Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin UBBVQLNVN / “Xin Tổng thống Hoa Kỳ lưu ý đến tiếng kêu than của những người bị áp bức, thay vì lắng nghe kẻ áp bức !” Ông Võ Văn Ái viết thư yêu cầu Tổng thống George W. Bush can thiệp cho nhân quyền, dân chủ và tự do tôn giáo tại Việt Nam

“Xin Tổng thống Hoa Kỳ lưu ý đến tiếng kêu than của những người bị áp bức, thay vì lắng nghe kẻ áp bức !” Ông Võ Văn Ái viết thư yêu cầu Tổng thống George W. Bush can thiệp cho nhân quyền, dân chủ và tự do tôn giáo tại Việt Nam

Download PDF

Nhân chuyến công du Hoa Kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải, ông Võ Văn Ái Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam và Cơ sở Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam, kiêm Phát ngôn nhân Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, viết thư cho Tổng thống Hoa Kỳ, George W. Bush, yêu cầu Tổng thống gây áp lực cho tiến trình tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ Việt Nam khi gặp Thủ tướng Hà Nội vào ngày thứ ba 21.6.2005. Ngoài ra, ông Ái cũng yêu sách trả tự do cho tất cả tù nhân tôn giáo và chính trị, phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và khởi sự tiến trình dân chủ hóa thực sự cho đất nước Việt Nam. Xin xem toàn văn bức thư Anh ngữ dịch ra tiếng Việt đăng tải dưới đây.

Ông Võ Văn Ái cũng được Quốc hội Hoa Kỳ mời sang điều trần về tình trạng nhân quyền và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cùng các Giáo phái Phật giáo liên hệ trước Ủy ban Ðối ngoại Hạ viện tại thủ đô Hoa Thịnh Ðốn vào hôm 20.6.2005, một ngày trước khi Tổng thống Hoa Kỳ tiếp ông Phan Văn Khải. Cuộc Ðiều trần bắt đầu lúc 14 giờ ngày 20.6.2005 tại Phòng 2172 trong tòa Rayburn House Office Building.

THƯ GỬI TỔNG THỐNG HOA KỲ GEORGE W. BUSH

Kính gửi Tổng thống George W. Bush
Tòa Bạch ốc
16000 Pennsylvania Avenue
Washington D.C. 20500

Paris, ngày 13.6.2005

Tổng thống kính mến,

Trong vài ngày tới, Tổng thống sẽ tiếp Thủ tướng Phan Văn Khải. Kể từ khi cuộc chiến tranh Việt Nam chấm dứt, đây là viên chức ngoại giao cao cấp nhất viếng thăm Hoa Kỳ. Ðồng bào Việt Nam chúng tôi trong cũng như ngoài nước đặc biệt quan tâm theo dõi.

Ở các nước dân chủ, những chính khách viếng thăm nhau để tăng cường mối liên kết dân tộc mà họ làm đại diện là điều tự nhiên thôi. Nhưng Việt Nam không là nước dân chủ, và ông Phan Văn Khải không là người đại biểu được nhân dân bầu lên. Ông Khải là quan chức của một quốc gia – độc đảng, một chế độ đàn áp và bóp nghẹt mọi đối lập nhằm áp đặt nền chuyên chính của 2 triệu đảng viên Cộng sản trên 81 triệu dân lành. Thủ tướng Phan Văn Khải đến Hoa Kỳ để bênh vực cho đảng cầm quyền cộng sản, chứ không biểu tỏ mối quan tâm và ngưỡng vọng của nhân dân Việt Nam.

Hoa Kỳ là quốc gia không ngừng hỗ trợ cho dân chủ và tự do. Năm nay, trong bài diễn văn đăng quang lần thứ hai đáng ghi nhớ, Tổng thống nói lên lời hứa trịnh trọng duy trì truyền thống này khi tuyên bố : “Những ai đang sống trong niềm tuyệt vọng dưới nanh vuốt của bạo quyền hãy nhớ rằng : Hoa Kỳ không lãng quên sự áp bức của họ, và cũng không tha thứ cho kẻ áp bức. Khi quý vị đứng về phía tự do, chúng tôi đứng bên cạnh quý vị”.

Hôm nay đây, hàng triệu người Việt đang khổ đau, bị áp bức và sách nhiễu vì họ ủng hộ cho tự do, dân chủ và nhân quyền. Trong cuộc gặp gỡ Thủ tướng Phan Văn Khải, tôi xin kêu gọi Tổng thống lưu ý đến tiếng kêu than của những người bị áp bức, thay vì lắng nghe kẻ áp bức.

Trong thời gian tại vị, một số thành quả cụ thể đã thu đạt nhờ các áp lực ngoại giao của Tổng thống. Lần đầu tiên vào tháng 9 năm 2004, Tổng thống liệt kê Việt Nam vào sổ đen “các quốc gia cần đặc biệt quan tâm” vì những vi phạm tự do tôn giáo thái quá. Sau đó, Việt Nam đáp lại bằng vài cử chỉ cùng hứa hẹn thay đổi chính sách tôn giáo. Thật đáng đón mừng các lời hứa, nhưng hứa hẹn không là hành vi, mà chúng tôi e chẳng có hiệu lực gì. Ngoại trừ Hoa Kỳ tiếp tục gây sức ép để nhà cầm quyền Việt Nam có những tiến bộ xác thực và cụ thể trong chính sách nhân quyền và tự do tôn giáo.

Việt Nam cộng sản là tổ sư lừa đảo đối với nhân dân họ và cộng đồng thế giới, và bản thân Thủ tướng Phan Văn Khải tượng trưng cho những điều ăn ngược nói xuôi của chế độ. Tại Hà Nội vào tháng 4 năm 2003, ông ta làm dấy lên niềm hy vọng có sự đổi thay về chính sách bất bao dung tôn giáo khi tiếp nhà ly khai nổi danh lãnh đạo Giáo hội bị cấm đoán, là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Ðại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang. Thế nhưng mấy tháng sau, vào tháng 10 năm 2003 niềm hy vọng ấy tan thành mây khói khi nhà cầm quyền phát động thô bạo cuộc đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, giam cầm 11 vị giáo phẩm, phong tỏa hàng trăm ngôi chùa và hăm dọa Phật giáo đồ. Ngày nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vẫn tiếp tục bị đàn áp. Mặc dù Tổ hành động chống Bắt bớ trái phép của LHQ đã nhiều lần lên tiếng phản kháng, nhưng Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang (87 tuổi) và Hòa thượng Thích Quảng Ðộ (76 tuổi), Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, vẫn bị giam cầm không xét xử ngay nơi chùa viện của hai ngài suốt 25 năm trời. Thượng tọa Thích Thiện Minh sau 26 năm cấm cố, được ân xá nhân dịp Tết vừa qua, cũng bị hăm dọa ám hại thân thể chỉ vì Thượng tọa tố cáo với các báo đài tình trạng khắc nghiệt, bất nhân đối với tù nhân trong các trại tù.

Không riêng gì Phật giáo đồ, mà những tín hữu Tin Lành, Mennonites, Công giáo, Hòa Hảo, và Cao Ðài cũng thường trực bị sách nhiễu và giam cầm. Ðồng bào Hmong theo Thiên chúa giáo bị thảm sát. Người Thượng Tây nguyên theo Thiên chúa giáo sang Cam Bốt lánh nạn khi trở về cũng bị ngược đãi và bắt bớ, dù rằng nhà cầm quyền Hà Nội hứa hẹn bảo vệ an ninh và cấm đoán trả thù họ. Vi phạm “Nghị định thư thỏa thuận” ký kết với Cao ủy Tị nạn LHQ, Việt Nam khước từ những quan sát viên đến Tây nguyên Trung phần thu thập tin tức về số phận những người hồi hương.

Các sự lăng nhục đối với tự do tôn giáo này không phải là những sự kiện riêng biệt. Chúng xuất phát từ chính sách có chủ ý do lãnh đạo cao cấp Ðảng và Nhà nước bố trí. Tổ chức chúng tôi có trong tay một Tài liệu Mật do Viện Khoa học Công an phát hành ở Hà Nội nhằm giáo dục công an và cán bộ tôn giáo phương cách phá vỡ và tiêu diệt các phong trào tôn giáo không được thừa nhận. Những phong trào này bị xem như thủ phạm chống lại chế độ thông qua công tác “diễn biến hòa bình”. Ðối với Phật giáo, tài liệu chỉ thị việc xúc tiến thành lập tổ chức Phật giáo của Nhà nước, một thứ “Phật giáo theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, và phối hợp nỗ lực “xóa bỏ dứt khoát Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất”.

Tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do báo chí bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Trên 600 tờ báo phát hành đều do nhà nước kiểm soát, mọi diễn đạt cá nhân đều bị đàn áp. Không chỉ sử dụng cấm đoán và ép buộc, Nhà nước Việt Nam còn dùng luật pháp để đàn áp sự chỉ trích và đối lập. Với sự tài trợ quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ, nhà nước Việt Nam bắt đầu chương trình 10 năm “Chiến lược phát triển Luật pháp”, mà mục tiêu thấy rõ là nhằm áp đặt một nền pháp trị — chứ không phải pháp quyền — cốt tăng cường kiểm soát chính trị. Bằng điều luật “an ninh quốc gia”, người công dân có thể bị bắt “quản chế hành chính” mà không cần thông qua tòa án (chiếu theo Nghị định 31/CP) ; những nhà ly khai sử dụng Internet bị kết tội “gián điệp” với nguy cơ tử hình chỉ vì luân lưu các quan điểm đối lập một cách ôn hòa (chiếu điều 80 trong Bộ luật Hình sự) ; các cuộc biểu tình ôn hòa trước các công sở cũng bị phạt hay bắt giam (chiếu theo Nghị định 38/NÐ-CP ban hành hồi tháng 3.2005).

Luật pháp bị hạn định ví như Pháp lệnh về tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực kể từ ngày 15.11.2004. Nhà nước Việt Nam quả quyết là Pháp lệnh này bảo đảm tự do tôn giáo để dùng đó như lý do bào chữa hòng yêu cầu được rút tên ra khỏi danh sách các “quốc gia cần đặc biệt quan tâm”. Nhưng thực tế, Pháp lệnh này hoàn toàn trái ngược với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, và còn kiểm soát gắt gao tự do tôn giáo tại Việt Nam. Theo quy định của Pháp lệnh, giáo dục tôn giáo bị lệ thuộc theo lệnh “yêu nước xã hội chủ nghĩa” của Ðảng cộng sản ; các cuộc lễ tôn giáo phải được nhà nước chấp thuận ở nơi cơ sở tôn giáo ; cấm không được “lợi dụng” tự do tín ngưỡng và tôn giáo để phá hoại chính sách của Ðảng cộng sản (điều 8, mục 2).

Thưa Tổng thống,

Tổng thống là người tận tâm theo đuổi và thể hiện thâm sâu những giá trị tâm linh trong đời sống cá nhân cũng như trong đời sống chính trị, vì vậy mà tôi xin Tổng thống lưu tâm đến vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam. Tự do tôn giáo là chìa khóa mở ra nền hòa bình và ổn định, đặc biệt ở Châu Á, với tính đa dạng của những tôn giáo lớn như Phật giáo, Ấn giáo, Khổng giáo, Lão giáo, Hồi giáo… Tôn giáo có đông quần chúng tín hữu tại Việt Nam là Phật giáo, với 80% dân số, là một tôn giáo hòa bình, bao dung và từ bi. Ðạo Phật Việt Nam có truyền thống dấn thân xã hội. Suốt 2000 năm lịch sử, người Phật tử quyện nhau thành những phong trào đấu tranh cho tự do, công bằng xã hội mà mục tiêu đem lại lợi ích cho sinh dân. Qua sự kiện đàn áp Phật giáo và các tôn giáo không được thừa nhận, nhà cầm quyền cộng sản đang tiêu diệt những xã hội dân sự cuối cùng và ngăn chận sự phát triển dân tộc đối với các thế hệ tương lai.

Tôi thành khẩn yêu cầu Tổng thống nêu lên các mối quan tâm này trong cuộc gặp gỡ Thủ tướng Việt Nam, và kêu gọi cho tiến trình dân chủ hóa thực sự đất nước Việt Nam. Ðặc biệt là nhà cầm quyền Việt Nam phải :

– bải bỏ mọi luật pháp hạn định kể cả Nghị định “quản chế hành chính” 31/CP và Nghị định cấm biểu tình 38/2005/NÐ-CP, và bảo đảm các luật pháp thông qua cuộc cải tổ theo “Chiến lược phát triển Luật pháp” tuân thủ Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của LHQ mà Việt Nam đã ký kết tham gia ;

– trả tự do cho những ai bị cầm tù hoặc quản chế vì lý do tôn giáo hay bất đồng chính kiến, như trường hợp Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ cùng 9 vị giáo phẩm thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, các nhà ly khai sử dụng Internet Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Vũ Bình và Mục sư Nguyễn Hồng Quang ;

– phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và tất cả các Giáo hội không được thừa nhận, để cho các Giáo hội được tự do đóng góp phần mình vào các công trình xã hội và tâm linh nhằm mang lại phúc lợi cho nhân dân Việt Nam ;

– trả lại quyền phát hành báo chí tư nhân và truyền thông đại chúng, quyền lập hội như công đoàn và các tổ chức phi chính phủ, cũng như thúc đẩy sự xuất hiện mạnh mẽ và năng động của các xã hội dân sự tại Việt Nam.

Hiệp định chấm dứt chiến tranh và tái lập hòa bình tại Việt Nam ký kết ở Paris năm 1973 chỉ là một di sản hận thù với một chế độ độc tài toàn trị. Ba mươi năm sau, nhân dân Việt Nam vẫn chưa thấy bóng hòa bình. Vì vậy, hôm nay, tôi tha thiết kêu gọi Tổng thống hãy đặt nhân quyền và tự do tôn giáo làm nền tảng cho quan hệ song phương của Tổng thống, và bằng cách đó mang lại tự do và dân chủ cho nhân dân Việt Nam.

Trân trọng kính chào Tổng thống,

Chủ tịch Cơ sở Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam
Phát ngôn nhân của Viện Hóa Ðạo,
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
(ký tên)
Võ Văn Ái


Unicode


VNI


VPS


VIQR

Check Also

VCHR và FIDH đệ trình báo cáo chung đến LHQ cho Kỳ Kiểm Điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) của Việt Nam

PARIS, ngày 11 tháng 10 năm 2023 (VCHR) : Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *