36. Lê Thị Huệ : Trong vài bài “tạp ghi” của ông, tôi để ý ông thường đặt những dấu hỏi ở cuối câu . Một lối viết mà giới trí thức dễ lấy làm tâm đắc. Với tôi, trí thức thường o ép tôi vào cái hóc xó của trạng thái lửng lơ, không lối thoát. Nhưng khi quan sát ông, tôi thấy ông đã chọn làm một Phật Tử Đấu Tranh. Ông có thấy chút nào tranh chấp giữa “Con Người Trí Thức Vốn Hay Lơ Ngơ” / với một “Con Người Đời Thường Vốn Cần Cụ Thể” như thế nào ? Cái cõi “trí ảo” chuộng suy tưởng và cái “đời thực” sống là chiến đấu ở trong con người ông có bao giờ xung động không ? Ông có những nguyên tắc chọn lựa cụ thể nào ? Tôn giáo ư ? Hay thường là do “hư vô xô đẩy” vào những ngả rẽ ? Tôi hỏi câu này với ý thức rõ rệt rằng ông là một Trí Thức Phật Tử nhưng vẫn muốn nghe một câu trả lời nào đó từ ông.
Võ Văn Ái : Có những dấu hỏi đi tìm câu trả lời. Nhưng cũng có những dấu hỏi tự nó đã là lời đáp. Hỏi mà chơi. Cái thắc mắc của chị đối với tôi qua một số câu hỏi do chị đứng từ vị trí nhị nguyên (dualism), phân đôi cuộc thế, phân đôi đời người, một bên “trí ảo”, một bên “đời thật”. Trong khi ấy, cuộc đời giản dị hơn nhiều, hai mặt một đồng tiền vẫn là một giá trị của đồng tiền. Bên trên hay bên dưới dòng nước chảy vẫn là con sông chuyển vận mây trời, trăng gió về biển khơi. Thời ông Vương Dương Minh bên Tàu đã biết chuyện tri hành hợp nhất rồi, phải không ? Với tôi, từ suy tưởng đến hành động, tôi phát khởi với tinh thần bất nhị (non-duality). Bất nhị là cốt lõi của Phật giáo. Bất nhị là hóa giải mọi đối lập. Phật tử là người chiến đấu hằng ngày để gạt trừ vô minh cho chính mình và cho người khác. Hiện sinh đau khổ của loài người đến từ hai thứ vô minh : không biết mình tha hóa tách rời với Phật tính (tính giác ngộ), và không biết Phật tính hiện hữu trong hết thảy chúng sinh/loài người. Đạo Phật giải quyết vô minh bằng đại trí (trí tuệ Bát Nhã) và đại bi (lòng từ). Đại trí cắt đứt tự ngã độc tôn bên trong, và Đại bi chiếu rọi bên ngoài thành lợi ích chúng sinh. Cả hai hợp đồng thành giác ngộ. Không có chuyện lo riêng cho bản thân mình mà chẳng nghĩ tới người khác.
Muốn thay đổi thế giới mà không khởi sự thay đổi từ mình là điều vô khả, nếu không nói là không tưởng.
Hiểu nghĩa con người Phật tử như thế, “tranh chấp giữa “Con Người Trí Thức Vốn Hay Lơ Ngơ” / với một “Con Người Đời Thường Vốn Cần Cụ Thể” như chị thắc mắc sẽ tan biến. “Cái cõi “trí ảo” chuộng suy tưởng và cái “đời thực” sống là chiến đấu ở trong con người” cũng mất dạng, không có xung đột.
Tôn giáo trong ý nghĩa Đông phương, đặc biệt đối với Phật giáo, chẳng có chi siêu hình, trừu trượng, theo nghĩa thần học Tây phương. Tôn giáo là sống trọn vẹn cuộc đời mình như một tồn tại toàn diện mới mẻ, và giúp người khác phục hồi cái toàn diện của họ.
37. Lê Thị Huệ : Ông có thể cho một vài nhận xét thú vị nào của riêng ông, về cấu trúc tiếng Pháp và tiếng Tàu và mối liên hệ của nó đến tiếng Việt ?
Võ Văn Ái : Trả lời câu hỏi gồm 31 chữ này cần viết một cuốn sách dày mới có thể hồi đáp nghiêm chỉnh. Trong khuôn khổ một cuộc phỏng vấn, tôi tạm thời nêu ra vài ý nghĩ lan man :
– Ngữ pháp tiếng Việt (Grammaire / Grammar, Trương Vĩnh Ký gọi là “sách mẹo”, Tàu dịch là Văn pháp) cho tới nay vẫn chưa định hình, thống nhất, vì có nhiều trường phái đối chọi nhau. Tất cả các sách ngữ pháp tiếng Việt khởi đầu đều dựa vào văn phạm tiếng Pháp làm chuẩn. Phải chăng do nhược thức hệ thuộc Pháp ? hoặc cho Âu châu là trung tâm của nhân loại trên vấn đề học thuật, kể cả ngữ pháp ? Cho tiếng Âu châu là hoàn hảo nhất ? Những nhà làm “văn phạm” ban đầu cho tiếng Việt đã không chú ý sự kiện quan trọng là cấu trúc tiếng Việt hoàn toàn khác với tiếng Pháp nên đã mắc nhiều sai lầm.
Tàu cũng dùng “văn phạm” Châu Âu làm chuẩn mực giải thích tiếng Hán với cuốn Mã Thị Văn thông. Tương tự như ở ta với cuốn Việt Nam Văn phạm của các ông Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Phạm Duy Khiêm. Ở tiếng Tàu, văn nói (bạch thoại) và văn viết (văn ngôn) khác nhau, có lẽ vì vậy họ dịch Grammaire là Văn pháp. Trong tiếng Việt, văn viết giống văn nói, nên các nhà ngôn ngữ học mới thống nhất gọi là Ngữ văn.
– Ngôn ngữ không chỉ là âm thanh phát ra mà còn có nghĩa. 70% vốn từ vựng tiếng Việt là các từ Hán Việt. Cho nên việc bỏ tiếng Hán, tiếng Nôm để sử dụng tiếng quốc ngữ La tinh là một thiệt thòi lớn trên phương diện ngữ nghĩa và tư tưởng dân tộc. Người ta bảo học chữ Hán khó hơn chữ quốc ngữ. Nhưng tại Mỹ, những học sinh không học được cách đánh vần (dyslexia), người ta đã dạy tiếng Anh bằng chữ Hán. Và các nhà ngữ học Mỹ cho tiếng Hán là một hệ thống ngôn ngữ ưu việt.
– Tiếng Việt không có đại danh từ (pronom/pronoun) như tiếng Pháp hay tiếng Tàu mang tính bình đẳng khi xưng mình với người. Đại danh từ trong tiếng Pháp hay Anh là : je, tu, il, nous, vous, ils. Tương đương với tiếng Tàu là : ngã, nễ, tha, ngã môn, nễ môn, tha môn. Chẳng hiểu thời các vua Hùng chúng ta gọi nhau như thế nào, chứ bên Tàu thời Nghiêu, Thuấn, vua tôi nói với nhau vẫn xưng vua bằng nhữ (mầy), tự xưng mình là trẫm (ta), đến thời Tần Thủy Hoàng mới giành chữ trẫm (ta) cho riêng vua, nên người thường không còn dám dùng chữ trẫm để xưng ta nữa.
Chúng ta không có đại danh từ (cần hiểu chữ đại nghĩa là thay, chứ không phải lớn, bự) nên gọi nhau bằng đủ thứ chữ phức tạp gây khó khăn cho người ngoại quốc học tiếng Việt, như ông, bà, bác, chú, cháu, con, em, cô, dì, cậu, mợ, cụ, v.v… Minh bạch và dễ thương đấy. Nhưng có khi trở thành kiểu cách, quan lại, gia trưởng, phân biệt, kỳ thị nhau ? Chữ cụ là tiếng tôn vinh giới quan lại hay già lão, nhưng ở Huế gọi cụ kéo xe thì lại hạ thấp xuống thứ bậc dân đen.
– Áp dụng article (mạo tự) trong tiếng Pháp, một số nhà làm “văn phạm” dùng các chữ con, cái, để phân biệt giống đực, giống cái. Nhưng tiếng Việt không hẳn thế : Con đặt trên danh tự để chỉ động vật (con chim, con voi, con gà). Cái đặt trên danh tự chỉ vật thể do người ta làm ra (cái cầu, cái nhà, cái bàn). Chữ con có tính động, chữ cái thì không cử động. Ví dụ con chim, con tàu, con dao… ngay bộ phân sinh dục phái nam cũng gọi con c.. Trái lại thì cái bàn, cái ghế, cái nhà… bộ phận sinh dục đàn bà cũng là cái l.. Ngoài ra có chữ nhà vốn là một chữ tĩnh, không cử động, nhưng khi ghép với một chữ khác lại thành sinh động, yêu thương, như nhà văn, nhà thơ, nhà tôi…
Đâu phải phân loại giống cái giống đực nên dùng chữ con, cái như tiếng Pháp le, la đâu. Khi nói chiếc lá, cuốn sách, sợi tóc, suối tóc, lóng tay, thì hẳn các chữ chiếc, cuốn, sợi, suối, lóng… không thể trở thành mạo tự như trong tiếng Pháp ?
– Người ta bảo tiếng Việt đơn âm. Nhưng không hẳn thế, có khi vẫn hợp hai, ba, bốn chữ mới thành nghĩa, như luýnh quýnh loáng quáng, mồ hôi, máng xối…
– Tiếng Pháp cũng như tiếng Tàu lấy việc chính làm chủ yếu, tiếng Việt thì phát biểu theo trình tự thời gian. Ví dụ ta hỏi con cái đi đâu về đó, nói theo tiếng Pháp các cháu sẽ trả lời : Je viens de lécole / Con từ trường trở về, Con ở trường về. Tức việc trở về là chính. Nhưng tiếng Việt sẽ nói Con đi học về, vì việc học có trước rồi học xong mới về.
– Theo thuyết tương đối của Einstein, thời gian chỉ là chiều thứ tư của không gian. Nhưng trong các ngôn ngữ thì thời gian quan trọng hơn không gian. Các động từ trong tiếng Pháp được chia ra các thì (thời gian) rất chặt chẽ. Ngoài ba thì quá khứ, hiện tại, vị lai còn các thì phụ, tất cả là 18 thì. Nhiều nhà làm “văn phạm” không biết rằng tiếng Việt không có thì mà chỉ có thể. Do đó họ áp dụng như tiếng Pháp hay Âu châu nên dùng ba chữ đã, đang, sẽ để chia thì quá khứ, hiện tại, vị lai. Thực tế tiếng Việt chưa hẳn như vậy :
Khi ta nói : “Tôi đã vượt biển sang Mỹ năm 1975”, là nói việc đã xong trong quá khứ. Nhưng khi nói : “Báo Gió-O đã lên trang”, thì đã nói về chuyện hiện tại.
Chữ đang diễn tả hiện tại nhưng cũng nói tới quá khứ và vị lai : “Tôi đang đi thăm thành phố New York”, là nói cái hiện tại. “Tuần trước tôi đang làm vườn thì chị Huệ đến thăm”, vậy đang là quá khứ. “Xin báo trước khi tôi đang làm vườn thì chớ ghé thăm”, đang ở đây chỉ thì vị lai.
Chữ sẽ cũng vậy : “Tuần sau tôi sẽ sang Paris chơi”, là chỉ định việc tương lai. “Tôi sẽ đi Los ngay”, sẽ chỉ thì hiện tại. “Nếu tôi trễ chuyến bay thì sẽ không tới kịp cuộc hẹn”, sẽ trở thành dự tính trong quá khứ.
– Nhân nói chữ nếu trên đây dùng cho câu giả định, thì ta thấy trên ba nghìn câu Kiều cụ Nguyễn Du không hề dùng chữ nếu, mà chỉ dùng chữ dầu hay dẫu : Dầu khi lá thắm chỉ hồng / Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng / Dẫu bằng xương trắng quê người quản đâu. Vậy thời cụ Nguyễn Du không có chữ nếu, hay là… ?
– Tại sao nói ngồi trên ghế nhưng lại nói ngồi dưới đất thay vì ngồi trên đất ? Dưới đất là dưới mặt đất, trong lòng đất ? Từ đây nhận ra điều người Pháp và người Tàu hướng theo vùng địa lý, còn ta thì quy định từ xuất phát điểm, từ mình mà đi. Người Tàu, người Pháp nói vào sân khấu (entrer en scène / entrer sur la scène), ta thì nói ra sân khấu. Người Pháp, người Tàu nói lên Paris, xuống Marseille, thưởng Bắc Kinh, hạ Giang Nam. Ta thì nói vô Saigon, ra Huế, chứ không nói lên Huế, xuống Saigon.
– Người Pháp và người Việt nhìn thực thể trước, ngoại dáng sau : con ngựa trắng, le cheval blanc. Người Tàu trái lại nhận rõ ngoại dáng rồi mới đi vào thực thể : bạch mã.
– Khởi từ thời kháng chiến chống Pháp cho đến lâu sau, người Cộng sản có chủ trương bài trừ tiếng Hán Việt để dùng tiếng thuần Việt. Nhưng không thành công lắm, vài khi nghe ngớ ngẩn, khôi hài. Trước nhất, thử hỏi có tiếng Thuần Việt không ? Cho đến nay chưa ai dám xác định. Mơ hồ người ta biết rằng tiền thân tiếng Việt là tiếng Việt Mường là một chi của tiếng Môn Khmer. Thế thì Việt Mường và Môn Khmer có là tiếng “thuần Việt” ? Do cố chấp hoặc muốn Việt Nam là nhất, nên tiếng Việt phải đào thải các từ Hán Việt. Bởi vậy mới có việc gọi trực thăng là máy bay lên thẳng, nhà hộ sinh thành xưởng đẻ, đánh du kích thành đánh chơi, phi công thành giặc lái khi trỏ “giặc Mỹ” còn phi công Cộng sản thì gọi người lái. Nên mới có chuyện anh hùng phi công Cộng sản tự giới thiệu trên đài “Tôi là người lái nhân dân Việt Nam”. Cũng có chuyện tự phê trong thời Việt Minh, một phụ nữ nói rằng “Báo cáo các đồng chí, em có một lỗ hổng” thay vì em có một khuyết điểm, v.v…
Cà kê dê ngỗng còn dài. Xin hẹn dịp khác nói thêm…
38. Lê Thị Huệ : Ông có thể nói một điều gì đó về nhóm sinh viên Miền Nam du học ở Pháp nhưng sau đó theo Cọng Sản thời 1960 như nhóm Nguyễn Ngọc Giao… Vai trò của nhóm Tả này trong thứ “tâm lý chiến”, vận động quần chúng chống lại phe Quốc Gia trong chiến tranh Quốc Cọng Nam Bắc 1954-1975 như thế nào ?
Võ Văn Ái : Hai lý do làm cho giới sinh viên du học miền Nam tại Pháp rơi vào tay Cộng sản Việt. Thứ nhất, đa số sinh viên thuộc thành phần giàu có, con ông cháu cha. Không có tiền bạc đút lót, không có thế lực quen biết hỗ trợ ắt khó xin thông hành du học. Chưa nói việc du học tốn kém từ di chuyển đến lưu trú. Gia đình không khá giả không thể cho con đi du học. Thành phần giàu có, con ông cháu cha, sống ở thành thị, xa lìa quần chúng nghèo khó, ít có ý thức quốc gia, dân tộc. Đến Pháp đi theo hai lối, hoặc ăn chơi, phè phỡn, hoặc bị kích động tinh thần yêu nước từ phe Việt Kiều Cộng sản vào thời gian đầu còn bơ vơ, nhớ nhà nhớ nước.
Hồi tôi đến Pháp, ngoài giờ theo đại học, thường vào thư viện học bài, vừa được sưởi ấm, vừa yên tĩnh, vừa có sách mượn. Chỉ ba ngày sau, là có sinh viên đến hỏi han : Anh mới qua ? Học ngành gì ? Nhà ở đâu ? Có gặp khó khăn gì không ? Cần gì anh cho biết tôi giúp đỡ ? Thời ấy người Việt hiếm thấy trên đường đi, không như bây giờ. Lạ nước lạ cái mà gặp được người Việt hiếm hoi, ân cần nơi đất khách, thử hỏi ai không chạnh lòng, không muốn kết thân ? Từ hỏi han, chỉ dẫn đường đi nước bước về các thủ tục nhập học, ăn uống, kiếm nhà trọ… người tiếp xúc mời tôi ra quán nước, về nhà trọ… tiếp đó đưa tôi gặp gỡ một số bạn khác bàn chuyện nước non. Thế là người du học sinh chân ướt chân ráo lọt ngay vào các tổ sinh hoạt của Cộng sản. Tất cả những sinh viên du học mới đến Pháp, tối đa một tuần đến mười ngày liền nhận được báo tuyên truyền của Hội Liên Hiệp Việt Kiều (Cộng sản). Thử hỏi người sinh viên 17, 18 tuổi, ngơ ngác giữa đất khách bảo sao không lọt vào vòng tay “thân ái” của người đồng hương – mẹ mìn ?
Lý do thứ hai, là nhân viên Sứ quán Việt Nam Cộng hòa bao gồm những quan chức hành chánh khệ nệ, xa lạ chẳng có chút thân ái, cảm tình tiếp cận giới sinh viên. Sinh viên buộc phải liên hệ với Sứ quán VNCH để nộp đơn xin chuyển ngân. Quốc gia là một từ mang ý nghĩa “mạnh ai nấy sống”, ít thấy đơm thành ý thức, hay phát triển thành vũ khí vận động hay nuôi dưỡng tinh thần. Vô hình trung đẩy đa số khối sinh viên du học vào tay tuyên truyền cộng sản. Phải hiểu “Cộng sản” ở Pháp chủ yếu là “tinh thần yêu nước” được kích động thành phong trào hậu thuẫn cuộc “kháng chiến giành độc lập dân tộc”, chứ nội hàm chưa phải là người cán bộ tôn thờ chủ thuyết Mác-Lê. Qua sinh hoạt mới dần dần bị xích hóa.
Đó là nội bộ đời sống của người sinh viên du học. Hoàn cảnh khách quan còn đổ dầu vào lửa. Đó là phe tả tại Pháp, đặc biệt Đảng Cộng sản Pháp, mở một lối tiếp cận thân tình và bình dân thông qua các lễ hội hằng năm, thân ái với dân các nước thuộc địa hơn là phe hữu quá xa cách, trưởng giả, nhiều khi trịch thượng, thực dân.
Thoạt đầu là sinh viên, sau tốt nghiệp thành giới thức giả tham dự vào đời sống xã hội, học thuật Pháp. Tư tưởng thiên Hà Nội của giới Việt Kiều trí thức hiển nhiên ảnh hưởng đến dư luận Pháp hay quốc tế. Vô hình trung giới này đại biểu cho Việt Nam. Đối diện là phe Quốc gia (thưở ấy có danh từ “ăn hút” gán cho giới quốc gia) trở thành thiểu số mờ nhạt, bị động.
Phải chờ năm 1975, với phong trào Người Vượt Biển rầm rộ một vài năm sau đó, tình hình mới đảo ngược, đem lại sự thất thế hầu như tan rã của giới Việt Kiều thân Cộng trong tổ chức nội bộ cũng như trong công luận. Nhưng chủ yếu việc này đến từ sự thất thế và bất nhân của chế độ độc tài toàn trị trong nước, cộng thêm sức quật dậy của phong trào đấu tranh cho nhân quyền mới mẻ và xung kích chưa hề có trước đây.
Nước Pháp không còn nhiều thuộc địa như xưa, nên có chủ trương truyền bá văn hóa Pháp trên thế giới thông qua vấn đề ngôn ngữ Pháp (Francophonie) tổ chức thành hội nghị tập trung các quốc gia Pháp thoại. Thượng đỉnh Pháp thoại lần thứ 7 được tổ chức tại Hà Nội từ 14 đến 16.11.1997 với sự hiện diện của Tổng thống Pháp Jacques Chirac. Đại quan bình thường như mọi hội nghị. Song đây là đòn tuyên truyền quốc tế nhằm nâng cao uy tín chế độ Cộng sản Hà Nội.
Cơ sở Quê Mẹ và Uỷ ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam tung Lời Kêu gọi về hiện tình đàn áp nhân quyền tại Việt Nam để nhân dân Pháp và thế giới chớ quên người dân Việt bị áp bức. Lời Kêu gọi đăng trên nhật báo Le Monde ở Paris với chữ ký của hàng trăm trí thức, học giả, nhân sĩ Pháp và Việt đòi hỏi Tổng thống Jacques Chirac can thiệp cho nhân quyền và tù nhân vì lương thức khi đến Hà Nội chủ toạ Thượng đỉnh Pháp thoại. Xin xem Lời Kêu gọi này và chữ ký trên báo Le Monde trang bên cạnh :
39. Lê Thị Huệ : Ông nghĩ tại sao họ lại từ phe Quốc Gia mà rồi theo phò phe Cọng Sản. Biết là mốt của trí thức thời đó là Tả, nhưng họ là người trong nước bước ra, đáng lẽ họ phải “nhạy cảm” với cuộc chiến Việt Nam hơn, đáng lẽ họ phải “khó xử” với chính họ hơn. Chọn lựa theo phe Tả lúc đó là một chọn lựa qúa ư dễ dàng. Tại sao những người trí thức như họ lại có những thái độ chính trị “trớt quớt” dễ và nhanh như thế ? Để bây giờ nhìn lại mới thấy sự u tối của những người đã theo phò Cọng Sản trước đây ?
Võ Văn Ái : Do quan sát lớp người ra đi năm 75 nên chị thắc mắc. Bởi lớp người này phân định hắc bạch giữa quốc gia và cộng sản. Song lớp người ra hải ngoại trước 75. Đặc biệt giới sinh viên du học thì khác.
Nói gì giới sinh viên ngơ ngác. Năm 1966, lúc Việt Nam Cộng hoà có chính sách thu dụng lớp trí thức trẻ đưa ra nước ngoài xung vào các toà đại sứ. Tôi nhớ có hai ông nhân viên ngoại giao đầu đàn vào lớp trẻ và trí thức được gửi sang Châu Âu (ĐT, NTS) ở cấp tham tán. Chỉ vài tháng sau tới nhiệm sở, họ bỏ đi theo Mặt trận Giải phóng Miền Nam.
Trí thức là ai, là gì ? Đã có sự chênh lệch giữa kiến thức học đường với kiến thức nhân văn. Trí thức được gọi tên ở nước ta gán cho giới có học, có bằng cấp. Nhưng người có học, có bằng cấp chưa hẳn là giới đại biểu cho lương tri hay lương tâm thời đại. Cuối thập niên 40 ra khỏi tù, tôi bị tống xuất khỏi thành phố Huế, rời trường trung học Khải Định lên học trường trung học Yersin ở Đà Lạt. Tôi ngạc nhiên thấy hai giới học sinh Khải Định và Yersin cách biệt trời vực trong suy nghĩ hay tâm tưởng về đất nước, dân tộc. Ngay tại Huế, giới học sinh trường Khải Định (sau đổi tên Quốc học) đã khác rất xa với giới học sinh trường Dòng Pellerin về ý thức dân tộc. Tuy hai trường cách nhau chừng một, hai cây số. Tôi chứng kiến việc này vì sau khi bị bắt lần thứ nhất, gia đình tôi không cho học trường Khải Định “lộn xộn” mà bắt lên học trường Dòng Pellerin.
Học sinh Yersin ở Đà Lạt, quy tụ giới con nhà giàu hay thế lực, chỉ biết học và ăn chơi, nhảy đầm, nghỉ hè. Chuyện đất nước truân chuyên, thuộc Pháp hay không chẳng ai ưu tư đặt thành vấn đề.
Trong tâm cảnh như thế, làm sao giới học sinh này nghĩ tới chuyện so sánh hay chọn lựa giữa quốc gia hay cộng sản ? Đa số lớp học sinh này du học Pháp. Sang đến Pháp, do phía cộng sản Việt có tổ chức, nên số lớn giới học sinh này mới tiếp cận chuyện nước non. Tuyên truyền cộng sản cũng chỉ đặt vấn đề độc lập dân tộc làm lá chắn tập họp quần chúng. Kêu gọi lòng yêu nước, kháng chiến chống Pháp giành độc lập, thử hỏi ai không đáp ứng.
Hồi nhỏ ở miền Trung, tôi từng chứng kiến lính Tây say rượu hát hò đập phá hàng quán, nơi làng xóm chúng bật quẹt lửa vào mái tranh đốt nhà, bắt người còng đi vì nghi ngờ Việt Minh, hay hãm hiếp phụ nữ. Trước thảm cảnh của người đồng bào, làm sao tôi có thể theo Pháp ? Người kháng chiến được huấn luyện để biết vì sao mình cầm súng chiến đấu, vì sao mình bảo vệ xóm làng, vì sao ăn, vì sao ngủ, quần chúng nhân dân là ai ? Trong khi ấy phe quốc gia lơ là với công tác ý thức hóa quần chúng. Giới lãnh đạo quốc gia chỉ ỷ y vào tiền, vào đồng Phật lăng hay Đô la, vào lá bài ngoại bang, nhưng xa rời quần chúng. Ông Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống Đệ nhị Cộng hòa, điều hành một Nhà nước chống Cộng, thế mà cuối thập niên 60 khi cuộc chiến lên cao đỉnh, thì việc vận động quần chúng chỉ là ưu tư thứ tư của ông ấy. Vận động quần chúng đứng sau ba ưu tiên quân sự, bình định, kinh tế. Trong cuộc chiến tranh nhân dân, vận động quần chúng phải là ưu tiên một, tức vấn đề ý thức hóa và đoàn ngũ hóa quần chúng. Ông Thiệu, ông Kỳ chỉ trông chờ vào triệu, tỉ Đô la Mỹ. Họ không tin, không thương, không trông nhờ vào quần chúng nhân dân. Mỹ cúp viện trợ, họ ngưng chống Cộng và chạy ra nước ngoài trước mọi người. Họ không là Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ.
Vấn đề trầm trọng hiện nay, là người chống Cộng hay không-Cộng-sản đang làm gì cho một giải pháp thay thế, khi thấy rõ cái yếu, cái ngu, cái ác độc và thất bại trong việc thăng tiến nhân sinh của người Cộng sản ?
40. Lê Thị Huệ : Bây giờ nghiệm lại phong trào trí thức Tả của thập niên 1960, ông có một kết luận đặc biệt nào về trường hợp này ?
Võ Văn Ái : Không phải là từ thập niên 60, mà là từ đầu thế kỷ XX, đa số trí thức Việt đã a tòng theo hai lối suy tưởng và hành động thuần túy Tây phương : Tây phương đế quốc và Tây phương cộng sản. Ít ai có tinh thần dung hóa cái học của Tây phương để phát triển nền văn hiến Việt. Chúng ta sản sinh hàng loạt những ông vua Tự Đức từ triều Nguyễn tới triều Hồ. Chúng ta thiếu một đại sĩ phu như Minh Trị Thiên Hoàng.
Bạn bè tôi có nhiều người chạy theo phe Tả. Do biết rõ họ, nên tôi nghĩ chỉ là vấn đề phù thịnh, nếu không nói là tìm một chỗ đứng cho bản thân – LÀM QUAN. Làm quan phe tả hay làm quan phe hữu đều quan liêu như nhau. Dù người làm quan là ông bác sĩ, ông kỹ sư, ông luật sư, ông nhà văn, nhà thơ… tất cả họ là Ông Cơ hội – những kẻ cầm cờ chạy hiệu. Tôi chỉ trách họ sao trước kia rốt ráo đến cực đoan trong đấu tranh khi hùa theo phe tả, nhưng ngày nay nhận chân những sai lầm chết người của phe tả, họ lại im lặng, tê liệt, mất mọi khả năng, khí thế quyết liệt để chống lại cái xấu, cái ác ? Hóa ra ước muốn “làm quan” trong con người trí thức Việt vẫn hấp dẫn hơn lý tưởng cứu nguy dân tộc hay cứu người.
Tôi nhớ cuộc điện đàm khá dài giữa tôi với giáo sư Hoàng Xuân Hãn sau ngày 30.4 năm 1975. Trước kia chúng tôi vẫn thường qua lại, gặp gỡ, trao đổi, khi chuyện học thuật, lúc chuyện nước non. Điện đàm với nhau chỉ là chuyện vội vã hay lấy hẹn. Hôm ấy trao đổi tình hình đất nước xong, ông Hãn khuyên tôi nên đến gặp ông Nguyễn Ngọc Giao mà tôi chưa hề quen biết. Tuy biết tên ông như lãnh tụ Việt Kiều Cộng sản, thời hòa hội Paris ông ta thông dịch cho Phái đoàn Hà Nội. Hôm ấy tôi trả lời ông Hãn rằng : “Ông Giao bây giờ là quan, dân đến gặp quan bất tiện lắm bác ạ”.
Rất nên đọc lại tập sách mỏng “Một vài Ký vãng về Hội nghị Đà Lạt” của ông Hoàng Xuân Hãn để suy gẫm về người trí thức Việt vào buổi giao thời. Đặc biệt phần ông Hãn kể lại cuộc tiếp xúc lần đầu với ông Hồ Chí Minh ở Hà Nội. Ông Hãn là bộ trưởng trong chính phủ Trần Trọng Kim của vua Bảo Đại, nhưng toàn bộ nội các chẳng biết gì về Việt Minh (xem “Một Cơn Gió bụi” của Trần Trọng Kim). Những người trí thức có học vị, bằng cấp, nhưng lại ngơ ngác trước nhóm thiểu số Việt Minh chuyên nghiệp trên trường chính trị. Thời ấy ông Hãn đã thấy thảm nạn “đảng tranh” nguy biến cho dân và nước khi thổ lộ tâm can mong muốn ông Hồ giải quyết. Song cuộc xích hoá Việt Nam là ưu tiên một của ông Hồ cộng với sự thiếu lão luyện chính trị của các đảng phái quốc gia thời 1945 đã đưa đất nước vào cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn khiến dân tộc điêu linh tới ngày nay.
Quan điểm thiên Hồ của thế hệ trí thức Hoàng Xuân Hản xuất phát từ hai thứ lý luận. Một thuộc luận điểm chính thống lịch sử, và một thuộc ưu tiên lịch sử. Lớp nhà nho Bắc hà thưở trước và giới trí thức ngày nay lớp ông Hãn xem rằng người thu phục giang sơn là kẻ chính thống. Trước kia là vua Gia Long, nay là vua Hồ.
Còn ưu tiên lịch sử là luận điểm của số đông trí thức Việt có tinh thần dân tộc vào thời điểm 1945. Họ không chấp nhận Cộng sản, nhưng họ nghĩ phải ưu tiên đánh đổ thực dân Pháp giành độc lập trước, khi có độc lập sẽ tính tới chuyện Cộng sản sau. Thế nhưng bài học lịch sử cho thấy chẳng bao giờ việc tính sau thành tựu. Vì ưu tiên phải giải quyết triệt để việc cơ bản từ đầu. Bao nhiêu trí thức ngậm đắng nuốt cay sau ngày Cộng sản thành công, nhưng lúc ấy đã trễ : những Nguyễn Mạnh Tường ngoài Bắc, những Nguyễn Văn Trấn trong Nam… với trùng trùng những trí thức khác kể không hết tên. Ngày tôi được trò chuyện tại Paris và phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường cho tạp chí Quê Mẹ, tôi cảm nhận nỗi xót đau, thất vọng, bi tâm cùng cực của thế hệ ông Tường.
Một trường hợp khác tôi gặp tại Pháp là ông trí thức Nguyễn Mạnh Hà. Nói ông là Cộng sản thì không đúng, vì ông không có thẻ đảng, ông lại thuộc giới Công giáo cấp tiến. Tuy vợ ông là một phụ nữ Pháp con một lãnh tụ Cộng sản Pháp nổi danh bạn với ông Hồ, bà nói tiếng Việt (giọng Bắc) tuyệt hảo. Nhưng nói ông không Cộng sản thì cũng không đúng hẳn. Bởi hành động chính trị của ông làm lợi cho phe Cộng sản. Dấu ngoặc cần mở ở đây là kiểu chụp mũ Cộng sản ngày nay là điều vô lối. Thực tế cho thấy có rất nhiều người không – Cộng – sản nhưng họ hành hoạt có lợi lớn – hơn cả đảng viên Cộng sản – cho phe Cộng sản.
Do được một bạn công giáo cho tá túc thời gian tôi gặp khó khi mới qua Pháp, và qua trung gian bạn này tôi có dịp gặp ông Nguyễn Mạnh Hà, một bộ trưởng trong chính phủ Hồ Chí Minh đầu tiên ở Hà Nội. Ông là người thực tâm yêu nước, chống thực dân, dù ông dân Pháp. Gặp ông tôi biết thêm về cá nhân ông Bảo Đại vì hai người là đồng môn những năm 30. Tôi tỏ lòng mến mộ, nhưng khi thấy giao thiệp chính trị của ông thiên Hà Nội, nên tôi tránh. Thế nhưng hai năm sau, một hôm ông leo tám tầng thang gác lên tận nóc phòng trọ gặp tôi. Người ông cao to đẫy đà, nhìn ông mồ hôi nhễ nhãi, nhịp thở gấp mà thương hại. Lần ấy ông mời tôi làm chủ biên một tờ báo vận động chính trị trung lập hoá Việt Nam, nhằm tránh cuộc tranh chấp bạo động giữa hai miền Nam Bắc. Thoạt nghe hấp dẫn. Song trong buổi họp các người cộng tác bước đầu, tôi cảm thấy bất an với khuynh hướng Hà Nội chen vào nên tôi từ khước.
Vài năm sau, ông Hà vận động cho lá bài Trần Văn Hữu mời ông Bảo Đại đỡ đầu mong thoả hiệp giai đoạn với Hà Nội. Ông Hà lại đến tiếp xúc mời tôi tham gia. Nhưng tôi tránh. Vào thời khoảng 65, 66, tôi cũng được ông Trần Văn Khê cùng người yêu của ông, nay đã qua đời là bà Mộng Trung, đến tiếp xúc nhiều lần, lôi kéo tôi theo Mặt trận Giải phóng Miền Nam. Tôi từ chối.
Đấy, những mẫu người trí thức như các ông Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Hà, Trần Văn Khê đưa lên bàn mổ tả – hữu e khó đưa tới một kết luận minh bạch. Dù rằng giới trí thức thuộc thế hệ ba ông này làm lợi cho Cộng sản hơn cả những đảng viên Cộng sản, nhờ cái thế không cộng sản của họ trong thế giới Tây phương hay trong cộng đồng học thuật.
Còn phía tả phái Pháp thì có trường hợp điển hình là sử gia Pháp Philippe Devillers, tác giả nổi danh cuốn sử Histoire du Viet Nam de 1940 à 1952 (Lịch sử Việt Nam từ 1940 đến 1952 viết chung với Jean Lacouture) đã đưa nhà báo cộng sản Úc William Burchett đến thăm tôi tại trụ sở Phật giáo ở Paris mong thuyết phục tôi theo Mặt trận Giải phóng Miền Nam. Hiển nhiên tôi từ chối, và trong ba giờ đồng hồ trao đổi với hai ông, tôi chỉ trình bày cho họ rõ con đường dân tộc của Phật giáo.
Thực tế mà nói, tả – hữu chỉ làm bốc cháy những con thiêu thân là quần chúng. Còn những kẻ bên trên, kẻ lãnh tụ, tả – hữu chỉ là một màn xì phé.
Tôi thiển nghĩ tả hay hữu chỉ giải quyết một nửa bộ phận con người trên trái đất, nhưng không giải quyết được con người toàn diện. Bài học này tôi nhận được từ một em bé gái Ý năm tuổi. Năm đó, 1967, tôi tham dự hai cuộc tuần hành lớn cho Hoà bình Việt Nam. Cần hiểu nhóm từ “hoà bình cho Việt Nam” thời ấy mang nghĩa phiến diện “hoà bình cho Cộng sản Bắc Việt thắng trận”. Tự bản chất của phong trào hoà bình thế giới nẩy sinh từ phản ứng lương tri con người thù ghét chiến tranh và muốn góp công bênh vực con người Việt Nam nhỏ bé, khổ luỵ. Giữa Goliath và David, châu chấu đá xe, nhân loại luôn đứng về phía châu chấu David. Tuy nhiên giật dây thiện chí này là Mạc Tư Khoa thông đồng với các đảng cộng sản địa phương ở Châu Âu và giới tả khuynh Châu Mỹ. Biết thế, nên thay vì tố cáo suông như giới chống Cộng vẫn làm, tôi xông xáo vào các phong trào này tâm công (18) để lôi họ ra khỏi nanh vuốt lý luận và dụ dỗ cộng sản.
Cuộc tuần hành quanh đảo Sicile do Danilo Dolci tổ chức. Danilo là người đấu tranh theo phương pháp bất bạo động của thánh Gandhi bênh vực cho người dân đảo bị bức bách chống bọn Mafia. Ai cũng thừa biết Mafia Ý trên đảo Sicile gian ác đến thế nào. Các thành phố như Chicago, New York bên Hoa Kỳ những năm 30 là nạn nhân hoành hành của Mafia Ý. Danilo đã thành công lớn mà không bị giết nhờ sự hậu thuẫn quốc tế. Tôi có viết một chương về Danilo Dolci trong sách “Tiếng kêu trầm thống trước sự tàn phá con người” do nhà Lá Bối xuất bản ở Saigon năm 1968. Trong cuộc đi bộ quanh đảo cho hoà bình Việt Nam này tôi gặp và làm quen với nhà văn cũng là hoạ sĩ Carlo Levi, tác giả nổi tiếng truyện viết dưới thời chống Đức quốc xã Cristo si è fermato a Eboli (Chúa Ki tô dừng ở Eboli).
Sau khi nghe tôi thuyết trình về Việt Nam tại thành phố Palerme trên đảo Sicile, Carlo Levi vẽ bộ mặt người đàn bà ở Sicile tặng tôi với dòng đề “Tặng Võ Văn Ái trong tình bằng hữu huynh đệ – Palerme 11.3.1967”
|
Tại Palerme sau khi tôi thuyết trình về Việt Nam, ông vẻ trên tấm thiệp người phụ nữ đảo Sicile tặng tôi. Do ông rất thích chữ thảo của Tàu nên tôi viết bài thơ Độc mã theo lối chữ thảo Việt mà tôi sáng chế năm 1966 tặng ông. Sau này trong cuộc tuần hành miền Bắc Ý về Rome do ông dẫn đầu ông đã đọc một số thơ tôi cho quần chúng Ý nghe.
Sau chuyến tuần hành trên đảo Sicile là cuộc tuần hành toàn quốc Ý cho hoà bình Việt Nam, chia làm hai đoàn từ Bắc Ý xuyên qua nhiều thành phố về điểm tụ ở thủ đô Rome và từ Nam Ý xuyên qua nhiều thành phố lên Rome. Đoàn từ Bắc xuống do nhà văn và hoạ sĩ Carlo Levi dẫn đầu. Đoàn Nam do Danilo Dolci và tôi dẫn đầu. Cả hai đoàn tiến về thủ đô Rome thành cuộc biểu tình bốn mươi nghìn người tại công trường Cộng hoà.
Trên đường tuần hành qua một thị trấn nhỏ, có em bé gái khoảng năm tuổi chạy ra chận tôi lại và hỏi : “Vì sao chiến tranh tại Việt Nam ?” Câu hỏi bất ngờ như cú sốc làm tôi sững sờ trong giây lát, nếu không nói là cứng họng. Thời ấy chỉ có hai cách trả lời “ổn thoả” và coi như “hợp lý”. Một là, “đế quốc Mỹ mở cuộc chiến tranh xâm lược giết phá dân tộc Việt Nam”. Hai là, “Cộng sản Bắc Việt xâm lăng miền Nam giết hại dân lành”. Tôi không muốn đầu độc em thiếu nhi Ý Đại lợi với câu giải thích rẻ tiền, biến em thành tả hữu hay thiện ác theo quan điểm chống phá phiến diện con người, nhưng chẳng biểu thị sự thật về thân phận nhân sinh thế kỷ XX bị trên đe dưới búa trong cuộc lưỡng cực phân tranh. Sau phút do dự, tôi trả lời em : “Bởi vì người ta không thương nhau ở Việt Nam”.
Ngày hôm sau báo cộng sản Ý viết lên sự kiện này khá lâm ly. Rằng khi một thiếu nhi hỏi vì sao chiến tranh tại Việt Nam, thì Võ Văn Ái buồn thương ngước mắt nhìn về phương trời xa xăm nơi đế quốc Mỹ đang giết chóc người dân Việt… vân vân và vân vân. Tôi rất giận và yêu cầu cải chính. Nhưng có báo cộng sản nào trên cuộc đời này chịu cải chính hay sửa sai những điều họ viết bậy và láo ?!
Cũng từ thị trấn ấy bỗng nhiên xuất hiện lá cờ Mặt trận Giải phóng Miền Nam trước đoàn tuần hành. Tôi phản đối nói rằng tôi không phải người theo phe Mặt trận nên không thể bước dưới lá cờ ấy. Ban tổ chức nại cớ tự phát của người tham dự đưa vào, chúng ta tôn trọng dân chủ không thể phản đối vì tất cả đều chung ý hướng hoà bình cho Việt Nam ! Họ cũng thiện chí hỏi tôi muốn lá cờ nào khác họ sẽ thực hiện. Tôi bảo tôi tham dự và thuyết trình về giải pháp hoà bình của Phật giáo, nên xin trương lá cờ Phật giáo, rồi vẻ kiểu cho họ thực hiện. Qua sự kiện này thấy ra tinh thần dân chủ của người phương Tây. Nếu ta có mặt và biết cách thuyết phục, ta có cơ hội thay đổi họ. Thế là họ xôn xao đi kiếm vải may cờ ngũ sắc, năm màu tượng trưng cho năm màu hào quang của đức Phật. Báo hại hôm ấy là ngày chủ nhật, hàng quán đóng cửa chẳng đâu mua được vải. Ban tổ chức nảy ra ý kiến sai người lặn lội vào từng nhà dân hỏi mua vải. Hàng giờ mới kiếm ra bốn tấm màu. Hỏi mua thì nhà nào cũng tặng khi nghe có người Việt Nam đi trong đoàn yêu cầu. Tình dân ở đâu cũng chất phác, hằng tâm hằng sản, tôi đã chứng kiến tình dân như thế trong các làng nghèo rớt mùng tơi thời kháng chiến giữa thập niên 40 ở miền Trung. Nhưng còn thiếu màu vàng cam, nên lá cờ Phật giáo không thành. Đột nhiên có chị nữ vào một nhà dân. Nhà này có tấm vải màu vàng cam nhưng đang dùng làm khăn trải nôi cho cháu bé mới sinh. Song nghe xong lời giải thích bà mẹ liền lột tấm khăn trao tặng. Cả ban tổ chức và tôi đều xúc động trước hành xử ấy.
Thế là lá cờ Phật giáo đầu tiên phất trên đất Ý dẫn đầu đoàn biểu tình cho hoà bình Việt Nam. Cũng là lần đầu tiên, năm 1967, lá cờ Phật giáo tiến vào thủ đô Rome một nước phương Tây, Ý Đại Lợi, mà cũng là thủ đô của Giáo triều La Mã. Chẳng biết bao giờ mới có lại sự kiện hi hữu của thế kỷ XX này.
Tác giả tham gia biểu tình tại thủ đô Vienne, Áo, cho tự do tôn giáo và dân chủ Việt Nam, truớc thềm Hội Nghị Nhân quyền Thế giới do LHQ tổ chức năm 1993.
|
(18) Tâm công là đánh vào lòng người không bằng súng đạn, gươm giáo, mà bằng lời nói thuyết phục khiến cho những kẻ thù địch, dửng dưng chịu lắng nghe và chuyển hoá. Nguyễn Trãi là cha đẻ của phương pháp tâm công ở thế kỷ XV khi ông dùng văn thư hoặc vào các thành giặc dụ hàng, thay vì tấn công quân sự. Trong 12 thành giặc lúc bấy giờ thì Lê Lợi chỉ tấn công bằng quân sự 2 thành, 10 thành còn lại do Nguyễn Trãi dùng tâm công dụ hàng, như ông viết trong bài Chí Linh sơn phú : ”Thành giặc các nơi, mũi nhọn không dính máu mà tự mở”. Trong bài Bình Ngô Đại cáo ông nêu rõ sách lược này : ”Ta mưu phạt tâm công, không đánh mà người phải khuất”. (xem ”Nguyễn Trãi, Sinh thức và Hành động”, Võ Văn Ái, Quê Mẹ, Paris 1981, 1985, 1992).