Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin UBBVQLNVN / Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam viết thư gửi Quốc hội Châu Âu yêu cầu thúc đẩy Phái đoàn Hà Nội viếng thăm Bruxelles trả tự do cho tù nhân chính trị và chấp nhận cơ cấu giám sát nhân quyền tại Việt Nam của Liên Âu – UBBVQLNVN hoan nghênh lời kêu gọi của LHQ đóng cửa các trại Cai nghiện và Phục hội nhân phẩm mà UBBVQLNVN đã tố cáo tại LHQ từ thập niên 90

Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam viết thư gửi Quốc hội Châu Âu yêu cầu thúc đẩy Phái đoàn Hà Nội viếng thăm Bruxelles trả tự do cho tù nhân chính trị và chấp nhận cơ cấu giám sát nhân quyền tại Việt Nam của Liên Âu – UBBVQLNVN hoan nghênh lời kêu gọi của LHQ đóng cửa các trại Cai nghiện và Phục hội nhân phẩm mà UBBVQLNVN đã tố cáo tại LHQ từ thập niên 90

Download PDF

PARIS, ngày 15.12.2011 (QUÊ MẸ) – Nhân danh Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam, hôm 2.12.2011, ông Võ Văn Ái đã viết thư gửi Chủ tịch Quốc hội Châu Âu và các Dân biểu phụ trách vấn đề ASEAN (Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á) khi được tin Phái đoàn Hà Nội đến viếng Quốc hội Châu Âu hôm 5.12.2011.

Phái đoàn Hà Nội gồm có 70 người do ông Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu cùng với Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng. Phái đoàn sẽ tiếp kiến Chủ tịch Quốc hội Châu Âu, ông Jerzy Buzek, đồng thời gặp gỡ Phái đoàn Quốc hội Châu Âu đặc trách ASEAN. Chuyến đi cũng tiến tới việc ký kết Hiệp ước Thương mại.

Trong thư gửi qúy vị Dân biểu Châu Âu, ông Võ Văn Ái nhận định rằng “Tại Việt Nam, Đảng Cộng sản thu vét mọi lợi lộc viện trợ của Liên Âu, thương mại và đầu tư, nhưng chẳng tôn trọng nhân quyền là trách vụ được quy định trong Hiệp ước Hợp tác song phương với Liên Âu năm 1995”. Ông Ái cũng thúc đẩy Quốc hội Châu Âu lên tiếng đòi trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị như Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ, ông Trần Huỳnh Duy Thức và các nhà hoạt động dân chủ, đồng thời thúc đẩy Quốc hội Châu Âu có điều khoản về cơ cấu giám sát và thực hiện nhân quyền trong Hiệp ước Hợp tác và Đối tác Việt Nam – Liên Âu ký kết trong năm tới.

Sau đây là toàn văn bức thư nói trên dịch từ Anh ngữ :

THƯ GỬI ÔNG CHỦ TỊCH
VÀ QUÝ VỊ DÂN BIỂU QUỐC HỘI CHÂU ÂU
  

Thưa quý vị Dân biều Quốc hội Châu Âu,

Một phái đoàn cao cấp thuộc Quốc hội và các bộ từ Việt Nam sẽ đến viếng thăm Quốc hội Châu Âu. Liên Âu và Việt Nam có quan hệ mật thiết trong việc nâng cao sự phát triển Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên điều chúng tôi quan tâm là những lợi lộc trên phạm vi viện trợ và đầu tư Liên Âu mang lại đầu tiên và chủ yếu đều rơi vào tay Đảng Cộng sản hiện đang kiểm soát mọi lĩnh vực kinh tế và tạo ra bất bình đẳng xã hội nghiêm trọng, trong khi đó đa số nhân dân sống trong nghèo khó.

Mặc dù bị Điều 1 trong Hiệp ước Hợp tác song phương Liên Âu – Việ Nam năm 1995 bó buộc các nghĩa vụ tôn trọng nhân quyền và các lý tưởng dân chủ, Việt Nam vẫn cấm đoán có hệ thống mọi phê phán ôn hòa, mọi ly khai tôn giáo hay chính trị, và trên mọi hình thức tự do ngôn luận.

Ví dụ như trường hợp Việt Nam nhận sự tài trợ lớn lao của Liên Âu cùng các quốc gia thuộcLiên Âu để cải cách pháp luật. Thay vì sử dụng tài khoản này trong việc cải cách các luật pháp quốc gia phù hợp theo tiêu chuẩn luật nhân quyền quốc tế, thì Việt Nam sử dụng tiền đóng thuế của người dân Liên Âu để tăng cường các bộ luật hạn chế tự do, phi nhân quyền. Đặc biệt như các tội phạm “an ninh quốc gia” mơ hồ trong Bộ luật Hình sự, mà 7 điều dẫn tới án tử hình, thường được dẫn để bỏ tù các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền ; Điều 4 trên Hiến pháp quy định độc quyền chính trị dành cho Đảng Cộng sản, gạt bỏ đa nguyên chính trị, cấm đoán Công đoàn tự do và xã hội dân sự độc lập ; Pháp lệnh 44 trao quyền hành cho công an và viên chức địa phương quản chế đến hai năm hoặc đưa vào nhà thương điên bất cứ ai bị nghi ngờ phê phán chính quyền mà không cần án lệnh của tòa án ; Nghị định Báo chí số 2 áp đặt những hạn chế khắc khe đối với giới ký giả, cùng với hàng đống nghị định kiểm soát Internet và Blogs.

Sử dụng những luật pháp hạn chế, Việt Nam dùng các ép buộc quốc gia nhằm bịt họng mọi sự phê phán và tiêu hủy các quyền tự do cơ bản. Chúng tôi hết sức quan tâm những vi phạm gần đây như :

Về tự do tôn giáo : Việt Nam kiểm soát mọi tôn giáo và đàn áp các tôn giáo không được nhà nước công nhận. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) một giáo hội độc lập và là tôn giáo lớn nhất đang là mũi nhắm cho mọi sự đàn áp. GHPGVNTN bị chính quyền cấm đoán từ năm 1981, thành viên của giáo hội bị sách nhiễu, bắt bớ và cầm tù. Chúng tôi đặc biệt lo ngại cho cảnh ngộ khốn khó của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ vừa được suy tôn lên Đệ Ngũ Tăng Thống hồi tháng 11.2011, hiện bị quản thúc tại Thanh Minh Thiền Viện sau gần 30 năm tù đày. Giáo hội Công giáo La Mã khiếu kiện đất đai bị Nhà nước chiếm dụng đã bị đàn áp dữ dội, cũng như các dân tộc ít người miền thượng du Bắc Việt và Cao nguyên Trung phần cải đạo Tin Lành.

Về đàn áp các phê phán ôn hòa, các luật gia và những người hoạt động nhân quyền : Mặc dù Hiến pháp bảo đảm quyền tự do ngôn luận, chính quyền tiếp tục đàn áp các nhà bất đồng chính kiến, các luật gia và những người hoạt động nhân quyền vốn chỉ muốn biểu tỏ ôn hòa các phê phán hoặc kêu gọi cải cách dân chủ. Tháng tư 2011, chuyên gia luật pháp Cù Huy Hà Vũ bị kết án 7 năm tù và 3 năm quản chế vì tội “tuyên truyền chống phá XHCN” (chiếu điều 88 của bộ luật Hình sự) chỉ vì ông Vũ kêu gọi đa nguyên và phê phán Thủ tướng ; năm 2010, Luật sư cho nhân quyền Lê Công Định, bị kết tội theo điều 79, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức và 3 người khác bị kết án từ 5 năm đến 16 năm tù giam vì kêu gọi cải tổ chính trị.

Về bãi truất tự do Internet : Việt Nam ban hành nhiều sắc luật kiểm soát việc sử dụng Internet, kể cả Quy định 2008 đối với Blogs, và hạn chế việc sử dụng mạng lưới xã hội như Facebook. Nhiều Bloggers và ký giả điện tử bị bắt hay bị sách nhiễu, và Blogs bị đóng cửa. Chúng tôi cực kỳ lo ngại cho tình trạng sức khỏe và an ninh của Blogger Nguyễn Văn Hải (aka Điếu Cày). Ông bị tù và không được thăm nuôi kể từ tháng mười 2010 vì tội“tuyên truyền chống phá nhà nước XHCNVN”. Chẳng ai biết tình trạng ông hiện nay ra sao.

Về đàn áp biểu tình : Từ tháng 6.2011, những cuộc biểu tình chưa hề có, đã xẩy ra tại Hà Nội và Saigon chống cuộc xâm lăng Trung quốc vào lãnh hải Việt Nam. Sinh viên, học sinh cùng các giới nhân dân, kể cả giới nhân sĩ, trí thức, đảng viên cộng sản và tướng lĩnh về hưu, cùng nhau xuống đường. Công an đàn áp hung tợn những người biểu tình này. Ngày 28.8.2011, sau cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Quốc phòng tại Bắc Kinh, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh tuyên bố : “Kiên quyết xử lý tập trung đông người ở Việt Nam không cho tái diễn”.

Mặc dù bị cấm đoán, từ giữa tháng 9, nhiều cuộc biểu tình vẫn còn tiếp diễn vào ngày chủ nhật tại Hà Nội.

Quốc hội Châu Âu không ngừng kêu gọi chấm dứt các vi phạm nhân quyền và đẩy mạnh tiến trình cải cách dân chủ tại Việt Nam. Để thực hiện việc này, yếu tố quyết định là trong Hiệp ước Hợp tác Đối tác Liên Âu – Việt Nam ký kết trong năm tới phải có điều khoản về các cơ cấu giám sát và thực hiện sự tôn trọng nhân quyền. Chúng tôi kêu gọi quý vị Dân biểu hãy đặt vấn đề này với Phái đoàn Hà Nội trong cuộc gặp gỡ, và kêu gọi họ thực hiện các yêu sách cụ thể sau đây :

1. Chấm dứt mọi cuộc đàn áp các cộng đồng tôn giáo, đặc biệt trả tự do cho Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ và phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của GHPGVNTN ;

2. Trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho những Nhà bất đồng chính kiến, Bloggers, ký giả và các nhà hoạt động nhân quyền bị bắt giam vì biểu tỏ ôn hòa các quyền tự do cơ bản, như các trường hợp Cù Huy Hà Vũ, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy ThứcĐiếu Cày Nguyễn Văn Hải ;

3. Bảo đảm quyền tự do biểu tình bằng sắc luật mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hứa hẹn hồi tháng 11.2011, không tiếp diễn các hạn chế chiếu theo Nghị định 38, mà ban hành một khung pháp luật bảo đảm thực sự cho quyền biểu tình ôn hòa ;

4. Bãi bỏ hoặc xét lại các sắc luật trái chống với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế (chẳng hạn như Điều 4 trên Hiến pháp, Pháp lệnh 44, v.v…).

Chúng tôi xin cám ơn sự hậu thuẫn của quý vị cho nhân quyền và tự do tại Việt Nam.

Trân trọng.

Võ Văn Ái
Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam
& Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam
Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam hoan nghênh lời kêu gọi của LHQ đóng cửa các trại Cai nghiện và Phục hội nhân phẩm
mà Ủy ban đã tố cáo tại LHQ từ giữa thập niên 90
LHQ đặc nhiệm về Y tế, ông Anand Grover  
LHQ đặc nhiệm về Y tế,
ông Anand Grover
 

Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam hoan nghênh lời kêu gọi của LHQ đóng cửa các trại Phục hội nhân phẩm dành cho người cai nghiện và phụ nữ mại dâm mà Báo cáo viên LHQ đặc nhiệm về Y tế, ông Anand Grover, tuyên bố sau chuyến đi giám sát ở Việt Nam từ 25.11 đến 5.12.2011. Theo lời bình luận của ông sau chuyến đi, chuyên gia LHQ nhận xét rằng sự giam giữ và cách đối xử những người trong các trung tâm này chỉ hằn thêm “vết tích của sự kỳ thị”“vi phạm quyền chăm sóc y tế” (1).

Từ giữa thập niên 1990, Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam đã lên tiếng tố cáo tại LHQ những điều kiện khủng khiếp và kiểu cách giam cầm lạm dụng thường xuyên trong những cơ quan này, thời mà chính quyền thiết lập các Trung tâm Cải huấn (2) tại vùng quê trong chiến dịch bài trừ “tệ nạn xã hội”. Hàng chục nghìn người đã bị bắt thời ấy, không riêng giới mại dâm và ma túy mà cả những kẻ vô gia cư, trẻ mồ côi không nhà, người thất nghiệp hoặc nông dân không có hộ khẩu lang bạt trong thành phố kiếm việc làm. Theo báo chí nhà nước riêng tại Saigon, Cục Lao động, Thương binh và trợ tá xã hội đã ký 9000 giấy phép bắt vào các trung tâm này mà “chẳng hề đọc hồ sơ” (3).

Những trung tâm cải huấn này là những cơ quan hành chính chứ không là những thiết chế pháp luật, nên chẳng cần lệnh bắt giam, những sai lầm của công an hay lạm quyền xẩy ra như cơm bữa. Trước các hội nghị quốc tế tổ chức tại Hà Nội, công an được lệnh “quét sạch thành phố”, bằng cách bắt những kẻ vô gia cư, đa số là các thiếu nữ, đưa về các trung tâm nói trên. Lắm khi công an nhận được “tiền thưởng” cho mỗi người bắtvào trung tâm cải huấn.

Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam đã nhắc đến các trại này trong bản Phúc trình gửi Ủy ban LHQ Xóa bỏ các Hình thức Kỳ thị đối với Phụ nữ (CEDAW) (3).

Các nhà bất đồng chính kiến và những ai phê phán chính quyền cũng có thể bị đưa vào các trung tâm này. Pháp lệnh 44 về “điều chỉnh các vi phạm hành chính”, công an địa phương có quyền bắt bất cứ công dân nào bị nghi vi phạm “an ninh quốc gia” mà chẳng cần có sự xét xử của tòa án, để quản chế tại gia, đưa vào nhà thương điên, hoặc các “trung tâm cải huấn dành cho những thành phần xấu trong xã hội”, tức Trung tâm Phục hồi Nhân phẩm.

Thập tứ yêu tinh (ưu tiên) phục hồi nhân phẩm
Biếm họa HatKa (danlambao)
Biếm họa HatKa (danlambao)

Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam hoan nghênh sự kiện Việt Nam mời Báo cáo viên LHQ đặc nhiệm Y tế đến thị sát Việt Nam, và yêu cầu Việt Nam hãy thực hiện các điều LHQ khuyến cáo. Ủy ban cũng kêu gọi Việt Nam hãy lên tiếng mời các Báo cáo viên LHQ đặc nhiệm Tự do ngôn luận và Tự do tư tưởng, Báo cáo viên LHQ đặc nhiệm Tự do tôn giáo và Báo cáo viên LHQ đặc nhiệm Người bảo vệ nhân quyền đến Việt Nam thị sát.


(1) UN Expert urges Vietnam to close down Compulsory Rehabilitation Centres for Drug users and Sex Workers, United Nations, Geneva, 5 December 2011,

(2) Thuật ngữ Nhà nướcgọi các trung tâm này bằng nhiều tên khác nhau : Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội, Trung tâm Quản lý sau Cai nghiện, Cơ sở Dạy nghề và Giải quyết Việc làm.

(3) Alternative Report on the Implementation of the UN Convention on the Elimination of Discrimnation against Women (CEDAW, Vietnam Committee on Human Rights, Paris 2007).

Check Also

VCHR và FIDH đệ trình báo cáo chung đến LHQ cho Kỳ Kiểm Điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) của Việt Nam

PARIS, ngày 11 tháng 10 năm 2023 (VCHR) : Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *