Home / Sách của Võ Văn Ái / Quê Mẹ : Câu hỏi 41-45

Quê Mẹ : Câu hỏi 41-45

Download PDF

41. Lê Thị Huệ : Theo ông với một trí thức, điều gì cần thiết hơn, sự độc lập hay đỉnh cao của khóai lạc hiểu biết ?

Võ Văn Ái : Cần cả hai mới thành trí thức. Muốn độc lập cần có sự hiểu biết thực tại, tức kiến thức. Có kiến thức mà khư khư giữ cho mình, không chia sẻ, khác chi trọc phú chôn vàng giữ của. Tư bản ngày nay cũng đã xa lánh tục cổ hủ chôn vàng. Có của phải biết đầu tư. Đầu tư cho ai, là chọn lựa mà người trí thức phải làm.

42. Lê Thị Huệ : Tại sao trí thức lại thường bị lôi cuốn đi theo Tả ?

Võ Văn Ái : Ở Pháp ngày nay người ta gọi các ông lãnh tụ hay trí thức phe tả “la gauche caviar”, tạm dịch là “phe Tả phú ông”. Không phải phe tả đấu tranh, bần hàn thuộc giới công nhân những năm 30, mà là phe tả thượng lưu, thành đạt, giàu có, tuy không chỉ “tối rượu sâm banh sáng sữa bò” như giới Tây thuộc địa ở nước ta, nhưng là giới tả ăn nhậu tự nhiên, phè phỡn chẳng khác chi giới tư bản, uống sâm banh Dom Pérignon ăn trứng cá caviar đắt tiền (cá tầm/esturgeon/sturgeon).

Ngày nay ở Pháp và Châu Âu quan niệm tả – hữu đã mất lằn ranh, ý nghĩa bị vắt sạch.

Ở đây chúng tôi tự hào mà nói chiến dịch “Một Chiếc Tàu Cho Việt Nam” (Tàu Đảo Ánh Sáng) mà chúng tôi xướng xuất cuối năm 1978 đã góp công vào việc thay đổi nhân sinh quan của phe tả ở Pháp, Âu châu và Hoa Kỳ.

Trước năm 1975 cho tới 1978, không thể tưởng tượng chuyện một trí thức phe tả nào chống đối Hà Nội, hoặc ủng hộ những người không thuộc phe cánh họ. Phe tả cho là hữu, là phản động, những ai không thuộc cánh tả mình. Thế mà gần 200 nhân vật thuộc phe tả Pháp, Âu châu, Hoa Kỳ, những người đại biểu uy danh như Jean Paul Sartre, Simone de Bauvoir, Alain Geismar, André Glucksmann, Claudie Broyelle, Michel Rocard, Lionel Jospin, Olivier Todd, Bernard Kouchner, Daniel Cohn Bendit, Susan Sontag, Leonid Pliouchtch, Vladimir Bukovski, Maximov, Souvarine, v.v… là những trí thức đại tả, đa số là các lãnh tụ phong trào Sinh viên Sorbonne 68, rất nhiều thành phần cực tả Mao-ít, nay thành trụ cột cứu sống Người Vượt Biển, là những người của Miền Nam Chống Cộng !

Hãnh diện hơn nữa, từ cuộc khuynh đảo phe tả thông qua chiến dịch “Một Chiếc Tàu Cho Việt Nam” này, hình ảnh Người Vượt Biển được rửa sạch trước công luận thế giới. Trước kia và trước đó, hình ảnh Miền Nam bị đánh đồng với “đế quốc hiếu chiến Mỹ”, những người ra đi sau 75 bị quy kết như những kẻ “tội phạm chiến tranh”, “tay sai đế quốc Mỹ”. Nay với cuộc vận động hoá giải của cơ sở Quê Mẹ trên trường quốc tế, Người Vượt Biển trở thành thông điệp của tự do, kẻ chống độc tài.

Bích chương kêu gọi ủng hộ cho chiến dịch “Một Chiếc Tàu Cho Việt Nam” cuối năm 1978, trụ sở đặt tại toà soạn Quê Mẹ được đăng tải một trang miễn phí trên tất cả các báo chí Pháp có số lượng hằng triệu ấn bản, như Paris Match, Télé 7 Jours, Express, Le Point, Le Monde, Figaro, Le Matin, v.v…
Bích chương kêu gọi ủng hộ cho chiến dịch “Một Chiếc Tàu Cho Việt Nam” cuối năm 1978, trụ sở đặt tại toà soạn Quê Mẹ được đăng tải một trang miễn phí trên tất cả các báo chí Pháp có số lượng hằng triệu ấn bản, như Paris Match, Télé 7 Jours, Express, Le Point, Le Monde, Figaro, Le Matin, v.v…
Hàng trăm nhân sĩ, trí thức quốc tế ký tên dưới Lời Kêu gọi “Một Chiếc Tàu cho Việt Nam” ra Biển Đông vớt Người Vượt Biển, gây chấn đồng thời tố cáo chế độ độc tài toàn trị Cộng sản Việt Nam.
Hàng trăm nhân sĩ, trí thức quốc tế ký tên dưới Lời Kêu gọi “Một Chiếc Tàu cho Việt Nam” ra Biển Đông vớt Người Vượt Biển, gây chấn đồng thời tố cáo chế độ độc tài toàn trị Cộng sản Việt Nam.

Trước năm 1975, số cử tri tại Pháp bầu cho Đảng Cộng sản Pháp trên 20%, tại các nước Âu châu khác cũng thế, đặc biệt ở Ý. Thế nhưng phong trào Người Vượt Biển đã ảnh hưởng công luận Châu Âu làm cho mười năm sau, số cử tri tại Pháp bầu cho đảng Cộng sản sút xuống 10%, rồi 5%, v.v… Sự kiện này đồng loạt xẩy ra tại các nước Châu Âu.

Hai bộ óc nhưng đối nghịch của học giới Pháp là Raymond Aron và Jean Paul Sartre cùng ký tên ủng hộ chiến dịch “Một Chiếc Tàu Cho Việt Nam”, cùng vào điện Elysées kiến nghị Tổng thống Giscard dEstaing, hãy hỗ trợ cho chiến dịch này. Sau đó, trước báo chí, truyền thông, truyền hình, hai ông bắt tay nhau thân ái, kết thúc 24 năm thù nghịch đối đầu của hai bộ não Cộng và Phản Cộng của nước Pháp. Cánh tả Pháp đã thán lên : nhờ các bạn Việt Nam, nhờ Con Tàu mà Aron-Sartre hoà giải. Một sự biến trong học thuật và chính trị tại Pháp và thế giới, vì tác phẩm của hai người ảnh hưởng toàn cầu.

Điều tiêu biểu nhất là trường hợp Người tả phái thế kỷ của Pháp, là triết gia Jean Paul Sartre. Mác xít cực độ, lại dấn thân ủng hộ phái Mao ít tại Pháp, ông từng tuyên bố : “Chỉ có bọn chó má mới chống Cộng”. Thế mà lúc cuối đời lại ủng hộ Người Vượt Biển Việt Nam – những người chống Cộng. Không hi hữu sao !

Đấy, những con người nhỏ nhoi, bần hàn, bị áp bức nước Việt đã chuyển hoá Tây phương. Ảnh hưởng lây và thấp xuống nhiều bực, cánh tả Việt Kiều theo Cộng tại Pháp tiêu điều, tan vỡ thảm thê sau chiến dịch “Một Chiếc Tàu Cho Việt Nam”.

Theo nguyên tắc, trí thức là người có nhiều hiểu biết lại nhạy cảm và có sáng kiến. Vào những năm 30, lý tưởng phe tả hấp dẫn ở tính nhân loại, hòa đồng với người bị bức hiếp, nghèo hèn. Bộ máy tuyên truyền của Cộng sản Liên xô gia cố dựng lên “cái mốt tả khuynh thời thượng” lây lan trong học giới. Học giới Việt lại nô lệ học giới Tây nên trở thành một đàn lớp học giới Tây con. Trong khi ấy, phe hữu vừa bảo thủ, lạc hậu, vừa vị kỷ, xa lánh khối dân đen lam lũ ở nước mình và tại các xứ thuộc địa. Người có ăn học hẳn nhiên thấm đẫm lòng nhân đạo, nên dễ khuynh tả. Trong một thế giới chỉ có hai màu đen trắng ngự trị, sự chọn lựa đã rõ rành không khác. Chưa ai khai thị cho Tây phương hiểu rằng giữa trắng đen còn có màu xám. Tuy nhiên từ những năm 30 ấy, đã có những trí thức tỉnh ngộ rất sớm. Hai ví dụ điển hình là André Souvarine, bí thư của Staline, ly khai vào những năm này, và nhà văn André Gide nổi danh của Pháp, từng là ngọn đèn của trí thức Việt Nam đặc biệt với nhóm Huế của những Hoài Thanh, Hải Triều, Đào Duy Anh… André Gide sau một thời ca tụng Liên xô đã viết cuốn “Retour de lURSS” phơi bày sự thất vọng cộng sản.

Từ một phe hữu thực dân và đế quốc cho đến một tôn giáo với tinh thần vốn thấm đẫm lòng bác ái, huynh đệ của Công gíao Pháp và Âu châu. Nhưng Giáo hội Công giáo đầu thế kỷ XX đã không theo kịp thời đại, co rút vào giáo đường, ẩn nấp sau pháo đài kiên cố của sự nghiêm khắc, sống xa lìa và xa lạ với con người đau khổ, giới thợ thuyền, nông dân lam lũ, nhân dân bị áp bức tại các thuộc địa… a tòng cho bất công hoành hành xã hội, đã tạo ra vùng đất màu mỡ cho tư tưởng tả khuynh nẩy nở làm thành lời hứa hẹn mới, niềm hy vọng phát sinh. Phải chờ đến đầu thập niên 60, phong trào Công giáo cấp tiến tại Pháp mới bắt đầu thức tỉnh, từ đó lộ ra khuynh hướng tả khuynh Công giáo tham dự vào đời sống thợ thuyền dưới hình thái Linh mục – thợ (Prêtre-ouvrier), Linh mục cầm đàn đi hát ở một số hộp đêm (Cha Duval), những Học viện Xã hội học Công giáo tại Paris nghiên cứu kế hoạch trợ giúp “các nước chậm tiến”, mà thuật ngữ được thay đổi thành “các nước kém phát triển”, bằng những dự án đi thẳng vào quần chúng thay vì như trước kia thông qua nhà nước địa phương để rơi vào túi giới lãnh đạo đặc quyền. Từ thức tỉnh này mà Giáo triều La Mã dưới thời Đức Giáo hoàng Gioan XX tìm cách đưa giáo hội hội nhập thời đại mới. Nỗ lực này mang tên Công đồng Vatican II.

Về trường hợp Sư Ông Nhất Hạnh

43. Lê Thị Huệ : Nói về Nhất Hạnh, hình như ông có thời gian rất thân với Thích Nhất Hạnh ?
Võ Văn Ái : Vâng, chúng tôi ăn chung mâm, ở chung nhà, cùng chung hoạt động trên thế giới cho hòa bình Việt Nam – nền hòa bình dân tộc không cộng sản – từ năm 1966 đến 1970. Nhưng chúng tôi biết và quen nhau từ đầu thập niên 50 ở Đà Lạt. Thời ấy tôi dạy tại trường Trung học tư thục Tuệ Quang ở Cây số 4 do thầy Thiện Tấn, là anh trai của ông, làm hiệu trưởng.

Bi kịch của Nhất Hạnh là suốt đời ông đi tìm đệ tử, nhưng không tìm con người tự do.

Ông là người hiền lành, tình cảm, nhiều thi tính, nhưng độc tài, bị tham vọng và thanh danh làm hỏng. Phải chăng đời không nương chìu khi còn bé nên biến ông thành con người không giải thoát, nếu không nói là con người hằn thù (lhomme de ressentiment). Tôi đoán thế do nhận xét hai sự kiện. Một là ông rất thương mẹ, nhưng lại chủ tâm biến mẹ thành thánh mẫu trong giới tay chân thân cận. Chắc có gì bí ẩn trong gia đình thuở thiếu thời chăng ? Việc thứ hai xẩy ra vào cuối thập niên 40, thời ông là học tăng tại chùa Bảo quốc, Huế. Chẳng biết phạm lỗi gì rất nặng, nên bị đuổi ra khỏi chùa. Cố Hoà thượng T.T. gửi thư đến các chùa từ miền Trung vào tới Nam ra lệnh cấm không được chứa chấp ông (19). Thế nhưng ông vẫn giữ bộ áo tăng sĩ, không ra đời. Tôi nghĩ những hành động đi riêng sau này của ông đối với Phật giáo Việt, phải chăng là cách “trả thù” sự ép chế trước kia ?

Giữa lúc chiến tranh ngút ngàn năm 1966, ông rủ tôi lập một “Giáo hội Trẻ” chống lại “các ông già” trong nước. Tôi khuyên ông không nên, phải lo giải quyết chuyện chiến tranh trước. Kéo dây động rừng sẽ làm tan nát Phật giáo vào lúc Cộng sản Bắc Việt uy hiếp miền Nam. Nên chuyện bỏ qua.

44. Lê Thị Huệ : Who is Nhất Hạnh ? Xin lỗi tôi phải dùng tiếng Anh ở đây để phản ảnh vai trò bệ vệ quốc tế của Thích Nhất Hạnh.

Võ Văn Ái : Ông là một nhà thơ, một nhà văn. Nghệ sĩ tính của ông mạnh hơn tính đạo sĩ. Đạo sĩ chỉ là khía cạnh trình diễn cải lương của ông ấy.

45. Lê Thị Huệ : Vụ xung đột giữa ông và ông Nhất Hạnh, ông có nghĩ là đời sống đã không công bằng với ông và với ông Nhất Hạnh ?

Võ Văn Ái : Có những lúc chúng tôi thấy cùng nhau đồng hành về một hướng trên quan điểm Phật giáo và dân tộc. Rồi đến lúc, cũng từ quan điểm Phật giáo và dân tộc, tôi không thể đồng hành với ông ấy nữa. Giản dị thế thôi. Tôi chia tay ông đầu năm 1970, sau 6 năm chia sẻ ngọt bùi. Không có xung đột. Đường ai nấy đi, tôi sòng phẳng và nói thẳng lý do với ông khi chia tay. Ông ấy biết rõ hơn ai về sự trao đổi lần cuối này vào một đêm tháng giêng năm 1970. Bài thơ đánh dấu sự chia tay ấy là bài “Nhật ký băng sa mạc Bắc Mỹ Châu” (đại khái thế, không chắc tôi nhớ đúng các chữ trong đề bài) đăng trên Tạp chí Văn ở Saigon năm ấy. Đọc lên chẳng ai biết chuyện riêng giữa chúng tôi đâu. Mặt khác tôi chưa hề công khai hóa việc này, ngoại trừ bức thư xin từ chức tôi gửi về Viện Hoá Đạo trong nước. Vì vậy tôi nói không có xung đột. Tuy nội tâm tôi khủng hoảng dữ dội. Trên phạm vi tư tưởng, tôi bị khủng hoảng hai lần. Năm 1955, tôi phát hiện người Cộng sản phục vụ Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh chứ không tranh đấu cho dân tộc. Lần này, 1970, niềm tin của tôi vào giới Tăng lữ bị khủng hoảng mà Nhất Hạnh là đại biểu.

Cuộc chia tay giữa bằng hữu, bỏ đạo này theo đạo khác, chọn ý thức hệ này lấy ý thức hệ kia là hành trình tự giác hay chọn lựa từng đời người. Chuyện bình thường. Vợ chồng khắn khít còn ly dị kia mà. Gần đây, nhân chuyến ông về Việt Nam, hai chúng tôi có lúc trở nên như to chuyện là vì các đệ tử cuồng tín của ông ấy quá xem “Thầy mình là nhất trên đời”, và không hiểu nguồn cơn nên vọng động. Họ không hiểu rằng, từ năm 1970, Nhất Hạnh là đám mây đen đã bay mất trong đời tôi. Cũng do không hiểu nên có người gán cho tôi hai chữ “phản thầy”. Tôi không hề là đệ tử của Nhất Hạnh thì sao gọi “phản thầy”. Mà phản gì ? Bất đồng ý kiến mà là bất đồng trên lĩnh vực đạo và nước, thì chia tay như thường xẩy trong xã hội dân chủ, có gì đến phải dùng chữ “phản” theo quan niệm phong kiến, chủ tớ và độc tài.

Người Việt chưa quen sinh hoạt dân chủ, chưa quen tranh luận ý kiến, chỉ thích xỉ vả, lên án, vì quán tính tự tôn, bè phái, bang hội, và tín ngưỡng thần hoàng – một thứ chủ nghĩa minh chủ còn u u minh minh.

Đã lâu, tôi không còn nghĩ tới ông ấy. Tuy nhiên sự biến bất ngờ xẩy ra khi ông và bà Phượng rời phi trường Charles de Gaulle lên đường về Hà Nội. Bỗng dưng bà Phượng, tức Chân Không, tuyên bố một câu xanh rờn với hãng thông tấn AFP liên quan tới Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất khiến tôi phải phản ứng. Lời tuyên bố của bà Chân Không được bản tin AFP phát hành chiều ngày 11.1.2005 có đoạn viết rằng : “Nhà sư (tức Sư Ông Thích Nhất Hạnh) không là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, là Giáo hội đang bị chính quyền cấm không cho hoạt động từ năm 1981, vì Giáo hội này từ khước sự kiểm soát và điều khiển của Đảng Cộng sản. Hơn một năm trước đây, Công an Việt Nam đã mở cuộc đàn áp sâu rộng Giáo hội này, hàng giáo phẩm bị bắt quản chế và hàng trăm ngôi chùa bị phong tỏa. Khi được hỏi vì sao một số phong trào tôn giáo bị cấm đoán tại Việt Nam, Sư cô Chân Không trả lời : “Vì một số các Giáo hội này tàng trữ những lá cờ của chế độ cũ (sic). Còn chúng tôi, thì chúng tôi chẳng có một tham vọng chính trị nào cả”.

Hai ngày sau tại Hà Nội, đến lượt ông Nhất Hạnh tuyên bố trên báo Nhân Dân phát hành ngày 13.1.2005, rằng : “Ông đã từng đấu tranh với những thái độ căng thẳng của chính quyền một số nước phương Tây về “vấn đề tôn giáo ở Việt Nam”. Ông kể, ông đã từng nói với một số quan chức Hoa Kỳ rằng : “Người Việt Nam muốn được giải phóng khỏi cái mà người Mỹ gọi là sự giải phóng cho người Việt Nam”.

Một lời tuyên bố bưng bốc Hà Nội, lại phủ nhận tất cả sức đấu tranh bi thảm nhưng kiên cường của người dân Việt và Phật giáo đồ trong nước, đồng thời phủ nhận nỗ lực của các chính quyền Âu Mỹ hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh chính nghĩa đòi hỏi tự do tôn giáo tại Việt Nam, mà điển hình là cuộc vận động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất suốt ba mươi năm qua.

Phản ứng tôi thông qua thông cáo báo chí của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế dây dưa tới chuyến đi Việt Nam của ông Nhất Hạnh cùng 100 Tăng thân Làng Mai. Trước đó tôi chủ định không nhắc tới phái đoàn của ông, vì ngại có người hiểu lầm chuyện chung đất nước với chuyện riêng cá nhân giữa hai chúng tôi. Dù tôi biết rất rõ Hà Nội đột kích Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đợt mới bằng cách sử dụng lá bài Tuệ Sỹ – Lê Mạnh Thát trong nước, ngoài nước là lá bài Nhất Hạnh để được rút tên khỏi danh sách CPC (Countries of Particular Concern, danh sách các quốc gia đàn áp tôn giáo cần đặc biệt quan tâm) mà chiếu theo Đạo luật 1998 của Quốc hội Hoa Kỳ các nước nằm trong danh sách này sẽ bị chế tài trên lĩnh vực kinh tế và tài chính.

Chuyến ông Nhất Hạnh về Việt Nam rầm rộ với 100 Tăng thân Làng Mai đầu năm 2005, cuộc tổ chức Hội thảo Phật giáo có tính quốc tế do cặp Giáo sư Lê Mạnh Thát – Tuệ Sỹ tại Saigon trung tuần tháng 7.2006, cùng với việc Hà Nội cố ý dung túng cho một đợt lên tiếng rầm rộ đòi hỏi dân chủ cùng với sự ra đời nhiều đảng đối lập từ tháng 4 cho đến tháng 10.2006 đã là tổng lực trợ thủ cho Hà Nội, nhờ vậy Tổng thống Georges W. Bush ra lệnh rút tên Việt Nam ra khỏi danh sách CPC (danh sách các quốc gia đàn áp tôn giáo cần đặc biệt quan tâm), khi ông đến Hà Nội tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC vào trung tuần tháng 11.2006.

Năm 1977, trên tạp chí Quê Mẹ lần đầu tiên sau bảy năm chia tay chúng tôi đề cập tới ông Nhất Hạnh và bà Cao Ngọc Phượng qua vụ con tàu đi vớt người vượt biển mà ông bà thực hiện một cách vô trách nhiệm tại Singapore. Lên tiếng vì thảm cảnh Người Vượt Biển lúc bấy giờ, chứ chẳng vì chuyện cá nhân. Tạp chí Quê Mẹ phản ảnh sự vụ sau khi hai tờ báo lớn Straits Times ở Singapore và New York Times ở Nữu Ước khui ra trước tiên. Nguyên tổ chức Hội nghị Thế giới cho Tôn giáo và Hoà bình (World Conference on Religion and Peace) bỏ ra sáu mươi nghìn Mỹ kim giao cho ông Nhất Hạnh tổ chức việc cứu người vượt biển ngoài Biển Đông với chức vụ Giám đốc Điều hành, bà Phượng làm phụ tá. Tổ chức này có phòng ốc làm trụ sở ở Singapore, nhưng hai ông bà lại đi thuê villa ở riêng. Thay vì đi vớt người, thì hai ông bà thuê một chiếc tàu cũ bệ rạc không còn khả năng ra khơi, nên chỉ nằm tấp bờ. Bà Phượng đưa những người đã nhập trại tiếp cư ở Thái Lan lên tàu ấy cho có người và có màu sắc “vớt người tị nạn”. Theo New York Times các người tị nạn ở Thái phải trả một khoảng tiền cho bà Phượng mới được đưa lên tàu. Tàu lại không có khả năng kỹ thuật cũng như pháp lý đưa người tị nạn tới các quốc gia thứ ba. Việc lôi thôi xẩy ra từ đó. Người tị nạn ngày ngày dưới sức nóng nhiệt đới ngồi trên bong nghe ngâm thơ Nhất Hạnh hay kinh tụng theo giáo phái Làng Mai (lúc ấy còn gọi là Làng Hồng) phát ra từ máy. Chờ mãi chẳng thấy tương lai định cư về đâu nên họ sinh ra bất mãn. Tôi còn trong tay bản phúc trình 28 trang của ông Homer Jack, Tổng thư ký Hội nghị Thế giới cho Tôn giáo và Hoà bình phúc trình việc bê bối và lấy quyết định cách chức hai ông bà Nhất Hạnh và Phượng đồng thời tống xuất hai người khỏi Singapore.

Sau này, có số người hiểu lầm hoặc đánh đồng hai con tàu và cho rằng tôi tranh giành con tàu của ông ta. Họ đâu biết rằng con tàu chưa hình thành đã thất bại của ông Nhất Hạnh xẩy ra giữa năm 1977. Con Tàu Đảo Ánh Sáng do cơ sở Quê Mẹ xướng xuất vào cuối năm 1978 là sự biểu tỏ đồng tình của lương tâm thời đại, với sự tham dự của gần 200 nhân sĩ quốc tế. Từ con tàu của chúng tôi đẻ ra hàng loạt tàu khác đi vớt người ở Đức, ở Ý, ở Na Uy…

Bích chuong trong chuyến vận động tại Ý Đại Lợi cho chiến dịch “Một Chiếc Tàu cho Việt Nam” ngày 15.2.1979. Tác giả thuyết trình với Triết gia André Glucksmann, Sử gia Ylios Yannakis, và các nhân si Ý Carlo Ripa di Meana, Paolo Flores DArcais và Filippo Peshiera.
Bích chuong trong chuyến vận động tại Ý Đại Lợi cho chiến dịch “Một Chiếc Tàu cho Việt Nam” ngày 15.2.1979. Tác giả thuyết trình với Triết gia André Glucksmann, Sử gia Ylios Yannakis, và các nhân si Ý Carlo Ripa di Meana, Paolo Flores DArcais và Filippo Peshiera.

Nhìn lại việc này, tôi thấy Quê Mẹ công khai hóa sự vụ là đúng, bởi liên quan tới sinh tử của phong trào Người Vượt Biển vào thời điểm dầu sôi lửa bỏng ấy, cũng như cung cách làm việc tài tử cố hữu và vô trách nhiệm của hai người. Tuy nhiên loạt bài viết trên Quê Mẹ gây sốc cho giới Phật tử. Một số Phật tử quan niệm rằng cư sĩ (tôi) không được “phạm thượng” động tới Tăng sĩ là ông Nhất Hạnh. Thế nhưng cơ sở và tạp chí Quê Mẹ do tôi chủ trương không thuộc bất cứ đảng phái hay tôn giáo nào, kể cả Phật giáo, dù tôi là Phật tử. Một cơ quan ngôn luận phải làm đúng chức năng thông tin và hướng dẫn dư luận.

Sau cuộc chia tay ông Nhất Hạnh, năm 1970, tôi đã làm đơn gửi Viện Hóa Đạo trong nước từ nhiệm tất cả mọi chức vụ trong giáo hội, mãi cho tới hai mươi hai năm sau, năm 1992, do Hoà thượng Thích Huyền Quang thúc đẩy tôi mới trở về giúp Giáo hội Phật giáo.

Tuy nhiên, nếu vấn đề cần đặt lại, có thể là cách viết loạt bài thời ấy. Loạt bài này do ông nhà báo HTA của tòa soạn viết theo sự quyết định của Chủ biên Tin quốc tế là ông TN. Ký giả này xưa làm báo ở Saigon, nên cung cách viết cũng là cung cách viết của nền báo chí Saigon thượng vàng hạ cám trước kia. Đành rằng tôi trách nhiệm trong vai trò Chủ nhiệm, Chủ bút. Song phải nói thời gian khổ sở ấy, tôi vừa cáng đáng điều hành nhà in, vừa làm thợ chạy máy. Mỗi ngày lao động 18, 19 giờ nên không đọc hết các bài vở để nhuận chính.

Sự khó khăn ở nhà in của tôi gián tiếp đến từ bà Phượng. Khoảng năm 1968 do thiếu nhân sự ở Văn phòng Phật giáo, bà Phượng gửi một nhân viên từ Saigon sang Paris giúp tôi. Do tin cẩn tôi không đặt vấn đề lý lịch. Mãi sau này, đầu thập niên 70 khi tôi thành lập nhà in nuôi mộng làm báo văn hóa, làm nhà xuất bản. Nhân viên này theo tôi, vì anh bảo xưa anh là thợ in ở Saigon. Mua xong nhà in mới biết anh chẳng biết tí ti nghề nghiệp, khiến tôi phải tự học như một khổ ách trong đời. Đến khi nhà in bắt đầu chạy việc, thì một đêm anh ta phá hoại máy in mới mua, phá luôn máy cắt xén, là hai bộ phận cơ bản của một nhà in nhỏ. Rồi bỏ đi. Lúc ấy chúng tôi mới vỡ lẽ, hóa ra anh là người của bên kia, lâu nay nằm vùng trong cơ sở chúng tôi để bắn phát đạn cuối cùng vào lúc chúng tôi kiệt quệ. Do đó mà tôi trở thành thợ in bất đắc dĩ. Nói dài dòng như thế để hiểu rằng, tôi đã tin cậy vào Chủ biên Tin quốc tế TN và anh nhà báo nọ. Nên không xem lại bài viết để chỉnh đốn lời văn. Tuy sự kiện đưa ra đúng như sự thật theo báo cáo của ông Homer Jack, Tổng thư ký Hội nghị Thế giới cho Tôn giáo và Hoà bình, cùng lời kể của một nhân chứng sống, anh Antoine, theo ông Nhất Hạnh và bà Phượng sang Singapore cứu trợ rồi chán nản bỏ về lại Paris.


(19) Sự kiện này do chính ông kể cho tôi nghe thời chúng tôi chung sống và hoạt động năm 1966. Sau này Giáo sư Ngô Trọng Anh, Phó Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh ở Huế cùng thời, cho tôi biết lý do ông Nhất Hạnh bị đuổi khỏi chùa. Nhưng tôi không muốn lập lại chuyện tôi không trực tiếp chứng kiến.

Check Also

Quê Mẹ : Câu hỏi 31-35

31. Lê Thị Huệ : Ông là một trong vài người hiếm hoi, mà khi đọc …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *