Home / Sách của Võ Văn Ái / Quê Mẹ : Câu hỏi 26-30

Quê Mẹ : Câu hỏi 26-30

Download PDF

26. Lê Thị Huệ : Cá nhân tôi vẫn nghĩ là về mặt thi ca, thơ Việt nam ngất ngưỡng cao ngạo và tuyệt tác không thua bất cứ nền thi ca nào trên thế giới, ông có chia sẻ với tôi chút nào về ý kiến đầy kiêu hãnh này không ?

Võ Văn Ái : Nhờ thi sĩ cư ngụ trái đất, mà tất cả mọi nền thi ca nhân loại ngất ngưỡng và tuyệt tác. Ai nắm được cái thần ngôn ngữ nước mình, tất chân nhận ra thi ca mượt mà, diễm lệ chẳng thua ai. Độc giả Anh đắm đuối với Shakespeare, Ý với Dante, Tàu với các thi hào đời Đường. Chúng ta với Nguyễn Du…

Thử lấy vài ví dụ trong thơ Việt Nam.

Câu thơ Chiều mưa trên bãi nước sông đầy của Huy Cận sẽ rạo rực tâm tư ta như tìm thấy bến đậu giữa hư không, nếu ta từng trải qua thời thơ ấu sống bên con hói ở làng quê, mỗi chiều thấy nước sông dâng khi mưa tới. Mưa và sông một buổi chiều quê hoá hiện thành hình ảnh thơ ngút ngàn, dù chữ khắp câu thơ chẳng có chi kiều diễm. Thế mà chữ đã hà hơi làm nên khí hậu. Khí hậu là không gian, con người là thời gian. Thời gian chảy trôi đâu khi không có không gian ? Đó gọi là khí hậu, sự thăng hoa của Không và Thời giữa niềm phiếu diễu thi ca.

Cũng thế, những câu : Hoa bưởi thơm rồi đêm đã khuya hoặc Ôi nắng vàng sao mà nhớ nhung / Có ai đàn lẻ để tơ chùng của Huy Cận ; Hư vô bóng khói trên đầu hạnh / Cành biếc run run chân ý nhi của Xuân Diệu ; Ô hay vàng rơi cây ngô đồng / Vàng rơi ! vàng rơi ! thu mênh mông… của Bích Khê ; Người đi một nửa hồn tôi mất / Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ hoặc Khách xa gặp lúc mùa xuân chín / Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng của Hàn Mặc Tử ; Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà của Nguyễn Xuân Sanh tả một dĩa trái cây, v.v… đều có cái đẹp như thế, miễn người đọc phải được sống trong đất nước ấy, giữa lòng ngôn ngữ ấy, theo những bóng thơ chập chờn bao quyện ngày đêm.

Còn như câu thơ Từng con mắt gỗ hoen màu lệ của Vũ Hoàng Chương thì chỉ có người Việt may ra mới hiểu để thấy cái đẹp lạ thi sĩ vừa khám phá, thăng hoa. Mắt hoen lệ là chuyện thường tình. Nhưng sao lại là mắt gỗ ? Người đàn bà đẹp, người đàn ông đau khổ vẫn là đôi mắt ướt chờ lệ tuôn ?

Nhưng mắt ở đây không là mắt người, mà là mắt của vật vô tri giác : Mắt của đôi chân đèn bằng gỗ để trên bàn thờ. Người thợ mộc tiện chân đèn ấy bằng nhiều khoen, mỗi khoen là một con mắt gỗ. Sáp chảy xuống chân đèn như những giọt lệ lăn. Từ thực tại âm thầm nơi bóng tối chập chùng bỗng óng ảnh lên thi ca, nơi người thi sĩ tạo dựng thành muôn nghìn thế giới gọi mời theo những cuộc ú tim.

Hẳn nhiên chị nhận xét đúng về nền thi ca Việt ngất ngưỡng trên bầu trời tuyệt tác. Thi ca như người đàn bà đẹp, như hoa đẹp. Mỗi cái đẹp có những lưu luyến riêng, không cái nào giống cái nào ngoại trừ sự rạo rực.

27. Lê Thị Huệ : Nói về tập Tùy bút “Gọi Thầm Giữa Paris”, ông thích tập tùy bút này nhiều không ? Với tôi, tôi phải dùng từ : Tuyệt ! Gió-O đã giới thiệu nhiều bài lên đây.

Võ Văn Ái : Cám ơn chị có biệt nhãn với sách “Gọi thầm giữa Paris”. Đó là một đoạn đời rất vui, đầy thơ mộng và đầy tính chiến đấu ở Paris, khi tôi chủ trương tạp chí Quê Mẹ đồng thời với việc lăn xả vào môi trường thế giới để bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam và bảo vệ văn hóa Việt đang bị nền văn hóa Mác-Lê uy hiếp.

28. Lê Thị Huệ : Chúng ta đang thiết lập một nền sáng tác bên ngoài Việt Nam. Mà những tác phẩm như “Gọi Thầm Giữa Paris” là một đóng góp tuyệt vời. Chúng ta không chỉ viết về những kinh nghiệm và đời sống bên ngoài Việt Nam, chúng ta còn thiết lập một loại ngôn ngữ sinh ra và được nuôi dưỡng từ bên ngoài Việt Nam. Ông có dịp sinh họat với nhiều cộng đồng người Việt khắp nơi trên thế giới, ông có nhận xét gì về việc ngôn ngữ Việt được dưỡng nuôi bên ngoài Việt Nam này ?

Võ Văn Ái : Đúng là có một nền văn học hải ngoại, một thứ ngôn ngữ ngoại biên và thoát vượt, quay mặt với nền văn học minh họa trong nước. Các nhà văn nhà thơ trong nước do bị Đảng cầm quyền chỉ huy nên mất tính sáng tạo hồn nhiên. Mỗi tờ giấy của họ là một định mệnh, mỗi dòng viết là một a tòng. Người viết như con đồng chờ nhập vai, người viết đã lìa hồn trên quản bút, nhắm mắt cho độc ác giết mòn lòng nhân hậu, cúi đầu cho cực đoan đập nát cõi hồn nhiên.

Ở hải ngoại thì không thế. Ngoại trừ nền văn chương chống Cộng, đáp trả, nên bị động và lâm lụy theo nền văn học đấu tố, chửi bới, hành hình – một nền văn học sổ đen và chỉ điểm của cộng sản. Trái lại, người viết nói chung ở hải ngọai thoát vượt bối cảnh bế tắt, luân hiểm nơi cố thổ. Nhờ tiếp cận thênh thang với nền văn học thế giới nên khai mở những phương trời diệu vợi mà người trong nước không có.

Hiển nhiên địa lý không phân chia văn học Việt thành nội ngoại. Nhưng vấn đề nằm ở khí hậu. Khí hậu văn, khí hậu thơ ở hải ngoại đang mở ra dòng văn học mới có tính nhắc nhở và hóa giải nội tâm con người Việt. Chủ lưu của nền văn học này khởi phát từ Nỗi Nhớ nguyên trinh về Bản lai diện mục con người và quê hương Việt.

Mới đây, viết tựa cho cuốn sách của một tác giả ở hải ngoại, nhà văn Vũ Hoàng Thư, tôi đưa ra ý nghĩ : “Nền văn học hải ngoại sinh từ “Đạo Nhớ”. Thiếu nỗi nhớ, kẻ chết không còn cơ sống lại trong lòng người, quê hương tuyệt tích. Từ nhớ mà quê hương hiện hữu trong tim hay nơi ngoại cảnh khác, người chết được sống đời qua những thế hệ sau. Nỗi nhớ là sự tái sinh những con sông, rặng núi, mái tranh, làng mạc, tình người… Những ai mất quê hương mới thấy mối liên thủ kỳ diệu của nỗi nhớ. Người Âu Mỹ tự do đi đâu cũng được, nên chẳng quan tâm đến nỗi nhớ, biến nỗi nhớ thành đạo. Chỉ khi ai đó bị cấm về lại cố hương, lúc ấy sự thảng thốt hình thành, họ mới lấy nhớ làm đạo, như con đường về lại vùng cố thổ nơi họ cắt rốn chôn nhau”.

Đạo thờ Ông Bà Tổ tiên là gì nếu không là Đạo Nhớ ?

Nhờ nền văn học hải ngoại, biết đâu quê hương sẽ không thức tỉnh để học nhớ, khiến cho quê hương không mất quê hương trên quê hương ở thời đại vong tính – Thời Đại Của Những Kẻ Giết Người.

29. Lê Thị Huệ : Với nhà thơ Nh. Tay Ngàn, trong lời giới thiệu về bài thơ Thành Phố Chim Hồng, ông viết : “Khí hậu siêu linh muôn trượng riêng biệt của Nhĩ . Chỉ nói khía cạnh ngôn ngữ mà thôi, Nh. Tay Ngàn đã tạo dựng cho ngôn ngữ của mình một phong cách, và cho từ ngữ Việt những dụng cụ thăm dò cõi vô thức. Từ ngữ ở đây không là chữ nghĩa mà là một từ trường lời đang giải hoặc mê lộ của biện thuyết nói năng vô lối, hay vái chúc tung hô. Những con chữ đã được …” Anh có thể nói thêm về lời giới thiệu Nh. Tay Ngàn này được không ? Lời giới thiệu như là một cánh cửa mở sinh lộ thơ của Nh. Tay Ngàn. Đọc một lời giới thiệu như thế này tôi thấy mê tiếng Việt và thi ca Việt Nam quá chừng chừng. Nh Tay Ngàn là một nhà thơ quan trọng của nền thi ca Việt Nam. Ông làm ơn nói thêm về Nh. Tay Ngàn và tầm mức của thơ Nh. Tay Ngàn đi.

Võ Văn Ái : Nh. Tay Ngàn là một biểu tượng của nền văn chương Việt hải ngoại, làm cho văn học Việt Nam thêm giàu có, đại biểu cho tính chất ngoại biên và thoát vượt.

Việt Nam là tộc Việt ở phương Nam. Tự nghĩa của chữ Việt là vượt. Vượt trong nghĩa đen và nghĩa bóng. Vượt khỏi sự uy hiếp của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán xuống phương Nam, rồi xuống tiếp phương Nam một lần nữa vào thế kỷ XVI khi cuộc khủng hoảng văn hóa và chính trị xẩy ra thời Trịnh Nguyễn phân tranh.

Trong văn hóa và tư tưởng thì biết bao lần chúng ta đã thoát vượt để thâu tóm và dung hóa các nền văn hóa nước ngoài. Phật, Khổng, Lão rồi tới hai trào lưu Tây phương thực dân và cộng sản. Những nền văn hóa ấy tuyệt vời ở nước họ, trừ Cộng sản, song khi tới Việt Nam nó biến thành nền văn hóa nô dịch để đồng hóa con dân nước Việt.

Nh. Tay Ngàn là du học sinh đến Pháp giữa thập niên 60. Thế nhưng Nhĩ, tên thật của Nh. Tay Ngàn là Nguyễn Văn Nhĩ, đã thoát vượt Tự Lực Văn Đoàn và khí hậu chiến tranh trên quê hương tạo nên dòng văn học mới. Ở đây các khái niệm Tây phương bị quét sạch, lộ hé một con người quằn quại đang lắng sâu xuống đáy tầng vô thức tìm lại chân diện mục của mình. Tôi nói các khái niệm Tây phương, vì cuộc chiến tranh Việt Nam là tình trạng lưỡng đầu xung khắc của Tây phương đế quốc và Tây phương cộng sản. Nh. Tay Ngàn thoát sinh từ ngọn lửa rực cháy của khổ nạn Việt Nam, biến quản bút thành dấu ấn ngẫu hứng tự nhiên của cảm xúc làm nên xung lực tham dự với đất trời.

Buồn thay cho thời đại chỉ biết trân trọng liệt sĩ và các đài chiến sĩ trận vong. Ít ai trân qúy người sống. Người sống bị băm thây thường trực bằng dao, súng, mìn, chông, vu cáo và nhà tù. Bằng lời nói độc, xấu mồm, lắm khi hóa trang sau tấm màn ý thức hệ hay tôn giáo cao cả, nhưng nhầy nhụa sái thuốc phiện. Vào lúc ấy, thì người viết ở hải ngoại bắt đầu tập thở để đương đầu với thế cuộc, tái tạo những rung động, khát khao, thương nhớ, ước mơ.

Bi kịch của Nh. Tay Ngàn là thảm kịch của tất cả nhà văn, nhà thơ, nhà nghệ thuật Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX.

Suốt đời Nhĩ ao ước được in một tập thơ, nhưng trong chuyến viếng thăm cố hương độc nhất đầu thập niên 70, cầm tập thơ về Saigon trao cho Mai Thảo ở tạp chí Văn, trao cho Phạm Công Thiện ở đại học Vạn Hạnh – những người có phương tiện nhất để giới thiệu hay phát hành. Nhưng vô vọng.

Trở lại Pháp, Nh. Tay Ngàn bị đưa vào nhà thương điên ở Villejuif. Xuất viện ít lâu, Nhĩ chết cô quạnh trên căn gát trọ số 16 đường Jean Ferrandi, Paris quận 6. Hai ba ngày sau bà chủ nhà mới phát hiện. Mấy câu tôi viết giới thiệu bài thơ “Thành phố Chim hồng” của Nh. Tay Ngàn đăng trên tạp chí Quê Mẹ ở Paris năm 1999, rồi được Gió O đăng lại sau này, đã nói đủ về Nh. Tay Ngàn mà cũng là về những nhà văn, nhà thơ bị quên lãng hay bị chà đạp ở hải ngoại :

“Nh. Tay Ngàn là một trường hợp lạ kỳ, đột xuất, trong nền văn học đương đại Việt Nam. Mai kia các tác phẩm thơ và truyện ngắn của Nhĩ được xuất bản đàng hoàng, Nhĩ sẽ có một chiếu riêng không ai tranh lấn. Bởi chưa ai sống qua và thở hít khí hậu siêu linh muôn trượng riêng biệt của Nhĩ. Chỉ nói khía cạnh ngôn ngữ mà thôi, Nh. Tay Ngàn đã tạo dựng cho cá nhân mình một phong cách, và cho từ ngữ Việt những dụng cụ thăm dò cõi vô thức. Từ ngữ nói đây không là chữ nghĩa, mà là một từ trường lời đang giải hoặc mê lộ của biện thuyết nói năng vô lối, hay vái chúc tung hô. Những con chữ đã được chân không hóa thành hoa văn trên bia ký của nền trời. Ai là người dám thoát ly cảnh văn học chợ trời, đứng thẳng trên bình nguyên, nhìn xuyên đám mây trôi để giải mã cái khảm khắc chiếu rọi từ thân phận dùng thi văn ngoi vượt khỏi trầm luân”.

Văn thơ Nh. Tay Ngàn là sự chuyển hóa đương đại của dòng tiều thuyết chí quái đời Tấn, truyền kỳ đời Đường, và cũng là dòng hiện thực huyền ảo của Châu Mỹ La tinh ngày nay. Ấy là so sánh cho dễ hình dung. Chứ thực tế Nh. Tay Ngàn khai phá con đường siêu thực Việt Nam. Tôi còn giữ toàn bộ sáng tác thơ văn trên bốn nghìn trang viết của Nh. Tay Ngàn, không biết ngày nào mới có phương tiện xuất bản !

Hình bìa sách do thi si Nh. Tay Ngàn trình bày, hình duới là một trang thủ bút của Nh. Tay Ngàn, chua xuất bản, xem trả lời câu 29.
Hình bìa sách do thi si Nh. Tay Ngàn trình bày, hình duới là một trang thủ bút của Nh. Tay Ngàn, chua xuất bản, xem trả lời câu 29.
Hình bìa sách do thi si Nh. Tay Ngàn trình bày, hình duới là một trang thủ bút của Nh. Tay Ngàn, chua xuất bản, xem trả lời câu 29.

30. Lê Thị Huệ : Ông có một lối kiến trúc tiếng Việt rất bản sắc. Tôi nghĩ lối chơi chữ trong các bài viết của ông biểu lộ cá tính trí thức, cầu kỳ, cô đọng, động não, nhưng vẫn có cái lôi cuốn của bay bướm tình cảm của Tiếng Việt. Ông có một thần tượng tiếng Việt nào không ? Ông có dùng một thần tượng tiếng Việt nào để theo đấy làm nơi so đối không ?

Võ Văn Ái : Tôi chưa bao giờ có thần tượng. Thuở nhỏ có ý thích riêng văn Nguyễn Tuân. Sau này, chấn động mới với phương ngữ Nam bộ qua Lê Xuyên trong Chú Tư Cầu. Thế mới biết ngôn ngữ nước ta giàu biết bao, nhưng chiến tranh huynh đệ quá dài hãm hại sự phát triển ngôn ngữ và văn học. Với Lê Xuyên, ngôn ngữ Việt rộ nở tới Cà Mau, không còn khoanh vùng nơi miền Bắc với mẩu mực Tự Lực Văn Đoàn.

Từ nhỏ tới lớn chỉ có một ý chí không ngừng là làm mới ngôn ngữ Việt. Tôi quan niệm mỗi nhà văn phải là cái rồng mình cho ngôn ngữ sống dậy. Làm sao cho ngôn ngữ bắt kịp cái thơ mộng của đất trời, đồng thời đuổi sát tư tưởng để con người đứng vào vị trí môi giới với vũ trụ.

Check Also

Quê Mẹ : Câu hỏi 36-40

36. Lê Thị Huệ : Trong vài bài “tạp ghi” của ông, tôi để ý ông …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *