Home / Sách của Võ Văn Ái / Quê Mẹ : Câu Hỏi 51-56

Quê Mẹ : Câu Hỏi 51-56

Download PDF

51. Lê Thị Huệ : Ông có thể khai triển rõ hơn về phe phản chiến do Liên Xô điều động ?

Võ Văn Ái : Trong thế giới có những phong trào này phong trào kia phát động. Nhìn từ ngoài là sự tự phát, nhưng từ cơ bản đa số do các khuynh hướng chính trị hay đảng phái giật dây. Phong trào phản chiến hay phong trào hòa bình hồi đó cũng vậy. Trong cuộc chiến tranh Việt Nam thời ấy, Hà Nội được Mạc Tư Khoa hậu thuẫn, nên Liên Xô thông qua các đảng Cộng sản địa phương ở Âu châu phát động rầm rộ một phong trào rộng lớn ủng hộ cho “Hoà bình Việt Nam”. Nói là hoà bình Việt Nam, nhưng kỳ thực là ủng hộ cuộc chiến tranh do Hà Nội chủ suý. Phe Cộng sản quốc tế bỏ tiền mua các cơ quan truyền thông, báo chí, kích động các phong trào quần chúng, đặc biệt giới sinh viên đại học xuống đường kêu gọi “Hoà bình chống Mỹ”.

Đối diện với phong trào hoà bình lớn rộng thiên Hà Nội này, Việt Nam Cộng hòa bỏ ngỏ sân chơi cho phe cộng sản. Chúng tôi là tổ chức Việt Nam không-cộng-sản duy nhất lúc bấy giờ thông tin cho thế giới được biết thực tại Việt Nam không như Hà Nội tuyên truyền rằng chỉ có hai phe đen trắng. Một bên là “toàn dân” tranh đấu giành độc lập, hoà bình, mà Mặt trận Giải phóng Miền Nam là phong trào tự phát của “nhân dân miền Nam” ; một bên là đế quốc Mỹ xâm lược.

Nếu tôi không tình cờ đến thuyết trình tại York, thì có thể Ỷ Lan đã thành một Jane Fonda Anh quốc. Từ đó suy ra, phe dân tộc đã mất biết bao bạn bè quốc tế có thể giúp đỡ cho việc đề cao lý tưởng dân tộc, tự do, nhân quyền, dân chủ trên địa bàn quốc tế ?!

Công tác vận động quốc tế của chúng tôi lúc bấy giờ là nói lên chủ trương hoà bình không Cộng sản (không theo Hà Nội) của Phật giáo và nhân dân miền Nam. Có thể nói thành quả hoạt động của chúng tôi đã chận đứng việc Hà Nội và Liên Xô thu tóm và biến tướng tất cả mọi phong trào ủng hộ Việt Nam trên thế giới trở thành công cụ cho cộng sản. Do đó, phong trào Hoà bình thế giới đã phân đôi, một phe ủng hộ cho Miền Nam, một phe theo Hà Nội. Vì vậy Hà Nội và Mặt trận Giải phóng Miền Nam phản ứng mãnh liệt chống phá chúng tôi. Tôi còn nhớ lần đầu tiên bà Nguyễn Thị Bình gặp mặt các tổ chức Hoà bình Âu Mỹ tại Nam Tư (lúc này Mặt trận chưa có cơ sở ở Tây Âu) bà ta vu cáo tôi là “nhân viên CIA” (sic) để các tổ chức này xa lánh tôi. Từ đó, các cuộc biểu tình hay thuyết trình cho Việt Nam tại Châu Âu, Hà Nội và Mặt trận tìm cách ly gián để ban tổ chức không mời chúng tôi. Nhưng họ đã thất bại vì một số đáng kể các tổ chức hoà bình trong thế giới không theo cộng sản. Mặt khác một số các tổ chức này đã biết hoạt động tôi từ trước nên không mất lòng tin.

Năm 1966, lần đầu tiên có cuộc Hội nghị các phong trào Hoà bình cho Việt Nam tại Stockholm ở Thuỵ Điển. Khi phái đoàn Hà Nội và Mặt trận được mời, thì họ bảo nếu có Võ Văn Ái họ sẽ không dự.

Đó là tính chất độc tài của Hà Nội trên trường quốc tế. Tôi cũng từng chứng kiến tính chất độc tài đảng trị ấy ngay giữa người Việt với nhau tại Paris tự do. Nhớ mãi Tết năm 1965 đi xem buổi trình diễn của họ ở hội trường Maubert. Vừa in xong báo “Tin Tưởng” Tết của hội Phật giáo chúng tôi, tôi mang theo 3 tập để tặng cho các bạn sẽ gặp. Nhưng khi vào cửa bọn họ tịch thu 3 tờ báo ngay tức khắc với thái độ muốn hành hung vì đồ cho tôi mang tài liệu phản động, mặc tôi giải thích, phản đối thế nào ! Đáng chú ý là sự kiện này xẩy ra vào lúc Hà Nội vung vít tung chiêu bài “hoà hợp hoà giải” thông qua Mặt trận Giải phóng Miền Nam nhằm thu hút những người Việt chân thật.

Cư xử tàn nhẫn với báo chí, văn nghệ sĩ ở hải ngoại thập niên 60 như thế. Nhưng khi cần lợi dụng hay bóc lột văn nghệ sĩ, họ vẫn “tự nhiên như người Hà Nội”. Thành ngữ này do dân miền Nam đặt ra, phản ứng chính sách “vào, vơ, vét, về” của cán bộ, bộ đội miền Bắc sau năm 1975. Tôi nhớ đến trường hợp của danh hoạ Lê Phổ.

Anh Lê Phổ thuộc lớp hoạ sĩ đàn anh theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, thành lập năm 1925 do Hoạ sĩ người Pháp Victor Tardieu làm Hiệu trưởng, mở đầu cho nền hội hoạ tân thời Việt Nam. Đầu thập niên 30 anh sang Pháp dự Đấu xảo Mỹ thuật Đông Dương rồi ở luôn không về. Năm 1984 nhân đến thăm anh Lê Phổ, tôi viết bài “Hoạ sĩ Lê Phổ, Người vẽ Nắng” đăng trên Giai phẩm Quê Mẹ Xuân Giáp Tý (sau này Gió-O cho đăng lại). Bài này gây chấn động giới Việt kiều tại Pháp, vì ai cũng tưởng anh ấy mất từ lâu. Mấy năm sau bài viết này, Hà Nội gửi một hoạ sĩ sang thăm anh Lê Phổ. Họ tiếp cận thân nhân anh ấy còn ở Hà Nội thúc đẩy liên lạc với anh, rồi sang Paris thăm anh. Từ từ cho người trong chính quyền đến xin anh tặng tranh cho Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia ở Hà Nội. Anh Lê Phổ gọi điện thoại hỏi ý kiến tôi. Tranh Lê Phổ từ nhiều thập niên nổi tiếng ở Pháp rồi sau ở Hoa Kỳ. Thời ấy anh cho tôi biết mỗi năm anh chỉ vẽ chừng 20 bức, vì tuổi cao, sức khoẻ yếu. Vẽ xong bức nào là các Art galeries Mỹ đến chở đi ngay. Tuỳ theo kích thước, giá tranh mỗi bức bán từ 20 đến 40 nghìn Mỹ kim. Lâu sau có dịp thăm nhau tôi hỏi vụ tặng tranh đi đến đâu. Anh bảo nhà nước Việt Nam còn độc tài và vi phạm nhân quyền nên anh không muốn tặng. Tuy nhiên anh dặn gia đình ngày nào Việt Nam thanh bình, dân chủ sẽ gửi về tặng 20 bức.

Đấy, khi cần thủ lợi, người Cộng sản tiếp cận, chăm lo, thoa vuốt đủ điều. Nhưng chính sách bóp nghẹt tự do sáng tạo, xài xể hay đàn áp văn nghệ sĩ, trí thức vẫn không thay. Trong cuộc phỏng vấn nói trên, anh Lê Phổ cho biết năm 1946 lúc Phạm Văn Đồng sang Pháp dự hội nghị Fontainebleau, anh rất hăm hở, phấn khởi trước khí thế giành độc lập, tự do cho nước nhà. Dù còn hàn vi, anh Lê Phổ đã hội họp anh em tại xưởng vẽ của anh, với các bạn như Nguyễn Quốc Định, Nguyễn Mạnh Đôn, Trần Hữu Tước …, mời Phạm Văn Đồng đến dùng cơm tâm sự để cùng nhau hợp tác cứu quê hương. Nhưng anh đã thất vọng lánh xa, khi tin từ Hà Nội sang cho biết Việt Minh chẳng yêu nước gì đâu, nhóm ông Hồ và Cộng sản giết người, thanh toán phe quốc gia rất dữ. Chỉ riêng bạn đồng song của anh là hoạ sĩ Mai Thứ bị lừa theo giúp Hà Nội. Mãi sau này mới mở mắt thì đã muộn.

52. Lê Thị Huệ : Có một Nguyễn Thái Học và Cô Giang đi làm cách mạng đã đi vào huyền thọai trong đất nước Việt Nam. Và bây giờ tôi đang thấy có một một đôi tài tử khác là Võ Văn Ái và Ỷ Lan lao theo một cuộc đấu tranh Nhân Quyền cao đẹp trên chính trường quốc tế ở bên ngòai Việt Nam. Có vẻ như cô Ỷ Lan là một đồng chí cùng với ông đi đấu tranh Nhân Quyền trong thời gian qua. Một cặp đôi tình nhân chính trị khá đẹp, Võ Văn Ái và Ỷ Lan. Ở ngoài nhìn vô thấy đẹp nhưng liệu người trong cuộc có thể tiết lộ đẹp ở những điểm nào trong cuộc tình chính trị ấy ?

Võ Văn Ái : Người bên trong là tôi thấy rằng trong thời gian chiến tranh hai thập niên 60, 70, phe quốc gia đã thua phe cộng sản trong việc vận động công luận quốc tế, vận động các nhà báo, nhà văn, sinh viên, giáo sư, trí thức, nhân sĩ Âu Mỹ. Cộng sản đã thành công biến những người này thành bạn bè quốc tế phục vụ cho lá bài cộng sản Hà Nội.

Ỷ Lan là người bạn quốc tế không mắc mưu ấy. Chị dâng trọn thanh xuân và đời chị cung hiến cho Việt Nam tự do, mà chẳng hề đòi hỏi tiền bạc, quyền lợi hay bất cứ điều kiện chi. Nào khác chị phục vụ cho chính quê hương chị. Sự tham gia này là biểu tượng thành công của phe dân tộc chúng ta. Nếu cộng đồng người Việt hải ngoại gia tăng những trường hợp Ỷ Lan như thế, tôi nghĩ đây sẽ là yếu tố giúp thêm cho vận nước mau tới hồi thái lai. Ít nhất cũng trên phương diện vận động quốc tế và giữ lửa người đồng bào.

Tôi nhận xét đi đến đâu người Việt cũng thương mến và quý trọng Ỷ Lan, họ tự hỗ thẹn không làm gì khi một người ngoại quốc xum lo cho nước Việt. Họ cho chuyện tôi tranh đấu là việc tự nhiên, họ chẳng lý tới bao nhiêu. Song Ỷ Lan, là một kỳ công, tuyệt tác. Đây là yếu tố giữ lửa đấu tranh mà cộng đồng người Việt hải ngoại không nên khinh suất.

Suốt ba mươi bốn năm qua cùng với Cộng đồng Người Việt Tị nạn, Ỷ Lan, một người ngoại quốc đứng ở tuyến tiền tiêu tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ Việt Nam, từ chiến dịch “Một Chiếc Tàu cho Việt Nam” năm 1978, đến vụ kiện Hà Nội vi phạm nhân quyền tại LHQ ở New York năm 1985, và hàng nghìn động thủ khác… Người ngoại quốc ấy đứng trong bóng tối bao nhiêu năm dài, kiên nhẫn làm việc nhỏ, khiêm tốn, mờ nhạt ở văn phòng, lái xe đưa đón hàng nghìn lượt người tị nạn đến Pháp đi làm giấy tờ hội nhập hay hội họp, suốt bao năm ròng cùng với chúng tôi đứng trong xưởng in tối, lạnh, không lò sưởi đến ba, bốn giờ sáng ở Gennevilliers, vùng ngoại ô Paris, sắp chữ chì (typo) các bản in và chạy máy để cứu sống một tập thể tị nạn, kiên nhẫn học tiếng Việt hầu chia sẻ với đa số Người Vượt Biển không nói tiếng Pháp. Chị tập viết tiếng Việt, trở thành nhà văn Việt với tập truyện “Quê Nhà” in tới lần thứ 9. Tập truyện này là một thành công đóng góp vào nền văn chương Việt hải ngoại mà lại do người ngoại quốc viết. Quê Nhà gồm 19 truyện chị viết và đọc trên đài BBC phát thanh về Việt Nam giữa thập niên 80, thập niên địa ngục của người Việt trong nước, mang lại những tia hy vọng và niềm tin cho biết bao người ở mọi tầng lớp nhân dân cùng khốn, cũng như những người tù trong các Trại Cải tạo. Sau này tù nhân chính trị được trả tự do ra nước ngoài và các vị HO cho chúng tôi biết sự thật này.

Đặc biệt vào giai đoạn nhà in của chúng tôi ở Gennevilliers bị tịch biên gia sản vào năm 1982 vì lo cho con tàu đi vớt Người Vượt Biển nên bỏ bê công ăn việc làm, Ỷ Lan đã chung chịu khổ nạn, đói cơm với chúng tôi. Chiến dịch “Một Chiếc Tàu Cho Việt Nam” bị Hà Nội bêu riếu phá hoại, lạ thay một số người gọi là “quốc gia” cũng chỉ trích, gièm pha, phá hoại. Một ký giả gọi là “quốc gia” ở Paris, ông TN cùng với nhóm ông ta phao tin và “cung cấp tài liệu” cho tạp chí cực hữu Minute viết bài vu cáo tôi “lấy tiền con tàu bỏ túi”.

Trước khi Nhà in bị đem bán phát mại, sở Thuế vụ của Nhà nước Pháp cử một Uỷ viên Tài chính đến văn phòng Nhà in kiểm soát sổ sách chi, thu, các chương mục ngân hàng công cũng như tư. Sau 2 tháng kiểm soát, ông ghi trong phần kết luận bản phúc trình về nguyên nhân sạt nghiệp của Nhà in VOV là đã “lo lắng thái quá vì tình nhân đạo” (lexcès dhumanité). Trong văn kiện bán phát mại, ông Quản tài Calmels (cơ quan lo thủ tục bán phát mại do Toà án chỉ định) phúc trình lên ông Tái phán thanh lý Brandel (Juge-Commissaire) nhận định về hoàn cảnh Nhà in như sau :

-“(…) Qua các cuộc xử đoán ngày 29.1.1982, Toà án Thương mại Hạt Hauts-de-Seine đã tuyên lệnh tịch biên gia sản của ông VÕ VĂN ÁI, người mang tư cách dưới đây, và chỉ định Luật sư CALMELS với tư cách Quản tài ;
-“Qua những khó khăn có thể biện giải bằng sự kiện hầu hết mọi hoạt động của ông VÕ VĂN ÁI đã cung hiến cho công tác tranh đấu cho Nhân quyền, và đặc biệt cho vấn đề [cứu trợ] những người Tị nạn Việt Nam ;
-“Qua lý do bị mất hết những khách hàng quen thuộc và chính yếu, tổng số tiền thu nhập trong hai niên khoá 1980 và 1981 của ông VÕ VĂN ÁI xuống rất thấp ;
-“Qua sự kiện không thể nào tiếp tục nghiệp vụ thương mại”.

Trích Quê Mẹ, Giai phẩm Xuân Quý Hợi, 1983, việc Nhà in VOV bị tịch biên gia sản, mà Phúc trình cho biết do “mọi hoạt động của ông Võ Văn Ái đã cung hiến cho công tác tranh đấu cho Nhân quyền, và cứu trợ những người tị nạn Việt Nam”.
Trích Quê Mẹ, Giai phẩm Xuân Quý Hợi, 1983, việc Nhà in VOV bị tịch biên gia sản, mà Phúc trình cho biết do “mọi hoạt động của ông Võ Văn Ái đã cung hiến cho công tác tranh đấu cho Nhân quyền, và cứu trợ những người tị nạn Việt Nam”.

Bọn người vu cáo không biết rằng tôi chỉ là người phát động chiến dịch và phụ trách việc vận động truyền thông quốc tế, các bạn Pháp trong Uỷ ban mới là người nắm giữ tiền bạc, thủ quỹ (Chủ tịch Uỷ ban là Nhà văn nữ Claudie Broyelle, Thủ quỹ là bà Françoise Gautier). Báo “chống cộng” Văn Nghệ Tiền Phong ở Hoa Kỳ viết bài “Con Tàu Ma” bôi nhọ. Tất cả đều “cầu nguyện” theo cách họ cho Con Tàu không thể ra đời ! Chúng tôi phải nỗ lực hết mình để con tàu xuất hiện trên biển Đông. Vì vậy, tất cả thợ thầy trong nhà in cùng với tập thể Quê Mẹ, tổng cộng 20 người, lăn xả ngày đêm cho chiến dịch, nên bỏ bê khách hàng. Khi truy tố báo Minute vu cáo vô bằng ra toà án Paris, chúng tôi phải mất nhiều tháng ròng để dịch các tư liệu, làm kết toán các chương mục, từ chương mục Con Tàu, chương mục Nhà in đến chương mục riêng trình toà.

Không tả hết những phiền toái, khó khăn, lao lung. Chúng tôi đã thắng kiện, dù theo điệu con kiến kiện củ khoai. Vì tuần báo cực hữu Minute rất giàu, còn chúng tôi chỉ là “người nô lệ da vàng” sống vô gia cư thác vô địa táng.

May cho chúng tôi, các bằng hữu quốc tế cùng với nhà toán học Ukraina Leonid Pliouchtch đứng ra thành lập “Hội Những Người Bạn Quê Mẹ” quyên góp tiền bạc giúp chúng tôi có phương tiện tiếp tục cuộc đấu tranh. Lời kêu gọi đã được báo chí tại Pháp và trong thế giới, kể cả tạp chí The New York Review of Books, đăng tải cứu nguy.

Trên đây là Tạp chí New York Review of Books ở Hoa Kỳ phổ biến Lời kêu gọi.
Trên đây là Tạp chí New York Review of Books ở Hoa Kỳ phổ biến Lời kêu gọi.

Chuyện cảm động và hi hữu, bởi một tờ báo Việt nhỏ bé (tạp chí Quê Mẹ) của một nước Việt Nam nhỏ bé khi lâm nạn lại được những nhân sĩ quốc tế lưu tâm tìm phương cứu giúp. Chữ ký 165 người gọi kêu có hai Giải Nobel Văn học : Samuel Beckett và Czeslaw Milosz, cùng với các trí thức, nhân sĩ, nhà văn, triết gia nổi danh như Alain Besançon, Vladimir Boukowsky, Pierre Daix, Pierre Emmanuel, Alain Geismar, André Glucksmann, Petro Gigorenco, Eugène Ionesco, Vladimir Iankelewitch, Lane Kirkland, Arthur Koestler, Edgar Morin, Iris Murdoch, Susan Sontag v.v…

Tôi phải nói một lời tri ân anh Leonid Pliouchtch cùng các bạn ly khai Liên Xô cũ và Đông Âu, như Maximov, Vladimir Bukowsky, Natacha Dioujeva v.v… Đông lắm. Chị Natacha Dioujeva dùng nhà chị ở Paris làm trụ sở pháp lý cho Hội Những Người Bạn Quê Mẹ. Nay chị đã qua đời. Xin cầu Trời cho chị lên Cõi Tiên, vì chị đã là tiên trên trần thế khi đấu tranh cho Liên Xô trở thành nước Nga tự do, và cho cơ sở Quê Mẹ tiếp tục cuộc hành trình.

Một đêm anh Leonid Pliouchtch đến xưởng in Quê Mẹ ở Gennevilliers, ngoại ô Bắc Paris, bàn việc hoạt động. Leonid lấy làm lạ khi bước vào thấy nhà thắp đèn sáp, chúng tôi ngồi ăn khoai tây nướng. Hỏi, chúng tôi cho biết là chừng tuần lễ nữa chúng tôi sẽ bị niêm phong nhà, xưởng và tịch biên gia sản. Ba ngày qua, nhà đèn đã đến khoá công tơ điện và gaz (nấu bếp). Chúng tôi phải đốt than nướng khoai tây ăn qua ngày.

Sáng hôm sau, Leonid cùng vợ, chị Tania, trở lại thăm chúng tôi. Anh cho biết vừa điều đình ngân hàng xong. Anh thế chấp căn villa anh chị cho nhà băng để lấy tiền giúp chúng tôi. Anh hỏi cần bao nhiêu để ngăn cản việc bán phát mại nhà in. Tôi đáp : Trễ quá rồi Leonid ơi, toà án thương mại đã tuyên án. Cám ơn hai bạn”. Leonid đanh thép phản ứng : “Không cám ơn, đây là cuộc chiến đấu ! (Cest le combat !) Tôi cực kỳ xúc động trước mối tình nhân loại.

Mấy ngày sau Leonid họp các bạn ly khai Liên Xô và Đông Âu cùng các bạn trí thức Pháp thành lập Hội Những Người Bạn Quê Mẹ để kêu gọi quyên góp cứu cơ sở Quê Mẹ. Không có động thủ huynh đệ quốc tế này chúng tôi chẳng biết lấy phương tiện đâu tiếp tục cuộc đấu tranh.

Từ 1968 trở về sau, bao lần lâm nạn, Ỷ Lan luôn đứng cạnh chúng tôi. Cho nên khi chị hỏi rằng “ở ngoài nhìn vô thấy đẹp nhưng liệu người trong cuộc…”, thì chúng tôi, những kẻ trong cuộc chung đụng hằng ngày còn thấy đẹp một cách diệu kỳ. Bởi chúng tôi chứng kiến hằng ngày, không phải chốc lát qua một buổi thuyết trình, phỏng vấn, biểu tình. Cái đẹp của tình người chân chất, tình quốc tế vô vụ lợi, tình chiến đấu cao cả. Một vẻ đẹp lý tưởng dưới bất cứ góc nhìn nào.

53. Lê Thị Huệ : Tôi không thể nào không thốt lên câu này : Ỷ Lan đứng cạnh Thi Vũ làm cho một ông Võ Văn Ái Nhân Quyền thành một ông Thi Vũ Đào Hoa. Ông có là một người đào hoa với phụ nữ ?

Võ Văn Ái : Không hiểu chị dùng chữ đào hoa theo nghĩa nào ? Chữ thường dụng trong từ điển, đào hoa chỉ người được phụ nữ yêu mến, thì tôi được cái may mắn ấy. Tuy nhiên đâu riêng phái nữ, phái nam cũng có người bao dung thương mến tôi. Ngoại trừ sự thù ghét của phái nam cộng sản.

Còn hiểu đào hoa theo nghĩa biến dạng nào khác thì không.

54. Lê Thị Huệ : Hai người thành một đôi đi tranh đấu Nhân Quyền cho Phật Giáo Việt Nam. Thành quả quốc tế nào ông nghĩ đấy là công lao nhờ Ỷ Lan nâng đỡ mà Võ Văn Ái mới đạt được như thế trên chính trường quốc tế ?

Võ Văn Ái : Xin sửa lại hai chúng tôi đi tranh đấu cho Nhân quyền Việt Nam, chứ không là “nhân quyền cho Phật giáo Việt Nam” như chị nói. Việt Nam hay Phật giáo, tôi đã trả lời chị qua câu hỏi thứ 10.

Ỷ Lan là người phụ tá đắc lực, thông minh, tài ba và vô cùng tận tâm của tôi và cơ sở Quê Mẹ. Thành quả của chúng tôi là bình đẳng và đồng đẳng phân công hợp tác trong tình nghĩa quốc tế. Hoa và hương của đoá hoa, cái nào nâng đỡ cái nào ? Hay chỉ là một- trong sự phụng hiến vẹn toàn cho nhân sinh.

Báo Nhân dân, Quân Đội Nhân dân, Hà Nội Mới cùng các báo chí Cộng sản viết hằng trăm bài vu khống, mạ lị tôi từ cuối thập niên 1970 cho tới nay.
Báo Nhân dân, Quân Đội Nhân dân, Hà Nội Mới cùng các báo chí Cộng sản viết hằng trăm bài vu khống, mạ lị tôi từ cuối thập niên 1970 cho tới nay.
Các báo Cộng sản trong nước, tiêu biểu như Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội Mới, mạ lỵ Chiến dịch “Chuyển Lửa Về Quê Nhà” do cơ sở Quê Mẹ phát động, mà theo Tạp chí Cộng sản tiết lộ thì đã có 6 tấn báo chí, tư liệu hưởng ứng chuyển về trong nước.
Các báo Cộng sản trong nước, tiêu biểu như Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội Mới, mạ lỵ Chiến dịch “Chuyển Lửa Về Quê Nhà” do cơ sở Quê Mẹ phát động, mà theo Tạp chí Cộng sản tiết lộ thì đã có 6 tấn báo chí, tư liệu hưởng ứng chuyển về trong nước.
“Năm 1995 là năm đen tối cho Nhân quyền tại Việt Nam” lời tác giả tố cáo khi phát biểu tại Ủy hội Nhân quyền LHQ. Phái đoàn Hà Nội rồi báo chí cộng sản trong nước kịch liệt phản công chối leo lẻo. Trên đây là bài viết ngày 7.4.1996 đăng y nguyên trên tất cả các báo trong nước, tiêu biểu như Quân Đội Nhân Dân, Saigon Giải phóng, v.v…
“Năm 1995 là năm đen tối cho Nhân quyền tại Việt Nam” lời tác giả tố cáo khi phát biểu tại Ủy hội Nhân quyền LHQ. Phái đoàn Hà Nội rồi báo chí cộng sản trong nước kịch liệt phản công chối leo lẻo. Trên đây là bài viết ngày 7.4.1996 đăng y nguyên trên tất cả các báo trong nước, tiêu biểu như Quân Đội Nhân Dân, Saigon Giải phóng, v.v…
Tác giả dẫn đầu Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam tham gia và hoạt động mạnh mẽ tại “Hội nghị Quốc tế Nhân quyền LHQ” tại thủ đô Vienne, Áo, từ 14 đến 26.6.1993, như tổ chức biểu tình, hội luận ngay trong khuôn viên Hội nghị. Mọi hoạt động được các hãng thông tấn, tuyền thanh, truyền hình, báo chí quốc tế loan tải liên tục. Trong khi ấy Phái đoàn Hà Nội do ông Lê Mai và bà Tôn Nữ Thị Ninh cầm đầu chẳng được ai nhắc tới.
Tác giả dẫn đầu Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam tham gia và hoạt động mạnh mẽ tại “Hội nghị Quốc tế Nhân quyền LHQ” tại thủ đô Vienne, Áo, từ 14 đến 26.6.1993, như tổ chức biểu tình, hội luận ngay trong khuôn viên Hội nghị. Mọi hoạt động được các hãng thông tấn, tuyền thanh, truyền hình, báo chí quốc tế loan tải liên tục. Trong khi ấy Phái đoàn Hà Nội do ông Lê Mai và bà Tôn Nữ Thị Ninh cầm đầu chẳng được ai nhắc tới.

Nguyễn Cao Kỳ Nhất Hạnh Phạm Duy và Tôn giáo

55. Lê Thị Huệ : Tại sao 3 người Nguyễn Cao Kỳ, Nhất Hạnh, Phạm Duy được đưa về Việt Nam cùng một thời điểm. Có tin đồn là hai ông Nhất Hạnh và Đạt Lai Lạt Ma làm cho CIA ? CIA dùng các ông tôn giáo vào những mục tiêu chính trị của họ. Mà với tôi thi` CIA hay không CIA thì chả có gì lạ. Nếu cái lý thuyết cả ba người Nguyễn Cao Kỳ, Nhất Hạnh, Phạm Duy cùng được CIA sử dụng thì ông có thấy “truyện” kiếm hiệp của Kim Dung làm sao hay hơn cốt “chuyện” này được. Câu hỏi này của tôi hơi lộng ngôn, ông có thể trả lời cách nào cũng được.

Võ Văn Ái : Truyện Kim Dung hay hơn chứ, nhờ tài ba người viết ; nhờ kết cấu và nghĩa lý câu chuyện ; nhờ những nhân vật chính diện hay phản diện xuất sắc và thiên tài – dù với dương mưu hay âm mưu ; đặc biệt nhờ kiến thức rốt ráo về y học, võ thuật, lịch sử và dự báo tương lai của cái xứ có trên một tỉ người. Khái niệm hắc bạch phân minh, bạn thù phân biệt bị Kim Dung đánh đổ, tức ông đánh đổ từ nền móng tư duy Cộng sản tha hoá và nhị nguyên Tây phương. Vô Chiêu của Kim Dung là suy tưởng độc đáo trong văn học thập niên 60. Thời kỳ tâm tưởng thế giới bị chìm đắm hoang vu trong bi kịch nhân loại lưỡng cực phân tranh (dichotomy). Thời của vong thức nhị nguyên (dualism) ngự trị trên đỉnh đầu nhân loại.

Còn ba người chị nhắc tên chỉ là cơ hội đưa đẩy của thế cuộc, cộng với sự diễn dở. Nó là một màn “Múa Rối Nước” hiểu theo cả hai nghĩa đen và nghĩa bóng.

Nếu có CIA thì CIA cũng chỉ là lý do ngoại tại. Trong đời sống tương quan tương sinh của thế giới và con người, các ảnh hưởng qua lại trong chính trị là việc đương nhiên. Giỏi của người hành động là làm sao cho các ảnh hưởng qua lại mang lợi ích cho xã hội loài người thay vì tàn sát con người. Vô chiêu của Kim Dung trở lại trong sự đánh giá này rồi.

Ông Nguyễn Cao Kỳ là một phi công, nhưng Việt Nam không phải phi trường. Tính chất vung vít của ông ấy ngày xưa như thế nào trên chính trường cải lương, hát bộ ở Saigon không còn là chuyện lạ.

Ông Phạm Duy là nhạc sĩ, ông ấy cần sân khấu, cần hát và cần có người nghe, và cũng cần tiền. Hải ngoại không muốn nghe ông hát nữa, thì ông về Việt Nam tìm người nghe. Thời trước tôi ngây thơ nghĩ rằng văn nghệ sĩ, các nhà làm chính trị, là người lãnh đạo quần chúng, hướng dẫn quần chúng những lúc xã hội hay đất nước gặp cơn nguy biến. Nên thập niên 70 nghe tin ông đến Mỹ, tôi mừng và viết thư cho ông ấy, đại ý nói rằng : Anh Duy ơi, tinh thần người hải ngoại hoang mang, sa sút, anh hãy sáng tác và hát lên cho mọi người hưng phấn. Ông hồi âm : “Tinh thần moi lúc này xuống tận bùn đen”. Lâu sau sang Paris, ông đến thăm tôi và thẳng thắn nói không mặc cảm : “Moi bây giờ chỉ dollariser thôi” (Tôi chỉ lo việc kiếm tiền). Trong chuyến đi tôi tổ chức cho ông hát Ngục Ca tại tám nước Châu Âu năm 1982, nhân trên đường trao đổi về Trường ca Con đường Cái quan và bài hát Mẹ Việt Nam, ông thổ lộ với tôi rằng năm 1974 ở Saigon ông đã phác thảo Trường ca Trường Sơn để tôn vinh ông Hồ Chí Minh !

Còn ông Nhất Hạnh nặng nợ với đạo Bụt của giáo phái ông, nên ông không xem chuyện cứu chúng sinh là chính. Ông sính làm Thầy, làm Tổ, và rất mê làm Bụt. Đây là chỗ khác với hai bậc Cao tăng ở Việt Nam – Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ . Mỗi người theo đuổi một cái Nghiệp trong đời, Nghiệp cho bản thân hay Nghiệp cho tha nhân.

Tương tự như quan điểm của các quốc gia Âu Mỹ, cả ba người Nguyễn Cao Kỳ, Phạm Duy, Nhất Hạnh đều xem Việt Nam như một thị trường.

56. Lê Thị Huệ : Chỉ nhân đây muốn hỏi ông một điều, tôi thấy thế giới này bị tan tành và chậm lụt bởi các nhóm Tôn Giáo ghê quá. Làm sao ông có thể thuyết phục tôi là tôn giáo mang lại cho trái đất niềm hạnh phúc và sự tiến bộ.

Võ Văn Ái : Chị nói “các nhóm tôn giáo” tức muốn đánh đồng mọi tôn giáo, cho rằng mọi tôn giáo có chung phạm trù. Thực tế không phải vậy. Sự tiếp cận con người và tâm linh mỗi tôn giáo mỗi khác. Bối cảnh xã hội và văn hóa nơi phát xuất ra các tôn giáo cũng khác nhau. Nhưng dù sao đại quan có hai nhánh tôn giáo thần quyền, và phi thần quyền.

Đúng phải viết Tông giáo. Do húy kỵ tên các vua chúa triều Nguyễn, nên chữ tông đọc trại ra tôn. Tông giáo là từ người Nhật dùng để dịch chữ religion của Tây phương. Tông là môi giới giữa hai thực thể. Chữ tổ tông ta thường nói, thì tổ là đầu tiên, tông là cầu nối tiếp theo. Religion / Tông giáo của Tây phương là cơ sở nối liền con người với Thượng đế (vật chủ). Cho nên Tông giáo chỉ cho thần giáo.

Phật giáo không là tôn giáo hiểu theo ngữ nghĩa Tây phương. Phật giáo không thần quyền. Phật không là Thượng đế, mà chỉ là đạo sư chỉ đường giải phóng nhân sinh ra khỏi vô minh, đau khổ, phát huy trí năng thành Trí tuệ Bát Nhã nhằm thực hiện cuộc giải phóng tối hậu – Giác ngộ. Hình tượng thường được nhắc nhở để giải thích Phật giáo : Chân lý là mặt trăng, Phật là ngón tay chỉ nẻo mặt trăng cho nhân sinh. Chớ đánh lầm ngón tay với mặt trăng.

Thiển kiến tôi, cái xấu, cái sai lầm cho đến cái ác của tôn giáo là do tín đồ của tôn giáo ấy gây tạo ra.

“Làm sao ông có thể thuyết phục tôi là tôn giáo mang lại cho trái đất niềm hạnh phúc và sự tiến bộ ?” – Thưa chị, thuyết phục là tuyên truyền, truyền giáo, cải đạo. Không ai thuyết phục được ai trên trái đất này. Con người đáo để chẳng vừa đâu. Đa số họ giả vờ đấy thôi. Mặt khác, mỗi người tự tìm lấy cho mình con đường giải phóng khỏi nhân sinh khổ lụy để thăng tiến đời sống tinh thần, tâm linh, trí tuệ siêu việt. Khi con người chí thành, không đạo đức giả, mọi sự tốt đẹp nẩy nở.

Nói về kiến giải tâm linh, hẳn nhiên có nhiều cấp độ hay phương pháp. Tỉ như đứng trước một con bệnh, các y sĩ cho những toa thuốc khác nhau. Song trong các toa thuốc này duy nhất sẽ có một thần dược. Vấn đề là chọn cho ra thần dược, chọn cho ra ông Thầy thuốc.

Truyền thống Hy Lạp dạy lý luận, Thiên chúa giáo dạy phải tin gì. Đây là tình trạng lưỡng đầu muôn thuở. Thiền Phật giáo quét sạch tất cả mọi khái niệm.

Tôn giáo Tây phương chủ súy thần quyền. Đông phương gọi tôn giáo là Đạo, tức con đường. Nơi rừng rậm, đất hoang, chưa có con đường thì đôi chân con người phát quang mà đi. Lâu thành đường.

Như trên tôi đã phát biểu một cách đơn thuần, rằng : “Đạo, như đạo Phật, là hiện thực sống trọn vẹn cuộc đời mình như một tồn tại toàn diện mới mẻ và giúp người khác phục hồi cái toàn diện của họ”.

Thông qua tôn giáo, con người xã hội hoà nhập như nhiên để gột rửa sự vong tính. Tin hay không là quyền-thượng-đế-của-chị.

Tiếp cận tôn giáo phần nào như tiếp cận thi ca. Thử lấy một câu thơ trong bài Buồn xưa của Nguyễn Xuân Sanh để suy gẫm. Cùng với Màu Thời Gian của Đoàn Phú Tứ, đây là một trong những bài thơ đẹp lạ của Nhóm Xuân Thu Nhã Tập. Nhóm gồm Đoàn Phú Tứ, Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Xuân Khoát, mang tham vọng “Trí thức – Sáng tạo – Đạo đức, nối liền nguồn gốc xưa với những ước vọng nay” Nhóm Xuân Thu Nhã Tập không được tiếp đón nồng hậu vì xuất hiện vào thời tao loạn : Thế chiến thứ hai rồi cận kề cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1945.

Bài thơ của Nguyễn Xuân Sanh bị chê là “bí hiểm, hủ nút, nội dung rỗng tuếch theo điệu Dadaïsme, Surréalisme của Pháp”. Hủ nút hay không, bí hiểm hay không còn tuỳ ở trình độ thẩm thấu thơ của người đọc thơ . Đang lúc có nhiều người yêu thích hay được đọc nhan nhản những bài thơ Đường luật chỉnh tề trên báo chí, hiển nhiên người đọc thấy xa lạ với Buồn Xưa nên ít ai muốn ghé mắt.

Đọc câu tôi trích trước đây : “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà”, trong bài Buồn xưa của Nguyễn Xuân Sanh, ta cảm được gì ? Trước tiên là nhịp thơ cuồn cuộn của sông biển theo viễn trình nơi lòng dĩa vốn lũng đọng. Nhịp sông biển (hải hà) tưởng tuyến tính như sông trôi, bỗng quay vòng hướng mùa đi từng nhịp bốn : Xuân, Hạ, Thu, Đông. Hoá ra cái ta tưởng là thầm lặng, tĩnh mịch và co kín của đáy dĩa vẫn mang sức chuyển động theo cung điệu mùa màng. Mùa thả vào đấy từng đợt quả thơm mùi vị đất trời. Một dĩa trái cây thay đổi xuyên năm. Không đơn điệu, buồn chán như bức tranh tĩnh vật.

Tả một dĩa trái cây thay đổi theo mùa như cuộc nhân sinh tươi thắm, vồn vã dâng người, thế là khéo. Thấy và hiểu câu thơ như vậy khiến ta thêm yêu thơ, muốn đi vào thơ nắm bắt những ý nhị hàm tồn còn dung dưỡng.

Tôn giáo cũng vậy. Thoạt tưởng kỳ bí, cao kỳ, xa cách với cuộc đời náo nhiệt. Nhưng khi biết rằng tôn giáo tiếp giáp với hơi thở tồn sinh đưa ta tới những bến bờ không tạm bợ, làm sáng rỡ hồn tâm, hẳn ta sẽ thấy tôn giáo thực hữu, cần thiết như những bài thơ kia kéo ta ra khỏi chốn phù trầm.

Lê Thị Huệ : Cám ơn nhà thơ Thi Vũ, nhà Tranh Đấu Nhân Quyền Võ Văn Ái đã đặc biệt dành cho gio-o cuộc phỏng vấn lịch sử và độc đáo này.

1.11.2009

Check Also

Quê Mẹ : Câu hỏi 31-35

31. Lê Thị Huệ : Ông là một trong vài người hiếm hoi, mà khi đọc …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *