Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Thông cáo chung của Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền về khóa họp Nhân quyền LHQ để xem xét Việt Nam trên phương diện loại trừ mọi hình thức phân biệt chủng tộc

Thông cáo chung của Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền về khóa họp Nhân quyền LHQ để xem xét Việt Nam trên phương diện loại trừ mọi hình thức phân biệt chủng tộc

Download PDF

 

PARIS, ngày 18.2.2012 (UBBVQLNVN) – Đầu tuần sau, Phái đoàn Hà Nội sẽ đến LHQ ở Genève phúc trình về những nỗ lực của mình trong việc thực thi « Công ước quốc tế về loại trừ mọi hình thức phân biệt chủng tộc ». Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và thành viên Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam phải cam kết chấm dứt những hành xử phân biệt đối với tôn giáo và các dân tộc ít người, và hủy bỏ những hạn chế đối với các quyền cơ bản.

Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam vừa thực hiện và gửi đến LHQ bản Báo cáo phản biện dày 30 trang dưới đề danh « Những vi phạm các quyền cơ bản đối với các Dân tộc ít người và tôn giáo tại Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ». Qua đó, Ủy ban nêu lên những quan tâm nghiêm trọng trước vấn đề Việt Nam thực hiện Công ước quốc tế về loại trừ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (ICERD, International Convention on the Elimination of All Forms of Racial Discrimination) mà Việt Nam tham gia ký kết năm 1982. LHQ sẽ xem xét sự thực hiện Công ước của chính quyền Việt Nam trong mười năm qua theo thể thức báo cáo định kỳ vào hai ngày 21 và 22.2.12 tại Genève. Theo nguyên tắc, mỗi hai năm một lần, các quốc gia thành viên phải phúc trình về sự thực hiện Công ước mình đã ký kết. Thế nhưng Việt Nam đã chậm trễ hằng bao nhiêu thập niên, và nay mới đến để tập trung phúc trình chung 4 lần, thay vì đã phải phúc trình 15 lần.

Vào ngày 20.2 tới, ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam sẽ trình bày tại LHQ bản Báo cáo của Ủy ban với nhiều chi tiết vi phạm các quyền cơ bản và phân biệt đối xử đối với các dân tộc ít người trên phương diện pháp luật cũng như hành xử, mặc các cấm đoán được ghi trong Hiến pháp hay các nghĩa vụ mà Việt Nam phải tôn trọng khi ký kết các công ước nhân quyền. Trường hợp xẩy ra cho người Thượng Tây nguyên và người Hmong thuộc các nhóm dân tộc này, là điều chẳng sao chối cải về chính sách phân biệt chủng tộc của nhà cầm quyền Hà Nội.

Bản báo cáo cho biết sự chênh lệch rộng lớn giữa đa số người Kinh và các dân tộc ít người trong sự thụ hưởng các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, trong một chế độ độc đảng chuyên quyền khước từ người công dân mọi quyền cơ bản dân sự và chính trị để tham gia lấy những quyết định liên quan tới đời sống và tiêu chuẩn sống của họ. Sự chênh lệch tài sản « cực kỳ báo động » và những chương trình của chính phủ nhằm xóa đói giảm nghèo « lắm khi bao gồm cả những chiến dịch trừ tiệt văn hóa, cuộc sống truyền thống, tín ngưỡng và tập tục của các dân tộc ít người, đưa tới hậu quả gạt bỏ họ sang bên lề xã hội », bản Báo cáo viết.

Bà Souhayr Belhassen, Chủ tịch Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền, nhận xét « Trên phương diện quốc tế, lắm khi chính quyền Việt Nam chào hàng bằng cách đánh đồng sự tăng trưởng kinh tế như một « thành tựu » cho nhân quyền  tuy nhiên, nhìn sâu vào các dữ kiện chẳng ăn khớp nhau, sẽ thấy rõ quần chúng đông đảo chẳng hưởng được các phúc lợi của sự tăng trưởng này, đặc biệt với các dân tộc ít người, khác hẳn người Kinh trên các phương diện y tế, giáo dục, và công ăn việc làm. Điều này không thể nại vì lý do kinh tế, mà trong thực tế là hậu quả của sự thi hành có tính phân biệt từ thể chế, pháp luật và những dụng cụ của chính sách, với mục đích kiểm soát vốn xa rời các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế ».

Những sinh hoạt của các dân tộc ít người, kể cả hoạt động tôn giáo, là đối tượng kiểm soát tùy tiện và bao rộng qua một số quy định, nghị quyết và chỉ thị của chính phủ, mà trong thực tế đưa tới việc hủy bỏ các quyền dân sự, như tự do ngôn luận, tự do hội họp và lập hội  tự do đi lại và cư trú  tự do xuất cảnh và trở về  quyền tư sản và quyền thừa kế.

Tín đồ của các cộng đồng tôn giáo như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Hòa Hảo, Cao Đài, và Khmer Krom Phật giáo là đối tượng của cuộc đàn áp có hệ thống, bao gồm bắt giam, tra tấn, quản chế tại gia, công an theo dõi, hăm dọa và sách nhiễu trên mọi phương diện của đời sống.

Việt Nam không có nền tư pháp độc lập, vì vậy khó xét xử những vụ phân biệt đối xử để bảo đảm quyền bình đẳng trước luật pháp. Một ví dụ hiển nhiên về sự đàn áp pháp lý các dân tộc ít người, như Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam đã từng cho biết « trên 350 người Thượng bị kết án tù nặng nề từ năm 2001 vì lý do tham gia các cuộc biểu tình, tìm cách vượt biên, hay cầu nguyện tại các « Nhà nguyện tại gia không được nhà nước công nhận ». Chỉ riêng một cuộc xét xử vào tháng tư năm 2011 đã có tám người Thượng bị kết án tổng cộng 75 năm tù và 24 năm quản chế.

Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, người vừa được Giải Quốc tế Đặc biệt vể Tự Do của Societa Libera, tuyên bố  « Như bản Báo cáo của chúng tôi tiết lộ, các tôn giáo và dân tộc ít người tại Việt Nam đang chịu thống khổ vì những vi phạm nghiêm trọng các quyền kinh tế và chính trị, như bị trục xuất khỏi đất đai của tổ tiên, di dân, Nhà nước bảo trợ đưa người Kinh vào chiếm các vùng thuộc dân tộc ít người, đàn áp tôn giáo, bắt bớ tùy tiện và nạn mất tích ».

Ông Ái cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc cải cách chính trị để giải quyết các vấn nạn này  « Ba mươi sáu năm qua, ba triệu đảng viên Cộng sản, là một loại hình dân tộc ít người, đã áp đặt chính sách phân biệt đối xử đối với đại đa số 89 triệu dân Việt Nam. Đã đến lúc phải chấm dứt nạn phân biệt đối xử này, Đảng và Chính phủ phải tôn trọng hữu hiệu các quyền cơ bản của người công dân, cũng như bảo đảm các tự do cơ bản cho các tôn giáo và dân tộc ít người tại Việt Nam ».

Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam yêu cầu chính quyền Việt Nam

– Thứ nhất, thực hiện những cải cách chính trị và hệ thống pháp lý Việt Nam để chống nạn kỳ thị chủng tộc và đưa các luật pháp cùng hành xử quốc gia tuân thủ theo các công ước nhân quyền quốc tế đã ký kết

– Thứ hai, chấm dứt mọi cuộc đàn áp tôn giáo, kể cả việc cưỡng bức chối đạo, và bắt giam tín đồ bằng cách bô bô kết án « làm chính trị »

– Thứ ba, hủy bỏ cơ chế phân biệt đối xử gọi là Hộ khẩu

– Thứ tư, công nhận thẩm quyền của Ủy ban LHQ về Loại trừ mọi Hình thức Phân biệt Chủng tộc để Ủy ban trực tiếp thu nhận các khiếu kiện cá nhân của những nạn nhân bị phân biệt chủng tộc tương ứng theo Điều 14 của Công ước.

 

Liên lạc báo chí 
Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền  Karine Appy / Arthur Manet
Đt + 33 1 43 55 13 12 / + 33 1 43 55 25 18
Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam
Penelope Faulkner / Võ Trần Nhật
Đt + 33 1 45 98 30 85 / + 33 6 11 89 86 81

Muốn biết thêm tin tức và hoạt động cho Việt Nam, xin vào thăm hai Trang nhà
http://www.fidh.org
http://www.queme.net

This post is also available in: English French

Check Also

VCHR và FIDH đệ trình báo cáo chung đến LHQ cho Kỳ Kiểm Điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) của Việt Nam

PARIS, ngày 11 tháng 10 năm 2023 (VCHR) : Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *