21. Lê Thị Huệ : Suốt đời ông làm việc và đụng chạm với người Tây Phương, ông có thể cho biết đâu là cách ứng xử hay nhất của người Việt Nam đối với Tây Phương ?
Võ Văn Ái : Cách ứng xử hay nhất là đối thoại, trao đổi và học tập. Khiêm cung học tập. Làm được ba việc này cần sự chân thành, cầu thị và phục thiện. Nhưng trước hết mình phải là mình, mới không rơi vào sự vay mượn, bắt chước, đóng tuồng. Mình phải là mình với kiến thức Đông phương và hiểu biết Tây phương. Cơ bản của cách ứng xử là đồng hòa. Không là đồng hóa hay bị đồng hóa.
22. Lê Thị Huệ : Tôi rất qúi trọng thái độ tự tin và dấn thân của con người trí thức Võ Văn Ái trên các diễn đàn quốc tế. Nhân đây tôi muốn kính trao tặng ông một đóa hồng ngưỡng mộ. Nếu có thể nói với những trí thức trẻ Việt Nam về việc làm thế nào để có được một thái độ tự tin khi ra giữa đấu trường quốc tế, ông sẽ nói cho họ những điều gì ?
Võ Văn Ái : Nguy cơ đất nước ta ngày nay là người Cộng sản tiêu diệt thế hệ chuyển tiếp. Chúng ta đang mất thế hệ chuyển tiếp. Thường khi tre già măng mọc như tục ngữ ví von. Thế hệ già qua đời, thế hệ trẻ tiếp nối. Tiếp nối bằng cái học và kinh nghiệm của lớp trước. Nhưng chủ nghĩa và chế độ Cộng sản làm băng hoại văn hóa và xã hội Việt Nam. Nhiều năm qua có số người ảo tượng rằng “lớp già ngu muội cộng sản chết đi, lớp trẻ sẽ khá hơn”.
Thế nhưng nan đề là chủ nghĩa cộng sản tha hóa con người đang ngự trị quê hương. Bao lâu chủ nghĩa ấy còn, con người mới không thể xuất hiện. Một nhà báo Mỹ của tờ Time sau khi viếng Việt Nam nhận ra nền Văn hóa Vị kỷ manh nha trong nước, mà ông gọi là Me Culture. Cái nhà của tôi… việc làm của tôi… xe con của tôi… Tôi, tôi, tôi… cái gì cũng tôi đến đánh mất xóm giềng, đất nước, tiền đồ dân tộc. Một xã hội sống trong sợ hãi chỉ đúc ra kẻ hạ nhân làm tay sai cho chủ nghĩa Kim tiền, mánh mung, chụp giật. Còn thần trí đâu lo chuyện quê hương, xứ sở ?
Thế hệ trẻ ngày nay sống trong sợ hãi và đeo lo làm tiền. Ai đây muốn kế tục chuyện nước ? Tôi nói ta mất một thế hệ chuyển tiếp là như vậy. Tối nguy. Hiển nhiên mấy ông già chết đi, người trẻ sẽ tiếp thay. Nhưng chúng sẽ tiếp tục duy trì tư tưởng ngoại lai, các cơ chế tham nhũng, đặc quyền đặc lợi, thay vì phục vụ dân đen.
Chị bảo tôi “nói với những trí thức trẻ Việt Nam” là kẹt đấy. Kẹt vì Cộng sản bắt người ta học tập hoài. Mình có nói gì chẳng ai nghe, chẳng ai tin đâu, dù nói nhỏ nhẹ, nói theo ý hướng nào. Gần đây tôi có đọc một tài liệu mật của đảng Cộng sản chỉ thị các phương thức đàn áp giới trẻ và sinh viên. Chúng ta cần suy nghĩ mấy câu bất hủ nhằm huỷ diệt thế hệ tương lai sau đây :
“Phải làm cho dân chúng vừa yêu vừa sợ. Nếu không thể làm cho người dân yêu mến thì cũng phải tuyệt đối duy trì nỗi sợ hãi để họ không bao giờ có đủ ý chí mà nổi loạn.
“Phải giữ cho cái gọi là : “phong trào dân chủ đối lập” không thể trở thành phong trào đúng nghĩa, không thể bén rễ và lan rộng. Phải làm sao để nó chỉ là hoạt động manh mún, rời rạc, tự phát của các cá nhân đơn lẻ ; làm cho có nhiều “lãnh tụ” mà ít hoặc không có quần chúng ; có nhiều “nhân sĩ trí thức” mà ít hoặc không có một tổ chức nào có thực lực ; có nhiêù những hoạt động lãng mạn hời hợi có tính phô trương – mà người dân có biết đến cũng chỉ mỉm cười ý nhị – chứ ít hoặc không có những hoạt động thiết thực có tầm mức ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội ; [làm cho] có thật nhiều những hoạt động “chống cộng cực đoan” có tính chất phá hoại từ bên trong, gây phản cảm đối với người dân lao động, thậm chí làm cho những gia đình cách mạng và đội ngũ cựu chiến binh phẫn nộ…
“Phải chủ động trong việc nâng cao dân trí để làm bàn đạp mà phát triển kinh tế, nhưng lại phải lèo lái “dân trí cao” không đồng nghĩa với “ý thức dân chủ cao”.
“Phải làm sao cho giáo dục bậc đại học được cải thiện nhưng (…) khao khát tiền bạc và công danh, mạo hiểm và sáng tạo trong kinh doanh, cầu tiến trong sự nghiệp riêng, tôn thờ Bill Gates và chủ nghĩa tiêu thụ – nhưng đồng thời cũng tuyệt đối thờ ơ với những lý tưởng và hoài bão cải biến xã hội, xa lạ với những tư tưởng trừu tượng viễn vông, tìm kiếm những giải pháp cá nhân thay cho ý thức công dân, và đặc biệt là tránh xa âm mưu thay đổi chế độ. (…) Làm sao để trong mỗi tổ chức dân sự đều có chân rết của ta. Các tổ chức trung gian như Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn, Hội phụ nữ, các Hội cựu chiến binh, các Câu lạc bộ hưu trí … phải phát huy vai trò tối đa trong việc trung hoà những nhân tố nguy hiểm, điều hoà những xung đột nếu có giữa nhà nước và xã hội, giảm thiểu sự bất mãn của dân chúng… Làm sao để xã hội dân sự vẫn được mở rộng nhưng theo hướng có kiểm soát của chúng ta, chứ không trở thành mối đe doạ.
“Quan trọng hơn cả là chúng ta phải tiếp tục nuôi dưỡng nỗi sợ hãi – dù chỉ là nỗi sợ mơ hồ trong tiềm thức – nhưng đồng thời cũng không để cho nhân dân cảm thấy tuyệt vọng. (…) Chúng ta phải biết dùng mồi để nhử, đánh vào thói tham lam ích kỷ lẫn thói háo danh của người đời, vừa phải làm sao để tinh thần thực dụng và chủ nghĩa mánh mung chụp giật trở thành bản tính của dân tộc – vốn đã rã rời về ý chí, tan vỡ về niềm tin, chán ngán các loại ý thức hệ ; nhưng đồng thời cũng phải chuẩn bị sẵn những cái van để dân chúng có chỗ giải toả ẩn ức”.
Cần chú ý câu này :
“Một kết quả bất ngờ mà cũng là một kinh nghiệm quí trên mặt trận tuyên truyền nhồi sọ : việc chúng ta bắt ép sinh viên phải học tập chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã đem lại những kết quả ngoài mong ước. Thành công của chúng ta không phải đã đạt được mục đích ban đầu là làm cho thế hệ trẻ tôn thờ thứ chủ nghĩa mà ngay cả chúng ta cũng không tin. Ngược lại, thành công của chúng ta là đã làm cho thế hệ trẻ chán ngán đến tận cổ khi phải học mãi một thứ ý thức hệ lỗi thời, bị nhồi nhét đến phản cảm những tư tưởng cũ kỹ. Nhờ vậy chúng ta đã đào tạo ra một thế hệ trẻ thờ ơ vô cảm với tất cả các loại tư tưởng và ý thức hệ, chai sạn với lý tưởng và hoài bão mà thanh niên thường có, trở nên thực dụng và ích kỷ hơn bao giờ hết”.
Và đây là biện pháp dập tắt các thế hệ đấu tranh :
“Một số ít trẻ trung hơn, nhiệt huyết còn phương cương, thì lại chưa có kinh nghiệm trường đời, chưa được trang bị lý luận chu đáo, chưa có kiến thức về dân chủ sâu rộng. Với những kẻ này chúng ta đàn áp không nương tay, bỏ tù từ 3 đến 7 năm. Đó là phương cách giết gà từ trong trứng. Thử tưởng tượng xem một tài năng trẻ phải thui chột những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời trong lao tù, cách ly với môi trương học vấn, gặm nhấm nỗi cô đơn thay cho việc học hành nghiên cứu, thì sao có thể phát triển hết khả năng ? Khi ra tù thì cũng đã quá tuổi trung niên, mệt mỏi, chán chường. Nếu vẫn còn dũng khí thì cũng đã tụt hậu về kiến thức, bị trì néo bởi gánh nặng gia đình, còn làm gì được nữa ?”
Tài liệu trên đây đến từ đâu ? Ở cấp độ mật nào ? Sác xuất chính xác bao nhiêu ? Những câu hỏi trở thành vô nghĩa khi ta nắm vững đường đi nước bước của Đảng Cộng sản từ khi nó ra đời trên đất Việt, và phương cách thâm độc đàn áp dân tộc suốt 64 năm qua của nó.
Nếu đâu đó còn những người trẻ ý thức muốn nghe, tôi khuyên họ tái tạo Quả trứng Mẹ Âu Cơ và hãy đứng về phía Quả trứng.
Mệnh đề một, là họp nhau lại “Một Trăm Người Việt” ban đầu để làm mới nước Việt.
Mệnh đề thứ hai, tôi lập lại khẩu hiệu của nhà văn Haruki Murakami người Nhật. Murakami quan niệm con người mỏng manh như quả trứng cần được bảo vệ. Chế độ, chủ thuyết, bạo quyền như bức tường ngăn chắn vênh váo. Lắm khi những bất công trong đời khiến ta phẫn nộ muốn vất trứng vào tường phản đối. Trứng vất vào tường thì ăn thua gì ? Tường mãi mãi lì lợm, kiên cố.
Nhưng nhân loại phải đứng về phe Quả trứng ! Chớ dựa lưng vào tường.
Thư nhận lời vào Ủy ban Bảo trợ Đại học Việt Nam của Giáo sư René Huyghe thuộc Hàn Lâm Viện Pháp
|
Thư nhận lời vào Ủy ban Bảo trợ Đại học Việt Nam của Giáo sư Michel Foucault, Giáo sư Lịch sử các hệ thống tư tưởng tại Pháp quốc Học viện (Collège de France)
|
Thư nhận lời của Giáo sư Xã hội học Edgar Morin
|
Thư của Giáo sư Micea Eliade, Đại học Sorbonne
|
Thư của Giáo sư Emanuel Le Roy Ladurie thuộc Pháp quốc Học viện / Collège de France
|
Thư của Giáo sư Triết học Ernan McMullin, Đại học Notre Dame, Hoa Kỳ
|
Thư của Giáo sư Triết học Thomas Nagel, Đại học New York, Hoa Kỳ
|
Thư của Linh mục Henri de Lubac, tác giả sách viết về Đức Phật A Di Đà
|
Thư của Linh mục Cao Văn Luận, cựu Viện trưởng Đại học Huế
|
Thư của Giáo sư Nguyễn Khắc Kham
|
Thư của Nhà văn, Kịch tác gia Vũ Khắc Khoan
|
Thư của Điêu Khắc gia Lê Thành Nhơn, Giáo sư Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Saigon và Huế
|
Thư của Hòa thượng Thích Thiên Ân, cựu Khoa trưởng Đại học Văn khoa Vạn Hạnh, Giáo sư Đại học Văn khoa Saigon và Huế
|
Thư của Học giả Hoàng Văn Chí
|
Thư của Luật sư Nguyễn Đắc Khê, Thành viên Phái đoàn VNCH tại Hội nghị Genève 1954, Cố vấn Phái đoàn VNCH tại Hội nghị Paris 1968-1973
|
Thư của Giáo sư Bác sĩ Trần Quang Đệ, cựu Viện trưởng Đại học Y khoa Saigon
|
Thư của Nhà văn Võ Phiến
|
Thư của Nhà văn Mai Thảo
|
23. Lê Thị Huệ : Có cảm tưởng một Thi Vũ nhà thơ là chính ông hơn là một nhà tranh đấu Võ Văn Ái. Bài thơ nào là bài ưng ý nhất của Thi Vũ ?
Võ Văn Ái : Tranh đấu là đụng chạm. Đụng chạm tự ái, đụng chạm ý tưởng người khác. Tất có phản ứng, chửi bới, bôi nhọ, vu hãm. Đâu đó Nerhu viết rằng đi vào chính trường là đi vào giống tố, nhưng Nerhu bỏ đạo trường đi vào chính trường chấp nhận bão giông.
Làm thơ ít đụng chạm. Người ta có chê cũng không hằn học đến phải kê dao vào cổ. Viết không đúng hay đụng chạm đến hoa, mây, trăng, chim, rừng… mình khó biết phản ứng các vị này như thế nào, mà họ có phản ứng cuồng nộ chắc cũng không đến nỗi giết mình như loài người.
Tôi cảm tưởng do phản ứng của người khác dội lên, khiến cho Thi Vũ và Võ Văn Ái trở thành khác nhau. Tự thân tôi, Thi vũ hay Võ Văn Ái vẫn là một, không sai khác từ ăn, ngủ, tọa thiền, đọc sách, ngắm trăng, ngó triêu dương, nhìn hoa, tranh, giao tiếp hay viết. Ngày tôi làm tạp chí Quê Mẹ ở Paris, nhiều cô nhiều cậu viết thư chỉ muốn gặp Thi Vũ rồi rủ rê nhau ra quán cà phê, nhưng không muốn gặp Võ Văn Ái. Trong hoạt động, thì nhiều người chỉ muốn gặp Võ Văn Ái. Nhưng sau khi gặp để dụ tôi vào đảng, mặt trận hay phong trào họ không thành, đa số trong họ liền quay lưng và bắt đầu chống đối, tiếng bấc tiếng chì. Người Việt thích kéo bè kết đảng hơn tập họp làm việc chung cho mục đích đất nước hay con người.
Không thể trả lời bài thơ nào ưng ý nhất. Tôi chắc chị sẽ khó trả lời được câu hỏi chị ưng ý cháu nào nhất trong nhà ? Mỗi đứa con một thai nghén, một sắc thái, một âu yếm. Thơ cũng thế.
Tuy nhiên có ba bài thơ tiêu biểu vì nhận các phản ứng bất thường. Bài Kẻ lạ trong tập Hoa Nắng do An Tiêm xuất bản ở Saigon năm 1966 mà chị đã cho đăng trên Gió O. Một hôm tôi nhận được thư của Linh mục Nguyễn Ngọc Lan dạy ở Viện Thần học Pie X Giáo Hoàng Chủng Viện trên Đà Lạt viết rằng : Hôm nay khai giảng khóa thần học tôi đọc bài thơ Kẻ Lạ của anh và giảng cho các chủng sinh nghe.
Một bài khác, cũng được phản ứng lạ lùng của một thanh niên ở Nhatrang mà tôi quên tên, viết thư sang Paris cho tôi nói rằng : buồn đi trên phố vào hiệu sách thấy Tuyển tập Thi Nhạc Họa Phật giáo do nhà Lá Bối xuất bản năm 1967, đọc bài thơ Thi Vũ nên bỏ ý định tự tử. Bài thơ ngắn ấy như sau :
Thanh
chân đôi gầy thế giới
đường trắng khóm mây hồng
trời cao xanh
và thanh
mùa xuân vui
và lành
trong lòng thanh
con chim bé
hót mặt trời
lá nõn
hoa thơm
Bài thứ ba tuy chẳng ai phản ứng, nhưng nó nối kết tôi với quê hương Việt Nam dù tôi sống ở nước ngoài lâu hơn sống trong nước. Lẽ ra tôi phải thành một ông tây da vàng rồi. Nhưng sợi dây kia như cuốn rún chưa lìa khiến tôi cứ phải long đong với quê cũ. Bài này là một trong 108 bài trong tập thơ Rằm sáng tác ở Herradura, Tây Ban Nha năm 1973 (chưa xuất bản). Thời gian ấy tôi chiêm nghiệm thơ Việt Nam cô đọng và ngắn nhất thế giới.
Thơ ngắn nhất trong thế giới khởi đầu là thất ngôn tứ tuyệt của Tàu, 28 chữ. Ngắn hơn nữa là ngũ ngôn tứ tuyệt, 20 chữ. Ngắn nhất và được thế giới công nhận cho tới nay là thể Haiku của Nhật, 17 chữ.
Thế nhưng thể lục bát Việt Nam chỉ 14 chữ. Ta đọc thấy trong kho tàng ca dao, trong Kiều những hai câu lục bát hay nhất. Người bình dân thơ mộng, chân chất hay thi hào khi bắt chớp tứ thơ, ghi chụp hình ảnh, tung mở suy tư… họ thể hiện ngắn gọn, sinh động, sung mãn trong 14 chữ mà thôi.
Con người bước vào cuộc nhân sinh bằng một hơi thở chứa ngầm thi tính. Mỗi ngày chúng ta thở 21.000 lần. Nhưng lần thứ nhất, lần đầu khi sinh ra, hơi thở đầu dẫn dắc sự sống ra đi. Mỗi hơi thở là một câu lục bát 14 chữ. Những câu Kiều hay ca dao đẹp nhất, nhớ nhất, lưu luyến nhất trong trí ta bao giờ cũng chỉ hai câu.
Chỉ khi nào cần kể chuyện, trình bày một tình tự, một ước mơ, xét đoán, người làm thơ mới vượt ra ngoài sự sống – là hơi thở – kéo dài thành nhiều hơi thở kể chuyện đời, chuyện nước non, tình tự như một trường ca. Sự thế hiện đổi ra cuộc trình bày.
Thơ 14 chữ bộc lộ sức sống trọn vẹn, cách sống, thế sống như một hơi thở. Ở đó biên cương sinh tử được khép kín.
Ở các thời đại an bình, tâm tư tự tại, tinh thần minh mẫn, thơ ngắn và cô đúc. Tình nồng nhưng đã nén, khí mạnh đã được dằn. Mỗi chữ nổ tung giữa lòng người đọc, lời viết bớt ồn ào. Đó là chất vàng ròng trong thơ. Hai chiều sâu rộng đứng xuống thơ như đôi chân chim mảnh mai viết trên cát trắng những tín hiệu giải tích hư vô.
Vào thời loạn ly, thơ thường nhiều và dài. Con người cần bộc lộ những cay đắng, uất hờn. Người làm thơ đi xa con tim ưu ái xuống hạ lưu biến động của mười ngón tay. Viên than hồng vô ngôn đã tro bạt thành đống chữ lạnh lùng.
Bài thơ nói trên tôi viết như sau :
Nước
Con chim
hót
một tràng sông
Nụ cười bản trạch
thơm nồng
cõi xa
Tôi cũng tâm đắc với việc Gió O chọn bài “Xa nhà được tin Mẹ mất” của tôi đưa vào mục Một Bài Thơ Hay (14). Mất Mẹ là biến động khủng khiếp kinh hồn trong đời tôi năm 1983, lý do qua đời vì nghèo và thiếu thuốc. Bài thơ ấy nói đủ sức chấn động, đồng thời ghi trọn hành trình đời tôi qua câu “Đem thân chống bão vớt người trầm luân”. Chống bão là cuộc đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam trên trường quốc tế, và vớt người trần luân là việc xướng xuất con “Tàu Đảo Ánh sáng” ra vớt Người Vượt Biển trên Biển Đông từ năm 1978.
Xót xa trong lòng vì không được sống như nguyện trong đời sống sáng tác thơ văn nghệ thuật đã được nguôi ngoai phần nào với sự cứu vớt những người lâm lụỵ trên biển cả, và công cuộc vận động trả tự do cho người tù Cải tạo đạt hiệu quả lớn từ giữa thập niên 80.
Hồ sơ “Bắc hóa chế độ tù ngục ở miền Nam” phổ biến tại cuộc họp báo lịch sử ngày 29.5.1978 tại Paris trước 60 ký giả truyền thanh, truyền hình, báo chí quốc tế làm cho công luận thế giới chuyển sang hậu thuẫn người Việt dân tộc
|
Cuộc họp báo đầu tiên tại Paris vào ngày 29.5.1978 nói lên thảm trạng tù ngục Việt Nam, mà chúng tôi gọi là “Bắc hoá chế độ tù ngục ở Miền Nam” (La Nordmalisation des Prisons au Sud Vietnam) đã được 60 ký giả truyền thông, truyền hình, báo chí quốc tế tham dự. Báo chí, truyền thông ủng hộ bao nhiêu cho Hà Nội trước 1975, thì cuộc họp báo này là cuộc phản công chuyển hoá lương tri nhân loại trở về bảo vệ nhân dân thầm lặng không cộng sản trong nước. Cuộc họp báo tháng 5.1978 rồi chiến dịch “Một Chiếc Tàu Cho Việt Nam” tháng 11.1978 đi vớt Người Vượt Biển là sự chiến thắng lần đầu trên trường quốc tế của phe dân tộc sau 33 năm bị Cộng sản Hà Nội khuynh loát.
Một việc gây vang động không kém, là sự kiện Uỷ ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam (15) kiện Hà Nội vi phạm nhân quyền trầm trọng trước LHQ ở New York ngày 29.4.1985 với một hồ sơ 500 trang chưa hề được kết tập từ sau năm 1975. Vụ kiện xẩy ra ngay vào lúc Hà Nội tổ chức rầm rộ ăn mừng 10 năm chiến thắng, lần đầu mời 200 nhà báo quốc tế về tham dự. Báo chí trong thế giới đã rầm rộ nói lên sự kiện vi phạm nhân quyền như một lời đáp đanh thép trước những yến tiệc linh đình của Hà Nội mặc nhân dân khốn khó, bị áp bức, mặc hàng triệu người thất thơ thất thểu trên các vùng Kinh tế mới, mặc sáu mươi lăm nghìn người bị thảm sát và tám trăm nghìn tù nhân chết mòn trong các trại Cải tạo.
24.4.1977, Tác giả viết Thư Ngỏ gửi ông Phạm Văn Đồng nhân chuyến công du Pháp của ông thủ tướng Hà Nội. Bức thư và hồ sơ đàn áp nhân dân Miền Nam qua 3 cơ chế Kinh tế mới, trả thù nhân dân Miền Nam), Trại Cải tạo, trả thù quân cán chính Miền Nam, và Đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Thư và hồ sơ được báo chí, truyền thông Pháp và quốc tế dùng để chất vấn tại buổi họp báo của ông Đồng hôm 28.4.1977. Mất mặt, ông Đồng tức giận, nổi nóng đến đỏ mặt, mắt long lanh và tay đập bàn “khẳng định” : “Không có đàn áp nhân quyền tại Việt Nam !”. Hình ảnh này được truyền hình và báo chí Pháp đăng tải như sự thất bại của chuyến công du Phạm Văn Đồng !
|
Trước đó vào cuối năm 1978, tôi nhớ mãi như in trong những ngày vận động cho chiến dịch “Một Chiếc Tàu Cho Việt Nam” đi vớt Người Vượt Biển (16), đài Truyền hình Hoà Lan sang Paris phỏng vấn tôi. Ký giả là người phe tả thuộc đảng viên đảng Xã hội. Phe tả trong thế giới, nhất là tại Châu Âu, thời bấy giờ không mặn mà lắm với Người Vượt Biển. Họ cho Người Vượt Biển là “tay sai của đế quốc Mỹ”, là “những tội phạm chiến tranh”. Vì vậy anh ký giả hỏi tôi : “Vì sao lại cứu vớt những kẻ làm tay sai cho Mỹ” ? Đại loại như thế. Tôi hỏi ngược anh ta : “Đang đi bên bờ các con lạch (Gracht) ở Amsterdam, anh thấy một người chết đuối, anh nhảy xuống cứu ngay, hay hỏi xem kẻ ấy thuộc phe tả, phe hữu rồi anh mới ra tay ?”. Rồi tôi giải thích trong cuộc phỏng vấn người ra đi không chỉ riêng thành phần quan lại, những người cộng tác với Hoa Kỳ, mà còn đông đảo thành phần nông dân, thợ thuyền, những kẻ bần hàn không chịu nổi chế độ độc tài bất nhân nên họ ra đi tìm tự do. Có nhiều trường hợp cha mẹ nghèo khó không đủ tiền nên đành gửi con cái ra đi mong cầu cho tương lai chúng sáng sủa.
Cuối năm ấy (1978) chương trình phỏng vấn được trình chiếu bên Hoà Lan. Câu trả lời với hình tượng người chết đuối trên con lạch thành phố Amsterdam gây xúc động nhân dân Hoà Lan, nên được dân chúng yêu cầu chiếu lại cuộc phỏng vấn 3 lần trước lễ Giáng sinh. Trong vòng một tuần lễ, mươi ngày, dân chúng Hoà Lan gửi tiền ủng hộ Con Tàu tám (8) triệu Phật lăng. Họ gọi điện mời tôi sang Amsterdam nhận tiền, tôi đã cùng đi với Nhà văn nữ Claudie Broyelle, nhà báo Olivier Todd, bác sĩ Bernard Kouchner trong Uỷ ban Một Chiếc Tàu Cho Việt Nam.
Chiến dịch Cứu Sống Người Vượt Biển được thành công và quốc tế hoá kể từ sự kiện Hoà Lan này. Tại Pháp, đảng Cộng sản Pháp chới với trước chiến dịch của chúng tôi, liền tung màn quyền tiền ủng hộ Hà Nội gọi là “băng bó vết thương chiến tranh”. Họ in bích chương lớn 2 thước trên 3 thước dán khắp nước Pháp. Sau một tháng họ thu được năm trăm nghìn Phật lăng. Trong cùng tháng ấy, Uỷ ban của chúng tôi thu được ba triệu Phật lăng.
Thoạt đầu khi xướng xuất con tàu đi vớt người, bản thân tôi chỉ nghĩ đến công tác kêu gọi quốc tế lưu tâm tới thảm cảnh Người Vượt Biển. Chẳng hy vọng gì có một con tàu thực hữu ra Biển Đông. Nào ngờ Pháp, Hoà Lan, Đức, Na Uy… các nước Châu Âu rồi khắp thế giới chấn động ra tay hỗ trợ thành phong triều rầm rộ. Thế nhưng khi có tiền trong tay, thì việc thuê tàu trở nên bí lối. Ông George Meany, Chủ tịch Công đoàn AFL-CIO thời ấy, hứa với tôi sẽ giúp tàu đi vớt người. Tiếc thay phe tả của Pháp trong Uỷ ban của chúng tôi không khứng. Các người này bảo không nên để Mỹ nhúng tay vào ? ! Vì vậy chúng tôi phải đi khảo giá thuê tàu tại Pháp. Năm hãng vui vẻ nhận lời cho thuê. Đến khi có tiền trong tay, thì cả năm hãng đều khăng khăng từ khước, viện dẫn đủ lý do, nào tàu phải sơn phết lại, nào tàu còn sửa chữa, v.v… Điều tra mới biết công đoàn hàng hải Pháp nằm trong tay đảng Cộng sản nên bị áp lực không cho chúng tôi thuê.
Giữa cơn tuyệt vọng, thì một đêm vào lúc 3 giờ sáng, một bà độc giả tạp chí Quê Mẹ ở Nouméa bên đảo Nouvelle Calédonie (thuộc Pháp trên Thái Bình dương) gọi sang nói : Đọc Quê Mẹ thấy các ông gặp khó khăn thuê tàu. “Tàu Đảo Ánh Sáng” của chồng tôi vừa hết hạn cho thuê, nếu ông muốn có thể dùng tàu này đi vớt người.
Con tàu Đảo Ánh Sáng (Ile de Lumière) của Uỷ ban Một Chiếc Tàu Cho Việt Nam thả neo ra Biển Đông vớt Người Vượt Biển từ đầu năm 1979
|
Chúng tôi mừng hú vía. Sáng hôm sau chúng tôi cử người bay sang Nouméa ký ngay hợp đồng thuê tàu. Mọi sự giải quyết êm thắm.
Do sự kiện Con Tàu này, đài BBC Anh ngữ đã sang Paris phỏng vấn tôi lý do vớt Người Vượt Biển rồi cộng tác với Cơ sở Quê Mẹ làm bộ phim “Spirit of Asia” (Thần trí Á châu) dưới sự đạo diễn của David Attenborough bao gồm 7 quốc gia Châu Á, mà Việt Nam là một. Bộ phim nhấn mạnh đến văn hoá Việt Nam trước sức tấn công tàn diệt của chủ nghĩa Cộng sản, và đã được 27 nước trong thế giới thuê chiếu. Lại một dịp quốc tế hoá văn hoá Việt Nam trên cao điểm truyền hình.
Hồ sơ 500 trang đệ nạp tại LHQ ở Nữu Ước ngày 29.4.1985 kiện Nhà cầm quyền Hà Nội vi phạm Nhân quyền trầm trọng tại Việt Nam trong suốt 10 năm 1975–1985 trên các lĩnh vực chính trị, tôn giáo, xã hội, kinh tế. Báo chí, truyền thông quốc tế đã loan tải rộng rãi, đưa tới việc Quốc hội Châu Âu ra Quyết nghị đầu tiên tố cáo Hà Nội năm 1986
|
Trên đây là bải phỏng vấn của tuần báo Newsweek nhân việc chúng tôi kiện nhà cầm quyền Hà Nội vi phạm nhân quyền trầm trọng tại LHQ ở New York ngày 29.4.1985
|
Cuối năm 1988, nhà cầm quyền Hà Nội xử án tử hình ông Trần Văn Lương và hai Thượng toạ Phật giáo Thích Tuệ Sỹ, Thích Trí Siêu (tức Lê Mạnh Thát), Uỷ ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam thuộc Cơ sở Quê Mẹ liền mở cuộc vận động quốc tế cấp tốc trong vòng 13 ngày phá án tử hình, và đã được thế giới đáp ứng qua sự hỗ trợ của các vị Tổng thống, Thủ tướng, Công đoàn Hoa Kỳ AFL-CIO và các Công đoàn ở Âu châu, v.v… Tôi đã lên Bắc Âu gặp Thủ tướng Thuỵ Điển nhờ can thiệp, vì Thuỵ Điển là nước bằng hữu thiết cốt của Hà Nội. Thủ tướng liền phái Ngoại trưởng Thuỵ Điển đi Hà Nội giải cứu. Trên đây là bức thư hồi đáp của Thủ tướng Ingvar Carlsson cho biết hai Thượng toạ Phật giáo đã được phá án tử hình
|
Thay mặt Thủ tướng Vương quốc Anh, Bà Thatcher, ông Đổng lý Văn phòng hồi âm thư tác giả nhờ can thiệp phá án tử hình cho ông Trần Văn Lương và 2 Thượng tọa Phật giáo, đồng thời cho biết Đại sứ Anh ở Hà Nội đã nỗ lực can thiệp
|
Nhờ công cuộc vận động của Cơ sở Quê Mẹ, ông Lane Kirkland, Chủ tịch Công đoàn Hoa Kỳ AFL-CIO (có 14 triệu đoàn viên) viết thư can thiệp gửi Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh yêu cầu phá án tử hình cho Trần Văn Lương, Thích Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát. Trên đây là bản sao bức thư ấy gửi đến tác giả thông báo
|
Tuần báo Express tại Paris công bố danh sách đầu tiên in trên tạp chí Quê Mẹ tên 130 Văn Nghệ sĩ Miền Nam bị Cộng sản cầm tù vào tháng 6 năm 1978 vào thời điểm thông tin trong nước cực kỳ quý hiếm
|
Cơ sở Quê Mẹ cung cấp hồ sơ Trại Cải tạo (bản đồ các Trại Cải tạo tại miền Nam, hình thức còng tay, trói khuỷu, giam trong thùng Connex… cũng như dẫn đi phỏng vấn các tù nhân cải tạo vừa đến Pháp) để Tuần báo Paris Match viết loạt bài “Les Goulags Vietnamiens” số 1541 ra ngày 8.12.1978 gây chấn động công luận Tây phương. Paris Match đã viết lời cám ơn Cơ sở Quê Mẹ và giới thiệu Lời Kêu gọi của Quê Mẹ yêu sách trả tự do cho tù nhân chính trị |
1979 : Đuợc tin chính quyền Mã Lai ra lệnh xua đuổi 76 nghìn Nguời Vuợt Biển ra khỏi lãnh thổ, Co sở Quê Mẹ liền cấp tốc tổ chức cuộc biểu tình tại Paris, truớc Nhà Thờ Notre Dame de Paris, kêu gọi thế giới “Hãy Cứu Đồng bào tôi– Xin đừng giết nguời vì sự dửng dung !”. Đồng bào nguời Việt tại Paris đáp ứng tham gia biểu tình
|
1979 : Đuợc tin chính quyền Mã Lai ra lệnh xua đuổi 76 nghìn Nguời Vuợt Biển ra khỏi lãnh thổ, Co sở Quê Mẹ liền cấp tốc tổ chức cuộc biểu tình tại Paris, truớc Nhà Thờ Notre Dame de Paris, kêu gọi thế giới “Hãy Cứu Đồng bào tôi– Xin đừng giết nguời vì sự dửng dung !”. Đồng bào nguời Việt tại Paris đáp ứng tham gia biểu tình
|
1979, một thiếu nữ Việt đọc lời kêu gọi “Hãy Cứu Đồng bào tôi– Xin đừng giết nguời vì sự dửng dung !” truớc ống kính của các co quan truyền thông, truyền hình, báo chí quốc tế
|
Những hình ảnh tang thuong của Nguời Vuợt Biển cuối thập niên 78 tấp vào bờ biển Mã Lai
|
Tàu Đảo Ánh Sáng của Ủy Ban Một Chiếc Tàu cho Việt Nam hoạt động cứu nguời Việt trên Biển Đông
|
Đồng bào Vuợt Biển trên Đảo Pulo Bidong đón chào Tàu Đảo Ánh Sáng
|
20-21.7.1979 : Hội nghị đầu tiên về Nguời Tị nạn Đông Duong tạiLHQ Genève, tác giả dẫn đầu Phái đoàn Quê Mẹ /Ủy ban Cứu sống Nguời Vuợt Biển, ngồi dãy bàn tay trái, ghế thứ 3. Đối diện với dãy bàn tay phải là ông Mai Văn Bộ cầm đầu Phái đoàn Hà Nội
|
29.5.1978 : Họp báo tại Paris truớc 60 ký giả truyền hình, truyền thanh, báo chí Pháp và quốc tế công bố hồ so “Bắc hóa chế độ tù ngục Miền Nam – La Nordmalisation des Prisons au Sud Vietnam”. Cuộc họp báo đa chuyển du luận Tây phuong nói chung và phe Tả Âu Mỹ nói riêng từ bỏ Hà Nội sang hậu thuẫn cho nguời Việt dân tộc. Trên bàn chủ tọa từ trái sang : Giáo su Sử học Yilios Yannakakis, nhà ly khai Nga Natalya Gorbanewskaia, nhà ly khai Ukraine Leonid Pliouchtch, nhân chứng Đoàn Văn Tọai, Võ Văn Ái, Phuong Anh, Triết gia Jean-Marie Benoist, Luật su Jean-Marc Varraut (xem trả lời câu hỏi số 23)
|
24. Lê Thị Huệ : Vào những năm 1980 tôi đã từng mua báo Quê Mẹ vì hai điều, rất thích graphic design của tờ báo, và để đọc những bài viết của Thi Vũ, để thưởng thức cách dụng ngôn của một nhà thơ trí thức sống lâu năm ở nước ngoài. Ông có nhận xét gì về Tiếng Việt trong kinh nghiệm sáng tác thơ và kinh nghiệm viết của mình ?
Võ Văn Ái : Từ nhỏ tôi có ước vọng làm đẹp và sang tiếng Việt qua một phong triều văn học mới để nối tiếp nền văn học tiền nhân và tiền chiến. Bây giờ tôi không còn ước vọng ấy. Vì bất khả. Người văn nghệ sĩ có cá tính riêng, ít ai muốn đi vào luồng. Những phong triều văn học mở ra không do ý chí của ai, mà do nhu cầu phát biểu của thời thế và sự đưa đẩy của nhân sinh. Đặc biệt cần sự xuất hiện của thiên tài. Thường thì tư tưởng đi trước, thúc đẩy văn học hoặc ngược lại văn học phát sinh tư tưởng.
Tuy nhiên ý thức làm mới chữ nghĩa Việt Nam tôi vẫn đeo đuổi và thể hiện qua các bài viết. Nói cho đúng, không phải làm mới, mà nhu cầu viết thúc đẩy chữ phải bắt cho được thần ngôn, chữ là động tác lột thần, hiện hình đúng lúc, hoá thân theo từng tâm cảnh để diễn tả sống động sự kiện, tránh các kiểu cách khuôn phép, sáo mòn, vang rỗng.
Tiếng Việt ngày nay không còn là tiếng Việt nguy nga, thuần túy, khi ta đọc sách báo trong và ngoài nước. Tiếng Việt bây giờ rất Tây. Đọc ngở như một bài dịch ngoại ngữ vụng về. Nhan nhản trên truyền thanh, truyền hình, báo chí trong và ngoài nước, những từ ngữ dùng sai, những câu văn bất thành cú, những lỗi ngớ ngẩn, thô bạo. Tôi chỉ lấy một thí dụ là chữ bởi rất Tây đang lan tràn trong cách viết của người Việt. Ảnh hưởng hoặc dịch từ chữ par trong tiếng Pháp hay by trong tiếng Anh, người ta viết tiếng Việt như ông Tây. Hãy vào Internet bất cứ ngày nào sẽ thấy nhan nhản những ví dụ như sau :
Một Trang nhà trong nước và một Trang nhà ngoài nước viết :
– Đăng bởi vantuyen.net on tháng sáu 21,2009 ;
– Thu thập bởi Trần Hữu Dũng.
Tại sao không viết vantuyen.net on đăng tháng sáu 21.2009, hoặc Trần Hữu Dũng thu tập ?
– Đêm 20.8.1968 xe tăng Liên xô vẫn tiến vào Praha theo sau bởi hơn 165 nghìn quân của khối Warsava.
Tại sao không viết : Đêm 20.8.1968 xe tăng Liên xô tiến vào Praha với hơn 165 nghìn quân thuộc khối Warsava ?
– Tài liệu đã được giải mật bởi cơ quan CIA.
Tại sao không viết : Tài liệu đã được CIA giải mật.
– Những người đã bị bắt bởi Đại tá Thi.
Tại sao không viết : Những người đã bị Đại tá Thi bắt ?
– Hiệp ước được ký ở Moscow bởi Ngoại trưởng Đức Joachim von Ribbentrop và người tương nhiệm phía Nga, Vyacheslav Molotov.
Tại sao không viết : Ngoại trưởng Đức Joachim von Ribbentrop ký Hiệp ước ở Moscow với người tương nhiệm phía Nga, Vyacheslav Molotov ?
– Bản quyền bởi 1961 Pantheon Books.
Tại sao không viết : Bản quyền Pantheon Books, 1961 ;
– Trích dẫn bởi James Hillman.
Tại sao không viết : Trích theo James Hillman ?
Vân vân và vân vân…
Đầu thế kỷ XX va chạm nền văn hóa Tây phương, đặc biệt là Pháp, các nhà văn nhà thơ đột phá và sáng tạo chữ Việt rỡ ràng. Những Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Bích Khê… những Khái Hưng, Nhất Linh, Nguyễn Tuân… làm nên dòng văn học vàng ròng chữ nghĩa. Tiếp theo một khoảng thời gian ngắn của cuộc kháng chiến giành độc lập từ 1945 đến 1949, chữ nghĩa lại chuyển mình, hình thành những bài thơ mới, đẹp, rung động tâm hồn kiểu Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, Tây Tiến của Quang Dũng, Đèo Cả, Màu tím hoa sim của Hữu Loan, Đất nước của Nguyễn Đình Thi, v.v… Rồi tắt ngúm theo nền văn học chủ nghĩa xã hội nghèo nàn đầu thập niên 50, khi Đảng Lao Động lấy lại tên Cộng sản, và sau khóa học rèn cán chỉnh quân cùng phong trào phê và tự phê. Từ đó nền văn học này chỉ đẻ tuyền một thứ văn chương công nông binh, văn chương trại lính. Văn học Việt suy tàn.
Sự nghèo nàn chữ nghĩa làm tăm tối suy tư và tư tưởng người Việt. Từ đó ảnh hưởng đến lối sống, nếp sống của người Việt. Nói tóm là văn hóa, văn hiến. Chúng ta đang sống giữa cuộc khủng hoảng văn hóa lớn. Trọng trách của người cầm bút càng lớn hơn.
25. Lê Thị Huệ : Ông đã từng tuyển chọn và giới thiệu 40 Năm Thơ Miền Nam ? Ông nghĩ thế nào về thơ Việt Nam ? Đâu là nét nổi bật của thi ca Việt Nam ?
Võ Văn Ái : Đúng là tôi khởi sự bộ “Bốn mươi năm Thơ Việt Nam 1945 – 1985” mà tôi gọi là Thi tưởng và Thi tuyển. Qua bộ này tôi muốn bắt cái thần của ngôn ngữ Việt giữa thời tao loạn, thời khủng hoảng văn hóa. Dự trù bốn tập, nhưng mới phát hành một tập.
Nghĩ về Thơ Việt Nam, tôi nhận xét sơ bộ trong Lời Tựa :
“Thi ca là nền tảng của tư tưởng. Tư tưởng được hệ thống hóa thành triết học. Triết học Việt Nam là lĩnh vực chưa được khai phá quy mô, còn mơ hồ trong nhiều giả định.
“Phải từ nguồn thi ca bắt mạch tư tưởng Việt. Cho tới nay, việc này ít người ra công. Tất cả còn trong giai đoạn phát hiện. Nhiều thức giả đã dày công phát hiện kho tàng thi ca cổ mười thế kỷ trước, cùng với kho tàng thi ca bình dân. Riêng nền thi ca tiền chiến, coi như có nhiều công trình đánh giá kỹ càng, đặc biệt với Hoài Thanh. Rồi im bặt tiến trình thi ca Việt hơn bốn mươi năm qua, kể từ cuộc kháng chiến toàn quốc giành độc lập mùa thu năm 1945 (…) Trong bốn mươi năm ấy, tôi nhận ra bốn lần thi ca chuyển động theo thời cuộc và theo từng dòng vận hành lịch sử. Giai đoạn 1945-1954, thi ca mang màu sắc kháng chiến giành độc lập dân tộc. Giai đoạn 1954-1963, có sự rộ nở và chuyển mình trong tư thái cá thể tự do của số lớn thi sĩ ở phía Nam vĩ tuyến 17, đối lập với thi ca tập thể mang màu sắc chính luận và tuyên truyền ở miền Bắc. Giai đoạn 1963-1975 ảnh hưởng tư tưởng khai phóng của Thiền Phật giáo, thi ca bước vào thi thái mới với nét riêng độc đáo. Giai đoạn 1975-1985, cuộc đổi đời mà kỳ thật là khổ nạn vừa chưa từng, vừa kinh khiếp, làm thi ca thêm một lần quằn quại, sau nỗi quằn quại chiến tranh”.
(14) XA NHÀ ĐƯỢC TIN MẸ MẤT
Gió lay hoa khế xuống đồi
Nửa khuya trăng rụng mẹ tôi qua đời
Đường xa đất lữ mịt trời
Mù sương lá lệ suối ngời hình xưa
Xé mây một dải khăn thưa
Quấn đầu tang mẹ hồn thừa thãi đau
Tin như sét đánh dồn mau
Mà sao cứ ngỡ trước sau mẹ còn
Mai này đem tấm lòng son
Trở về đẩy liếp mới thon thót người
Vắng sân phòng lạnh một trời
Sụp đè xuống cả mình tôi một mìnhRa đi từ thuở bình minh
Một đời kim chỉ nhân sinh rách mòng
Lỗi thề con nước long đong
Mẹ theo cơn bệnh. Phá tròng con xa
Gió lay hoa rụng mưa sa
Lạy ba lần mẹ xin tha tội đời
Kiếp này con mẹ ra khơi
Đem thân chống bão vớt người trầm luân
Nào hay cố thổ bụi trần
Không người vuốt mắt thế bàn tay conLạy ba lần mẹ. Lòng con
Hoá sen xin đỡ chân son mẹ vềThi Vũ
(15) Ban Cố vấn của Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam gồm có : Marc Blondel (Chủ tịch Công đoàn Lực lượng Thợ thuyền Pháp – FO), Vladimir Boukovski (Nhà văn Nga), Bill Bradley (Thượng nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ), Larry Diamond (Giáo sư Viện Nghiên cứu Hoover, Đại học Stanford), Milovan Djilas (Nhà văn Nam Tư), David Kilgour (Thượng Nghị sĩ Quốc hội Canada), Paul Goma (Nhà văn Rumania), Charles D. Gray (Công đoàn Hoa Kỳ AFL-CIO), Orrin G. Hatch (Thượng nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ), Eugène Ionesco (Kịch tác gia, Viện sĩ Hàn lâm viện Pháp), Lane Kirkland (Chủ tịch Công đoàn Hoa Kỳ AFL-CIO), Stephen Nedzynski (Công đoàn Ba Lan), Douglas Pike (Giáo sư Đại học Berkeley), Leonid Pliouchtch (Nhà toán học, Ly khai Ukraine), Chris Smith (Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ) Jean-François Revel (Triết gia Pháp).
(16) Từ thập niên 70, tôi cố ý dùng từ ”Người Vượt Biển” thay cho từ ”Thuyền Nhân” trực dịch chữ Boat People. Vì Người Vượt Biển là động tác có tính chủ động và có ý hướng mang thông điệp Việt Nam ra thế giới. Mặt khác, chữ Việt trong Việt Nam có nghĩa là Vượt. Dân tộc ta bao lần vượt luớt mọi hiểm nguy, xâm lược từ lãnh thổ đến tinh thần để hoàn tất văn hiến Việt.