Home / Latest posts / Đài Á Châu Tự do tường thuật về sự kiện Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam tố cáo trước LHQ Việt Nam từ chối 50 khuyến cáo của các quốc gia về cải thiện nhân quyền

Đài Á Châu Tự do tường thuật về sự kiện Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam tố cáo trước LHQ Việt Nam từ chối 50 khuyến cáo của các quốc gia về cải thiện nhân quyền

Download PDF


PARIS, ngày 12 tháng 7 năm 2019 (VCHR) — Đài Á Châu Tự do trong chương trình hôm 5 tháng 7 vừa qua có bài tường thuật về sự kiện Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) cùng với các tổ chức Phi Chính phủ quốc tế lên tiếng tố cáo Việt Nam từ chối 50 khuyến cáo của các quốc gia về cải thiện Nhân quyền tại khoá họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Genève. Khiến Trưởng Phái đoàn Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung bực mình than phiền.

Xin mời quý độc giả theo dõi bài tường thuật ấy sau đây :

VCHR tố cáo Việt Nam từ chối 50 khuyến cáo
của các quốc gia về cải thiện nhân quyền

Radio Free Asia – Ỷ Lan, PV RFA tại Genève 2019-07-05

Từ ngày 24 tháng 6 đến 12 tháng 7, Hội đồng Nhân quyền LHQ họp khoá thứ 41 để xem xét và thông qua cuộc Kiểm điểm UPR của 14 quốc gia thành viên LHQ. Ngày 4 tháng 7 vừa qua là phiên họp xem xét tình trạng nhân quyền do Việt Nam phúc trình hồi tháng Giêng đầu năm nay.

Phiên họp để xem xét thông qua ba phần đồng đều. Phần đầu là thuyết trình của Phái đoàn Việt Nam đến từ Hà Nội. Phần tiếp là đóng góp ý kiến của các quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền ; và phần cuối cùng là ý kiến của các tổ chức Phi Chính phủ có quy chế tham vấn tại LHQ.

Toàn cảnh cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ diễn ra tháng 11/2018 tại Geneve – Photo AFP
Toàn cảnh cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ diễn ra tháng 11/2018 tại Geneve – Photo AFP

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hoài Trung trình bày tình hình nhân quyền tốt đẹp tại Việt Nam và giải thích vì sao một số trong 291 khuyến cáo của các quốc gia thành viên đưa ra hồi tháng giêng không được Việt Nam đáp ứng. Sau đó, một số quốc gia phát biểu ý kiến. Không hiểu vì lý do gì, phải chăng vì sự lựa chọn thứ tự ghi danh đăng đàn sớm muộn, chúng tôi không thấy ý kiến cất lên của các quốc gia Âu Mỹ. Trái lại các quốc gia lên tiếng, như Trung quốc, Cu ba, Bắc Hàn, Iran, Iraq, Ai Cập, v.v… hầu như đều tỏ lời « khen ngợi » chính sách nhân quyền của Hà Nội.

Phần phát biểu cuối của các tổ chức Phi Chính phủ, Hội đồng Nhân quyền LHQ đã chọn 11 tổ chức. Về phía người Việt, có Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam thuộc Cộng đồng Người Việt Tự do, và 3 tổ chức khác đến từ Hà Nội.

Ngoài 3 tổ chức ấy, hầu hết các tổ chức Phi chính phủ quốc tế đều phê phán sự che giấu tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực tôn giáo.

Tổ chức Đoàn kết Cơ đốc giáo Toàn Thế giới phát biểu: “Chúng tôi ghi nhận với sự quan ngại, rằng Việt Nam không chấp nhận một số khuyến cáo nhằm bảo vệ các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền. Những ai hoạt động bảo vệ tự do tôn giáo hay tín ngưỡng hoặc nhân quyền phổ cập đều bị sách nhiễu, tấn công, bắt bớ, tra tấn và bỏ tù, một số bị chết trong đồn công an”.

Tổ chức Liên hiệp Phúc âm Thế giới bình luận: “Việt Nam vẫn tiếp tục theo đuổi cính sách kiểm soát và ngăn chận. Luật Tôn giáo Tín ngưỡng năm 2016 đòi hỏi các cộng đồng tôn giáo phải đăng ký mới được quyền chính thức hoat động. Các tôn giáo đăng ký bị kiểm soát chặt chẽ, trong khi các tôn giáo không đăng ký, kể cả Tin Lành Thiên chúa giáo, Cao Đài, Hoà Hảo và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đều bị đàn áp”.

Tổ chức Hành động Chung Cho Nhân quyền tố cáo: “Chúng tôi lấy làm sốc khi chính quyền Việt Nam khước từ các khuyến cáo của các quốc gia thành viên LHQ vì lý do trái chống với tinh thần của Hội đồng Nhân quyền LHQ. Tinh thần cuộc Kiểm điểm UPR là khuyến khích sự thăng tiến Quyền Con Người bằng sự hợp tác thay vì đối đầu. Thế mà Việt Nam lại tố cáo các quốc gia thành viên LHQ sử dụng các “thuật ngữ gây tranh cãi” và “sai lầm” hay “không thích hợp”, nhưng lại phúc trình sai lạc lên Hội đồng Nhân quyền LHQ. Ví dụ như từ chối sửa đổi Luật Tôn giáo Tín ngưỡng, vì bảo rằng đã được quần chúng đồng tình. Điều này không đúng. Cộng đồng các tôn giáo tại Việt Nam cực lực lên án luật này, nhưng tiếng nói của họ đã bị hận chìm. Việt Nam cũng bác bỏ thời hạn sửa đổi các điều luật, lấy cớ thiếu thời gian. Cớ này chỉ là bịa. Qua ba lần Kiểm điểm UPR, các quốc gia thành viên LHQ không ngừng yêu sách Việt Nam tuân thủ các điều được Công ước quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị bảo đảm và đưa vào bộ Luật Hình sự Việt Nam. Mười năm trôi qua, các điều luật ở chương “an ninh quốc gia” vẫn còn giữ nguyên”.

Ông Võ Văn Ái phát biểu tại LHQ ngày 4/7/2019 (hàng trước, thứ 2 từ trái qua) -Photo: VCHR Photo: RFA
Ông Võ Văn Ái phát biểu tại LHQ ngày 4/7/2019 (hàng trước, thứ 2 từ trái qua) -Photo: VCHR Photo: RFA

Ông Võ Văn Ái, nhân danh hai tổ chức Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) nhận xét: “Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam vô cùng quan ngại trước khoảng cách quá rộng giữa lời tuyên bố của Việt Nam với thực tại kinh khiếp mà người dân Việt phải chịu đựng qua mỗi ngày.

“Việt Nam ngày nay là hình ảnh 130 người tù vì lương thức, một phần ba nhiều hơn năm ngoái ; là đàn áp phổ cập những cuộc biểu tình ôn hoà, qua tay bọn du côn được nhà cầm quyền trả công ; là bách hại tôn giáo hằng ngày; là những sách nhiễu, bắt bớ, với những án tù nặng nề giáng xuống các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền.

“Là sự kiện hằng loạt điều luật bóp nghẹt tự do được thông qua, như Luật Tôn giáo Tín ngưỡng, Luật An ninh Mạng, Luật Báo chí.

“Trong bối cảnh ấy, dù Việt Nam chấp nhận 241 trên 291 khuyến cáo của các quốc gia trong thế giới đưa ra tại kỳ Kiểm điểm UPR thứ ba. Nhưng với những lời bất đồng cùng sự bác bỏ 50 khuyến cáo, cho thấy Việt Nam quyết tâm loại bỏ quyền dân sự và quyền chính trị dành cho người dân.

“Việt Nam từ khước mọi thảo luận về các điều luật “an ninh quốc gia” là nền móng cho chính sách đàn áp của chính quyền Việt Nam. Việt Nam cũng bác bỏ tất cả các khuyến cáo nhằm bảo vệ các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền hoặc từ khước việc sửa đổi các điều luật trái chống với quyền con người. Cuối cùng và ngược lại những chi được khẳng định, Việt Nam chẳng chịu hợp tác hết lòng với Báo cáo viên LHQ Đặc nhiệm Tự do biểu đạt và ngôn luận.  Báo cáo viên đã phải chờ đợi từ năm 2002 một lời hồi âm về đề xuất ông muốn đến Việt Nam thăm viếng”.

Đặc biệt, ông Ái kết luận: “Lời phát biểu của chúng tôi hôm nay xin được cung hiến lên Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ và tất cả các nhà hoạt động bảo vệ Nhân quyền tại Việt Nam”.

Trong phần hồi đáp, Trưởng Phái đoàn Việt Nam, ông Lê Hoài Trung tỏ vẻ bực mình, than phiền rằng: “Chúng tôi được nghe một số bình luận [của các tổ chức Phi chính phủ] bóp méo chính sách và tình trạng nhân quyền tại Việt Nam. Khi nghe các bình luận này, tôi lấy làm buồn cho họ. Tôi lấy làm buồn là vì [những tổ chức này] không chịu học tập, họ quá thiên kiến và vô trách nhiệm. Về tự do tôn giáo, tôi bác bỏ tất cả những luận điệu thiên kiến, sai lầm này. Các vị [thuộc tổ chức Phi chính phủ] phải thay đổi thái độ và quan điểm. Các vị không thể nào đóng góp cho nhân quyền trong thế giới nếu cứ vô trách nhiệm và thiên kiến như vậy. Tôi cảm thấy quá buồn cho qúy vị”.

Nguồn : https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/VCHR-comments-Vietnam-refuses-50-key-recomendations-for-improving-human-rights-07052019122958.html

Check Also

Các nhà bảo vệ môi trường và nhân quyền ở Việt Nam đón Ngày Quốc tế Nhân quyền trong tù ngục

PARIS, ngày 10 tháng 12 năm 2023 (VCHR) – Ủy Ban Bảo vệ Quyền làm …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *