Home / Sách của Võ Văn Ái / Quê Mẹ : Câu hỏi 31-35

Quê Mẹ : Câu hỏi 31-35

Download PDF

31. Lê Thị Huệ : Ông là một trong vài người hiếm hoi, mà khi đọc bài ông, tôi bắt gặp những từ ông chế ra rất cầu kỳ trí thức, nhưng lại đắc địa và toát ra vẻ đẹp của sự cầu kỳ trí thức. Chẳng hạn trong bài thơ ông giới thiệu Bùi Giáng ông gọi thơ Bùi Giáng là ”Một Triều Thơ Luân Sinh”, phải là một độc giả cầu kỳ trí thức mới thích nổi sự chơi chữ ”luân sinh”. Nhưng cũng chính trong bài viết này, ông lại có những đoạn rất sáng tạo cảm xúc : ”Các nhà thơ tiền chiến lập công đầu thi hoá ngôn ngữ Việt. Thơ phơi phới những niềm chiều, nỗi nhớ, những tình vang ý thiết, những nhú người khua động bình minh”. “Tình vang ý thiết” là cái gì mà lần đầu tiên đọc thấy… Ông có chủ tâm làm một cuộc cách mạng nào trong cách viết Việt không ? Cá nhân tôi thấy “văn chương” vẫn được người Việt Nam ghiền, là lối viết bay bướm lòng vòng chủ lời hơn ý, duy cảm hơn duy trí, là lối viết bỏ lơ và không hảo phần trí lực. Nên khi bắt đầu cầm bút tôi đã muốn “hạ thấp xuống một tông” lối viết “duy lời duy cảm” này trong tôi (muốn thì muốn vậy, nhưng…). Đến khi gặp được cách viết của ông Thi Vũ trên tờ Quê Mẹ, tôi thấy như gặp được một lối viết tâm đắc với mình. Tôi học hỏi được trong các tác phẩm của ông những cấu trúc tiếng Việt rất sáng tạo, thoả mãn nhu cầu trí thức cầu kỳ, thoả mãn được nhu cầu thông suốt tiếng Việt. Điều mà ở những nhà trí thức khác tôi thấy hoặc là họ mang nguyên con cấu trúc của ngoại quốc chuyển sang tiếng Việt, hoặc là họ thiếu phần “sống”, thiếu mùi định mệnh bị cuốn hút lăn lộn trong ngôn ngữ Việt để chuyển hoá trí thức mình.

Võ Văn Ái : Chữ luân sinh là một bước tiến về suy tưởng trong tôi trên lĩnh vực triết học Phật giáo. Đạo Phật thường dùng chữ luân hồi để diễn tả sự tái sinh của con người trong cõi trầm luân khi chưa được giải thoát giác ngộ. Luân hồi như thế là một vòng tròn không dứt. Năm 13 tuổi nằm trong tù đọc các bộ kinh Phật, tôi bắt đầu quan niệm khác. Tôi nghĩ rằng trong đời con người, hay thông qua nhiều kiếp, con người luôn có sự tiến bộ dù ít dù nhiều tùy theo năng lực tự giác hay học hỏi tìm tòi. Thế thì chúng ta chuyển hóa theo vòng tròn xoáy ốc hướng thượng. Chúng ta thoắt sinh từ cõi này sang cõi khác càng lúc càng tiến bộ, càng lúc càng giải thoát, trên phạm vi một đời người hay trải qua nhiều kiếp sống như người Phật giáo tin.

Phương chi tôi quan niệm tái sinh là tái sinh trong từng khoảnh khắc ngay trong cuộc đời mình. Nên tôi chặt đứt vòng tròn cố định của luân hồi chuyển sang sức sống có tiến bộ có tầng cấp, có viễn trình hướng thượng của luân sinh.

Thơ Bùi Giáng không theo dòng, mà là từng cơn hải triều đột phá, luân sinh miên viễn. Triều thơ Việt Nam năm thế kỷ qua có ba thời bung phá về chữ nghĩa, mạch thơ và ý tưởng : triều thơ Nguyễn Trãi ở thế kỷ XV, triều thơ Nguyễn Du ở thế kỷ XVIII, và triều thơ Bùi Giáng ở thế kỷ XX.

Chị nhận xét đúng khi “thấy “văn chương” vẫn được người Việt Nam ghiền, là lối viết bay bướm lòng vòng chủ lời hơn ý, duy cảm hơn duy trí”. Ca Cải lương điển hình đại quan cho nhận xét này, những lời chữ suông sẻ, hay ho, tròn trịa hấp dẫn, lôi cuốn ta không vì ý nghĩa mà nhờ điệu nhạc réo rắc dụ dỗ ta trầm đắm đến tha hóa lúc nào không hay. Chuộng cái hoa hòe, nhẹ phần bản chất, vì vậy tư tưởng Việt khó định hình ? Muốn biết một bài văn đứng vững hay không, hẵng dịch ra ngoại ngữ Anh, Pháp… là biết ngay. Những bài văn “gọi là hay” nhờ bay bướm, lả lướt, đê mê của các tác giả Việt khi dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp, sẽ lòi ngay cái hỏng và sự vô nghĩa của bài viết. Viết không thể là đánh phấn bôi son.

Tôi không “chủ tâm làm một cuộc cách mạng trong cách viết”. Vì viết là sống. Sống là thức tỉnh tâm linh, từ đó sáng tạo hiện ra, bắt nguồn cho các nền văn hóa đa dạng mà văn chương là sự chuyển mình.

32. Lê Thị Huệ : Ông biết bao nhiêu tiếng ? Ông có cảm tưởng như thế nào khi tôi nói văn hóa của tiếng Việt ở vài phương diện nào đó đã gây nên những hạn chế trong việc sáng tạo nên một tác phẩm có tính quốc tế từ bấy lâu nay. Muốn nuôi dưỡng một tác phẩm có tầm vóc quốc tế, văn hóa tiếng Việt phải có những cú tống đạp trong lòng ngôn ngữ nó. Tôi thấy ở những bài viết của Thi Vũ có những cú tống đạp này

Võ Văn Ái : Tôi biết một số ngoại ngữ nhưng không giỏi : Pháp, Anh, Đức, Trung văn, Phạn ngữ.

Theo tôi, thoát ly những hạn chế trong việc sáng tạo nên một tác phẩm có tính quốc tế cần có cái nhìn (nhìn và thấy chứ không phải nhìn trâng) và viễn kiến. Người Việt có quá nhiều mặc cảm, một thứ mặc cảm vửa tự tôn vừa tự ti. Cái gì mình cũng nhất, nhưng khi đối diện với người ngoại quốc thì lại hết sức qụy lụy, nịnh hót, sợ hãi. Người Việt thiếu tự tin lại ít cầu học. Nói chung, đa số chỉ cầu học để thi đậu làm quan, chứ không để thâm nhập kiến thức hầu tìm dò phát kiến. Đây là hệ quả của cái học Tống Nho truyền thừa bao nhiêu thế hệ (“Anh chưa thi đổ thì chưa động phòng” !!). Đa số mê thành đạt nhưng không kiên trì học hỏi. Thích bắt chước hơn sáng tạo. Không có tinh thần bảo bọc, quý trọng, giúp đỡ nhau giữa người cùng nòi giống. Với những đức tính đại ngã, tự thị và quy chiếu về mình (egocentrique) như thế làm sao hòa đồng với nhân loại để đạt tính quốc tế trong sinh hoạt hay sáng tác ?!

Chị nói đúng, cần “những cú tống đạp trong lòng ngôn ngữ”, mà ngôn ngữ là tư tưởng. Thoát vượt trí năng và giác quan, đưa trực giác cảm nhận tới trực ngộ ngôn ngữ, trực ngộ hình tượng, mới mong đạt tới nền văn học thế giới.

33. Lê Thị Huệ : ”Trưa tòa soạn hư ảo. Mấy phiến lá đung đưa trăm chiếc phất trần. Nắng vẫn cứ gay. Mùi hoa Lụa nồng hơi phả vào khứu giác, gợn từng tiền kiếp bồi hồi. Hoa Lụa chắc cùng loài với hoa thiên lý, chỉ khác ở màu. Từng chùm đơn trắng nõn, hé giữa vùng lá ngọc giây leo. Thoạt mới nhú là những thỏi màu hồng ngự, bỗng nở toe trắng sứ, nhẫn giữa lòng một hạt bạch ngọc tỏa hương ngát dịu. Bởi đó mới có tên hoa Lụa. Không nồng ngợp dạ lý hương, không ngát trầm hoa lài, hoa bưởi, không đậm rực hoa phấn tím. Hoa Lụa thoang thoảng nhẹ nhàng mà quyến rũ, dành để cho những người lưu xứ ? Chẳng sặc sỡ ngỡ ngàng. Không nồng nàn bải hoải. Màu hoa Lụa lẳng trốn vào không gian lục mát, lôi tầm mắt ta yên ả tan dần vào kỷ niệm xưa, hương hoa Lụakhông kêu mời vồn vã mà chỉ gợi lên nỗi nhớ”.Đây là một đọan văn mà tôi nghĩ chúng nguyên thủy (original) từ cách nhận xét về bối cảnh không gian, cho đến lối sáng tạo chữ nghĩa. Trong sáng tác, điều nào gây hào hứng và là điểm tựa cho công việc sáng tác của ông trước ? Một mạch văn hấp dẫn, hay một bối cảnh hoặc một ý tưởng cần có bản văn để phô bày ?

Võ Văn Ái : Sáng tác là nhìnthấy. Thấy qua diễn đạt. Nhiều người nhìn trâng nhưng chẳng thấy. Con mắt đối diện với núi, sinh ra ý thức về núi, kéo theo hàng loạt nhận thức về núi có tính dẫn đạo về tướngtính của núi. Cũng thế đối với 4 giác quan khác, tai nghe âm thanh, lưỡi nếm mùi vị, mũi bắt mùi hương, tay chạm sờ hình thể. Còn thêm cầu nối của ý thức thứ sáu nữa. Tâm lý học Phật giáo đẩy xa tới thức thứ tám gọi là A lại da thức (Phạn ngữ Alaya).

Cho nên không có gì trước cũng chẳng có gì sau. Tất cả xẩy ra cùng lúc, trực giác cảm nhận đưa tới trực ngộ ngôn ngữ, trực ngộ hình tượng, biến thành dòng biểu thị qua thơ, văn, họa, nhạc, cho tới đạo. Con mắt đâu thấy mắt nó ? Nhưng va chạm với cảnh giới bên ngoài sinh ra cái biết, cái thấy, khơi sáng tâm hồn và bắt nguồn sáng tạo. Và sáng tạo là chặt đứt mọi ý tưởng hữu hạn, đau khổ và tự ngã độc tôn. Sáng tạo là chiều thứ năm của trực giác người quan sát thêm vào không gian bốn chiều của Einstein (ba chiều vật lý và một chiều thời gian).

34. Lê Thị Huệ : Còn dưới đây là một đoạn khác mà tôi nghĩ thế hệ những người như Thi Vũ, Võ Đình đã mở ra một cánh cổng Trí Thức cho giới sáng tác Việt Nam hải ngoại : “Tuổi trẻ vừa lớn lên, đã phải thoái vị, để ru mình vào cơn mê ngủ, hoặc ngồi nói huyên thuyên. Ngủ hay nói huyên thuyên đều là trạng thái của sự vong thân. Con người thôi làm chủ những buổi trưa, thôi làm chủ cây đào, dòng sông, thôi làm chủ một rặng hương, đôi mắt hay một bàn tay. Đời đong đưa vô định. Đời lập đi lập lại những trưa mất, chiều xế, đêm phai. Khiến ngày mở ra xấp lại hoài hoài những cánh cửa bình minh bại trận.

“Nửa trưa hay nửa khuya thì cũng thế. Nỗi mệt nhọc ngang nhau, cơn ngủ mời mọc. Cứ như tuyên lệnh : Người thức hay không thức ? Sau đó, người đi vào nỗi cô đơn của cơn thức, hay lặng câm nhọc nhằn theo thỏi chết trơ đầy mộng.

“Riêng đêm giao thừa con người không ngủ. Điều lạ của năm. Phải chăng đó là giây phút vượt biên từ năm này sang năm khác ? Từ vừng sống này sang đỉnh sống khác ? Thời điểm chẳng ai muốn bị vứt lại nơi chốn cũ càng, quá khứ, phai úa. Mọi người vượt lên trong đêm nắm lấy đêm lay hỏi về vận mệnh một Ngày”.

“Thỏi chết trơ đầy mộng” ! Không thể không bị lôi cuốn bởi hấp lực của nhóm chữ này. Thưa ông, đây có phải là vì ưu tư từ trong qúa trình suy tưởng để sáng tạo nên liên tưởng này ? Hay trong một phút giây tuyệt đường tiếng Việt đã khiến ông nẩy bật ra khúc liên tưởng “Thỏi chết trơ đầy mộng” này ? Tại sao lại gọi là “Thỏi chết trơ đầy mộng” ?

Võ Văn Ái : Chị rất tinh tế khi nhận thức “trong một phút giây tuyệt đường tiếng Việt mới bật ra khúc liên tưởng”. Phải tuyệt đường tiếng Việt, ngôn ngữ Việt mới ló ra tiếp viện, sinh sôi nẩy nở.

Viết là tuyệt lộ trong suy tư, bơ vơ trong ngôn ngữ.

Người viết luôn ở trạng thái bị trấn áp, bao vây, bị đẩy tới chân tường. Cực kỳ tuyệt vọng. Bỗng sinh lộ hoát nhiên mở ra. Như hai viên đá câm nín, ù lì, trì trệ, chợt đánh vào nhau mà tóe lửa. Ánh sáng của sáng tạo nếu không là sáng thế. Từ một thế giới sản sinh ra muôn nghìn thế giới. Từ một con người sản sinh ra muôn vạn giống dân.

Có câu chuyện Thiền ứng vào nhận xét của chị. Một thiền sinh cheo leo trên vực thẳm, miệng cắn vào một cành cây làm nơi cứu tử. Vị thiền sư đưa ra công án (17), bắt phải trả lời thì mới đạt đạo. Làm sao đây ? Mở miệng đáp sẽ đạt đạo, nhưng mở miệng là rơi vào hố thẳm chết tươi. Không trả lời tất không thành đạo ! Giác ngộ trong đạo hay sáng tác trong văn học nghệ thuật là trả lời câu hỏi của vị thiền sư khi ở vị thế cheo leo, vô vọng kia. Hẳn nhiên lời đáp không có một, mà tùy thuộc tâm tưởng của mỗi người. Dĩ cùng tắc biến, biến tắc thông. Phải dám đi đến tận cùng địa ngục thiên đường mới mở ra.

Sống chết đan xen nhau. Sống là đi về cái chết. Chết là ngồm ngoàm cái sống. Biết vậy, nhưng con người vẫn cứ sống ngờ ngờ không ý thức, như một “thỏi chết trơ”, cái xác không hồn, tức thân xác thuần bản năng chưa được lóng sáng trí tuệ xuyên tâm thành cử điệu của hồn sinh. May thay nơi thân xác trầm luân ấy vẫn còn tràn đầy mộng mị thoi thóp qua ngày. “Thỏi chết trơ đầy mộng” là trạng thái giao thời chờ đợi tái sinh, tùy thuộc mộng mê hay mộng tỉnh, tức vai trò giác ngộ. Giác ngộ là lìa xa vô minh. Ta không thể giúp con ngựa hết khát nước, nhưng ta có thể dẫn con ngựa tới suối nước. Đó là vai trò của giác ngộ – Con Đường Phật trên Mặt đất.

35. Lê Thị Huệ : Phải là trí thức hải ngoại đọc những sáng tác như “Chiếc Vòng” của Võ Đình mới thấy được cái trí thức Việt bùng vỡ và nghẹn họng ra bên ngoài Việt Nam như thế nào. Phải là trí thức hải ngoại đọc đọan văn trên của Thi Vũ, mới chiêm nghiệm được chỗ đứng của Lưu Vong và cái “giá trị riêng một người” phân định mong manh như thế nào. Nhân đây, tôi muốn hỏi ông một câu hỏi hơi đời thường. Là nếu chúng tôi thấy về cái sự “không” Đông Phương Nhà Phật của ông không thể giúp chúng tôi tiến thân trong một xã hội cần chúng tôi “huyên thuyên” “selling yourself” như trong những cuộc “interview for job” ở Mỹ chẳng hạn, thì câu trả lời của ông sẽ như thế nào ? Hơn 70 tuổi rồi mà ông vẫn còn là một trí thức dấn thân, tranh đấu cho nhân quyền thế giới. Tôi ngồi đây trong căn phòng đầy đủ tiện nghi ở nước Mỹ, đọc những câu văn thơ mộng của ông trong bài tản mạn “Người Em” của ông, tôi thấy ông bàn về sự “Không” ấy như một người nào khác chứ không phải là Nhà Tranh Đấu Nhân Quyền Võ Văn Ái đang ăn thua đủ trên các đấu trường quốc tế . Ông đã khiêu vũ với đời sống như thế nào để có thể tránh những cú té “identity crisis” : “Đông là Đông. Tây là Tây. Đông Tây không bao giờ hòa hợp” ?

Võ Văn Ái : Đông là Đông, Tây là Tây, câu nói của Rudyard Kipling ở thế kỷ XIX.

Như trên tôi nhận định, ở vào đầu thiên niên kỷ thứ ba, chúng ta đang sống trong một thời đại mà Đông phương không còn là Đông phương và Tây phương cũng không hẳn là Tây phương. Cho nên theo hình tượng chị nêu ra, cuộc khiêu vũ với đời sống của tôi đang là cuộc luân vũ vô cùng hào hứng mà ở đó mọi hệ lụy trở thành những thách đố kỳ thú. Khi con người thôi sợ hãi hắn làm chủ nhân ông cuộc sống nếu không là thượng đế của đời hắn.

Chị đang ngồi uống trà trước mặt tôi. Chị thấy gì thần trí tôi ? Chị thấy gì cái đầu suy tưởng của tôi, khi tôi cử điệu như mọi người : rót nước sôi vào bình, chuyên trà sang chén, đưa nhẹ bàn tay mời uống… Thế nhưng cử điệu, cung cách pha trà, châm trà, rót nước, mời thỉnh… là sự hoá hiện và thu tóm những nghìn năm văn hoá trà – Trà đạo. Đâu là thơ mộng trà, đâu là từng lăn ngụm hớp qua thớ cổ trên thân xác ê dề ? Hai là hai ? Hay hai là một ? Tương liên như lóng nắng thổi xanh vào lá, hồng đậm một cành hoa ?

Hoá ra cái nhìn ta, suy tưởng ta phân hai những thể thống nhất trong đời. Cành hoa đẹp là thể thống nhất của đất trơ, mầm mộc nhuốm các mùa màng qua lại.

Có những người bỏ hàng trăm nghìn hay triệu đồng mua món đồ cổ già năm mười thế kỷ. Họ biết đâu mặt đất họ đang bước, nắm đất cầm trong tay già hơn hàng triệu tỉ năm ? Và con người văn hoá, được truyền thừa văn hoá như chúng ta, thọ hơn tuổi ông Bành Tổ ? Vì ta mang trong tim ta, máu ta, gen ta, đầu óc ta hàng chục thế kỷ của nền văn hiến trí tuệ.

Ta truyền thừa, là ta tồn tại và hiển sinh.

Chữ không Đông phương nhà Phật mà chị đề cập không phải là sự chối từ hay quay lưng của một từ phủ định đối chọi với sự khẳng định : không/có, có/không. Không của nhà Phật (tiếng Phạn là Śūnya), là không có tự tính, mang nghĩa mọi vật tồn tại không có tự thể, thực thể, thực ngã. Đó gọi là tính không của các pháp (svabhāvaśūnya). Pháp (tiếng Phạn dharma nghĩa là mọi sự, lý trong đời). Mọi sự mọi vật đều do duyên sinh kết hợp mà thành. Tư tưởng này rất trọng yếu, nó là sự tự do vô hạn, vì nó biến mỗi con người thành Thượng đế sáng tạo, chứ không lùa người thành bầy đàn nô lệ cho Thượng đế.

Mấy ông trùm Cộng sản do không hiểu tính không của Phật giáo, nên các ông bám vào cái hữu, cái mà các ông tưởng là bất biến, vĩnh cửu tồn tại. Vì vậy thế mệnh của chủ nghĩa Cộng sản chấm dứt vào năm 73 tuổi. Không như Phật giáo làm tính mệnh cho nhân sinh đã trên ba nghìn năm mà ngày càng phát huy.

Khi nói nước là không, điều này mang nghĩa nước không có tự thể, nước nhờ duyên sinh mà thành. Chứ không phải là không có nước. Vì nước là hợp chất của một phần dưỡng khí và hai phần khinh khí (H2O).

Thử lấy thêm cái bàn làm ví dụ. Thực thể cái bàn ở đâu ? cái gì gọi là cái bàn ? nếu không là sự kết hợp của gỗ, của cưa, đục và người thợ mộc khéo tay. Hiểu được như thế, yếu tính của chữ không đâu phủ nhận cái bàn, không cho cái bàn hiện hữu, mà là tự tính và tự thể cái bàn không có thật. Đừng bám vào đấy mà cố tín. Bàn là toàn thể một tương quan. Cho nên, bàn vẫn hiện hữu do sự kết hợp, tương duyên của nhiều thành tố. Từ ví dụ cái bàn, mà suy ra con người, xã hội, trái đất, vũ trụ. Nắm bắt được chân lý duyên sinh, tương duyên tương sinh, thì con người và xã hội hòa hài nhau lắm chứ, liên hệ, kết dính, tương quan nhau lắm chứ.

Giải thích thâm sâu hơn nữa, thì Không là thực tại siêu việt ý niệm và mọi diễn xuất của ý niệm (ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt). Bản thể và hiện tượng tiêu tan trước thực tướng : Đâu cũng là đấy (Đương xứ tiện thị – Yathābhūtam). Khi trí năng đạt thấu trí tuệ bát nhã, thì tâm không còn vướng mắc, như sự giải phóng toàn triệt, tự do vô hạn xuất sinh, như được diễn tả qua kinh văn bát nhã :

“Do tuệ giác Bát nhã mà tâm không vướng mắc, tâm không vướng mắc nên không khiếp sợ, siêu thoát mọi tư tưởng thác loạn”.

“Chúng tôi cần “huyên thuyên”, “selling yourself” như trong những cuộc “interview for job” ở Mỹ” như chị nói, thì sinh thức Không/Śūnya của nhà Phật giúp chị thêm tỉnh táo, tự tin, tương dự để hoàn thành bất cứ “interview for job” khó khăn, bức thiết đến thế nào. Ông chủ for job kia sẽ mất chân đứng thị uy mà hoát nhiên hoá thành con chuột dưới móng mèo của chị. Tôi đã áp dụng ý thức Không/Śūnya này trong cuộc đời hành hoạt quốc tế cho Việt Nam của tôi suốt trên năm mươi năm qua. Nhờ vậy tôi bước tới, chẳng thối lui. Tôi chuyển hoá.

Từ nhận thức tự tính mọi sự là Không/Śūnya, không cố định, bất biến, nên ta có thể chuyển hóa mọi sự, biến khổ đau thành hạnh phúc, nô lệ thành tự do, độc tài thành dân chủ. Tôi từng giải thích Ý thức Không/Śūnya này ở một chương sách trong “Nguyễn Trãi, Sinh thức và Hành động”.

Sau đây vài bài báo tiêu biểu trong hàng trăm bài viết về hoạt động truyền thông quốc tế của Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam thuộc Cơ sở Quê Mẹ : nhật báo The Advertiser, Úc châu, 2.10.1986, viết về chuyến đi vận động cho Nhân quyền Việt Nam, chúng tôi là phái đoàn người Việt đầu tiên vào điều trần Quốc hội Úc, và nhật báo Việt ngữ Chuông Saigon ở Cabramatta.
Sau đây vài bài báo tiêu biểu trong hàng trăm bài viết về hoạt động truyền thông quốc tế của Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam thuộc Cơ sở Quê Mẹ : nhật báo The Advertiser, Úc châu, 2.10.1986, viết về chuyến đi vận động cho Nhân quyền Việt Nam, chúng tôi là phái đoàn người Việt đầu tiên vào điều trần Quốc hội Úc, và nhật báo Việt ngữ Chuông Saigon ở Cabramatta.
Nhật báo La Croix, Paris, 12.11.1993, viết về Tôn giáo là lực luợng đối lập khả tín nhất tại Việt Nam.
Nhật báo La Croix, Paris, 12.11.1993, viết về Tôn giáo là lực luợng đối lập khả tín nhất tại Việt Nam.
Nhật báo Le Monde, Paris, 27.5.2000 viết về Bạch Thư của chúng tôi chống việc Chính phủ Pháp tiếp đón Lê Khả Phiêu.
Nhật báo Le Monde, Paris, 27.5.2000 viết về Bạch Thư của chúng tôi chống việc Chính phủ Pháp tiếp đón Lê Khả Phiêu.
Nhật báo Le Devoir, Canada, 29.4.1995, tố cáo Nhà cầm quyền Hà Nội và Đảng Cộng sản gây chiến với nhân dân Việt.
Nhật báo Le Devoir, Canada, 29.4.1995, tố cáo Nhà cầm quyền Hà Nội và Đảng Cộng sản gây chiến với nhân dân Việt.
Tác giả cập nhật hóa hồ sơ vi phạm nhân quyền và phát biểu thường niên tại Ủy hội Nhân quyền LHQ ở Genève. Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam là tổ chức người Việt dân tộc duy nhất đối diện với Phái đoàn Cộng sản Hà Nội tại LHQ từ năm 1985 cho đến nay. Dưới đây là bản tin của LHQ và hãng thông tấn AFP đánh đi từ Genève về lời phát biểu của tác giả.
Tác giả cập nhật hóa hồ sơ vi phạm nhân quyền và phát biểu thường niên tại Ủy hội Nhân quyền LHQ ở Genève. Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam là tổ chức người Việt dân tộc duy nhất đối diện với Phái đoàn Cộng sản Hà Nội tại LHQ từ năm 1985 cho đến nay. Dưới đây là bản tin của LHQ và hãng thông tấn AFP đánh đi từ Genève về lời phát biểu của tác giả.
Bài viết cho Wall Street Journal số ra ngày 7.5.2009 về nhân quyền Việt Nam nhân dịp Thứ trưởng Ngoại giao Hà Nội đến Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Geneve phúc trình theo thể thức Kiểm điểm Thường kỳ Toàn diện (Universal Periodic Review).
Bài viết cho Wall Street Journal số ra ngày 7.5.2009 về nhân quyền Việt Nam nhân dịp Thứ trưởng Ngoại giao Hà Nội đến Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Geneve phúc trình theo thể thức Kiểm điểm Thường kỳ Toàn diện (Universal Periodic Review).
Bài viết “Độc thoại Nhân quyền” trên báo VG ở Na Uy phê phán việc đối thoại nhân quyền Việt Nam – Na Uy, qua đó Hà Nội đánh lừa các nước Tây phương trong những cuộc gọi là “Đối thgoại Nhân quyền” liên chính phủ. Bài viết này đã được Thứ tưởng Ngoại giao Na Uy hồi đáp cũng trên mặt báo VG nhằm trấn an nỗ lực của chính phủ Na Uy luôn quan tâm đến nhân quyền Việt Nam.
Bài viết “Độc thoại Nhân quyền” trên báo VG ở Na Uy phê phán việc đối thoại nhân quyền Việt Nam – Na Uy, qua đó Hà Nội đánh lừa các nước Tây phương trong những cuộc gọi là “Đối thgoại Nhân quyền” liên chính phủ. Bài viết này đã được Thứ tưởng Ngoại giao Na Uy hồi đáp cũng trên mặt báo VG nhằm trấn an nỗ lực của chính phủ Na Uy luôn quan tâm đến nhân quyền Việt Nam.


(17) Công án, nghĩa đen là án lệ do quan lại phán quyết. Trong thiền học gọi chung sự kiện khi dùng một chữ, một câu nói cho người học đạo tham cứu gọi là “thoại đầu”. Ví dụ hỏi “Con chó có tính Phật không ?” Trả lời : “Không !” hoặc “Có !”. Đối thoại như thế gọi là một tắc công án. Xưa nay có khoảng năm trăm Công án thường dùng trong số gần hai nghìn công án. Công án không thể đem luận lý mà giải thích, vì tinh thần Thiền siêu việt nói năng, ngôn ngữ, suy tư. Dùng cái Phi luận lý tính để khơi dậy trực giác tiềm ẩn trong vô thức giúp người học đạo thể chứng chân tính.

Check Also

Quê Mẹ : Câu hỏi 36-40

36. Lê Thị Huệ : Trong vài bài “tạp ghi” của ông, tôi để ý ông …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *