11. Lê Thị Huệ : Nhìn lại các quốc gia tiến bộ đều là những quốc gia có nền văn hóa với nhiều ưu điểm, theo ông thì văn hóa Việt Nam có những ưu khuyết điểm nào trong việc phát triển quốc gia ?
Võ Văn Ái : Văn hóa hiện tại trong nước là văn hóa Mác-xít. Không phải văn hóa Việt Nam. Văn hóa Việt Nam phát triển theo con đường truyền thống có tiếp thu qua lịch trình 2000 năm so với thế giới có nhiều ưu hơn khuyết. Điểm khuyết của nền văn hóa Việt Nam là chưa phát triển tận cùng Ý thức Dung hóa. Cụ Phan Khôi là người giải thích ý thức dung hóa khá hình tượng. Cụ bảo tằm ăn lá dâu nhả ra tơ, voi ăn bã mía chỉ thoát ra phân. Tôi hiểu ý thức dung hóa là con tằm.
Tục ngữ ví von khá cảm động : Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn. Cảm động và chan chứa tình quê nhưng không thực tế. Nó chỉ biểu hiện quán tính nông dân lỗi thời không còn đáp ứng với thời đại công nghệ và xu thế toàn cầu hoá. Nhân loại ngày càng bước tới nền văn minh tổng hợp, vượt thoát biên giới quốc gia chật hẹp. Từ chân trời thiên niên kỷ thứ ba đã ló ra nền văn minh xuyên hành tinh. Thế mà người Việt cứ quanh quẩn với cái “ao nhà” xem ra bất tiện và lạc hậu. Từ cái “ao nhà” chan chứa tình quê, nay biến thành quán tính và lối suy nghĩ cục bộ, vùng miền, địa phương, tất khó phát triển và tiến bộ, đồng thời đánh mất tính nhân loại.
Truyền thuyết Âu Cơ – Lạc Long quân chia 50 con lên núi, 50 con xuống biển là biểu tượng quân bình giữa trí tuệ (núi) và trái tim tức hành động (biển). Thế nhưng chúng ta quên mất thế quân bình giữa tim và óc ấy, để sống mãi với vong thức phân hóa, chia rẽ, tranh chấp.
Điều còn thiếu trong nền văn hóa Việt Nam là tính sáng tạo. Thiếu sáng tạo nên giỏi bắt chước. Giỏi bắt chước dẫn tới việc đi làm mọi cho người. Những thế kỷ xưa, khi Phật giáo tàn tạ vì giới Cư sĩ trí thức Phật giáo vắng bóng, đạo Phật rơi vào tay các ông thầy cúng, thì sĩ phu Việt Nam đi học Tàu, rất chăm và rất cố tín. Đầu thế kỷ XX sĩ phu Việt Nam thức tỉnh trước sự xâm lấn Tây phương. Nhưng sự thức tỉnh ấy chỉ đẻ ra hai giới trí thức làm mọi cho Tây phương thực dân và Tây phương cộng sản. Không thấy các ông sáng tạo được tư tưởng gì cho sự tự do tối hậu của con người, không đẻ ra một triết lý chính trị cứu dân cứu nước như ông Gandhi bên Ấn Độ.
Nước ta cần phát triển tính tự trào. Người Việt nghiêm trang quá. Nghiêm trang đến nghiêm trọng, rồi quan trọng hóa cá nhân mình thành những thần hoàng xa lạ, cô đơn nơi miếu thờ. Khiến cho một quốc gia mà số tổng thống và thủ trưởng đông hơn dân. Ta biết châm biếm và châm biếm giỏi, nhưng là châm biếm người khác, châm biếm người đồng bào. Không biết tự trào, tự châm biếm mình, không biết tự thân phục thiện, tự thân cầu thị.
Do vị thế địa chính làm cho đất nước bị kẻ mạnh thường xuyên xâm lấn, châm biếm trở thành vũ khí của kẻ yếu, chưa biến thành xung lực đề kháng, chiến đấu (Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt / Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng). Hài lòng với những câu đối châm chọc, những bài thơ hai mặt rất chi nhà Nho, hãnh tiến vặt nên không thành tác phẩm lớn. Xài lâu qua trường kỳ lịch sử với bọn ngoại xâm, nay quay ngược trở thành châm biếm nhau trong cộng đồng dân tộc. Không còn biết quý trọng nhau. Nhân tài của nước Nhật được trân quý như Quốc bảo mỗi khi họ đi ra nước ngoài, được tôn vinh và bảo vệ. Nhân tài nước ta bị dân ta xúc xiểm, đàn hặc, ác khẩu, châm biếm, miệt thị. Sự châm biếm vô ý thức ấy được nền văn hóa chửi bồi dưỡng, trở thành nền văn hóa cáo buộc của Cộng sản và Chống Cộng. Chúng ta biến châm biếm thành mạ lỵ tục tằn, thành bia miệng giết người. Đánh mất sự khôn ngoan của tổ tiên Khôn ngoan đá đáp người ngoài / Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.
Cầu mong văn học nước ta xuất hiện một Lỗ Tấn, một Bá Dương, một Cervantès. Lỗ Tấn của Cố sự tân biên (Chuyện cũ viết lại), Bá Dương của Người Trung quốc xấu xí, Cervantès của Don Quichotte, để sau đó tượng hình cho tư tưởng Việt – tư và tưởng cho con đường siêu vượt mọi giới hạn (Grenzsituation).
12. Lê Thị Huệ : Ông trả lời như thế nào khi Việt Nam nói nhân quyền là vấn đề thuộc về văn hoá, và Việt Nam có văn hóa riêng về nhân quyên ?
Võ Văn Ái : Chị muốn nói Việt Nam đây là Nhà cầm quyền Cộng sản Hà Nội phải không ? Chỉ có Cộng sản Hà Nội mới lụm ca lụm cụm phát huy “Ngoại lệ nhân quyền Châu Á” như thế. Đảng Cộng sản và Nhà cầm quyền Hà Nội đại biểu cho ý thức hệ ngoại lai Tây phương Cộng sản. Họ thiếu hiểu biết và không có tư cách để đề cập văn hóa Việt Nam.
Tháng 5.1997, Viện Nghiên cứu Bắc Âu về Á châu học thuộc Đại học Copenhagen, Đan Mạch, cùng Trung tâm Nhân quyền Đan Mạch kết hợp với Bộ Ngoại giao Đan Mạch tổ chức cuộc Hội luận “Nhân quyền và các giá trị Châu Á” mời các học giả Anh, Bắc Âu, Đài Loan, Hoa Kỳ, Hồng Kông, Tây Âu và Úc đến tham luận. Tôi được mời tham dự cho Việt Nam. Bài tham luận của tôi “Human Rights and Asian Values in Vietnam” (Nhân quyền và Giá trị châu Á tại Việt Nam) sẽ là câu trả lời đầy đủ cho chị. Bài này được chọn với 13 tham luận in thành sách “Human Rights and Asian Values, Contesting National Identities and Cultural Representations in Asia” do nhà xuất bản Curzon Press ấn hành tại Luân Đôn, Anh quốc, năm 2000.
Nói tóm gọn có thể diễn trình như thế này : Á châu đi trước Tây phương rất sớm về Quyền Con Người. Quyền Con Người ở phương Đông đứng ở vị trí vũ trụ, chứ không riêng nơi vị trí pháp quyền trong xã hội phương Tây. Cần hiểu vũ trụ trong nghĩa vũ là không gian, trụ là thời gian, cũng như thế giới thì thế là thời gian, giới là không gian, hai phạm trù quy định sự suy tưởng và cuộc sống con người.
Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền LHQ được công bố năm 1948, manh nha và gợi hứng từ Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền thời Cách Mạng Pháp 1789 và 1793, từ Glorious Revolution / Bill of Rights của Anh quốc năm 1688 – 1689, và từ Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ năm 1776.
Nhưng gần ba nghìn năm trước, Đức Phật đề cao địa vị độc tôn của Con Người trong 6 thế giới (gồm 3 cõi lành – cõi Trời, cõi A Tu La, cõi Người – và 3 cõi ác – Súc sinh, Quỉ đói và Địa ngục). Khi Phật Thích Ca phát ngôn “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”, thì địa vị con người không còn bị khinh miệt, trái lại ở thế cao cả và ở địa vị trung tâm. Giác ngộ dễ thực hiện nhất ở thế giới con người, là lời Phật dạy. Vì cõi trời sung sướng nên giãi đãi, cõi súc sinh quá khổ lụy để nghĩ tới việc tiến thân.
Hệ thống Tam tài của Khổng giáo – Thiên Địa Nhân – đặt con người ở vị thế trung gian, nối liền giữa trời và đất. Câu nói của Mạnh Tử “Người dân quý nhất, vua nên xem nhẹ, đất nước là thứ yếu” (Dân vi quý, quân vi khinh, xã tắc thứ chi) là một phát biểu đề cao và tôn trọng Quyền Người, Quyền Dân.
Các nước độc tài, độc đoán, quân phiệt ở Á châu như Trung quốc, Bắc Hàn, Việt Nam, Miến Điện, Mã Lai của Mahathir… cao giọng vào đầu thập niên 90 đòi hỏi “Ngoại lệ Nhân quyền Châu Á” là thủ thuật bế môn tỏa cảng, đóng cửa giết người, đàn áp dân lành, đồng thời ngăn cản xự can thiệp của các nước Âu Mỹ và LHQ trên lĩnh vực Quyền Con Người. Xin làm thành viên LHQ tất phải tôn trọng Hiến chương, Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và các Công ước quốc tế của LHQ. Hà cớ gì chữ ký chưa ráo mực đã phản bội các công ước LHQ khi đòi hỏi biệt lệ nhân quyền Châu Á ? Ông Hồi giáo Mahathir của Mã Lai còn lên tiếng đòi viết lại bản Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế cho phù hợp với Châu Á ! Có nền văn hóa nào trên thế giới xem khinh con người ? Ngoại trừ nền văn hóa không-có-con-người của Cộng sản, nơi cá nhân là con số không trong tập thể.
Dư luận chung cứ tưởng Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền biểu trưng cho những ý niệm thuần tuý Tây phương, mà lại là Tây phương của Tư bản bóc lột, Tây phương thực dân. Nguyên nhân các ngộ nhận hay chống đối này đến từ sự thiếu hiểu biết hoặc vì thành kiến bài ngoại cố chấp. Đặc biệt do bộ máy tuyên truyền Cộng sản chống kích theo hai phạm trù vô sản – tư sản.
Trong thực tế, văn kiện Tuyên ngôn là một quá trình đúc kết dài lâu, qua một tập thể người thuộc nhiều nền văn hóa khác nhau của nhân loại.
Khởi sự ông René Cassin, người Pháp, có công dự thảo bản Tuyên ngôn mà ông quy chiếu và gợi hứng từ các bản Tuyên ngôn có trước : hai bản của Cách mạng Pháp (1789 và 1793) được biết dưới tên Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền ; Habeas corpus của Anh quốc năm 1679 ; và Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ năm 1776.
Nhưng người ta quên công lao và sự khởi xướng ban đầu của 40 tổ chức Phi chính phủ tại Hoa Kỳ. Nhóm này gợi hứng từ các điều ghi trong Hiến chương LHQ công bố năm 1945 tại San Francisco để hình thành một văn bản tuyên ngôn sơ bộ. Trong Hiến chương ấy đã hàm chứa 6 điều quan trọng đề cao Quyền Con Người làm nền tảng cho Tuyên ngôn sau này. Dựa theo văn bản của 40 tổ chức Phi chính phủ, ông René Cassin thổi vào luồng gió nhân bản của những tuyên ngôn thuộc hai thế kỷ 17 và 18. Sau đấy, LHQ cho thiết lập một tập thể soạn thảo Tuyên ngôn. Khởi đầu là Uỷ hội Nhân quyền ra đời tháng giêng 1946 với cuộc họp đầu tiên gồm 9 thành viên, từ ngày 29.4 đến 20.5.46, do phu nhân cựu Tổng thống Hoa Kỳ, Eleanor Roosevelt, chủ trì cùng với các chuyên gia như ông René Cassin (Pháp), Charles Malik (Liban), Peng-Chun Chang (học giả và đại sứ Trung hoa Dân quốc) và một nhân sĩ Châu Mỹ La tinh. Cuộc họp thứ hai với 18 thành viên, từ ngày 27.1 đến 17.2.1947, bắt tay vào việc soạn thảo Tuyên ngôn. Sau đó còn có 4 cuộc họp nữa mới đi đến văn kiện chính thức được chuẩn y ngày 10.12.1948, là Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền ngày nay (10).
Các cuộc Hội thảo do Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam thuộc cơ sở Quê Mẹ tổ chức tại Điện Quốc Liên ở Genève hằng năm vào dịp Hội đồng Nhân quyền LHQ họp, để vận động các phái đoàn chính phủ và phi chính phủ lưu tâm tới những vi phạm nhân quyền trầm trọng tại Việt Nam. Trên đây là bích chương do chúng tôi mời tham dự Hội thảo về đề tài “Nhân quyền & Ngoại lệ Nhân quyền Châu Á”, với sự tham dự phát biểu của Nguỵ Kinh Sinh (Trung quốc), Giải Nobel Hoà bình Jose Ramos-Horta, Võ Văn Ái (Việt Nam), Haung Htun (Miến Điện), Lobsang Nyandak (Tây Tạng).
|
Nhật báo Le Monde tường thuật cuộc Hội thảo do Quê Mẹ tổ chức ở LHQ
|
Nhờ công trình của những nhân vật tha thiết yêu thương công lý và con người, bản Tuyên ngôn mới được chào đời. Đây là sự đúc kết của nhiều bộ óc cực kỳ linh mẫn, quyết không để nhân loại bị nghiến nát dưới gót sắc độc tài hay phát xít như vừa xẩy ra qua Thế chiến II. Bản tuyên ngôn cũng là sự kết hợp tính nhân đạo thuộc nhiều nền văn minh trong thế giới, chứ không là ý tưởng riêng biệt của Tây phương, như các nhà độc tài cộng sản, giới quân phiệt hay các nhà độc đoán Á châu tố cáo và rêu rao. Ví dụ sự đóng góp của ông Peng-Chun Chang đã mang lại tính thâm thuý Đông phương. Chính ông đã bênh vực và đưa vào bản Tuyên ngôn ý niệm và danh từ “Nhân phẩm” (Dignity) vốn không có trước đó.
Việt Nam có văn hóa riêng về nhân quyền. Đúng. Nhưng trong nghĩa bổ sung sự cao đẹp nhân quyền, chứ không chống bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Việt Nam đây là Việt Nam không Cộng sản. Trái lại, nhân quyền Cộng sản là Trại Tập trung Cải tạo lao động, là tố khổ, là tòa án nhân dân, là thảm sát người hiền lương, là phỉ nhổ nhân phẩm. Làm sao có được nhân quyền với thứ chủ nghĩa không-có-con-người của Cộng sản ? ! Vì vậy mà ngày bỏ phiếu thông qua Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền tại đại hội đồng LHQ năm 1948, Liên Xô và 5 nước chư hầu Ba Lan, Belarus, Tchecoslovaquie, Ukraine và Yougoslavie bỏ phiếu trắng vì chê Tuyên ngôn “lỗi thời”, “lạc hậu”. Hai nước chống là Arabie Saoudite và Nam Phi. Arabie Saoudite không chấp nhận việc con người có quyền thay đổi tôn giáo, không chấp nhận kiểu sống một vợ một chồng và không chấp nhận triệt tiêu chế độ nô lệ. Còn Nam Phi cho rằng việc cấm phân biệt đối xử là quá đáng.
Bộ luật Hồng Đức đời Lê mới là văn hóa nhân quyền của Việt Nam tiền Cộng sản, khiến giáo sư Olivier Oldman ở Đại học Havard, Hoa Kỳ, đánh giá cao bộ luật đời Lê này. Ông viết : “Việc xây dựng một nhà nước dân tộc mạnh với sự bảo hộ cho những quyền tư hữu hợp pháp bằng hệ thống luật pháp tiến bộ so với những quan niệm pháp luật phương Tây cận đại”.
Tôi xin đơn cử vài điều để so sánh luật thời Lê, thời vua chúa phong kiến nói theo ngôn ngữ Mác-xít Hà Nội, với “luật pháp” dưới triều đại Hồ Chí Minh, thời của “đỉnh cao trí tệ” :
Trong bộ luật thời Lê, ở điều 2 về Thập ác, tức 10 điều ác, thì tiết 1 về tội mưu phản, gọi là mưu mô làm nguy đến xã tắc, tiết 3 về tội mưu chống đối, tức mưu phản nước theo giặc. Ta thấy rõ luật pháp ở thời Lê liên hệ đến xã tắc, tức quốc gia, dân tộc, liên hệ đến việc giữ nước. Còn thời nay, các tội ấy liên quan riêng chế độ Cộng sản, chẳng liên quan chi đến đất nước. Người dân bị trừng phạt là những người có quyết tâm bảo vệ xã tắc và dân tộc, bảo vệ Tổ Hồng Bàng, nhưng không chịu thờ lạy ông Mác, ông Mao, ông Lênin.
Điều 3 trong Quốc triều hình luật thời Lê quy định 8 trường hợp được giảm tội, gọi là Bát nghị, thì có 3 trường hợp giảm tội cho những người có đức hạnh lớn, gọi là Nghị hiền, những người có tài năng lớn, gọi là Nghị năng, và những người cần cù, chăm chỉ, gọi là Nghị cần. Còn ngày nay, dưới chế độ Cộng sản, thì pháp luật bỏ tù, hành hạ, ngược đãi tất cả các hiền nhân lãnh đạo tôn giáo, các nhà trí thức, chuyên gia, văn nghệ sĩ, các nông dân, nghệ nhân, chẳng phân biệt ai. Cộng sản không cần người hiền, người tài, người cần cù cho tổ quốc, họ chỉ cần những tên nô lệ gọi dạ bảo vâng.
Điều 16 trong Quốc triều hình luật thời Lê, thì những người từ 70 tuổi trở lên, 15 tuổi trở xuống cùng những người phế tật đều được giảm khinh, cho phép chuộc tiền để thay tội ; từ 80 tuổi trở lên, 10 tuổi trở xuống mắc tội chết thì phải tâu vua xét lại ; từ 90 tuổi trở lên, 7 tuổi trở xuống có bị tội chết cũng không hành hình, đặc cách không thích vào mặt. Còn ngày nay dưới thời đại nhà Hồ, thì già đến 90 tuổi, 80 tuổi, 70 tuổi, trẻ đến 15 tuổi, 10 tuổi, 7 tuổi đều bị trừng trị không nương tay, và ở tù mút mùa. Tại các trại Cải tạo lao động, như trại Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai là một, những người già, bệnh, run rẩy 70, 80 tuổi đang chết mòn. Còn thiếu nhi, từ bé sơ sinh đến 9, 10 tuổi đầy dẫy trong các trại này.
Đấy, nội dung nhân quyền giữa một chính quyền dân tộc và một chính quyền ngoại lai mác-xít là như thế.
13. Lê Thị Huệ : Ông nghĩ gì về chủ nghĩa Cọng Sản và những hệ quả của nó trên đất nước Việt Nam ?
Võ Văn Ái : Chủ nghĩa Cộng sản là Hư vô chủ nghĩa, tập đại thành tiêu cực của triết lý Tây phương từ Platon đến Marx. Một chủ nghĩa Không-Có-Con-Người. Nó chỉ sản sinh loài nô lệ. Nô lệ là kẻ sống bằng giấc mộng của kẻ khác, chịu mệnh lệnh của kẻ khác. Kẻ khác hậu sản ra nó. Nó mất khả năng sáng tạo của con người toàn diện và toàn bộ trong các tương quan cá thể với thế giới, với mọi loài, và vũ trụ. Chủ nghĩa Cộng sản chỉ biết thống trị, không biết thành tựu thế mệnh nhân sinh.
Chỉ có Tuệ giác Siêu việt Bát Nhã của Không tính (Śūnyatā) Phật giáo mới có thể phá đổ toàn triệt tất cả chủ nghĩa Hư vô (11).
Phê phán của Marx về tư bản Tây phương thế kỷ XIX có tính công bằng và nhân đạo. Nhưng từ khi Lenine đem phê phán kinh tế và xã hội của Marx vào áp dụng chính trị Bolchevik ở Nga, rồi kế tục với Staline, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, thì chủ nghĩa Cộng sản biến thành chủ nghĩa hút máu, một thứ chính trị côn đồ – Voyoucratie – tập trung vô liêm sỉ các quyền lực quốc gia.
Marx để lại cho con gái Laura một thủ bản viết bằng tiếng Anh như lời tự thú khi ta đem so sánh với những chi đảng Cộng sản thực hiện trên địa cầu : “Ý tưởng của cha về sự khốn cùng, là sự ngoan ngoãn phục tùng (submission) và cái tật mà cha ghét nhất là sự nô lệ đê hèn (servility)”.
Hệ quả của chủ nghĩa Cộng sản trên đất nước Việt Nam còn gì phải hỏi : lỗi thời và tụt hậu vào hạng bét trên bảng thứ nhân loại từ tinh thần đến vật chất. Đưa nước Việt phú cường so với các nước Đông Nam Á trong vùng vào thập niên 60, 70, ngày nay tụt hậu sau các nước như Singapore, Thái Lan… Đại công thần của Nhà nước cộng sản là Tướng Võ Nguyên Giáp cũng phải thán lên trong thời gian chuẩn bị Đại hội X Đảng Cộng sản năm 2006 rằng : “Phải thấy rằng, đến năm 2020, nước ta vẫn còn là một nước kém phát triển ngay trong nhóm các nước ASEAN, vẫn còn thua Thái Lan khoảng 20 năm về chỉ tiêu GDP tính theo đầu người” !
Các nước chậm tiến rất khoái khoe sự giàu sang quốc gia bằng chỉ tiêu GDP (Gross Domestic Product, Tổng sản phẩm xã hội) tính theo đầu người. Ít khi, hoặc chẳng bao giờ, để tâm tính theo sự an sinh, hạnh phúc cho từng cá nhân !
Thế nhưng một quốc gia hiền hoà theo đạo Phật ở Á châu là Bhutan đã mở mắt cho nhân loại về sự hạnh phúc con người mới là điều đáng quý cần quan tâm. Chứ không phải đăm đăm chuyện phát triển kinh tế làm đủ. Năm 1972, trong công cuộc phát triển kinh tế hiện đại theo kế hoạch năm năm, vì vua cấp tiến Bhutan, Jigme Singye Wangchuck, đưa ra ý niệm Tổng Giá trị Hạnh phúc Quốc dân (Gross National Happiness, GNH). Ý niệm này căn cứ trên quan điểm phát triển thực hữu xã hội loài người phải bao gồm sự phát triển vật chất song song với phát triển tâm linh. Bốn cột trụ cho Tổng Giá trị Hạnh phúc Quốc dân là : 1. duy trì sự phát triển ; 2. bảo vệ và thăng tiến các giá trị văn hoá ; 3. bảo tồn sinh thái thiên nhiên ; và 4. thiết lập sự cai quản thiện hảo quốc dân (good governance).
Hiện nay LHQ cũng như nhiều quốc gia dân chủ trong thế giới đang noi gương theo ý niệm mới mẻ về con người theo tinh thần đạo Phật Bhutan này.
Vì chế độ Cộng sản mà nước ta chậm tiến một thế kỷ so với các nước trong vùng. Hãy nghe ông Hồ Chí Minh, lúc còn bí danh Nguyễn Ái Quốc, phát biểu ngày 13.10.1923 tại phiên họp thứ 7 tại Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế Nông dân ở Mạc Tư Khoa : “Tôi phải nói với các đồng chí rằng chúng tôi bị cai trị bởi một chế độ nô lệ. Chúng tôi không được quyền xuất bản báo. Chúng tôi không được quyền tự do đi lại ; chẳng hạn như chúng tôi không thể đi từ Mátxcơva đến Pêtơrôgrát được, chúng tôi phải xin được một tờ giấy thông hành, nếu không họ sẽ bắt giữ và ném chúng tôi vào tù. Cũng vậy, chúng tôi không được quyền hội họp nghĩa là chúng tôi không được quyền họp với nhau trên 4 hoặc 5 người nếu không có một giấy phép đặc biệt của cơ quan cai trị Pháp”. Hãy so sánh với tình trạng Việt Nam năm 2009 xem có phải là y nguyên như một thế kỷ trước hay không ? Có gì thay đổi đâu dưới thời Pháp thuộc so với thời đại Xã hội chủ nghĩa !
Tôi có đề xuất với giới sinh viên học Luật hay Khoa học Chính trị hãy làm một luận án tiến sĩ tỉ giảo “Bản án Chế độ Thực dân” đầu thế kỷ XX nói là của ông Hồ với tình trạng luật pháp ngày nay ở Việt Nam, để đưa ra kết luận thời thực dân Pháp dân ta bị mất tự do như thế nào, thì nay dưới chế độ Xã hội chủ nghĩa của ông Hồ Chí Minh chẳng nhúc nhích bao nhiêu.
Thực tế “Bản án Chế độ Thực dân” do các vị trong Hội các nhà Ái quốc Annam (Association des Patriotes Annamites) gồm luật sư Phan Văn Trường, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thế Truyền, v.v… ở Paris soạn thảo.
14. Lê Thị Huệ : Bây giờ nhìn lại, ông nhìn cuộc chiến Việt Nam vừa qua như thế nào ?
Võ Văn Ái : Đây là cuộc chiến thừa sai của hai khối Tư bản và Cộng sản. Người Việt Nam không có tiếng nói, không đạt được mục tiêu sơ đẳng là độc lập, hòa bình, nói chi tới tự do và dân chủ. Bi kịch thảm thương của nước Việt là số người chết cả hai bên Nam Bắc lên tới 8 triệu (lính và thường dân), chưa kể đất đai, rừng núi, nhà cửa bị tàn phá, văn hoá suy đồi.
Ấn Độ, Phi Luật Tân, Miến Điện, Singapore, … giành độc lập không thông qua chiến tranh đổ máu như Việt Nam cộng sản. Đâu là thần trí và văn hiến Việt Nam mà ta cứ hãnh diện hão ? Cho nên trách nhiệm này Đảng Cộng sản phải chịu trước lịch sử.
Trách nhiệm thương đau này cũng đến từ giới lãnh đạo chính trị và trí thức. Cuộc va chạm với Tây phương thế kỷ thứ XVI rồi Pháp xâm lược thế kỷ XIX chỉ đẻ ra được hai lớp trí thức theo Tây phương Tư bản và Tây phương Cộng sản. Không hội tụ thành giới sĩ phu dân tộc khôn ngoan đảm lãnh việc nước, như ta chứng kiến tại Nhật Bản, Singapore, Nam Hàn, Đài Loan.
Bi kịch nước ta là có quá nhiều anh hùng, liệt sĩ, khiến dân chúng ngày càng thống hận. Một nước văn minh, dân chủ đâu cần anh hùng ? Hoá ra anh hùng chỉ là mồi nhử của tử thần và sự bốc đồng, lừa đảo.
Một phần khác còn có trách nhiệm của thực dân Pháp. Nhà nước thuộc địa Pháp chỉ đẻ ra giới quan lại làm khuyển mã, tay sai, nhưng không đào tạo những cán bộ hành chính. Biến động 1945 ập tới, cả bộ máy quốc gia tan vỡ, không người điều hành, bỏ ngỏ cho những tay mơ cộng sản thao túng với mục tiêu Xô viết hóa dân tộc chứ không là xây dựng bộ máy nhà nước quốc gia.
Trái lại, ở các quốc gia thuộc Anh, ngoài tính cách thực dân, Anh quốc chú tâm đào tạo quy mô và hệ thống những viên chức hành chính tới cấp làng xã. Nhờ vậy sau biến động giành độc lập, các cơ quan hành chính toàn quốc không bị xáo trộn, khủng hoảng, mà được tiếp tục điều hành ổn định.
Trên đây chỉ đề cập hình thái vận hành một xã hội theo mô thức nhà nước. Chưa đề cập hay đặt lại vấn đề căn cơ là thể tính con người và sử tính dân tộc.
15. Lê Thị Huệ : “Nguyễn Trãi, Sinh Thức Và Hành động”, tác phẩm thể hiện triết lý sống của ông ? Ông đã viết tác phẩm này với mong ước gì ? Và Nguyễn Trãi là một mẫu trí thức dấn thân, bây giờ Nguyễn Trãi thời đại này phải làm cái gì ?
Võ Văn Ái : Ba lý do khiến tôi viết “Nguyễn Trãi, Sinh Thức và Hành động”.
Nhận thấy đa số trí thức Việt Nam, từ Bắc chí Nam của hai chế độ, ca tụng những ông thần hoàng Tây phương, đặc biệt trên lĩnh vực tư tưởng, triết học, văn hóa… tôi tự thấy nên bỏ công nhìn lại lịch sử và nhân tài nước mình xem dân Việt có gì đáng hổ thẹn trên học trường thế giới. Đó đã là bước đầu khi tôi tiếp cận với Nguyễn Trãi thập niên 60. Tôi nhận xét trong cuộc chiến tranh lúc bấy giờ, Hà Nội sử dụng lá bài dân tộc khi cho ra hàng loạt bài và sách nghiên cứu về Nguyễn Du, mà trước kia có thời họ chỉ trích, rồi Nguyễn Trãi, v.v… Thoạt đầu sự trở về cội nguồn dân tộc, nguồn cổ văn, làm tôi xúc động. Nhưng đọc các công trình này mới thấy chủ ý họ khai thác tình tự dân tộc cốt phục vụ cuộc chiến tranh Chống Mỹ, mà chống Mỹ là chống cho Liên Xô, làm lính đánh thuê cho Liên Xô, không cho dân tộc Việt. Một thứ tâm lý chiến, hơn là đào sâu và bộc lộ tính dân tộc trong việc giải quyết cuộc tranh chấp phân đôi thế giới nhằm đề xuất con đường chính trị mới cho Việt Nam. Truyền thống Việt Nam gọi là “bốn nghìn năm văn hiến” không đẻ ra được một Gandhi, một Nerhu như ở Ấn Độ.
Tôi nhớ hồi thập niên 60 khi tôi là thành viên trong Ban quản trị ngôi Chùa Phật giáo Quốc tế do tòa thị chính Paris thiết lập trong rừng Vincennes biên đô Paris, tôi có dịp trao đổi chính tình Việt Nam với ông Jean Sainteny, tác giả sách “Histoire dune Paix manquée” và “Face à Ho Chi Minh”. Ông là Giám đốc Ban quản trị chùa, một nhân vật chính trị Pháp thuộc phe kháng chiến của tướng De Gaulle trong thế chiến hai, dính líu vấn đề Việt Nam những năm 45 và là bạn của ông Hồ Chí Minh. Thời ấy tôi cũng giúp ông thu tập tài liệu Việt Nam cho sách ông viết. Ông Sainteny nói với tôi rằng người Cộng sản Việt Nam dùng lá bài dân tộc với mục tiêu cộng sản hóa đất nước cho Liên Xô.
Ông Jean Sainteny và ông Hồ Chí Minh trên chiến hạm Pháp ngoài Vịnh Hạ Long năm 1945.
|
Hơn chục năm sau, tôi bắt gặp lại ý kiến ấy nhưng cụ thể hơn trong sách “Duel Rouge” của François Missoffe nói về cuộc tranh chấp giữa 200 triệu người Xô Viết chống 800 triệu người Tàu. Ở chương 7 sách này, Missoffe tiết lộ cuộc chuyện trò với một đại tá tình báo Liên Xô tại Hà Nội năm 1945. Đại tá này nói đến chiến lược xích hóa các nước đệ tam thế giới của Liên Xô. Ta nên chú ý thời điểm của câu chuyện là năm 1945, thì mới tỏ tường các biến động lịch sử sau đó ở Việt Nam, Cuba, Ai Cập, Angola, v.v… Vị đại tá Liên Xô nói với François Missoffe :
“Chính trị cơ bản của Liên Xô thật dản dị. Phá đổ các cựu cường quốc Tây phương và Hoa Kỳ đang là vật cản hiển nhiên trước mắt chúng tôi. Chúng tôi có hai cách tiếp cận. Một là nuôi dưỡng các đảng Cộng sản ở bên trong. Hai là cắt đường những cường quốc Tây phương với kho nguyên liệu, nghĩa là chận đường tới các thuộc địa cũ. Để hoàn tất việc này chúng tôi thực hiện kế hoạch ba giai đoạn.
“Giai đoạn một, tái tạo hay phát kiến ý thức quốc gia thúc đẩy quần chúng giành độc lập. Việc này có nghĩa giúp đỡ nghiên cứu, khai quật khảo cổ học để chứng minh rằng, hai ba nghìn năm trước Jésus-Christ đất nước đã có cư dân, cần sáng tạo hoặc khôi phục lịch sử. Ý thức độc lập sẽ phổ biến nhanh chóng và kích động giới trí thức và sinh viên… Thật dễ kiếm trong số người Đông dương theo học ở Sorbonne. Cũng dễ tìm những thanh niên thuộc quốc du học các trường bên Anh không cứ gì ở đại học Oxford. Tất cả giới trí thức này đều khao khát tham chính.
“Như ngọn lửa cháy rừng, giai đoạn một này chẳng khó khăn chi. Giai đoạn hai : Ý thức quốc gia chắc chắn nổ ra tranh chấp với thế lực thuộc địa. Ở đây chúng tôi có thể hậu thuẫn giới đòi độc lập dân tộc. Trong mọi trường hợp, các anh khó đối diện với cuộc đấu tranh giành độc lập, vì nó nổ ra khắp mọi nơi, các anh ở xa hậu cứ, và các anh không thể giết hết mọi người. Kết luận : các anh buộc phải thương thảo với chúng tôi, còn chúng tôi thăng tiến quan điểm của chúng tôi [trên địa cầu].
“Một khi thu hồi độc lập, quốc gia trẻ trung còn mong manh và bị cô lập. Muốn có đủ phương tiện tất phải chọn theo một chế độ. Các quốc gia này có nhu cầu kết hợp. Quanh cái gì ?Chẳng cần là tiên tri, cũng có thể mường tượng ra. Kết hợp quanh một ý thức tôn giáo, hay quanh một ý thức chính trị. Ở Á châu này, tôi không tin tôn giáo là chất keo dính kết. Ý thức tôn giáo còn quá khuếch tán, nào là Hồi giáo, nào là Phật giáo… Làm sao liên kết mọi người quanh một chọn lựa tôn giáo thống hợp ? Chỉ còn lại ý thức chính trị, đó là đảng Cộng sản”. (Duel Rouge, François Missoffe, NXB Ramsay, Paris, 1977, tr. 33).
Trở lại câu hỏi của chị. Vấn đề dấn thân chỉ là phụ. Chính yếu là nan đề tư tưởng và thần trí một dân tộc. Cho nên khi viết về Nguyễn Trãi tôi cố tìm tòi, sờ mó, xem tư tưởng Việt Nam là gì, thần trí Việt Nam là gì ? Làm sao thoát ly thứ Praxis manh động nhị nguyên của Cộng sản ? Trong cùng ý hướng và thời kỳ này, tôi dịch bản kinh cơ bản tiếng Phạn của Phật giáo Prajāñāparāmita hŗdayasūtra / Kinh Ruột Tuệ giác siêu việt – Biện chứng phá mê trừ khổ. Tàu gọi là Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm kinh.
Lý do thứ hai, là trước cuộc khủng hoảng tâm thức và chính trị Việt Nam qua cuộc chiến tranh dữ dội, tàn khốc cuối thập niên 60 tôi muốn đối thoại với người làm chính trị Việt Nam, đặc biệt giới thanh niên, sinh viên, rằng có một con đường chính trị hào hùng Việt Nam ở thế kỷ XV. Đó là bản “Tâm pháp” của Nguyễn Trãi khai triển ở chương 9 như một Thông điệp chính trị của hồn thiêng sông núi.
Lý do thứ ba, tôi muốn kín đáo làm cuộc đối thoại với các học giả mác-xít ở Hà Nội. Cuốn sách viết xong năm 1971 tôi mong được in ở Saigon như một tiếng nói từ phương Nam. Nhưng anh Thanh Tuệ của nhà An Tiêm trì hoãn, chẳng hiểu lý do gì ? Bản cảo gửi riêng cho các bạn tri âm được các anh Quách Tấn, Nguyễn Hiến Lê, Bùi Giáng, Vũ Hoàng Chương… ngạc nhiên và tán thưởng sự tiếp cận của riêng tôi. Sau đó anh Mặc Đỗ, một tri âm khác, Giám đốc Nhà xuất bản Trương Vĩnh Ký tình cờ đọc bản cảo viết thư xin tôi giao quyền xuất bản với tiền nhuận bút khá hậu hĩ. Tôi biên thư dàn xếp với Thanh Tuệ, nhưng anh ta không khứng, mặc dù chúng tôi chẳng có giao kèo gì. Chỉ là chuyện tình cảm, mà Thanh Tuệ là đệ tử của Nhất Hạnh. Tạp chí Bách Khoa có giới thiệu một hai chương rồi chẳng bao giờ được in trong nước.
Đến năm 1981 do hoạt động cho Con Tàu ra Biển Đông vớt Người Vượt Biển (Tàu Đảo Ánh Sáng) tôi bị Hà Nội, Đảng Cộng sản Pháp cho đến mấy ông trong đoàn thể “quốc gia” ở Paris phá. Hậu quả là nhà in của chúng tôi ở Paris lâu nay tài trợ cho việc tranh đấu và in tạp chí Quê Mẹ bị vỡ nợ và bị tịch biên gia sản. Vào lúc xé lòng ấy tôi mới nghĩ chuyện xuất bản “Nguyễn Trãi, Sinh Thức và Hành động” như kỷ niệm một thời. Sau tái bản hai lần vào 1985, 1992.
Lý do đối thoại là tôi biết ở Hà Nội có những học giả uyên thâm, nhưng bị chế độ kềm kẹp văn hóa, không ai dám lên tiếng lại không có hoàn cảnh trước tác. Giới học giả của chế độ thì vô tình hay cố ý vo tròn theo luận điểm nhà nước Mác – Lê, nên sự khai thác vốn cũ dân tộc của các ông Nguyễn Hồng Phong, Trần Huy Liệu, Trần Văn Giàu, v.v… quá sai lệch, nguy hiểm. Ông Hà Văn Tấn một học giả uyên thâm, có công trình độc đáo khi viết về ba cuộc Kháng chiến chống Nguyên Mông. Nhưng bước sang lĩnh vực Phật học, thì tỏ rõ dấu ấn học thuật Mác-Lê ngăn cản ông tiến sâu vào quá trình nghiên cứu thích đáng. Nhân đọc bài ông Tấn viết trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử năm 1965 về 100 cột kinh Phật do Tiết độ sứ Nam Việt Đinh Liễn sai khắc năm Quý Dậu (973) mà Hà Nội khai quật và phát hiện ở Hoa Lư năm 1963, tôi hiểu ngay nền Phật học suy tàn tại miền Bắc. Thăng Long đất khởi phát huy hoàng nền Phật giáo Lý Trần, đất Chấn hưng Phật giáo năng động vào những năm 30 với nhiều nhà học Phật uyên thâm như Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha, Trần Trọng Kim, Nguyễn Trọng Thuật, v.v… thế mà nay giới học giả Hà Nội viết về đạo Phật như một tư tưởng yếm thế, tiêu cực, lỗi thời. Có nhiều điều tôi không đồng ý với lối giải thích của ông Hà Văn Tấn, đặc biệt các từ ngữ và thuật ngữ Phật giáo qua bản ông Tấn dịch từ Phạn ngữ thần chú Phật đỉnh tôn thắng đà la ni. Nên tôi viết như một lời đối thoại về Phật học với giới học giả Mác xít miền Bắc trong chương 5 sách Nguyễn Trãi.
Chị hỏi bây giờ Nguyễn Trãi thời đại này phải làm cái gì ? Tôi không là Nguyễn Trãi để trả lời. Chỉ tin quyết rằng, nếu chúng ta chịu sống lại cái sống của tiền nhân ở những giai kỳ sinh mệnh đất nước treo trên sợi chỉ mành, sống như người Tàu xưa đêm nằm giường gai, mỗi sáng ra nếm mật để nuôi chí, tất biết phải làm gì trong hiện tiền một cách sáng tạo thay vì tụ thủ bàng quan hay đi làm đầy tớ cho ngoại bang.
(10) Xem bản dịch Việt ngữ “Những Tuyên ngôn và Công ước Quốc tế của LHQ nhằm bảo vệ các Quyền Con Người, Quyền Dân sự và Quyền Chính trị cho mọi người trên trái đất”, NXB Quê Mẹ và Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, Paris, 2001.
(11) Xem “Kinh Ruột Tuệ Giác Siêu Việt – Biện chứng Phá mê Trừ Khổ”, Thi Vũ dịch và chú giải bản kinh chữ Phạn Prajāñāparāmita hŗdayasūtra, Nhà Xuất bản Rừng Trúc, Paris 1973.