Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Ông Võ Văn Ái tố cáo Việt Nam coi thường các khuyến cáo của Hội đồng Nhân quyền LHQ, và xét xử tùy tiện các nhà bất đồng chính kiến tại Hà Nội

Ông Võ Văn Ái tố cáo Việt Nam coi thường các khuyến cáo của Hội đồng Nhân quyền LHQ, và xét xử tùy tiện các nhà bất đồng chính kiến tại Hà Nội

Download PDF


GENEVE, ngày 24.9.2009 (QUÊ MẸ) – Khóa họp thứ 12 của Hội đồng Nhân quyền LHQ hôm nay, 24.9.2009, tại Điện Quốc lien, Genève, kết thúc bản Kiểm điểm Thường kỳ Toàn diện (UPR, Universal Periodic Review) về hiện tình nhân quyền Việt Nam. Nhân danh hai tổ chức Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, ông Võ Văn Ái tố cáo Hà Nội đã chối bỏ những biện pháp thiết yếu để thăng tiến nhân quyền do các quốc gia thành viên LHQ khuyến cáo tại khóa họp tháng 5 vừa qua. Trong khi ấy, chiến dịch đàn áp những người bất đồng chính kiến vẫn tiếp diễn tại Việt Nam.

Ông Võ Văn Ái
Ông Võ Văn Ái

“Hôm nay, vào lúc Việt Nam trình diện trước Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Genève. thì tám người hoạt động cho dân chủ, gồm có các vị Nguyễn Xuân Nghĩa, Ngô Quỳnh, Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Kim Nhàn, Phạm Văn Trội, Vũ Hùng, được công bố đưa ra xét xử trước tòa án Nhân dân ở Hải Phòng và Hà Nội. Nhưng không biết vì lý do gì đến phút chót tuyên bố dời ngày xét xử”, ông Võ Văn Ái nói. Những người này bị bắt hồi tháng 9 năm ngoái, vì tổ chức biểu tình chống Trung quốc xâm lấn hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tổ Hành động Chống bắt bớ tùy tiện của LHQ đã kết án việc bắt bớ này là hoàn toàn trái phép. “Việc tiếp tục giam giữ những nhà hoạt động ôn hòa này rồi tuyên bố sẽ đưa ra xét xử, bất chấp những khuyến cáo của LHQ, Việt Nam đang công khai coi thường các nghĩa vụ quốc tế trên phạm vi nhân quyền”, ông Ái nói tiếp.

Trong bài phát biểu tại hội trường LHQ chiều ngày 23.9.2009, ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam tố cáo Hà Nội khước từ có hệ thống hầu hết các khuyến cáo xây dựng, như những khuyến cáo của Hoa Kỳ và Canada “bãi bỏ hoặc xét lại các điều luật về “an ninh quốc gia”“lợi dụng tự do dân chủ xâm phạm quyền lợi Nhà nước” – là những điều luật dùng để bắt giam những ai ôn hòa phê phán Đảng và Nhà nước. Việt Nam cũng bác bỏ đề nghị của Ba Lan bãi bỏ Pháp lệnh 44 về “quản chế hành chính” cho phép quản chế những nhà bất đồng chính kiến hoặc đưa họ vào nhà thương điên mà không thông qua tòa án. Ông Võ Văn Ái nói rằng các điều luật này là “những dụng cụ của một nhà nước khủng bố”. Tại Việt Nam ngày nay “tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do hội họp bị khủng bố kịch liệt”.

Việt Nam khước từ tất cả “mọi lời đề nghị hay khuyến cáo nhằm tu chỉnh luật báo chí, bảo đảm sự độc lập của ngành truyền thông và giải tỏa mọi hạn chế mạng Internet, đặc biệt ở vào thời điểm đang có một loạt bắt bớ tùy tiện các nhà báo, bloggers, các luật gia hoạt động nhân quyền và những người bất đồng chính kiến khác kể từ ngày Việt Nam đến Hội đồng Nhân quyền LHQ phúc trình theo thể thức Kiểm điểm Thường kỳ Toàn diện hồi đầu tháng 5 vừa qua”. Nhiều nhà báo, nhà văn bị sa thải, bắt bớ, bị bắt phải “thú tội” và “chịu hứa” không tiếp tục viết bài phê phán nhà nước. Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Blog Mẹ Nấm), Bùi Thanh Hiếu (Blog Người Buôn gió), và Phạm Đoan Trang (Blog Trang The Ridicilous) bị bắt trong hai tháng 8 và 9 vừa qua, và chỉ được trả tự do với điều kiện không tiếp tục viết bài trên Blog. Một số những người khác bị bắt trong một đợt bố ráp, như luật sư hoạt động nhân quyền, Lê Công Định, Trần Anh KimNguyễn Tấn Trung hiện chờ ngày ra tòa với tội danh “tuyên truyền chống phá xã hội chủ nghĩa”. Những tội danh mà ông Ái cho biết có thể bị án 20 năm tù.

Việt Nam tiếp tục đàn áp nhưng tìm mọi cách che giấu. Lý do khiến Hà Nội khước từ mọi lời khuyến cáo của nhiều thành viên quốc gia thuộc LHQ trong kỳ Kiểm điểm Thường kỳ Toàn diện hồi tháng 5 để “minh bạch hóa chính sách về hiện tình các nhà tù, các trại giam, số lượng tù nhân, lý do bị bắt giam, cũng như về án tử hình”.

Ông Võ Văn Ái cũng tố cáo Việt Nam không chấp nhận cho các Báo cáo viên đặc nhiệm LHQ về tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, về tra tấn, về những người đấu tranh cho nhân quyền, hay Tổ Hành động chống bắt bớ tùy tiện của LHQ, đến Việt Nam quan sát các vấn nạn mà các quốc gia thành viên Châu Âu và Châu Mỹ La tinh đã lên tiếng đề nghị. Trước sự khước từ của Việt Nam đối với “những biện pháp sơ đẳng nhằm bảo vệ hữu hiệu nhân quyền”, ông Ái nhận xét “chúng tôi tự hỏi ý chí chính đáng của Việt Nam thực sự là gì để có thể hoàn tất những nghĩa vụ quốc tế ?!”.

Ông tuyên bố hậu thuẫn đề nghị Na Uy yêu sách Việt nam “hãy để cho các xã hội dân sự, các cá nhân và tổ chức được tự do ăn nói và thăng tiến nhân quyền”, đặc biệt tại Việt Nam ngày nay “các tôn giáo là những tiếng nói độc lập duy nhất của xã hội dân sự”. Cho nên ông Ái yêu cầu nhà cầm quyền Hà Nội “thực thi lời đề nghị của Hoa Kỳ thừa nhận và phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của các tôn giáo độc lập, trước hết là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Hàng giáo phẩm các tôn giáo bị giam cầm, quản chế, như Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, phải được trả tự do, được sống đời sống bình thường và không bị sách nhiễu”.

Sự phản hồi của Việt Nam trong kỳ Kiểm điểm Thường kỳ Toàn diện chứng tỏ “một cái nhìn hạn hẹp về nhân quyền”, ông Ái nói và tiếp rằng : “Không cứ tuyên bố suông tôn trọng nhân quyền, mà có thể thực thi nhân quyền cho nhân dân”. Hơn nữa, trong khi Việt Nam chối từ 40 biện pháp cụ thể thăng tiến nhân quyền, thì Việt Nam lại chấp nhận những đề nghị của một số quốc gia “xảo trá xét lại tính phổ quát của nhân quyền khi lấy cớ những “hoàn cảnh đặc thù” riêng biệt của Việt Nam”.

Ông Võ Văn Ái yêu cầu “LHQ hãy nghiêm trọng xét lại tiến trình Kiểm điểm Thường kỳ Toàn diện. Nguyên tắc định giá thường kỳ để tìm hiểu và khuyến khích sự cải thiện nhân quyền là một lý tưởng cao cả. Nhưng trong thực hành, Kiểm điểm Thường kỳ Toàn diện (Universal Periodic Review/Examen Périodique Universel) đã bị các quốc gia phản-dân-chủ như Việt Nam lợi dụng tô son trát phấn cho chế độ trên diễn trường quốc tế, mà chẳng mảy may cải tiến cụ thể nhân quyền”.

Sau khi ông Võ Văn Ái phát biểu xong, nhân viên phái đoàn Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam đem bài tham luận bằng hai thứ tiếng Anh, Pháp đặt lên bàn phân phát. Tức khắc nhân viên phái đoàn Hà Nội đã đến tịch thu toàn bộ các văn bản ! Ông Võ Văn Ái đã bình luận việc này và phản đối như sau : “Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không chỉ bịt miệng người dân Việt trong nước. Nhưng ngay tại diễn đàn LHQ và trước Hội đồng Nhân quyền LHQ, họ vẫn trắng trợn kiểm duyệt tiếng nói của một tổ chức Phi chính phủ !”


********

Để hiểu rõ thể thức Kiểm điểm Thường kỳ Toàn diện (Universal Periodic Review / Examen Périodique Universel) của Hội đồng Nhân quyền LHQ, xin mời bạn đọc vào Trang nhà Quê Mẹ : http://queme.org xem lại Thông cáo Báo chí của Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam phát hành ngày 13.5.2009.

This post is also available in: English French

Check Also

VCHR và FIDH đệ trình báo cáo chung đến LHQ cho Kỳ Kiểm Điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) của Việt Nam

PARIS, ngày 11 tháng 10 năm 2023 (VCHR) : Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *