Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin UBBVQLNVN / Hội luận về Dân chủ Châu Á : Phong trào Dân chủ Châu Á tiến công

Hội luận về Dân chủ Châu Á : Phong trào Dân chủ Châu Á tiến công

Download PDF

ĐÀI BẮC, ngày 28.1.2007 – Hội luận Dân chủ Châu Á vừa kết thúc tại Đài Bắc hôm thứ sáu 26.1.2007 với những lời phát biểu về kinh nghiệm quá khứ trong tiến trình dân chủ hóa nước mình của Tổng thống Đài Loan Trần Thủy Biển, và các cựu Tổng thống Francisco Guillermo Flores Pérez, Kim Young-sam, Punsalmaa Ochirbat, Lech Walesa và Frederik Willem de Klerck tại các nước El Savador, Nam Hàn, Mông Cổ, Ba Lan và Nam Phi.

Hội luận Dân chủ Châu Á do Tiến trình Phi chính phủ thuộc Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ kết hợp với Đài Loan Dân chủ Cơ kim hội tổ chức tại Đài Bắc từ ngày 22.1 đến 26.1.2007. Hội luận chủ yếu chuẩn bị các yêu sách và đề xuất về vấn đề dân chủ Châu Á cho Hội nghị lần IV của các Ngoại trưởng thuộc Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ họp tại thủ đô Bamako nước Mali cuối năm nay.

Kể từ Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ cho hình thành Ban Thiết kế Dân chủ (Democracy Caucus) tại LHQ, tình hình dân chủ trên thế giới đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ quy tập ở cấp chính phủ thông qua các ngoại trưởng đến từ những quốc gia đạt các tiêu chuẩn cơ bản về các quyền tự do dân chủ. Bên cạnh cấp chính phủ còn có một cơ cấu gọi là Tiến trình Phi chính phủ, vì các chính phủ nhận ra vai trò trọng yếu của những xã hội dân sự, là các tổ chức phi chính phủ, trong việc hoàn thành tiến trình dân chủ hóa toàn cầu.

Thành lập năm 2000, mỗi hai năm, Hội nghị các Ngoại trưởng thuộc Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ họp một lần và do một quốc gia thành viên đảm trách. Những lần trước do Ba Lan, Đại Hàn, Chi Lê đảm nhiệm. Hội nghị lần IV năm nay do chính phủ nước Mali ở Phi châu tổ chức. Ban Lãnh đạo Quốc tế của Tiến trình Phi chính phủ vừa triệu tập cuộc Thảo luận bàn tròn lần thứ hai tại Đài Bắc ở Đài Loan với sự tham dự của 25 quốc gia trên năm châu. Lần thứ nhất được tổ chức tại LHQ ở New York tháng 9 năm ngoái, 2006.

Sự kiện được tổ chức trong lần này tại Á châu mang ý nghĩa lớn cho công cuộc phát triển cũng như hậu thuẫn mạnh mẽ các phong trào dân chủ Châu Á.

Hôm thứ hai vừa qua, Bà Lữ Tú Liên, Phó tổng thống Trung hoa Dân quốc ở Đài Loan đọc Diễn văn Chào mừng các đại biểu dân chủ đến từ 25 quốc gia, sau đó là hai bài Diễn văn Khai mạc của ông Richard Rowson, Chủ tịch Hội đồng Thăng tiến Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ, nói về quá trình hình thành tổ chức 7 năm qua, và ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Diễn Đàn Dân chủ Á châu, nói về hướng tiến chiến lược của phong trào dân chủ Châu Á.

Các ngày hội thảo đã đánh cái nhìn toàn cầu về những vấn đề Châu Á trên các lĩnh vực cơ cấu nhân quyền mới tại LHQ, tức Hội đồng Nhân quyền LHQ, cùng khả năng và biện pháp của cơ cấu này ; vai trò giáo dục trong công cuộc thăng tiến dân chủ ; bình quyền nam nữ ; tăng cường pháp quyền ; thúc đẩy tự do báo chí ; cải tiến tiêu chuẩn tổ chức bầu cử ; tăng cường văn hóa dân chủ thông qua giáo dục dân chủ ; hội nhập các đảng chính trị Châu Á vào Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ ; tiến tới Chiến lược từng khu vực trong khuôn khổ Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ ; tiêu chuẩn chọn lọc các quốc gia được mời tham dự Hội nghị lần IV các Ngoại trưởng thuộc Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ ; những đề xuất các châu và đặc biệt Châu Á gửi Hội nghị lần IV các Ngoại trưởng thuộc Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ tại Bamako, v.v…

Do cuộc phấn đấu kiên trì và dài lâu của các tổ chức Phi chính phủ hoạt động cho dân chủ và nhân quyền, mà kể từ Hội nghị lần II các Ngoại trưởng thuộc Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ tại thủ đô Seoul, Nam Hàn, năm 2003, các tổ chức Phi chính phủ được mời họp song song với hội nghị các Ngoại trưởng. Sang Hội nghị lần III tại Santiago, Chi lê, năm 2005, thì các tổ chức Phi chính phủ có những khóa họp chung với các Ngoại trưởng để đối thoại và đề xuất với các Ngoại trưởng về những vấn nạn xã hội và chính trị trong các khu vực trong thế giới (xin xem Thông cáo báo chí phát hành từ Santiago ngày 30.4.2005 trên Trang nhà Quê Mẹ : http://www.queme.net). Và cũng từ Hội nghị lần III này mà Ban Lãnh đạo Quốc tế của Tiến trình Phi chính phủ (International Steering Committee – Community of Democracies Nongovernmental Process) ra đời, kết hợp với Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ ở cấp Ngoại trưởng để tham gia tiến trình dân chủ hóa toàn cầu.

Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Cơ sở Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam kiêm Chủ tịch Diễn Đàn Dân chủ Châu Á được mời làm thành viên trong Ban Lãnh đạo Quốc tế của Tiến trình Phi chính phủ.

Vai trò của Ban Lãnh đạo Quốc tế của Tiến trình Phi chính phủ là đưa các xã hội dân sự vào ngồi cùng bàn thảo luận nhằm thúc đẩy các chính phủ lắng nghe và thực hiện các đòi hỏi của người dân trên năm châu lục. Đây cũng là cách dân chủ hóa chính sách đối ngoại và chính sách của các quốc gia không riêng cho nhân dân trong các nước này, mà còn cho cả nhân dân tại các quốc gia chưa có dân chủ vì sống dưới ách độc tài, quân phiệt.

Bước tiến mới hi hữu trên trường chính trị quốc tế, là các tổ chức Phi chính phủ được thường trực theo dõi tiến trình Toàn cầu hóa dân chủ với các chính phủ trong thế giới, tham hội và trực tiếp nói thẳng với các ngoại trưởng chính phủ. Nhờ vậy Cộng đồng Nhân loại của những Tiếng Nói được trực tiếp tham gia tiến trình thay đổi chính sách.

Dưới đây, chúng tôi xin đăng hai bản Việt dịch Diễn văn Chào mừng của bà Lữ Tú Liên, Phó Tổng thống Đài Loan và Diễn văn Khai mạc của ông Võ Văn Ái :

Diễn văn Chào mừng của Bà Lữ Tú Liên, Phó tổng thống Trung hoa Dân quốc, Đài Loan

Thưa ông Rowson, Chủ tịch Hội đồng Thăng tiến Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ,
Thưa ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Diễn Đàn Dân chủ Á châu,
Thưa Bà Yang, Phó chủ tịch Đài loan Dân chủ Cơ kim hội,
Thưa quý vị đại biểu Ngoại giao đoàn,
Thưa quý vị Quan khách, Thưa các bà các ông,

Nhân danh nhân dân và chính phủ Đài Loan, cho phép tôi gửi lời chào đón các nhà dân chủ đến từ 25 quốc gia tham dự Hội luận về Dân chủ Châu Á tại Đài Bắc trong khuôn khổ Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ.

Ở thế kỷ toàn cầu hóa đang tăng tốc, thật là quan trọng cho việc hợp lực để phát triển dân chủ. Vì vậy, Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ đóng vai trò thiết yếu, đặc biệt cho Châu Á. Là châu lục lớn nhất trong thế giới, Châu Á nơi cư ngụ đông dân các nước dân chủ cũng như các chế độ độc đoán. Nơi xuất xứ của những nền dân chủ vang động cũng như nơi còn 4 trong 5 quốc gia Cộng sản sót lại. Châu Á là tuyến đầu trong cuộc chiến ý thức hệ cho tâm não con người.

Ba mươi năm qua, các quốc gia Châu Á đạt những bước tiến dài trong tiến trình dân chủ. Theo bản Phúc trình năm 2007 của tổ chức Freedom House, thì còn 10 quốc gia không có tự do, các quốc gia tự do tăng từ 2 lên 6, kể cả các nước dân chủ mới như Ấn Độ, Indonesia, Nam Hàn và Đài Loan, các quốc gia “tự do sơ sài” thì từ 11 nước trụt xuống còn có 8. Mặc dù sự gia tăng đáng kể cho tự do, dân chủ, tuy nhiên trong những năm gần đây có vài sự giật lùi, đáng chú ý đặc biệt là cuộc đảo chánh ở Thái Lan. (…) Nhưng đây không là hiện tượng địa phương, mà là khuynh hướng “tự do bị đình trệ” chung – từ ngữ được tổ chức Freedom House sử dụng trong bản phúc trình miêu tả sự kiện các quốc gia tự do trong thế giới hết gia tăng từ năm 1998.

Một trong những lý do bị đình trệ là kết quả của những nỗ lực tập thể nhằm đẩy lui các cải cách dân chủ. Do quan điểm tự do và dân chủ mở rộng khắp thế giới, nên những chế độ độc đoán cùng nhau hợp tác mong đẩy lùi ngọn hải triều. Ví dụ như Tổ chức Hợp tác Thượng hải (gồm có Trung quốc, Nga và vài nước Trung Á) đặc biệt tấn công sự phù trợ của dân chủ bằng cách khăng khăng đòi hỏi cho họ quyền chọn lựa “con đường phát triển riêng”. Như kiểu khẳng định về “chủ quyền” để che giấu cuộc đàn áp tiếp diễn là điều chẳng mới lạ chi. Một vài nước thì khẳng định sự quan trọng của an ninh quốc gia trong việc đàn áp giới đối lập, một vài nước khác lại tranh luận việc dân chủ không thích ứng với văn hóa hay tín ngưỡng ở nước họ.

Điều quan trọng là khước từ những luận điệu như thế bằng sự thành công đóng góp vào tiến trình dân chủ hóa Châu Á. Lấy ví dụ như sự thành công dân chủ hóa và phát triển kinh tế tại Ấn Độ cho thấy thịnh vượng và dân chủ chẳng làm liên lụy nhau. Sự thành công tại Indonesia cho thấy một quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới vẫn có thể đón nhận giá trị phổ quát của tự do và nhân quyền. Dân chủ hóa tại Đài Loan và Nam Hàn không chỉ cho thấy rằng dân chủ có thể phấn đấu chung với các quốc gia theo đạo Khổng, mà công cuộc dân chủ hóa còn có thể đương đầu với những khiêu khích và mối đe dọa quân sự. Thực tế là nền dân chủ vang động tại hai nước này là vũ khí tối ưu chống lại sự bành trướng quân sự và cô lập chính trị.

Giống như Nam Hàn, hành trình dân chủ tại Đài Loan dài thăm thẳm. Hồi đầu thế kỷ 20, người Đài Loan đã thúc đẩy cho tự do chính trị dưới thời Nhật thuộc. Đệ nhị Thế chiến làm gián đoạn phong trào này, rồi Đài Loan rơi vào tay của chính thể quân phiệt Quốc Dân Đảng suốt 38 năm ròng. Dù bao sự cam go, hàng chục nghìn nhà hoạt động chính trị Đài Loan đã chiến đấu và hy sinh cho tự do mà chúng tôi được hưởng ngày nay.

Trong bốn thập niên tranh đấu của đời tôi, tôi luôn đóng vai trò tiên phong. Tôi là người khai sáng phong trào đòi bình đẳng cho phụ nữ Đài Loan vào thập niên 70, thời Đài Loan còn bị chà nghiến dưới luật pháp chiến tranh. Trong tư thế yêu sách nữ quyền, tôi nhận ra rằng tranh đấu cho nam nữ bình quyền phải đi đôi với đấu tranh cho quyền chính trị. Dân chủ sẽ không là dân chủ nếu một phân nửa nhân dân không được hưởng thụ ngang nhau các quyền tự do cơ bản như phân nửa kia. Tương tự như vậy, phong trào phụ nữ sẽ không được tương xứng bảo vệ và hưởng quyền khi chưa được luật pháp bảo vệ và không được quyền công bằng tham gia chính trị. Tôi gọi tư thế ấy là “Tay trái nắm Nữ quyền, tay phải giơ cao Dân chủ !”.

(…)

Chính vì vậy mà chúng ta phải cùng nhau hợp tác. Không để cùng nhau than thở chuyện đau buồn hay vỗ vai nhau tán thưởng, mà nói cho đúng, là nỗ lực tăng cường các xã hội dân sự, hậu thuẫn các phong trào xã hội trong các quốc gia chuyên chế, vì đây là những chất xúc tác không thể thiếu nhằm dân chủ hóa các quốc gia này.

Hoa huệ trắng là biểu tượng cho công cuộc dân chủ hóa Đài Loan. Giống như loài hoa, dân chủ cần có đất màu mỡ và nước để nở hoa. Một xã hội dân sự vững vàng là đất màu mỡ giúp cho nền dân chủ lành mạnh phát triển, và hậu thuẫn cho cộng đồng dân chủ là nước sẽ nuôi sống hạt giống tự do trong lòng mỗi quốc gia ức chế.

Chúng ta hãy cùng nhau hành động cho hoa dân chủ nở tràn khắp Châu Á ; chúng ta hãy cùng nhau hành động để nhân dân trên địa cầu gặt hái và thụ hưởng hoa trái của dân chủ.

Diễn văn Khai mạc của ông Võ Văn Ái,
Chủ tịch Diễn Đàn Dân chủ Á châu, tại cuộc Hội luận Dân chủ Châu Á
do Tiến trình Phi chính phủ thuộc Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ
cùng Đài Loan Dân chủ Cơ kim hội tổ chức tại Đài Bắc, 22-26.1.2007

Thưa Bà Phó Tổng thống Đài Loan tôn kính,
Thưa quý vị Quan khách và các Bạn,

Tôi vui mừng và xúc động cùng với quý vị tham dự cuộc Hội luận Dân chủ Châu Á hôm nay tại Đài Bắc. Nhìn thấy biết bao người từ xa đến, từ Phi châu, Âu châu, Mỹ châu, Á châu, các bạn lặn lội đến đây để cùng nhau xác định con đường chiến lược cho công cuộc Toàn cầu hóa Dân chủ.

Tôi muốn thán lên rằng : “Giấc mộng của tôi đã thành tựu”. Tôi không nói quá, vì thực sự là gần như cả đời tôi, đặc biệt kể từ khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt năm 1975, khi dân nước tôi vừa thoát khỏi nhiều thập kỷ chiến tranh hoang tàn, thì liền bị rơi ngay vào thảm cảnh khủng khiếp dưới chế độ độc đảng của nhà cầm quyền Hà Nội. Nên tôi không ngừng hoạt động nhằm kết hợp những nhà dân chủ Châu Á và trong thế giới để chung vai góp sức đấu tranh chống bất công, xây dựng dân chủ và hòa bình. Trải nhiều năm, tôi tổ chức nhiều cuộc hội luận tại các khóa họp của Ủy hội Nhân quyền LHQ ở Genève, những cuộc hội luận tại Quốc hội Châu Âu, rồi qua năm 2000 thành lập Diễn Đàn Dân chủ Châu Á với sự tham gia của nhiều nước Châu Á.

Giấc mơ của tôi lại được khai triển tại Durban ở Nam Phi, nhân Phong trào Dân chủ Toàn cầu họp Hội nghị lần thứ ba năm 2003. Lần đầu tiên tại đây, sau khóa hội thảo Châu Á do chúng tôi chủ trì, các đại biểu Châu Á lấy quyết định thiết lập mạng lưới dân chủ trong vùng. Chắc nhiều bạn có mặt hôm nay còn nhớ không khí thảo luận sinh động thời ấy thúc bước chúng ta vào cuộc cam kết này. Rồi bước thêm bước nữa ở Đài Bắc qua những khóa hội thảo Á châu ban đầu của cộng đồng dân chủ do Đài Loan Dân chủ Cơ kim hội tổ chức vào tháng 10.2004. Thế là giấc mộng dân chủ hoàn thành. Chúng tôi cho ra đời « Diễn đàn Thế giới Dân chủ hóa Á Châu » (World Forum for Democratization in Asia), một phong trào quy tụ những cá nhân, đoàn thể và tổ hợp trên khắp vùng Châu Á – Thái Bình dương. Ngày nay có thêm sự tham dự của những phong trào trên thế giới như “Phong trào Dân chủ Toàn cầu” (World Movement for Democracy) và “Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ” (Community of Democracies) để cất cao tiếng nói Á châu trong tiến trình dân chủ.

Từ lâu các chế độ độc tài biết rằng đoàn kết mới làm nên sức mạnh. Nên càng ngày càng nhiều, các quốc gia độc đoán này liên minh nhau nhằm bóp nghẹt các tự do dân chủ và mọi tiếng nói đối lập. Những gì xẩy ra tại LHQ là một ví dụ điển hình quanh sự tập họp của cái gọi là “Nhóm ngưu tầm ngưu” (Like Minded Group) và những quốc gia phá bĩnh – trong số có nhiều nước Á châu – quyết tìm mọi cách để dập tắt và làm tê liệt sự thăng tiến nhân quyền.

Nếu không cực kỳ khẩn cấp nỗ lực kết liên các quốc gia dân chủ, thì thứ liên minh trên đây sẽ giết chết sự tồn tại của LHQ như chúng ta chứng kiến ngày nay.

Tại đại lục Á Châu, dân chủ đang phải đối đầu nhiều thách thức, nhưng cũng tồn trữ những triển vọng vô hạn. Nơi mà hiện tượng Trung-Ấn (Chindia), là hai nước lớn Trung quốc và Ấn Độ, đang nắn dựng định mệnh Châu Á. Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và sức mạnh quân sự đang đưa Trung quốc lên địa vị siêu cường ở thế kỷ này. Nên “vấn đề Trung quốc” trùm lấp các sự vụ Châu Á. Tiến trình dân chủ – hay phi dân chủ – tại Trung quốc sẽ tác động trầm trọng tới sinh mệnh Châu Á và toàn cầu. Còn Ấn Độ, là quốc gia dân chủ lớn và lâu đời, mang lại niềm hy vọng lớn cho sự thăng tiến dân chủ trong vùng.

Châu Á cũng là chiếc nôi của những tôn giáo, những nền triết học lớn, làm trung tâm điểm tư tưởng và sinh hoạt cho người dân trên đại lục này. Trong nhiều quốc gia, những phong trào tôn giáo và tư tưởng như Phật giáo, Khổng giáo, Hồi giáo là những lực lượng sinh động của những xã hội dân sự. Cổ vũ cho khoan dung và đối thoại, các lực lượng tôn giáo này có thể đóng góp quan trọng cho tiến trình dân chủ.

Hiện nay, thách thức lớn cho sự thăng tiến dân chủ tại Á châu là luận điểm xem phát triển kinh tế như chiếc đũa thần. Tăng trưởng kinh tế cao vọt và bùng nổ kinh tế được nhiều quốc gia độc đoán sử dụng như lá chắn nhằm hợp pháp hóa cho địa vị quốc tế của họ, bất kể những đàn áp chính trị và vi phạm nhân quyền không ngừng tiếp diễn.

Tại Thượng đỉnh APEC hồi tháng 11 vừa qua tại Hà Nội, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Condoleeza Rice ca tụng Việt Nam và còn kêu gọi Bắc Hàn, Miến Điện nên “theo gương Việt Nam”. Bạn tôi, anh Carl Gershman, Giám đốc tổ chức NED, tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy tôi bực mình với nhận định của bà Ngoại trưởng. Nhưng tôi tin rằng lối nhận định như thế biểu hiện cho chiều hướng đáng lo. Sự kiện chỉ nhấn mạnh phát triển kinh tế mà thôi, không những sai lầm mà còn tối nguy hiểm. Giống như con người đi trên hai chân, một xã hội ổn định và thăng bằng cần có hai cột trụ chống đỡ. Đó là phát triển kinh tế và những tự do dân chủ. Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng không là lời bào chữa cho sự thiếu minh bạch, thiếu pháp quyền, hay đàn áp chính trị và xã hội.

Từ khi mở cửa kinh tế “theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, Việt Nam là ví dụ rành rành về những hậu quả tai hại của chủ trương mở cửa kinh tế nhưng không chịu cải tổ chính trị. Thiếu sự bảo hộ của tự do báo chí, tự do thành lập nghiệp đoàn, tự do hình thành những xã hội dân sự, và nền tư pháp độc lập, người dân không còn phương tiện tố cáo sự lạm quyền hoặc tìm phương loại bỏ các nỗi bất bình. Ở Hà Nội, mỗi ngày có hàng trăm nông dân, mà đa số là phụ nữ, tập họp tại Vườn hoa Mai Xuân Thưởng đối diện với cơ quan công quyền để phản đối việc Nhà nước cướp đất, lạm quyền và các tệ nạn xã hội khác. Nhiều người ăn chực nằm chờ hàng tháng tại vườn hoa. Họ thường bị công an đánh đập, bắt bớ. Đây là phong trào “Dân Oan” bao gồm những phụ nữ bị cướp đất, cướp nhà cửa, cướp đời sống – kể cả bản thân họ cũng bị cướp. Họ hiện hữu như một con số – con số của những lượt khiếu kiện lên chính quyền, con số của những Nghị định bảo vệ đủ thứ quyền ban hành trên giấy. Khối dân oan này tái diễn những con số, ngày này qua tháng khác trong mối tuyệt vọng, mong được nhà cầm quyền lắng nghe. Nhưng lời khiếu kiện của họ chỉ dội vào những lỗ tai điếc.

Từ cuộc Hội luận hôm nay, những đề xuất sẽ được thảo bàn và thông qua để đưa tới các chính phủ trong Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ làm thành biện pháp giải quyết cho những Tiếng Dân Oan ở Châu Á.

Tôi xin cầu chúc hội nghị thành công và cám ơn sự quan tâm của các bạn.

Check Also

VCHR và FIDH đệ trình báo cáo chung đến LHQ cho Kỳ Kiểm Điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) của Việt Nam

PARIS, ngày 11 tháng 10 năm 2023 (VCHR) : Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *