như Ðạo hữu biết, Vu Lan là ngày truyền thống, ngày báo hiếu. Trước kia chứ bây giờ thì cũng hơi nhạt nhạt. Bây giờ người ta có coi tổ tiên, cha mẹ có ra cái gì đâu ! Bây giờ chính nền tảng gia đình của người Việt Nam cũng bị hủy hoại dần dần. Họ nói thờ cúng tổ tiên là mê tín dị đoan. Chết là hết, còn gì, việc gì mà thờ cúng với hiếu nghĩa. Cho nên cái ý nghĩa Vu Lan bây giờ cũng đã phai nhạt. Họ nhồi vào những tư tưởng Duy vật như vậy, thành ra cũng phai mờ dần.
Nhưng mà còn nước còn tát, giấy rách giữ lấy lề, cho nên mỗi lần Vu Lan về thì Giáo hội kêu gọi những người Phật tử nếu còn giữ được tâm Phật, còn hiếu dưỡng đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ thì nên nhớ đến ngày đó, để mà nhớ ơn, trả ơn. Ðối với ông bà, tổ tiên, cha mẹ cái ơn ấy rất sâu nặng. Ngoài ra lại còn ơn đối với chúng sinh, đối với xã hội. Bởi vì thế giới theo Phật là thế giới nhân quyên. Nó là những quan hệ chằng chịt, ràng buộc với nhau. Không ai có thể, từ cá nhân đến gia đình, đến xã hội, không ai có thể sống cô lập. Nhất là thế giới ngày nay. Chỉ một cái dầu hỏa mà nó cạn kiệt đi là cả thế giới nguy hiểm.
Ai cũng phải nghĩ đến ân nghĩa với tổ tiên, cha mẹ, ông bà trong gia đình. Ân nghĩa của chúng sinh trong xã hội. Bây giờ nói đây, thí dụ như tôi có thể ngồi đây tụng kinh, cầu nguyện, giảng đạo cho tín đồ, nếu như họ còn có nhu cầu, thì đó là cái việc tôi làm, rồi họ nuôi tôi bằng cách họ bố thí, cúng dường để trả ơn. Thế thì bây giờ ngoài xã hội cũng thế, một ông Quốc trưởng, ông Thủ tướng, ông Bộ trưởng chẳng hạn, ông có làm ra được hạt gạo đâu ? Cũng phải nhờ những người nông dân chân lấm tay bùn làm ra hạt gạo. Chứ mấy ông có làm ra được gạo để ăn đâu ? Thành ra các ông phải có nợ với người nông dân. Ông có thể dệt lấy tấc vải ông mặc đâu ? Ông phải đi mua, thì ông lại phải có nợ với người trồng bông, những người chế ra máy dệt, những người công nhân dệt, rồi những người thợ may may thành quần áo. Thành cứ nói một cách thế thôi. Thậm chí cái đinh nhỏ trong giày của ông, ông cũng không làm được !
Thế mà rồi ông về ông lên án, hồi 75, ông lên án các ông Sư ở đây là ăn bám ; nên ta phải quyết tâm tiêu diệt cái bọn ăn bám xã hội. Hồi đó tôi đã đưa ra giảng đường Ấn Quang tôi nói : Ai ăn bám xã hội ? Các ông cũng ăn bám thôi ! Mà giả dụ các Sư ăn bám thì cũng không gây nên tội. Các Sư đâu có giết người, hại người để mà ăn bám ? Còn họ ăn bám, họ còn giết bao nhiêu người nữa. Thủ đoạn chính trị nó tàn bạo lắm, vừa ăn bám vừa hại người. Cái đó tôi nói hẳn như vậy đó.
Tất cả, theo Ðức Phật, thì chúng sinh đều có nợ lẫn nhau. Cho nên nói luân hồi, thì chúng sinh bao nhiêu kiếp trước đều là cha mẹ, họ hàng, vợ chồng, con cái lẫn nhau cả. Như vậy là thế giới đều có nợ với nhau cả. Cho nên ngày Vu Lan nhắc nhở người ta ai cũng có nợ, lo mà trả nợ một phần nào. Chứ đừng vong ân phụ nghĩa. Cho nên Cộng sản chủ trương không thờ ông bà tổ tiên, đó là cái thất bại của chủ nghĩa Cộng sản. Người gần nhất với mọi người, là ông bà, tổ tiên, cha mẹ mình, mà nếu không nhớ ơn, làm sao nhớ ơn nước ? Kêu gọi yêu nước, yêu tổ quốc, nhưng mà họ đã không có hiếu đạo với cha mẹ, ông bà, tổ tiên họ, thì họ biết tổ quốc là ai ? Thế cho nên bây giờ lại đổi ra yêu Tổ quốc, yêu Ðảng, “Trung với Ðảng, hiếu với dân”. Bây giờ bố mẹ họ, họ cũng không hiếu.
Một giọt máu đào còn hơn ao nước lã. Tất cả các việc tốt bắt đầu từ gia đình. Không cho người ta hiếu với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Ðổ bàn thờ người ta đi, thì như vậy là cái kêu gọi hão, giả dối thôi. Cho nên phá cái phong tục thờ cúng tổ tiên là phá hoại đạo lý Việt Nam. Ai mà không còn biết thờ cúng tổ tiên, không thắp được nén hương, là người ấy bạc bẽo, phản bội tổ tiên Việt Nam. Mà phản bội tổ tiên Việt Nam là phản bội tổ quốc Việt Nam. Tất cả những phong tục ấy đều bắt nguồn từ Hồng Bàng, mà Hồng Bàng là Tổ quốc của mình, là người sáng lập ra đất nước này. Mà bây giờ bố mẹ, tổ tiên mình mình không cúng, không thờ thì mình còn nhớ gì đến Tổ Hùng Vương nữa đâu. Bây giờ đây, nói xa đi thì cái Nhà nước Cộng sản này chẳng còn non sông đất nước nữa. Bây giờ người ta đặt tên núi Các-mác, suối Lê-nin. Ngày xưa các cụ nói Non sông gấm vóc. Cả dải non sông này là gấm vóc của dân tộc Việt Nam. Bây giờ thì Núi Các-mác, suối Lê-nin, thì non sông ấy dâng cho Các-mác, Lê-nin, còn tổ tiên, ông bà còn ai nữa đâu, còn tấc đất nào đâu !
Cho nên bây giờ Vu Lan là nhắc nhở cho toàn thể dân tộc Việt Nam phải nhớ đến ân nghĩa của tổ tiên, người chết, người sống. Người sống mà người ta giúp mình, ai có nợ với mình thì phải trả. Người chết thì phải nhớ ơn xây dựng đất nước, xây dựng gia đình, phải nhớ ơn họ. Người Việt Nam nào không nhớ cái ơn đó thì không phải là người Việt Nam. Cho nên nội dung Vu Lan, thì năm nào cũng nhắc nhở. Không những chỉ dịp Vu Lan thôi, bất cứ dịp nào, Giỗ, Tết… có dịp là các Sư đều nhắc nhở đồng bào Phật tử như thế. Ăn quả thì nhớ người trồng cây.
Ðạo Phật vào Việt Nam nó tự nhiên như nước thấm vào đất vậy. Bởi vì dân tộc Việt Nam là dân tộc trọng hiếu nghĩa, thì đạo Phật cũng trọng chữ hiếu. Ngài Mục Liên là bài học chữ hiếu cho toàn thể người Phật tử của Việt Nam cũng như cho thế giới. Cho nên đạo Phật đi đến đâu là hòa nhập với văn hóa địa phương, y như nước thấm vào lòng đất vậy, không gây ra một xung đột nào. Trước kia, hầu hết Á Ðông là đất của Phật giáo, kể cả vùng Trung Ðông, Ba Tư… Ngài An Thế Cao là gốc nước An Tức, tức là Irak ngày nay, toàn là của Phật giáo. Tất cả các nơi Phật giáo như vậy, truyền đi đến đâu là hòa nhập ngay, hòa đồng ngay với văn hóa địa phương, không gây ra một sự xung đột nào. Trong lịch sử Phật giáo hơn 2500 năm qua chưa có một trang sử nào ghi nhận vì sự truyền bá Phật giáo mà một giọt máu đổ ra. Chưa có. Chưa một giọt máu đổ ra vì sự truyền bá Phật giáo, từ Ấn Ðộ sang đến Nhật Bản. Cho nên bây giờ truyền thống ấy cứ phải nhắc lại. Phật giáo là tôn giáo hòa bình, chỉ thích hòa bình, bất bạo động. Có được nền giáo lý như vậy, là vì xây dựng trên lòng Từ Bi. Lòng từ bi là tình thương. Ðức Phật thương không phải chỉ thương loài người không, mà cả đến từng con kiến cũng thương. Cho nên mỗi độ Vu Lan về là phải nhắc nhở cái ơn nghĩa đó, chứ không nên quên cái đó. Phong tục tập quán cũng có cái hay, cái dở. Cái dở mình nên bỏ đi hoặc thay bằng cái hay. Nhưng cái hay thì không bao giờ nên bỏ.
Cho nên Cộng sản chủ trương không thờ ông bà, tổ tiên là cái thất bại của chủ nghĩa Cộng sản. Cho nên khi ra Vũ Ðoài năm 82, 83, tôi ra ngoài Vũ Ðoài (1), tôi bảo người dân quê : “Này các vị cứ cố giữ lấy bàn thờ tổ tiên, ông bà, thì ông Mác, ông Lê-nin phải cuốn gói thôi !”. Họ bảo tại sao như thế ? – Bởi vì tổ tiên, ông bà là cái nguồn gốc của gia đình và là của tổ quốc nữa. Bây giờ, nếu ông Mác, ông Lê-nin các ông ấy bảo mê tín dị đoan, chết là hết còn gì mà thờ. Tôi giả dụ bây giờ một người nước ngoài nào đến một gia đình Việt Nam, người ta thấy mình thờ tổ tiên, ông bà, người ta thắp cho một nén hương. Người ta xã giao, lịch sự, người Tây phương có khi họ rất văn minh, lịch sự, họ thấy phong tục tập quán như vậy, họ thấy mình để dép bên ngoài, họ cũng tháo giày ra để ngoài, rồi họ vào thắp nén hương, khoanh tay, cúi đầu. Ôi giời, thấy dễ thương quá ! Tôi nghe cô Ỷ Lan nói tiếng Việt tôi thương lắm, dễ thông cảm lắm, coi như cô là người Việt chính cống rồi. Ấy đấy, đằng này ông Mác, ông Lê-nin ông vào, ông trợn trừng bảo : “Ừ, cái thứ này thờ ai đây ? Chết là hết rồi còn thờ cái gì ? ! Quăng đi !”. Ông dẹp gia đình người ta đi, dẹp bàn thờ người ta đi. Tôi bảo nếu làm như thế người tha đánh cho là tốt, rồi người ta mời ông ra khỏi nhà !
Cho nên lễ Vu Lan để giáo dục con em. Người sống, người lớn có bổn phận đóng góp, còn phải dạy cho con em uống nước nhớ nguồn. Cho nên Cộng sản ngày nay thất bại là bởi vì bảo uống nước rồi lấp giếng đi. Ngày Vu Lan nhắc nhở người ta nhớ ơn, trả ơn đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ…
Ỷ Lan : Xin cám ơn Hòa thượng đã dành cho Ðài Á châu Tự do cuộc phỏng vấn đặc biệt này.
(1) Năm 1977 Hòa thượng Thích Quảng Ðộ bị bắt cùng với Hòa thượng Thích Huyền Quang và 7 vị lãnh đạo Viện Hóa Ðạo, bị hành hạ, ngược đãi trong tù, nhưng nhờ dư luận quốc tế phản đối, các tổ chức nhân quyền quốc tế can thiệp, nên Hòa thượng được trả tự do ngày 12.12.1979. Sang ngày 25.2.1982, Hòa thượng bị bắt lại cùng với Hòa thượng Thích Huyền Quang vì “tội” chống kháng Ðảng cộng sản can thiệp vào nội bộ Phật giáo, thành lập một giáo hội công cụ phục vụ chính trị cho Ðảng. Hòa thượng Thích Huyền Quang bị lưu đày về Quảng Ngãi, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ bị lưu đày về nguyên quán ở xã Vũ Ðoài, tỉnh Thái Bình ở miền Bắc. Thân mẫu Hòa thượng cũng bị đày ra đây và đã chết trong hoàn cảnh đói lạnh, không thuốc men năm 1985.