Home / Sách của Võ Văn Ái / Quê Mẹ : Câu hỏi 16-20

Quê Mẹ : Câu hỏi 16-20

Download PDF

16. Lê Thị Huệ : Quyển “Luận Chiến Nước Ngoài”, với tiêu đề nhỏ là “Đi Tới Tận Cùng Sự Hoá Giải Dân Tộc” được tái bản lần thứ hai vào năm 1991. Đã gần hai mươi năm trôi qua, mở quyển sách của ông ra đọc lại, tôi vẫn có cảm tưởng như tình hình Việt Nam không xê dịch chút nào ? Ông có hi vọng gì về một sự hoá giải nào sẽ xảy ra cho xứ sở ấy không ?

Võ Văn Ái : Chị nhận xét đúng. Mấy năm trước anh Ngô Vương Toại phụ trách mục Điểm sách trên Đài Á châu Tự do, một hôm gọi điện qua Paris xin phỏng vấn tôi về sách “Luận chiến Nước ngoài” mà anh bảo đọc vẫn thấy rất mới ở đầu thiên kỷ thứ ba này.

Tình hình Việt Nam có xê dịch gì đâu ! Người Cộng sản và người Chống Cộng vẫn hầm hè nhau trên một cái statu quo. Quê hương chưa tìm thấy sinh lộ. Cần có một tiếng nổ giữa tâm tư, một sự thức tỉnh, một chớp giác ngộ trong lòng giới sĩ phu Việt Nam, mới mong có biến động.

“Hòa giải hòa hợp dân tộc” là lá bài chính trị mà Cộng sản Hà Nội tung ra như mẻ lưới gom dân vào cảnh chim lồng cá chậu. Được đưa vào bản Hiệp ước Paris năm 1973 để sập bẩy kẻ nhẹ dạ và ngây thơ chính trị. Hàng chục năm qua, lá bài chính trị này được đem ra xài lại nhằm phá vỡ thế kết hợp Cộng đồng dân tộc, khơi dậy “tình quê hương” mẹ mìn để diệt mầm chống kháng, và khoanh vùng các lực lượng dân tộc. Vài con cá đã vào lừ, tiêu biểu cho viên chức cũ có Nguyễn Cao Kỳ, tôn giáo có Nhất Hạnh, văn nghệ sĩ có Phạm Duy.

Hóa giải thì khác. Nội hàm của Hóa giải là ba bước chuyển vận tâm thức : Hóa giải sự mê hoặc của ý thức hệ ngoại lai Cộng sản ; Hóa giải sự nghi hoặc tự thân vì dao động trước những chướng ngại của thời thế ; và Hóa giải nguy cơ thành Giải pháp thay thế, một Giải pháp mới cho dân tộc.

Hóa giải không là phép lạ xuống từ trời cao. Hóa giải chỉ xẩy ra bằng ba cách : Một là người Cộng sản và người Chống Cộng bỗng một sáng thức dậy thấy rằng quê hương không thể tụt hậu như 64 năm qua, 85 triệu dân không thể đói nghèo, mất tự do như 64 năm qua nữa. PHẢI LÀM MỘT CÁI GÌ ! Vấn đề cái gì đó là CÁI GÌ ?

Hai là những người không-Cộng-sản kết liên thành lực lượng thực hữu, có sách lược, đồng thời tạo được chủ lực trong nước và viện lực quốc tế, nắm thế tương quan lực lượng với người Cộng sản thương thảo cho một giải pháp mới : Giải pháp dân tộc.

Ba là cuộc bạo loạn lật thay thời thế.

Nếu một trong hai điều trên không xẩy tới, điều thứ ba sẽ hiện ra. Khác nhau là ta sẽ có một chuyển tiếp hòa hài và tích cực cho việc tái thiết đất nước khi cách một hoặc cách hai xẩy ra. Cách thứ ba mù mịt về tiền đồ, bởi cộng sản, hậu cộng sản hay phát xít sẽ thay nhau sau cuộc bạo loạn lấn áp ngưỡng vọng tự do, dân chủ của quần chúng.

Châm ngôn của Đảng Cộng sản từ năm 1945 là Độc lập – Tự do – Hạnh phúc sở dĩ không thành tựu là vì ông Hồ Chí Minh đánh cắp khẩu hiệu nghe kêu này của ông Tôn Trung Sơn (Quốc dân đảng Trung quốc). Chứ tự thân ông Hồ và đảng Cộng sản không nghĩ ra tiêu chí này đâu, họ cũng chẳng cố công và cố tâm biến châm ngôn thành hiện thực.

Ông Hồ là chúa bắt chước và chúa thời cơ. Hãy đọc tập sách về đời ông, lại do ông viết dưới bí danh Trần Dân Tiên, qua các lần tái bản đủ thấy ông thay đổi xoèn xoẹt theo từng thời kỳ lịch sử. Bản viết đầu tiên giữa thập miên 40, ông đặt hình Tôn Dật Tiên trong phòng làm việc của ông ở Bắc bộ phủ, ông còn trọng kính khi nhắc tới cụ Phan Bội Châu, v.v… Song những bản in sau, khi Mao Trạch Đông tiến chiếm Hoa lục, khi ông chính thức là vua của nước, thì Tôn Dật Tiên, Phan Bội Châu bay biến. Tôi có viết bài nhận xét đăng trên tạp chí Quê Mẹ so sánh các bản viết của Trần Dân Tiên qua các thời đại, và sau những lần tái bản.

Báo Japan Times ở Tokyo, Nhật Bản, viết về chuyến tác giả đi vận động chính giới cho dự án Hóa giải, tháng 4 năm 1994
Báo Japan Times ở Tokyo, Nhật Bản, viết về chuyến tác giả đi vận động chính giới cho dự án Hóa giải, tháng 4 năm 1994

Năm 1990 khi Hà Nội còn bị Tây phương cấm vận, cô lập, chưa thiết lập được quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, tôi có làm một dự án Hóa giải mà qua đó người Việt dân tộc nắm phần chủ động. Ấy là tổ chức một Hội nghị Việt Nam do người Việt dân tộc đứng ra chủ súy. Xưa nay các hội nghị Việt Nam, như hội nghị Genève năm 54 rồi Hội nghị Paris năm 73 đều do các thế lực quốc tế khai mở và nắm phần quyết định. Đề xuất của tôi năm 1990 là lần này do người Việt, và người Việt dân tộc, đứng ra điều động tổ chức. Hội nghị tổ chức tại một thủ đô Châu Âu hay Châu Á, mời Hà Nội tới họp với các thành phần đảng phái quốc gia, các thành phần dân tộc không phân chính kiến, tôn giáo. Bỏ ngoài cửa hội nghị tất cả mọi thiên kiến, thành kiến, ý thức hệ.

Quanh bàn hội nghị thảo luận duy nhất một nan đề là làm sao phát triển Việt Nam cho dân được no ấm và nước được hội nhập vào cộng đồng văn minh dân chủ thế giới. Tôi mang bản dự án này bằng ba thứ tiếng Việt, Pháp, Anh đi hỏi ý kiến các nhân sĩ trong Cộng đồng. Nhưng đa số ngại và sợ “không chơi lại với Cộng sản”. Nên dự án chỉ là dự án. Thời ấy tôi cũng tham khảo một số bằng hữu quốc tế tại một số đại học, một số tổ chức nhân quyền, một số Sáng hội có tính chất think-tank, thì lại được hoan nghênh và thúc đẩy tôi sớm thực hiện. Như đã nói, vấn đề chính là người Việt, cơ duyên chưa hội đủ đành bỏ qua.

Về các tác gia Tây phương : André Malraux, Hermann Hesse

17.Lê Thị Huệ : Ông đến Pháp lúc nào ?

Võ Văn Ái : Trước hết phải nói về sự may mắn. Trong hoàn cảnh năm 1955 từ thế lực tới phương tiện vật chất tôi không có điều kiện xuất dương. Bị thôi thúc bởi kinh nghiệm “tìm đường cứu dân” của hai Cụ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh, tôi nuôi mộng ra nước ngoài. Cứ tưởng cái học ở nước ngoài giúp đem lại một giải pháp dân tộc ! Tôi làm đơn xin đi Pháp ở Tổng nha Cảnh sát. Ba tháng không thấy trả lời. Có người bảo tôi phải kiếm tiền đút lót mới được. Nhưng quen ai và tiền đâu. Thời ấy tôi đi dạy học để nuôi thân. Nhân biết một người bạn học của thân phụ tôi làm ở Tổng nha Cảnh sát, tôi đánh bạo viết thư xin ông giúp. Một tuần sau tôi có thông hành. Có thông hành nhưng không có tiền mua vé máy bay. Tình cờ than thở với hai người ân nhân tôi xem như Phiếu Mẫu : bác Vân ở đường Cầu Quẹo Đà Lạt, người xem tôi như con, nuôi tôi những năm học ở trường Yersin, và dì Lễ, bà và chồng là người cứu tôi thoát chết ở Huế cuối thập niên 40. Hai Mẫu thân này cho tôi tiền vé máy bay đi Pháp. Kiếp nào tôi mới trả được ơn trời biển này ? ! Nay ba người đã quá vãng, tôi chỉ biệt tụng kinh siêu thoát mỗi khi nhới tới ba vị.

Năm 1955 tôi bị khủng hoảng tâm thức trầm trọng, lần thứ hai xẩy tới năm 1970. Do năm 1955 nhận rõ cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc bị người Cộng sản đầu cơ lèo lái sang đường hướng phi dân tộc. Bởi vậy tôi nung nấu việc ra đi.

Tôi đến Paris ngày 6.10.1955 với 200 quan tiền Pháp cũ trong túi (cỡ 4 Mỹ kim), một lọ cà cuống, và hai bộ áo quần, mà một bộ do các bạn thợ may trong nhà tôi làm gia sư ở Saigon may tặng. Lọ cà cuống là chuyện trần sanh. Nguyên người bạn của thân phụ tôi mới di cư ở Bắc vào. Ông khuyên tôi có bao nhiêu tiền mua cà cuống mang sang Paris bán cho các hiệu ăn Việt, ít nhất lãi mười lần hơn. Chú mang tiền trong túi bất tiện, nhỡ mất mà chẳng lời lãi chi. Tôi dạ và làm theo, nhưng không biết cà cuống là gì, mua ở đâu. Ông dẫn tôi ra chợ Bến Thành vào một tiệm kim hoàn đường Gia Long mua giúp. Tôi ngạc nhiên thấy bà chủ kim hoàn tay đầy hột xoàn bỏ lọ cà cuống lên cân vàng cân và tính tiền. Nâng lọ cà cuống như nâng trứng và quý như vàng. Đến Paris tôi đi tìm hiệu ăn Việt được giới thiệu. Câu đầu tiên thọ lĩnh là : Ối giời mang làm gì cái thứ này ! Ở đây đắt quá sinh viên nào dám ăn ! Thưở ấy tiệm ăn Việt ở Paris còn lác đác. Vào tiệm là giới sinh viên con nhà giàu, không đông khách Pháp như bây giờ. Sáu tháng sau tôi được trả món tiền cà cuống 50 quan Pháp tiền cũ. Không lãi mười lần hơn mà mất xuống mười lần.

Sống cảnh vừa đi làm vừa đi học rất khổ. Mỗi ngày tôi chỉ đủ tiền ăn một bữa cơm ở nhà ăn sinh viên (Restaurant des Étudiants). Do nhà ăn cho lấy bánh mì thả cửa, tôi lận bánh mì vào túi đem về dùng bữa tối và sáng hôm sau với nước lạnh. Tôi ghi danh học y khoa được một năm thì tình cờ gặp một người bạn cũ, anh PXS, trên đại lộ BoulMich. Anh ta nói với tôi nước mình cần có một tờ báo nội dung như báo chí văn minh ở Pháp, “cậu phải học văn chương để về làm báo”, một tờ báo lớn tại Việt Nam. Biết tôi quá nghèo, làm lụng lam lũ, anh dụ tôi nếu chịu học văn chương anh sẽ trợ cấp tiền ăn mỗi tháng. Thời ấy do quá nghèo nên tôi được phụ tá xã hội ở đại học cho ăn ở nhà ăn sinh viên với giá rẻ hạng nhất, mỗi bữa ăn 31 xu, nghèo hạng hai 45 xu, sinh viên bình thường trả 55 xu. Tôi nhận lời và ghi danh vào đại học Sorbonne ngành văn chương và triết. Nhưng một năm sau tình cờ gặp người bạn mới, anh kiếm cho tôi học bổng sang Đức học. Người ta đưa tôi về tá túc trong một tu viện – nông trại của các Mẹ Công giáo học tiếng Đức trong vòng ba tháng rồi vào ngay đại học khoá mùa xuân năm ấy.

18. Lê Thị Huệ : Về sự lôi cuốn của Phương Tây đối với Đông Phương. Theo André Malraux trong quyển The Temptation Of The West thì các điểm quyến rũ của Tây Phương như là sức mạnh lý trí, đời sống sinh họat trí thức, tôn trọng phụ nữ …, tôi muốn hỏi, theo ông thì đâu là những điểm lôi cuốn nhất của văn minh Tây Phương đối với một trí thức Việt nam như ông ?

Võ Văn Ái : Hồi còn ở Việt Nam, tiêm nhiễm lối đánh giá của người Việt, tôi cứ ngỡ Tây phương rất vật chất, Đông phương mới tinh thần. Cũng như bị ảnh hưởng lối tuyên truyền phe tả, tôi tưởng Hoa Kỳ là đệ nhất đế quốc, đệ nhất kỳ thị chủng tộc.

Nhưng từ khi sang sống ở phương Tây, và năm 1969 lần đầu tiên tôi sang Hoa Kỳ trong một chuyến thuyết trình dài gần hai tháng qua mấy chục tiểu bang về đường hướng hoà bình không Cộng sản của Phật giáo Việt Nam, tôi mới biết các đánh giá kia hoàn toàn sai lạc. Quán tính “ao nhà” và chủ nghĩa bài ngoại của giới trí thức Á châu cộng với tuyên truyền Cộng sản chống đế quốc tư bản những năm 30 trở đi là sự đánh lừa những tâm hồn non trẻ tại các nước kém phát triển thuộc thế giới đệ tam như tôi.

Người ta biết nhiều tới nạn kỳ thị da màu là nhờ bộ máy truyền thông đa chiều tại Mỹ. Nhờ hệ thống truyền thông đa chiều phơi phong các tệ nạn xã hội như phương pháp tự phê, mà các tệ nạn được chữa chạy. Không như các nước độc tài Cộng sản giấu nhẹm các tệ đoan, bê bối, sợ “địch biết hại cho cách mạng”, nên mọi sự tưởng như “công bằng”, “sạch sẽ”. Cứ áp dụng hệ thống truyền thông đa chiều này vào Trung quốc, Việt Nam, Bắc Hàn thử xem ba xã hội này tàn độc, kỳ thị, hũ tục và gian ác tới ngần nào.

Do sống quá lâu trong thấp hèn, chiến tranh, dân ta đại kỳ thị với đủ thứ. Chủng tộc thì gọi người Thượng là mọi, người Miên là Man trên cao (Cao Man), người Lào là Lèo, rồi chú Bảy chà và, chú Chệt, thằng Tây đen, v.v…, người cao, người lùn, người mập, người gầy… Tất cả đều trong tầm nhắm đả kích, bêu riếu, cười cợt không thương xót. Thấy cái xấu, cái khuyết của người, không nhìn ra được điều thiện hảo để tụng ca, đùm bọc. Nhất là với người tàn tật thì chẳng ai thèm ngó ngàng lại còn chế diễu.

Năm 1990 được ông Đô trưởng Léningrad mời dự Hội nghị Nhân quyền đầu tiên tổ chức tại Liên Xô vừa thoát xác. Thành phố này sau lấy lại tên cũ Saint Petersburg. Sang đấy, tôi không thể ngờ xã hội Nga nghèo khó tột cùng và bị hạn chế mọi mặt tinh thần đến như thế. Chẳng hiểu vì sao các ông Cộng sản Hà Nội lại có thể xem đó là gương mẫu, mẫu quốc hay thiên đường ! Xem bọn Ăn Mày là thượng đế.

Tôi cũng vô cùng ngạc nhiên lần đầu tiên đến Hoa Kỳ năm 1969 thấy sự nâng niu tôn trọng trẻ nít ở các quán ăn, học đường, đến như Pháp cũng không bằng. Đặc biệt bình đẳng với người tàn tật. Ngạc nhiên khi vào Quốc hội hay Bộ ngoại giao Hoa Kỳ và Canada thưở ấy gặp những viên chức ngồi xe lăn với bao thiết bị thuận tiện dành cho họ. Trong chuyến đi này tôi mới thấy Âu châu là một cái làng, Âu châu là quá khứ, Hoa Kỳ là tương lai – một dân tộc trẻ trung, không mặc cảm, vạm vỡ hướng về tương lai và cao đầu nhìn các tinh hà.

Hai kỷ niệm đánh động tâm tư tôi trong chuyến đi năm 1969. Một kỷ niệm biểu thị lòng tự tin và tự hào của cá thể và tính bình đẳng tuyệt vời. Hôm ấy tôi đến thành phố Atlanta, trên đường gặp đoàn biểu tình lớn của người Mỹ chống Mỹ cho hòa bình Việt Nam. Người biểu tình rất đông, đối diện với lượng người biểu tình này, trơ trọi một người thanh nữ Mỹ. Một thân một mình cô cầm tấm bảng viết tay : “Ủng hộ người lính Mỹ tại Việt Nam”. Chao ơi, nếu cuộc biểu tình này xẩy ra tại Việt Nam, người thanh nữ Mỹ sẽ bị đánh chết, nếu không bị dè bỉu kiểu “rất dân tộc tính Việt Nam” : Một mình mà cũng biểu tình ! Tôi không bàn tới lý tưởng của hai bên biểu tình, mà nói tới sự can đảm, tự tin, tính cách bình đẳng và dân chủ trong cư xử dân sự. Kỷ niệm thứ hai cũng tại Atlanta là cuộc gặp gỡ với ban lãnh đạo người Da đen của Mục sư Luther King. Khi tới cơ sở họ, ba người bạn Mỹ da trắng tháp tùng tôi bị họ ngăn cản không cho vào, chỉ một mình tôi bước tới phòng họp.

The Temptation Of The West của nhà văn André Malraux viết hồi còn trẻ tuổi vào những năm ông sang Việt Nam, Cam Bốt khoảng 1925. Đây là thư trao đổi giữa một người Pháp, 25 tuổi, lấy tên MM. A.D. và một người Tàu, 23 tuổi, lấy tên Ling W.Y. Hai bên trình bày cảm nhận mình về hai nền văn minh Trung quốc và Tây phương ở thời điểm đầu thế kỷ XX.

Tuy nhiên từ đó đến nay có biết bao biến đổi, xáo trộn, đan xen trong hai nền văn minh. Đặc biệt là phương tiện di chuyển bằng máy bay ngày nay thông dụng như xe đò năm mươi năm trước, thêm sự bùng nổ tin học, thông tin Internet khiến cho năm châu xích lại gần nhau như trong một ngôi làng. MM. A.D. và Ling W.Y sống lại ngày nay viết cho nhau cái Temptation Of The West họ sẽ không còn thắc mắc hay trao đổi những ưu tư của năm 1925 nữa.

Trung quốc của ông Ling W.Y đã Tây phương hóa theo tư trào Cộng sản. Nước Pháp của MM. A.D. hay André Malraux cũng chịu ba biến động lớn thay đổi tâm tư, cách sống và xã hội con người phương Tây. Ba biến động ấy là :

– chế độ thực dân và thuộc địa Tây phương tại Châu Á khởi từ thế kỷ XV chấm dứt thập niên 50 ;

– phong trào bùng vỡ xã hội Tây phương thập niên 60 (thông qua nhạc Beatles, văn Kerouac, suy tưởng Herbert Marcuse) đưa tới hiện tượng nổi bật thứ ba :

– một hiện tượng trái ngược : hàng nghìn thanh niên nam nữ Mỹ tràn qua bờ sông Hằng, Ấn Độ, kiếm tìm cõi sống tâm linh, và phong trào sinh viên tả phái theo Mao nổi dậy ở đại học Sorbonne Pháp năm 1968. Báo hiệu hai con đường tiếp cận Đông phương mà dần dà sẽ rõ nét vào thiên niên kỷ thứ ba Tây lịch này.

André Malraux thời viết Temptation Of The West (1925) đã rất khác trên mọi quan điểm Đông Tây với André Malraux của các bộ Antimémoires (bao gồm Hôtes de passage, Lazare, Miroir des limbes) phát hành giữa thập niên 70.

Năm 1925 là thịnh thời của chủ nghĩa thực dân đế quốc phương Tây ở Châu Á, manh nha từ giữa thế kỷ XV. Nhưng hai năm cột mốc 1947 và 1949 đánh dấu sự suy tàn của phương Tây, báo hiệu một thế giới quan mới (Weltanschauung) về Đông và Tây.

1947 : Ấn độ được giải phóng sau cuộc đấu tranh bằng phương tiện và tinh thần thuần túy Phương Đông của Thánh Gandhi. Đế quốc Anh cuốn gói ra đi, mặt trời bắt đầu lặn trên Khối Thịnh Vượng Chung Anh quốc (Commonwealth).

1949 : Mao giải phóng Hoa lục bằng chủ thuyết Cộng sản phương Tây trá hình cho chủ nghĩa bành trướng Đại Hán. Lấy nông dân làm chủ lực cách mạng thay thế công nhân, khởi mầm cho sự bất thần phục lý thuyết Cộng sản Liên Xô nói riêng và chống phương Tây nói chung.

Ba việc chị nêu ra, sức mạnh lý trí, đời sống sinh họat trí thức, tôn trọng phụ nữ… quả là những nét đặc thù ở phương Tây.

Phía ta rất tình cảm, nhưng ủy mị. Không có mối khắn khít lớn. Do đó, sinh hoạt trí thức cũng vặt vãnh theo chọn lựa cá nhân, tình cảm. Theo nhau hay thù nhau đều do những chuyện lặt vặt thuộc phạm vi cảm tính chứ không là tri thức. Thiếu khoan dung trong tình bạn nên người Việt giận nhau là giận suốt đời, đến nỗi “không đợi trời chung” dù trời cứ ngờ ngờ trên đầu hai người.

Việc tôn trọng phụ nữ, đậm nét ở phương Tây nhưng cũng mới khởi phát vào cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX. Thập niên cuối thế kỷ XIX cho đến những năm 20, 30 thế kỷ XX người phụ nữ Âu Mỹ mới có quyền đầu phiếu. Phải đợi tới những năm 70 thì ở Hoa Kỳ, Anh và các nước Âu châu mới bắt đầu có phong trào nghiên cứu về người phụ nữ (Womens studies), đề tài phụ nữ được đưa vào chương trình đại học. Đầu thập niên 90 với cuốn sách LHistoire des femmes en Occident (Lịch sử người phụ nữ ở phương Tây) của Michelle Perrot phát hành cùng với các tạp chí phụ nữ Clio, Lunes thì vấn đề phụ nữ mới trở nên nóng bỏng. Nhưng trước hết phải ca tụng ngòi bút có công đầu về vai vế người phụ nữ của nhà văn nữ Simone de Bauvoir, bạn tình của Jean-Paul Sartre, với cuốn tiểu luận triết học Le Deuxième Sexe (Giới tính thứ hai) của bà in năm 1949. Người chồng đầu tiên và duy nhất của bà là nhà văn Mỹ Nelson Algren mà khi chết chiếc nhẫn cưới được đeo vào tay bà.

Vấn đề người phụ nữ ở phương Đông còn rất ư chậm lụt. Tình yêu cũng vậy. Tình yêu ở ta là bổn phận. Trai gái gặp nhau lễ nghi, luân lý và định kiến đi trước. Trai gái chỉ có chức năng truyền giống, chưa thăng hoa thành hạnh phúc đôi lứa, dẫn đạo cho hạnh phúc và an lạc của loài người. Luân lý nho giáo lâu đời hằn trong máu thịt, cột dính con người với quá nhiều thành kiến, làng xã, vùng miền, vọng tộc, làm cho đa số người Đông phương không sống trọn vẹn với tình yêu – tình yêu Đôi lứa. Tôi ngạc nhiên nghe giáo sư Pierre-Bernard Lafont chủ trì luận án tiến sĩ của tôi ở Sorbonne, một hôm trong bài giảng ông nói rằng Cây Súng là mặc cảm của dương vật đấy. Nếu đúng thì ta sẽ hiểu người Cộng sản như những kẻbị dồn nén, ẩn ức trong tình yêu đôi lứa, khiến họ yêu thương cây súng giết người – đấu tranh giai cấp là cớ sử dụng cây súng. Văn hóa khạc nhổ và vu cáo của bộ máy tuyên truyền Cộng sản chắc cũng từ mặc cảm ấy mà ra – những kẻ không hạnh phúc trong đời sống luyến ái vì chẳng biết tình yêu là gì, đàn bà là ai ?

Tây phương hấp dẫn tôi ở sự dám sống, dám thể hiện nhân cách, không mặc cảm. Đặc biệt là óc mạo hiểm, lòng tự tin, dám vượt khỏi khuôn thước, lối mòn. Nhờ vậy sức sáng tạo mạnh mẽ. Người Đông phương sống cho qua kiếp, sống chờ, sống cho định mệnh, sống phải đạo, nghĩa là phục tùng và tuân thủ. Người Tây phương sống kiếp, sống vạm vỡ, nhằm phát triển cá nhân mà cũng là nhân cách. Người Đông phương là cây trong rừng. Người Tây phương là cây trong vườn.

Mặt khác, đừng quên rằng chúng ta đang sống trong một thời đại mà Đông phương không còn là Đông phương và Tây phương cũng không hẳn là Tây phương.

Nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng trường hợp tôi khá cá biệt. Ở Đông tôi học Tây, ở Tây tôi học Đông. Thời bên nhà tôi khao khát cái học và đọc, đọc ngấu nghiến tất cả những chi rơi vào tay. Bất cứ ai học hơn mình vài lớp, đặc biệt các anh đỗ thành chung, tú tài là tôi tìm đến học hỏi, nói chuyện say mê bất tận như muốn lấy đầu họ lắp vào đầu mình. Thưở 9, 10 tuổi tôi mê đọc Kant, Nietzsche, Siêu hình học… chẳng biết hiểu được gì không nhưng mê thì mê tít. Khác với các bạn cùng lớp, tôi không mê sách kiếm hiệp loại Bồng Lai Hiệp khách… hay trinh thám, Đoan Hùng Lệ Hằng… Chỉ bắt đầu đọc Kim Dung năm 1969. Ấy cũng là chuyện tình cờ.

Như có dịp nói lúc nãy, năm 1969 tôi được Hoàng thân Sihanouk mời thăm Cam Bốt. Chuyến đi ba nước Cam Bốt, Lào và Nhật bản này tôi chủ tâm nghiên cứu cho việc hình thành con đường chính trị lấy từ bi và trí tuệ Phật giáo làm nền cho cuộc chuyển hoá tranh chấp và bạo động tại Châu Á.

Sau những giờ tiếp xúc, trao đổi với chính giới Cam Bốt trong ngày, mỗi đêm tôi xuống chợ Nam Vang lúc 12 giờ khuya mua tờ báo tiếng Việt vừa ra lò in. Tờ này do Hoàng thân Sihanouk làm chủ nhiệm. Ông Hoàng này cũng lạ, chẳng việc chi không nhúng tay. Đã đành là làm Vua, nhưng ông còn làm diễn viên đóng hàng chục bộ phim, làm nhạc, làm báo… Tờ báo Kampuchia tiếng Việt của ông cũng lạ. Trang đầu ca tụng tình hữu nghị Miên Việt. Trang hai chửi bọn Việt Nam mánh khóe, ác độc mà “người Miên chúng ta cần tiêu diệt chúng như giết kiến”. Hữu nghị với người Việt ở trang một là Việt Cộng, không phải Việt Nam Cộng hòa. Người Việt ở trang hai là Việt truyền thống lịch sử. Trang ba đăng feuilleton “Tiếu ngạo giang hồ”. Thời tôi đọc là lúc Phong Thanh Dương dạy Lệnh Hồ Xung về Vô chiêu. Ôi chao, đọc mê tít. Từ đó tôi không thèm đọc trang một và trang hai nữa. Cứ từ 12 giờ khuya là đi tìm Kim Dung. Cho đến lúc phải rời Nam Vang qua Vạn Tượng có cái hẹn gặp Thủ tướng Souvanna Phouma. Ra đi tiếc cái trang ba của tờ báo ông Sihanouk.

Và Vạn Tượng là nơi giấc mộng Kim Dung thành tựu. Một hôm Tôn Thất Kỳ làm ký giả ở hãng Reuter dẫn tôi đi dạo phố rồi vào một hiệu sách Việt. Ông chủ là người Huế. Tôi hỏi tìm sách Kim Dung. Ông leo lên kệ cao sát trần mang xuống 11 cuốn Tiếu ngạo giang hồ và bảo rằng thiếu mất năm cuốn. Mừng quá xin mua. Nhưng ông chủ biết tôi từ Pháp sang và có nghe tên tôi qua đài, báo, nên hoan hỉ tặng sách. Nói gì ông cũng không nhận tiền. Nhân cuộc trả lời phỏng vấn này tôi xin chị một lời riêng tri ân ông chủ hiệu sách ở Vạn Tượng. Tôi mang ơn ông từ đó đến nay đã bốn mươi năm. Bây giờ ông ở đâu ? Tôi cầu nguyện cho ông sống lâu trăm tuổi.

Khía cạnh đọc sách của tôi là vậy. Bởi suốt đời, ngày nào cũng thấy mình còn dốt. Tôi là người muôn đời làm học trò. Nói chuyện với ai, ở bất cứ thành phần nào, tôi đều tìm thấy chuyện học thêm. Thời kháng chiến có người ghé qua vùng mang theo cuốn Principes élémentaires de la philosophie (Triết học sơ giản) của Politzer tôi mượn và ngồi năm ngày chép lại. Bây giờ nghĩ lại mới thấy cuốn sách sơ sài và sơ đẳng.

Một ấu thời mọt sách, học và đọc như thế. Sang phương Tây học hỏi phương Tây đã đành. Nhưng phần chính lại là thời kỳ tôi tìm lại nguồn Đông phương. Tìm đọc lại Lão, Trang, Khổng, Kinh Dịch, khám phá Ramakrishna, Vivekananda, Rabibdranath Tagore, Gandhi… đọc lại Krismanurti mà tôi đã làm quen hồi 10 tuổi vì chú Ấm tôi mê Krismanurti. Ông dịch và in một số sách của vị thầy phương Đông này như cuốn Dưới Chân Thầy những năm 40. Tôi ôm mộng mở đại học trong rừng như Tagore. Ở đại học tôi mời một số bạn các nước thành lập nhóm Bạn Đường mong tới giúp dân nghèo ở các nước đệ tam trong tinh thần quốc tế.

Chú Ấm Cang là người gieo đạo Phật vào lòng tôi vào đầu thập niên 40, khi ông và thân phụ chở tôi lên Phường Đúc theo dõi việc rót đồng tượng Phật cao gần hai thước tây mà chú đúc tặng chùa Vạn Phước ở Huế. Chú là mẩu người rất lạ trong sự pha trộn được định hình kiểu Việt Nam. Ông mê đọc và in sách Krishmanurti, mê đạo Phật, đúc tượng tặng chùa ; nhưng tháng 9 năm 1945 ông kêu tôi vào phòng riêng khoe khẩu súng lục ông mới mua. Dấu hỏi chợt đánh lên đầu óc trẻ thơ tôi thưở ấy cho đến nay về triết lý con người Việt.

Sách, mộng và mị. Đôi khi thấy lý tưởng hão, nhưng nhớ câu viết của Einstein nên cứ tiếp tục mộng mị : “Imagination is more important than knowledge. Knowledge is limited, imagination encirclesthe world” (Tưởng tư quan trọng hơn kiến thức. Kiến thức còn giới hạn, tưởng tư bao trùm vũ trụ).

19. Lê Thị Huệ : Hermann Hesse lại nói “Ánh Sáng đến từ Phương Đông”, Hermann Hesse đã viết sách nói về Đức Phật như là một quyến rũ của nhu cầu tâm linh trí thức của Tây Phương… Tôi muốn hỏi, theo ông thì điểm quyến rũ của Đông Phương đối với Tây Phương là gì ?

Võ Văn Ái : Vì sao biển cứ trào dâng hải triều đến cuồng loạn sóng thần ? Biển đi tìm núi đấy. Tây phương đi tìm Đông phương đấy. Đông phương là suy tưởng, hòa nhập. Tây phương là hành động và khám phá.

Hermann Hesse là hồn Tây phương lăn trầm vào phương Đông biền biệt, đưa ý thức phân tán hội nhập vào ý thức trọn vẹn. Bước vận chuyển ấy phá vỡ cả đông lẫn tây. Vì ý thức trọn vẹn là sinh thức vũ trụ (Conscience cosmique). Từ bỏ chủ nghĩa Hư vô phương Tây, từ hư vô Nada của Miguel de Unamuno, của For whom the bell tolls của Hemingway, Nichts của Heidegger hay Néant của Sartre… đến mở cánh cửa Không tính của Úûnyatâ Phật giáo qua vị Luận sư kỳ vĩ Nâgâjuna – ngài Long Thọ.

Weg nach Innen / Đường về nội tâm hay Siddharta của Hermann Hesse mà Phùng Khánh dịch thành “Câu Chuyện Của Dòng Sông” là cuốn sách hay nhất, đẹp nhất, thơ mộng nhất viết về cuộc đời đức Phật Thích Ca, cũng là thể tính của phương Đông. Tôi nhớ tặng cuốn sách này và hai tập thơ Tagore, Yeats cho Phùng Khánh ngày chúng tôi chia tay ở Paris. Người dịch Hermann Hesse ở Việt Nam nay đã qua đời, cho tôi gửi mấy dòng tưởng mộ :

Chiều rụng
Sao bừng sáng
Vạt áo khuất bên sông
Em đi
không dấu sóng
Bên bờ
hương nở hoa.

(Khóc Pháp muội Trí Hải – 7.12.2003)

Người ta đi tìm cái thiếu, cái khiếm khuyết. Cho nên những trí tuệ ở phương Tây hay phương Đông đi tìm điều bổ túc cho Ý thức Trọn vẹn chưa thành trong tâm khảm mình. Biển phẳng lặng nghìn đời sóng, trào lên xin đứng núi. Núi như Hy mã lạp sơn nhón mình lên mỗi năm một hai phân để cụng trời. Thiên nhiên còn như thế huống chi con người khát khao. Tây phương và Đông phương cần nhau như trai gái. Tây phương là vùng mặt trời lặn. Đông phương là triêu dương. Hai bên có nhau làm nên ngày cho thời gian. Hai bên quấn quýt nhau quay vòng trái đất mở rộng không gian. Không – Thời của niềm suy tưởng mở rộng biên cương tri thức vào thiên hà kỳ bí mà con người mới hiểu biết có 10%. Dù muốn dù không vận động ấy đang hình thành nền văn minh tổng hợp cho kịp chuyến viễn thiên liên hành tinh vô tận ở cõi mà đức Phật Thích Ca gọi là tam thiên đại thiên thế giới (12).

Câu hỏi của chị về sức quyến rũ Đông Tây bình dị như sự quyến rũ của người đàn bà với người đàn ông và ngược lại, khi ta ý thức cuộc hành trình trai gái từ phương diện Éros lên đến Cosmos.

Đông hay Tây đều ở quá trình nắm bắt thực tại. Nắm bắt thực tại mới vượt lướt thực tại đi vào cái tối hậu của nhiệm mầu giác ngộ.

Về các tác gia Tây phương (tiếp) : Karl Jaspers, Jean François Revel, Raymond Aron, Eugène Ionesco, Soljenitsyne, Jean Paul Sartre… và dự án Đại học Tự do Việt Nam

20. Lê Thị Huệ : Và kể từ Karl Jaspers với các thảo luận về Phật, Chúa, Khổng, cho đến Jean François Revel với quyển Ni Marx Ni Jesus, đã tạo nên những luồng sóng tư tưởng chính yếu mà ông đã sinh sống tại Âu Châu vào lúc đó… Thế thì bây giờ nhìn lại, ông đã thấy mình chịu ảnh hưởng các nhà trí thức Tây Phương này như thế nào. Điều này có liên hệ đến việc ông sáng tác ra những tác phẩm như Nguyễn Trãi, Sinh Thức và Hành Động, hoặc Luận chiến Nước Ngoài ?

Võ Văn Ái : Lúc nãy tôi hình tượng Hermann Hesse thơ mộng đi vào nội tâm phương Đông. Karl Jaspers với Die Grossen Philosophen / Những ông thần triết đã khép lại biên cương Đông Tây qua câu ông viết ở thành phố Bâle năm 1956 trong lời dẫn sách : “Nét chính của mọi tinh túy triết là không đi tìm đệ tử, mà tìm những con người tự do. Bởi vậy dù lòng chúng ta tôn kính bao nhiêu các nhà triết học lỗi lạc này, chúng ta chỉ đến với họ bằng tự tâm khải triết với chính chúng ta”.

Tôi mang ơn Karl Jaspers trong những năm tháng khủng hoảng tâm thức trầm trọng vào năm 1955, khi tôi chân nhận chín năm kháng chiến thần thánh của nhân dân Việt bị người Cộng sản cướp công đưa vào viễn trình thiết lập mô thức “dân tộc Xô viết” theo quan điểm Staline, chứ không là dân tộc của các Vua Hùng. Tôi nhớ đọc ngấu nghiến Karl Jaspers thời ấy nơi nguồn sông Ulm (Danube) ở thành phố Ingolstadt trong một nông trại – tu viện của các bà Mẹ Công giáo. Thật hiếm thấy một thần trí phương Tây nắm bắt được đức Phật, Nâgâjuna, Khổng tử, Lão tử giữa khi viết về chúa Jésus, Plotin, Kant, Socrate, Platon, Saint Augustin, Anaximandre, Héraclite, Parménide, Saint Anselme…

Jean François Revel cũng như Raymond Aron là bằng hữu sau này vào thập niên 70. Hai người hậu thuẫn tôi trong cuộc đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam và cứu sống Người Vượt Biển. Raymond Aron giúp tôi hết mình khi tôi tung dự án thành lập Đại học Tự do Việt Nam tại Paris và cũng được các bằng hữu quốc tế hỗ trợ, như Eugène Ionesco, Alexander Soljenitsyne, Mircea Eliade, Jean Paul Sartre, Michel Foucault, Xenakis, René Huyghe, Edgar Morin, Anthony Burgess, Leopold Senghor, Jean Guiton, Linh mục Henri de Lubac, v.v… Bà Bộ trưởng Bộ Giáo dục Pháp Alice Saunier-Seité hỗ trợ, hứa cho mượn phòng ốc và điều một số giáo sư người Việt tại Đại học Pháp về dạy miễn phí. Nhưng sang năm 1981, sau mấy mươi năm thất cử, lần đầu tiên chính phủ Tả phái Đảng Xã hội của Tổng thống Mitterrand lên thay, mọi sự xáo trộn, chính phủ thay đổi toàn bộ. Việc “xuýt thành” đành bỏ dở.

Các nhân sĩ, trí thức, giáo sư đại học người Việt mà tôi tiếp cận đều tỏ lòng hoan nghênh mừng rỡ. Rất đông nhận lời vào Ban Cố vấn và Bảo trợ Đại học, chẳng hạn như Giáo sư Bác sĩ Trần Đình Đệ, Linh mục Cao Văn Luận, Giáo sư Nguyễn Thế Anh, Giáo sư Lê Thanh Minh Châu, Hoà thượng Thích Thiên Ân, Giáo sư Nguyễn Khắc Kham, nhà văn Hoàng Văn Chí, Luật sư Nguyễn Đắc Khê, các anh Võ Phiến, Vũ Khắc Khoan, Nghiêm Xuân Hồng, Mặc Đổ, Lê Thành Nhơn, Mai Thảo, v.v…

Trong số hàng chục học giả, giáo sư, nhân sĩ Việt, Pháp và quốc tế nhận lời vào Ban Bảo trợ Đại học có nhà văn Soljenitsine, Triết gia Jean Paul Sartre, Triết gia Raymond Aron, Triết gia Michel Foucault (Pháp quốc Học viện), Giáo sư Thomas Nagel (Đại học Princeton), Giáo sư Ernan McMullin (Đại học Notre Dame, Hoa Kỳ). Dưới đây vài bức thư tiêu biểunhận lời (những thư tiêu biểu của nhân sĩ, trí thức người Việt xin xem ở cuối chương) :

Bản dịch thư Việt ngữ :
Dự án “Đại học Tự do tại Paris” của các bạn thật đáng yêu. Chúng tôi cũng có dự án tương tự cho Cộng đồng Tị nạn Nga. Nhưng than ôi, vì nhiều lý do chuyện ấy không thực hiện được. Tôi chúc các bạn may mắn hơn chúng tôi.
Tôi vô cùng thương cảm cho nỗi khổ đau của dân tộc các bạn. Và rất hân hạnh để tên tôi vào trong Ban Bảo trợ Đại học. Tiếc thay, tôi không thể đóng góp gì về vật chất cho Đại học, vì bao nhiêu tiền làm ra tôi đều gửi hết về Nga.
Bắt chặt tay các bạn,
Alexandre Soljenitsyne
25.10.1979
Cavendish
Bản dịch thư Việt ngữ :

Dự án “Đại học Tự do tại Paris” của các bạn thật đáng yêu. Chúng tôi cũng có dự án tương tự cho Cộng đồng Tị nạn Nga. Nhưng than ôi, vì nhiều lý do chuyện ấy không thực hiện được. Tôi chúc các bạn may mắn hơn chúng tôi.

Tôi vô cùng thương cảm cho nỗi khổ đau của dân tộc các bạn. Và rất hân hạnh để tên tôi vào trong Ban Bảo trợ Đại học. Tiếc thay, tôi không thể đóng góp gì về vật chất cho Đại học, vì bao nhiêu tiền làm ra tôi đều gửi hết về Nga.

Bắt chặt tay các bạn,
Alexandre Soljenitsyne
25.10.1979
Cavendish

Bản dịch thư Việt ngữ :

Trường Cao đẳng Khoa học Xã hội – Bộ Đại học
Paris, ngày 1.10.1079

Gửi Ông Võ Văn Ái
Chủ nhiệm Quê Mẹ
25 rue Jaffeux
92230 Gennevilliers

Thưa Ông,

Xin cảm ơn bức thư ông viết hôm 21.9, và sau khi suy nghĩ kỹ, tôi chấp thuận để tên tôi vào Ban Bảo trợ.

Với tất cả lời chúc lành cho dự án thành công, mong ông nhận nơi đây mọi tình cảm nồng hậu của tôi.

Raymond Aron
Bản dịch thư Việt ngữ :

Trường Cao đẳng Khoa học Xã hội – Bộ Đại học
Paris, ngày 1.10.1079

Gửi Ông Võ Văn Ái
Chủ nhiệm Quê Mẹ
25 rue Jaffeux
92230 Gennevilliers

Thưa Ông,

Xin cảm ơn bức thư ông viết hôm 21.9, và sau khi suy nghĩ kỹ, tôi chấp thuận để tên tôi vào Ban Bảo trợ.

Với tất cả lời chúc lành cho dự án thành công, mong ông nhận nơi đây mọi tình cảm nồng hậu của tôi.

Raymond Aron

Bản dịch thư Việt ngữ :

Paris ngày 15 tháng 11
Với tất cả sự hoan hỉ và vinh dự tôi chấp nhận vào Ban Bảo trợ với những vị khác cho sự rắp tâm của quý vị trong việc giáo dục và bảo vệ nền văn hoá Việt Nam phong phú và lâu đời.

Tôi cầu chúc cho dự án thành lập Đại học Tự do thành công, và quý vị có thể tin vào sự hậu thuẫn của tôi.

Xin hãy tin vào lòng yêu quý cùng kính trọng của tôi.

J.P. Sartre
Bản dịch thư Việt ngữ :

Paris ngày 15 tháng 11

Với tất cả sự hoan hỉ và vinh dự tôi chấp nhận vào Ban Bảo trợ với những vị khác cho sự rắp tâm của quý vị trong việc giáo dục và bảo vệ nền văn hoá Việt Nam phong phú và lâu đời.

Tôi cầu chúc cho dự án thành lập Đại học Tự do thành công, và quý vị có thể tin vào sự hậu thuẫn của tôi.

Xin hãy tin vào lòng yêu quý cùng kính trọng của tôi.

J.P. Sartre

Không kể những trước tác đồ sộ về triết lý chính trị, Jean-François Revel còn là chủ bút nhật báo tiếng tăm Express tại Paris đã vận động hết mình cùng với Raymond Aron để Tổng thống Pháp Giscard dEstaing chịu hậu thuẫn chiến dịch “Một Chiếc Tàu Cho Việt Nam” do cơ sở Quê Mẹ xướng xuất năm 1978. Tôi đã phải vận dụng đến nghệ thuật trong chiến dịch. Nhờ họa sĩ nổi danh Raymond Moretti vẽ cho hai bức tranh cổ động, một bức là Người Tù Cải tạo và một bức Thuyền Vượt Biển như Quả trứng Âu Cơ bồng bềnh. Nhờ họa sĩ Lê Tài Điển nắn bức tượng Thuyền Vượt Biển đem tặng tổng thống Pháp. Nhưng hai lý do chính trị và xã hội khiến ông Giscard dEstaing không khứng lúc đầu. Thời ấy tổng thống Pháp bắt bồ với Brejnev nên sợ mất lòng Mạc Tư Khoa khi phải choảng Hà Nội qua chuyện cứu giúp Người Vượt Biển. Lý do thứ hai là vớt Người Vượt Biển tất phải nâng quota người tị nạn chính trị Việt Nam vào Pháp. Tuần báo cực hữu Minute không ngớt viết bài chống phá, luận điệu báo này rêu rao “Giúp làm quái gì bọn ngày xưa theo Việt Minh đá Pháp”, hoặc “Bọn tị nạn sẽ cướp công ăn việc làm của dân Pháp”. Chính báo Minute với sự trợ giúp “chỉ điểm” cùng cung cấp tài liệu giả của ký giả “quốc gia” TN ở Paris và nhóm bè ông ta vu cáo tôi “ăn tiền Con Tàu”. Tôi truy tố báo Minute ra toà án Paris và đã thắng kiện. Ngày xử các bạn quốc tế làm nhân chứng cho tôi là nhà ly khai Leonid Pliouchtch, nhà văn nữ Claudie Broyelle (Chủ tịch Uỷ ban Một Chiếc Tàu Cho Việt Nam), nhà báo Olivier Todd (Chủ bút tuần báo Express), bà Françoise Gautier (Thủ qũy Uỷ ban Một Chiếc Tàu Cho Việt Nam)… Đại loại như vậy.

Raymond Aron và Jean Paul Sartre là bạn đồng song thưở sinh viên ở Trường Cao đẳng Sư phạm Phố Ulm, nhưng lại chống báng, tranh cãi như sừng với đuôi từ năm 1945. Thế mà cả hai người đều ký tên ủng hộ lời kêu gọi “Một Chiếc Tàu Cho Việt Nam” ra Biển Đông vớt người. Chúng tôi nẩy ý kiến đề xuất hai người cùng vào gặp Tổng thống Giscard dEstaing. Cuộc gặp gỡ thuyết phục ông tổng thống hậu thuẫn chiến dịch của chúng tôi. Các bạn Pháp nói với chúng tôi thưở ấy “Nhờ các bạn mà hai bộ não của Pháp hòa giải nhau sau 23 năm tranh chấp thù hận : Sartre – Aron”.

Khác với Hermann Hesse và Karl Jaspers, trước tác của Jean François Revel cùng với Raymond Aron là cuộc thanh toán nội bộ Tây phương giữa hai tư trào Cộng và phản Cộng. Chúng tôi gặp nhau, hoạt động với nhau trên thực tại thế giới thập niên 70. Một bên là lý luận, một bên là nhân chứng trên vấn đề Cộng sản quốc tế.

Các sáng tác của tôi qua hai cuốn sách “Nguyễn Trãi : Sinh thức và Hành động”“Luận chiến Nước ngoài” giới hạn vào cuộc suy tưởng Việt. Chỉ riêng hành động tôi mới chung cùng cộng tác với các bạn trí thức Âu Mỹ, đặc biệt giới ly khai ở Liên Xô cũ và Đông Âu. Hành động chung này đặt cơ sở trên Quyền Con Người. Trước tác tôi thời kỳ này nhắm vào căn bản tư tưởng Việt Nam và Đông phương để thoát ly sự mê hoặc Cộng sản và thời cuộc. Không có ảnh hưởng qua lại trên mặt tri thức với các bạn Tây phương nói trên trong vấn đề trước tác. Trái lại chúng tôi còn mang đến cho họ nhiều thông tin, hiểu biết về vấn đề Việt Nam. Thời ấy triết gia Jean-Paul Sartre ngỏ ý có cuộc trao đổi với tôi về vấn đề Việt Namqua tiêu đề : “Vì sao những người cộng sản đấu tranh giành độc lập dân tộc, chống đế quốc lại trở thành kẻ đàn áp nhân dân ?”. Tiếc rằng bệnh tình của ông vào thời gian cuối đã ngăn cản cuộc hội luận này, ít lâu sau ông qua đời.

Sartre biểu tượng cho người trí thức dân thân của Tây phương nửa sau thế kỷ XX. Nhưng ông mắc sai lầm liên miên trong các nhận định chính trị. Khởi từ quan niệm “con người thiết yếu” nên ông nghĩ rằng thiết yếu “con người thiết yếu” ấy phải nạm khắc vào trật tự sở hữu. Chẳng hạn ông tuyên bố hai điều mà so với thực tế là một sai lầm thê thảm. Ông bảo rằng “Ở Liên Xô tự do phê phán là quyền tối thượng”. (La liberté critique est totale en URSS) ; hoặc ông cho sự thảm sát các lực sĩ Do Thái ở Munich là chính đáng (justifié). Chỉ vì thời điểm thứ nhất ông hậu thuẫn Liên Xô, lần sau ông bênh vực Palestine.

Sartre là một thiên tài qủy biện.

Trả lời phỏng vấn cuối cùng trên tuần báo Nouvel Observateur ở Paris trước khi qua đời, ông đề cập tới những chuyện chưa bao giờ ông lưu tâm trước kia, như siêu việt tính (transcendence), tái sinh, ông cho biết đang nghiền ngẫm sách tôn giáo.

Triết gia Deleuze đánh giá rằng “Sartre chẳng bao giờ ngừng hiện hữu như thế đấy, không như một khuôn mẫu, một phương pháp hay một ví dụ, ông như một chút gió mát trong lành, một ngọn gió lùa, ngay cả lúc ông bước vào quán Flore (13), một người trí thức làm thay đổi dị thường hoàn cảnh người trí thức” (Sartre na jamais cessé dêtre-çà, non pas un modèle, une méthode ou exemple, mais un peu dair pur, un courant dair même quand il venait au Flore, un intellectuel qui changeait singulièrement la situation de lintellectuel).


(12) Tam thiên đại thiên thế giới (chữ Phạn Tri-sâhasra-mahâ-sâhasra-loka-dhâtu) là ba nghìn thế giới đại thiên, vũ trụ quan của người Ấn Độ xưa. Lấy núi Tu Di làm trung tâm, bao quanh có 4 đại châu, 9 dãy núi và 8 lớp biển bao bọc gọi là một Tiểu thế giới. 1000 Tiểu thế giới hình thành một Tiểu thiên thế giới. 1000 Tiểu thiên thế giới thành một Trung thiên thế giới. 1000 Trung thiên thế giới họp thành một Đại thiên thế giới. Vậy Tam thiên đại thiên thế giới (Tiểu thiên thế giới + Trung thiên thế giới + Đại thiên thế giới) gồm nghìn trăm ức thế giới, chứ không phải nói chung chung là vô số vô biên thế giới. Theo kinh điển Phật giáo, Tam thiên thế giới là lĩnh vực hóa độ do một đức Phật giáo hóa.

(13) Flore là tên quán cà phê nổi tiếng cùng với quán Les Deux Magots ở Paris quận 6, nằm trên đại lộ Saint Germains des Prés, nơi tụ hội giới nhà văn, trí thức Pháp một thời như Sartre, Simone de Beauvoir, Albert Camus, Boris Vian… đặc biệt là trung tâm của giới Hiện sinh cuối thập niên 40 sang đầu thập niên 50.

Check Also

Quê Mẹ : Câu hỏi 36-40

36. Lê Thị Huệ : Trong vài bài “tạp ghi” của ông, tôi để ý ông …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *