Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Ông Võ Văn Ái phản bác Phúc trình của Hà Nội trước khóa họp LHQ lần thứ 37 của Ủy ban Xóa bỏ mọi Hình thức Phân biệt đối xử với Phụ nữ

Ông Võ Văn Ái phản bác Phúc trình của Hà Nội trước khóa họp LHQ lần thứ 37 của Ủy ban Xóa bỏ mọi Hình thức Phân biệt đối xử với Phụ nữ

Download PDF

NEW YORK, ngày 16.1.2007 – Khóa họp lần thứ 37 của Ủy ban Xóa bỏ mọi Hình thức Phân biệt đối xử với Phụ nữ (CEDAW) đang diễn ra tại trụ sở LHQ ở Nữu Ước. Hôm qua, thứ hai 15.1.2007, ông Võ Văn Ái nhân danh Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam kiêm Phó chủ tịch Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền, lên tiếng phản bác Phúc trình của Phái đoàn Hà Nội về tình trạng người phụ nữ tại Việt Nam. Hà Nội thú nhận do chênh lệch giàu nghèo cao và một số phụ nữ lâm nạn nghèo khó ở nông thôn nên còn tồn đọng một số vấn đề. Nhưng theo bản phúc trình của Hà Nội thì người phụ nữ Việt Nam thụ hưởng mọi thứ quyền trong xã hội kể cả quyền bình đẳng nam nữ.

Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tham gia ký kết Công ước LHQ về Xóa bỏ mọi Hình thức Phân biệt đối xử với Phụ nữ năm 1982. Theo quy chế LHQ, mọi quốc gia thành vỉên phải phúc trình tình trạng phụ nữ tại nước mình mỗi 2 năm một lần kể từ khi gia nhập Công ước. Nhưng suốt 25 năm qua, lần này là lần phúc trình thứ 5 và 6 gọp chung trước Ủy ban. Sự kiện phúc trình không thường kỳ và trễ nãi, lại gọp chung hai kỳ một lần, cho thấy mối quan tâm của Hà Nội đối với thân phận người phụ nữ Việt Nam chẳng mấy nồng nàn nếu không nói buông trôi.

Kỳ họp này, ông Võ Văn Ái đệ trình Ủy ban bản Báo cáo phản bác dày 32 trang nói lên mối quan tâm trầm trọng về sự phân biệt đối xử người phụ nữ Việt cùng những xúc phạm Quyền phụ nữ. Trong lời phát biểu, ông Ái cho biết Hà Nội đã cố gắng ban hành nhiều chỉ thị và điều luật bảo vệ phụ nữ, nhưng trong thực tế, người phụ nữ không được hưởng các quyền ấy trên các lĩnh vực xã hội, kinh tế và chính trị : “Bạo hành gia đình, buôn bán phụ nữ và trẻ gái, mại dâm, virus HIV gia tăng trong giới nữ, cùng các vi phạm quyền sinh nở là những vấn nạn trầm trọng. Nhưng nhà cầm quyền hoặc làm ngơ hoặc không trừng phạt thích đáng những kẻ xâm phạm. Khiến cho người phụ nữ không dám tố cáo, và tưởng rằng các tệ nạn ấy được nhà nước và xã hội chấp nhận, bao che”.

Ông Ái cho rằng chính sách “Đổi mới” của Việt Nam chỉ nhắm gia tăng kinh tế, nhưng không cải tổ chính trị, mang lại hậu quả tiêu cực cho quyền phụ nữ. Người phụ nữ ngày nay phải đối đầu với đủ thứ bạo hành, bạo lực, bất công xã hội. Nhất là từ khi Nhà nước bãi bỏ trợ cấp y tế và học đường, người phụ nữ càng lâm cảnh khốn khó, bất lợi, đặc biệt ở nông thôn nơi 80% quần chúng sinh sống.

Dưới chính sách Đổi mới, nạn bán dâm được khai thác phổ biến, trầm trọng theo với sự chênh lệch giàu nghèo gia tăng kỷ lục cùng nạn tham nhũng. Đồng lõa với đường dây bán dâm là các cán bộ đảng cao cấp, công an và quân đội, nên ít khi bị truy tố trước pháp luật. Theo thống kê của Nhà nước thì 70% đàn ông mua dâm thuộc giới đảng viên và viên chức nhà nước, và tiêu xài bằng qũy đen. Vì vậy mà Quốc hội phải ra Chỉ thị mang số 10/2003/PL-UBTVQH11 trừng phạt những viên chức nhà nước mua dâm phụ nữ hoặc lợi dụng chức vụ bao che nạn mại dâm. Thế nhưng, Chỉ thị này trao cho đảng và nhà nước xử phạt hành chính nội bộ, không mang tính hình sự, nên không thông qua tòa án. Ngay gia đình tội phạm cũng không được thông báo. Ông Ái tố cáo rằng thứ luật pháp như thế “hoàn toàn vô hiệu quả” và “chỉ nhắm bao che cho cán bộ đảng viên thay vì trừng phạt giới hủ hóa này”.

Giới bán dâm, ma túy và phụ nữ bị nhiễm virus HIV được nhà nước xem như một “tệ nạn xã hội” bị chế độ bêu xấu, nên không có sách lược y tế quy mô, hữu hiệu nhằm ngăn ngừa, chữa trị. Trước khi có những hội nghị quốc tế (như SEA Games năm 2003, Thượng đỉnh ASEM năm 2004 hay Thượng đỉnh APEC tháng 11.2006) Nhà cầm quyền tung chiến dịch làm sạch đường phố nên bắt giam gái mại dâm, trẻ em bụi đời vào các “Trung tâm Bảo trợ xã hội”, là nơi không được luật pháp bảo vệ và điều kiện giam giữ tồi tệ.

Hàng trăm nghìn phụ nữ, được gọi là các “Cô dâu Việt”, bị rao bán sang các nước Cam Bốt, Trung quốc, Đại Hàn, Đài Loan, Mã Lai, Singapore, Thái Lan, Liên bang Nga, Tiệp, v.v… bị xem như cưỡng bức lao động trong những điều kiện cực kỳ khủng khiếp. Nhiều phụ nữ bị bán sang Trung quốc ở những vùng quê hẻo lánh, có khi nông dân nghèo ở đấy mua một phụ nữ “làm vợ” cho cả làng ! Ông Võ Văn Ái nói : “Người phụ nữ Việt bị đối đãi như súc vật”. Ông cũng trích dẫn nhiều phóng sự trên báo nhà nước cho biết : “Những phụ nữ nào tìm cách bỏ trốn sẽ bị cắt gân tay, chân. Những người này sau đó bị chấn động về mặt tâm lý hay bị loạn trí”.

Qua phát biểu cũng như trong bản Báo cáo phản chống Phúc trình của Phái đoàn Hà Nội, ông Ái đề cập nạn Dân Oan ngày càng phổ biến, bùng nổ, với sự kiện mỗi ngày hàng trăm phụ nữ đến khiếu kiện tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng ở Hà Nội. Họ là những phụ nữ bị cán bộ đảng, công viên chức cướp đoạt tài sản, đất đai, chịu đựng đủ thứ bất công và bất bình đẳng xã hội. Đối diện vườn hoa là cơ quan Tiếp dân, mà cũng là khu vực các quan chức đảng và nhà nước cư ngụ, nên giới phụ nữ mong được gặp cầu cứu giới quan to mặt lớn. Nhưng họ thường bị công an ngăn cản, đánh đập, có khi bắt bớ giam cầm. Thay vì giải quyết các nỗi oan trầm thống của dân đen, Nhà nước lại ban hành Nghị định số 38 vào tháng 3 năm 2005 cấm biểu tình trước các cơ sở công cộng. Ông Ái cho Ủy ban LHQ Xóa bỏ mọi Hình thức Phân biệt đối xử với Phụ nữ biết là Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam nhận được hàng trăm đơn khiếu kiện của người phụ nữ cùng nhiều ảnh chụp thương tâm thuộc giới Dân Oan này để xin can thiệp đến LHQ.

Ông Võ Văn Ái nhận định : “Nhà cầm quyền Việt Nam đưa lý do nghèo khổ và chênh lệch giàu nghèo làm chướng ngại cho bình quyền nam nữ. Nhưng trong thực tế, chướng ngại duy nhất đến từ thể chế độc đảng và độc quyền của Việt Nam, với sự thiếu minh bạch và thiếu các tự do chính trị, cộng thêm sự kiểm soát toàn triệt của Đảng Cộng sản Việt Nam, là nguyên nhân chính nẩy sinh tình trạng bất bình quyền nam nữ, bất bình đẳng xã hội cũng như những khủng hoảng khác trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, tôn giáo, môi sinh, v.v…”.

Kết luận, ông Ái kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam “cải tổ chính trị” và “tạo dựng một hoàn cảnh xã hội đa nguyên và đa đảng trong chính trị để cho người phụ nữ được quyền tham gia vào tiến trình phát triển trên các lĩnh vực xã hội, kinh tế, tri thức và chính trị”. Ông cũng kêu gọi “Nhà cầm quyền Việt Nam bảo đảm quyền tự do cho phụ nữ để họ được thiết lập các tổ chức phi chính phủ, các xã hội dân sự, phát hành báo tư nhân và công đoàn tự do. Những thiết chế ấy sẽ giúp cho việc bảo vệ và ngăn ngừa những hành xử phân biệt đối xử đồng thời cung ứng cơ cấu mới nhằm bảo vệ hữu hiện Quyền phụ nữ. Hiện nay giới Phụ nữ chỉ được quyền tham gia Liên hiệp Phụ nữ là hội phụ nữ duy nhất do Đảng Cộng sản điều hành và kiểm soát.

“Đặc biệt đề nghị Việt Nam chấp thuận ký kết trong khóa họp kỳ này Nghị định thư không bắt buộc kèm theo Công ước Xóa bỏ mọi Hình thức Phân biệt đối xử với Phụ nữ (Optional Protocol to the Convention on the Elimination of All Forms of Discrimination againsnt Women) mà Ủy ban LHQ Xóa bỏ mọi Hình thức Phân biệt đối xử với Phụ nữ (CEDAW) không ngừng thúc đẩy Việt Nam tham gia để mọi người phụ nữ tại Việt Nam được toàn quyền tiếp cận các cơ cấu khiếu nại như LHQ”.

This post is also available in: English French

Check Also

VCHR và FIDH đệ trình báo cáo chung đến LHQ cho Kỳ Kiểm Điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) của Việt Nam

PARIS, ngày 11 tháng 10 năm 2023 (VCHR) : Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *