Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Dân biểu Quốc hội Châu Âu Ramon Tremosa i Balcells, và Bà Therese Jebsen, Đại biểu Sáng Hội Rafto, Vương Quốc Na Uy, phát biểu tại Tiệc gây quỹ yểm trợ Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế và Ủy Ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam

Dân biểu Quốc hội Châu Âu Ramon Tremosa i Balcells, và Bà Therese Jebsen, Đại biểu Sáng Hội Rafto, Vương Quốc Na Uy, phát biểu tại Tiệc gây quỹ yểm trợ Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế và Ủy Ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam

Download PDF



PARIS, ngày 28.4.2015 (PTTPGQT) – Vừa qua một số Cư sĩ và một Thượng toạ ẩn anh tại thành phố Houston, Texas, Hoa Kỳ, đã có nhã ý và phát tâm đứng ra cùng với Sáng hội Phạm Gia Bình tổ chức buổi Tiệc gây quỹ yểm trợ Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế.

Do sự kiện vấn đề truyền thông ngày càng phải phát triển. Đặc biệt cuộc vận động quốc tế Giải trừ Quốc nạn và Pháp nạn đòi hỏi nhiều phương tiện để chu toàn, mà nhân sự cũng như tài chánh của Phòng Thông tin Quốc tế hiện quá eo hẹp.

Tiệc Gây quỹ còn mang một ý nghĩa vượt khỏi lệ thường, không chỉ có tâm tình, vui diễn văn nghệ và ăn uống. Buổi tiệc Gây quỹ hôm chủ nhật 22/3/2015 còn là cuộc thông tin lớn về công cuộc hoạt động quốc tế cho nhân quyền, tự do tôn giáo, dân chủ liền sau năm 1975, của Cơ sở Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt NamUỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam với nhiếu thành quả thông qua tạp chí Quê Mẹ phát hành khắp năm châu, xướng xuất đưa Tàu Đảo Ảnh Sáng ra Biển Đông vớt Người Vượt Biển cuối năm 1978, khiếu kiện chính quyền CHXHCNVN vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo, trả thù nhân dân miền Nam bằng hai hình thức Trại Cải tạo và Kinh tế mới, tại LHQ ở New York ngày 30/4/1985… Những hoạt động đưa tới việc trả tự do quy mô cho tù nhân Cải tạo và chương trình HO đưa 300 nghìn người nhập cư Hoa Kỳ, v.v… Sau này, có thêm sự xuất hiện hoạt động trong lĩnh vực tôn giáo của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế năm 1993.

Đặc biệt tại Tiệc Gây Quỹ còn có sự đóng góp phát biểu của hai nhân vật quốc tề, đó là Dân biểu Quốc hội Châu Âu, ông Ramon Tremosa i Bacells đến từ Brussels, và bà Therese Jebsen, Đại diện Sáng hội Rafto ở Vương quốc Na Uy.

Chúng tôi vừa phát hành các YouTube về buổi Tiệc Gây Quỹ này, xin mời quý bạn đọc vào xem qua năm YouTube sau đây : VIDEO: Gây Quỹ Yểm Trợ PTTPGQT tại Houston 22-3-2015

Chúng tôi cũng xin giới thiệu dưới đây 2 bài phát biểu nói trên dịch ra tiếng Việt :


BÀI PHÁT BIỂU
của Dân biểu Quốc hội Châu Âu
Ramon TREMOSA i BALCELLS,


Ramon Tremosa i Balcells


Bạn Võ Văn Ái thân mến,
Bạn Ỷ Lan Penelope thân mến
Quý Bạn Dân chủ thân mến,

Tôi vô cùng hân hạnh được có mặt hôm nay để nói đôi lời ngắn ngủi tại buổi tiệc Gây Quỹ hỗ trợ Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam do anh Võ Văn Ái làm Chủ tịch, cùng những công trình vận động cho dân chủ và nhân quyền Việt Nam của Uỷ ban.

Đa số quý vị ở đây chắc hẳn không biết tôi là ai. Tôi là người được bầu làm Đại biểu Quốc hội Châu Âu. Gốc người Catalan đến từ Barcelona.

Là người Catalan tôi rất cảm thông với Quyền của người thiểu số và nhân quyền nói chung. Trải qua nhiều năm, nhân dân và văn hoá Catalan bị chính quyền trung ương Madrid đàn áp cho tới khi thể chế dân chủ xuất hiện.

Mãi đến ngày hôm nay, đôi khi người công dân Catalan vẫn chưa cảm thấy được tôn trọng trên chính ngay xứ sở Tây Ban Nha của họ. Văn hoá và bản sắc họ vẫn chưa được công nhận.

Những yếu tố này khiến tôi hết sức quan tâm tới Pháp quyền và sự tôn trọng dân chủ trong toàn thế giới. Đặc biệt, tôi hết sức đồng cảm với nhân dân Tây Tạng và nhân dân Uighurs tại Trung quốc.

Tôi khâm phục anh Sam Rainsy và phong trào đối lập Cam-bốt cũng như tôi khâm phục công tác gian nan của anh Võ Văn Ái và Penelope (mà tôi biết còn có tên Ỷ Lan) trong nỗ lực kiên trì đấu tranh cho dân chủ và tôn trọng nhân quyền tại Việt Nam.

Tôi gặp anh Võ Văn Ái qua những chiến dịch và hoạt động của tôi tại Quốc hội Châu Âu để hậu thuẫn cho nhân quyền, tự do tôn giáo và dân chủ Việt Nam.

Tôi là thành viên của Phái đoàn liên hệ Trung quốc và Uỷ ban mậu dịch của Quốc hội Châu Âu.

Trong quá khứ, tôi đã từng đặt nhiều câu hỏi viết tại Quốc hội Châu Âu về Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ, về tự do tôn giáo và những vấn đề khác. Tôi đã ký tên hậu thuẫn Đức Tăng Thống làm ứng viên Giải Nobel Hoà bình và Giải Sakarov của Quốc hội Châu Âu. Tôi cũng tham gia chiến dịch của các bạn năm 2013 yểm trợ cho các “Bloggers sau chấn song nhà tù”.

Tôi cũng vận động cấp kỳ để đưa ra một Nghị quyết Khẩn tháng Tư năm 2013 và đã dược các chính đảng hậu thuẫn. Tôi luôn sẵn sàng dấn thân hơn nữa cho mục tiêu công bằng ! Tôi tin chắc rằng cuối cùng các bạn sẽ thành công vì các bạn đang đấu tranh cho chính nghĩa.

Công trình của các bạn rất quan trọng !

Nếu không có những người như anh Võ Văn Ái, Ỷ Lan và những nhóm như Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, thì Quốc hội Châu Âu sẽ chẳng có bao nhiêu thông tin về Việt Nam.

Tôi chẳng biết gì nhiều về Việt Nam cho đến khi gặp các bạn.

Là Đại biểu Quốc hội Châu Âu, tôi có thể đóng góp nhiều để hậu thuẫn Việt Nam, nhưng phải có trong tay những thông tin kịp thời và tín nhiệm. Anh Võ Văn Ái và Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam là nhóm duy nhất làm việc này. Đó là lý do vì sao điều vô cùng quan trọng cho người Việt ở Hoa Kỳ và Châu Âu nên hậu thuẫn anh Võ Văn Ái và Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam để họ có phương tiện hữu hiệu hơn, qua đó, giúp tôi và những chính trị gia khác đóng góp tốt đẹp hơn.

Công tác thông tin vô cùng quan trọng cho Quốc hội Châu Âu và các định chế tại Liên Âu.

Hiện nay, Liên Âu là nhà tài trợ lớn nhất, và là đối tác lớn thứ hai đối với Việt Nam. Liên Âu đang thương thảo Hiệp ước Mậu dịch Tự do với Việt Nam, là điều sẽ mang lại nguồn tài trợ lợi ích cho Việt Nam. Có thể Hiệp ước này sẽ ký kết trong năm 2015. Trước khi Hiệp ước Mậu dịch Tự do được áp dụng cần phải được Quốc hội Châu Âu thông qua.

Điều này có nghĩa rằng Quốc hội Châu Âu có tiếng nói quan trọng, và có thể áp lực yêu sách Việt Nam tôn trọng các nghĩa vụ nhân quyền nếu Việt Nam muốn có những quan hệ mậu dịch tốt với Liên Âu.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng các bạn không nên sợ hãi một hiệp ước mậu dịch hợp lý. Mở cửa kinh tế không chỉ mang lại lợi lộc cho kinh tế mà thôi. Lấy ví dụ nước Tây Ban Nha thập niên 1960, khi chế độ Độc tài lấy quyết định mở cửa kinh tế cho mậu dịch nước ngoài, Tây Ban Nha bắt đầu nhập khẩu không chỉ hàng hoá, mà còn mang lại nhiều ý tưởng. Là điều mang lại những quan điểm mới mẽ và đa dạng cho xã hội, đồng thời cổ vũ và đẩy mạnh tiến trình dân chủ hoá cho toàn khối nhân dân.

Nếu các đại biểu Quốc hội Châu Âu và những phát ngôn của xã hội dân sự cùng chung nhau lên tiếng, chúng ta có thể tạo ra áp lực. Nếu khôngcùng nhau làm như thế, thì các chính quyền và giới kinh doanh vận động hành lang sẽ xung kích để ký kết những hiệp ước chẳng quan tâm gì đến nhân quyền. Đây là vấn đề cốt tuỷ phải nói ra để biến một hiệp ước thành hợp lý và đúng đắn.

Cũng vậy, Quốc hội Châu Âu có thể giúp — chẳng riêng lĩnh vực mậu dịch — mà còn giúp đỡ trả tự do cho tù nhân chính trị tại Việt Nam. Chúng tôi có thể ra tuyên ngôn, Nghị quyết, và tố cáo vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, là điều giúp gây áp lực lên nhà cầm quyền Việt Nam. Còn có cả đối thoại nhân quyền. Có rất nhiều việc mà người dân biểu Quốc hội Châu Âu có thể làm, nếu được các bạn cung cấp thông tin cho chúng tôi — biết đâu chúng tôi không thể gửi một phái đoàn dân biểu Quốc hội Châu Âu sang thăm Việt Nam.

Tôi thật tình sung sướng được có mặt hôm nay nói đôi lời tại buổi tiệc.

Xin cám ơn các bạn đã mời tôi, và tôi sẵn sàng giúp cho tiếng nói của các bạn được Quốc hội Châu Âu lắng nghe.

Xin hãy dũng cảm và cầu chúc cuộc đấu tranh của các bạn sớm thành công !

Ramon Tremosa I Balcells
Dân biểu Catalan Quốc hội Châu Âu,
Đảng Tự do Dân chủ Châu Âu


Thông Điệp của
Bà THERESE JEBSEN
Sáng Hội Rafto, Vương Quốc Na Uy


Therese Jebsen


Các Bạn Việt Nam thân mến,
Các Bạn trong Phong trào dân chủ thân mến,

Tôi vô cùng hân hạnh được mời nói hôm nay tại buổi tiệc quan trọng này.

Thật tuyệt vời để biết rằng các bạn cùng hội họp nhau tại thành phố Houston để hậu thuẫn những người mà chúng ta ngưỡng mộ nhất. Anh Võ Văn Ái và chị Ỷ Lan Penelope Faulkner thuộc Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế, là những người thân thiết và quan trọng nhất của chúng tôi trong liên minh quốc tế đấu tranh cho công lý, tự do tôn giáo và nhân phẩm. Chúng ta vô cùng biết ơn cho những nỗ lực không mệt mỏi của hai người để chuyển biến ôn hoà sang dân chủ tại Việt Nam hay bất cứ đâu.

Giải Quốc tế của Giáo sư Thorolf Rafto được trao hàng năm cho những người Bảo vệ Nhân quyền kiệt xuất đã phải trả giá quá đắt bằng sự hy sinh thân mạng họ cho tự do và công lý. Những khôi nguyên nhận giải của chúng tôi gồm có Aung San Suu Kyi nước Miến Điện, Shirin Ebadi nước Iran, Ramos Horta nước Đông Timor, và Kim Dae-Jung nước Nam Hàn. Sau đó các vị này đã nhận được Giải Nobel Hoà Bình.

Năm 2006, Giải Nhân quyền Quốc tế Rafto đã được trao cho Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ. Ngài là một ví dụ sáng chói cho sự dũng cảm của tinh thần, và là tiếng nói mạnh mẽ cho tự do và nhân phẩm. Chúng tôi đã vô cùng kính ngưỡng trước sự dấn thân trường kỳ của ngài, mặc bao gánh nặng ngài phải cưu mang trong bao nhiêu năm trường bị tướt đoạt mọi tự do cơ bản. Ngày nay ngài Thích Quảng Độ vẫn tiếp tục bị quản chế ở Việt Nam, nhân dân Việt Nam bị siết chặt trong vòng vây của chính quyền, còn thế giới thì nhìn Việt Nam như những cơ hội làm ăn, chốn thư nhàn, nơi vui thú.

Ngài Thích Quảng Độ bị công an kiểm soát thường trực, không được quyền tự do đi lại, mọi liên lạc bị phong toả. Năm 2006, mặc bao áp lực của chính phủ Na Uy, Ngài không được sang Na Uy lãnh Giải Rafto. Năm sau đó, tôi đến Việt Nam mang theo tấm bằng tưởng lệ, tôi liền bị công an chận bắt khi mới bước vào Thanh Minh Thiền viện. Họ bó buộc tôi viết lời tuyên bố hứa từ nay sẽ không bao giờ trở lại gặp Ngài Thích Quảng Độ nữa. Hiển nhiên, tôi không thể cho phép mình làm một việc như thế. Ngài Thích Quảng Độ luôn luôn đứng vững như cột trụ tinh thần, như một biểu tượng cho bất cứ ai tha thiết với nhân phẩm.

Hoàn cảnh của ngài Thích Quảng Độ đã quá đau khổ, tồi tệ, thế nhưng hoàn cảnh ngài còn tồi tệ hơn, nếu không có những nỗ lực của anh Võ Văn Ái, vị Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam tại Paris. Chung sức với Ỷ Lan Penelope Faulkner, anh Ái đã phụng hiến mấy chục năm trời vận động cho việc trả tự do cho ngài Thích Quảng Độ.

Sáng hội Rafto làm quen với anh Võ Văn Ái kể từ khi anh mang lại cho chúng tôi những thông tin về trường hợp ngài Thích Quảng Độ năm 2005. Tại lễ trao Giải Nhân quyền Quốc tế Rafto và Hội nghị Quốc tế do chúng tôi tổ chức năm 2006, anh Võ Văn Ái thay mặt cho Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ nhận giải, trong cung cách tuyệt hảo và vô cùng xúc động.

Kiên trì hoạt động không ngưng nghỉ để giữ vững luồng sáng chiếu soi vào hoàn cảnh ngài Thích Quảng Độ và những nhà hoạt động cho dân chủ tại Việt Nam, anh Võ Văn Ái và Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam đã làm vang vọng những tiếng nói của không biết bao người không được tự do lên tiếng.

Sáng hội Rafto tại Vương quốc Na Uy sẽ tiếp tục hậu thuẫn cho dân chủ tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ vận động trả tự do vô điều kiện cho ngài Thích Quảng Độ, và chúng tôi sẽ thực hiện chung dự án với Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam.

Chúng tôi xin khuyến khích các bạn, những bạn trẻ ở hải ngoại, hãy tham gia tích cực vào những phong trào dân chủ và tự do. Thực hiện việc này bằng cách hậu thuẫn anh Võ Văn Ái, chị Ỷ Lan Penelope Faulkner và những người cộng sự gian nan của anh chị. Bằng việc ủng hộ Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế, các bạn sẽ góp sức vào việc thực hiện các hoạt động. Ví dụ như việc huấn luyện giới trẻ Việt Nam về nhân quyền, ủng hộ, vận động quốc tế ở cấp cao, sản xuất và cung cấp tài liệu cho những tổ chức Phi chính phủ bảo vệ nhân quyền, như Ân xá Quốc tế, Human Rights Watch và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền.

Xin các bạn hãy cộng tác với Sáng hội Rafto để hậu thuẫn Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ, anh Võ Văn Ái, chị Ỷ Lan Penelope Faulkner cùng những cộng tác viên trong tổ chức của anh chị để duy trì áp lực lên chính quyền Việt Nam.

Therese Jebsen
Sáng hội Rafto, Vương quốc Na Uy


Check Also

VCHR và FIDH đệ trình báo cáo chung đến LHQ cho Kỳ Kiểm Điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) của Việt Nam

PARIS, ngày 11 tháng 10 năm 2023 (VCHR) : Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *