Home / Diễn Đàn / Góp ý kiến / Nhất hạnh hữu thất…

Nhất hạnh hữu thất…

Download PDF

Nhất hạnh hữu thất, bách hạnh câu khuynh (một nết mà hỏng thì trăm nết ngã theo), đó là lời của ông Thái Công được chép lại trong thiên Chính kỷ (giữ mình cho ngay thẳng) quyển Minh tâm bảo giám (tấm gương báo để soi sáng lòng người).

Nghĩa lý câu này dường như khá ứng hợp vào câu chuyện dưới đây.

Thiền sư Nhất Hạnh cùng đông đảo đệ tử gốc từ 30 nước trên thế giới thăm viếng và hành đạo tại Việt Nam từ Bắc chí Nam kéo dài hàng 3 tháng (từ 12-1 đến 11-4-05), sự kiện này đã gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước, nhứt là vào thời gian đầu.

Việc đón tiếp huyên náo (một đoàn mấy trăm người lận mà !), nhiều nơi có tàn lọng sặc sỡ (chắc theo nghi thức tôn giáo) nhứt là các cuộc dạo phố Tràng Tiền, chợ Đồng Xuân Hà Nội, chợ Bến Thành Sài Gòn hay chợ Đông Ba Huế có vẻ nặng phần phô diễn (nhìn hành đạo tự do như thế, kẻ bàng quan nào tin chuyện tố cáo Nhà nước đàn áp tôn giáo ?), có người còn ví đoàn diễn hành là “phái đoàn hát bội” (1).

Cảnh tượng này tương phản hẳn với thực trạng sinh hoạt tôn giáo hiện nay, giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhứt bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, các cấp lãnh đạo bị quản thúc, các chùa chiềng thuộc giáo hội này đang bị phong tỏa.

Nên nhớ là ông Nhất Hạnh từ trước tới nay tự coi như thuộc giáo hội này, vị liên hệ thường xuyên và trực tiếp với ông Nhất Hạnh là hòa thượng Thiện Hạnh -Đại diện Tăng đoàn Thừa Thiên – Huế, Tăng đoàn không chấp nhận thống thuộc hệ thống giáo hội Phật giáo Việt Nam, coi đó là một tổ chức “quốc doanh”.

Theo chương trình chi tiết (giờ giấc từng ngày) của phái đoàn, các cuộc thăm viếng các chức sắc địa phương thuộc hệ thống giáo hội quốc doanh (nói gọn cho dễ phân biệt với giáo hội Phật giáo Vệt Nam thống nhứt không được Nhà nước thừa nhận) được ghi rõ, nhưng không có mục thăm viếng hòa thượng Quảng Độ (Viện trưởng viện Hóa đạo) đang bị quản thúc tại Thanh Minh thiền viện ở Sài Gòn, trái lại, ở Bình Định có mục “thăm viếng và đảnh lễ Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang” (31-3), lưu ý là không nêu chức sắc hiện tại là Tăng thống và diễn ra ngày hôm sau cuộc “thăm viếng và đảnh lễ HT Trưởng Ban trị Sự và Chư Tôn Giáo Phẩm Ban Trị Sự Tỉnh Hội PG tại Bình Định”.

Căn cứ vào việc minh danh trong chương trình, ông Nhất Hạnh chính thức chỉ công nhận giáo hội quốc doanh, chối bỏ giáo hội mà từ trước tới nay, nhiều người tưởng là ông gắn bó, không rõ do tự nguyện hay bị áp lực, dầu thế nào đây cũng là điều không đẹp đẽ gì ! (nhất hạnh hữu thất ?)

Về ý định thăm HT Huyền Quang, chuyện chưa xảy ra, không biết HT có tiếp ông Nhất Hạnh không, nghĩ cũng cần nhắc lại một chi tiết tiêu biểu một lập trường, trong buổi nói chuyện ở Viện nghiên cứu tôn giáo ở Hà Nội hôm 18-1-05 về đề tài Phật giáo ngày nay qua cái nhìn tương tức, khi nhắc đến tên Huyền Quang -một vị tổ sư thiền đời Trần, ông Nhất Hạnh có lưu ý cử tọa với tiếng cười : “không phải là Huyền Quang đang có vấn đề với chính quyền”, ở Sài Gòn thì cuộc thăm viếng HT Quảng Độ (theo yêu cầu khẩn khoản của ông Nhất Hạnh) không diễn ra, sau 4 lần dàn xếp, lần chót HT Quảng Độ trả lời : “Trong lịch trình thiền sư đi các nơi không thấy có ghi đến Thanh Minh thiền viện thăm tôi, vậy thiền sư đến đây là đến lén, và tôi tiếp thiền sư cũng là tiếp lén, như vậy chẳng đẹp đë gì, cho nên xin miễn”.

Về hình thức đã có điều bất ổn, còn nội dung (các buổi gọi là pháp thoại) thì sao ?

Theo chương trình, ngoài các cuộc thăm viếng danh lam thắng tích, ông Nhất Hạnh còn có nhiều buổi nói chuyện với giới Phật tử ở các chùa chiềng và với công chúng không thuộc hàng Phật tử ở các địa điểm thuộc cơ quan Nhà nước như Viện nghiên cứu tôn giáo (Hà Nội), Học viện hành chánh quốc gia (Sài Gòn).

Mới nghe ông Nhất Hạnh thuyết giảng lần đầu, chắc đa số đều trầm trồ thích thú, bằng những lời giảng dễ hiểu, lôi cuốn, với những dẫn chứng cụ thể trong cuộc sống, ông biến giáo lý uyên thâm thành những ứng dụng thiết thực trong đời sống thường nhựt.

Ai đã từng nghe rồi thì chắc nhận thấy không có thêm nhiều điều gì mới, được biết cũng có người lảng xa, kể cả có người thuộc vào hàng kỳ cựu (thức lâu mới biết đêm dài chăng ?).

Điểm đáng ghi nhận là có nhiều người ngoại quốc thán phục ông, vì ông diễn giải giáo lý nhà Phật như một triết thuyết, điều này phù hợp với quan niệm người Tây phương, ông hãnh diện, thường gợi lại thành tích này trong các buổi nói chuyện đến độ gần như khoe khoang, cũng như ông thường nhắc lại các buổi gặp gỡ với những nhân vật nổi tiếng như mục sư Luther King chẳng hạn. Cái tôi là cái đáng ghét nên có người không ưa !

Có lẽ điều tệ hại nhứt, nhứt là đối với những người không chấp nhận “yêu nước là phải yêu xã hội chủ nghĩa” khi nghe ông Nhất Hạnh nói : “Khi đã quy y rồi thì mình sẽ yêu nước hay hơn, yêu đảng hay hơn nữa”.

Liệu có đúng ông nói như thế không ? Trong trường hợp nào ?

Xin thưa đó là câu nói thêm vào vào phút chót trong buổi thuyết giảng về đề tài : “Tương lai đạo Bụt ở Âu, Úc và Mỹ Châu” tại Học viện hành chánh quốc gia ở Sài Gòn vào hôm 4-2-2005, nếu cần kiểm chứng, quý vị có thể ghe qua internet website : http://vnt.tiephien.org (2), bài pháp thoại ngày 4-2-05, phần 3 khởi từ phút 48, cả phần đối đáp như sau (cố ghi lại nguyên văn [chữ nghiêng] với diễn dịch) :

Ngay sau khi ông Nhất Hạnh chấm dứt buổi nói chuyện, vị Trưởng ban tổ chức (từ đầu tự giới thiệu là tiến sĩ Hồ Bá Thông) nêu câu hỏi (nói là thay cho Phật tử) :


– Khi đã quy y rồi, Phật pháp có cho cái quyền như thế này không : yêu nước, tri ơn đảng, tức đảng lãnh đạo vì dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng văn minh hạnh phúc của nhân dân Việt Nam đấy.

Nhất Hạnh ngập ngừng giây lát (trong khi người hỏi xác nhận lại rõ ràng câu hỏi) : Đây là vấn đề lớn đó… rồi hỏi lại : Khi mình là đảng viên cộng sản thì mình có quyền đi chùa, có phải câu hỏi như vậy không ?

Một lần nữa (lần thứ 3) người hỏi nhắc lại câu hỏi một cách khúc chiết : Khi đã quy y rồi thì người đó có quyền tiếp tục yêu nước, yêu đảng hay không ?

Nhất Hạnh đáp : “Nếu mà … nếu mà … nếu mà quy y mà không có quyền yêu nước, yêu đảng nữa thì quy y làm gì ?” (xin lưu ý là 3 lần «nếu mà» với những ngập ngừng ngắt quảng)

Vài ba phút sau, ông Nhất Hạnh lại tự động bổ túc : “Sau khi đã quy y rồi thì mình sẽ yêu nước hay hơn, yêu đảng hay hơn nữa !”

Qua diễn tiến, người nghe chắc nhận thấy tâm trạng lưỡng lự của ông Nhất Hạnh (câu hỏi ngắn gọn như vậy mà còn giả như chưa hiểu), và ngập ngừng trước khi trả lời, câu trả lời khá bất ngờ này chắc cũng ngoài dự đoán và vượt quá sự mong đợi của người hỏi và cử tọa, đã thế lại còn tự động bồi thêm câu “yêu đảng hay hơn nữa”, hay như thế nào, chắc còn phải chờ các buổi pháp thoại kế tiếp.

Nghe đoạn đối đáp trên, người không là đảng viên cộng sản chắc không khỏi bàng hoàng ! Chủ nghĩa cộng sản đã bị đa số loài người chối bỏ, một số nước còn đeo đẳng thì chủ nghĩa này cũng đã biến chất, được dùng làm chiêu bài lừa mị, thử hỏi đảng cộng sản có gì hay mà “yêu đảng hơn nữa” sau khi quy y ? Nói thế thì có khác nào chấp nhận một đệ tử quy y rồi có quyền tiếp tục làm những điều trái đạo.

Ai có chút kiến thức đều hiểu người cộng sản tôn thờ chủ nghĩa duy vật vô thần, kẻ nào tin tưởng vào chủ nghĩa duy vật được coi là giác ngộ, y hệt như các tôn giáo nhứt là Phật giáo (ngộ đạo), trái hẳn với những người có tín ngưỡng, tin tưởng ngoài hình hài vật chất con người còn có tâm linh ; như vậy rõ ràng không thể có người vừa ngộ đạo vừa ngộ đảng cộng sản, đặc biệt, đảng lãnh đạo này đang bức bách nhiều đồng đạo của mình.

Tuy nhiên, những ai biết qua hoạt động của ông Nhất Hạnh từ trước ngày 30-4-75 thì chắc không mấy ngạc nhiên cho lắm.

Ông vốn là nhân vật phản chiến, phản chiến tự nó không có ý nghĩa gì xấu, khuyên hai bên lâm chiến chấm dứt cảnh tương tàn tương sát là điều đáng trân trọng, nhưng chủ trương phản chiến của ông cũng như đa số giới lãnh đạo Phật giáo miền Nam lúc đó (có cả mấy vị lãnh đạo giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhứt hiện nay) hoàn toàn khác hẳn, chỉ yêu sách Hoa Kỳ ngưng oanh tạc miền Bắc, rút quân khỏi miền Nam trong khi không đá động gì đến chuyện Nga Tàu yểm trợ cho miền Bắc và quân lính miền Bắc độn nhập miền Nam (điều mà lãnh đạo miền Bắc luôn luôn chối, ông Nhất Hạnh quả thực tin như vậy chăng ?), ngăn cản cuộc đấu đá bằng cách ôm chặt một bên thôi thì giết người ta không bằng.

Khi nói chuyện trước cử tọa ở Viện nghiên cứu tôn giáo ở Hà Nội (đa số là người cộng sản) hôm 18-1-05, ông Nhất Hạnh có vẻ hãnh diện nhắc lại công cuộc vận động phản chiến ở hải ngoại của mình thời đó, và nói rõ là vì lý do đó mà “Thiệu -Kỳ” không cho ông về nước (tức từ 1966 đến 1975), như vậy thì từ 30-4-75 đến đầu năm 2005, tại sao ông vẫn không lần nào về nước ? Do chính ông không muốn hay do nhà cầm quyền cộng sản ngăn cấm ?

Chắc ông có thể giải thích theo giọng thiền là do cơ duyên chưa tới, nếu như thế thì tránh sao khỏi người bình thường nghi ngờ ông là “một dạ hai lòng”.

Nhân cách của ông không phải chỉ do đệ tử đánh giá mà còn do nhiều người khác, kể cả những người cộng sản được dịp nghe ông lượng định.

Cuộc hành trình ở Việt Nam của ông còn đang tiếp tục, chỉ căn cứ vào bấy nhiêu sự kiện trên đây, chắc ai cũng nhận ra nhiều sơ thất, một sơ thất đối với người thường cũng có thể bị oen ố thanh danh rồi huống hồ gì là một thiền sư.

Ngẫm thật chí lý lời nói người xưa : “Nhất hạnh hữu thất, bách hạnh câu khuynh !”

Lê Huỳnh


(1) Trực Tâm, một huynh trưởng gia đình Phật tử trong nước
(2) http://vnt.tiephien.org/ChuyenDiVietNam2005/PhapThoai.htm

Check Also

Tâm sự của một Phật tử trên quê hương Việt Nam

Trong lịch sử hoạt động của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất lần …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *