Dưới đề tài “Từ chốn lưu vong Tăng sĩ Phật giáo trở về Việt Nam giữa cơn cuồng nộ chính trị” (Buddhist monk returns from exil to political storm in Vietnam), bản tin AFP (Pháp tấn xã) đánh đi từ Hà Nội ngày thứ ba 18.1.2005. Bản tin này ký giả Didier Lauras viết chung quanh cuộc gặp gỡ và phỏng vấn Sư Ông Thích Nhất Hạnh.
Cuộc phỏng vấn Sư Ông trên báo Nhân Dân hôm 13.1.2005 đã được Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế bình luận qua bản Thông cáo báo chí phát hành hôm 14.1.2005. Hôm nay, chúng tôi xin dịch nguyên văn bản tin Anh ngữ của AFP dưới đây :
Dưới bóng cây nhãn lớn trong vườn một ngôi chùa ở Hà Nội, một lão tăng Phật giáo hy vọng nói lên đôi điều sự thật chua xót (a few home truths) : Thích Nhất Hạnh trở về Việt Nam giữa cơn cuồng nộ tôn giáo và chính trị sau 38 năm lưu vong tại Pháp.
Cầm đầu một phái đoàn khoảng 200 người, đa số là người Pháp và Mỹ, ông đang làm chuyến viếng thăm 3 tháng trên xứ sở cộng sản kiểm soát chặt chẽ, mà ông bỏ ra đi năm 1967, là xứ sở mà sách vở và Pháp thoại thu băng của ông bị cấm đoán từ lâu.
“Chuyến đi của tôi không mang màu sắc chính trị”, vị sư 78 tuổi, khoác thân trong chiếc áo màu cam sẫm. Nhưng lời bình luận của ông tưởng như ngược lại. Cho tới gần đây, “Nơi này đã lan tràn sự sợ hãi và nghi ngờ. Cần gia tăng thông tin liên lạc để chuyển đổi, để đánh tan đi những nhận thức sai lầm”, Nhất Hạnh nói với AFP trong cuộc phỏng vấn, có nhiều ký giả Việt Nam bao vây với sự chú tâm theo dõi của nhiều viên chức nhà nước.
“Chúng tôi đã thấy dễ thở hơn những năm gần đây”, ông nói.
Nhưng với một số Phật tử trên đất nước này, thì cuộc sống vẫn khó khăn như cũ.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị cấm hoạt động từ năm 1981, vì cùng với mọi cơ sở trên toàn quốc, Giáo hội đã khước từ sự kiểm soát của đảng Cộng sản Việt Nam. Kể từ đó, một số vị giáo phẩm, kể cả hai khuôn mặt cao cấp của Giáo hội, đã phải trải cuộc đời họ trong tù ngục hay quản chế. Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang, 87 tuổi, và người phụ tá Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, 76 tuổi, bị nhà cầm quyền tố cáo lưu giữ “bí mật Nhà nước” và trong thực tế đang bị quản chế trong hai ngôi chùa khác nhau.
Nhất Hạnh chọn lựa kỹ càng chữ ông dùng.
“Chúng tôi muốn lắng nghe nghiêm chỉnh để hiểu biết thực tại”, nhà sư trả lời bằng tiếng Pháp, “Chủ trương của chúng tôi là lắng nghe mọi người, những Phật tử bất mãn hay những viên chức chính quyền đang đối đầu với những khó khăn” .
Hôm thứ hai nhà sư gặp gỡ các thành viên Ban Tôn giáo Chính phủ, một đơn vị chính quyền chuyên trách vấn đề tôn giáo và văn hóa. “Tôi yêu cầu họ hãy kiên nhẫn với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất”, nói xong ông cười (trong bản tin AFP tiếng Pháp thì viết là “một nụ cười nhu nhược”).
“Nhiều khi người ta cần cả tháng trời ngồi nói chuyện với nhau”.
Ông có được cho phép gặp gỡ các thành viên thuộc giáo hội bị cấm đoán không ? “Tôi mong thế,” ông trả lời. “Kẻ thù của chúng ta là sự kỳ thị và sợ hãi”.
Bị chính quyền miền Nam thân Mỹ bắt phải lưu vong từ năm 1967, nhà sư xin tị nạn ở Pháp, ở đó có thời ông giảng dạy tại Ðại học nổi tiếng Sorbonne. Năm 1982 ông về ở miền Tây Nam nước Pháp và thiết lập tại đây một cộng đồng (Phật giáo) mới. Tác giả của 100 cuốn sách, ông giảng dạy một dòng phái Phật giáo mới, áp dụng vào xã hội hiện đại và nhắm quyến rũ (lure) thế hệ trẻ để bảo vệ họ khỏi chủ nghĩa vật chất.
Nhưng không phải ai cũng say mê phương pháp của ông.
Ðối với Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế có trụ sở ở Paris, cơ quan thông tin của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, thì cuộc viếng thăm của Nhất Hạnh chung quy chỉ là “một hiệp ước với Ma vương” (Faustian pact) của chế độ độc tài cộng sản.
Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế than phiền rằng : “Cuộc viếng thăm được tuyên truyền rầm rộ làm cho người ta tưởng rằng đang có bao dung tôn giáo tại Việt Nam”.
“Hiệp ước Ma vương (Faustian pact) giữa Thích Nhất Hạnh và Nhà cầm quyền Việt Nam chỉ giúp cho ông ta phát triển dòng phái mới của ông mà thôi”.
Khi rời Paris, một trong những phụ tá thân cận của Nhà sư đã tố cáo một số Giáo hội bị cấm hoạt động trong nước che giấu “những lá cờ của chế độ cũ” miền Nam Việt Nam, chế độ bị Cộng sản miền Bắc đánh bại năm 1975.
Lời tuyên bố này không được Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế chấp nhận, và bị đánh giá mang mùi vị tuyên truyền.
Ông Võ Văn Ái, Giám đốc Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế mà cũng là kẻ thù không đội trời chung của chế độ Hà Nội, nói rằng : “Thích Nhất Hạnh vừa tặng món quà tuyên truyền cho chính quyền Hà Nội. Nhưng ông ta chẳng đóng góp gì cho lý tưởng tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam”.
“Ðó là một cách nhận thức”, vị sư già trả lời và không muốn nói thêm gì nữa.
“Tự do tôn giáo tại Việt Nam có đầy đủ hay không, đó là chuyện của các chính trị gia và các nhà báo. Các ông có thể tự đánh giá lấy mà chẳng cần lời tuyên bố của chúng tôi”.
Hôm thứ hai (vừa qua), hãng Thông tấn Việt Nam của Nhà nước đón mừng cuộc viếng thăm của nhà sư Nhất Hạnh khi nói rằng : “Thích Nhất Hạnh ca ngợi cuộc mở cửa của (Nhà nước) Việt Nam trong chính sách tín ngưỡng tôn giáo”.
(Bản dịch của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế)